Thời gian gần đây, Believe đang nổi lên là cái tên đáng chú ý trong hệ sinh thái Solana với token LAUCHCOIN tăng trưởng hơn 30 lần chỉ trong 2 ngày. Sự bùng nổ của Believe cũng mở ra một xu hướng mới có tên là ICM (Internet Capital Markets). Vậy chi tiết Believe và xu hướng ICM này có gì đặc biệt, hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Internet Capital Markets (ICM) - Xu Hướng Mới Trong Thị Trường Crypto

Với sự phát triển không ngừng của thị trường Crypto, các mô hình kêu gọi vốn và phát hành token cũng đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng được cải tiến để phù hợp với thị trường:

  • ICO/IEO (2017 - 2018): ICO là mô hình kêu gọi vốn giai đoạn đầu nơi dự án tự phát hành token và bán cho các nhà đầu tư và người mua đầu tư thường dựa vào Whitepaper để đánh giá dự án. Một số dự án tiêu biểu trong giai đoạn này là Ethereum, EOS, Tezoz,.... Tuy nhiên mô hình này tồn tại nhiều vấn đề như không kiểm soát, nhiều dự án lừa đảo dẫn đến làn sóng Rug vào năm 2018. Sau đó, mô hình IEO được cho là mang nhiều nét cải tiến khi có sự kiểm duyệt của sàn giao dịch nhưng vẫn tập trung và phụ thuộc vào sàn, không mở rộng được cho mọi Builder.
  • IDO (2019 - 2020): Đây là bước phi tập trung hóa đầu tiên khi dự án phát hành token thông qua sàn Dex như PancakeSwap,... Điều này giúp dự án nào cũng có thể phát hành token của mình và thanh khoản ban đầu cũng được mở rộng thông qua LP Pools. Tuy nhiên mô hình này vẫn gặp phải nhiều nhược điểm như dễ bị Bot Front-run, giá biến động mạnh và khó hiểm soát chất lượng đầu vào.
  • Fair Launch (2020 - 2021): Mô hình nơi tất cả người dùng đều được phân phối token một cách công bằng, không có Private Sale hoặc ưu đãi dành cho VC. Yearn Finance là dự án tiêu biểu trong giai đoạn này khi 100% phân phối token thông qua Liquidity Mining. Tuy nhiên, Fair Launch vẫn gặp phải một vài vấn đề liên qua đến thiếu vốn phát triển ban đầu cũng như khó giữ chân Builder lâu dài
  • Point Farming (2022 - 2023): Dự án không phát hành token ngay lập tức mà thay vào đó, người dùng Farming Point thông qua các hoạt động On-chain hoặc tương tác với sản phẩm. Một số dự án tiêu biểu trong giai đoạn này như Blur, EigenLayer,... Mô hình này mang đến ưu điểm thúc đẩy hành vi của người dùng trước khi ra token nhưng nhược điểm thời gian kéo dài, dễ bị Farm ảo và Bot Spam hệ thống
  • Bonding Curve Launch (2023 - 2024): Dự án sử dụng Bonding Curve để tạo ra thanh khoản tự động cho Token, giá token tăng dần theo số lượng mua. Mô hình này mang đến nhiều ưu điểm khi người dùng có thể khởi tạo một dự án tức thì, không cần Pool thanh khoản riêng tuy nhiên chính vì điều này nên token cũng dễ bị thao túng và phí giao dịch tương đối cao ở giai đoạn đầu. Pump.fun là dự án tiêu biểu nhất với mô hình này.

Trong giai đoạn 2025 này, xuất hiện một xu hướng mới đang định hình lại toàn bộ cấu trúc thị trường vốn trên Internet đó là Internet Capital Markets (ICM). Đây không chỉ đơn thuần là là một thuật ngữ mới mà còn mở ra một thị trường vốn phi tập trung nơi ý tưởng có thể được token hóa, niềm tin trở thành thanh khoản và cộng đồng trở thành nhà đầu tư sớm.

Hãy tưởng tượng bạn là một lập trình viên và đã tạo ra một trò chơi trên máy tính đơn giản nhưng gây nghiện. Trò chơi của bạn có lượng người dùng và sự chú ý tốt vì vậy bạn rất muốn tiếp tục cải thiện nó trong khi cũng muốn kiếm được một khoản tiền từ nó. Sẽ có 2 lựa chọn:

  • Lựa chọn 1: Liên hệ với các quỹ đầu tư để kêu gọi vốn. Điều này có thể sẽ thành công nhưng các quỹ đầu tư sẽ can thiệp sâu vào trong sản phẩm của bạn khiến bạn mất tiếng nói trong quá trình phát triển sản phẩm
  • Lựa chọn 2: Truy cập vào X và chỉ cần đăng "$Coins + @launchcoin" chẳng hạn thì ngay lập tức một token được tạo ra với Bonding Curves và cấu trúc phí được xác định trước. Bạn không cần phải thông qua một bên trung gian nào và được tài trợ trực tiếp từ sự chú ý mà bạn tạo ra.

Lựa chọn thứ 2 là chính là Internet Capital Markets nơi bất kì ý tưởng nào cũng có thể được token hóa và được cấp vốn trực tiếp bởi người dùng trên Internet nếu ý tưởng đó đủ hấp dẫn và thu hút sự chú ý của mọi người. Không giống các mô hình cũ chỉ phù hợp với dự án có quy mô lớn hoặc đội ngũ chuyên nghiệp, ICM cho phép cả Solo Builders, Indie Developers, Influencer hay Content Creators huy động vốn cho ý tưởng ngay từ ngày đầu tiên. Điều này làm thay đổi hoàn toàn Logic gọi vốn trong thế giới Web3:

  • Từ bị động gọi vốn → Chủ động kích hoạt cộng đồng
  • Từ phụ thuộc quỹ đầu tư → Tự gây dựng niềm tin từ người dùng
  • Từ cam kết dài hạn mù mờ → Token hóa niềm tin với tính thanh khoản tức thì

Điều đáng nói là những người mua token không chỉ đơn thuần là đầu cơ mà họ trở thành người ủng hộ sớm và sẽ chia sẻ upside nếu dự án thành công.

Believe  - Hạ Tầng Cốt Lõi Dẫn Dắt Xu Hướng Internet Capital Markets Trên Solana

Nổi lên từ hệ sinh thái Solana, Believe không chỉ là một nền tảng phát hành token mà đang trở thành cơ sở hạ tầng cốt lõi của xu hướng ICM. Với cơ chế Tweet to Launch đơn giản giúp bất kì ai cũng có thể khởi tạo một token mới chỉ bằng một dòng Tweet mà không cần biết viết Smart Contract, không cần qua vòng thẩm định VC hay pháp lý truyền thống. Chẳng hạn như: @launchcoin $NUGGS

Chỉ với thao tác này, hệ thống sẽ tự động tạo một token sử dụng Bonding Curve, thiết lập giá khởi điểm và cung cấp thanh khoản ban đầu. Bất kì ai cũng có thể mua token, giá token tăng dần theo nhu cầu còn người tạo token sẽ nhận về phí giao dịch được chia sẻ 50% cùng với nền tảng. Cơ chế hoạt động chi tiết của Believe diễn ra như sau:

  • Token bắt đầu với phí giao dịch rất cao (8 - 10%) trong những giao dịch đầu (chống Bot) sau đó giảm dần về mức 2%. Khi token đạt Marketcap 100k, nó sẽ tốt nghiệp và được di chuyển sang Pool thanh khoản sâu hơn trên Meteora, giúp giao dịch ổn định và chuyên nghiệp hơn
  • Chia sẻ doanh thu và cơ chế giữ chân Builder: 50% phí giao dịch thuộc về Creator và 50% còn lại thuộc về nền tảng Believe. Doanh thu sẽ được chia trả dần theo thời gian nhằm tránh tình trạng Builder nhận tiền xong rồi từ bỏ dự án.
  • Không cần biết kĩ thuật phức tạp để tạo token trên Dex, không cần thông qua VC hay gọi vốn truyền thống. Chỉ cần một dòng Tweet đúng cú pháp, token sẽ được phát hành và niêm yết trên app Believe.

Dù mới ra mắt được một thời gian ngắn nhưng Believe đã tỏ rõ sức hút của mình và nhanh chóng trở thành trung tâm trên hệ sinh thái Solana và nhận được sự chú ý của toàn bộ thị trường. Điều này đạt được khi Believe mang đến 3 điểm nổi bật sau:

  • Tận dụng tối đa hạ tầng của Solana: Với TPS cao, độ trễ thấp, phí gas gần như bằng 0 giúp việc thử nghiệm ý tưởng trở nên gần như không rủi ro về mặt chi phí. Ngoài ra giao dịch gần như tức thì biến Attention thành Capital chỉ trong vài phút sau khi Tweet
  • Thiết kế tăng trưởng theo cơ chế Flywheel: Token tăng giá --> Volume tăng --> phí giao dịch tăng --> Create có động lực để xây dựng sản phẩm --> người dùng mới Fomo tham gia ---> Token tiếp tục tăng. Điều này tạo ra một hiệu ứng vòng xoáy tăng trưởng tích cực nếu ý tưởng đủ hấp dẫn.
  • Giao diện đơn giản, không cần Code: Từ Dev đến Content Creator, từ Influencer đến Memeber bất kì ai cũng có thể thử nghiệm. Điều này giúp Believe trở thành Launchpad dân chủ hóa thực sự, khác biệt hoàn toàn với ICO, IEO, IDO vốn đòi hỏi kĩ thuật và vòng kiểm duyệt khắt khe

Hệ Sinh Thái Believe & Hiệu Ứng Lan Tỏa

Dù đã ra mắt được 2 tháng nhưng Believe mới chỉ bùng nổ trở lại trong vài ngày gần đây nhưng đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý. Hơn 1.000 dự án được ra mắt chỉ trong vài ngày và tổng số token được phát hành trên Believe đã hơn 3.200 token. Tổng vốn hóa thị trường của hệ sinh thái Believe đã vượt ngưỡng 500 triệu USD với khối lượng giao dịch tích lũy vượt 250 triệu USD. 

Một vài thống kê nổi bật trên Believe

Một con số khủng khiếp và sau đây là một số dự án đáng chú ý trong hệ sinh thái Believe:

Dupe - Ứng dụng tìm kiếm hàng hóa thú vị

Chắc hẳn mọi người đã từng trải qua cảm giác nhìn thấy một món nội thất rất đẹp trên mạng và muốn mua nó về đặt trong nhà nhưng nhìn vào bảng giá thì nhấn thấy nó quá đắt. Đây chính là lúc Dupe phát huy tác dụng, chỉ cần dán URL của sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Amazon, IKEA,... Dupe sẽ ngay lập tức tìm những sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với mức giá rẻ hơn đáng kể. Cơ chế tìm kiếm có thể sử dụng AI/ML hoặc API tìm kiếm sản phẩm tương tự trong các kho hàng Online.

Dupe đã sử dụng nền tảng Believe để phát hành Token DUPE. Người dùng có thể sử dụng token DUPE để nhận chiết khấu lớn hơn, mở khóa các tính năng nâng cao hoặc tham gia các ưu đãi nội bộ. Điều này biến token DUPE thành một công cụ tài chính tích hợp vào sản phẩm chứ không phải chỉ là token để đầu cơ đơn thuần.

Noodle - Trò chơi P2E lấy cảm hứng từ Agar.io

Mọi người còn nhớ trò chơi agar.io đình đám không nơi người chơi tham gia điều khiển một con rắn hoặc vật thể hình tròn, ăn các mảnh nhỏ để tăng kích thước rồi tiêu diệt người chơi khác trên bản đồ để trở nên lớn hơn và mạnh hơn. Giờ đây, ALex Leiman - một Builder trong cộng đồng Crypto đã mang Concept này vào thế giới Web3 thông qua trò chơi có tên Noodle.

Theo đó, Noodle giữ nguyên cơ chế Gameplay như Agar.io nhưng kết hợp mô hình Play to Earn thông qua token riêng NOODLE được phát hành thông qua nền tảng Believe. Quy trình hoạt động của Noodle diễn ra như sau:

  • Người chơi cần nạp token NOODLE để bắt đầu tham gia Game
  • Trong quá trình chơi, token NOODLE xuất hiện như phần thưởng trong Game
  • Nếu người chơi giết được người chơi khác thì sẽ ăn phần di hài chứa token của họ
  • Người nào sống sót lâu nhất hoặc tiêu diệt được nhiều người nhất sẽ thu về nhiều token nhất tức là kiếm được nhiều tiền nhất trong Game.

Chỉ sau 2 tiếng kể từ khi ra mắt, người chơi đã kiếm được tổng cộng 30.000 USD thông qua cơ chế phần thưởng trong Game. Đây là minh chứng rõ ràng cho khả năng tạo thanh khoản và thu hút dòng tiền ngay lập tức từ mô hình kết hợp giữa GameFi và ICM.

Ngoài 2 dự án này thì trên hệ sinh thái Believe còn nhiều dự án đáng chú ý khác như BUMP, GOONC, STARTUP,.... Tất cả tạo nên một hệ sinh thái đa dạng khi mỗi dự án đều mang màu sắc riêng.

Lợi Ích Và Rủi Ro Trong Mô Hình Internet Capital Markets

Mô hình ICM mang đến nhiều cơ hội dành cho tất cả mọi người từ lập trình viên đến người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hay chỉ là một người có ý tưởng sáng tạo về một sản phẩm nào đó đều có thể phát hành token và tiếp cận vốn từ cộng đồng toàn cầu. Đây là sự chuyển dịch từ quyền lực của nhà đầu tư sang sức mạnh của cộng đồng nơi cộng đồng là người đánh giá tiềm năng và quyết định đầu tư

Dù mang lại nhiều cơ hội, mô hình ICM cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Đáng kể nhất là nguy cơ Rug Pull, lừa đảo. Với rào cản phát hành token gần như bằng 0, ai cũng có thể tạo ra token chỉ để tận dụng Fomo và thu lợi từ phí giao dịch ban đầu sau đó bốc hơi cùng toàn bộ số vốn huy động được. Điều này gây tổn thất lớn cho cộng đồng và làm suy giảm niềm tin vào toàn bộ mô hình.

Một rủi ro đáng lưu ý khác là thiếu vắng hành lang pháp lý rõ ràng. Vì token trong ICM chưa được phân loại chính thức là chứng khoán, hàng hóa hay đơn vị quyền lợi nên nhà đầu tư không được bảo vệ pháp lý khi dự án thất bại hoặc Founder biến mất. Việc không có cơ chế pháp lý ràng buộc khiến người đầu tư phải tự chịu toàn bộ rủi ro – một điều rất khác biệt so với các mô hình đầu tư truyền thống.

Ngoài ra, thị trường ICM hiện tại đang bị chi phối phần lớn bởi yếu tố đầu cơ thay vì giá trị thực. Nhiều dự án được tạo ra chỉ để bắt trend, dựa trên Meme hoặc Viral Content mà không có bất kỳ sản phẩm cụ thể nào đứng sau. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đổ tiền theo hiệu ứng Fomo mà không đánh giá đúng rủi ro, dễ dẫn đến thua lỗ.

Sự dễ dàng trong việc phát hành token cũng khiến thị trường bị ngập lụt bởi các dự án rác, gây nhiễu loạn thông tin. Việc có hàng nghìn token được tạo mỗi ngày khiến người dùng không thể phân biệt đâu là dự án có tiềm năng thực sự, đâu là dự án chỉ tồn tại để lướt sóng. Nếu không có công cụ lọc, phân tích và kiểm tra Background người phát hành, rủi ro đầu tư càng cao. 

Tổng Kết

Internet Capital Markets đang mở ra một kỷ nguyên mới cho thị trường vốn: nhanh hơn, mở hơn, và mang tính cộng đồng cao hơn. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Người tham gia ICM cần có kiến thức, kỹ năng phân tích và tư duy quản trị rủi ro phù hợp. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng mọi người đã có những kiến thức bổ ích.