Trong bối cảnh thị trường DeFi không ngừng thay đổi, Pendle đang dần khẳng định vị thế của mình như một ngôi sao sáng, dẫn đầu trong lĩnh vực giao dịch lợi suất cố định. Từ khi ra mắt vào năm 2020, đội ngũ Pendle đã không ngừng đổi mới để mang lại các giải pháp tối ưu cho người dùng trong thị trường DeFi. Gần 5 năm trôi qua - một khoảng thời gian dài trong thị trường Crypto, Pendle đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc và sẵn sàng chinh phục những thử thách mới trong năm 2025
Pendle 2024: Năm Của Những Cột Mốc Đột Phá
Những thông số onchain ấn tượng
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với Pendle khi thị trường chứng minh nhu cầu thực sự mạnh mẽ về lợi suất cố định trong DeFi. Từ mức ban đầu chỉ 230 triệu USD vào đầu năm 2023, TVL của Pendle đã tăng vọt gấp 20 lần lên 4.4 tỷ USD vào cuối năm 2024. Số lượng địa chỉ ví trên Pendle cũng có sự tăng trưởng cực kì mạnh mẽ từ mức 35k vào giữa năm 2023 lên tới gần 400k vào cuối năm 2024. Khối lượng giao dịch thậm chí còn ấn tượng hơn, đạt mức trung bình hàng ngày 96.4 triệu USD trong năm 2024 so với chỉ 1.1 triệu USD của năm trước.
Khi niềm tin vào Pendle tăng lên thì cũng có nhiều người thoải mái nắm giữ các vị thế PT lớn, thậm chí hơn 100 triệu USD. Vào ngày 26/06/2024, đã xảy ra sự kiện đáo hạn lớn nhất trên Pendle lên tới 3.8 tỷ USD và toàn bộ vị thế đã được xử lí chỉ trong vài ngày. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển khủng khiếp của Pendle trong năm 2024 vừa qua thì nếu coi Pendle là một Blockchain thì TVL của họ xếp thứ 5 chỉ sau Ethereum, Solana, Tron và BNB Chain.
Nếu xét TVL của Pendle với các dự án DeFi Yield Blue Chip khác thì Pendle chiếm đến 50% thị phần, đáng chú ý là Pendle chỉ mất khoảng 3 tháng để vươn lên vị trí số 1. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dùng đối với Pendle là rất lớn và từ một phân khúc nhỏ thì Pendle đã biến Yield Trading thành một phân khúc lớn nhất trong thị trường DeFi.
Tác động lớn của Pendle lên toàn bộ hệ sinh thái DeFi
Năm 2024, Pendle đã niêm yết gần 200 nhóm tài sản khác nhau trên 5 mạng lưới Blockchain, trung bình sẽ có 4 thị trường mới hàng tuần. Vào giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 12/2024, Pendle đã có 121 thị trường hoạt động đồng thời tăng 2.5 lần so với cùng kì năm trước. Nhưng không chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vị mà những thị trường này đã trở thành trung tâm cho các dự án DeFi xây dựng chiều sâu thanh khoản của họ.
48% TVL của Ethena do Pendle tạo ra. Trong mảng BTCFi thì cứ 100 BTC được Restake thì có tới 42 BTC được gửi qua Pendle. Mức tăng trưởng TVL thần tốc của Usual từ 300 triệu USD lên 1.2 tỉ USD thì Pendle cũng đóng góp tới 30%. Không chỉ tồn tại ở các giao thức, các hệ sinh thái như Arbitrum, Zircuit và Berachain đã thành công trong việc thúc đẩy tính thanh khoản thông qua Pendle.
Bản thân các PT Pendle cũng phát triển thành một nền kinh tế phụ trị giá 1.2 tỷ USD, đóng góp 3.3% tổng tài sản thế chấp trên tất cả các thị trường Lending trong các chuỗi EVM. Khoảng 20% tiền gửi vào Morpho cũng là từ tài sản của Pendle.
Dù 2024 là một năm cực kì thành công với những bước phát triển lớn biến Pendle thành nền tảng Yield Trading hàng đầu. Tuy nhiên, Pendle chưa dừng lại ở đó. Năm 2025, dự án đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên hàng nghìn tỷ USD, mở rộng sang các hệ sinh thái non-EVM, kết nối với tài chính truyền thống (TradFi) và cung cấp các sản phẩm tài chính phức tạp hơn.
Ba Trụ Cột Phát Triển Của Pendle
Cải tiến phiên bản Pendle V2
Hiện tại, thị trường lợi suất trên chuỗi (Onchain Yield Market) tạo ra khoảng 17.7 tỷ USD lợi suất mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ có 4.97% (~880 triệu USD) được giao dịch trên Pendle. Điều này nghĩa là mới chỉ có một phần nhỏ lợi suất trên thị trường được biến thành tài sản có thể giao dịch trên Pendle và tiềm năng chưa khai thác của thị trường này là rất lớn.
Vì vậy việc ra mắt Pendle V2 là một bước khởi đầu cho tham vọng hiện thực hóa mục tiêu trở thành lớp nền tảng cho toàn bộ thị trường Yield. Trong phiên bản V2 này sẽ có những cải tiến sau:
- Mở rộng hệ sinh thái: Hiện tại, Pendle là giao thức Permissionless nghĩa là bất cứ ai cũng có thể triển khai Pool lợi suất mà không cần sự cho phép từ đội ngũ Pendle. Trong thời gian tới, Pendle sẽ tích hợp tính năng này trực tiếp vào giao diện UI, giúp bất kì ai cũng có thể tạo thị trường lợi suất riêng. Cách tiếp cận này giúp Pendle mở rộng quy mô nhanh hơn, thu hút nhiều người dùng và tài sản hơn.
- Cơ chế Dynamic Fees: Việc tối ưu hóa phí là một yếu tố quan trọng để cân bằng lợi ích của nhà cung cấp thanh khoản, người dùng và sự bền vững của giao thức. Vì vậy trong phiên bản cải tiến này, Pendle sẽ áp dụng cơ chế Dynamic Fees, giúp các Pool luộn đạt mức tối ưu ngay cả khi lãi suất thay đổi. Điều này giúp các LP kiếm được lợi nhuận cao hơn trong khi người dùng vẫn có thể giao dịch với chi phí hợp lí.
- Cải tiến vePENDLE: Hiên tại, vePENDLE chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động Voting Onchain hàng tuần. Tuy nhiên, điều này lại hạn chế sự tham gia của những người dùng nhỏ lẻ. Vì vậy, sẽ có những cải tiến mới trong việc mở rộng các tùy chọn cho vePENDLE giúp bất kì ai dù nắm giữ ít hay nhiều đều có thể tham gia vào hệ sinh thái.
Xây dựng Citadels - Mở rộng phạm vi hoạt động của Pendle
Hiện tại, Pendle chỉ hoạt động trong hệ sinh thái EVM. Tuy nhiên không có lí do gì để Pendle bị giới hạn trong phạm vi này. Vì vậy, Pendle đang xây dựng 3 Citadels - mỗi Citadel tập trung vào một thị trường chiến lược:
- PT cho hệ sinh thái ngoài EVM: Mục tiêu đầu tiên của Pendle là mở rộng sang các Blockchain không phải EVM như Solana, Ton hay Hyperliquid. Các hệ sinh thái này đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua, thu hút hàng triệu người dùng mới. Vì vậy, sự xuất hiện trên các Blockchain này giúp Pendle tiếp cận được một lớp người dùng hoàn toàn mới, giúp mở rộng thị phần của Pendle trên thị trường.
- PT cho TradFi: Thị trường phái sinh lãi suất toàn cầu có quy mô lên đến 558 nghìn tỷ USD, gấp 30.000 lần so với thị trường DeFi hiện tại. Vì vậy, đây là một thị trường cực kì màu mỡ đối với các dự án DeFi chứ không chỉ riêng Pendle. Mục tiêu của Pendle là cung cấp các sản phẩm lợi suất cố định cho các tổ chức tài chính truyền thống thông qua mô hình tuân thủ KYC. Điều này được Pendle thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối lợi suất DeFi đến các tổ chức tài chính truyền thống. Ngoài ra, Pendle cũng sẽ hợp tác với Ethena và các đối tác tài chính truyền thống để tạo các SPV (Special Purpose Vehicle) riêng biệt, được quản lý bởi các quỹ đầu tư có giấy phép.
- PT cho quỹ Hồi giáo: Thị trường tài chính Hồi giáo trị giá 3.9 nghìn tỷ USD với sự hiện diện ở hơn 80 quốc gia. Trong một thập kỉ qua, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường này đều rất tốt ở mức 10%. Vì vậy xây dựng một Citadel tuân thủ nguyên tắc Shariad, đáp ứng các yêu cầu của tài chính Hồi giáo là một hướng đi quan trọng giúp Pendle mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và thu hút một lượng vốn khổng lồ từ khu vực Hồi giáo.
Boros - Định hình Lại Giao Dịch Lợi Suất Trong Thị Trường Crypto
Là nền tảng giao dịch lợi suất hàng đầu trên thị trường, Pendle đã chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu giao dịch lợi suất. Các thị trường lợi suất trong Pendle V2 đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu phòng hộ (hedging) và đầu cơ (speculation) đối với lợi suất. Sự xuất hiện của Boros giúp Pendle cải tiến hơn nữa:
- Hỗ trợ giao dịch mọi loại lợi suất từ DeFi, CeFi đến các thị trường TradFi như lãi suất LIBOR hoặc lãi suất thế chấp (mortgage rates).
- Giúp Pendle mở rộng quy mô, tiếp cận với nhiều thị trường hơn.
Chiến lược đầu tiên của Boros là tập trung vào nguồn lợi nhuận lớn nhất trong toàn bộ thị trường Crypto - Funding Rates. Hàng ngày, có 150 tỷ USD Open Interest trên các sàn giao dịch phái sinh nơi các Trader liên tục trả hoặc nhận funding rate mỗi giây. Khối lượng giao dịch trên thị trường Perp thậm chí cao hơn cả chục lần so với thị trường Spot và đương nhiên vượt xa quy mô thị trường hiện tại của Pendle V2.
Đã có rất nhiều dự án DeFi tận dụng Funding Rate này để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Chẳng hạn như Ethena - một giao thức kiếm lợi suất bằng cách tận dụng Funding Rate trên các nền tảng Perp DEX.
- Khi Funding Rate cao, Ethena kiếm được lợi nhuận lớn từ các trader trả phí Funding.
- Khi Funding Rate giảm mạnh hoặc âm, Ethena có thể mất đi nguồn thu nhập chính, ảnh hưởng đến tính bền vững của giao thức.
Vấn đề là Funding Rate có thể biến động mạnh theo từng giờ vì vậy Ethena không thể kiểm soát được hoàn toàn và điều này khiến thu nhập của nên tảng trở nên không ổn định. Sự xuất hiện của Boros sẽ giải quyết những vấn đề này. Boros cho phép Ethena khóa mức Funding Rate cố định, giúp ổn định nguồn thu và bảo vệ giao thức khỏi biến động mạnh. Điều này giúp Ethena đảm bảo lợi nhuận bền vững mà không bị phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thị trường.
Để hiểu rõ hơn thì sau đây là cách thức hoạt động của Boros:
- Boros sử dụng hợp đồng tài chính phái sinh để tạo ra một thị trường giao dịch Funding Rate
- Đối với Trader A cần phòng hộ rủi ro Funding Rate, họ có thể bán dòng lợi suất thả nổi (floating yield) và mua vào dòng lợi suất cố định (fixed yield). Điều này đồng nghĩa với việc, Trader A đã chốt ở một mức Funding Rate cố định, giúp bảo vệ lợi nhuận khỏi biến động Funding Rate.
- Đối với Trader B muốn chấp nhận rủi ro Funding Rate để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn thì họ có thể mua dòng lợi suất thả nổi với kỳ vọng rằng Funding Rate sẽ duy trì ở mức cao. Trader B nhận Funding Rate thả nổi, có thể kiếm được lợi suất cao hơn nếu thị trường thuận lợi.
Quay lại trường hợp của Ethena, nếu họ muốn đảm bảo mức Funding Rate 5% cố định, họ có thể sử dụng Boros để bán lợi suất thả nổi và nhận lợi suất cố định 5%. Nếu Funding Rate giảm xuống 2%, Ethena vẫn kiếm được 5% thay vì chỉ 2%. Nếu một quỹ đầu tư tin rằng Funding Rate sẽ tăng từ 5% lên 10%, họ có thể mua lợi suất thả nổi thông qua Boros để tận dụng mức Funding Rate cao hơn.
Token PENDLE Đóng Vai Trò Như Thế Nào Trong Hệ Sinh Thái
Với châm ngôn phát triển "ở đâu có lợi nhuận, ở đó có Pendle". Điều này nhấn mạnh rằng Pendle có mặt ở mọi nơi có lợi suất tài chính từ DeFi đến CeFi. Khi nhu cầu yield trading tăng lên, vai trò của Pendle sẽ ngày càng quan trọng. Pendle không chỉ cung cấp nền tảng giao dịch lợi suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm ba trụ cột chính:
- Pendle V2: Phiên bản cốt lõi của Pendle, nơi người dùng có thể giao dịch lợi suất cố định và thả nổi.
- Citadels: Mở rộng Pendle ra ngoài hệ sinh thái EVM, đưa giao thức đến các thị trường như Solana, TradFi và Islamic Finance.
- Boros: Một sản phẩm đột phá cho phép phòng hộ (hedging) Funding Rates, giúp các tổ chức và trader có thể kiểm soát rủi ro và tối ưu lợi nhuận.
Vào năm 2024, những người nắm giữ vePENDLE đã nhận về mức APY trung bình lên tới 40% - một mức lợi suất cực kì hấp dẫn trong DeFi. Vào cuối năm 2024, Pendle đã phân phối 6.1M USD airdrop cho những người nắm giữ vePENDLE. Sang năm 2025 này với 3 trụ cột chính đã được Pendle vạch ra thì tất cả giá trị được tạo ra từ ba trụ cột này cũng sẽ chảy về vePENDLE. Điều này giúp Pendle duy trì được niềm tin với cộng đồng và vị thế của mình trên thị trường.
Tổng Kết
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Pendle, đưa nền tảng này trở thành giao thức giao dịch lợi suất hàng đầu trong DeFi. Năm 2025 sẽ là thời điểm Pendle tiến xa hơn, không chỉ chinh phục DeFi mà còn mở rộng sang TradFi. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ, Pendle đang dần hiện thực hóa mục tiêu "ở đâu có lợi suất, ở đó có Pendle", tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái tài chính phi tập trung.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- ManusAI Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử ManusAI - April 23, 2025
- Stoke Fire Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Stoke Fire - April 23, 2025
- RateX Kết Hợp Kyros Finance: Ra Mắt Chiến Dịch Đặc Biệt Với kySOL-2506 - April 23, 2025