DeFi đang chứng kiến sự thay đổi lớn với sự xuất hiện của M0  Protocol, một giao thức mới mang lại cơ chế phát hành tài sản kỹ thuật số được bảo chứng bằng tài sản thực, đặc biệt là U.S. Treasury Bills (T-bills). Thay vì sử dụng mô hình Stablecoin tập trung hoặc thuật toán, M0  Protocol giới thiệu cách tiếp cận phi tập trung với sự tham gia của Minters, Validators và Earners, đảm bảo rằng mỗi token M được phát hành đều có tài sản bảo chứng thực tế.

Với việc tích hợp các cơ chế quản trị Two Token Governor (TTG) cùng mô hình thế chấp bằng tài sản truyền thống, M0  Protocol không chỉ tạo ra một phương thức lưu trữ giá trị an toàn mà còn cung cấp nền tảng vững chắc để phát triển các Stablecoin và sản phẩm tài chính trên Blockchain. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào cách M0  Protocol vận hành, từ cơ chế phát hành token M, mô hình quản trị, đến hệ sinh thái đang mở rộng xung quanh giao thức này.

Tổng quan về M0 & Những Khái Niệm Cơ Bản

T-bill là gì?

T-bills, hay Treasury Bills, là một loại trái phiếu kho bạc ngắn hạn do Bộ Tài Chính Hoa Kỳ (U.S. Department of the Treasury) phát hành nhằm huy động vốn cho chính phủ liên bang. Đây là một trong những loại tài sản an toàn nhất trên thị trường tài chính vì chúng được bảo đảm bởi chính phủ Hoa Kỳ. T-bills có thời gian đáo hạn ngắn, từ vài ngày đến một năm, và không trả lãi suất cố định mà được bán với giá chiết khấu so với mệnh giá.

Một số những đặc điểm của T-bills bao gồm:

  • Thời gian đáo hạn ngắn: T-bills có thời gian đáo hạn ngắn hơn so với các loại trái phiếu kho bạc khác như Treasury Notes (T-Notes) và Treasury Bonds (T-Bonds). Các kỳ hạn phổ biến của T-bills bao gồm 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Khác với T-Notes (2–10 năm) và T-Bonds (hơn 10 năm), T-bills không có thời gian đáo hạn dài, nên phù hợp với các nhà đầu tư tìm kiếm công cụ trú ẩn an toàn trong ngắn hạn.
  • Không có lãi suất cố định: T-bills không trả lãi định kỳ như các trái phiếu thông thường mà được phát hành với giá chiết khấu so với mệnh giá (face value). Khi đến hạn, nhà đầu tư sẽ nhận được khoản thanh toán bằng đúng mệnh giá của T-bill, và phần chênh lệch giữa giá mua ban đầu và mệnh giá chính là lợi nhuận của họ. 
  • Thanh khoản cao: T-bills có thể mua bán dễ dàng trên thị trường thứ cấp thông qua các sàn giao dịch hoặc môi giới tài chính.

Một số những lợi ích nổi bật của T-bills bao gồm:

  • An toàn cao: Không có rủi ro vỡ nợ vì được bảo đảm bởi chính phủ Hoa Kỳ.
  • Thanh khoản tốt: Có thể mua bán dễ dàng trên thị trường thứ cấp.
  • Không cần quan tâm lãi suất định kỳ: Vì là Zero-coupon bond, nhà đầu tư không phải lo lắng về việc nhận lãi định kỳ.
  • Miễn thuế bang & Địa phương: Lợi nhuận từ T-bills không bị đánh thuế bởi chính quyền bang và địa phương ở Hoa Kỳ, chỉ bị đánh thuế ở cấp liên bang.
  • Công cụ quản lý dòng tiền tốt: Các tổ chức tài chính thường sử dụng T-bills để gửi tiền ngắn hạn mà vẫn đảm bảo sinh lời.

Tổng quan về M0 & Những điểm khác biệt

M0 Protocol là một giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) tập trung vào việc cung cấp một cơ chế phát hành tài sản kỹ thuật số mới có tên M. M là một token tiêu chuẩn ERC-20, được tạo ra bằng cách thế chấp các tài sản thế giới thực như T-bills ngắn hạn của Hoa Kỳ trong các cơ sở lưu ký ngoài chuỗi. Mục tiêu của M0 là tạo ra một hệ thống tài sản kỹ thuật số được bảo chứng bằng tài sản thực, có tính thanh khoản cao, bảo mật và ít rủi ro hơn so với các loại Stablecoin hoặc tài sản mã hóa truyền thống.

Khác với các Stablecoin như USDT hay USDC vốn được phát hành bởi các tổ chức tập trung hoặc các Stablecoin thuật toán có cơ chế cân bằng phức tạp, M0 tạo ra một mô hình quản lý tài sản kỹ thuật số thông qua hệ thống Minters, Validators và Earners. Hệ thống này giúp đảm bảo rằng tất cả các token M đang lưu hành luôn được bảo chứng bằng lượng tài sản thế chấp tương đương, đồng thời tạo ra một cơ chế kinh tế mở để người tham gia có thể kiếm lợi nhuận từ việc cung cấp thanh khoản.

Một số điểm khác biệt của M0 Protocol bao gồm:

  • Không phải Stablecoin thông thường: M không được thiết kế như một Stablecoin, mà là một dạng tài sản kỹ thuật số được bảo chứng bằng tài sản thực, có thể dùng làm tài sản thế chấp hoặc nguyên liệu cơ bản để tạo ra stablecoin và các sản phẩm tài chính khác.
  • Bảo chứng bằng tài sản thực (T-bills Hoa Kỳ): Tất cả các token M được phát hành đều có giá trị tương đương với tài sản thế chấp (chẳng hạn như T-bills) được giữ trong các cơ sở lưu ký an toàn, giúp đảm bảo tính ổn định và minh bạch.
  • Cơ chế phát hành minh bạch, phi tập trung: Không như các Stablecoin tập trung do công ty phát hành, M0 sử dụng hệ thống Minters, Validators và Earners để quản lý việc phát hành và đảm bảo tính an toàn cho tài sản thế chấp.
  • Không có rủi ro ngân hàng (Bank Run Risk): Các Stablecoin truyền thống phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng để lưu trữ tài sản bảo chứng, trong khi đó M0 sử dụng các thực thể lưu ký độc lập, giúp giảm thiểu rủi ro phá sản hoặc mất thanh khoản.
  • Tích hợp quản trị phi tập trung: Sử dụng cơ chế Two Token Governor (TTG), nơi cộng đồng có thể tham gia vào việc quản trị và quyết định các tham số quan trọng của giao thức.
  • Cơ chế kiếm lợi nhuận đa dạng: Người tham gia có thể kiếm lợi nhuận bằng cách trở thành Minters (người phát hành M), Validators (xác thực tài sản thế chấp), hoặc Earners (nhận lãi suất từ hệ thống).

Mô Hình & Cơ Chế Hoạt Động

Mô hình cấu thành nên M0 Protocol

Mô hình của M0 bao gồm ba thành phần chính:

  • Minters (Tổ chức phát hành): Các tổ chức tài chính được cấp quyền để tạo ra và quản lý M.
  • Validators (Trình xác thực): Các bên thứ ba giám sát tài sản thế chấp và đảm bảo hệ thống tuân thủ quy tắc.
  • Earners (Người nắm giữ M kiếm lợi suất): Các địa chỉ được phê duyệt có thể nhận lãi suất từ hệ thống.

Ngoài ra, M0 sử dụng hợp đồng thông minh trên Ethereum để đảm bảo các quy trình diễn ra một cách tự động, minh bạch và phi tập trung

Cơ chế hoạt động

Cơ chế hoạt động của M0 có thể được chia thành các bước sau:

Bước 1: Minters Cung cấp tài sản thế chấp (T-bills).

  • Các Minters (tổ chức tài chính) nắm giữ T-bills trong một Eligible Custody Solution (giải pháp lưu ký tài sản thế chấp hợp lệ).
  • Minters gửi thông tin về số lượng T-bills họ đang nắm giữ lên mạng lưới, nhưng tài sản này vẫn được giữ Off-chain (ngoài chuỗi) trong một tổ chức lưu ký.
  • Hệ thống chỉ chấp nhận T-bills có kỳ hạn 30-90 ngày, giúp đảm bảo tính thanh khoản cao và rủi ro thấp.

Ví dụ: Minters A nắm giữ 10 triệu USD T-bills trong một ngân hàng giám sát được chấp thuận.

Bước 2: Validators xác nhận tài sản thế chấp.

  • Validators là các thực thể độc lập có nhiệm vụ kiểm tra số lượng T-bills mà Minters đang nắm giữ.
  • Validators thực hiện quá trình kiểm tra Off-chain và sau đó ký xác nhận để đưa dữ liệu tài sản thế chấp lên On-chain.
  • Khi Validators xác nhận hợp lệ, hệ thống sẽ cập nhật Collateral Value (Giá trị thế chấp trên chuỗi).

Ví dụ: Validators xác nhận Minters A có 10 triệu USD T-bills và cập nhật số dư thế chấp của họ lên hợp đồng thông minh của M0. 

Bước 3: Minters Mint M.

  • Sau khi có xác nhận từ Validators, Minters có thể tạo ra M (Minting Process).
  • Minters gọi hàm Propose Mint để đề xuất lượng M muốn tạo.
  • Hệ thống kiểm tra liệu tổng số M được tạo ra có nằm trong giới hạn Mint Ratio hay không.

Mint Ratio là tỷ lệ giữa giá trị tài sản thế chấp và lượng M có thể được phát hành. Nếu Mint Ratio là 90%, Minters có thể tạo ra số lượng M tương đương 90% giá trị tài sản thế chấp. Ví dụ: Minters A có 10 triệu USD T-bills và hệ số Mint Ratio là 90% thì Minters A có thể mint tối đa 9 triệu M.

Cơ chế chờ đợi Mint Delay:

  • Sau khi đề xuất mint M, hệ thống có một khoảng thời gian chờ (Mint Delay) để các Validators có thể kiểm tra và ngăn chặn giao dịch nếu có bất thường.
  • Nếu không có vấn đề gì, Minters có thể thực hiện lệnh Mint M, chính thức tạo ra M trên chuỗi.

Bước 4: Lưu thông & Sử dụng M. Sau khi được mint, M có thể được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau như:

  • Giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX).
  • Làm tài sản thế chấp cho các giao thức DeFi.
  • Chuyển đổi thành các Stablecoin khác hoặc tiền pháp định.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính có thể cung cấp M dưới dạng Stablecoin cho khách hàng hoặc sử dụng nó làm tài sản dự trữ. 

Bước 5: Earners nhận lợi nhuận từ M. Các Earners là những địa chỉ được phê duyệt có thể nhận lãi suất từ M và lãi suất này được lấy từ Minter Rate, tức là phí mà Minters phải trả khi mint M. 

Bước 6: Minters hoàn trả M & Nhận lại tài sản thế chấp.

  • Khi Minters muốn rút lại T-bills, họ phải burn M (tức là hoàn trả số M đã mint).
  • Hệ thống kiểm tra số lượng M mà Minters đã hoàn trả. Nếu đủ, họ có thể rút lại lượng tài sản thế chấp tương ứng.
  • Nếu Minters không tuân thủ đúng quy trình hoặc tài sản thế chấp giảm giá trị, họ có thể bị áp dụng Penalty Rate (phí phạt).

Mô hình quản trị xoay quanh M0 Protocol

M0 sử dụng một cơ chế quản trị on-chain có tên là Two Token Governor (TTG), trong đó có hai loại token chính là ZERO và POWER. Mỗi loại token này có một chức năng riêng biệt trong hệ thống và đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành cũng như duy trì sự ổn định của giao thức.

  • POWER.
  • ZERO.

Đầu tiên là POWER. POWER là token quản trị chính của hệ sinh thái M0. Người sở hữu POWER có quyền tham gia vào các quyết định quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh giao thức, quản lý danh sách Minters, Earners, Validators, và các thông số kinh tế khác.

POWER không chỉ đơn thuần là một token quản trị thông thường, mà còn có cơ chế khuyến khích và trừng phạt, nhằm đảm bảo rằng những người nắm giữ POWER phải thực sự tham gia vào quản trị thay vì chỉ nắm giữ token mà không hoạt động. cơ chế thưởng phạt của M0 Protocol tương đối rõ ràng khi mà:

  • Nếu người nắm giữ POWER không tham gia bỏ phiếu, họ sẽ bị mất quyền nhận lạm phát của POWER và ZERO trong Epoch đó.
  • Nếu họ tiếp tục không bỏ phiếu qua nhiều Epoch, sức ảnh hưởng của họ trong hệ thống sẽ dần giảm đi.
  • Nếu một holder POWER không tham gia nhiều lần liên tiếp, số token của họ sẽ bị đấu giá trong Dutch Auction và người khác có thể mua lại chúng.

Một số thông tin về POWER bao gồm:

  • POWER có tổng cung ban đầu là 10,000 token, với cơ chế lạm phát 10% mỗi Epoch.
  • Nếu người nắm giữ POWER không tham gia bỏ phiếu, số token của họ sẽ bị đưa vào Dutch Auction.
  • Những người đặt giá cao nhất sẽ có quyền mua POWER trong Dutch Auction.
  • Điều này giúp đảm bảo chỉ những người chủ động tham gia quản trị mới giữ được ảnh hưởng trong hệ thống.

Tiếp theo là ZERO. ZERO là token thứ hai trong cơ chế TTG, đóng vai trò là lớp bảo vệ cuối cùng của giao thức M0. Trong khi POWER được sử dụng để quản lý các thông số vận hành, ZERO được sử dụng để:

  • Một phần phí từ Minter Rate, Penalty Rate và Proposal Fee sẽ được phân phối cho những người nắm giữ ZERO và người sở hữu ZERO có thể nhận phần thưởng này bất kỳ lúc nào.
  • Giám sát hoạt động của POWER Holders và có quyền Reset hệ thống nếu cần thiết. Ví dụ trong trường hợp ZERO holders cảm thấy nhóm quản trị POWER đang đi sai hướng, họ có thể kích hoạt Reset, Reset sẽ hủy bỏ toàn bộ quyền POWER hiện tại và phân bổ lại quyền quản trị cho các ZERO holders theo tỷ lệ nắm giữ của họ.

Một số thông tin về ZERO bao gồm:

  • Tổng cung ban đầu của ZERO là 1.000.000.000 token.
  • Mỗi Epoch, tối đa 5,000,000 ZERO sẽ được mint và phân bổ cho những người tham gia quản trị.
  • Nếu một POWER holder không tham gia bỏ phiếu, họ sẽ không nhận được ZERO trong Epoch đó.

Tiêu chí

POWER

ZERO

Vai trò

Công cụ quản trị chính.

Công cụ giám sát & nhận lợi nhuận.

Cách sở hữu

Tham gia Dutch Auction hoặc mint từ lạm phát. 

Mint từ phần thưởng quản trị.

Cách sử dụng

Bỏ phiếu thay đổi thông số giao thức. 

Giám sát hoạt động của POWER.

Phạt khi không tham gia

Mất quyền nhận lạm phát, có thể bị đấu giá.

Không nhận được phần thưởng ZERO.

Lợi ích

Quyền lực trong hệ thống.

Nhận lợi nhuận từ giao thức.

Cơ chế Reset

Không thể Reset POWER trực tiếp.

Có quyền Reset toàn bộ hệ thống.

Mô hình nền kinh tế xoay quanh M0 Protocol

Đầu tiên chúng ta sẽ đến với vai trò Minter. Minter kiếm lợi nhuận thông qua việc thể nắm giữ T-bills ngắn hạn (30-90 ngày) và thu lãi suất từ chúng, bên cạnh đó Minters trả một khoản phí hàng năm gọi là Minter Rate để duy trì số lượng M token đã phát hành. Miễn là lợi suất từ T-bills lớn hơn chi phí này, Minters có thể thu lợi nhuận.

Tiếp theo là Earners nhận Earner Rate, được lấy từ khoản phí Minter Rate mà Minters phải trả. Tuy nhiên mô hình về doanh thu của Validator thì chưa có những thông tin cuối cùng. Vậy nên từ đây chúng ta thấy được một nền kinh tế khá đơn giản đến từ M0 Protocol.

Hệ Sinh Thái M0 Đang Dần Mở Rộng Như Thế Nào?

Một trong những dự án đầu tiên được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng của M0 Protocol chính là USDN của Noble. USDN (Noble Dollar) hoạt động như một Stablecoin được xây dựng trên nền tảng M0, sử dụng M làm tài sản thế chấp và hưởng lợi suất từ U.S. Treasury Bills (T-bills). Cơ chế hoạt động của USDN diễn ra như sau:

  • Minters nạp U.S. Treasury Bills vào hệ thống M0 để Mint ra M.
  • M được wrap (bọc) thành USDN để phát hành ra thị trường dưới dạng Stablecoin.
  • Lợi suất từ U.S. Treasury Bills được chia sẻ với những người nắm giữ USDN, giúp Stablecoin này có thể tự sinh lợi nhuận theo thời gian.

Tiếp theo là một Stablecoin đến từ nền tảng Usual có tên UsualM. Quy trình phát hành của UsualM cũng tương tự như USDN khi mà:

  • Minters của M0 cung cấp tài sản thế chấp (U.S. Treasury Bills) và mint ra $M.
  • Sau đó, thông qua quá trình “wrapping”, $M được chuyển thành UsualM, với các tính năng tùy biến theo yêu cầu của Usual.
  • UsualM giữ nguyên nguyên tắc an toàn khi vẫn được bảo chứng bằng tài sản thế chấp vượt 100%(Overcollateralization) của các U.S. Treasury Bills, giúp ổn định giá và tạo nên mức độ bảo đảm cao.

Nhờ vào lợi suất phát sinh từ U.S. Treasury Bills, UsualM cho phép người nắm giữ nhận lợi tức hàng ngày theo cơ chế tự động, được tính và phân phối qua các hợp đồng thông minh. Cơ chế này không chỉ giúp ổn định giá trị của Stablecoin mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho người dùng. 

Tổng Kết

M0 Protocol không chỉ là một giao thức phát hành tài sản kỹ thuật số đơn thuần mà còn là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Stablecoin và các sản phẩm tài chính trên Blockchain. Thông qua việc sử dụng T-bills làm tài sản thế chấp và áp dụng mô hình quản trị phi tập trung Two Token Governor (TTG), M0 Protocol đảm bảo sự an toàn, minh bạch và linh hoạt cao hơn so với các mô hình Stablecoin truyền thống.

Sự phát triển của các dự án như USDN (Noble Dollar) và UsualM trên nền tảng M0 Protocol cho thấy tiềm năng to lớn của giao thức này trong việc cung cấp các giải pháp Stablecoin thế hệ mới, không chỉ đảm bảo giá trị mà còn giúp người dùng hưởng lợi suất từ tài sản thế chấp. Với hệ thống Minters, Validators và Earners, M0 Protocol đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái tài chính phi tập trung mạnh mẽ, hướng đến tương lai của nền tài chính kỹ thuật số an toàn và hiệu quả hơn.

Với những ưu điểm nổi bật như bảo chứng bằng tài sản thực, cơ chế phát hành minh bạch và khả năng mở rộng linh hoạt, M0 Protocol đang định hình lại cách Stablecoin và tài sản kỹ thuật số vận hành trong thị trường Crypto. Đây có thể là một trong những bước đột phá lớn giúp tài sản mã hóa tiến gần hơn đến hệ thống tài chính truyền thống, mở ra kỷ nguyên mới cho tiền kỹ thuật số trên Blockchain.