Ngoài những cách kiếm tiền chủ động mà ai cũng biết trong thị trường DeFi như giao dịch các token hay một số hoạt động khác thì việc cung cấp thanh khoản là một cách kiếm tiền thụ động hơn, tuy nhiên nó lại là một cơ hội rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng. Trung bài viết này Hak Research sẽ mang đến mọi người những cách kiếm tiền bằng cung cấp thanh khoản và đi kèm đó là rủi ro cần biết.
Tổng Quan Về Việc Cung Cấp Thanh Khoản
Thị trường DeFi thuở sơ khai được hình thành từ những mảnh ghép được sao chép cơ chế hoạt động từ CeFi khi nó xoay quanh sổ lệnh, hay order book. Tuy nhiên một vấn đề cốt yếu đó chính là việc thị trường DeFi ở thời điểm đó quá thiếu thanh khoản, dẫn đến việc các giao thức xây dựng xung quanh mô hình sổ lệnh không hoạt động hiệu quả khi thanh khoản bị phân mảnh.
Sau một thời gian dài tìm giải pháp để giải quyết vấn đề trên thì Uniswap ra đời với một mô hình hoàn toàn mới có tên gọi là Automated Market Maker (AMM). Hiểu đơn giản thì đây là các liquidity pool được lập trình từ các smartcontract cho phép tất cả mọi người gửi vào đó một hoặc nhiều loại tài sản khác nhau để các trader có thể giao dịch trên đó.
Những người gửi tài sản vào các liquidity pool này sẽ được gọi là các Liquidity Provider hay nhà cung cấp thanh khoản. Các Trader sẽ giao dịch các cặp token có trong các liquidity pool này và phải trả cho các Liquidity Provider một khoản phí giao dịch và đó chính là nguồn lợi nhuận chính của họ.
Các liquidity pool đã giải quyết được một cách rất tối ưu cho vấn đề phân mảnh thanh khoản của thị trường DeFi với khởi đầu là các AMM và sau đó đã nhân rộng ra nhiều mảng khác nhau như Lending, Bridge,... Đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các dự án trong thị trường DeFi đều sử dụng nó.
Do DeFi hiện tại đang khá phụ thuộc vào mô hình liquidity pool nên các dự án hay Trader đều cần giải quyết một vấn đề mới đó chính là người cung cấp thanh khoản. Để đạt được mục đích đó thì họ sẵn sàng chi một khoảng tiền lớn để thu hút những Liquidity Provider đến cung cấp thanh khoản, và đây cũng chính là cơ hội cho bất cứ ai vì DeFi là phi tập trung.
Tổng kết lại thì cung cấp thanh khoản là việc chúng ta mang tài sản của mình vào các giao thức DeFi và gửi ở trong đó để kiếm lợi nhuận bằng 1 hoặc cả 2 cách là:
- Nhận phí giao dịch từ các Trader đối với mô hình AMM, từ người đi vay đối với các mô hình Lending, từ người chuyển tài sản xuyên chuỗi đối với một số mô hình Bridge,...
- Nhận được phần thưởng do các dự án chi ra để thu hút các Liquidity Provider đến cung cấp thanh khoản cho giao thức của mình, phần thưởng này còn được gọi là incentive.
Một Vài Hành Trang Cần Thiết Trước Khi Trở Thành Liquidity Provider
Các thuật ngữ cơ bản cần biết
THUẬT NGỮ | Giải thích |
---|---|
Là một smartcontract chứa một hoặc nhiều coin/token khác nhau. | |
Là hoạt động cung cấp thanh khoản để tìm kiếm lợi nhuận. | |
Là một pool thanh khoản chứa một cặp hoặc nhiều token khác nhau. | |
Là tổn thất xảy ra khi cung cấp thanh khoản cho các cặp token có biến động giá. | |
Là hoạt động vay và cho vay để kiếm lợi nhuận từ các nền tảng Lending. | |
Range | Phạm vi giá dự định sẽ cung cấp thanh khoản trong các CLMM |
Cách tính lợi nhuận khi cung cấp thanh khoản
Tính lợi nhuận khi cung cấp thanh khoản là một việc rất quan trọng khi nó sẽ giúp chúng ta xác định được liệu vị thế của mình đang lời hay lỗ từ đó đưa ra các phương án hợp lý về việc nên tiếp tục duy trì hay thoát khỏi vị thế đó.
Công thức tính toán lợi nhuận khi cung cấp thanh khoản phổ biến nhất hiện nay là:
PnL = Fees + Rewards - Impermanent Loss
Trong đó:
- PnL: Là lãi hoặc lỗ nhận được khi đóng vị thế.
- Fees: Là phí giao dịch mà trader trả cho người cung cấp thanh khoản.
- Rewards: Là phần thưởng nhận được incentive (nếu có).
- Impermanent Loss: Là tổn thất tạm thời khi cung cấp thanh khoản.
Fees là nguồn lợi nhuận chính cho các Liquidity Provider nhận được từ việc các Trader đối với AMM hay Borrower đối với Lending Pool trả để sử dụng thanh khoản. Nguồn lợi nhuận này sẽ khá thụ động khi nó phụ thuộc vào hoạt động giao dịch của mọi người trên thanh khoản mà mình cung cấp do đó nó sẽ khá khó để tính toán trước.
Tuy nhiên để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng vốn thì chúng ta bắt buộc phải dự phóng được xu hướng của cặp token mình có ý định cung cấp thanh khoản bằng cách sau:
- Sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định thị trường trong tương lai liệu có biến động mạnh hay không, vì khi giá biến động mạnh thì khối lượng giao dịch cũng sẽ tăng lên.
- Theo dõi và đọc tin tức từ về các đồng coin/token của dự án mà mình định cung cấp thanh khoản vì tin tức sẽ tác động không ít đến giá và khối lượng giao dịch.
Về Rewards từ incentive thì chúng ta sẽ có phần dễ dàng tính toán hơn khi có thể tìm thấy thông tin về phần thưởng của một liquidity pool thông qua diễn đàn quản trị của dự án mà mình dự định cung cấp thanh khoản từ đó đưa ra các chiến thuật hợp lý.
Công thức tính lãi suất từ phần thưởng incnetive:
Rewards APR = 1D Incentives * 365 / Liquidity
Trong đó:
- 1D Incentives: Tổng phần thưởng mà liquidity pool nhận được mỗi ngày được quy đổi thành đô la.
- Liquidity: Tổng thanh khoản trong liquidity pool hiện tại có giá trị được quy đổi thành đô la.
Ví dụ: Liquidity pool của cặp token A-B đang có thanh khoản $1M và được incentive $1K mỗi ngày, APR của pool đó sẽ là 36.5% mỗi năm. Tuy nhiên do có mức lợi khá cao nên nhiều người khác cũng gửi tài sản vào pool này khiến thanh khoản tăng lên $2M thì APR sẽ giảm xuống 18.25%, nếu Rewards nhận được lúc này nhỏ hơn Impermanent Loss thì đây chính là lúc nên rút tài sản khỏi pool.
Còn Impermanent Loss sẽ là một dạng tổn thất tạm thời khi mọi người tham gia cung cấp thanh khoản cho một pool chứ 2 hoặc nhiều tài sản không ngang giá và nó không xảy ra khi mọi người cung cấp thanh khoản cho pool một token hoặc là pool tài sản ngang giá. Để có thể tính toán được Impermanent Loss chính xác nhất theo từng trường hợp thì mọi người có thể tham khảo bài viết Impermanent Loss Là Gì? Cách Để Giảm Thiểu Impermanent Loss.
Các Chiến Lược Cung Cấp Thanh Khoản Và Rủi Ro Đi Kèm
Cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá tăng
Bằng các phương pháp phân tích hay nhận định nếu mọi người dự đoán được giá của cặp token và mình định cung cấp thanh khoản sẽ tăng trong tương lai thì chiến lược cung cấp thanh khoản giá tăng sẽ rất hợp lý trong trường hợp này.
Như vậy để có thể tối ưu được lợi nhuận và giảm thiểu được Impermanent Loss bằng chiến thuật này thì mọi người cần làm sẽ là:
- Mua hết token được dự đoán giá tăng.
- Xác định vùng giá của token đó sẽ tăng lên.
- Đặt range giá ở mức xác định đó.
- Rút thanh khoản khi giá đi vào và có dấu hiệu thoát khỏi nó.
Để dễ hiểu hơn chúng ta sẽ đi vào ví dụ như sau: Giá hiện tại của ETH là $1000 và Peter dự đoán giá sẽ tăng lên hơn $1500 trong thời gian tới, vì vậy Peter sẽ áp dụng chiến thuật trên bằng cách mua 10 ETH ở mức giá hiện tại. Sau đó Peter mang lên Uniswap cung cấp thanh khoản cho cặp ETH/USDC ở range giá 1450-1550 và sẽ có các trường hợp xảy ra như sau:
- Trường hợp giá ETH không tăng, không giảm thì Peter sẽ không mất gì ngoài phí giao dịch cho lệnh cung cấp thanh khoản.
- Trường hợp giá ETH tăng lên mức 1450-1550 và duy trì ở mức này thì Peter sẽ kiếm được phí giao dịch từ Trader.
- Trường hợp giá ETH tăng vượt mức 1550 thì Peter sẽ chốt lời ETH ra USDC ở mức dự đoán ban đầu là $1500 và nhận được phí từ những giao dịch đã xảy ra trong khoảng giá 1450-1550.
- Trường hợp giá ETH không tăng mà giảm thì Peter sẽ bị lỗ phí công với khoảng lỗ từ giá giảm.
Lợi ích của chiến lược này cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá tăng sẽ là:
- Chốt lời được token mà mình đang nắm giữ ở mức giá mong muốn (trường hợp 2 và 3).
- Kiếm được một lượng phí trong thời gian ngắn nhờ cung cấp thanh khoản ở range giá nhỏ (trường hợp 2).
- Tránh được Impermanent Loss khi giá tăng (trường hợp 2 và 3).
Tuy nhiên đi kèm đó chiến lược cũng mang lại một số rủi ro thua lỗ nhất định như:
- Không kiếm được phí giao dịch khi giá đi không đúng xu hướng (trường hợp 1 và 4).
- Không kiếm được phí giao dịch trong khoảng giá dưới range (trường hợp 2 và 3).
- Giá đi ngược xu hướng khiến cho số token mua ban đầu bị giảm (trường hợp 4).
Cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá giảm
Ngược lại với chiến lược cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá tăng thì mọi người có thể sử dụng chiến lược cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá giảm nếu dự đoán được thị trường trong thời gian sắp tới sẽ có những biến động bằng cách cung cấp thanh khoản ở một mức range với giá thấp hơn hiện tại.
Chúng ta sẽ tiếp tục đi vào phân tích ví dụ trên với mức giá hiện tại vẫn đang là $1000, tuy nhiên Peter lại dự đoán giá ETH sẽ giảm về mức $500. Lúc này Peter sẽ không mua ETH mà giữ nguyên $10000 USDC của mình để cung cấp thanh khoảng vào pool ETH/USDC ở mức range 550-450.
Các trường hợp giá khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau như sau:
- Trường hợp giá ETH không biến động hoặc biến động tăng trên $1000 hoặc biến động giảm không quá $550 thì Peter vẫn còn nguyên $10000 USDC của mình.
- Trường hợp giá ETH giảm xuống vùng 550-450 thì Peter sẽ nhận được phí từ các giao dịch có trong vùng này.
- Trường hợp giá giảm xuống dưới vùng 450 thì Peter sẽ bị lỗ vì toàn bộ $10000 USDC ở thời điểm đó đã bị swap qua ETH ở mức giá trung bình $500.
Từ các trường hợp trên chúng ta có thể thấy được các lợi ích của chiến thuật cung cấp thanh khoản trong xu hướng giảm là:
- Không bị Impermanent Loss nếu mức giá của token cung cấp không đi vào range (trường hợp 1).
- Kiếm được một khoản lợi nhuận lớn hơn với range giá nhỏ.
Tuy nhiên các rủi ro mà chiến thuật này mang lại cũng là không nhỏ khi giá của token giảm mạnh hơn những dự đoán ban đầu. Trong trường hợp 3 thì giá ETH đã giảm xuống dưới 450 nên Peter chắc chắn sẽ lỗ ít nhất 10% trên tổng tài sản.
Cung cấp thanh khoản trong xu hướng giá đi ngang
Khác với cả 2 trường hợp trên nếu mọi người dự đoán xu hướng giá của một token nào đó sẽ đi ngang trong thời gian tới thì việc của chúng ta đơn giản chỉ là cung cấp thanh khoản ở một khoảng range ngang với giá hiện tại.
Phương pháp này đã khá quen thuật với tất cả những ai đã từng tham gia cung cấp thanh khoản ít nhất một lần trong DeFi. Để có thể cung cấp thanh khoảnh theo chiến thuật này thì chúng ta sẽ cần chia tài sản của mình thành 2 phần có tỉ lệ tuỳ theo range đã cài đặt.
Ưu điểm của phương pháp này là mọi người sẽ bắt đầu nhận phí giao dịch ngay sau khi cung cấp thanh khoản xong, tuy nhiên thì dù cho giá có di chuyển theo hướng nào thì Impermanent Loss cũng sẽ xảy ra nên chiến lược cung cấp thanh khoản này sẽ rất phù hợp với thị trường đi ngang.
Ngoài ra thì mọi người cũng có thể tận dụng phương pháp này để kiếm lợi nhuận từ các liquidity pool có incentive cao và biên độ giao động thấp. Nếu cài đặt ở một mức range đủ nhỏ từ 1-2% giá thì lợi nhuận kiếm được từ incentive sẽ gấp hàng chục lần so với cung cấp full range.
Cung cấp thanh khoản đòn bẩy từ các nền tảng Lending
Các giao thức Lending luôn có mức chênh lệch lãi suất giữa việc gửi vào và vay ra giữa các tài sản ngang giá với nhau. Để thực hiện chiến thuật này thì mọi người cần sử dụng một vòng lặp:
- Gửi tiền vào tài sản có lãi suất cao.
- Vay ra tài sản ngang giá có lãi suất thấp hơn.
- Chuyển đổi tài sản vay ra thành tài sản ban đầu.
- Gửi tài sản vừa chuyển đổi vào lại pool có lãi suất cao.
Để dễ hiểu hơn thì chúng ta sẽ cùng làm ví dụ như sau: Ở trên nền tảng Lending Marginfi đang cho phép Peter gửi stSOL với lãi suất 20.83% và vay ra SOL với lãi suất 5% (giả sử giá SOL bằng stSOL). Peter đang sở hữu 100 stSOL và sẽ thực hiện các hành động như sau để tối ưu hoá lợi nhuận:
- Gửi 100 stSOL vào Marginfi với lãi suất 20.83%.
- Vay ra 70 SOL với lãi suất 5%.
- Mang 70 SOL đi staking để nhận lại 70 stSOL và lãi suất 7.1%.
- Tiếp tục mang 70 stSOL đó gửi vào Marginfi với lãi suất 20.83%.
Như vậy thì khoản lợi nhuận mà Peter sẽ nhận lại được hàng năm là:
(100 * 20.83%) + (70 * 7.1%) + (70 * 20.83%) - (70 * 5%) = 36.88stSOL
Nếu chỉ đơn giản là gửi tiền vào Marginfi thì mức lợi nhuận mà Peter nhận được sẽ chỉ là 22.46 stSOL mỗi năm. Mức này thấp hơn đáng kể nếu chúng ta so sánh với việc Peter đã sử dụng đòn bẩy một lần và nhận về 36.88 stSOL mỗi năm.
Tuy nhiên phương pháp này cũng có những rủi ro nhất định bởi vì nếu có một lý do bất kỳ nào đó khiến cho stSOL mất peg với SOL thì khoản vay của mọi người sẽ bị thanh lý. Đây là câu chuyện có thật khi trước đây nó đã xảy ra với stETH khiến cho quỹ đầu tư Three Arrows Capital phá sản.
Tổng Kết
Trên đây là những cách kiếm tiền bằng cung cấp thanh khoản cũng như các rủi ro đi kèm từ Hak Research, hy vọng rằng thông qua bài viết này thì mọi người sẽ có thể kiếm được lợi nhuận bằng cung cấp thanh khoản trong thị trường DeFi.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Cách Kiếm Tiền Bằng Cung Cấp Thanh Khoản Và Những Rủi Ro Cần Biết - December 13, 2024
- Hướng Dẫn Tham Gia OKX Cryptopedia Babylon - December 9, 2024
- Hướng Dẫn Làm Airdrop Sniper - December 9, 2024