Hệ sinh thái Sonic đang ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ kể từ sau khi chính thức chuyển đổi từ Fantom vào tháng 8/2024. Với định hướng phát triển thành một Layer 1 EVM hiệu suất cao, tập trung vào cải thiện khả năng mở rộng, tối ưu hóa phí giao dịch và xây dựng cầu nối Sonic Gateway để kết nối trực tiếp với hệ sinh thái Ethereum, Sonic nhanh chóng thu hút dòng tiền và sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Sự tham gia của Andre Cronje trong vai trò Giám đốc Kỹ thuật (CTO) càng làm tăng thêm sức hút và đặt nền tảng kỹ thuật quan trọng cho quá trình phát triển của Sonic trong giai đoạn mới.
Hệ Sinh Thái Sonic Đã Trải Qua Những Điều Gì?
Thay đổi thương hiệu từ Fantom sang Sonic
Tháng 8 năm 2024, Fantom Foundation công bố kế hoạch đổi tên mạng blockchain Fantom thành Sonic. Quyết định này được đặt trong bối cảnh Fantom Opera – mạng chính của Fantom – bộc lộ một số hạn chế về khả năng mở rộng và quản lý tài nguyên chuỗi (State Management). Theo thông tin từ Fantom Foundation, việc đổi tên không chỉ mang tính thương hiệu mà còn đánh dấu sự chuyển đổi sang một kiến trúc hạ tầng mới với mục tiêu cải thiện đáng kể hiệu suất, giảm chi phí và tối ưu hóa dung lượng lưu trữ. Quá trình này cũng đi kèm chiến lược tách biệt rõ ràng giữa nền tảng cũ và định hướng phát triển mới, nhằm phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng từ các ứng dụng phi tập trung có quy mô lớn.
Về mặt kỹ thuật, Sonic duy trì tính tương thích EVM nhưng được thiết kế lại với nhiều cải tiến cốt lõi. Theo tài liệu kỹ thuật thì:
- Xử lý hơn 2.000 giao dịch mỗi giây (TPS) – so với Fantom cũ khoảng 200 TPS.
- Thời gian hoàn tất giao dịch (Finality) dưới 1 giây.
- Giảm kích thước dữ liệu lưu trữ (State Size) so với Fantom Opera trước đây.
Đáng chú ý, Sonic không áp dụng cơ chế Sharding hay Layer 2, thay vào đó tập trung nâng cấp khả năng mở rộng ngay tại Layer 1. Điều này cho phép duy trì cấu trúc đơn khối (monolithic) đồng thời đảm bảo tính liên kết dữ liệu và tính bảo mật của toàn hệ thống.
Song song với việc nâng cấp công nghệ, Fantom Foundation triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi, bao gồm công cụ di chuyển tài sản (asset migration), chương trình ưu đãi phí giao dịch và airdrop dành cho người dùng Fantom hiện tại. Việc đổi tên và tái cấu trúc hạ tầng này cũng gắn liền với định hướng mở rộng sang các lĩnh vực GameFi, DeFi hiệu suất cao và các ứng dụng AI phi tập trung (AI Agent). Về dài hạn, Sonic được định vị là hạ tầng blockchain thế hệ mới, ưu tiên tốc độ, chi phí thấp và khả năng mở rộng, hướng tới cạnh tranh trực tiếp với các blockchain hiệu suất cao hiện nay như Solana hay Aptos.
Andre Cronje trở thành CTO của Sonic
Sonic Labs đã chính thức bổ nhiệm Andre Cronje vào vị trí Giám đốc Kỹ thuật (CTO) vào ngày 14/08.Trong vai trò mới, Cronje sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt mảng phát triển kỹ thuật của Sonic Labs, đặc biệt tập trung vào giải pháp cầu nối Sonic Gateway. Ông cũng nhấn mạnh định hướng kỹ thuật của Sonic, tận dụng cơ chế đồng thuận aBFT với khả năng Finality dưới 1 giây, giúp giảm thiểu thời gian xác nhận giao dịch và cải thiện trải nghiệm nạp rút tài sản lên các sàn giao dịch tập trung (CEX). Một điểm đáng chú ý khác là Sonic Gateway sẽ được tích hợp cơ chế khẩn cấp, cho phép người dùng thu hồi tài sản trực tiếp từ chain gốc trong các tình huống rủi ro.
Bên cạnh việc công bố nhân sự mới, Sonic Labs cũng làm rõ định hướng kỹ thuật sau giai đoạn chuyển đổi thương hiệu. Cụ thể, Sonic sẽ vận hành như một Layer 1 EVM-compatible, thay vì phát triển theo hướng Optimistic Rollup như các suy đoán trước đây.
Andre Cronje là một nhận vật khá tai tiếng trong cộng đồng khi đã có nhiều dự án thất bại như:
- Keep3r Network ra mắt với mục tiêu trở thành một nền tảng kết nối các dự án DeFi với các nhà cung cấp dịch vụ (keeper). Mặc dù ý tưởng về một "hệ sinh thái keeper" có tiềm năng, dự án không đạt được mức độ sử dụng đáng kể và dần bị lu mờ. Vấn đề cốt lõi đến từ việc thiếu động lực kinh tế bền vững cho các keeper, cùng với đó là sự phức tạp trong cách các dự án tích hợp hệ thống này. Hiện nay, Keep3r vẫn tồn tại nhưng không còn được xem là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái DeFi.
- Deriswap là một dự án được Cronje giới thiệu vào cuối năm 2020, kết hợp nhiều công cụ tài chính như swap, options và loans vào một giao thức duy nhất. Tuy nhiên, sau thông báo ban đầu, Deriswap không bao giờ thực sự được triển khai. Không có sản phẩm hoàn chỉnh nào ra mắt, và dự án bị bỏ ngỏ, để lại cộng đồng nhiều thắc mắc về lý do hủy bỏ.
- Solidly là dự án DeFi nổi bật nhất của Andre Cronje sau khi ông rời khỏi Ethereum và chuyển sang Fantom. Solidly được thiết kế như một AMM (Automated Market Maker) thế hệ mới, tối ưu hóa phí giao dịch và cơ chế khuyến khích thanh khoản theo mô hình ve(3,3). Dự án khởi đầu với TVL rất cao, thu hút sự tham gia của nhiều dự án lớn trên Fantom. Tuy nhiên, sau khi Cronje bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi toàn bộ DeFi vào tháng 3/2022, Solidly nhanh chóng sụp đổ do mất niềm tin từ cộng đồng, cơ chế ve(3,3) cũng bộc lộ nhiều bất cập khi không tạo ra được dòng tiền thực sự bền vững.
Những Chỉ Số Cho Thấy Hệ Sinh Thái Sonic Đang Bùng Nổ
Hệ sinh thái Sonic đang ghi nhận mức tăng trưởng TVL rất ấn tượng trong thời gian gần đây. Từ cuối tháng 1/2025 đến nay, tổng giá trị khóa (TVL) tăng liên tục và duy trì xu hướng đi lên, cho thấy dòng tiền mới đang đổ vào hệ sinh thái với tốc độ cao. Không chỉ tăng về mặt con số tuyệt đối, Sonic còn ghi nhận hoạt động giao dịch sôi động, đặc biệt là ở mảng phái sinh với khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới hơn $200M. Dòng tiền mới (Inflow) trong 24h gần nhất cũng đạt hơn $44M (tại thời điểm viết bài), phản ánh mức độ quan tâm lớn từ cộng đồng và nhà đầu tư.
Bên cạnh việc thu hút thanh khoản mạnh mẽ, TVL của Sonic hiện đang phân bổ khá tập trung vào một số giao thức lớn, đặc biệt là các nền tảng Lending và Dex. Các giao thức top đầu như Silo Finance, Beets, và Avalon Labs đều ghi nhận mức tăng trưởng TVL cao trong ngắn hạn, góp phần đáng kể vào sự mở rộng chung của hệ sinh thái.
Biểu đồ Sonic Daily Transactions Chart cho thấy số lượng giao dịch hàng ngày trên Sonic bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 12/2024, trùng với giai đoạn hệ sinh thái thu hút lượng lớn người dùng mới. Số giao dịch dao động quanh mức 500.000 - 750.000 giao dịch/ngày trong nửa cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2025, với một số đỉnh cục bộ vượt mốc 1 triệu giao dịch/ngày. Sau đó, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, hoạt động giao dịch có xu hướng giảm và đi ngang, phản ánh sự chững lại sau giai đoạn bùng nổ ban đầu. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2/2025, số lượng giao dịch bật tăng trở lại, đạt đỉnh mới gần 1,3 triệu giao dịch/ngày vào cuối tháng 2, cho thấy hoạt động on-chain sôi động trở lại.
Biểu đồ Sonic Unique Addresses Chart cho thấy hệ sinh thái Sonic đã có giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ vào giữa tháng 12/2024 khi số lượng địa chỉ ví tăng đột biến, đặc biệt ngày 20/12 ghi nhận gần 170.000 ví mới chỉ trong một ngày, nâng tổng số ví lên gần 370.000. Sau giai đoạn bùng nổ, từ cuối tháng 12/2024 đến cuối tháng 1/2025, tốc độ tăng trưởng chững lại, phản ánh sự giảm nhiệt sau các chương trình kích cầu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2025, số lượng ví lại có dấu hiệu tăng nhanh hơn, cho thấy hệ sinh thái vẫn đang tiếp tục thu hút người dùng mới, dù không còn mức tăng đột biến như giai đoạn đầu.
Phân Tích Động Lực Tăng Trưởng Của Hệ Sinh Thái Sonic
Sonic giới thiệu cơ chế Fee Monetization
Fee Monetization (FeeM) là cơ chế phân phối phí giao dịch mới được triển khai trên hệ sinh thái Sonic, với mục tiêu xây dựng một mô hình kinh tế bền vững, đồng thời khuyến khích trực tiếp các nhà phát triển ứng dụng tham gia vào mạng lưới. Cơ chế này cho phép nhà phát triển nhận tới 90% phí giao dịch phát sinh từ chính ứng dụng của họ, tạo nguồn thu nhập ổn định thay thế cho các hình thức tài trợ hoặc gọi vốn truyền thống. Đây là một trong những điểm khác biệt quan trọng của Sonic so với nhiều blockchain Layer 1 hiện nay, nơi phí giao dịch chủ yếu phân bổ cho validator và cơ chế đốt (burn).
Không phải mọi ứng dụng trên Sonic đều được tự động tham gia FeeM. Các ứng dụng muốn hưởng quyền lợi từ cơ chế này cần trải qua quá trình đăng ký và xét duyệt từ phía Sonic Foundation. Sau khi được chấp thuận, ứng dụng mới đủ điều kiện nhận phần thưởng từ phí giao dịch phát sinh khi người dùng thực hiện giao dịch trên ứng dụng đó.
Cơ chế phân phối phí giao dịch trên Sonic được chia thành hai nhóm chính: giao dịch trên ứng dụng không tham gia FeeM và giao dịch trên ứng dụng có tham gia FeeM. Cụ thể:
Ứng dụng không tham gia FeeM | Ứng dụng tham gia FeeM |
---|---|
50% phí giao dịch được đốt (burn) | 90% phí giao dịch được phân bổ trực tiếp cho nhà phát triển ứng dụng |
45% phí giao dịch trả cho validator | 10% phí giao dịch trả cho Validator |
5% phí giao dịch chuyển vào Ecosystem Vault để hỗ trợ các chương trình phát triển hệ sinh thái | Không có phần phí nào chuyển vào Ecosystem Vault hay bị đốt. |
Tổng quan về Sonic Airdrop
Sonic Airdrop là chương trình phân phối token S được thiết kế nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Sonic cũng như khuyến khích cả người dùng và nhà phát triển tham gia vào mạng lưới mới này. Tổng cộng, chương trình airdrop sẽ phân phối 190.500.000 S tokens, trong đó phân bổ qua hai cơ chế chính:
- Sonic Points dành cho người dùng.
- Sonic Gems dành cho nhà phát triển ứng dụng.
Đây là chương trình dài hạn, chia thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên, Sonic Points là điểm thưởng airdrop dành cho người dùng trực tiếp tương tác với hệ sinh thái Sonic. Người dùng có thể kiếm Sonic Points thông qua ba hoạt động chính:
- Passive Points: Nắm giữ các tài sản được whitelist trong ví cá nhân (không áp dụng với tài sản trên sàn tập trung).
- Activity Points: Cung cấp thanh khoản và sử dụng tài sản trên các ứng dụng DeFi nằm trong danh sách tham gia chương trình.
- App Points (Gems): Điểm thưởng gián tiếp từ các ứng dụng, khi người dùng đóng góp thanh khoản hoặc thực hiện giao dịch trên ứng dụng, ứng dụng đó có thể chia lại một phần Sonic Gems cho người dùng.
Danh sách tài sản được whitelist bao gồm các tài sản gốc của Sonic và một số tài sản từ hệ sinh thái mở rộng. Các tài sản này được gán hệ số (multiplier) để khuyến khích người dùng nắm giữ và sử dụng các tài sản chiến lược. Toàn bộ điểm và thứ hạng người dùng đều được theo dõi minh bạch trên Sonic Points Dashboard.
Tiếp theo là Sonic Gems. Sonic Gems là cơ chế airdrop dành riêng cho các ứng dụng được xây dựng trên Sonic. Các ứng dụng có thể kiếm Gems thông qua việc thu hút người dùng và tạo ra hoạt động thực tế (On-chain Activity). Gems sau đó có thể đổi thành token S, cho phép ứng dụng sử dụng lượng token này để làm phần thưởng khuyến khích người dùng tiếp tục tương tác. Cách tiếp cận này tạo ra cơ chế chia sẻ phần thưởng linh hoạt, nơi mỗi ứng dụng có quyền tự quyết định cách họ phân bổ S token cho cộng đồng của mình.
Tổng cộng 37,5% nguồn cung airdrop (tương đương 71,437,500 S tokens) được phân bổ thông qua Sonic Gems. Trong đó, chương trình khởi động đặc biệt mang tên Sonic Boom đã lựa chọn và trao thưởng cho 30 dự án xây dựng sớm trên Sonic, chia thành ba cấp độ: Emerald, Sapphire, và Ruby, với số lượng Gems nhận được giảm dần theo cấp độ.
Airdrop S tokens không được phân phối hoàn toàn ngay lập tức mà được chia thành hai phần bao gồm:
- 25% khả dụng ngay sau 6 tháng kể từ khi Sonic ra mắt (dự kiến tháng 6/2025).
- 75% còn lại vesting dần trong 270 ngày dưới dạng vị thế NFT (NFT position).
Điểm đáng chú ý là Sonic áp dụng cơ chế linear decay kết hợp với chính sách burn, cho phép người dùng có thể claim trước phần token vesting nhưng sẽ phải chịu phí phạt (penalty). Phí phạt này càng cao nếu claim càng sớm, với toàn bộ token bị phạt sẽ bị đốt (burn), giảm nguồn cung lưu hành. Ví dụ, nếu claim vào ngày 90 sau khi mở khóa, người dùng có thể mất tới 66,7% lượng token vesting. Chính sách này vừa kiểm soát nguồn cung, tránh áp lực bán mạnh khi airdrop mở khóa, vừa khuyến khích người dùng duy trì hoạt động lâu dài trên Sonic.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng của Sonic còn đến từ một số các yếu tố như:
- Sonic Labs cho ra mắt Sonic Labs Innovator Fund - một quỹ hỗ trợ trị giá 200,000,000 S tokens từ kho quỹ của Sonic Foundation, nhằm thúc đẩy việc triển khai ứng dụng lên Sonic Chain và tài trợ cho các dự án đổi mới trong hệ sinh thái.
- Sonic Labs giới thiệu Sonic & Sodas - chương trình tài trợ sự kiện cộng đồng của Sonic Labs, khuyến khích tổ chức các buổi gặp gỡ và kết nối dành cho developer trên toàn cầu.
Làm Sao Để Tận Dụng Cơ Hội Trên Hệ Sinh Thái Sonic
Xác định vị thế cá nhân
Điểm thú vị của hệ sinh thái Sonic chính là việc người dùng có thể Earn Point thông qua nhiều chiến lược khác nhau:
- Passive Point: Dành cho những người dùng không có nhiều kinh nghiệm skin in the game nhưng vẫn muốn nhận Airdrop từ Sonic.
- Activity Points: Dành cho những người dùng có nhiều kinh nghiệm trong DeFi biết cách sử dụng thành thạo các DApp và đặc biệt biết cách tối ưu tài sản để nhận được nhiều Point nhất có thể.
Xây dựng chiến lược cá nhân phù hợp
Token | Multiplier | Loại điểm |
---|---|---|
scUSD, stkscUSD | 6x | Passive & Activity Points |
USDC.e | 5x | Passive & Activity Points |
scETH, stkscETH | 4x | Passive & Activity Points |
S, wS, stS, OS | 4x | Passive & Activity Points |
ONE, WETH | 2x | Passive & Activity Points |
SolvBTC, SolvBTC.BBN | 2x | Chỉ Activity Points |
Lưu ý: SolvBTC, SolvBTC.BBN chỉ được nhận Activity Points, không có Passive Points.
Nếu người dùng muốn kiếm điểm mà không cần thực hiện nhiều giao dịch, chỉ cần nắm giữ tài sản trong ví cá nhân như OKX Wallet hoặc Metamask, thì nên chọn:
- scUSD hoặc stkscUSD (6x Multiplier): Kiếm nhiều điểm nhất.
- USDC.e (5x Multiplier): Xếp thứ hai.
- scETH hoặc stkscETH (4x Multiplier): Tốt cho những ai thích giữ ETH.
- S, wS, stS, OS (4x Multiplier): Token hệ sinh thái Sonic, phù hợp để stake dài hạn.
Nếu người dùng chỉ đơn thuần là một người dùng mới tham gia vào DeFi thì bạn chỉ nên nắm giữ USDC.e. Tuy nhiên với những người dùng có kinh nghiệm tương tác với các DAPp và hiểu một cách cơ bản về DeFi thì có thể nắm giữ scUSD hoặc stkscUSD đối với Stablecoin đang có của mình hay scETH hoặc stkscETH đối với Ethereum đang có và wS, stS, OS đối với Sonic đang có.
- scUSD: Người dùng gửi Stablecoin của mình USDC, USDT, DAI,... để nhận về scUSD theo tỷ lệ thông qua Rings Protocol. Khi sử dụng Rings Protocol người dùng cũng sẽ kiếm Points và nhận Airdrop từ giao thức trong tương lai.
- stkscUSD: Khi stake scUSD trên Ring Protocol người dùng sẽ nhận về stkscUSD. Người dùng sẽ nhận thêm Ring Point.
- scETH: Người dùng gửi các phiên bản ETH của mình như ETH, wETH, wstETH, weETH,.. để nhận về scETH theo tỷ lệ thông qua Rings Protocol. Khi sử dụng Rings Protocol người dùng cũng sẽ kiếm Points và nhận Airdrop từ giao thức trong tương lai.
- stkscETH: Khi stake scETH trên Ring Protocol người dùng sẽ nhận về stkscETH. Người dùng sẽ nhận thêm Ring Point.
- wS
- stS:Người dùng khi tham gia stake S thông qua nền tảng Liquid Staking Beets sẽ nhận về stS.
- OS
Tiếp theo đối với những người dùng đã quá quen thuộc với Web3 & DeFi thì mọi người bắt đầu có thể tự xây dựng những chiến lược phù hợp với bản thân để nhận về tối đa Point nhất từ Sonic. Bước đầu chúng ta phải xác định đâu là những tài sản được ưu tiên & nhận được nhiều Multiplier nhất (dựa trên thông tin ở trên). Sau đó, chúng ta xác định đâu là những giao thức được ưu tiên theo 3 Tier từ cao đến thấp bao gồm
Tier | Dự án |
---|---|
Emerald Tier | Silo Finance, Gravity Finance, Vicuna Finance, MarginZero, Yearn Finance, Plus.Bet, Sonic Market, Rings Protocol, XPress & Soneta. |
Sapphire Tier | Shadow Exchange, RabbitX, Vertex, Magpie, Metropolis, Equalizer, SwapX, Stable Jack, Beethoven X, CrossCurve. |
Ruby Tier | SuperSonic, Avalon, Degen Express, Stability, Stryke, Lever by ZeroLend, Sacra: Falling of Myrd, Estfor Kingdom, MachFi, Lynx. |
Sau đó chúng ta cần xác định vai trò của các dự án trong hệ sinh thái như DEX, Lending & Borrowing, Stablecoin, Yield Aggregator, Derivatives,.. và từ đó bắt đầu xây dựng một chiến lược dành cho riêng mình. Một số các ví dụ đơn giản như:
- Sử dụng S gửi vào Silo Finance sau đó vay ra stS, sau đó lại swap stS thành S thông qua Magpie Protocol sau đó lại gửi S vào Silo để vay ra stS.
- Sử dụng USDC trong Rings Protocol để phát hành ra scUSD sau đó stake scUSD để nhận về stkscUSD, sau đó chuyển thành wstkscUSD rồi gửi vào trong Silo Finance để vay ra USDC. Lặp lại các bước trên.
- ...
Tổng Kết
Với động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ dòng tiền mới, sự xuất hiện của hàng loạt dự án DeFi quan trọng, cùng các cơ chế khuyến khích rõ ràng cho cả người dùng và nhà phát triển, hệ sinh thái Sonic đang bùng nổ và từng bước định hình vị thế cạnh tranh so với các blockchain Layer-1 hiệu suất cao khác trên thị trường. Tuy nhiên, mức độ bền vững của đà tăng trưởng này vẫn cần thời gian kiểm chứng, đặc biệt khi Sonic phải cân bằng giữa tốc độ mở rộng và đảm bảo tính ổn định dài hạn cho toàn bộ hệ sinh thái.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- NinjaTrader Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử NinjaTrader - April 23, 2025
- Incentiv Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Incentiv - April 22, 2025
- Lava Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Lava - April 22, 2025