Vào ngày 12 /08/2024, một bài báo được cho là của giáo sư Đại học Yale đã giới thiệu khái niệm ServerFi, tập trung vào việc tư nhân hóa tài sản và thưởng cho người chơi lâu dài nhằm duy trì sự gắn bó và bền vững của game blockchain. Tuy nhiên sau đó một số tin đồn cho rằng bài viết này có thể đã mạo danh Đại học Yale. Mặc dù vậy, một số người vẫn thắc mắc liệu ServerFi có thể là giải pháp cho các trò chơi GameFi trong tương lai hay không. Hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Trước khi vào bài viết, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu hơn nhé.
Hiện Trạng Và Điểm Yếu Của GameFi
Trong thị trường tăng trưởng 2021 - 2022, sự nổi lên của Axie Infinity, The Sandbox và StepN với các khái niệm về GameFi, Play To Earn hay Move To Earn đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên do mô hình Dual Token bao gồm token quản trị và token thưởng kết hợp với NFT làm tài sản trong trò chơi đã không thành công do về cơ bản chúng đã tạo nên một mô hình Ponzi trong game.
Sau nhiều năm cải tiến thì hai hướng phát triển chủ đạo nhất của GameFi hiện tại là Game Web2.5 nhằm tăng tính play và Fully Onchain Game dựa trên sự công bằng và phù hợp với tinh thần của thế giới tự trị (Autonomous World). Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
Game Web2.5 - Tăng Tính Play Cho GameFi
Game 3A hay còn được gọi là Game Triple A là một khái niệm mới xuất hiện trong thị trường GameFi trong giai đoạn cuối năm 2023. Xu hướng này đã mở ra một làn sóng nhỏ trên thị trường với rất nhiều dự án đáng chú ý như Shrapnel, Big Time,... Kể từ thời điểm này và sự nổi lên của Fully Onchain Game thì cộng đồng đã đặt một cái tên mới để gọi chung những tựa GameFi trước đây và Game 3A là Game Web2.5. Với những điểm nổi bật như:
- Kết hợp trò chơi truyền thống với công nghệ blockchain: Game Web2.5 là sự kết hợp giữa game truyền thống (Web2.0) và game hoàn toàn dựa trên blockchain (Web3.0). Loại game này vẫn giữ lại lối chơi quen thuộc và trải nghiệm người dùng của game truyền thống, đồng thời thêm vào một số yếu tố của blockchain như quyền sở hữu tài sản số và giao dịch phi tập trung giữa người chơi.
- Đặc điểm phi tập trung một phần: Một số yếu tố phi tập trung chỉ được áp dụng cho các tính năng cụ thể. Ví dụ: các vật phẩm, nhân vật hoặc tiền trong game có thể được quản lý và giao dịch qua blockchain, đảm bảo người chơi thực sự sở hữu chúng. Tuy nhiên, phần lớn game vẫn chạy trên máy chủ tập trung để đảm bảo hoạt động mượt mà.
- Hiệu suất cao và dễ sử dụng: Vì không hoàn toàn dựa vào blockchain, Game Web2.5 có hiệu suất cao hơn và dễ sử dụng hơn so với Fully Onchain Game. Sử dụng máy chủ truyền thống cho phép những game này hỗ trợ nhiều người chơi cùng lúc và cung cấp nội dung phong phú mà không bị giới hạn bởi tốc độ xử lý của blockchain.
- Cân bằng giữa trải nghiệm game truyền thống và lợi ích của blockchain: Web2.5 game cố gắng tìm sự cân bằng giữa trải nghiệm thú vị của game truyền thống và những lợi ích mà blockchain mang lại. Bằng cách tích hợp quản lý tài sản phi tập trung, ghi chép giao dịch rõ ràng và khả năng trao đổi tài sản giữa các nền tảng thì Game Web2.5 không chỉ mang đến trải nghiệm chơi game hấp dẫn mà còn cung cấp cho người chơi các cách mới để gia tăng giá trị và tham gia sâu hơn vào game.
- Kết hợp tiêu chuẩn 3A với blockchain: Game 3A thường có ngân sách cao, đồ họa đẹp, cốt truyện sâu sắc và tương tác phức tạp. Game 3A kết hợp với blockchain không chỉ mang lại trải nghiệm đỉnh cao mà còn cho phép người chơi sở hữu và giao dịch tự do các vật phẩm trong game, tạo ra trải nghiệm có giá trị thực tế cao hơn.
- Hỗ trợ nhiều loại game: Với mô hình này, hầu như mọi loại game từ phiêu lưu, chiến thuật đến bắn súng đều có thể áp dụng. Hiện tại, MMORPG (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) là loại game Web2.5 phổ biến nhất.
Fully Onchain Game - Hướng đến sự công bằng và phù hợp với tinh thần của thế giới tự trị
Fully Onchain Game (FOCG) là một khái niệm mới để mô tả các dự án GameFi mà mọi yếu tố liên quan đến trò chơi từ dữ liệu, logic đến các quy tắc và tính năng đều được lưu trữ và xử lý trên blockchain. Xu hướng Fully onchain Game sau đó đã nhanh chóng lan rộng trên thị trường với rất nhiều dự án nổi bật đáng chú ý như Pirate Nation, Influence,... Dưới đây là một số đặc điểm chính của Fully Onchain Game:
- Dữ liệu lưu trữ trên blockchain: Trong một dự án FOCG, tất cả dữ liệu quan trọng như trạng thái game, tiến trình của người chơi, vật phẩm, nhân vật và các yếu tố khác đều được lưu trữ trực tiếp trên blockchain. Điều này đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và bất biến của dữ liệu, cho phép người chơi hoàn toàn kiểm soát tài sản kỹ thuật số của mình.
- Logic game được thực thi bởi smart contract: Thay vì chạy trên máy chủ tập trung, các logic và quy tắc của trò chơi trong FOCG được triển khai thông qua smart contract trên blockchain. Điều này có nghĩa là mọi hoạt động trong game như chiến đấu, giao dịch, hoặc nâng cấp nhân vật, đều được thực hiện công khai và minh bạch trên mạng lưới blockchain.
- Mã nguồn mở và phát triển bởi cộng đồng: FOCG thường khuyến khích mã nguồn mở, cho phép cộng đồng đóng góp, phát triển và mở rộng các tính năng của game. Điều này cũng có thể bao gồm việc tạo ra các phiên bản phân nhánh của game gốc hoặc phát triển các plugin và tiện ích bổ sung.
- Không phụ thuộc vào nhà phát triển trung tâm: Một trò chơi hoàn toàn on-chain có thể tồn tại mà không cần phụ thuộc vào nhà phát triển ban đầu. Điều này có nghĩa là ngay cả khi nhóm phát triển ngừng hoạt động, trò chơi vẫn có thể tiếp tục tồn tại và phát triển nhờ vào cộng đồng và tính phi tập trung của blockchain.
- Khả năng tương tác với thế giới thực: FOCG cung cấp khả năng tích hợp các yếu tố trong game với thế giới thực thông qua blockchain, cho phép giao dịch các tài sản kỹ thuật số có giá trị thực tế, tạo ra một cầu nối giữa thế giới ảo và thế giới thực.
- Tính minh bạch và bảo mật cao: Bởi vì tất cả hoạt động của game đều diễn ra trên blockchain, mọi thứ đều có thể được kiểm tra và xác minh công khai, giúp ngăn chặn gian lận và đảm bảo tính toàn vẹn của trò chơi.
Fully Onchain Game không chỉ mang lại trải nghiệm chơi game minh bạch và bảo mật cao hơn mà còn mở ra những khả năng mới cho việc tương tác giữa người chơi và các tài sản kỹ thuật số, từ đó định hình tương lai của trò chơi điện tử trong không gian blockchain.
Những điểm yếu của các dự án GameFi hiện tại
Sự đổi mới của GameFi là việc tài chính hóa trò chơi mà cách thức tài chính hóa chính là Pay to Earn. Đáng tiếc, Pay to Earn ở thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được một mô hình kinh tế phù hợp. Nhìn lại lịch sử phát triển của trò chơi, nó bắt đầu xuất hiện từ những năm 1970, trở thành xu hướng quan trọng của ngành công nghiệp giải trí tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu vào cuối thập niên 1970. Sau sự kiện suy thoái lớn của ngành công nghiệp trò chơi tại Mỹ năm 1983 và sự phục hồi trong hai năm tiếp theo, ngành công nghiệp trò chơi đã trải qua hơn hai thập kỷ tăng trưởng, trở thành một ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD, cạnh tranh với ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh, và hiện nay là ngành giải trí hình ảnh có lợi nhuận cao nhất thế giới. Qua hàng chục năm phát triển, mô hình của trò chơi cũng đã liên tục thay đổi. Hiện tại, việc chuyển trò chơi lên blockchain vẫn đối mặt với một số khó khăn và thách thức đáng kể:
1. Nhu cầu người dùng không rõ ràng:
Không thể phủ nhận rằng GameFi hiện tại còn kém xa so với trò chơi truyền thống về tính hấp dẫn và trải nghiệm chơi game mặc dù các game 3A trên blockchain đang nỗ lực cải thiện điều này. Đối với người dùng, sự kết hợp giữa mô hình Pay to Earn và thiếu tính hấp dẫn khiến họ phải lựa chọn giữa việc chơi cho vui hay kiếm tiền. Nếu cả hai lựa chọn này đều không mang lại niềm vui, người chơi sẽ nhanh chóng rời bỏ.
Nhiều dự án GameFi hiện nay có mô hình kinh tế quá phụ thuộc vào sự biến động của giá token và thêm vào đó là ảnh hưởng từ thị trường Crypto chung. Nếu giá token giảm mạnh gây tổn thất cho người chơi sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ giữ chân người chơi và khi mất dần người chơi tham gia vào game thì vòng đời của game cũng kết thúc nhanh hơn.
2. Phức tạp trong thao tác trên Blockchain:
Đối với những người không quen thuộc với tiền điện tử, GameFi có rào cản gia nhập khá cao. Người chơi thường phải làm quen với ví tiền điện tử, giao dịch token và các thao tác khác trên blockchain, điều này không thân thiện với người chơi thông thường. Rào cản kỹ thuật này giới hạn việc mở rộng người dùng của GameFi, đặc biệt là trong việc phổ biến đến nhóm người chơi game truyền thống.
3. Thiếu quy định pháp lí:
Phía sau sự tài chính hóa của GameFi là một khung pháp lý chưa hoàn thiện trên phạm vi toàn cầu. Sự không chắc chắn này khiến người chơi đối mặt với một mức độ rủi ro pháp lý nhất định. Điều này cản trở việc thu hút lưu lượng người dùng từ bên ngoài ngành, khiến người chơi hiện tại chủ yếu là những người đầu tư đầu cơ tiền điện tử.
Khái Niệm ServerFi Trong Bài Báo Của Giáo Sư Đại Học Yale Nói Lên Điều Gì
Tóm tắt những ý chính trong bài báo khái niệm ServerFi
Đầu tiên chúng ta hãy cùng điểm qua những ý chính trong bài báo của giáo sư đại học Yale về khái niệm ServerFi. Trong đó tác giả có nhắc về lịch sử phát triển của game Blockchain rằng hầu hết trò chơi đều có chu kì sống nhất định. Khởi đầu với CryptoKitties, cơ chế nhân giống làm tăng nguồn cung của mèo, dần dần làm giảm tính khan hiếm và giá trị của chúng. Khi nhiều người chơi tham gia, thị trường nhanh chóng bão hòa, làm giá token khó duy trì. Nếu không có đủ người chơi hoạt động, cung vượt cầu sẽ dẫn đến giá trị giảm mạnh. Những người đầu tư nhiều vào việc nhân giống có thể thấy lợi nhuận giảm và sự khan hiếm ban đầu bị thay thế bởi nguồn cung dư thừa, khiến người chơi mất hứng thú và giảm mức độ tham gia.
Lí thuyết Entropy cũng được nhắc đến như là một cách để nhận ra các khuyết điểm của mô hình tokenomics trong các dự án Game Blockchain. Khi có nhiều token hơn trên thị trường và giao dịch tăng lên, sự hỗn loạn tăng, dẫn đến giá biến động và nguy cơ lạm phát. Nếu không có cơ chế điều chỉnh, hệ thống có thể đi vào trạng thái hỗn loạn cao, làm mất giá token và giảm sự tham gia của người chơi. Do đó, cần có các cơ chế khuyến khích và biện pháp quản lý để giảm tốc độ tăng sự hỗn loạn, giữ cho thị trường ổn định và người chơi tích cực tham gia.
Ví dụ Tokenomics của Axie Infinity có một số nhược điểm lớn:
- Phụ thuộc nhiều vào việc tạo ra token mới như SLP, dẫn đến cung vượt cầu và làm token mất giá
- Đầu cơ trong giai đoạn phát hành token (TGE) gây biến động giá, ảnh hưởng đến sự ổn định
- Thiếu các khuyến khích bền vững khiến người chơi khó duy trì hứng thú
- Chi phí đầu tư ban đầu cao cũng là rào cản cho người chơi mới, hạn chế khả năng phổ biến.
Bài viết đưa ra hai đề xuất để cải thiện mô hình tokenomics của các dự án GameFi:
- ServerFi: ServerFi phù hợp với tinh thần Web3, cho phép người chơi kết hợp tài sản trong trò chơi để giành quyền kiểm soát máy chủ game. Cơ chế này khuyến khích người chơi tích lũy và hợp nhất các tài sản kỹ thuật số như NFT để kiểm soát máy chủ, thúc đẩy việc đầu tư sâu hơn vào game, tăng cường sự tham gia và trung thành.
- Phần thưởng liên tục cho người chơi: Các dự án có thể theo dõi hành vi người chơi và cung cấp phần thưởng cho những người chơi trung thành, giúp duy trì hoạt động của token và sức khỏe hệ sinh thái game. Phương pháp này khuyến khích sự tham gia liên tục, thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng. Ví dụ: một phần thu nhập từ dự án có thể được chia cho những người chơi hàng đầu, tạo động lực vừa chơi vừa kiếm tiền.
Bản chất của khái niệm ServerFi là gì
Khi tách nghĩa đen của ServerFi kèm theo giải thích từ bài báo gốc, Server có nghĩa là máy chủ và ServerFi giống như một mạng lưới máy chủ. Nói một cách đơn giản, mục tiêu chính vẫn là phân quyền sở hữu quyền lợi, tăng cường tinh thần phi tập trung của Web3 và cho phép người chơi thu thập tài sản trong trò chơi để cuối cùng giành được quyền kiểm soát Server trong tương lai.
Tuy nhiên chỉ riêng ServerFi là chưa đủ, do đó đã có thêm cơ chế phần thưởng liên tục cho người chơi trung thành. Nói đơn giản, cơ chế này có nghĩa là chơi càng lâu thì người chơi càng có thể thu thập được nhiều server fragments hơn. Nhưng bài báo không giải thích chi tiết liệu có cần phải liên tục mua token hay tính toán dựa trên thời gian chơi. Nếu vẫn cần phải liên tục mua token liên tục và tham gia vào cuộc chơi Earn thì bản chất vẫn là Play to Earn. Tuy nhiên, sự đổi mới này vẫn là để giảm bớt hoặc cải tiến lối chơi Ponzi thuần túy của Play to Earn và giảm hành vi đầu cơ.
Tóm lại, mô hình kết hợp ServerFi + phần thưởng liên tục cho người chơi trung thành vẫn là sự cải tiến và đổi mới trong việc thiết kế lại mô hình tokenomics của các dự án GameFi.
Tương Lai Của GameFi Với Sự Xuất Hiện Của ServerFi
Gameplay hay cơ chế Earn của game quan trọng hơn
Rõ ràng là tính Play trong trò chơi quan trọng hơn. Mục tiêu chính của trò chơi là mang lại trải nghiệm thú vị cho người chơi, còn kiếm tiền chỉ là yếu tố thêm vào. Nếu một trò chơi chỉ tập trung vào kiếm tiền mà không thú vị thì đó không thực sự là trò chơi. Để thu hút và giữ chân người chơi, các dự án GameFi cần phải mang lại trải nghiệm vui vẻ và cuốn hút thay vì chỉ dựa vào mô hình kiếm tiền ngắn hạn theo kiểu Ponzi. Nếu trò chơi chỉ tập trung vào việc kiếm tiền mà không có yếu tố thú vị thì GameFi sẽ khó mà phát triển lâu dài.
GameFi và ServerFi đang kể câu chuyện gì
GameFi đề cập đến mô hình Pay to Earn, đưa trò chơi lên blockchain và đã bùng nổ trong thời kỳ thị trường tăng giá từ năm 2021-2022. Những cơn sốt kiểu Ponzi đã thúc đẩy sự phát triển của các trò chơi như Axie Infinity, The Sandbox, và Stepn. Tuy nhiên, khi thị trường hạ nhiệt, nó để lại nhiều hậu quả tiêu cực, đồng thời nhắc nhở về nhu cầu sáng tạo và thử nghiệm mới trong việc tích hợp trò chơi với blockchain.
ServerFi là sự cải tiến của mô hình Pay to Earn, nhằm giảm thiểu hoặc cải tiến các yếu tố Ponzi thuần túy trong Play to Earn và thúc đẩy tính phi tập trung sâu hơn trong hệ thống kinh tế và cấu trúc. ServerFi hướng tới việc cho phép những người chơi trung thành và có cam kết lâu dài đạt được quyền kiểm soát tài sản tài chính trong trò chơi.
Hiện tại, phần lớn các đổi mới trên blockchain chủ yếu là sự tiến hóa của mảng DeFi và GameFi cũng không ngoại lệ. Việc kết hợp các yếu tố tài chính mạnh mẽ vào trò chơi không phải là sai lầm nhưng thách thức nằm ở chỗ làm sao tận dụng một cách hiệu quả chúng. Cả GameFi và ServerFi hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở việc cải tiến mô hình kinh tế. Nếu chỉ nhắm đến mục tiêu chơi game để kiếm tiền khi giá token giảm, người chơi sẽ vừa chơi vừa chịu lỗ, dẫn đến vòng xoáy suy thoái không thể tránh khỏi của trò chơi. Để GameFi thực sự trở lại với bản chất trò chơi và mang lại niềm vui, chúng ta cần tập trung vào việc thiết kế nội dung hấp dẫn thay vì thiết kế các chỉ số kinh tế. Đây có thể là cách giúp GameFi đạt được sự đột phá.
Tổng kết
Khái niệm ServerFi đang cố gắng khắc phục vấn đề mà rất nhiều dự án GameFi đang gặp phải về mô hình nền kinh tế trong game. Tuy nhiên nhìn rộng ra thì để mảng GameFi tiếp tục phát triển và trưởng thành thì cần nhiều hơn thế, cải thiện về cả gameplay và nhiều yếu tố khác nữa. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Đằng Sau Vụ Trộm Thế Kỉ Đối Với CryptoPunks Hiếm - October 2, 2024
- Phân Tích Magic Eden: Ra Token Và Chiến Lược Mở Rộng Hệ Sinh Thái NFT - September 24, 2024
- Phân Tích OpenSea: Nhìn Lại Chặng Đường Thăng Trầm Của NFT Marketplace Hàng Đầu - September 19, 2024