Trong bối cảnh blockchain ngày càng mở rộng về cả quy mô lẫn tính năng, nhu cầu về hiệu suất, chi phí và khả năng mở rộng ngày càng trở nên cấp thiết. Đây là lúc mà các Layer 2 (L2) nổi lên như một giải pháp không thể thiếu. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục phát triển trên nền tảng Ethereum Virtual Machine (EVM) đã bộc lộ nhiều giới hạn, một xu hướng mới đang hình thành: xây dựng Layer 2 dựa trên Solana Virtual Machine (SVM). Bài viết này sẽ phân tích Layer 2 sử dụng SVM như Eclipse, SOON và Atlas, đồng thời mở rộng sang các Layer 1 mới như Solayer và Fogo Chain – những cái tên đang dẫn đầu làn sóng đổi mới về hạ tầng blockchain hiệu suất cao.

Tổng Quan Về Solana Virtual Machine

SVM là gì?

Solana Virtual Machine (SVM) là thành phần cốt lõi xử lý tất cả giao dịch và Smartcontract trên blockchain Solana. Nếu ví blockchain là một hệ điều hành, thì SVM chính là bộ xử lý trung tâm, giúp mọi chương trình chạy đúng logic và hiệu quả. Khi người dùng gửi một giao dịch hay gọi một Smartcontract, SVM sẽ đảm nhiệm việc kiểm tra, thực thi và ghi nhận kết quả lên chuỗi.

Khác với Ethereum sử dụng Ethereum Virtual Machine (EVM), SVM được thiết kế riêng để tận dụng tối đa hiệu suất phần cứng. Một trong những điểm mạnh lớn nhất của SVM là khả năng xử lý song song nhờ vào kiến trúc Sealevel. Điều này cho phép nhiều giao dịch và smart contract được thực hiện cùng lúc, giúp Solana đạt được tốc độ xử lý cực cao – hàng nghìn giao dịch mỗi giây.

Ngoài ra, SVM sử dụng ngôn ngữ lập trình Rust, một ngôn ngữ được đánh giá cao về độ an toàn và hiệu suất. Việc sử dụng Rust giúp các nhà phát triển xây dựng smart contract chính xác, ít lỗi và tối ưu hơn. Nhờ vào những ưu điểm này, SVM đóng vai trò then chốt trong việc đưa Solana trở thành một trong những blockchain có hiệu suất cao nhất thị trường hiện nay.

Tại sao SVM lại được ưa chuộng như vậy?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu tại vì sao EVM ngày nay lại phổ biến như vậy. Ethereum Virtual Machine (EVM) là môi trường thực thi smart contract phổ biến nhất trong thị trường blockchain hiện nay. Lý do chính khiến EVM trở nên phổ biến là vì nó đi tiên phong. Ethereum là nền tảng đầu tiên hỗ trợ smart contract một cách toàn diện, nên các dự án, developer, ví và hạ tầng đều chọn xây dựng dựa trên EVM từ rất sớm.

Ngoài ra, EVM còn sử dụng Solidity, một ngôn ngữ lập trình được đơn giản hóa và học dễ hơn so với Rust. Điều này giúp thu hút được lượng lớn developer, từ đó tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn: hàng nghìn DApp, hàng trăm Layer 2 và vô số công cụ hỗ trợ EVM. Khi hệ sinh thái đã đủ lớn, hiệu ứng mạng (network effect) khiến EVM càng ngày càng khó bị thay thế.

Tuy nhiên, EVM cũng có giới hạn. Khả năng xử lý song song kém, chi phí giao dịch cao, tốc độ chậm là những điểm yếu cố hữu mà không dễ khắc phục. Đây chính là khoảng trống để các hệ sinh thái mới như Solana – với Solana Virtual Machine (SVM) – bứt phá.

SVM sở hữu những đặc điểm vượt trội về hiệu suất mà EVM không có:

  • Khả năng xử lý song song nhiều giao dịch nhờ kiến trúc Sealevel.
  • Thời gian tạo khối cực nhanh.
  • Phí giao dịch cực thấp.

Dù hệ sinh thái chưa lớn bằng EVM, nhưng SVM đang từng bước mở rộng với các giải pháp như Solana L2, Solana VM on other chains, và các công cụ phát triển hỗ trợ Rust/C. Từ đây có thể rút ra kết luận rằng EVM phổ biến nhờ đi đầu và hệ sinh thái phát triển mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa nó là tối ưu nhất. SVM tuy đi sau nhưng đang thể hiện rõ tiềm năng để trở thành "EVM thế hệ mới" – nhanh hơn, rẻ hơn, và phù hợp với ứng dụng thực tế hơn. 

Phân Tích Layer 2: SVM Sẽ Là Tương Lai Tiếp Theo

Các Layer 2 được xây dựng trên SVM

Tiên phong cho Layer 2 được xây dựng trên SVM chính là Eclipse. Eclipse là dự án tiên phong triển khai SVM trên Ethereum. Nó sử dụng SVM cho việc thực thi giao dịch, Celestia cho lưu trữ dữ liệu và Ethereum làm lớp thanh toán. Eclipse đã huy động được $50M từ các quỹ như Placeholder, Hack VC, Polychain và Delphi Digital . Dự án đã thu hút nhiều ứng dụng DeFi từ Solana như Orca và Solend. 

Rõ ràng Eclipse là Layer 2 đầu tiên trên Ethereum sử dụng SVM vì thế nó sẽ mang lại những lợi thế so với các Layer 2 khác bao gồm:

  • Eclipse nhận về tốc độ và chi phí cực kì thấp của Solana.
  • Eclipse có sự bảo hộ về bảo mật từ Ethereum.
  • Eclipse tiếp tục tối ưu mô hình phí nhờ lưu trữ dữ liệu trên Celestia.
  • Eclipse, lần đầu tiên giúp các DApp trên Solana có thể mở rộng sang Ethereum mà không cần thay đổi ngôn ngữ lập trình.

Tiếp theo là Soon. SOON là một Layer 2 blockchain sử dụng Solana Virtual Machine (SVM) làm nền tảng thực thi, với mục tiêu giải quyết các điểm nghẽn cố hữu của Ethereum và các giải pháp Layer 2 dựa trên Ethereum Virtual Machine (EVM). Dựa trên kiến trúc “Decoupled SVM” và cơ chế Optimistic Rollup, SOON đặt trọng tâm vào việc cung cấp môi trường phát triển hiệu quả cao, khả năng mở rộng mạnh và chi phí thấp cho các ứng dụng phi tập trung.

Thay vì chạy toàn bộ quy trình xử lý và thanh toán trên cùng một chuỗi, SOON tách biệt phần thực thi giao dịch (Execution) khỏi lớp giải quyết (Settlement). Các giao dịch được xử lý trên một môi trường SVM hiệu suất cao và chỉ định kỳ gửi kết quả đến một Layer 1 khác (như Ethereum), giúp tối ưu cả tốc độ và chi phí. Điều này cho phép SOON tận dụng kiến trúc xử lý song song vốn là đặc điểm nổi bật của Solana, đồng thời giữ được tính bảo mật và thanh khoản từ các chuỗi lớn như Ethereum.

Bên cạnh đó, SOON triển khai cơ chế Optimistic Rollups, trong đó các giao dịch được mặc định là hợp lệ và chỉ bị kiểm tra khi có tranh chấp. Nhờ đó, mạng có thể xử lý khối lượng lớn giao dịch mà không cần tốn tài nguyên xác minh ngay lập tức, một giải pháp phù hợp cho các ứng dụng cần thông lượng cao và độ trễ thấp như sàn giao dịch phi tập trung (DEX), trò chơi on-chain hoặc nền tảng dữ liệu thời gian thực.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, SOON còn xây dựng khả năng mở rộng linh hoạt thông qua việc hỗ trợ nhiều lớp dữ liệu như Celestia, EigenDA và Avail. Điều này giúp các nhà phát triển tùy chọn giải pháp lưu trữ dữ liệu phù hợp với từng loại ứng dụng. Đồng thời, SOON cũng phát triển cầu nối giữa tài sản ERC 20 (Ethereum) và SPL (Solana), mở rộng tính tương tác liên chuỗi, một yếu tố quan trọng trong chiến lược thu hút người dùng và thanh khoản. Hiện tại, hệ sinh thái phát triển của SOON cũng đang hình thành rõ rệt. Dự án đã gọi vốn thành công $22M từ các quỹ như Hack VC, MH Ventures và SNZ Holding, cùng $38M từ IDO.

Cuối cùng là Atlas. Atlas là một Layer 2 blockchain được phát triển bởi Ellipsis Labs – nhóm đứng sau Phoenix, một trong những sàn giao dịch phi tập trung thành công nhất trên Solana với hơn 50 tỷ USD khối lượng giao dịch. Dự án ra đời nhằm phục vụ các ứng dụng tài chính đòi hỏi tốc độ cao, độ chính xác lớn và khả năng minh bạch cao – những yếu tố mà các Layer 1 và Layer 2 hiện tại, đặc biệt là hệ sinh thái dựa trên EVM, chưa thể đáp ứng trọn vẹn.

Về mặt kỹ thuật, Atlas sử dụng Solana Virtual Machine (SVM) tùy chỉnh làm lớp thực thi, tách biệt hoàn toàn với lớp giải quyết trên Ethereum. Cách tiếp cận này cho phép Atlas kết hợp hiệu suất xử lý song song và độ trễ thấp của SVM với bảo mật và thanh khoản của Ethereum. Đây là một giải pháp “Decoupled Execution” tương tự mô hình mà nhiều L2 thế hệ mới như Eclipse hay SOON đang hướng đến, nhưng được tối ưu riêng cho các ứng dụng tài chính chuyên sâu.

Đặc điểm nổi bật của Atlas là khả năng hỗ trợ “Verifiable Finance” – tức là các giao dịch tài chính có thể xác minh minh bạch hoàn toàn trên chuỗi, nhưng vẫn giữ được độ trễ thấp và chi phí xử lý hợp lý. Các cải tiến kỹ thuật bao gồm: hệ thống bộ nhớ được tối ưu hóa để tính toán trạng thái hiệu quả, thiết kế kiến trúc mô-đun để các nhà phát triển dễ dàng tùy biến node, cơ chế lập lịch giao dịch dự đoán được, và đặc biệt là hệ thống oracle tốc độ cao, giúp phản ánh chính xác dữ liệu thị trường trong thời gian thực.

Với cấu trúc này, Atlas đặc biệt phù hợp cho các loại ứng dụng như: sổ lệnh on-chain, giao dịch tần suất cao (HFT), margin trading, và các thị trường tín dụng phức tạp – những mô hình thường bị giới hạn trên các nền tảng EVM vì chi phí và độ trễ quá cao.

Dự án hiện đang ở giai đoạn testnet riêng tư, với lộ trình ra mắt testnet công khai vào cuối năm 2024 và mainnet vào quý 2 năm 2025. Atlas đã huy động được $21M từ các quỹ đầu tư hàng đầu như Paradigm và Haun Ventures, cho thấy sự tin tưởng lớn từ giới đầu tư vào tầm nhìn và năng lực kỹ thuật của đội ngũ.

Layer 1 trên SVM cũng đang bùng nổ

Đầu tiên chính là Solayer. Solayer là một Layer 1 mới nổi được xây dựng trên nền tảng Solana Virtual Machine (SVM), hướng đến mục tiêu cung cấp một blockchain hiệu suất cực cao cho các ứng dụng yêu cầu xử lý song song, thông lượng lớn và độ trễ cực thấp. Thay vì chỉ sao chép kiến trúc Solana, Solayer phát triển một hệ thống hạ tầng độc lập với nhiều nâng cấp về phần cứng và mạng để đẩy hiệu năng của SVM lên mức tối đa.

Cốt lõi của Solayer là mô hình InfiniSVM – một hệ thống thực thi song song sử dụng nhiều "Executor" để xử lý hàng loạt giao dịch đồng thời. Khác với các chain dựa trên SVM hiện tại, Solayer tích hợp trực tiếp với các công nghệ hạ tầng cao cấp như RDMA (Remote Direct Memory Access), InfiniBand, và Software-Defined Networking (SDN). Những công nghệ này thường chỉ xuất hiện trong hệ thống tài chính cấp độ doanh nghiệp hoặc hạ tầng AI chuyên dụng, và giờ được mang vào thiết kế blockchain. Nhờ vậy, Solayer đặt mục tiêu đạt trên 1 triệu giao dịch mỗi giây (TPS) và băng thông mạng vượt 100 Gbps, cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của các L1 hiện nay.

Một điểm đáng chú ý khác là tính tương thích ngược với hệ sinh thái Solana. Các ứng dụng được viết cho Solana hoặc các chain sử dụng SVM có thể dễ dàng triển khai lên Solayer mà không cần thay đổi nhiều về logic. Điều này giúp giảm rào cản cho developer, đồng thời đẩy nhanh quá trình mở rộng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, Solayer còn hỗ trợ trừu tượng hóa chuỗi (Chain Abstraction) – cho phép người dùng tương tác với các ứng dụng xuyên chuỗi mà không cần cầu nối phức tạp, cải thiện trải nghiệm người dùng đáng kể.

Với định hướng trở thành hạ tầng cho các ứng dụng đòi hỏi hiệu năng cực cao như giao dịch tần suất cao (HFT), trò chơi on-chain thời gian thực, hoặc nền tảng AI, Solayer đang đặt cược vào việc blockchain cần tiến gần hơn đến mô hình xử lý song song thực sự. Đây là điều mà cả Ethereum lẫn Solana hiện tại chưa thể hiện rõ rệt.

Bên cạnh đó còn là Fogo Chain. Fogo Chain là một Layer 1 Blockchain mới được thiết kế để đạt hiệu suất tối đa thông qua việc sử dụng Firedancer, client hiệu suất cao dành cho Solana được phát triển bởi Jump Crypto. Không giống như các Layer 1 dựa trên Solana Virtual Machine (SVM) chỉ dùng các client mặc định, Fogo là chuỗi đầu tiên triển khai Firedancer một cách toàn diện, tận dụng hoàn toàn sức mạnh của client này để mang lại tốc độ xử lý và độ ổn định vượt trội.

Firedancer được viết lại hoàn toàn bằng C/C++ với mục tiêu đạt được khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây trong môi trường thực. Khi tích hợp Firedancer làm client chính, Fogo đặt trọng tâm vào trải nghiệm blockchain thời gian thực (real-time blockchain) – một yếu tố then chốt cho các ứng dụng như giao dịch tần suất cao, trò chơi on-chain hay hệ thống tài chính phi tập trung yêu cầu cập nhật liên tục.

Bên cạnh Firedancer, một cải tiến lớn của Fogo là mô hình “đồng thuận đa khu vực” (Multi-local Consensus). Thay vì xử lý khối theo thứ tự toàn cầu như hầu hết các chain hiện nay, Fogo cho phép validator tổ chức theo khu vực địa lý để tối ưu hóa độ trễ và hiệu suất. Cách tiếp cận này lấy cảm hứng từ mô hình “giao dịch theo mặt trời” (Follow-the-sun Trading) thường thấy trong thị trường tài chính truyền thống, nơi dữ liệu và giao dịch luân chuyển theo múi giờ để đảm bảo hoạt động liên tục và nhanh chóng.

Fogo cũng thử nghiệm các mô hình kinh tế mới. Thay vì yêu cầu người dùng phải sở hữu token gốc của chain để trả phí (như SOL hay ETH), Fogo cho phép thanh toán phí bằng bất kỳ token SPL nào (ví dụ: TRUMP), thông qua cơ chế “fee_payer_unsigned” – nghĩa là người dùng có thể ký giao dịch mà không cần trực tiếp sở hữu token phí. Điều này giúp giảm rào cản tiếp cận, đặc biệt với người dùng phổ thông.

Về mặt bảo mật và cấu trúc mạng, Fogo triển khai giai đoạn đầu với cơ chế Proof of Authority (PoA), chỉ định một nhóm validator chọn lọc từ 20–50 node để đảm bảo ổn định. Trong các giai đoạn sau, Fogo sẽ dần mở rộng sang cơ chế quản trị cộng đồng để tăng tính phân quyền.

Dự án đã gọi vốn thành công $13.5M từ nhiều quỹ đầu tư lớn trong ngành như Distributed Global, CMS Holdings, cùng các cá nhân nổi bật như Kain Warwick (Synthetix), Larry Cermak (The Block) và Cobie. Việc nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều tên tuổi lớn trong cộng đồng crypto cho thấy tiềm năng và sự tin tưởng đối với hướng đi khác biệt mà Fogo đang theo đuổi.

Tổng Kết

Sự phát triển nhanh chóng của các Layer 2 sử dụng SVM như Eclipse, SOON, Atlas cùng các Layer 1 như Solayer và Fogo Chain cho thấy một xu hướng rõ ràng: cộng đồng đang tìm kiếm những lựa chọn hạ tầng blockchain hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn so với EVM truyền thống. Với khả năng xử lý song song, phí thấp và thời gian phản hồi cực nhanh, SVM đang trở thành nền tảng lý tưởng cho các ứng dụng phi tập trung hiện đại. Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì và mở rộng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ Layer 2 mới – nơi SVM sẽ không chỉ là lựa chọn thay thế, mà là tiêu chuẩn hạ tầng chủ đạo. Đây chính là thời điểm thích hợp để theo sát và phân tích Layer 2 thế hệ mới, nhằm nắm bắt sớm các cơ hội trong thị trường blockchain đang chuyển mình.