
Sau 2 năm dài chờ đợi, dự án mong đợi nhất của Bitcoin Ordinals là Taproot Wizards cuối cùng đã được phát hành. Tuy nhiên trái với kì vọng của cộng đồng thì kể từ khi ra mắt giá sàn của Taproot Wizards đã giảm liên tục. Trong bài viết này, hãy cùng Hak Research tìm hiểu nguyên nhân khiến giá sàn giảm mạnh đến vậy và chi tiết về Taproot Wizard nhé.
Tổng Quan Về Taproot Wizard
Nguồn gốc văn hóa của Taproot Wizards
Taproot Wizards không phải là một dự án NFT xuất phát từ nhu cầu thương mại hay thị trường đầu cơ mà hình thành dựa trên một biểu tượng văn hóa có từ rất sớm trong cộng đồng Bitcoin – Magic Internet Money Wizard. Biểu tượng này lần đầu xuất hiện trên diễn đàn /r/Bitcoin vào tháng 2/2013 khi theymos (một trong các quản trị viên của diễn đàn) tổ chức cuộc thi thiết kế quảng bá cho cộng đồng.
Một người dùng Reddit với tên tài khoản /u/mavensbot đã đăng tải hình minh họa về một nhân vật phù thủy mang thông điệp “Magic Internet Money”. Thiết kế này đơn giản, dễ ghi nhớ, có yếu tố hài hước và mang thông điệp trực tiếp về Bitcoin - một loại tiền ảo thời điểm đó còn rất mới mẻ và chưa được chấp nhận rộng rãi.

Nguồn gốc của Taproot Wizards
Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh đã trở thành một biểu tượng viral trong cộng đồng. Hình ảnh “phù thủy tiền ảo” không chỉ đại diện cho tinh thần khám phá và chấp nhận rủi ro của những người dùng Bitcoin giai đoạn đầu mà còn thể hiện thái độ tự trào – một nét đặc trưng văn hóa thường thấy trong các cộng đồng cypherpunk, crypto-native và diễn đàn trực tuyến.
Khi đó, giá Bitcoin vẫn chỉ quanh mức 287 USD và hầu hết người tham gia vẫn xem đây là một thử nghiệm công nghệ hơn là tài sản đầu tư. Chính vì vậy, Magic Internet Money Wizard không chỉ là một meme mà còn là một phần trong ký ức tập thể của những người ủng hộ Bitcoin thời kỳ sơ khai.
Taproot Wizard là gì
Taproot Wizards ra đời vào năm 2023 như một nỗ lực phục dựng biểu tượng văn hóa nói trên trong bối cảnh công nghệ mới. Cụ thể là sau khi Bitcoin trải qua nâng cấp Taproot và sự xuất hiện của Ordinals Protocol, cho phép ghi hình ảnh và dữ liệu vào block thông qua inscription.

Tổng quan về Taproot Wizards
Dự án đã ra mắt bộ sưu tập Quantum Cats trước đó và giờ đây là bộ sưu tập NFT chính thức Taproot Wizards. Tổng nguồn cung của Taproot Wizards là 2121 NFT trong đó chỉ 1785 NFT được phát hành ra thị trường. Còn lại gồm:
- 36 NFT được airdrop từ trước cho các supporter sớm.
- 100 NFT cho nhóm cộng đồng cốt lõi và người nắm giữ Quantum Cats
- 200 NFT được team giữ lại
Cơ chế whitelist có 2 mức giá:
- 0.1 BTC: dành cho những người stake 2 NFT Quantum Cats với đặc điểm Alive và Dead.
- 0.2 BTC: dành cho những người tích cực tham gia cộng đồng trong suốt 2 năm.
Tổng cộng 1705 NFT đã được bán hết trong vòng Whitelist và 80 NFT còn lại cũng đã được bán hết trong cuộc đấu giá hà lan sau đó. Tổng doanh thu từ mint NFT lên đến gần 23 triệu USD cộng với 300 BTC (gần 13 triệu USD) từ Quantum Cats trước đó thì tổng doanh thu từ mint NFT của đội ngũ này đã đạt tới gần 36 triệu USD, một con số cực kì lớn và đứng thứ 8 trong lịch sử NFT.
Tính theo giá mint 0.2 BTC và tổng cung 2121 NFT thì Taproot Wizards có thể đạt giá trị vốn hóa ban đầu là 424.2 BTC (gần 37.2 triệu USD) tương đương vị trí top 21 trên bảng xếp hạng NFT. Giá sàn của Taproot Wizards thậm chí đã từng đạt tới 0.23 BTC tuy nhiên ngay sau đó đã giảm mạnh và hiện đang được giao dịch quanh mức 0.16 BTC. Vậy điều gì khiến giá sàn giảm mạnh đến vậy và liệu khi có sự xuất hiện của Taproot Wizards thì Quantum Cats - bộ sưu tập được Taproot Wizards phát triển trước đó sẽ có vai trò gì trong hệ sinh thái. Hãy cùng Hak Research tìm hiểu tiếp nhé.
Điều Gì Khiến Giá Taproot Wizards Giảm Mạnh
Một điểm đặc biệt của Taproot Wizards là trong suốt 2 năm phát triển kể từ thời điểm khởi động ý tưởng, nhóm phát triển tập trung vào việc tạo dựng cộng đồng, duy trì sự quan tâm thông qua các hoạt động truyền thông phi truyền thống:
- Kêu gọi người dùng cosplay Wizard và đăng video đang tắm.
- Tổ chức quest yêu cầu cộng đồng tham gia các thử thách kỳ quặc để được whitelist.
- Sử dụng meme và nội dung viral nhằm duy trì nhận diện.
Chiến lược này có hai mục tiêu rõ rệt:
- Củng cố nhận diện văn hóa: gắn Taproot Wizards với lịch sử và văn hóa Bitcoin nguyên bản.
- Tạo sự khan hiếm và giá trị cộng đồng vì chỉ những người thực sự tham gia, đóng góp mới có cơ hội sở hữu NFT.
Ngoài ra, việc kêu gọi được tới 37.5 triệu USD từ các quỹ đầu như Standard Crypto, Cyber Fund,... đã nâng cao vị thế và giá trị của Taproot Wizards trong cộng đồng Crypto. Vì vậy, ngay từ khi công bố giá mint cho 1 NFT là 0.2 BTC (tương đương với hơn 16.000 USD vào thời điểm đó) thì Taproot Wizards đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng. Nhiều người cho rằng giá mint này quá cao và không phù hợp với bối cảnh thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên toàn bộ NFT đã được bán hết mặc dù theo mình nghĩ ai cũng biết là giá mint này quá cao và cộng đồng vẫn kì vọng rằng giá của Taproot Wizards vẫn có thể cao hơn nữa và nếu không có động lực tăng trưởng vượt kỳ vọng ngay lập tức, giá sẽ điều chỉnh về mức cân bằng mới. Điều này lặp lại chính xác các mô hình đã xảy ra với nhiều dự án NFT lớn như:
- Azuki Elementals (thất bại do mint quá đắt và không rõ roadmap)
- Moonbirds (tăng mạnh khi ra mắt, sau đó lao dốc vì thiếu kế hoạch dài hạn)
Đối với Taproot Wizards cũng đang phải trải qua viễn cảnh tương tự khi kể từ sau khi mint xong thì dự án vẫn chưa có bất kì update nào về lộ trình phát triển tiếp theo và điều này đã khiến giá Taproot Wizards không thể neo cao được như lúc mới ra mắt.
Có một điều theo suy đoán của cá nhân mình rằng tại sao Taproot Wizards lại cố tình ra mắt với giá mint cao đến vậy. Phải chăng họ đang cố tình tận dụng lòng tin của cộng đồng để thu về khoản lợi nhuận hơn 20 triệu USD cho chính bản thân mình? Nếu không có một lộ trình phát triển được vạch ra rõ ràng trong thời gian tới hoặc một usecase nào đủ hấp dẫn để giữ chân holder, mình tin rằng giá sàn Taproot Wizards vẫn tiếp tục giảm hơn nữa
Vai Trò Của Quantum Cats Trong Hệ Sinh Thái
Quantum Cats là một bộ sưu tập NFT được xây dựng trên Bitcoin thông qua giao thức Ordinals do nhóm Taproot Wizards phát triển. Dự án không chỉ mang mục tiêu nghệ thuật hay meme mà còn gắn liền với chiến lược kỹ thuật và chính trị nhằm khôi phục một opcode đã bị vô hiệu hóa trên Bitcoin từ năm 2010 – OP_CAT.
Bộ sưu tập được ra mắt vào tháng 01/2024 với tổng cung là 3.333 NFT. Về mặt hình thức, mỗi Quantum Cat là một hình ảnh minh họa mèo phong cách pixel art, mang yếu tố meme, biểu tượng văn hóa và có giá trị nhận diện cao. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi không nằm ở mặt hình ảnh, mà nằm ở thông điệp và mục tiêu công nghệ mà dự án đại diện. Quantum Cats được xem như là một công cụ truyền thông, vận động kỹ thuật và xây dựng cộng đồng xung quanh đề xuất BIP-347, đề xuất chính thức để tái kích hoạt OP_CAT.
Trước khi có sự xuất hiện của Taproot Wizards thì Quantum Cats được xem là bộ sưu tập chính thức nhưng giờ đây khi có sự xuất hiện của Taproot Wizards thì Quantum Cats lại trở thành bộ sưu tập phụ và động lực tăng trưởng duy nhất của bộ sưu tập này là hiệu ứng khi đề xuất BIP-347 được thông qua. Việc hồi sinh OP_CAT phụ thuộc vào quy trình quản trị kỹ thuật và sự đồng thuận từ cộng đồng Bitcoin Core, vốn nổi tiếng bảo thủ. Vì vậy ở thời điểm này, giá trị của Quantum Cats đã giảm khá nhiều là một điều dễ hiểu.

Giá sàn của Quantum Cats có sự sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây
Tương Lai Của Taproot Wizard
Sau 2 năm phát triển, Taproot Wizard vẫn chưa thể hiện được nhiều điểm nhấn trên thị trường. Tất cả chỉ xoay quanh đề xuất BIP-347, nếu được chấp thuận và OP_CAT được tái kích hoạt trên Bitcoin Mainnet, Taproot Wizards sẽ được ghi nhận là một lực lượng tiên phong vận động thay đổi có thật trong Bitcoin Core. Nếu OP_CAT không được hồi sinh, hoặc quá trình vận động bị phản đối mạnh từ phía Bitcoin Core, dự án có thể mất một phần ý nghĩa kỹ thuật.

Tương lai của Taproot Wizards
Trong trường hợp này, Taproot Wizards phải tái định vị từ một dự án vận động kỹ thuật sang một thương hiệu văn hóa thuần túy. Hình ảnh phù thủy Magic Internet Money từ năm 2013 đã là một phần trong lịch sử meme của cộng đồng Bitcoin. Việc Taproot Wizards hồi sinh và lan tỏa biểu tượng này trong kỷ nguyên NFT đã giúp gắn kết cộng đồng cũ và mới. Nếu tiếp tục duy trì được năng lượng văn hóa này, dự án có thể phát triển theo hướng crypto-native cultural brand tương tự như cách Milady, Nouns hay Goblintown từng làm trên Ethereum.
Ngoài ra, việc tích hợp thêm nhiều usecase mới dành cho chủ sở hữu NFT và phân tích rõ ràng vai trò của 2 bộ sưu tập trong hệ sinh thái của mình là một điều cực kì quan trọng để giúp Taproot Wizards duy trì vị thế của mình trên thị trường NFT.
Tổng kết
Taproot Wizards là một bộ sưu tập NFT hàng đầu trên Bitcoin. Tuy nhiên những gì họ đang làm chưa tương xứng với vị trí của họ trên thị trường. Trên đây là tất cả những gì mình muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.