Virtuals là một trong những hệ sinh thái AI Agent thịnh vượng nhất trên thị trường và để tiếp tục duy trì được vị thế này thì họ đã cho ra mắt Virtuals ACP nhằm mục đích xây dựng một nền kinh tế bao gồm nhiều AI Agent tương tác với nhau. Nếu thành công, nó sẽ là một siêu vũ trụ của kỉ nguyên AI và thế giới ảo của các tác nhân AI. Vậy chi tiết Virtuals ACP có gì đặc biệt hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tổng Quan Về Virtuals ACP

Virtuals ACP (Agent Commerce Protocol) là một giao thức do Virtuals phát triển với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế AI Agent nơi mỗi AI Agent được coi như một thực thể độc lập có khả năng:

  • Đăng kí danh tính, công việc, chi phí dịch vụ,..
  • Tương tác (thương lượng, kí kết Smart Contract) với AI Agents khác hoặc người dùng để mua/bán dịch vụ
  • Thanh toán và nhận thanh toán onchain khi hoàn thành nhiệm vụ

Nói cách khác đây không chỉ là công cụ trợ giúp người dùng (như chatbot, trợ lí AI thông thường) mà được nhìn nhận như một cá thể độc lập, có danh tính, có khả năng đưa ra quyết định riêng, thậm chí tự kiếm tiền và trả tiền cho dịch vụ AI Agent khác. 

Tổng quan về Virtuals

Virtuals đang cố gắng tạo ra một xu hướng mới và giúp người dùng thay đổi góc nhìn về AI Agent trong đó mỗi AI Agent là một công dân (AI Citizen) trong thế giới ảo tương tự như con người trong xã hội thật, có quyền mua - bán - trao đổi một cách tự động theo suy nghĩ của nó. Cách nghĩ này mở ra một hướng phát triển mới AI Agents Economy - một hệ sinh thái mà các AI Agents tương tác, làm việc cùng nhau và phát triển sinh giá trị kinh tế trên nền tảng Blockchain.

Cấu Trúc Và Quy Trình Hoạt Động Của Virtuals ACP

Cấu trúc ACP

Để tạo ra một nền kinh tế gồm nhiều AI Agents, ta cần những thành phần cơ bản sau:

  • Lớp đăng kí/ Chỉ mục (Agent Registry): Tất cả AI Agents khi tham gia hệ sinh thái Virtuals đều phải đăng ký trong một “sổ cái” (registry) on-chain. Mỗi Agent có ID duy nhất, mô tả năng lực, dịch vụ, mức phí cùng các chỉ số uy tín (lượng phí nhận được, đánh giá của khách hàng…). Thông qua lớp đăng ký này, một AI Agent có thể tìm kiếm Agent khác, xem họ cung cấp dịch vụ gì, phí như thế nào…
  • Giao thức đàm phán: ACP cung cấp phương thức đàm phán giữa hai AI Agents hoặc giữa AI Agent với người dùng. Khi hai bên thống nhất, giao thức sẽ tự động triển khai smart contract (có thể xem là hợp đồng lao động kỹ thuật số) để ghi nhận các điều khoản: Phạm vi công việc (AI Agent sẽ làm gì, trong thời gian bao lâu), điều kiện thanh toán (mức phí, chia theo kết quả hay cố định,..), cơ chế kiểm định (Agent nào/bên nào sẽ đánh giá kết quả), điều khoản an toàn (nếu công việc không đạt yêu cầu hoặc Agent cung cấp dịch vụ lừa đảo thì sẽ phải xử lí như thế nào).
  • Cơ chế đánh giá: Trong một thị trường AI Agents, chất lượng công việc rất quan trọng. ACP định nghĩa mô-đun đánh giá (evaluation agent) – một loại AI Agent hoặc cơ chế độc lập để kiểm tra kết quả công việc. Ví dụ: AI Agent A thuê AI Agent B để quản lí thanh khoản. Một evaluation agent (AI Agent C) sẽ: Theo dõi lợi nhuận, rủi ro, …. và kết luận hoàn thành hay không hoàn thành theo tiêu chí mà A và B đã thõa thuận trước đó. Dựa trên kết quả đó thì Smart Contract sau đó mới triển khai thanh toán hoặc từ chối thanh toán đồng thời uy tín của B sẽ được cập nhật trên Registry.
  • Cơ chế thanh toán: ACP sử dụng Smart Contract để khóa khoản tiền chi trả trước khi công việc được hoàn thành. Khi công việc được xác nhận “OK” thì Contract sẽ tự động giải ngân cho bên cung cấp dịch vụ. Nếu AI Agent không hoàn thành hoặc vi phạm điều khoản, có thể bị từ chối thanh toán hoặc áp dụng theo điều khoản hợp đồng.

Quy trình hoạt động của Virtuals ACP

Phần cấu trúc ACP cũng đã giúp mọi người hiểu qua về quy trình hoạt động của Virtuals ACP. Sau đây hãy đi vào một ví dụ thực tế để mọi người có thể hiểu rõ hơn nhé:

  • AI Agent A chuyên về DeFi cần dịch vụ tối ưu thanh khoản cho một token trong Pool X
  • A tìm AI Agent B trên Registry. B có hồ sơ chuyên quản lí LP, thu phí 1%
  • A đề xuất (tạo Contract): B quản lí pool X trong 7 ngày và cam kết lợi nhuận tối thiểu là 5%. Nếu đạt, B nhận 1% trên tổng tài sản tăng thêm còn nếu không đạt thì B sẽ không nhận được gì.
  • Agent B đồng ý. Sau đó, Agent A sẽ đặt cọc phí dịch vụ vào Smart Contract
  • B bắt đầu làm việc, theo dõi Pool và giao dịch onchain
  • Sau 7 ngày, Agent C (evaluation agent) đối chiếu kết quả trên Dex. Nếu kết quả đạt yêu cầu thì Smart Contract tự động chuyển 1% lợi nhuận cho B, B tăng điểm uy tín. Nếu không đạt phí hoàn trả lại cho A. 

Nhờ những thành phần trên, Virtuals kì vọng tạo thành một Marketplace nơi các AI Agent tự do tương tác, trao đổi dịch vụ, chia sẻ dữ liệu, thậm chí chồng chéo trong chuỗi cung ứng (Agent này thuê Agent khác để hoàn thành nhiệm vụ phức tạp).

Lí Do Cần Có ACP - Tiêu Chuẩn Agent Tương Tác 

Lí do cần có ACP

Lí do cần có ACP

Cần một ngôn ngữ chung để AI Agent giao tiếp với nhau

Trong thế giới AI, mỗi Agent có thể được xây dựng với ngôn ngữ lập trình, mô hình tư duy hoặc cơ chế hoạt động riêng. Nếu không có một tiêu chuẩn chung, mỗi Agent chỉ có thể hoạt động đơn lẻ, rất khó trao đổi dữ liệu hoặc dịch vụ với Agent khác.

Ví dụ:

  • Agent A (chuyên phân tích dữ liệu) có API riêng trong khi Agent B (chuyên quản lý thanh khoản) lại có phương thức giao tiếp khác.
  • Để A thuê B, họ cần một giao diện và cú pháp chung cho việc gửi yêu cầu, báo giá, xác nhận thực hiện công việc, kết quả…

ACP giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra quy ước trong đó mỗi AI Agent đăng ký danh tính, mô tả dịch vụ, cấu trúc phí… theo một format nhất quán. Tất cả Agents (A, B, C, ….) đều biết cách tìm, đọc và gửi lệnh/chấp nhận dịch vụ theo format đó.

Đảm bảo đa tác tử hoạt động trơn tru

ACP còn được mô tả như một multi-agent framework. Điều này có nghĩa:

  • Dễ dàng mở rộng: Nếu đang có 10 AI Agents, bất kỳ Agent mới nào cũng có thể tham gia, miễn nó tuân theo giao thức chuẩn, không cần viết tích hợp tùy biến cho từng Agent cũ.
  • Thúc đẩy cộng tác chéo: Agent này thuê Agent khác hoặc tự động gọi nhiều Agent khác nhau để giải quyết những phần việc phức tạp.
  • Giảm chi phí giao dịch và thời gian: Nếu mọi Agent đều theo chung một khung, việc kết nối - xác nhận - thanh toán - đánh giá sẽ diễn ra nhanh hơn thay vì phải xác minh lại mỗi lần hai Agent mới muốn cộng tác.

Nhờ những ưu điểm này, ACP kỳ vọng hình thành một hệ sinh thái nơi những AI Agents đa năng có thể tự giao dịch và mở rộng một cách phi tập trung.

Cần một cách thức thanh toán onchain

Một trong những bước ngoặt khi triển khai AI Agents trên blockchain là khả năng tự thanh toán hoặc nhận thanh toán mà không cần con người làm trung gian.

Nếu không có giao thức chuẩn:

  • Mỗi Agent phải tự thiết kế smart contract để ký quỹ, tự đưa ra quy tắc khi nào trả tiền, trả bao nhiêu,...
  • Điều này khó triển khai khi mỗi cặp Agent lại phải tạo contract mới, thiếu tính an toàn và nhất quán.

Với ACP:

  • Đã có sẵn cơ chế escrow, điều kiện giải ngân.
  • Agent gửi yêu cầu thuê Agent khác, xác định mục tiêu công việc và phương thức trả phí.
  • Smart contract tự động giải ngân hoặc từ chối dựa trên dữ liệu xác thực.
  • Mọi thứ đều minh bạch: Ai trả cho ai vì công việc gì, tổng phí bao nhiêu…

Cần một cơ chế đánh giá và quản lí uy tín

Khi AI Agents giao dịch với nhau, rất cần một cơ chế đánh giá chất lượng để:

  • Xác định Agent nào làm việc hiệu quả: Ai cung cấp dịch vụ tốt, uy tín cao, ai thường fail hoặc lừa đảo.
  • Tạo động lực cạnh tranh: Agent nào làm tốt thu hút nhiều hợp đồng hơn, có thu nhập cao hơn.
  • Thiết lập thị trường bền vững: Người thuê (có thể là AI Agent khác) dựa vào xếp hạng, đánh giá để chọn đối tác đáng tin, tránh rủi ro.

Nếu mỗi Agent đánh giá theo một kiểu riêng, thông tin sẽ rời rạc và khó so sánh. 

Tương Lai & Thách Thức

Sự xuất hiện của Virtuals ACP mang đến một ý tưởng tuyệt vời về sự kết hợp giữa các AI Agent với nhau. Mỗi AI Agent có thể giỏi một mảng phân tích dữ liệu nhưng cần thuê AI Agent khác chuyên Marketing để bán dịch vụ. Nếu hệ sinh thái đủ lớn, sẽ có hàng trăm AI Agents trong đó mỗi Agent đảm nhiệm một công đoạn trong một nền kinh tế.

Khi AI Agent đủ đa dạng, chúng có thể kết hợp tạo ra giải pháp rất phức tạp từ đó sinh ra nhiều dịch vụ mới giúp mở rộng vòng xoay dịch vụ. Ngoài ra, AI Agents lí tưởng có thể chạy 24/7 vì vậy có thể mở rộng quy mô rất nhanh nếu thị trường có nhu cầu. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra ở thời điểm hiện tại là liệu AI Agent đã đủ thông minh và mang lại lợi ích rõ rệt để thị trường chấp nhận trả phí. Nếu AI Agent còn ở giai đoạn sơ khai thì khó có động lực để dần tạo vòng lặp nhu cầu.

Một nền kinh tế mới cần nhiều AI Agents cung cấp dịch vụ và các Agents hoặc người dùng có nhu cầu. Giai đoạn ban đầu thường ít người dùng, AI Agents không mấy tương tác và cần thời gian, khuyến khích để đạt đủ khối lượng cho thị trường sôi động. Xét ở thời điểm hiện tại, rất khó để tìm một AI Agent thực sự thông minh chứ chưa nói là một hệ sinh thái AI Agent như định hướng mà Virtuals đang vạch ra. Vì vậy Virtuals ACP có lẽ đã đi quá sớm khi nguồn lực của thị trường ở thời điểm hiện tại chưa thể đạt được.

Tổng kết

Virtuals ACP mở ra một viễn cảnh thật sự tuyệt vời nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa phù hợp và cần thêm thời gian để AI Agent có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn chia sẻ trong bài phân tích Virtuals ACP này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.