Layer 1 vẫn luôn là một nhóm ngành tiềm năng mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Crypto, đặc biệt là những nền tảng Layer 1 thế hệ mới. Nổi bật trong đó, bên cạnh những cái tên như Sui, Aptos hay Berachain chính là Monad - một dự án Layer 1 gọi vốn hàng trăm triệu USD với những đặc trưng đầy ấn tượng về mặt công nghệ và chiến lược phát triển.
Để hiểu được tại sao Monad lại được đánh giá cao như vậy thì mọi người hãy cùng tham khảo những phân tích và đánh giá của Hak Research trong bài viết này nhé!
Monad & Những Điều Đáng Chú Ý
Tổng quan về Monad
Monad là một Blockchain Layer 1 sử dụng cơ chế đồng thuận Proof Of Stake cùng khả năng tương thích cao với EVM. Bằng cách kết hợp những công nghệ tối ưu như BFT, Deferred Execution, Parallel Execution và MonadDb, Monad có khả năng mở rộng cực kỳ ấn tượng với thông lượng giao dịch có thể đạt hơn 10,000 TPS.
Với những thông tin trên, có thể thấy rằng Monad mang những lợi thế cơ bản như sau:
- Tương thích EVM: Mọi ứng dụng phi tập trung (dApp), các sản phẩm cơ sở hạ tầng như Wallet & Bridge, các công cụ Dev và các công cụ tổng hợp dữ liệu được xây dựng trên Ethereum và các EVM Chain đều có thể tích hợp dễ dàng trên Monad.
- Proof of Stake: Nền tảng của các ngành DeFi trọng điểm như Liquid Staking, Restaking, Liquid Restaking,...
- Khả năng mở rộng cao: Phục vụ được mọi loại hình dApp từ DeFi, AI, NFT, SocialFi cho đến Game Web3.
Với những đặc điểm cơ bản này, Monad hoàn toàn có sức cạnh tranh trực tiếp với những High-performance Layer 1 khác như Solana, Aptos, Sui hay Berachain.
Những điểm nổi bật của Monad
Monad nổi bật với đội ngũ sáng lập đều là những người có background khủng, nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn tài chính truyền thống. Những thông tin nổi bật về đội ngũ phát triển của Monad bao gồm:
- Keone Hon: Từng làm việc tại vị trí Trading Team Lead tại Jump Trading LLC, và từng làm việc tại Jump Crypto
- James Hunsaker: Từng làm phó chủ tịch của J.P. Morgan, Goldman Sachs, cũng từng làm việc tại Jump Trading LLC trong 8 năm.
- Eunice Giarta: Làm việc tại vị trí chuyên viên phân tích, giao dịch các sản phẩm phái sinh tại Bank of America.
- Các thành viên còn lại đều có những background cực kì ấn tượng khi từng làm việc tại nhiều công ty, tập đoàn lớn như: Jump Trading LLC, Leidos, Facebook, Instabase, Pattern Research,...
Có lẽ chính vì background và những mối quan hệ đã được xây dựng sẵn từ khi còn làm việc tại Jump mà đội ngũ của Monad đã kêu gọi được số tiền lên đến $244M thông qua 3 vòng gọi vốn kể từ 2023 đến 2024, bởi những quỹ đầu tư tier 1 trong thị trường Crypto như Paradigm, Coinbase Ventures, Dragonfly, OKX Ventures:
- Tháng 02/2023: Monad kêu gọi thành công $19M tại Seed Round, dẫn đầu bởi Dragonfly cùng với sự góp mặt của Shima Capital, Placeholder, Lemniscap và Finality.
- Tháng 04/2024: Monad kêu gọi thành công $225M, và được định giá $3B, dẫn dầu bởi Paradigm cùng với sự góp mặt của Coinbase Ventures, Electric Capital, GREENOAKS, Castle Island và Egirl Capital.
- Tháng 05/2024: Monad thông báo thành công khép lại vòng đầu tư chiến lược bởi OKX Ventures.
Có thể thấy rằng Monad là một dự án hội tụ đủ hai yếu tố quan trọng nhất là nhân lực và tài lực, và chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đã khiến cộng đồng Fomo đi làm airdrop Monad ngay từ giai đoạn dự án chưa có bất kỳ một sản phẩm gì.
Những Công Nghệ Mới Của Monad
Là một Blockchain Layer 1 tương thích EVM, Monad cũng có concept giống với các EVM L1 khác như BNB Chain, Polygon hay Fanrom, tuy nhiên Monad nổi bật với những điểm khác biệt trong 4 cơ chế thành phần chính sau đây:
- Cơ chế đồng thuận - Monad BFT
- Cơ chế tách biệt quá trình đồng thuận & thực thi - Deferred Execution
- Cơ chế thực thi giao dịch - Parallel Execution
- Cơ sở dữ liệu - MonadDb
Cơ chế đồng thuận - Monad BFT
Monad sử dụng cơ chế đồng thuận Monad BFT, Monad BFT là một phiên bản biến thể của BFT(Byzantine Fault Tolerance), cũng là một dạng của PoS. Mọi người có thể hiểu đơn giản về hai hình thức chính của PoS:
- Chain-Based: Validator sẽ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để tạo khối mới, dựa trến số lượng token được stake.
- Byzantine Fault Tolerance: Các validator sẽ được trải qua ba vòng bỏ phiếu đồng thuận bởi những validator khác để chọn ra được người tạo khối. BFT cho phép một phần nhỏ các validator (thường là dưới 1/3) có thể gian lận hoặc bị lỗi mà không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
MonadBFT về cơ bản giống với BFT thông thường, nhưng có điểm khác biệt là thay vì các validator phải trải qua 3 vòng bỏ phiếu để chọn ra người tạo khối giống như BFT thì chỉ cần trải qua 2 vòng bỏ phiếu. Do khả năng giản lược quy trình đồng thuận, Monad BFT tối ưu hơn về mặt thời gian đồng thuận trong khi vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong việc xử lý hành vi gian lận của các validator độc hại.
Cơ chế tách biệt quá trình đồng thuận & thực thi - Deferred Execution
Vấn đề của các blockchain (Ví dụ như Ethereum) là quá trình đồng thuận và thực thi diễn ra đan xen với nhau gây ra hạn chế về mặt tốc độ đồng thuận. Có thể hình dung rằng trong quá trình tạo khối, leader của một khối sẽ sắp xếp các giao dịch được yêu cầu trong mempool vào khối đó, sau đó thực thi các giao dịch để lấy dữ liệu về trạng thái cuối cùng của blockchain, sau cùng leader đề xuất khối cho mọi node khác để cùng đồng thuận.
Deferred Execution là một cơ chế đặc trưng của Monad, cho phép đồng thuận diễn ra nhanh chóng bằng cách tách biệt quá trình đồng thuận và thực thi, từ đó tăng tốc độ và khả năng mở rộng của mạng lưới blockchain.
Về cơ bản thì leader của một khối trên Monad sẽ chỉ cần đề xuất một khối trong khi chưa thực thi các giao dịch trong đó, sau đó các validator node cùng đồng thuận về tính hợp lệ của các lệnh giao dịch trong khối. Sau khi đồng thuận xong thì các giao dịch trong khối được thực thi, cùng lúc đó thì khối mới kế tiếp lại được tạo ra và được đồng thuận. Chính vì vậy, quá trình đồng thuận của Monad được diễn ra một cách liên tục, các giao dịch tại block thứ N sẽ được thực thi đồng thời với việc đồng thuận block thứ N+1.
Cuối cùng, lợi ích của Deferred Execution là giúp quá trình đồng thuận khối nhanh hơn, khả năng mở rộng tăng lên và giúp tối ưu tài nguyên của các Validator node.
Cơ chế thực thi giao dịch - Parallel Execution
Trong các blockchain cũ như Bitcoin, Ethereum,.... thì cơ chế thực thi giao dịch là Thực thi tuần tự (Sequential Execution). Đặc điểm của Thực thi tuần tự là mỗi giao dịch sẽ được xác thực bởi cả mạng lưới và cứ mỗi giao dịch được xác thực thì mới được đưa lên blockchain. Điều đó làm lãng phí năng lượng và công sức của các thợ đào hay validator.
Trong thực thi giao dịch, Monad sử dụng cơ chế Thực thi song song cho phép nhiều giao dịch trên Blockchain được xử lý tại cùng một thời điểm giúp cho khả năng mở rộng của mạng lưới được tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó Thực thi song song vẫn giữ nguyên được đặc tính cơ bản của Blockchain, các giao dịch được xử lý một cách công khai và minh bạch.
Theo đó thì Monad sẽ trở thành EVM Chain đầu tiên ứng dụng thực thi song song, giống như Solana, Sui hay Aptos. Đây cũng chính là lý do mà Monad tự tin giới thiệu về khả năng mở rộng có thể đạt đến 10,000 TPS.
Cơ sở dữ liệu - MonadDb
MonadDb là một cơ sở dữ liệu được thiết kế riêng bởi Monad để tương thích với cấu trúc dữ liệu Merkle Patricia Trie (MPT), thay vì ứng dụng các cơ sở dữ liệu truyền thống như LevelDB và LMDB giống như Ethereum.
Với tất cả những điểm nổi bật về cơ chế hoạt động trên, thực tế trên góc độ là người dùng và nhà đầu tư thì chúng ta cần lưu ý nhất đến những keyword chính là tương thích với EVM, cơ chế thực thi song song cùng với biến thể tối ưu của cơ chế đồng thuận BFT mang lại khả năng mở rộng cao lên đến 10,000 TPS và mức phí rẻ.
Hệ Sinh Thái Đang Bắt Đầu Hình Thành Của Monad
Tại thời điểm bài viết được thực hiện, tuy rằng Monad vẫn đang trong giai đoạn Devnet nhưng hệ sinh thái ứng dụng và cơ sở hạ tầng trên Monad đã hình thành tương đối đầy đủ với những mảnh ghép về Wallet, Oracle, Bridge, DeFi, NFT/Gaming,…
Thu hút hàng loạt dự án DeFi gạo cội
Một dự án Blockchain nền tảng có sức hút hay không thể hiện ở việc các dự án lớn trên những hệ sinh thái khác có muốn mở rộng trên blockchain đó hay không. Với trường hợp của Monad thì chúng ta dễ dàng có được câu trả lời khi có rất nhiều những dự án DeFi gạo cội cam kết xây dựng trên Monad ngay khi mà Layer 1 này vẫn còn đang trong giai đoạn Devnet.
Các dự án nổi bật trong mảng Decentralized Exchange (DEX):
- Các dự án Multichan: Ambient Finance, Balancer, Pancake Swap,... Đây đều là những nền tảng DEX dày dạn kinh nghiệm trên thị trường.
- Kuru Exchange (Native): Kuru Exchange là một DEX sử dụng CLOB với sổ lệnh hoàn toàn phi tập trung. Kuru Exchange đã thông báo kêu gọi được $2M bởi Electric Capital và nhiều quỹ khác trong tháng 07/2024.
- Taya Swap (Native): Một AMM DEX thanh khoản tập trung, với đầy đủ các tính năng có độ phức tạp cao phục vụ cho những nhà giao dịch và nhà cung cấp thanh khoản có kinh nghiệm. Dự án này chưa công bố thông tin về backer nhưng về mô hình thì đang khá là “bánh vẽ” với keyword “Dapp-as-a-Service”.
- Nitro Finance (Native): Một AMM DEX thanh khoản tập trung tích hợp với tính năng vay & cho vay. Nitro Finance tập trung vào việc cover IL cho những nhà cung cấp thanh khoản bằng cách trích phí nền tảng thu được từ mọi nguồn thu của giao thức.
Các dự án nổi bật trong mảng Lending & Borrowing:
- Timeswap (Multichain): Timeswap là một nền tảng lending đi đầu theo cơ chế AMM - không phụ thuộc Oracle, có một cộng đồng degen và có xu hướng marketing giống với Monad khi phát triển mạnh về meme.
- Curvance (Multichain): Curvance là một nền tảng Crosschain Lending được đứng sau bởi một dàn backer toàn những dự án DeFI OG như Frax DAO, Redacted Cartel, Castle Capital, Pendle Finance, Jones DAO, Curve Finance,...
Các dự án nổi bật trong mảng Derivatives:
- WooFi (Multichain): WooFi là một nền tảng vừa đóng vai trò là một sàn giao dịch phái sinh dùng CLOB, cũng vừa là một nền tảng Perps Aggregator, giúp định tuyến thanh khoản của người dùng đến những Perps DEX khác với hiệu quả và chi phí tốt nhất.
- Orderly (Multichain): Orderly là một nền tảng Appchain Perps xây dựng trên công nghệ OP Stack của Optimism.
- Elixir (Multichain): Một nền tảng chuyên cung cấp thanh khoản đến DEX và Perps DEX. Elixir cho phép bất kỳ ai cũng có thể LP cho sổ lệnh của các DEX và Perps DEX đối tác để kiếm lợi nhuận.
Các dự án Liquid Staking:
- Kintsu (Native): Kintsu là một nền tảng Liquid Staking Derivatives trên Monad, dự án đã công bố kêu gọi vốn $4M trong vòng seedround, được dẫn đầu bởi Castle Island Ventures. Liquid Staking Token mà Kintsu xây dựng là sMONAD, hứa hẹn sẽ trở thành một tài sản được sử dụng rộng rãi trên hệ sinh thái DeFi của Monad.
- aPriori (Native): aPriori là một nền tảng Liquid Staking Derivatives tận dụng MEV, dự án đã kêu gọi được tổng cộng $10M, đứng sau bởi Pantera, Hashed Capital, OKX Ventures và nhiều quỹ đầu tư lớn nhỏ khác. Chỉ xét riêng về dàn backer và những giới thiệu về công nghệ thì aPriori trở nên nổi bật hơn nhiều so với Kintsu.
Ngoài ra thì Pendle Finance cũng đã xác nhận sớm có mặt trên Monad, dự là Pendle cũng sẽ sớm đón đầu xu hướng Liquid Staking và RWA trên hệ sinh thái này.
Hoàn chỉnh về mặt cơ sở hạ tầng ứng dụng
Bên cạnh hệ sinh thái DeFi đang khá phát triển thì lớp cơ sở hạ tầng ứng dụng trên Monad cũng đã xuất hiện những dự án trụ cột đầy đủ tại các mảnh ghép:
- Oracle: Switchboard & Pyth đã di chuyển lên Monad, đây đều là những nền tảng Oracle máu mặt trên Solana.
- Bridge: Wormhole, LayerZero, Axelar, Decent,... Monad được tích hợp sớm bởi cả Womhole và LayerZero nhưng cộng đồng và dev của Monad lại thân với Wormhole hơn cả.
- Wallet: Metamask, Rabby, Backpack, Phantom,... Đều là những nền tảng Wallet phổ biến và quen thuộc.
- Dev Tools: Notifi Network, DreamOS, Parsec, Metadrop.
Có thể nhận thấy Monad dễ dàng thu hút được những dự án cơ sở hạ tầng ứng dụng trên Solana như Switchboard, Pyth, Backpack, Phantom, Wormhole,... trong khi bản thân là một Layer 1 EVM.
Mảnh ghép NFT và Gaming trên Monad
Cộng đồng và văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng đối với Monad, vì vậy chắc chắn NFT, Meme Coin và Gaming sẽ là những mảnh ghép cực kỳ dễ đẩy, dễ hype trên Monad. Và ở thời điểm hiện tại thì trên Monad đã có một vài cộng đồng NFT nổi tiếng như:
- Spikynads: Một bộ sưu tập các chú nhím Pixel mang phong cách của Monad. Dự án được co-founder của Monad theo dõi twitter và là một trong những cộng đồng có mức độ active tốt nhất của Monad.
- Monad Nomads: Một bộ sưu tập NFT vẫn đang được xây dựng, được sáng lập bởi một CM của LayerZero. Thực tế thì dự án vẫn chưa có sản phẩm gì ấn tượng ngoài một cái tên khá thú vị.
- Monadians: Một bộ sưu tập NFT PFP, lấy ý tưởng từ các chú Pepe màu tím đặc trưng của Monad. Đây là bộ sưu tập chỉn chu nhất khi cung cấp đầy đủ thông tin của đội ngũ phát triển và định hướng của dự án.
- Poply: NFT Marketplace native đầu tiên trên Monad, rõ ràng đây sẽ là dự án đáng quan tâm nhất khi nhắc về thị trường NFT trên Monad.
Một high-performance blockchain như Monad chắc chắn sẽ được những dự án Game Web3 lựa chọn để xây dựng lên. Ở thời điểm bài viết được thực hiện thì cũng đã có một vài dự án game xuất hiện trên Monad:
- Breath of Estova
- Laniakea Game
Bắt kịp các xu hướng tier S
Các xu hướng tier S được đề cập bao gồm AI và RWA. Một hệ sinh thái không thu hút được những dự án AI và RWA sẽ là những thiếu sót lớn. Đối với Monad thì dĩ nhiên không thể thiếu các mảnh ghép này:
- Các dự án AI đầu tiên: Monadata, Batching.AI, AIT Protocol,...
- Các dự án RWA đầu tiên: Zoth, Buk Protocol,..
Ở thời điểm bài viết được thực hiện thì Monad vẫn chưa ra mắt testnet mà chỉ đang trong giai đoạn devnet. Thông tin và số lượng về các dự án vẫn còn rất hạn chế vì vậy nên mọi người cần có sự cân nhắc nhất định khi theo dõi những dự án Degen, ẩn danh.
Đánh Giá Chiến Lược Phát Triển Của Monad
Văn hóa meme tạo nên cộng đồng sôi động
Bên cạnh những thông tin nổi bật về đội ngũ sáng lập và dàn backer hùng hậu, Monad cũng được biết đến là một dự án có xu hướng đẩy mạnh cộng đồng văn hóa meme. Có thể nói rằng trên tất cả các phương tiện truyền thông từ X, Telegram, Discord hay Substack của Monad thì những hình ảnh meme đặc trưng còn nhiều hơn cả những thông tin về công nghệ, hoạt động phát triển của đội ngũ, lộ trình phát triển hay những cập nhật về hệ sinh thái.
Một yếu tố đặc thù thú vị của Monad trong văn hóa cộng đồng đó là những “Meme House”. Các Meme House có thể hiểu là những cộng đồng với mỗi linh vật đặc trưng riêng biệt. Ở thời điểm hiện tại thì cộng đồng trên Monad đang xây dựng meme xoay quanh các House như:
- Molandak
- Moyaki
- Mouch
- Chog
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở những hình ảnh, cộng đồng Monad còn sản xuất ra nhiều loại thú nhồi bông dựa trên ý tưởng về meme Monad, tiêu biểu như “Molandak” được ra mắt ngay tại sự kiện ETH CC 2024. Rõ ràng động thái này không liên quan đến công nghệ nhưng lại thành công về mặt lan tỏa văn hóa và thương hiệu của Monad trong cộng đồng.
Tất cả tạo nên một môi trường khá degen và có tính cộng đồng cao, trong khi cộng đồng luôn mang những vai trò quan trọng nhất định đối với một hệ sinh thái ở thời điểm hiện tại. Trên quan điểm cá nhân thì mình nghĩ đây sẽ là tiền đề cho một thị trường Memecoin và NFT, GameFi đầy tiềm năng trên hệ sinh thái của Monad.
Nếu như trước đây Meme Coin chỉ được coi như là một hiện tượng “cánh chim báo bão” thì Meme Coin ở thời điểm hiện tại hoàn toàn có thể trở thành một bàn đạp để phát triển hệ sinh thái. Trong câu chuyện của Solana, TON hay Base, lợi ích của Meme Coin thể hiện trực tiếp thông qua khối lượng giao dịch vượt trội trên các nền tảng DEX, từ đó tạo được nguồn yield và thu hút dòng tiền cung cấp thanh khoản,… Tiếp theo đó là câu chuyện của những kèo Airdrop Meme coin tưởng chừng là nước mưa nhưng lại tăng trưởng rất nhiều lần, khiến cho người dùng đổ xô lên hệ sinh thái, làm cho hoạt động onchain của blockchain tăng vọt.
Tuy nhiên phát triển hệ sinh thái bằng Meme Coin cũng sẽ là một con dao hai lưỡi vì bản chất chỉ cần đánh và lòng tham, sự FOMO, đường giá của người tham gia. Thu hút sự chú ý thì không khó nhưng quan trọng vẫn là nội tại của hệ sinh thái, chất lượng của các dự án bên trong để giữ chân được dòng tiền.
Yếu tố quan hệ đặt lên hàng đầu
Tại thời điểm Wormhole công bố điều kiện nhận airdrop token $W, cộng đồng cũng có một phen bất ngờ khi những tài khoản discord có role “Monad” đã nhận được airdrop với số lượng 8000 $W trị giá chục ngàn USD tại thời điểm TGE.
Đằng sau airdrop của Wormhole dành cho các thành viên trong cộng đồng Monad chắc chắn phải là một sự kết nối mang tính chiến lược giữa đội ngũ phát triển của hai dự án. Chính vì vậy nên rất nhiều người cũng mang W đi stake/delegate để hi vọng cơ hội nhận airdrop ngược trở lại từ Monad.
Điều này rõ ràng là một hệ quả tích cực trong kế hoạch phát triển quan hệ của đội ngũ Monad, việc thành lập liên minh với một nền tảng cơ sở hạ tầng lớn nhất thị trường như Wormhole sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả những dự án được xây dựng trên Monad sau này.
Tổng Kết
Trên đây là bài viết đánh giá về Blockchain Layer 1 Monad. Monad chắc chắn sẽ là một hệ sinh thái tâm điểm của thị trường khi tiến vào Mainnet trong giai đoạn cuối năm 2024. Với những chiến lược phát triển đặc biệt của mình, Monad rất dễ dàng tạo được sự chú ý và ấn tượng của nhà đầu tư và những airdrop hunter. Hệ sinh thái của Monad cũng sẽ được phát triển một cách toàn diện về tất cả các mảnh ghép và chắc chắn mở ra nhiều cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư Crypto.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Stader Labs Chính Thức Tích Hợp ETHx Vào Kelp DAO Trên Arbitrum - August 20, 2024
- Chiến Dịch Testnet Cuối Cùng Của APOLLO: Lời Tiên Tri Ánh Sáng - August 16, 2024
- Revolving Games Tổ Chức RCADE Node Presale Và Công Bố Tokenomics - August 11, 2024