Marketplace là một điểm đến quen thuộc dành cho cả người mua và người bán về một mặt hàng nào đó. Tuy nhiên ít ai hiểu được quá trình phát triển của Marketplace từ thị trường Web2 đến thị trường mới nổi web3. Để biết thêm chi tiết hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Cấu Trúc Cơ Bản Của Một Marketplace
Marketplace là nền tảng kết nối giữa người mua và người bán. Đối với doanh nghiệp, Marketplace cung cấp một hệ sinh thái toàn diện bao gồm xử lý đơn hàng, thanh toán, vận chuyển và phân tích dữ liệu. Đối với người tiêu dùng, Marketplace giúp họ dễ dàng tìm kiếm, so sánh và mua sắm các sản phẩm và dịch vụ.
Một nền tảng Marketplace thành công cần có:
- Nhu cầu thanh khoản cao: Đây là khả năng nhanh chóng kết nối nhu cầu của người mua và người bán trên nền tảng. Việc thanh khoản cao giúp nền tảng đáp ứng yêu cầu của người dùng nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi và nâng cao sự hài lòng. Ví dụ: Uber có thể nhanh chóng tìm được tài xế gần nhất cho hành khách hoặc các nền tảng DeFi sử dụng cơ chế AMM để cung cấp thanh khoản liên tục, giúp giao dịch nhanh chóng và thuận tiện.
- Hiệu ứng tăng trưởng phức hợp: Đối với một Marketplace thành công, khi nhu cầu tăng lên sẽ kích thích tăng trưởng nhu cầu hơn nữa, do đó hình thành một vòng quay tự tăng cường. Khi nhu cầu tăng lên, các hoạt động giao dịch trên nền tảng cũng phải tốt hơn và sản phẩm phải đa dạng hơn. Ví dụ: khi Blur cạnh tranh với OpenSea, Blur đã đưa ra các công cụ và tính năng phù hợp hơn cho những người giao dịch NFT chuyên nghiệp, giúp tăng nhu cầu và lưu động trên nền tảng. Điều này giúp Blur nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn trong thị trường NFT.
Những Điểm Hạn Chế Của Web2 Marketplace
Trong 20 năm qua, các nền tảng Marketplace trên Web2 đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc nhờ vào sự bùng nổ của thương mại điện tử, mạng xã hội, và internet. Năm 1995, Craigslist ra đời và đơn giản hóa việc kết nối các nhu cầu mua bán từ sự kiện cộng đồng, thuê nhà cho đến việc làm. Sau đó, nhiều nền tảng trực tuyến khác nhanh chóng xuất hiện, giúp quá trình giao dịch trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, tạo ra những thay đổi lớn trong các lĩnh vực như thuê nhà, bất động sản, và tuyển dụng. Ví dụ, Airbnb đã làm thay đổi ngành thuê nhà, Redfin đã cách mạng hóa thị trường bất động sản và Indeed cùng LinkedIn đã thay đổi cách mọi người tìm kiếm việc làm.
Tuy nhiên khi các nền tảng này dần lớn hơn, chúng cũng bắt đầu đối mặt với những thách thức mới. Những vấn đề như thiếu sự đổi mới, chi phí trung gian cao, khó khăn trong thanh toán quốc tế, quyền riêng tư dữ liệu và sự thiếu minh bạch đã bắt đầu kìm hãm tiềm năng phát triển của các nền tảng này. Nhiều nền tảng tính phí rất cao, lên đến 20-40%, gây khó khăn cho các nhà cung cấp nhỏ và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Vấn đề quyền riêng tư cũng trở nên nghiêm trọng, khi năm 2023 đã có hơn 3.000 vụ rò rỉ dữ liệu tại Mỹ, ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng. Người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào cách các thương hiệu về việc xử lý dữ liệu của họ. Sự tập trung quyền lực ở các nền tảng lớn như Amazon cũng gây ra lo ngại về sự công bằng khi họ có thể thao túng thị trường theo cách có lợi cho họ.
Trong bối cảnh đó, công nghệ Web3 đã xuất hiện như một giải pháp mang tính cách mạng. Web3 với mạng lưới phi tập trung và nền kinh tế token có thể khắc phục những vấn đề mà các hệ thống Web2 gặp phải đồng thời mang đến những cải tiến mới trong kết nối cung cầu và trải nghiệm người dùng. Công nghệ này không chỉ giúp cải thiện những tính năng hiện có mà còn mở ra những mô hình kinh doanh mới và tạo ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Những Điểm Cải Tiến Của Marketplace Trong Thế Giới Web3
Giải quyết vấn đề kiểm soát dữ liệu người dùng và chống kiểm duyệt
Các nền tảng Marketplace truyền thống thường tập trung, dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng dữ liệu người dùng và bị kiểm duyệt. Các công ty lớn như Amazon không chỉ nắm bắt được thói quen mua sắm và lịch sử tìm kiếm của người dùng mà còn có thể ưu tiên hiển thị các sản phẩm của riêng họ và thậm chí thao túng giá cả. Vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook càng phơi bày rõ ràng nguy cơ lạm dụng dữ liệu người dùng. Ngoài ra, các nền tảng như eBay cũng bị áp lực phải gỡ bỏ hoặc kiểm duyệt các sản phẩm gây tranh cãi, làm dấy lên những cuộc thảo luận về kiểm duyệt và kiểm soát nội dung trên nền tảng.
Nền tảng Marketplace Web3 được xây dựng trên mạng lưới Blockchain, giảm sự phụ thuộc vào trung gian duy nhất, tăng cường bảo mật và khả năng chống kiểm duyệt. Điều này mang lại cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu tốt hơn. Người dùng có thể quyết định nội dung nào được chia sẻ và đảm bảo thông tin giao dịch không bị rò rỉ như các Marketplace tập trung, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu của họ. Đây là một hướng phát triển quan trọng của Marketplace Web3.
Trước đây, Marketplace phi tập trung gặp khó khăn trong việc mang lại trải nghiệm người dùng tương đương với các nền tảng truyền thống nhưng với sự phát triển công nghệ hiện nay như Layer 2, cross-chain, DID, NFT,...cùng với việc Visa và Mastercard bắt đầu hỗ trợ thanh toán bằng tiền điện tử thì ngày càng nhiều nền tảng DeFi tìm kiếm sự tuân thủ pháp lý, điều này đang thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn. Các thị trường phi tập trung trong tương lai sẽ có thể thu hẹp khoảng cách với các nền tảng truyền thống và vượt qua những trở ngại trong quá khứ, mở ra sự phổ biến rộng rãi hơn.
Tính minh bạch và bất biến
Tính minh bạch và không thể bị thay đổi của công nghệ blockchain cũng cho thấy tiềm năng lớn trong thị trường sưu tập và đồ xa xỉ. Việc có thể truy xuất nguồn gốc vật phẩm sẽ giảm bớt các quy trình xác minh, giúp giao dịch trở nên hiệu quả và minh bạch hơn. Ví dụ: Courtyard.io - chuyên về giao dịch kỷ vật thể thao và thẻ sưu tầm, tạo ra một bản ghi kỹ thuật số không thể bị thay đổi cho mỗi vật phẩm, thông qua công nghệ blockchain để mã hóa và lưu trữ các vật phẩm sưu tầm (như trang sức, vật phẩm xa xỉ và tác phẩm nghệ thuật) một cách an toàn. Mỗi vật phẩm sưu tầm được liên kết với một NFT, người dùng có thể xác minh tính xác thực và lịch sử quyền sở hữu của vật phẩm, loại bỏ các quy trình xác minh phức tạp trong thị trường truyền thống, đồng thời đảm bảo lưu trữ an toàn và giao dịch minh bạch.
Thanh toán xuyên biên giới và khả năng tiếp cận toàn cầu
Trong Web2, để hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới, nền tảng phải tích hợp với các hệ thống khác nhau trên toàn cầu. Hơn 80% người dùng Youtube sống ngoài Hoa Kỳ và để hỗ trợ thanh toán bằng tiền tệ địa phương, nền tảng phải tích hợp với các cổng thanh toán quốc tế. Nhiều nền tảng do thiếu nguồn lực không thể phủ sóng các quốc gia nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Web3 cung cấp khả năng tiếp cận toàn cầu và có thể tiếp cận với bất kì quốc gia nào. Nhờ vào sự phát triển của các công nghệ mở rộng quy mô, phí giao dịch cũng giảm đáng kể, hạ thấp rào cản tham gia.
Cơ chế khuyến khích bằng token và mô hình kinh tế
Trong các nền tảng Marketplace, điều quan trọng là phải có đủ số lượng người mua và người bán để giao dịch diễn ra nhanh chóng. Đối với các nền tảng truyền thống, việc thu hút người dùng ban đầu và nguồn cung gặp phải một thách thức lớn. Các nền tảng truyền thống thường cần chi tiêu lớn vào marketing để giải quyết vấn đề này nhưng công nghệ Web3 có thể giải quyết vấn đề này thông qua cơ chế khuyến khích bằng token. Mô hình kinh tế này không chỉ miễn phí mà còn tốt hơn, có thể thưởng cho những người tham gia sớm, tạo ra một hệ sinh thái tự củng cố, thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng cho người dùng và nhà cung cấp. Sau đó, nền tảng có thể sử dụng kinh tế token để duy trì sự trung thành của người dùng.
Về phía nhà cung cấp: Những người cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có thể kiếm được phần thưởng bằng token khi tham gia và đóng góp vào nền tảng. Các token này có thể tăng giá trị, cung cấp thêm nguồn thu nhập. Các dự án DePIN và các nền tảng NFT Marketplace đã thành công trong việc áp dụng mô hình này, vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Ví dụ: Helium Network thu hút người dùng cung cấp dịch vụ kết nối thiết bị IoT thông qua việc thưởng token HNT, Filecoin thì thu hút các nhà cung cấp không gian lưu trữ thông qua phần thưởng token FIL.
Về phía nhu cầu: Người tiêu dùng được khuyến khích sử dụng nền tảng thông qua các phần thưởng, chiết khấu hoặc chương trình khách hàng thân thiết. Điều này không chỉ thu hút người dùng ban đầu mà còn khuyến khích và thu hút sự tham gia lâu dài. Ví dụ: một số nền tảng DeFi thu hút người dùng cung cấp thanh khoản thông qua nguồn Incentive, tăng cường sự tham gia và trung thành của người dùng.
Tương Lai Của Marketplace Trên Web3
Các nền tảng Web3 Marketplace có tiềm năng lớn để giải quyết những vấn đề và rào cản mà các nền tảng truyền thống khó có thể xử lý. Chúng có thể đem đến sự linh hoạt và tạo ra các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, các nền tảng Web3 Marketplace sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như tiêu dùng và tài sản truyền thống, tạo ra những thị trường mới với nhu cầu và nguồn cung hoàn toàn mới, mang lại giá trị độc đáo cho cả người mua và người bán.
- Thị trường sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế: Sở hữu trí tuệ (IP) và bằng sáng chế là những tài sản có giá trị cao nhưng thường khó giao dịch. Dự án như Story Protocol đã biến IP thành tài sản kỹ thuật số có thể lập trình, giúp quản lý và giao dịch IP dễ dàng hơn. Tương lai có thể sẽ có các nền tảng giao dịch IP trên blockchain, cho phép nhà sáng tạo kiểm soát tốt hơn và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ IP của mình. Những nền tảng này không chỉ tăng tính thanh khoản của IP mà còn làm cho thị trường trở nên minh bạch và an toàn hơn.
- Thị trường tài nguyên dữ liệu và tính toán: Đối với các nhà phát triển và doanh nghiệp, các thị trường phi tập trung đã bắt đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như dữ liệu (Ocean Protocol), lưu trữ (Filecoin), tính toán (Aethir) và GPU (Render và io.net). Trong tương lai, các tài sản phức tạp và có giá trị cao như mô hình AI, dữ liệu IoT và các thuật toán cũng có thể được token hóa, giúp giao dịch và sử dụng tài nguyên này hiệu quả hơn.
- Thị trường tiêu dùng và sưu tầm: Các sản phẩm tiêu dùng và sưu tầm như tác phẩm nghệ thuật, xa xỉ phẩm,và tài sản ảo trong game đã thành công trong việc giao dịch trên blockchain. Trong tương lai, các vật phẩm có giá trị sưu tầm khác như đá quý, ô tô cổ và gốm sứ cũng có thể được token hóa, mở rộng thêm phạm vi của thị trường sưu tầm kỹ thuật số.
Tổng kết
Trải qua một giai đoạn dài phát triển, Marketplace đang dần trở nên hoàn thiện hơn với sự hỗ trợ của công nghệ Blockchain. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Đằng Sau Vụ Trộm Thế Kỉ Đối Với CryptoPunks Hiếm - October 2, 2024
- Phân Tích Magic Eden: Ra Token Và Chiến Lược Mở Rộng Hệ Sinh Thái NFT - September 24, 2024
- Phân Tích OpenSea: Nhìn Lại Chặng Đường Thăng Trầm Của NFT Marketplace Hàng Đầu - September 19, 2024