GameFi - một sự kết hợp thú vị của Gaming và Defi đang ngày càng nhận được sự thu hút của người dùng không chỉ trong thị trường Crypto mà còn bởi những người yêu thích chơi game trên toàn thế giới. Các dự án GameFi cũng đang định hình lại trải nghiệm của người chơi trong trò chơi từ sở hữu tài sản trong game đến kiếm tiền với trò chơi yêu thích. Vậy GameFi là gì và cơ chế vận hành của GameFi như thế nào? hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
GameFi Là Gì?
GameFi hay còn gọi là “Game Finance” ban đầu được đặt ra bởi người sáng lập Yearn Finance Andre Cronje để chỉ các dự án Gaming có sự kết hợp của yếu tố Defi. Mỗi dự án GameFi thường có sự kết hợp của công nghệ chuỗi khối, Non Fungible Tokens (NFT) và cơ chế trò chơi để tạo ra một môi trường ảo trong đó người chơi có thể tạo thu nhập phần thưởng chỉ bằng cách chơi và tận hưởng trải nghiệm trong trò chơi của họ.
GameFi đã mở ra một cách cửa mới dành cho các nhà phát triển và các game thủ để tham gia vào một hệ sinh thái trò chơi kĩ thuật số hoàn toàn mới. Theo ước tính của Zion Market Research, quy mô Thị trường GameFi toàn cầu được định giá khoảng $10,2B USD vào năm 2022 và ước tính sẽ đạt khoảng $95,3B USD vào năm 2030.
GameFi Hoạt Động Như Thế Nào?
GameFi là một xu hướng mới trong lĩnh vực blockchain và các dự án liên quan đến Gaming, kết hợp các yếu tố thành phần của DeFi. Mô hình hoạt động của các dự án Gamefi thường bao gồm các thành phần sau:
- Token Economics - trung tâm của các dự án GameFi: Các dự án GameFi thường phát hành token của riêng họ và xây dựng nền kinh tế trò chơi xung quanh chúng. Người chơi có thể sử dụng Token để mua sản phẩm trong trò chơi chẳng hạn như mua nhân vật trong trò chơi, quần áo và các vật phẩm khác.
- Blockchain: Gamefi sử dụng các Blockchain nền tảng như: Ethereum, BNB Chain,... để dễ dàng quản lý và hỗ trợ các hoạt động trong game, đảm bảo tính minh bạch và bảo mật cho tất cả các giao dịch.
- Tài sản trong game: Gamefi cho phép người chơi sở hữu và quản lý các tài sản kỹ thuật số như thẻ bài, vật phẩm trong game và các mặt hàng khác. Ngoài ra, người chơi cũng có thể khai thác tài nguyên trong game để kiếm về phần thưởng dưới dạng token của dự án.
- Hoạt động Defi: Gamefi tích hợp các tính năng của DeFi vào trong game cho phép người chơi tạo được lợi nhuận thông qua việc tham gia hoạt động đầu tư hoặc chơi game. Các hoạt động DeFi có thể gồm cho vay, cho thuê, thanh khoản và tạo nhiều dạng lợi nhuận khác.
Nhìn chung, mô hình hoạt động của các dự án Gamefi tập trung vào việc mang lại trải nghiệm chơi game mới, tích hợp các tiện ích và lợi ích từ DeFi và blockchain vào trong game cho phép người chơi tạo lập giá trị và kiếm lợi nhuận.
Một Số Trò Chơi GameFi Phổ Biến
Có rất nhiều dự án GameFi xuất hiện trên thị trường, sau đây là một số dự án phổ biến:
Axie Infinity
Axie Infinity là một trò chơi Play To Earn phổ biến xoay quanh những con thú cưng độc đáo lấy cảm hứng từ axolotl có nguồn gốc ở Mexico. Để tham gia vào game, người chơi cần mua Axie trên NFT Marketplace sau đó xây dựng đội hình gồm 3 Axie đấu với những người chơi khác trong các chế độ chơi khác nhau. Họ được thưởng khi chiến thắng các trận chiến và hoàn thành nhiệm vụ bằng token SLP. Thời điểm cao điểm nhất vào tháng 11/2021, Axie Infinity đã từng thu hút được 2.7 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trên nền tảng.
Gods Unchained
Gods Unchained là thẻ bài chiến lược được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum. Trong trò chơi, người chơi xây dựng bộ bài để chiến đấu và đánh bại đối thủ. Ngoài ra, người chơi cũng có thể mua hoặc bán các thẻ bài trên nền tảng NFT Marketplace với một số thẻ bài cực kì hiếm có thể được bán với giá vài trăm nghìn đô la.
Sorare
Sorare là một trò chơi bóng đá giả tưởng nơi người chơi có thể thu thập thẻ cầu thủ NFT và tham gia các giải đấu dựa trên thành tích ngoài đời thực của các cầu thủ. Người chơi có thể quản lí và chọn một đội hình phù hợp và thi đấu trong các giải đấu để kiếm về phần thưởng.
The Sandbox
The Sandbox là một Metaverse ảo nơi người chơi có thể tham gia xây dựng, trải nghiệm và sở hữu các tài sản ảo trong game. Trong trò chơi, người chơi có thể sử dụng các công cụ để xây dựng và tài nguyên trong trò chơi để tạo một xã hội ảo trong game. Người chơi cũng có thể thuê hoặc bán chúng trên nền tảng NFT Marketplace để đổi lấy token ETH.
Mobox
Mobox là nền tảng Play to Earn được triển khai trên BNB Chain. Người chơi có thể tham gia nhiều trò chơi khác nhau trên nền tảng để nhận được các phần thưởng ảo. Các NFT gốc trên nền tảng được gọi là Momo và có thể nhận được thông qua hộp bí ẩn. Người dùng nhận các NFT này có thể giao dịch chúng, Staking NFT để farming ra token MBOX hoặc sử dụng chúng làm tài sản thế chấp cho các mục đích sử dụng khác trong các trò chơi của hệ sinh thái. Hơn nữa, Mobox là nền tảng GameFi hướng đến cộng đồng và trao quyền cho những người dùng để tham gia và trải nghiệm nền tảng.
Cách Bắt Đầu Với GameFi
Thiết lập ví tiền điện tử
Trước khi tham gia vào các trò chơi GameFi, người dùng cần một ví tiền điện tử để có thể lưu trữ các tài sản trong game. Một điểm cần lưu ý nữa là nền tảng chuỗi khối mà trò chơi đang chạy chẳng hạn như: Ethereum, BNB Chain,... để chọn ví phù hợp. Hiện tại, mọi người có thể sử dụng một số ví tiền điện tử phổ biến như: MetaMask, Trust Wallet,...
Kết nối ví với trò chơi
Không giống như các trò chơi truyền thống yêu cầu tên người dùng và mật khẩu, các trò chơi blockchain sử dụng ví tiền điện tử làm tài khoản của bạn. Vì vậy, người dùng cần kết nối ví tiền điện tử với trò chơi để tham gia vào nền tảng.
Kiểm tra các yêu cầu của trò chơi
Một số trò chơi GameFi có thể cho phép người dùng chơi miễn phí nhưng cũng có một số trò chơi yêu cầu người dùng phải sở hữu các NFT để tham gia vào chơi game. Ví dụ: Axie Infinity sẽ yêu cầu bạn mua ba Axie trước khi bắt đầu chơi game.
Tổng kết
Với sự kết hợp độc đáo giữa Gaming và Defi, GameFi đang đưa trò chơi vào một kỉ nguyên mới. Khi web3 tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi GameFi sẽ được áp dụng rộng rãi đối với người dùng không chỉ trong thị trường Crypto mà còn trong lĩnh vực Gaming truyền thống.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Vana: Mạng Lưới Dữ Liệu Phi Tập Trung - November 17, 2024
- The Boo Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Boo Bears - November 16, 2024
- Phân Tích Polymarket: Nền Tảng Dự Đoán Phi Tập Trung Hàng Đầu Trên Thị Trường - November 16, 2024