Blockchain Sui Network đã trải qua một khoảng thời gian mainnet và cũng đang bắt đầu xây dựng các mảnh ghép cần thiết cho một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mảnh ghép được Mysten Labs đặt trong tâm nhất có lẽ là bộ sưu tập NFT SuiFrens. Cùng Hak Research điểm qua toàn cảnh về SuiFrens cũng như các tham vọng của Sui Network trong bài viết này.
Để hiểu hơn về SuiFrens cũng như Sui Network thì mọi người cũng có thể tham khảo một số bài viết sau đây:
Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT SuiFrens
SuiFrens là một bộ sưu tập NFT được phát hành bởi Mysten Labs, công ty đứng sau hệ sinh thái Sui Network với 2 bộ sưu tập nhỏ hơn mang 2 chủ đề khác nhau. Hai chủ đề chính của bộ sưu tập NFT SuiFrens được Mysten Labs sử dụng bao gồm:
- SuiFrens Capys: Là một bộ sưu tập bao gồm 380K chú chuột lang nước khác nhau được phát hành trong 2 giai đoạn riêng biệt. Những chú chuột lang nước này mang nhiều màu sắc, trạng thái, cảm xúc và các đặc điểm nổi bật khác nhau.
- SuiFrens Bullsharks: Là một bộ sưu tập NFT bao gồm 500K chú cá mập con dễ thương và cũng được phát hành trong 2 giai đoạn khác nhau. Những chú cá mập này cũng có nhiều màu sắc, trạng thái, cảm xúc và các đặc điểm nổi bật khác nhau.
Ngoài việc có rất nhiều hình thái và đặc điểm nổi bật khác nhau thì chủ sở hữu NFT cũng có thể làm cho SuiFrens của mình trở nên khác biệt bằng cách mua và trang trí các phụ kiện khác nhau cho cả Capys và Bullshark như áo quần, mũ,...
Tham Vọng Và Cái Nhìn Toàn Cảnh Về SuiFrens
Những viên gạch đầu tiên từ Testnet và Devnet
SuiFrens hay đúng hơn là SuiFrens Capy được giới thiệu lần đầu tiên bởi Sui Foundation đến cộng đồng các developer thông qua một Blog tại thời điểm Sui testnet Wave 1 diễn ra. Sau khoảng hơn 20 ngày thử nghiệm mạng lưới thì Sui testnet Wave 1 đã kết thúc khá ấn tượng khi có tới hơn 11 triệu NFT được mint.
Đến thời điểm cuối năm 2022 thì Sui Foundation tiếp tục tổ chức sự kiện Wishing You a Capy Holidays nhằm mục đích thử nghiệm bộ sưu tập NFT này trên mạng lưới Sui Devnet bởi toàn bộ cộng đồng, giải thưởng của sự kiện này cũng được chia thành 2 thành phần riêng biệt như sau:
- Chủ sở hữu của 5 Capys có số phiếu bầu từ cộng đồng lớn nhất sẽ nhận được 1000 token SUI mỗi người.
- Chủ sở hữu của 15 Capys có số lượng phiếu bầu xếp nhì sẽ nhận được 100 token SUI mỗi người.
- Chủ sở hữu của 10 Capys có tên và cốt truyện hay do team đánh giá sẽ nhận 200 token SUI mỗi người.
- Ngoài ra sẽ có tối đa 100 người được chọn để tham gia chương trình SUI Token Community Access Program.
Để tham gia chương trình này thì mọi người cần phải thực hiện một số yêu cầu đơn giản do Mysten Labs đặt ra như mint NFT trên mạng lưới Devnet sau đó đăng một tweet cùng với bức ảnh chụ màn hình của Capys đó kèm hastag #CapyHolidays. Điều này như một mũi tên trúng hai đích từ dự án khi:
- Stress test mạng lưới khi có đến hàng trăm ngàn địa chỉ ví mint NFT và hơn 1 triệu Capys được sinh ra trong một khoảng thời gian ngắn.
- Tăng độ nhận diện cho Sui Network và sự kiện nói chung khi có rất nhiều người tham gia đăng tweet.
Sau khi sự kiện Wishing You a Capy Holidays kết thúc thì cộng đồng phải đến cuối tháng 1 năm 2023 Sui Foundantion mới tiếp tục mở trở lại với Sui testnet Wave 2. Trong đợt thử nghiệm này thì đội ngũ dự án đặt mục tiêu tiếp tục stress test mạng lưới thông qua 2 tựa game được tổ chức bằng Capy:
- Frenemies.
- Validator Game.
Với trò chơi Frenemies, thì đây là một tựa game được mở cửa cho tất cả mọi người có thể thử nghiệm và được thiết kế để tạo ra sự thay đổi các cấp độ xếp hạng của validator sau mỗi kỷ nguyên. Trong mỗi kỷ nguyên thì mọi người sẽ được phân phối ngẫu nhiên một chức vụ đối với một validator và thay đổi số lượng stake để đạt được các yêu cầu như sau:
- Friend: Cần phải stake một số lượng lớn SUI vào các validator được đánh dấu này để đưa nó lên vị trí càng cao trên bảng xếp hạng càng tốt, số bậc xếp hạng tăng càng nhiều điểm nhận lại sẽ càng lớn.
- Neutral: Cần phải stake một số lượng vừa đủ SUI vào các validator được đánh dấu này để đưa nó về vị trí trung bình trên bảng xếp hạng, số bậc di chuyển lên hoặc xuống càng nhiều thì lại càng nhận được nhiều điểm hơn.
- Enemy: Cần phải stake một số lượng rất ít SUI vào các validator được đánh dấu này để đưa nó về vị trí cuối trên bảng xếp hạng, số bậc giảm càng nhiều thì lượng điểm nhận về sẽ càng nhiều hơn.
Phần thưởng dành cho những ai xuất sắc đạt được nhiều điểm nhất trong trò chơi này đó chính là 2000 suất truy cập vào chương trình SUI Token Community Access Program.
Trò chơi thứ 2 mang tên Validator Game và đúng như cái tên thì nó chỉ dành riêng cho các validator với mục đích chính là thay đổi phí gas cũng như các thông số khác khi mạng lưới đón nhận một số lượng giao dịch lớn hoặc giá của SUI biến động.
Sui testnet Wave cũng đạt được một số thành công nhất địch với các con số sau:
- Gần 1.7M địa chỉ ví tham gia.
- Có hơn 3.2M NFT Capy được mint.
- Có hơn 3.5M giao dịch trong Frenemies Game.
Bước tiến lớn sau giai đoạn đầu Mainnet
Sau khi mainnet thành công vào ngày 3/5/2023 thì Sui Network cũng cho phép mọi người tham gia mint SuiFrens Capy đợt đầu tiên với tổng cung ban đầu là 15K và giá 8 SUI mỗi NFT. Sau khi mint xong thì người dùng có thể tiếp tục mix 2 SuiFrens Capy với nhau để nhận thêm 15K NFT, chi phí cho mỗi lần mix là 10 SUI.
Nhìn chung thì cộng đồng đã hưởng ứng sự kiện này khá mạnh mẽ khi 30K NFT Sui Frens Capy được mint và mix hết chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng. Giá của Capys thường sau đó cũng được giao dịch ở mức trung bình hơn 40 SUI, còn với những Capys mang các tính chất hiếm thì được mua bán với mức giá hàng ngàn SUI.
Song song với sự kiện này thì một đơn snapshot trong máy chủ Discord của Sui Network chọn ra 350K thành viên đủ điều kiện cho đợt airdrop NFT SuiFrens Bullsharks. Những người đủ điều kiện cần phải tham gia Discord trước ngày 2/5/2023 và kết nối tài khoản với một địa chỉ ví duy nhất để NFT tự động được trả về một thời gian sau đó.
Tuy nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng sau vụ việc không airdrop mà chỉ bán token thông qua chương trình SUI Token Community Access Program thì Sui Foundation cũng đã phần nào xoa dịu cộng đồng bằng bộ sưu tập NFT SuiFrens.
Bullshark Quest 1 thành công ngoài mong đợi
Bullshark Quest là một chương trình được tạo ra để thu hút người dùng tham gia vào hệ sinh thái Sui Network thông qua các hoạt động như nắm giữ NFT, chơi các tự game trong hệ sinh thái, tham gia sử dụng các nền tảng DeFi.
Bullshark Quest 1 được bắt đầu từ ngày 6/7/2023 và kết thúc vào 27/7/2023, để đủ điều kiện tham gia thì người dùng bắt buộc phải nắm giữ ít nhất một NFT SuiFrens Bullshark nhận được từ đợt airdrop hoặc mua trên các sàn giao dịch. Bullshark Quest 1 tập trung vào việc sử dụng các dự án làm về mảng game trên hệ sinh thái này.
Khi tham gia Bullshark Quest 1 thì người dùng phải tham gia 4 trò chơi bên dưới nhằm mục đích kiếm điểm, điểm càng nhiều thì thứ hạng trên bảng xếp hạng sẽ càng cao và nhận được càng nhiều phần thưởng. 4 tựa game trong Bullshark Quest 1 bao gồm:
- Journey to Mount Sogol: Nhận 5000 điểm cho mỗi giao dịch on-chain.
- Mini Miners: Tựa game này đã bị tắt nghẽn sau khi triển khai Bullshark Quest nên đã ngừng hoạt động.
- Coin Flip: Nhận 10 điểm cho mỗi giao dịch on-chain.
- SUI 8192: Nhận 1 điểm cho mỗi giao dịch on-chain.
Tổng phần thưởng cho Bullshark Quest 1 là 5M SUI được chia thành 2 phần bằng nhau, một phần dành cho 10000 người chơi có thứ hạng cao nhất và phần còn lại chia đều cho tất cả những người không nằm trong top 10000.
Với tổng phần thưởng khá lớn và cơ chế chơi không quá phức tạp nên Bullshark Quest 1 đã thu hút đến hơn 120K người dùng tham gia sự kiện. Tổng số lượng giao dịch trên Sui Network cũng nhờ đó mà nhanh chống đạt được mốc 1 tỷ, đây là một con số không hề nhỏ khi đối thủ của Sui là Aptos mất đến 11 tháng mainnet mà chỉ mới đạt được hơn 250M giao dịch.
Giá của Bullshark cũng nhờ đó mà tăng mạnh từ mốc 5 SUI ở thời điểm bắt đầu sự kiện lên đến mức đỉnh điểm là 19 SUI. Khối lượng giao dịch hàng ngày của bộ NFT cũng có thời điểm vượt mặt cả người đàn anh là SuiFrens Capys.
Tuy việc chỉ sử dụng một mình NFT Bullshark là phương án tốt khi có thể tiếp cận đên một lượng lớn cộng đồng. Nhưng nó cũng là một con dao hai lưỡi khi những người nắm giữ Capy đã mua trên chợ với một mức giá khá cao hoặc mint với phí 8 SUI lại không được tham gia sự kiện này đã cảm thấy khá bất công sau đó bán phá giá.
Bullshark Quest 2 với những thay đổi
Do nhận được một số ý kiến trái chiều từ cộng đồng nắm giữ Capy sau Bullshark Quest 1 thì Mysten Labs cũng đã có một số động thái khi cho phép cộng đồng sử dụng cả 2 bộ NFT để tham gia sự kiện, ngoài ra thì tổng cung của các bộ sưu tập NFT cũng được tăng lên:
- SuiFrens Capys: Tăng tổng cung từ 30K lên thêm 350K với giá mint là 8 SUI hoặc mix bằng 2 Capy với phí 10 SUI, những Capys được mint ở vòng này có Gen tối thiểu sẽ là 1.
- SuiFrens Bullshark: Tăng tổng cung từ 350K lên thêm 150K, người dùng chỉ có thể tạo ra Bullshark mới bằng cách mix.
Tuy Bullshark Quest 2 cho phép người dùng nắm giữ Capys được tham gia nhưng việc tăng tổng cung ở một mức độ quá lớn đến như vậy cũng khiến cho giá sàn của NFT này tiếp tục lao dốc hơn 50% nhưng các Capys Gen 0 vẫn giữ được ở mức giá cao.
Mục đích chính khi khởi động Bullshark Quest 2 của Mysten Labs đó chính là việc thu hút người dùng sử dụng nhiều hơn các giao thức DeFi trong hệ sinh thái Sui. Số lượng các nhiệm vụ trong Quest 2 cũng nhiều hơn trước với đặc điểm chung là gửi tài sản vào các giao thức sau:
- Navi Protocol: Một giao thức Lending & Borrowing sử dụng Deep Book do chính Sui Foundation xây dựng.
- Turbos Finance: Là một AMM sử dụng mô hình Concentrated Liquidity Market Maker (CLMM).
- Scallop: Là một nền tảng Lending & Borrowing nhận được Grant từ Sui Foundation.
- Typus Finance: Một nền tảng Real Yield, giúp người dùng tìm kiếm lợi nhuận thật một cách an toàn.
- Kriya: Một nền tảng DEX được xây dựng theo hướng all in one.
- Cetus Protocol: Là một nền tảng AMM kết hợp giữa Uniswap và Trader Joe.
Nhìn chung thì ngoài việc giá sàn của Capys bị giảm sâu thì hướng đi của Mysten Labs ở thời điểm hiện tại với Bullshark Quest 2 đang khá là đúng đắn khi số lượng người tham gia sự kiện lần này đã vượt qua con số 250K, cao hơn 90% so với Bullshark Quest 1.
Dự Phóng Cá Nhân
Mysten Labs cũng như Sui Foundation đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc xây dựng một hệ sinh thái xoay xung quanh mảng Gaming và NFT khi có những thử nghiệm đầu tiên về SuiFrens trước nửa năm trước thời điểm mainnet.
Thành quả cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó chính là những con số vượt ngoài mong đợi nếu chúng ta mang ra so sánh với đối thủ đi trước Sui một khoảng thời gian khá dài là Aptos như:
Tiêu chí | Sui | Aptos |
---|---|---|
TPS trung bình | 70 | 16 |
Tổng số lượng Tx | 1.1B | 250M |
Tổng số lượng ví | 6.1M | 7.6M |
Tổng Kết
Trên đây là tổng quan về SuiFrens cũng như những tham vọng của Sui Network khi xây dựng hệ sinh thái xoay quanh bộ sưu tập NFT này. Hy vọng rằng thông qua bài viết này Hak Research đã mang đến cho tất cả mọi người một cái nhìn tổng quan cũng như những thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình research.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Hướng Dẫn Chạy Node Spheron - October 8, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node 0G Labs (ZeroGravity) - September 2, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node Nillion - August 30, 2024