CC0 NFT thường đề cập đến các bộ sưu tập từ bỏ bản quyền và cho phép người dùng sử dụng hình ảnh trên mỗi NFT để phát triển các sản phẩm phái sinh. Đây dường như là một hướng hợp lí để giúp dự án được biết đến rộng rãi hơn không chỉ trong cộng đồng web3 mà còn lan tỏa đến web2. Tuy nhiên, mô hình CC0 NFT đã được nhiều dự án áp dụng nhưng vẫn chưa đem lại được thành công và trong bài viết này, hãy cùng Hak Research tìm hiểu hiểu về một Flywheel mới dành cho CC0 NFT có thể là một hướng đi mới mang đến thành công cho một bộ sưu tập.
Trước khi vào bài viết, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé.
CC0 NFT Là Gì?
Trước khi tìm hiểu về CC0 NFT thì chúng ta phải làm quen một chút về khái niệm IP trong NFT. Thuật ngữ "IP" trong bối cảnh của NFT (Non-Fungible Token) thường đề cập đến "sở hữu trí tuệ" (Intellectual Property). Trong thế giới của NFT, sở hữu trí tuệ liên quan đến các quyền tác giả, nhãn hiệu và thiết kế mà một cá nhân hoặc tổ chức có thể sở hữu đối với các tác phẩm nghệ thuật bao gồm cả nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh và nhiều hơn nữa.
- Quyền bản quyền: Người mua NFT thường chỉ nhận được quyền sở hữu token, không phải bản quyền của tác phẩm liên kết với token đó. Bản quyền vẫn thường thuộc về người tạo ra tác phẩm trừ khi có thỏa thuận của người tạo.
- Quyền sử dụng: Các điều khoản sử dụng tác phẩm được liên kết với NFT phụ thuộc vào thỏa thuận ban đầu giữa người tạo và người mua. Một số NFT có thể cấp phép cho người mua sử dụng tác phẩm trong một phạm vi nhất định như chỉ để hiển thị làm ảnh đại diện cá nhân trong khi những thỏa thuận khác có thể cho phép sử dụng thương mại.
- Quyền phát triển sản phẩm phái sinh: Một vấn đề quan trọng trong NFT là liệu người mua có được phép tạo tác phẩm phái sinh từ NFT gốc hay không. Thông thường, quyền này vẫn thuộc về người sáng tạo ban đầu, trừ khi có sự đồng ý rõ ràng cho phép tạo ra các sản phẩm phái sinh.
Đây là 3 đặc quyền cơ bản nếu dự án muốn cấp phép IP cho những chủ sở hữu NFT của mình. Khi nói về vấn đề cấp phép thì trong thị trường NFT đã có một khái niệm có tên là CC0 (Creative Commons Zero Copyright) - một công cụ pháp lý được thiết kế để giúp tác giả từ bỏ mọi quyền sở hữu trí tuệ trong tác phẩm của mình, từ đó chuyển tác phẩm đó vào phạm vi công cộng. Dưới đây là một số điểm chính về việc sử dụng CC0 trong thị trường NFT:
- Thúc đẩy sự sáng tạo và tái sử dụng: Khi một tác phẩm nghệ thuật hoặc tài nguyên số khác được phát hành dưới giấy phép CC0, nó trở nên dễ dàng cho bất kỳ ai tái sử dụng hoặc phát triển thêm mà không cần lo lắng về việc vi phạm bản quyền. Trong thị trường NFT, điều này có thể khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo vì các nghệ sĩ và nhà phát triển có thể tự do lấy cảm hứng từ các tác phẩm có sẵn để tạo ra các sản phẩm mới.
- Minh bạch và giảm xung đột: Giấy phép CC0 giúp giảm thiểu các xung đột pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ vì nó loại bỏ hầu hết các hạn chế về việc sử dụng tác phẩm. Trong bối cảnh NFT, điều này có nghĩa là một người mua NFT liên kết với tác phẩm CC0 không phải lo ngại về việc vi phạm quyền tác giả khi sử dụng hoặc tái bán tác phẩm đó.
- Thách thức về giá trị: Mặc dù CC0 có thể thúc đẩy sáng tạo, nó cũng có thể làm giảm giá trị thị trường của NFT liên kết với các tác phẩm CC0. Do tất cả mọi người đều có thể sử dụng, sao chép và phân phối tác phẩm mà không cần xin phép, giá trị thuần túy từ việc sở hữu độc quyền NFT có thể bị ảnh hưởng.
- Tiềm năng cho sự đổi mới: NFT liên kết với tác phẩm CC0 có thể khuyến khích các hình thức sáng tạo và kinh doanh mới. Ví dụ, các tác phẩm này có thể được sử dụng trong các trò chơi video, thực tế ảo hoặc như là phần của các dự án lớn hơn mà không phải đối mặt với các hạn chế về bản quyền.
Nhìn chung, việc sử dụng CC0 trong thị trường NFT mở ra cả cơ hội và thách thức. Nó thúc đẩy một môi trường sáng tạo mở, nhưng cũng yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng về giá trị và chiến lược kinh doanh. Đối với những người tham gia vào thị trường NFT, hiểu rõ về các giấy phép như CC0 là thiết yếu để tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu rủi ro pháp lý.
CCO NFT Với Flywheel Mới Tạo Nên Thành Công Cho Một Bộ Sưu Tập
Với những thành công mà Pudgy Penguins đã tạo ra trên thị trường đã tạo thành nguồn cảm hứng giúp rất nhiều dự án định hướng phát triển theo hướng IP, mở rộng sự hiện diện hình ảnh của mình trên thị trường. Một trong những xu hướng để mở rộng sự hiện diện của thương hiệu đó là phát triển các sản phẩm phái sinh. Trước đây, người tạo ra tác phẩm phái sinh thường phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Họ không thể thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm phái sinh.
- Họ không được sở hữu bất kì doanh thu nào và họ phải chuyển cho tác giả gốc.
Đối với các tác giả gốc, việc chấp nhận tác phẩm phái sinh có nghĩa là họ có thể chấp nhận mất quyền kiểm soát thu nhập tiềm năng và khả năng sáng tạo của chính mình và những tác phẩm phái sinh kém chất lượng cũng sẽ tác động tiêu cực đến họ.
Với các tác phẩm phái sinh của NFT sử dụng bản quyền truyền thống, những ưu đãi này vẫn tồn tại nhưng hiệu ứng khuyến khích sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu tác giả gốc cho phép thương mại hóa tự do tài sản trí tuệ. Điều này là do những người tạo ra tác phẩm phái sinh không chỉ kiếm được thu nhập từ các tác phẩm phái sinh của họ mà còn từ sự chú ý đó làm tăng thêm giá trị cho bộ sưu tập NFT gốc. Vì vậy họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa từ việc bán sản phẩm phái sinh và NFT gốc tăng giá.
Về phía dự án thì họ cũng hi vọng như vậy bởi vì bằng cách này họ không chỉ có thể kiếm được tiền bản quyền từ việc bán NFT trên thị trường thứ cấp và thu lợi nhuận từ sự tăng trưởng giá trị dòng. Quy trình cụ thể của Flywheel này như sau:
- A ra mắt bộ sưu tập CC0 NFT và cho phép tất cả chủ sở hữu NFT quyền sở hữu IP.
- A bán NFT #1 có nội dung CC0 cho B
- B quyết định tạo nội dung phái sinh CC0
- B bán NFT #2 nội dung phái sinh của CC0 cho C
- C rất thích tác phẩm phái sinh này và quyết định mua NFT #1 gốc
- Do đó: A kiếm được tiền bản quyền từ việc bán NFT, B kiếm thu nhập từ việc bán sản phẩm phái sinh + bán NFT gốc và C thu được hai phiên bản NFT.
- C quyết định tạo tác phẩm phái sinh của NFT #2 hoặc NFT #1 và bước vào chu kì tiếp theo.
Mặc dù hướng đi này còn ở giai đoạn đầu nhưng đã được rất nhiều dự án áp dụng. Dưới đây là một số ví dụ thực tế:
Renegade Comics là một ví dụ về việc lấy hình ảnh IP từ NFT universe và biến chúng thành truyện tranh. Bộ truyện tranh này thuộc quyền sở hữu của Chain Runners.
Blitwear: Lấy cảm hứng từ Blitmaps, dự án này nâng cấp chúng để tạo ra các mặt hàng thời trang kĩ thuật số có thể đổi lấy quần áo trong thế giới thực.
Nouns Center: Có rất nhiều sản phẩm phái sinh xung quanh dự án Nouns NFT và mọi người có thể tham khảo ở hình ảnh bên dưới. NounsDao thậm chí còn phải tạo ra một trang web riêng để liệt kê tất cả sản phẩm phái sinh của nó. mọi người có thể tham khảo tại đây.
Nhìn chung, mô hình phát triển này là khá thú vị nhưng phải có sự đồng thuận giữa cả phía dự án và cộng đồng. Dự án phải cung cấp quyền IP cho chủ sở hữu NFT và cộng đồng chủ sở hữu NFT của dự án phải tích cực tạo ra các sản phẩm phái sinh chất lượng. Trên thực tế, điều này vẫn chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại bởi định hướng phát triển IP mới được một vài dự án áp dụng sau thành công của Pudgy Penguins, một số thì không chia sẻ quyền sở hữu IP cho NFT Holder. Nhưng có thể đây là xu hướng được nhiều dự án áp dụng với một định hướng phát triển bền vững.
Tổng kết
CC0 NFT không còn là một khái niệm mới trong thị trường NFT nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều dự án thành công khi phát triển theo hướng này. Flywheel trên là một trong những hướng mang đến độ phủ sóng và mô hình phát triển bền vững hơn dành cho dự án. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - November 21, 2024