DEX là gì? DEX là viết tắt của Decentralized Exchange hay còn gọi là sàn giao dịch phi tập trung là mảnh ghép quan trọng nhất trong DeFi. Có thể nói thanh khoản quan trọng với tất cả nền tài chính từ CeFi, TradFi hay DeFi. Nhưng trong một môi trường thiếu thanh khoản như DeFi thì lượng thanh khoản ít ỏi này sẽ được làm tối ưu như thế nào?
Tổng Quan Về Decentralized Exchange (DEX)
DEX là gì?
DEX là viết tắt của Decentralized Exchange, là một sàn giao dịch phi tập trung. Các DEX hoạt động trên nền tảng của các blockchain có smartcontract, cho phép người dùng giao dịch các loại token với nhau mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào.
Có thể nói DEX chính là mảnh ghép quan trọng nhất trong bức tranh DeFi cho các hệ sinh thái, bởi vì một lý do đơn giản khi một người dùng bất kì khi tiếp cận hệ sinh thái thì nhu cầu đầu tiên của họ chưa phải là Lending, Borrowing, Long - Short mà chính là mua bán, giao dịch các token có trên hệ sinh thái đó (Swap).
Sự khác biệt giữa DEX và CEX?
DEX (Decentralized Exchange) | CEX (Centralized Exchange) |
---|---|
Sàn giao dịch phi tập trung | Sàn giao dịch tập trung |
Người dùng KHÔNG CẦN KYC | Người dùng cần KYC nếu giao dịch lớn |
Minh bạch thông tin | Thông tin sàn quản lý |
Mô hình chủ đạo: AMM | Mô hình chủ đạo: Orderbook |
Mô hình phát triển: Phi tập trung | Mô hình phát triển: Tập trung |
Ngoài ra, “thanh khoản” được coi là mạch máu không thể thiếu cho một hệ sinh thái DeFi khi tất cả các mảnh ghép bên trên đều cần thanh khoản như Lending cần một nơi để thanh lý,... mà mảnh ghép DEX lại chính là nơi nắm giữ thanh khoản.
Mọi người có thể hình dung DEX chính là nước đầu nguồn từ đầu nguồn này chia thành nhiều nhánh sông (Lending, Derivatives, Stablecoin,...), suối (Yield Farming, Insurace,...) khác nhau. Dòng tiền khi chảy về 1 hệ sinh thái thì nơi đầu tiên đầu tiên nó chảy vào sẽ là các dự án làm về DEX.
Sự khác biệt giữa OrderBook và AMM
Trong thị trường DeFi thì mô hình của các DEX được phân chia làm 2 loại:
- Order Book: Tạm dịch là sổ lệnh, các sổ lệnh trên DeFi hoạt động tương tự như các mô hình Order Book của các sàn tập trung như Binance, OKX, Bybit,...
- AMM: Hoạt động bằng các Liquidity Pool.
Để hiểu một cách đơn giản nhất thì mô hình Order Book là người dùng đặt lệnh về số lượng và giá token mong muốn mua hoặc bán trên một sổ lệnh, nếu như có một hoặc nhiều lệnh trái ngược với lệnh này thì lệnh này sẽ bắt đầu được khớp đến khi đạt 100% số lượng order.
Order Book phổ biến tại các sàn CEX như Binance, Coinbase,... nơi thanh khoản phải gọi đến mức dư thừa. Nhưng tại một nơi còn mới như thị trường DeFi việc triển khai Orderbook là không hiệu quả vì thiếu thanh khoản trầm trọng nên mô hình AMM (Automated Market Maker) nổi lên như một giải pháp thay thế hiệu quả.
Hình dung một cách đơn giản thì AMM là mọi người gửi vào một số tiền để mua 1 lượng token nhất định sau đó phía dự án (các Liquidity Pool) sẽ trả lại cho mọi người 1 lượng token mà được tính toán dựa theo thanh khoản trong Pool.
Ví dụ: Mọi người có $500 muốn mua 1.000 token X thì giá trung bình sẽ là $0.5/X chứ không ai có thể lựa chọn được mức giá muốn mua.
Các Mô Hình Hoạt Động Của AMM
Lịch sử phát triển của các mô hình AMM
Nhìn vào lịch sử của DeFi nói chung và AMM nói riêng thì bên cạnh những sự cải tiến, cách mạnh về mô hình thì còn rất nhiều các dự án với tinh thần sao chép. Khi nhìn vào lịch sử phát triển của AMM mình có thể chia thành một số các giai đoạn chính như sau:
- Trước năm 2020: Khi Uniswap V1 ra đời và được sự đón nhận của cộng đồng nhưng nó lại chưa tạo nên được một cuộc cách mạng thật sự do các ngành khác trong DeFi còn quá non trẻ hay bản thân chính V1 cũng tồn tại nhiều vấn đề.
- Giai đoạn 2020 - 2022: Khi Uniswap V2 được ra đời thì nó đạo nên một cuộc cách mạng thật sự. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa đã tạo nên một DeFi Summer cực kì rực rỡ trong cả 2020 và 2021. Hầu hết các dự án AMM ra đời trong giai đoạn này đều sao chép mô hình hoạt động của phiên bản V2 và có chút thêm mắm, thêm muối. Bên cạnh Uniswap, giai đoạn này chúng ta cũng chứng kiến các mô hình hoạt động nổi bật như Curve Finance hay Balancer.
- Giai đoạn 2022 trở đi: Khi Uniswap V3 hết hạn giấy phép thì phong trào thanh khoản tập trung bùng nổ. Các dự án khi trước sao chép V2 thì tiếp tục sao chép V3 để nâng cấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này cũng có các dự án tự mình tạo ra những đổi mới sáng tạo cho ngành AMM như Trader Joe với Liquidity Book hay Maverick với các Pin động. Giai đoạn này chúng ta có nhiều sáng tạo bên ngoài Uniswap. Bản thân trong Uniswap V4 cũng có nhiều sự học tập từ các AMM trong thị trường.
Rõ ràng, từ thời khi sơ khai của DeFi và AMM thì Uniswap đã luôn dẫn đầu.
Về bản chất thị trường Crypto nói chung và DeFi ngày nay ngập tràn các bản fork nói một cách đơn giản là các dự án sau ra đời thì đều sao chép mô hình hoạt động của các dự án trước đó. Vì vậy, để hiểu toàn bộ mảng AMM chúng ta cũng chỉ cần hiểu một số các dự án trọng tâm bao gồm:
- Uniswap và các phiên bản nâng cấp bao gồm V1, V2, V3 và V4.
- Curve Finance với mô hình dành cho thị trường tài sản ngang giá như Stablecoin, Warpped Token, Synthetic Token,...
- Balancer với mô hình các pool thanh khoản đi kèm với tỷ trọng khác nhau.
- Trader Joe với phiên bản khác biệt của thanh khoản tập trung từ Liquidity Book.
- Maverick Protocol với mô hình cung cấp thanh khoản động.
- Một số các mô hình DEX khác như DEX Aggregator, DEX Cross-chain,...
Mô hình hoạt động của Uniswap V1
Có thể nói rằng Uniswap V1 là phiên bản AMM đầu tiên và cũng như thô sơ nhất mà DeFi từng sở hữu được ra mắt vào tháng 11/2018 bởi Hayden Adams. Chính Uniswap đã đưa ra khái niệm AMM và dần loại bỏ mô hình Order Book truyền thống vốn tạo ra nhiều khó khăn cho thị trường DeFi.
Uniswap đã giới thiệu tới thị trường mô hình các pool thanh khoản hoạt động theo công thức x * y = k.
Tuy nhiên, điều cản trở Uniswap phát triển lại nằm trong chính mô hình hỗ trợ độc quyền cho các cặp giao dịch giữa ERC 20 và ETH. Có nghĩa nếu người dùng muốn giao dịch giữa ERC 20 và ERC 20 thì bắt buộc họ phải thực hiện 2 giao dịch trong đó giao dịch đầu tiên là bán ERC 20 để lấy ETH rồi sử dụng ETH để mua tiếp ERC 20.
Điều này gia tăng sự phức tạp trong trải nghiệm người dùng đặc biệt là sự gia tăng về chi phí giao dịch khiến người dùng đau đầu.
Ví dụ: Người dùng muốn chuyển từ DAI sang USDC thông qua Uniswap thì sẽ trải qua hai bước sau:
- Bước 1: Approve DAI cho phép Uniswap sử dụng.
- Bước 2: Kí giao dịch từ DAI sang ETH.
- Bước 3: Approve ETH cho phép Uniswap sử dụng.
- Bước 4: Kí giao dịch từ ETH sang USDC.
Bên cạnh đó, mô hình AMM của Uniswap V1 bắt đầu đưa ra những khái niệm đầu tiên về Impermanent Loss (tổn thất vô thường) hay Slippage (trượt giá). Nhưng Uniswap V1 đã thực sự là một bước ngoặt trong thị trường DeFi và nhận về sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Mô hình hoạt động của Uniswap V2
Uniswap V2 được giới thiệu vào tháng 5/2020 sau hơn 1.5 năm khi Uniswap V1 được lên kệ. Sự thay đổi lớn nhất với Uniswap V2 chính là việc trở nên cực kì linh hoạt khi cho phép tạo các Pool thanh khoản giữa các ERC 20 - ERC 20. Điều này cho phép người dùng có thể giao dịch trực tiếp từ ERC 20 sang ERC 20 mà không cần thông qua ETH.
Uniswap V2 hoạt động bằng cách sử dụng một công thức toán học để xác định giá trị của cặp token có trong Liquidity Pool (tương tự như Uniswap V1), mỗi dự án sẽ có một hoặc nhiều công thức tính giá khác nhau vì vậy chúng ta sẽ đi tìm hiểu về công thức phổ biến nhất được giới thiệu lần đầu trên Uniswap v2 đó chính là:
x * y = k
Trong đó:
- x và y là đại diện số lượng của hai mã token được nhà cung cấp thanh khoản thêm vào liquidity pool.
- k là tích số của x và y – và là hằng số không đổi. Nghĩa là khi số lượng x và y trong Pool thay đổi thì hằng số “k” vẫn luôn cố định.
AMM hoạt động một cách tự động đứng ra định giá hai loại tài sản cho những người dùng swap trên nền tảng. Để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động cơ bản nhất của một Liquidity Pool, mọi người theo dõi ví dụ đơn giản bên dưới.
Nhà cung cấp thanh khoản khởi tạo 1 Pool gồm gặp ETH/DAI trên Uniswap. Giả sử 1 ETH = $450 và 1 DAI = $1. Trong một Pool cần đảm bảo tổng giá trị của 2 loại tài khoản phải luôn bằng nhau. Do đó, nếu khởi tạo 1 Pool gồm 10 ETH thì bạn phải cần thêm vào 4500 DAI.
=> Khi đó tính thanh khoản của Pool này sẽ = 10 * $450 + 4500 * $1 = $9000
AMM hoạt động dựa trên công thức toán học x*y=k, nên x, y, k có giá trị lần lượt như sau:
- x = 10
- y = 4.500
- k = 45.000
Giả sử như Alice muốn swap lấy ra 1 ETH từ Pool. Sau khi giao dịch hoàn thành, trong Pool sẽ còn 9 ETH, vì hệ số cân bằng “k” không đổi nên sẽ có 5000 DAI trong Pool.
Header | Số lượng DAI | Số lượng ETH | Hằng số k |
---|---|---|---|
Vốn ban đầu | 4.500 | 10 | 45.000 |
Khi lấy 1 ETH | 5.000 | 9 | 45.000 |
Như vậy, khi Alice thực hiện giao dịch, cô ấy đã tăng phần DAI và giảm phần ETH của Pool. Điều này có nghĩa là mỗi khi ETH được mua thì giá ETH sẽ tăng lên. Nguyên nhân là do tổng thanh khoản (k) không đổi và số lượng ETH trong Pool ít hơn.
- Chúng ta có thể thấy rằng 1 ETH = 450 DAI
- Tuy nhiên sau khi lấy ra 1 ETH làm nguồn cung của ETH giảm thì giá ETH trong Pool lúc này sẽ là (5000/9) = 555,555 DAI.
Đây chính là cách mà cơ chế AMM hoạt động giúp điều chỉnh giá phù hợp với nhu cầu thị trường và hoàn toàn tuân theo kinh tế khi đảm bảo được tính khan hiếm luôn đi kèm với giá trị của tài sản trong Pool.
Phương trình x * y = k xác định một hyperbol, hình dạng học tiến tới hai điểm vô cùng và không ở các điểm cực trị của nọ nhưng không bao giờ đạt tới chúng.
Vậy chuyện gì xảy ra khi ai đó cố tình muốn mua tất cả ETH trong nhóm ETH/DAI trên Uniswap?
Trên thực tế, việc này là không thể thực hiện. Nguyên nhân là do công thức x*y = k. Nếu x hoặc y bằng 0, nghĩa là không có ETH hoặc DAI trong nhóm. Khi đó, phương trình toán học không còn ý nghĩa, còn nếu mọi mua ETH với số lượng càng lớn thì mức trượt giá càng cao.
Một thành phần quan trọng không thể thiếu trong các giao thức AMM đó chính là Người Cung Cấp Thanh Khoản (Liquidity Provider) là người cung cấp từ một hoặc nhiều loại token vào liqudity pool để người dùng có thanh khoản khi giao dịch.
Và khi một hệ sinh thái hình thành sẽ có vô số các AMM nổi lên ai cũng cố gắng thu hút các Liquidity Provider đến cung cấp thanh khoản cho nền tảng mình nên mỗi dự án sẽ có vô vàn các chiến lược khác nhau để thu hút những thanh khoản này.
Hiểu một cách đơn giản nhất là LP sẽ một hoặc nhiều token của mình vào 1 liqudity pool (smartcontract), người dùng khi có nhu cầu mua bán loại token đó có thể đến pool này để giao dịch.
Ví dụ: LP cung cấp ETH và USDC theo tỷ lệ 1 - 1 vào Pool A khi đó người dùng A muốn mua ETH thì chỉ việc gửi USDC và pool sẽ trả lại bạn ETH, còn nếu người dùng B muốn mua USDC chỉ cần việc gửi ETH vào và pool sẽ trả lại bạn USDC.
Uniswap V2 là một phiên bản cực kì mạnh mẽ của AMM khiến các AMM sau này ra đời đều được fork từ Uniswap V2. Một số phiên bản Fork Uniswap V2 nổi tiếng như Sushiswap, PancakeSwap, Raydium, SpookySwap,... đều là những AMM nổi tiếng trên nhiều Blockchain như BNB Chain, Solana, Fantom,...
Mô hình hoạt động của Curve Finance
Mô hình của Curve Finance có nhiều nét tương đồng so với Uniswap V2 và Balancer. Sự khác biệt nằm ở thuật toán mà Curve Finance gọi là The Stableswap Invariant giúp cho Curve tiến vào một thị trường ngách đó chính là các tài sản như Stablecoin, Warpped Token hay Synthetic Token.
Nhìn trên hình vẽ chúng ta thấy rằng:
- Đường giá cắt màu tím là mô hình x * y = k của Uniswap.
- Đường giá cắt màu đỏ là mô hình x + y = k như trong các Bin của Trader Joe.
- Đường màu xanh của Curve Finance là sự kết hợp giữa 2 mô hình để tạo ra một đường cong tối ưu cho các tài sản ngang giá.
Với mô hình này của Curve Finance cho phép nền tảng tối đa tính thanh khoản và cho phép trượt giá thấp hơn khoảng 100 lần khi giao dịch so với Uniswap.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của Curve Finance là khi giá vượt ra khỏi vùng thanh khoản được tối ưu thì nó sẽ biến động rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn Uniswap rất nhiều. Để giải quyết vấn đề này Curve Finance phải xây dựng một nguồn thanh khoản dồi dào và họ đã làm được như những gì họ mong muốn kể từ khi ra mắt vào thời điểm năm 2020 tới nay.
Mô hình hoạt động của Balancer
Balancer cũng là một trong những AMM đầy sự sáng tạo trong những giai đoạn sơ khởi của DeFi. Nếu như nhìn vào mô hình Pool thanh khoản của Uniswap hay Curve Finance thì đều là các pool thanh khoản chỉ với 2 loại tài sản và tỷ lệ là 50 - 50.
Sự khác biệt mà Balancer đem lại chính là Weighted Pools được phát triển dựa trên công thức cổ điển của Uniswap V1 mang lại là x * y = k, Weighted Pools sử dụng Weighted Math - công thức toán học cho phép Balancer có thể giao dịch bất kì loại tài sản nào cho dù các loại tài sản đó có bất kì mối tương quan nào về giá hay không, giá được xác định bởi giá trị của pool, số dư của các loại tài sản trong pool và số lượng tài sản muốn giao dịch.
Với Weighted Pools, Balancer cho phép triển khai các Pool thanh khoản với nhiều loại tài sản khác nhau đi kèm với đó là tỷ lệ của tài sản trong pool của khác nhau. Chính điều này đã tạo ra một số các lợi ích như sau:
- Người dùng có thể lựa chọn các pool thanh khoản phù hợp với mình. Ví dụ muốn kiếm lợi nhuận lớn từ BTC hãy đưa BTC vào pool thanh khoản mà BTC có tỷ lệ lớn hơn với các tài sản còn lại.
- Đối với các tài sản có tỷ lệ lớn thì Impermanent Loss cũng thấp hơn, tuy nhiên không phải là loại bỏ được 100% IL.
DEX Aggregator: Công cụ tổng hợp thanh khoản
Trước khi bước đến với các mô hình đột phá nơi sáng tạo không chỉ dành riêng cho Uniswap thì chúng ta cũng tìm hiểu về mô hình hoạt động của các DEX Aggregator. Vậy tại sao cần phải có DEX Aggregator? Trong bối cảnh thị trường có quá nhiều AMM, quá nhiều Blockchain nền tảng mà thanh khoản của mỗi AMM là khác nhau, thanh khoản là khác nhau dẫn tới trượt giá ở mỗi AMM là khác nhau. Từ đó, mô hình DEX Aggregator chính thức ra đời.
Hình dung một cách đơn giản, DEX Aggregator là một nền tảng DEX tổng hợp thanh khoản từ toàn bộ DEX trên thị trường từ đó giúp người dùng tìm được nơi có thanh khoản dồi dào nhất, trượt giá thấp nhất. Về bản chất thì DEX Aggregator là một nền tảng cung cấp dịch vụ tìm kiếm đâu là nơi có thanh khoản sâu nhất và các nền tảng DEX Aggregator không có pool thanh khoản riêng.
Một số những DEX Aggregator đầu tiên của thị trường như 1inch, Matcha, 0x,... trên Ethereum, Jupiter Exchange trên Solana,...
DEX Cross-chain: Công cụ giao dịch xuyên chuỗi
DEX Cross-chain cũng đến từ nhu cầu thực tiễn của người dùng. Thông thường, khi người dùng có ETH trên Ethereum nhưng lại muốn mua JOE trên Avalanche thì họ sẽ trải qua một số bước như sau:
- Bước 1: Người dùng di chuyển ETH từ Ethereum sang Avalanche bằng Avalanche Bridge.
- Bước 2: Người dùng nhận ETH trên Avalanche.
- Bước 3: Người dùng swap từ ETH sang JOE bằng 1 AMM trên Avalanche.
Với các DEX Cross-chain cho phép mọi người thực hiện toàn bộ các bước sau chỉ trên một nền tảng duy nhất từ đó giải quyết được vấn đề liên quan đến trải nghiệm người dùng.
Mô hình hoạt động của Uniswap V3
Uniswap V3 là một cuộc các mạng thật sự cho thị trường AMM với thanh khoản tập trung. Tại bối cảnh đó khi Uniswap đã thống trị về thanh khoản cho các ERC 20 thì một đối thủ của họ là Curve Finance lại đang chiến phần lớn phần trong ngách giao dịch các tài sản ngang giá như Stablecoin, Warpped Assets hay Synthetic Assets. Chính vì vậy, tuy không nói ra nhưng V3 là phiên bản hướng đến một phần là các tài sản có giá trị lớn và ngang giá.
Uniswap V2 đã đặt ra một vấn đề là đối với các tài sản lớn như Bitcoin, Ethereum, Stablecoin,... có sự biến động không quá nhiều thì việc cung cấp thanh khoản cho nó tại các mức giá quá chênh lệch có thực sự cần thiết hay không? Ví dụ: Bitcoin đang ở mức giá $40.000 thì không thể nào ngày mai Bitcoin về giá $500 hay ngày kia Bitcoin tăng lên $100.000 được chính vì vậy việc cung cấp thanh khoản từ 0 tới dương vô cực là không cần thiết với các tài sản Bluechip. Đó là lí do tiếp theo mà thanh khoản tập trung ra đời.
Thanh khoản tập trung cho phép các nhà cung cấp thanh khoản lựa chọn vùng giá mà họ cung cấp. Một người dự đoán có thể sai nhưng khi hàng ngàn người dự đoán thì tỷ lệ chính xác sẽ cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, tại mức giá mà tài sản đang hoạt động sẽ có thanh khoản cao nhất từ đó làm hạn chế Impermanet Loss cho LP và Slippage cho người dùng.
Điều làm cho Uniswap V3 trở nên khác biệt đó chính là khả năng sử dụng vốn thông qua ví dụ đơn giản dưới đây:
JP aka Quang Trưởng & Hướng đều đang muốn cung cấp thanh khoản cho cặp BTC - USDC. Mỗi người đều có $500K và giá BTC lúc đó là $30.000.
- Hướng cung cấp thanh khoản cho Uniswap V2. Khi đó, Hướng sẽ gửi $250K USDC và 8.3333 BTC (tương đương $250K) vào phiên bản V2.
- JP aka Quang Trưởng cung cấp thanh khoản cho cặp BTC - USDC ở mức giá $28.000 - $33.000 với tổng giá trị là $100K và số tiền còn lại được gửi vào nhiều giao thức DeFi khác để lấy thêm lợi nhuận.
Với số tiền bỏ ra là $100K nhưng lượng phí giao dịch mà JP aka Quang Trưởng thu về bằng với Hướng nhẫn tới việc với V3 JP aka Quang Trưởng đang kiếm được nhiều lợi nhuận hơn so với Hướng. Không những vậy, nếu khoảng giá cung cấp thanh khoản càng cao thì khả năng sử dụng vốn sẽ tăng theo cấp số nhân.
Ngay khi ra đời, Uniswap V3 đã đăng kí một giấy phép độc quyền trong vòng 1 năm nên các đối thủ AMM khác tiếp tục bị Uniswap bỏ xa.
Nhận được cảm hứng từ Uniswap V3 mà đã có 2 giao thức tự mình sáng tạo nên một mô hình CLMM của riêng mình đó chính là Maverick và Trader Joe. Vậy sự đổi mới đó như thế nào?
Trader Joe với Liquidity Book
Liquidity Book (LB) được Trader Joe nhá hàng vào cuối năm 2022 tuy nhiên phải đến 2023 nó mới được chính thức ra mắt. Mô hình LB này cung cấp cho người dùng một mức giá cực kì tốt với trượt giá bằng không và giá cũng không di chuyển khi giao dịch nằm trong vùng của 1 Bin từ đó giúp cả nhà cung cấp thanh khoản sử dụng vốn một cách hiệu quả.
Trader Joe sử dụng công thức x + y = k cho mỗi Bin thanh khoản của mình. Với công thức này cho phép giá không bị trượt khi thanh khoản nằm trong một Bin. Bên cạnh đó, giá có thể tăng hoặc giảm khi Bin hết thanh khoản.
Với mô hình này Trader Joe đã tạo ra một số những lợi thế khác biệt như:
- Giao dịch không bị trượt giá nếu thanh khoản nằm trong một Bin.
- Gia tăng khả năng sử dụng vốn.
- Mô hình phí động giúp giảm tổn thất vô thường cho các LP.
- Chia thanh khoản thành các Bin nhỏ giúp tổng hợp thanh khoản trở nên dễ dàng hơn.
Maverick Protocol với thanh khoản động
Maverick Protocol sử dụng cơ chế định hướng khi cung cấp thanh khoản là Directional LPing. Tương như Trader Joe, Maverick cũng sử dụng thuật ngữ Bin cho các khoảng giá của mình. các nhà cung cấp thanh khoản có thể lựa chọn nhiều Bin khác nhau khi cung cấp thanh khoản.
Maverick cho phép các nhà cung cấp thanh khoản lựa chọn 4 chế độ sau khi tham gia vào nền tảng bao gồm:
- Mode Right: Thanh khoản mà người dùng cung cấp sẽ chạy theo hướng giá tăng và đứng yên khi giá giảm. Điều này dựa trên dự phóng về tài sản tăng giá của người dùng.
- Mode Left: Thanh khoản mà người dùng cung cấp sẽ chạy theo hướng giá giảm và đứng yên khi giá tăng. Điều này dựa trên dự phóng về tài sản giảm giá của người dùng.
- Mode Both: Thanh khoản của người dùng sẽ chạy theo đường giá kể cả là tăng hay giảm.
- Mode Static: Tương tự như mô hình Uniswap V3.
Những Rủi Ro Khi Sử Dụng Các AMM Là Gì?
Rủi ro đối với người giao dịch
Những rủi ro mà người giao dịch trên các DEX có thể kể đến như sau:
- Rủi ro về trượt giá: Vì mỗi loại token sẽ có một liquidity pool riêng nên thanh khoản sẽ không được đồng đều, vì vậy nếu mọi người giao dịch một token kém thanh khoản với khối lượng lớn sẽ làm cho mức độ trượt giá cao hơn.
- Rủi ro smartcontract: Rủi ro smartcontract có thể dễ ảnh hưởng đến người dùng nhất có lẽ là việc chọn một nền tảng DEX không uy tín từ đó cho nhận việc các nền tảng này sử dụng không giới hạn token trong ví của chính mình.
Rủi ro với người cung cấp thanh khoản
Các Liquidity Provider cũng gặp một số rủi ro không kém phần như sau:
- Rủi ro về Impermanent Lost: Đây là rủi ro thường gặp nhất đối với các nhà cung cấp thanh khoản khi mà thị trường biến động mạnh làm cho token trong các liquidity pool tự động chuyển đổi cho nhau để giá trị luôn được cân bằng ở mức 50-50.
- Rủi ro bị tấn công: Các liqudity pool với một nguồn thanh khoản khổng lồ luôn là mục tiêu được nhắm đến bởi các hacker, vì vậy rủi ro bị tấn công của các Liquidity Provider luôn luôn chực chờ.
- Rủi ro bị rug pool: Rủi ro này đến từ các dự án khi những người đứng đầu cố tình đánh cắp tài sản của được cung cấp của người dùng.
Vì vậy để bảo vệ tài sản của mình thì tốt nhất là mọi người nên chọn những nền tảng AMM DEX lớn để giao dịch cũng như cung cấp thanh khoản và kiếm lợi nhuận.
Các Loại Mô Hình Phát Triển
Có vô vàn các dự án DEX trong thị trường DeFi, mỗi dự án lại có có một mô hình phát triển khác nhau giống như các công ty có tầm nhìn, chiến lược, sản phẩm khác nhau tất cả cuối cùng hướng đến việc có một lượng người dùng lớn & trung thành.
Những mô hình DEX nổi bật nhất hiện nay bao gồm:
- DEX cơ bản: Cho phép người dùng giao dịch mọi loại token với nhau, thường được fork từ Uniswap v2.
- DEX Aggregator: Tổng hợp thanh khoản từ các AMM khác nhau từ đó tìm ra nơi có giá tốt nhất cho người dùng giao dịch.
- DEX Cross-chain: Cho phép người dùng giao dịch tài sản xuyên chuỗi một cách đơn giản.
- DEX cho các tài sản ngang giá: Mô hình của các DEX này cho phép người dùng giao dịch các tài sản ngang giá một cách ít trượt giá nhất.
Có thể nói mỗi mô hình DEX được sinh ra sẽ được tối ưu cho một tệp người dùng tuỳ theo các mục đích sử dụng của họ.
Các DEX cơ bản với một giao dịch khá thân thiện và dễ dàng sử dụng bởi bất kỳ ai cho dù họ có là người dùng chỉ mới tham gia vào thị trường DeFi. Số lượng các cặp token được hỗ trợ trên các DEX cũng là rất nhiều khi ai ai cũng có thể dễ dành tạo một liquidity pool riêng cho chính mình.
Do có quá nhiều AMM trong thị trường mỗi AMM có 1 pool thanh khoản lớn riêng nên các DEX Aggregator ra đời để tổng hợp tất cả thanh khoản về 1 nơi tuy nhiên phí giao dịch vì đó cũng sẽ cao hơn. DEX Aggreagator phát huy tác dụng khi người dùng có khối lượng giao dịch lớn và muốn tìm một nơi để giao dịch hiệu quả nhất.
Các stablecoin thường xuyên được người dùng, tổ chức giao dịch với một số lượng lớn tuy vậy mô hình x*y=k chưa được tối ưu cho các tài sản ngang giá nên đó là sự ra đời của các AMM stablecoin ví dụ điển hình như Curve Finance về cơ chế hoạt động có thay đổi một chút để phù hợp hơn với loại tài sản nó hướng đến.
DEX cross-chain thì giúp tất cả mọi người có thể giao dịch các loại token từ một chain này sang chain khác một các đơn giản mà không mất quá nhiều thời gian cho các quy trình chuyển và nhận.
So Sánh Giữa Uniswap Và Sushiswap
Uniswap đại diện cho việc phát triển sản phảm theo chiều sâu khi đã liên tục tự nâng cấp những sản phẩm của mình mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng:
- Uniswap V1: người dùng chỉ được giao dịch từ ETH sang các tài sản ERC 20 và ngược lại.
- Uniswap V2: người dùng được giao dịch từ ERC 20 sang các tài sản ERC 20 và ngược lại. Đây là phiên bản được các dự án ngay trên Ethereum và các AMM trên các hệ sinh thái khác for nhiều nhất. Và chỉ cần hiểu được Uniswap V2 giúp bạn dễ dàng đọc vị các AMM khác.Và đây cũng là phiên bản giúp Uniswap thật sự bùng nổ.
- Uniswap V3: Uniswap ra mắt giúp LP có thể cung cấp thanh khoản cho 1 cặp token tại mức giá cụ thể chứ không phải từ âm vô cùng tới dương vô cùng. Nên việc giao dịch giảm trượt phí cản thiện trải nghiệm lớn cho người dùng, việc LP cần có thêm kiến thức giúp họ có nhiều yield hơn từ việc khai thác thanh khoản.
- Uniswap V4: Uniswap v4 cho phép tất cả các liquidity pool được quản lý bởi chỉ một smartcontract từ đó giảm chi phí giao dịch cũng như mức độ trượt giá xuống mức thấp nhất.
- Uniswap X: Uniswap X là một tính năng mới được ra mắt cho phép người dùng giao dịch Aggregator, trả phí gas bằng bất kỳ loại token nào và giao dịch cross-chain một các đơn giản.
Thời gian gần đây Uniswap mới bắt đầu phát triển theo chiều ngang khi thành lập Ventures để đầu tư vào các dự án tiềm năng hiện tại đã đầu tư hơn 11 dự án. Bên cạnh đó Uniswap cũng hợp tác với SudoAMM để phát triển AMM dành riêng cho NFT hứa hẹn mở ra kỉ nguyên mới cho NFT Finance.
Ngược lại với Uniswap trong thời gian đầu thì Sushiswap cũng fork theo mô hình Uniswap v2 nhưng có thêm nhiều gia vị, món phụ cho người dùng khi tham gia sử dụng Sushiswap. Một số sản phẩm nổi bật của Sushiswap là:
- Sushi Staking cho phép người dùng stake Sushi để nhận về xSushi và hưởng được một số lợi ích như APY cố định 5%, dùng xSushi để tham gia quản trị dự án, chia sẻ doanh thu từ tất cả các sản phẩm của Sushiwap,...
- Sushiswap là một AMM được fork từ Uniswap v2 với định hướng phát triển trên nhiều các blockchain khác nhau hiện tại có như Arbitrum, Polygon, Harmony, Avalanche, Celo, Fantom, NB Chain, Optimism, Moonbeam, Kava, Metis,... Nhưng tính đến hiện tại TVL của Sushi đã thua Uniswap rất nhiều tính riêng về sản phẩm AMM.
- Bento Box (Asset Vault) là nơi người dùng có thể deposit nhiều loại tài sản và vault sẽ có những chiến lược để tạo ra lợi nhuận cho người dùng.
- Miso nền tảng IDO cho các dự án mới triển khai token. Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm khác nữa. Sushiswap không coi mình là 1 AMM mà coi mình như một hệ sinh thái để có thể phát triển nhiều tính năng hơn nữa.
Con Đường Phía Trước Của Các AMM Đặc Biệt Là Uniswap
Con đường phía trước của AMM không hề đơn giản việc downtrend khiến người dùng rời bỏ thị trường các AMM cần phải có những chiến lược cụ thể để giữ và thu hút các LP. Với các dự án nhỏ thì người dùng giảm dần dẫn đến TVL và Volume giảm dần cuối cùng là doanh thu giảm dần.
Việc các dự án không sống sót qua mùa đông là điều dễ hiểu nhưng chỉ còn một vài các dự án đã có được lượng người dùng trung thành tuy thoanh thu giảm nhưng nhờ doanh thu trong uptrend, tiền của các VCs tiếp tục đầu tư thì họ tiếp tục xây dựng đế chế của mình để vươn lên tầm cao mới nơi kẻ mạnh sẽ có tất cả.
Còn với Uniswap thời gian gần đây họ đang quan tâm chặt chẽ đến NFT và thị trường NFT. Và họ cũng đã mua lại 1 sàn giao dịch NFT và có kết hợp với SudoAMM để xây dựng AMM dành cho NFT. Nếu AMM này thành công giúp thanh khoản của thị trường NFT trở nên dồi dào thì bức tranh tài chính của NFT trong DeFi ngày càng rộng mở tuy vậy tokenomic vẫn là 1 điểm yếu của Uniswap so với Sushiswap.
Tổng Kết
Trên đây là những thông tin chi tiết mà mọi người cần nắm để hiểu về DEX là gì cũng như tiềm năng tương lai của mảng này. Hak Research hy vọng thông qua bài viết này đã cung cấp những nội dung phục vụ tốt cho quá trình research của tất cả mọi người.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- OpenLayer Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenLayer - November 20, 2024
- Hermetica Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Hermetica - November 20, 2024
- Gevulot Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gevulot - November 19, 2024