Trong thời gian gần đây, khái niệm DeSci đang được cộng đồng bàn tán vô cùng sôi nổi nhất là khi CZ - một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường cũng hay đề cập đến xu hướng này. Vậy Decentralized Science là gì và tại sao nhận được nhiều sự chú ý đến vậy thì hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Decentralized Science Là Gì?
Decentralized Science (DeSci) là một phong trào sử dụng công nghệ blockchain để cách mạng hoá ngành khoa học truyền thống. Thay vì dựa vào các tổ chức trung gian và các hệ thống tài trợ truyền thống, DeSci tận dụng các phương pháp phi tập trung để tạo ra và phân phối kiến thức khoa học. Đối với DeSci, mục tiêu là đưa khoa học ra khỏi khuôn khổ chặt chẽ, mở rộng khả năng truy cập kiến thức, minh bạch hoá quy trình nghiên cứu và khuyến khích sự hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học.
DeSci được xem là một phong trào nhằm tạo ra một hệ sinh thái công bằng nơi các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ công khai nghiên cứu của mình và nhận được sự công nhận cho công việc của họ. Đồng thời, DeSci cho phép bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng hiểu và đóng góp vào nghiên cứu, từ đó xây dựng một hạ tầng công cộng với sự hỗ trợ của Web3 để tài trợ, tạo, đánh giá, xác nhận, lưu trữ và truyền bá kiến thức khoa học.
Hiện tại, DeSci tập trung vào việc sử dụng các công nghệ của Web3 để giải quyết các vấn đề như tài trợ cho nghiên cứu giai đoạn đầu (tạo dòng thanh khoản từ DeFi), quản lý tổ chức nghiên cứu theo hình thức phi tập trung (DAO) và đảm bảo tính minh bạch trong quy trình khoa học (công khai dữ liệu và kết quả nghiên cứu). DeSci cũng đang thiết lập một mô hình nghiên cứu khoa học phi tập trung và phân phối hơn với sự vận hành tự động của Smart Contract và quản lý phi tập trung từ các DAO nhằm chống lại sự kiểm soát của các tổ chức trung gian và tạo ra một môi trường nơi khoa học có thể phát triển mạnh mẽ.
Decentralized Science Cải Tiến Ngành Khoa Học Truyền Thống Như Thế Nào?
Sự xuất hiện của Decentralized Science xuất phát từ những vấn đề đang xuất hiện ở ngành khoa học truyền thống. Nghiên cứu của ngành khoa học truyền thống đã có vô số đóng góp cho sự tiến bộ của con người nhưng không phải là không có hạn chế. Sau đây là một số thách thức mà các nhà nghiên cứu thường phải đối mặt:
- Hạn chế khả năng truy cập vào tài nguyên kiến thức: Hầu hết các bài báo khoa học được đưa ra đều ở chế độ riêng tư và phải mất phí đăng kí để có thể đọc, gây khó khăn cho việc truy cập kiến thức. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của những nhà nghiên cứu tại các nước đang phát triển.
- Thiếu sự hợp tác: Các dự án nghiên cứu thường hoạt động trong sự cô lập, làm giảm tốc độ phát hiện và đổi mới.
- Tài trợ tập trung: Tài trợ nghiên cứu thường được cấp phát bởi các tổ chức trung gian dẫn đến sự thiếu công bằng trong quyết định tài trợ và nhiều khi nhắm vào những chủ đề nổi bật thay vì những nghiên cứu có giá trị.
- Thiếu minh bạch: Quy trình bình duyệt, dữ liệu nghiên cứu và phân phát tài trợ thường không minh bạch, gây mất lòng tin trong cộng đồng khoa học.
DeSci sử dụng công nghệ blockchain để giải quyết những hạn chế trong khoa học truyền thống:
- Truy cập phi tập trung đến kiến thức: Blockchain giúp tạo ra các kho dữ liệu phi tập trung nơi mà các bài báo khoa học và dữ liệu có thể được chia sẻ công khai, loại bỏ các rào cản truy cập. Điều này giúp dân chủ hoá kiến thức, bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể truy cập và đóng góp cho nghiên cứu mới nhất.
- Khuyến khích hợp tác toàn cầu: Blockchain tạo điều kiện cho việc hình thành các mạng lưới phi tập trung nơi mà các nhà khoa học trên toàn thế giới có thể chia sẻ tài nguyên, ý tưởng và kết quả mà không gặp phải giới hạn của các tổ chức. Smart contract và các phần thưởng token khuyến khích các nhà khoa học hợp tác bất kể vị trí địa lý từ đó đẩy nhanh quá trình đổi mới và sáng tạo.
- Tài trợ phi tập trung: Thay vì phụ thuộc vào các cơ chế tài trợ truyền thống vốn thường chậm chạp và chịu sự chi phối từ các lợi ích tổ chức, DeSci sử dụng DAO và smart contract để phân phối tài trợ một cách minh bạch và công bằng. Các nhà nghiên cứu có thể huy động vốn thông qua các hình thức crowdfunding được token hoá và những người đóng góp sẽ được thưởng dựa trên chất lượng và tác động của công trình nghiên cứu. Điều này không chỉ tăng tốc quá trình tài trợ mà còn đảm bảo rằng những dự án có tiềm năng nhất sẽ được quan tâm.
- Minh bạch hoá quy trình nghiên cứu: Một trong những đặc điểm chính của blockchain là khả năng duy trì hồ sơ giao dịch không thể thay đổi. Đối với khoa học, điều này có nghĩa là dữ liệu nghiên cứu, quy trình bình duyệt và các hồ sơ tài trợ đều được lưu trữ an toàn trên blockchain. Mọi cập nhật hay thay đổi đều có thể được theo dõi, làm cho toàn bộ quy trình nghiên cứu trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn. Điều này giúp xây dựng lòng tin vào các kết quả khoa học và đảm bảo rằng nghiên cứu được tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn về trách nhiệm.
Bước Vào Thế Giới Web3: DeSci Được Triển Khai Như Thế Nào
Việc chuyển đổi sang mô hình Web3 mang đến nhiều điểm khác biệt và độc đáo cho ngành khoa học nghiên cứu. Sau đây, hãy cùng mình tìm hiểu nhé.
Token hóa tài sản kĩ thuật số
Phương pháp đầu tiên và cũng được xem là đơn giản nhất là chuyển đổi kết quả nghiên cứu khoa học thành NFT, qua đó các nhà nghiên cứu khoa học có thể trực tiếp thu được lợi ích kinh tế. Ví dụ: NFT đầu tiên được tạo ra từ một bản thảo nghiên cứu khoa học đã được bán với giá lên đến 13 ETH (khoảng 24.000 USD) trên Opensea. Điều này giúp nhà nghiên cứu khoa học có thể trang trải 1 phần chi phí từ hoạt động nghiên cứu của mình.
Còn một phương pháp nữa nhưng phức tạp hơn là gây quỹ cho các nhà nghiên cứu khoa học thông qua DAO bằng việc phát hành token dựa trên sự bỏ phiếu của cộng đồng. Ví dụ: VitaDAO bằng cách phát hành token VITA đã cung cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu trong việc nghiên cứu và phát triển giải pháp dành cho các bệnh hiếm gặp trên thế giới.
Kết hợp với DeFi
DeSci còn sử dụng DeFi để tạo ra các cơ chế khuyến khích nghiên cứu, chẳng hạn như việc áp dụng thời gian xác nhận và bằng chứng công việc để thiết lập các cơ chế thưởng cho người tham gia đánh giá nghiên cứu. Dự án như Ants-Review đã chuyển quy trình phê duyệt nghiên cứu lên blockchain, cho phép các tác giả nặc danh đăng tải bản thảo nghiên cứu, kèm theo nhiệm vụ và phần thưởng cho người bình duyệt. Ngoài ra, DeSci còn có cơ chế đánh giá dựa trên hệ thống danh tiếng nơi mà người duyệt được chấm điểm theo đóng góp của mình thay vì nhận phần thưởng bằng token. Tất cả quy trình đánh giá và kết quả đều được lưu trữ trên IPFS, giúp tăng cường tính minh bạch và công khai.
Những Dự Án Decentralized Science Đáng Chú Ý
Decentralized Science đã chứng minh tiềm năng của mình không chỉ qua lý thuyết mà còn thông qua hàng loạt dự án tiêu biểu đang được triển khai thực tế. Những dự án này không chỉ thể hiện cách mà DeSci tái định hình ngành khoa học mà còn minh chứng cho khả năng ứng dụng rộng rãi của các công nghệ Web3 trong việc giải quyết các vấn đề lâu đời trong nghiên cứu khoa học. Sau đây là một số dự án DeSci đáng chú ý trong thời gian gần đây
BIO Protocol: Giao thức tài chính phi tập trung cho DeSci
BIO Protocol là một giao thức tài chính phi tập trung được thiết kế riêng cho lĩnh vực Decentralized Science (DeSci). Giao thức này nhằm thúc đẩy vốn và nhân lực đổ vào các nghiên cứu khoa học thông qua các cơ chế on-chain, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Mục tiêu chính của BIO Protocol:
- Xây dựng và hỗ trợ mạng lưới BioDAO: Giao thức cung cấp dòng vốn và thanh khoản on-chain để hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học.
- Chuẩn hóa mô hình kinh tế và dữ liệu: BIO Protocol chuẩn hóa các khung mô hình kinh tế và dữ liệu cho BioDAO, giúp tối ưu hóa việc thương mại hóa tài sản trí tuệ (IP) và dữ liệu nghiên cứu.
- Đảm bảo dòng vốn bền vững: Giao thức hướng đến việc duy trì nguồn vốn lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của các dự án nghiên cứu khoa học.
Các chức năng cốt lõi của BIO Protocol:
- Tuyển chọn (Curation): Sử dụng token BIO để sàng lọc và đánh giá các dự án mới. Quy trình tuyển chọn diễn ra thông qua cơ chế biểu quyết cộng đồng, đảm bảo các dự án chất lượng nhất được chọn để nhận hỗ trợ.
- Tài trợ (Funding): BIO Protocol cung cấp vốn ban đầu cho các dự án được chọn. Những người tham gia tài trợ từ cộng đồng sẽ nhận được điều kiện ưu đãi so với các tổ chức tài chính truyền thống.
- Thanh khoản (Liquidity): Giao thức xây dựng các pool thanh khoản (VITA/BIO, BIO/ETH,...) giúp giảm chi phí giao dịch và tích lũy thanh khoản cho hệ thống. Điều này giúp duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả cho BioDAO.
- Phần thưởng (Rewards): Token BIO được sử dụng để khuyến khích các BioDAO hoàn thành các cột mốc quan trọng, chẳng hạn như đưa tài sản trí tuệ (IP) vào giai đoạn lâm sàng hoặc tạo ra doanh thu từ sản phẩm nghiên cứu.
- Quản trị hệ sinh thái (Meta-Governance): BIO Protocol trao quyền quản lý hệ sinh thái cho cộng đồng. Người dùng có thể tham gia biểu quyết và điều hành các BioDAO, cũng như quản lý các tài sản IP trong toàn hệ sinh thái.
Pump.Science: Nền tảng DeSci trên Solana
Pump.Science là một nền tảng nghiên cứu phi tập trung tiên phong, được xây dựng trên Blockchain Solana. Với mục tiêu thúc đẩy các dự án liên quan đến nghiên cứu tuổi thọ và sức khỏe, nền tảng này đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng DeSci và các nhà đầu tư.
Điểm nổi bật của Pump.Science:
- Kết hợp IP-token hóa và dữ liệu minh bạch thời gian thực: Nền tảng cho phép cộng đồng giám sát toàn bộ quá trình nghiên cứu thông qua mô hình tương tự Twitch, nơi dữ liệu thí nghiệm được truyền trực tiếp và công khai. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch mà còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Mô hình thử nghiệm mở rộng: Pump.Science thực hiện nghiên cứu các hợp chất tiềm năng như Urolithin A ($URO) và Rifampicin ($RIF). Các thử nghiệm được tiến hành trên nhiều mô hình sinh học khác nhau, từ động vật như sâu C. elegans đến con người. Các giai đoạn thử nghiệm được mở khóa dần dần, với mức định giá cụ thể, chẳng hạn 69.000 USD cho thí nghiệm trên sâu và 10 triệu USD cho thí nghiệm trên con người.
- Quy trình tham gia linh hoạt: Cộng đồng có thể đề xuất các hợp chất tham gia thử nghiệm và theo dõi trực tiếp tiến trình, tạo ra một không gian tương tác độc đáo giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư.
Pump.Science không chỉ là một nền tảng nghiên cứu mà còn tạo ra một hệ sinh thái phi tập trung, nơi khoa học và công nghệ được hội tụ và phát triển.
- Minh bạch hóa nghiên cứu khoa học: Nhờ vào việc truyền dữ liệu theo thời gian thực và sử dụng Blockchain, Pump.Science đảm bảo mọi quy trình đều công khai, giúp tăng cường lòng tin từ cộng đồng.
- Thúc đẩy đổi mới: Các nghiên cứu tập trung vào hợp chất tiềm năng như Urolithin A và Rifampicin mang lại cơ hội phát triển các liệu pháp chống lão hóa mới.
- Kết nối cộng đồng và khoa học: Nền tảng cho phép các nhà đầu tư, nhà khoa học và cộng đồng cùng tham gia vào hành trình khám phá, tạo ra môi trường hợp tác độc đáo và bền vững.
Tổng kết
Decentralized Science là một bước tiến lớn, mang đến hy vọng tái định hình ngành khoa học theo hướng minh bạch, công bằng và dễ tiếp cận hơn. Dù vẫn còn những thách thức phía trước, DeSci chắc chắn là một xu hướng đáng theo dõi, không chỉ đối với những người trong ngành khoa học mà còn với các nhà đầu tư và cộng đồng công nghệ nói chung. Với sự phát triển không ngừng của Web3, DeSci có tiềm năng trở thành nền tảng cho những đột phá khoa học trong tương lai gần.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Globkins Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Globkins - December 18, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - December 17, 2024
- Phân Tích Open Loot: Điều Gì Tạo Nên Sự Đáng Chú Ý - December 16, 2024