NFT là gì? NFT là tài sản kĩ thuật số sử dụng công nghệ chuỗi khối để chứng nhận tính duy nhất và quyền sở hữu của nó. Thị trường NFT đã trải qua một thời điểm huy hoàng đầu năm 2022 và 2023 khi giá của những bộ sưu tập NFT đã có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Vậy NFT là gì mà nhận được nhiều sự chú ý đến vậy cùng đội ngũ Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
NFT Là Gì?
Định nghĩa về NFT
NFT viết tắt của Non-Fungible Tokens (mã thông báo không thể thay thế) là các tệp kĩ thuật số được ghi lại trên chuỗi khối và được sử dụng để chứng nhận quyền sở hữu và tính xác thực. NFT có thể đại diện cho hầu hết mọi thứ từ tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số, tư cách thành viên, vật phẩm trong trò chơi,...
Mỗi NFT sẽ không được sao chép, thay thế hoặc chia nhỏ. Nếu người dùng sở hữu một tác phẩm nghệ thuật NFT, công nghệ chuỗi khối sẽ xác minh rằng nó thuộc về họ. Điều này có nghĩa là người dùng có thể mua bán nó giống như việc mua bán các token.
Các tính năng chính của NFT:
- Tính duy nhất: Không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin hay Ethereum, mỗi NFT là duy nhất và không thể sao chép hoặc đổi lấy mã thông báo giống hệt khác.
- Quyền sở hữu: NFT được lưu trữ trên một chuỗi khối, điều này cho phép người dùng xác mình quyền sở hữu đối với NFT.
- Tính không thể phân chia: Mỗi NFT không thế phân chia thành các đơn vị nhỏ hơn. Chúng đại diện cho toàn bộ nội dung duy nhất cho dù đó là một tác phẩm kĩ thuật số, một bản nhạc, một dòng Tweet hay bất kì nội dung nào khác.
- Hợp đồng thông minh: NFT có thể được lập trình với hợp đồng thông minh cho phép tạo các thỏa thuận thực hiện tự động các điều khoản của hợp đồng. Ví dụ: Hợp đồng thông minh có thể đảm bảo rằng người tạo NFT nhận được một phần doanh thu (royalty) mỗi khi người dùng bán NFT.
- Khả năng tương tác: NFT có thể mua, bán và giao dịch trên các thị trường và các nền tảng Blockchain khác nhau. Điều này cho phép tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cho NFT và tính thanh khoản cao hơn cho chủ sở hữu của chúng.
Lịch sử ra đời của NFT
Khái niệm về NFT được bắt nguồn từ những ngày đầu của ngành công nghiệp Blockchain và tiền điện tử với tiêu chuẩn NFT đầu tiên được gọi là ERC-721 được giới thiệu vào năm 2017 trên chuỗi khối Ethereum. Tuy nhiên phải đến năm 2018, dự án đầu tiên được gọi là CryptoKitties mới thu hút được sự chú ý rộng rãi và khơi dậy sự quan tâm đến tiềm năng của NFT.
CryptoKitties là một trò chơi được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum cho phép người dùng thu thập và nhân giống những chú mèo độc đáo. Mỗi con mèo được đại diện bởi một NFT thể hiện quyền sở hữu của người dùng và lịch sử lai tạo của nó được ghi lại trên chuỗi khối Ethereum. Sự phổ biến của CryptoKitties đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về NFT khi các nhà sưu tập nhận thấy tiềm năng của các tài sản kĩ thuật số độc nhất và có thể kiểm chứng được.
Kể từ đó NFT ngày càng trở nên phổ biến như một cách mới để các nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người sáng tạo bán các tác phẩm kỹ thuật số của họ dưới dạng tài sản có một không hai và các nhà sưu tập sở hữu các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hoặc kỷ vật độc đáo.
Trong những năm gần đây, NFT đã gây sự chú ý lớn khi một số tác phẩm nghệ thuật đã được bán với mức giá rất cao như: một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của Beeple đã được bán với giá hơn 69 triệu đô la trong cuộc đấu giá vào tháng 3 năm 2021. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về khả năng tồn tại lâu dài và giá trị thật sự của một NFT nhưng những gì chúng ta đang thấy là sự phát triển ngày càng lớn của thị trường NFT.
Các tiêu chuẩn thiết kế NFT
NFT được thiết kế bằng các tiêu chuẩn kĩ thuật khác nhau để đảm bảo khả năng tương tác giữa các Blockchain và thị trường khác nhau. Các tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng cho thiết kế NFT là:
- ERC-721: Đây là tiêu chuẩn ban đầu được giới thiệu trên chuỗi khối Ethereum vào năm 2017. Tiêu chuẩn ERC-721 cũng là tiêu chuẩn phổ biến nhất để phát triển một NFT, chúng có khả năng lưu trữ lịch sử giao dịch và thông tin chi tiết của một NFT. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho các chi tiết về quyền sở hữu cũng như các khoản thanh toán tiền bản quyền liên quan đến mỗi lần bán lại NFT.
- ERC-1155: Đây là một tiêu chuẩn mới trên chuỗi khối Ethereum. ERC-1155 có sự kết hợp giữa ERC-20 và ERC-721 cho phép tạo một NFT có thể thay thế và không thể thay thế. Điều này rất có ý nghĩa đối với các NFT trong các game Blockchain khi chúng ta có thể thay đổi thuộc tính của NFT tùy thuộc vào cấp độ và kinh nghiệm của nhân vật trong game.
- ERC-998: Đây là một tiêu chuẩn phát triển NFT cho phép người dùng hợp nhất một số NFT thành một NFT
- ERC-4610: Đây là một phần mở rộng của ERC-721 nhằm mục đích cung cấp giao thức cho thuê và cho mượn NFT được tiêu chuẩn hóa. ERC-4610 mở ra một bước đột phá dành cho các tài sản NFT trong các trò chơi.
Đây là một số tiêu chuẩn phổ biến dành cho NFT trên Ethereum. Ngoài ra trên các Blockchain nền tảng khác như BNB Chain với BEP-721, BEP-1155,.. cũng có tiêu chuẩn khá tương tự như trên Ethereum.
NFT Được Tạo Ra Như Thế Nào?
Mỗi NFT được tạo trên các nền tảng có thể khác nhau nhưng đây là tổng quan cách một NFT được tạo ra:
- Sáng tạo: NFT được thiết kế bởi các nghệ sĩ, người sáng tạo hoặc các người dùng yêu thích NFT. Họ có thể chọn một số lĩnh vực để phát triển NFT chẳng hạn như: Tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, video, hàng hóa ảo hoặc thậm chí là tài sản trong thế giới thực và liên kết mặt hàng đó với NFT.
- Tích hợp chuỗi khối: Người dùng có thể chọn một số chuỗi khối phổ biến để triển khai NFT của mình như: Ethereum, BNB Chain, Solana, Flow,...Chuỗi khối được chọn cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản để lưu trữ thông tin quyền sở hữu, xác minh tính xác thực cũng như tính duy nhất của NFT,...
- Minting: Để mint 1 NFT người tạo thường phải trả 1 khoản phí và cung cấp tài sản kĩ thuật số mà họ muốn liên kết với NFT. Quá trình này liên quan đến việc tạo một hợp đồng thông minh trên chuỗi khối, tạo ra một mã thông báo duy nhất đại diện cho mặt hàng kỹ thuật số.
- Thị trường: NFT thường được mua, bán hoặc giao dịch trên các thị trường kỹ thuật số chuyên về giao dịch NFT. Các thị trường này cung cấp một nền tảng để người sáng tạo giới thiệu và bán NFT của họ, đồng thời người mua có thể duyệt và mua chúng bằng tiền điện tử. Một số thị trường NFT phổ biến bao gồm OpenSea, Rarible, LookRare,...
- Tiền bản quyền: Một tính năng đáng chú ý của NFT là khả năng người sáng tạo nhận được tiền bản quyền bất cứ khi nào NFT của họ được bán trên thị trường thứ cấp. Hợp đồng thông minh có thể được lập trình để tự động phân phối phần trăm giá bán cho người tạo ban đầu mỗi khi NFT đổi chủ, mang lại doanh thu liên tục cho người tạo.
NFT Được Sử Dụng Để Làm Gì?
NFT đã bắt đầu xác định lại khái niệm quyền sở hữu và giá trị trong thế giới kĩ thuật số tạo cơ hội mới cho người sáng tạo và người dùng. Dưới đây là một số ứng dụng NFT phổ biến:
- PFPs và Avatar: Đây là dạng khá phổ biến, chủ sở hữu NFT có thể sử dụng chúng trên các nền tảng mạng xã hội dưới dạng tài sản kĩ thuật số. Các bộ sưu tập PFPs nổi tiếng có thể kể đến là: BAYC, Azuki, …
- Art: Đây là những tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số được mang lên Blockchain. Đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được bán với giá hàng triệu đô dưới dạng NFT như: The First 5000 Days của Beeple đã được bán với giá $69M,....
- Sports: NFT được sử dụng rất nhiều trong thế giới thể thao với các bộ sưu tập kĩ thuật số đại diện cho những khoảnh khắc lịch sử thể thao hoặc các vận động viên cụ thể. Nền tảng NBA Top Shot đã trở nên đặc biệt phổ biến để mua và bán liên quan đến các NFT liên quan đến bóng rổ.
- Gaming: NFT được sử dụng trong trò chơi để đại diện cho các vật phẩm độc đáo trong trò chơi chẳng hạn như: Vũ khí, nhân vật,... Có rất nhiều trò chơi được xây dựng hoàn toàn trên công nghệ chuỗi khối cho phép chủ sở hữu chuyển giao tài sản trong trò chơi thông qua NFT.
- Domain Names: Cung cấp cho người dùng một tên định danh dễ nhớ hơn. Điều này hoạt động tương tự như cách chuyển đổi từ địa chỉ IP thành tên miền trang wed giúp dễ gợi nhớ hơn dành cho người dùng.
- Ticket: NFT có thể hữu ích cho việc quản lí vé. Ví dụ: người tổ chức sự kiện có thể phát hành NFT dưới dạng vé cung cấp bằng chứng bất biến về quyền sở hữu và sự tham dự. Ngoài ra, vé NFT có thể được chuyển nhượng và bán lại mà không cần sự tham gia của bên thứ ba. Vé NFT cũng có thể đi kèm với các lợi ích độc quyền, chẳng hạn như quyền truy cập vào các khu vực VIP, hàng hóa độc quyền hoặc nội dung kỹ thuật số đặc biệt.
- Bất động sản ảo: NFT và bất động sản được tạo ra cho nhau. Bằng cách sử dụng NFT được đánh dấu thời gian, NFT có thể được sử dụng để chuyển nhượng chứng thư đất đai, cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu và thậm chí theo dõi những thay đổi về giá trị tài sản theo thời gian.
Ngoài ra còn rất nhiều ứng dụng khác dành cho NFT nhưng qua những ứng dụng mình đã kể trên mọi người có thể thấy tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường NFT.
Một Số Bộ Sưu Tập NFT Nổi Bật
Trên thị trường ở thời điểm hiện tại có rất nhiều bộ sưu tập NFT với đa dạng các lĩnh vực từ Gaming đến Art. Sau đây là một bộ sưu tập NFT nổi bật đã khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trên thị trường:
Bored Ape Yacht Club (BAYC) NFT
Bored Ape Yacht Club (BAYC) là một bộ sưu tập gồm 10.000 NFT với hình ảnh trên mỗi NFT là những con vượn được tạo ngẫu nhiên từ hơn 170 đặc điểm khác nhau, tạo điểm độc đáo và nét đặc trưng riêng dành cho mỗi NFT.
BAYC NFT được lấy cảm hứng từ CryptoPunks, CryptoKitties nơi mỗi NFT đều tạo ra sự khác biệt và nét đặc trưng riêng. Bộ sưu tập được ra mắt vào tháng 04/2021 trên Ethereum với giá mint chỉ là 0.08 ETH nhưng BAYC NFT đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc lên tới hơn 150 ETH và trở thành một trong những bộ sưu tập NFT thành công nhất trên thị trường NFT.
CryptoPunks NFT
CryptoPunks là một bộ sưu tập gồm 10.000 NFT được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum. Mỗi NFT là hình ảnh nghệ thuật 24×24 pixel, kiểu 8 bit mô tả cả nhân vật nam và nữ, cũng như những hình ảnh Zombie, vượn và người ngoài hành tinh.
CryptoPunks được ra mắt vào tháng 06/2017, ban đầu bất kì ai cũng có thể mint miễn phí NFT của CryptoPunks mà chỉ phải trả phí gas. Mỗi CryptoPunks NFT được gọi là 1 Punks với một điểm khá nổi bật là Punks có background màu xanh thì không phải để bán còn Punks với background màu đỏ có sẵn để bán bởi chủ sở hữu. Cuối cùng, Punks có nền màu tím có giá thầu đang hoạt động. CryptoPunks giờ đây đã được xem là biểu tượng trong thị trường NFT với tính lịch sử và vị thế mà bộ sưu tập đã xây dựng được theo năm tháng.
Chromie Squiggle by Snowfro NFT
Chromie Squiggle là một bộ sưu tập gồm 10.000 NFT theo thể loại Generative art và được triển khai trên Blockchain Ethereum. Bộ sưu tập được ra mắt vào ngày 27/11/2020 bởi Snowfro là giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập Art Blocks với giá mint 0.035 ETH.
Các hình ảnh trong mỗi NFT mang hơi hướng nghệ thuật đơn giản, dễ nhận biết mà một số người coi đó là Personal Signature. Những tác phẩm nghệ thuật này được tạo tự động khi người dùng tương tác với Squiggle code và sau đó sẽ hiển thị những hình ảnh độc đáo trên trình duyệt của mỗi người. Mỗi NFT cũng có thể thay đổi về màu sắc và hướng, mang đến những trải nghiệm hình ảnh sống động cho người dùng.
Pudgy Penguins NFT
Pudgy Penguins là một bộ sưu tập gồm 8.888 NFT với hình ảnh là những chú chim cánh cụt được vẽ bằng tay và được triển khai trên nền tảng Ethereum. Pudgy Penguins ra mắt vào 22/07/2021 vào thời điểm mà các dự án PFP NFT (Profile Picture NFT) lấy cảm hứng từ động vật như: Bored Ape Yacht Club (BAYC),... vừa mới trở nên phổ biến. Do đó, Pudgy Penguins đã thành công ngay lập tức khi toàn bộ NFT trong bộ sưu tập được bán hết chỉ trong vòng 19 phút.
Pudgy Penguins được lấy cảm hứng từ những chú chim cánh cụt ở vùng bắc cực. Mỗi Pudgy Penguins được gọi là “Pengu” được lấy từ bộ phim ngắn về một gia đình chim cánh cụt sống ở Bắc Cực. Giờ đây, Pudgy Penguins đang dần khẳng định được vị thế của mình khi có hướng đi khác biệt so với đa phần các bộ sưu tập còn lại là tiếp cận vào thị trường web2 thông qua bán đồ chơi Pudgy Toys. Điều này đã cho thấy sự thành công và đang dần khẳng định được thưởng hiệu của Pudgy Penguins không chỉ trong thị trường NFT mà còn là ở thị trường truyền thống.
Một Số NFT Marketplace Phổ Biến
Có khá nhiều thị trường dành cho NFT từ thị trường chuyên dụng đến thị trường phổ thông. Dưới đây là một số NFT Marketplace phổ biến để giao dịch NFT:
- Opensea: Có lẽ Opensea không còn xa lạ với những người sử dụng NFT. OpenSea là một trong những thị trường NFT lớn nhất và phổ biến nhất hỗ trợ nhiều loại tài sản kỹ thuật số, bao gồm nghệ thuật, đồ sưu tầm, bất động sản ảo, ...
- Rarible: Rarible là một thị trường phi tập trung được xây dựng trên chuỗi khối Ethereum. Rarible cho phép người dùng tạo, mua và bán NFT tập trung vào nghệ thuật kỹ thuật số và đồ sưu tầm.
- SuperRare: SuperRare là một thị trường dựa trên Ethereum dành riêng cho nghệ thuật kỹ thuật số. SuperRare nhấn mạnh việc tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, phiên bản giới hạn.
- NBA Top Shot: NBA Top Shot là một nền tảng NFT được cấp phép chính thức cung cấp những khoảnh khắc sưu tầm kỹ thuật số từ các trận đấu NBA. NBA Top Shot đã trở nên phổ biến đáng kể trong số những người hâm mộ bóng rổ và các nhà sưu tập.
Triển Vọng Tương Lai Của NFT
NFT đã và đang phát triển cực kì mạnh mẽ và phổ biến không chỉ gói gọn trong cộng đồng Crypto mà con vươn mình tiếp cận với người dùng trong thế giới thực. Một số người có thể trả hàng trăm nghìn thậm chí hàng triệu đô la để mua một NFT chẳng hạn như: Justin Sun - doanh nhân tiền điện tử Trung Quốc và người sáng lập chuỗi khối TRON đã mua một NFT Ocean Front của Beeple với giá 3529 ETH tương đương $6M vào tháng 03/2021 hay CryptoPunk #8857 được bán với giá 6,63 triệu đô la vào ngày 11 tháng 9 năm 2021,...
Chúng ta cũng thấy thị trường NFT liên tục được update không chỉ dừng lại ở các dự án mà còn về mặt công nghệ như sự xuất hiện của Compressed NFT (cNFT) trên Solana cho phép người dùng có thể mint NFT với số lượng lớn mà chỉ phải chịu 1 lượng chi phí rất nhỏ hay Dynamic NFT cho phép các NFT có thể thay đổi các thuộc tính ban đầu theo thời gian. Điều này sẽ là rất phù hợp đặc biệt với các dự án GameFi đòi hỏi các nhân vật sẽ được thăng cấp và tăng trưởng theo thời gian.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của Redeemable NFT giúp người dùng có thể hoán đổi NFT để lấy một tài sản vật lí trong thế giới thực. Điều này sẽ mở đường cho các thương hiệu truyền thống áp dụng NFT vào trong mô hình kinh doanh mới gây thích thú và khiến nhiều người dùng hơn trong thế giới thực biết về NFT.
Tổng Kết
NFT đã cho thấy sức hút mạnh mẽ ở thời điểm hiện cũng như tiềm năng lớn lao của nó trong tương lai. Trên đây là tất cả những tất cả những gì mình muốn giới thiệu với mọi người về NFT, hi vọng mọi người có những kiến thức bổ ích khi đọc bài viết này.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Vana: Mạng Lưới Dữ Liệu Phi Tập Trung - November 17, 2024
- The Boo Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Boo Bears - November 16, 2024
- Phân Tích Polymarket: Nền Tảng Dự Đoán Phi Tập Trung Hàng Đầu Trên Thị Trường - November 16, 2024