Bitcoin là gì và nguồn gốc của Bitcoin
Để trả lời câu hỏi Bitcoin là gì? Ta chỉ cần hiểu đơn giản thì Bitcoin là một hệ thống thanh toán qua internet, hoạt động tương tự một cuốn sổ cái, nhưng nó có nhiều điểm đặc biệt so với hệ thống thanh toán của các ngân hàng truyền thống:
- Bình thường, khi muốn chuyền tiền cho ai đó thông qua internet thì chúng ta cần sử dụng tài khoản ngân hàng và dịch vụ chuyển khoản mà ngân hàng đó cung cấp. Trên lí thuyết thì cả tài khoản ngân hàng và quá trình giao dịch đều có thể được kiểm soát, tức là ngân hàng cho user quyền đăng nhập vào tài khoản, quyền giao dịch thì cũng có thể cấm user đăng nhập vào tài khoản của mình hoặc ngăn chặn các giao dịch liên quan tới tài khoản đó. Bitcoin khắc phục điều này, nó cho phép hai bên tiến hành giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần phải tin tưởng (Trustless) hoặc không cần thông qua sự cho phép (Permissionless) của một bên thứ ba.Vì khả năng này, Bitcoin được gọi là một hệ thống thanh toán ngang hàng (Peer-to-peer).
- Giao thức Bitcoin là phần mềm mã nguồn mở, có nghĩa là ai cũng có thể kiểm tra, sao chép nó hoặc đưa ra các đề xuất cải tiến, thay đổi Bitcoin. Sổ cái bitcoin không thuộc sự kiểm soát của một cá nhân hay một tổ chức nào, nó được lưu trữ và cập nhật liên tục, đồng thời bởi nhiều người tham gia vào mạng lưới.Nếu ai đó thay đổi thông tin trong sổ cái, nó sẽ không giống như những gì mà đa phần mọi người tham gia mạng lưới thấy, và thông tin bị thay đổi sẽ không được công nhận. Có một ví dụ dễ hiểu về một ván cờ tỷ phú giữa 4 người chơi, mỗi người sẽ ghi lại số tiền mình và những người chơi khác chuyển đi và so sánh sự ghi chép với nhau sau mỗi lượt đi. Bằng cách này, miễn là phần lớn (>2) số người chơi trung thực, thì bất kể sự thay đổi số liệu nào từ một số ít (<2) người chơi gian lận cũng sẽ không được chấp nhận.
- Những khả năng này đảm bảo tính chất minh bạch và phi tập trung của Bitcoin.
Hệ quả khác của cách thiết kế hệ thống này là nó không bị giới hạn về thời gian hoạt động, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, có thể thanh toán xuyên quốc gia mà không cần thông qua một loạt những thủ tục mất thời gian và chi phí vì mạng lưới được vận hành bởi sức mạnh máy tính có thể đến từ bất cứ nơi nào có internet trên thế giới.
Chúng ta thường nghe tới Bitcoin là tiền ảo, là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử,... là vì đơn vị thanh toán của hệ thống này cũng được gọi là Bitcoin, với mã là BTC.
Để phân biệt 2 cái tên này thì bài viết này sẽ quy định Bitcoin là nói về giao thức, blockchain hay hệ thống thanh toán, và BTC là đơn vị tiền tệ của hệ thống thanh toán này.
BTC có nhiều tính chất, trong đó đặc biệt cần chú tới những tính chất sau:
- BTC không có dạng vật lí, cũng không có hình hài gì cả, nó tồn tại bởi các quy tắc được lập trình. Khả năng có thể thay thế được (Fungible), tức là mọi BTC thì đều có tính chất như nhau, đều có giá trị như nhau nên 1 BTC này có thể thay thế 1 BTC khác trong mọi trường hợp.
- Các thông tin về tổng cung tối đa, quy định phân bổ nguồn cung được công khai. Mô hình kinh tế của hệ thống Bitcoin đảm bảo được giá trị cho BTC. Cụ thể, chỉ có 21 Triệu BTC được lưu hành trên hệ thống.
- BTC có khả năng phân chia tới 8 chữ số thập phân, đơn vị nhỏ nhất của BTC là 0,000001BTC, vì vậy nên chúng ta thường thấy các khoản giao dịch BTC không hay ở dạng số nguyên. 0,000001BTC cũng được quy định bằng 1 Satoshi, danh xưng của cha đẻ Bitcoin. Thật ra chúng ta cũng không hay sử dụng đơn vị Satoshi này, nó chỉ là một cách để ghi nhận và tôn vinh sáng kiến của Satoshi.
Lịch sử hình thành của Bitcoin
Satoshi Nakamoto là danh xưng của người hoặc tổ chức đã giới thiệu Bitcoin Whitepaper ( bản thảo chi tiết về Bitcoin) vào 31/10/2008. Satoshi Nakamoto hoàn toàn ẩn danh, mặc dù có nhiều giả thuyết về danh tính của cha đẻ Bitcoin nhưng không có bằng chứng nào đủ thuyết phục để xác định thông tin cá nhân của người/tổ chức này.
Sự ra mắt của Bitcoin rơi vào thời điểm mà niềm tin vào các công ty tài chính, niềm tin vào hệ thống tiền tệ truyền thống và thậm chí là niềm tin vào ngân hàng trung ương của người dân Mỹ đang lung lay sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008. Ngắn gọn thì cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những quyết định cho phép đòn bẩy tài chính quá cao và thậm chí là cả lừa đảo, lạm quyền đến từ nhiều tổ chức có quyền lực trong nền kinh tế - tài chính Mỹ, nó gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế toàn cầu và khiến một bộ phận người dân mất niềm tin vào các định chế tài chính truyền thống.
Bitcoin ra đời sau sự kiện đó và được giới thiệu như một giải pháp có thể giải quyết vấn đề về niềm tin. Sau khi Whitepaper công bố vào 31/10/2008, vào ngày 03/01/2009 mạng lưới thanh toán ngang hàng đầu tiên trên thế giới - Bitcoin đã đi vào hoạt động. Ban đầu nó chỉ được ủng hộ bởi một số lượng nhỏ người hiểu biết về công nghệ và tài chính.
Người sáng lập Bitcoin, Satoshi Nakamoto là ai?
Theo Wikipedia thì Satosho Nakamoto có thể là một người đến từ Nhật Bản. Nhiều đồn đoán cho rằng đây có thể không phải là một người mà có thể là một tổ chức ẩn danh mới có thể sáng lập và điều hành một mạng lưới tiên tiến như vậy.
Vậy thì ai có thể là Satoshi Nakamoto? Câu hỏi này vẫn đang là một chủ đề luôn được nhiều người nhắc tới trong suốt quá trình phát triển của Bitcoin. Cùng mình điểm qua một số gương mặt có thể là Satoshi Nakamoto.
- Nick Szabo: Ông là người đầu tiên sáng lập ra Smart Contract đặt nền móng cho cả thị trường Defi. Năm 1998, ông đã thiết kế một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung có thên là "bit gold" tuy nhiên nó chưa bao giờ được triển khai, . Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã đồn đoán ông là người sáng lập ra Bitcoin, Satoshi Nakamoto.
- Hal Finney (1956-2014): Là một nhà phát triển phần mềm người Mỹ. Ông được xem là người đầu tiên sử dụng Bitcoin (sau Satoshi) và phát triển, báo lỗi nó. Ông đã nhận được giao dịch Bitcoin đầu tiên từ Satoshi Nakamoto vào ngày 12 tháng 1 năm 2009 làm cho việc rất nhiều người suy đoán Hal Finney chính là Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên Hal Finney đã phủ nhận tất cả đồn đoán đó.
- Craig Wright: Một nhà khoa học máy tính tại Úc, đã tự nhận mình là người tạo ra Bitcoin và đâm đơn kiện 16 người lên tòa án tối cao London (Anh) để đòi lại 2 ví chứa khoảng 111.000 BTC. Craig Wright hiện tại vẫn đang gặp khó khăn trong việc chứng minh mình là Satoshi Nakamoto và đòi lại số Bitcoin trên.
- Elon Musk: Thật bất ngờ khi người giàu nhất hành tinh lại xuất hiện trong danh sách này. Tuy nhiên CEO của 2 công ty lớn Tesla và SpaceX này từng nằm trong diện nghi vấn khi một cựu thực tập sinh ở SpaceX đã đặt ra giả thuyết này vào năm 2017 rằng "Elon Musk chính là Satoshi Nakamoto". Elon Musk đã lên tiếng phủ nhận việc mình là Satoshi Nakamoto ngay sau đó.
Theo dữ liệu trên blockchain về số khối khai thác được, một số người đã ước tính lượng BTC mà Satoshi Nakamoto nắm giữ có thể lên tới 1,1 triệu Bitcoin. Đây là một số tiền khổng lồ khi mà giá trị của nó ở thời kì đỉnh cao đạt hơn 70 tỉ đô.
Nếu thực sự nắm giữ trong tay số tiền này, Satoshi có thể thao túng cả thị trường Crypto một cách đơn giản khi mà giá của hầu hết các Altcoin hiện nay đều đi theo giá của BTC. Tuy nhiên nhiều người nghĩ rằng Satoshi Nakamoto đã chết hoặc mất quyền kiểm soát số lượng Bitcoin này khi mà chúng đã không được di chuyển trong nhiều năm, bất chấp giá Bitcoin liên tục tăng qua các chu kỳ.
Cơ chế hoạt động của Bitcoin là gì?
Thế vậy thì Bitcoin hoạt động như thế nào để có thể đảm bảo được những tính chất nói trên? Phần này sẽ giải thích cơ chế hoạt động của hệ thống này trên những lý thuyết về công nghệ (Blockchain) và cách mà các bên tham gia hệ thống ràng buộc lợi ích với nhau (Lý thuyết trò chơi).
Mô tả quyền sở hữu tài sản bằng sổ cái phân tán - Bitcoin ledger
Bước đầu của quy trình là phải mô tả quyền sở hữu (Vấn đề 1), tức là mô tả ai sở hữu cái gì. Trong hệ thống này, lượng sở hữu BTC của một người được mô tả bởi việc truy xuất lịch sử xem các địa chỉ khác gửi đến người đó bao nhiêu BTC và người đó đã gửi bao nhiêu BTC đi các địa chỉ khác.
Cuốn sổ cái Bitcoin được lưu trữ và cập nhật thông tin giao dịch đồng thời từ nhiều người trong một mạng lưới. Để hình dung cách nó vận hành, chúng ta sẽ đến với ví dụ rất hay mà Coingecko đưa ra về một ván cờ tỷ phú có 4 người chơi là A, B, C, D.
Cuộc chơi bắt đầu và mỗi người sở hữu trong tay 10 BTC. Trong vòng đầu tiên, các sự kiện sau đây diễn ra:
- A đi vào khu đất của B, phải trả cho B 1 BTC
- B đi vào khu đất của C, phải trả cho C 5 BTC
- C đi vào khu đất của A, phải trả cho A 2 BTC
- D không đi vào khu đất của ai hết
Mỗi người chơi đều phải ghi chép lại những giao dịch xảy ra sau các sự kiện trên, đại khái cuốn sổ của mỗi người sẽ trông như thế này:
Sau khi tất cả bản ghi chép được đối chiếu với nhau và tất cả đều khớp thì một vòng chơi được ghi nhận kết thúc. Mọi người đều nhất trí với kết quả sau cùng. Một trang ghi chép số liệu như vậy được coi là một Block.
Bảo vệ quyền sở hữu tài sản bằng chữ ký số - Digital Signature
Vấn đề tiếp theo là trong không gian mạng, thì khi người A chuyển 1BTC cho người B thì vẫn có khả năng bị một Hacker A’ nào đó nắm bắt được thông tin giao dịch và chuyển 1BTC này đến cho B (Vấn đề 2). Vì vậy cần có một cách nào đó để chắc chắn rằng tiền mình nhận được không phải là của một hacker, một kẻ giả mạo nào đó.
Hướng giải quyết: Khi một người muốn gửi BTC cho người khác, anh ta phải ký tên mình vào một văn bản giao dịch gồm 2 điều: (1)Chứng minh là mình có BTC và (2)địa chỉ gửi BTC đến chủ sở hữu tiếp theo.
Vấn đề là chữ ký của người gửi vẫn có thể bị giả mạo (Vấn đề 3). Trong mô hình tài chính truyền thống, chúng ta thường đưa cho ngân hàng chữ ký của mình và ủy quyền sử dụng cho ngân hàng, và phải tin tưởng rằng ngân hàng sẽ làm tốt điều đó. Tuy nhiên chúng ta đang đi xây dựng một hệ thống tài chính không cần tin tưởng vào một bên thứ 3 nào khác.
Digital signature - Chữ ký số là một ứng dụng của kỹ thuật mã hóa bất đối xứng được đem vào áp dụng cho quy trình bảo mật và xác minh danh tính trong blockchain.
Hệ mật bao gồm:
Private key (PrK): khóa riêng tư - Là một chuỗi ký tự theo định dạng chữ và số hoàn toàn ngẫu nhiên - không có quy luật. Được sở hữu bởi một người, không công khai ra bên ngoài.
Public key (PuK): khóa công khai - Là một chuỗi ký tự theo định dạng chữ và số - cấu trúc có thể quy định được. Được tạo ra bằng cách đưa Private Key vào thuật toán chữ ký số đường cong Eliptic (ECDSA - Elliptical curve digital signature algorithm) và cho ra kết quả là Public Key. Public Key được coi như địa chỉ định danh của người dùng trên mạng lưới blockchain, hoàn toàn công khai kể cả đối với hacker.
Đặc điểm của cặp khóa:
- Với mỗi Public key thì chỉ có một Private key duy nhất và ngược lại.
- Không thể hoặc rất khó đến mức có thể coi là không thể chỉ dùng PuK để truy ngược ra PrK.
- Khi mã hóa một thông tin bằng PuK thì có thể giải mã thông tin đó bằng PrK cùng cặp khóa. Ngược lại khi mã hóa một thông tin bằng PrK thì cũng có thể giải mã thông tin đó bằng PuK cùng cặp khóa.
Với những đặc điểm trên, ta sẽ xem xét quy trình hoạt động của cặp khóa này trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của chữ ký số:
Ở đây chúng ta xem xét một quá trình truyền thông tin từ người A tới người B
Quy trình mã hóa (Signing):
- Thông tin được đưa vào một hàm băm mật mã - Hash function (Hash function và Hashcode sẽ được nói kỹ tới ở phần sau), cho ra một dãy kí tự gọi là Hashcode 1.
- Người A sử dụng Private Key của mình để mã hóa Hashcode 1 và thu được một chữ ký S(A).
- Chữ ký này lại được đính kèm với thông tin lúc đầu.
- Người A bắt đầu gửi bản thông tin ban đầu nhưng có đính kèm chữ ký.
Quy trình giải mã (Verifycation):
- Người B sau khi nhận được bản thông tin thì làm như bước 1 ở quy trình mã hóa, thu được Hashcode 1.
- Người B sử dụng PuK của người A để giải mã chữ ký đính kèm thông tin, thu được một Hashcode 2.
- Trên lý thuyết nếu người A mã hóa Hashcode 1 bằng PrK của mình thu được chữ ký S(A), thì người B giải cái chữ ký S(A) đó bằng PuK của người A phải ra Hashcode 1. (Xem lại đặc điểm của cặp khóa được nói tới phía trên)
- Nếu giải mã chữ ký S(A) bằng PuK của người A mà không ra Hashcode 1 thì chứng tỏ chữ ký đã không được mã hóa bởi PrK của người A, tức là chữ ký đã bị giả mạo.
Bằng cách vận dụng chữ ký số vào mô hình phía trên, Satoshi Nakamoto đã thiết kế được một mô hình chuỗi giao dịch lấy: (1)văn bản giao dịch liền trước chứng minh mình có sở hữu BTC và (2)Public Key làm địa chỉ gửi-nhận BTC:
Chống "trùng chi", chống thay đổi lịch sử thông tin giao dịch bằng “cấu trúc dữ liệu Blockchain”
Mô hình trên gặp phải một vấn đề: Một người sử dụng bản giao dịch liền trước làm chứng minh mình sở hữu BTC, nhưng có thể sử dụng bản chứng minh này nhiều lần cho các giao dịch khác nhau. Hiện tượng này gọi là double spending - trùng chi. (Vấn đề 4)
Vậy phải có cách để khi mà một giao dịch được xảy ra thì chứng minh sở hữu phải hết hiệu lực. Satoshi Nakamoto giải quyết bằng cách đưa thêm một trục thời gian vào hệ thống giao dịch. Khi này các giao dịch xảy ra theo thời gian thực chứ không chỉ theo thứ tự tương đối nữa.
Ví dụ nếu A có ý định dùng bản chứng minh sở hữu 1 BTC để gửi 1 BTC đến B sau đó vẫn dùng bản đó để gửi 1 BTC cho C, thì giao dịch với B sẽ được ghi nhận ở thời điểm t cũng là thời điểm mà bản chứng minh hết hiệu lực và giao dịch với C ở thời điểm t + delta(t) sẽ không được ghi nhận.
Mô hình này giao dịch vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị sửa đổi thông tin trong quá khứ (Vấn đề 5). Để đảm bảo rằng thông tin ở block hiện tại là đúng, thì nó phải lấy cơ sở từ thông tin ở block ngay trước nó. Và block trước đó lại cần lấy cơ sở từ block trước đó nữa, nên tất cả các block trong quá khứ luôn cần được bảo toàn thông tin như lúc đầu. Và việc sử dụng hàm băm (Hash function) và ứng dụng Hashcode sẽ giải quyết vấn đề này.
Có nhiều loại hàm băm và chúng cũng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, Hệ thống Bitcoin sử dụng hàm băm mật mã SHA-256 với những tính chất sau:
Là hàm toán-tin có thể ánh xạ một dữ liệu với độ dài bất kỳ thành một thông tin với độ dài cố định. Bất kể một sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất trong Input thì cũng sẽ cho ra một cái Output có cấu trúc mới hoàn toàn, không liên quan gì đến Output cũ.
Không thể hoặc rất khó đến mức có thể coi là không thể truy ngược Input khi chỉ có Out put là mã Hash.
Vậy nhiệm vụ của hàm Hash và mã Hash nằm ở đâu trong Blockchain? Mổ xẻ chi tiết về cấu trúc của một Block, ta sẽ có:
a) Block Body là nơi chứa thông tin về các giao dịch.
b) BLock Header là phần tóm tắt của một block, bao gồm các thành phần:
- Hashcode được tạo bằng cách hashing Block trước (Previous Hash)
- Các thông tin, số liệu khác, sẽ được đề cập ở phần sau
Khi một thông tin trong Block 1 bị thay đổi, Hashcode khi hashing block 1 sẽ bị thay đổi , và nó không khớp với Hash Previous (2) trong block header của block 2 sau đó, nên phải đổi Hash Previous (2) thành một cái Hash Previous (2') khác, tuy nhiên nó lại khiến hashcode khi hashing block(2) thay đổi và vòng lặp lại tiếp tục với block 3. Điều này khiến cho việc thay đổi thông tin trong một block trước sẽ phải đổi hết cả hash của tất cả block sau này (Hình minh họa phía dưới).
Tóm lại toàn bộ phần vừa rồi là mô tả về cấu trúc dữ liệu Blockchain, tức là một chuỗi các khối dữ liệu được sắp xếp theo trình tự thời gian, có thể chống lại sự thay đổi dữ liệu trong quá khứ.
Vấn đề cần giải quyết tiếp theo là làm sao để một người nếu cố gắng thay đổi hash của toàn chuỗi tính từ một block nào đó trong quá khứ thì tốc độ đó không thể bắt kịp được tốc độ tạo block mới của cả mạng, khiến cho việc cố gắng thay đổi dữ liệu của blockchain là bất khả thi. (Vấn đề 6)
Cơ Chế Đồng Thuận Bitcoin Là Gì?
Satoshi đưa ra giải pháp consensus - cơ chế đồng thuận, nói tới cách thức đưa các block mới vào chuỗi, giải quyết vấn đề ràng buộc lợi ích giữa các bên tham gia hệ thống. Việc tạo các block mới cho chuỗi cần phải có một độ khó sao cho một người thì không thể nào lại sức với phần còn lại của mạng.
Ta quay về mổ xẻ về Block Header đã được nhắc tới ở phần trên và xem xét mô hình dưới đây:
- Block Header ngoài Merkle root thì còn có
- Ver. : phiên bản giao thức Bitcoin
- Prev.hash là hash của block trước
- Merkle Tree hashing: cứ 2 giao dịch trong 1 block lại được hashing thành 1 hashcode, rồi 2 hashcode được hash tiếp thành một cái hashcode khác cho đến khi toàn bộ thông tin giao dịch trong một block được hashing thành một hashcode cuối cùng được gọi là Merkle root hay root hash
- Time: thời điểm khối được khởi tạo
- Target: Độ khó mục tiêu của block, thể hiện độ khó trong việc tạo block mới cho chuỗi
- Nonce: là một giá trị phụ thuộc vào Target mà toàn mạng phải tìm ra.
Những người tham gia vào mạng lưới Blockchain được gọi là các node (hay nút - theo tiếng Việt). Họ phải thay đổi giá trị Nonce trong block header của một block để khi hashing block đó sẽ ra một hashcode thỏa mãn điều kiện là: hashcode được bắt đầu bởi một số số 0 (Bao nhiêu số 0 thì do Target quyết định).
Chúng ta biết rằng Hashing một dữ liệu thì nó sẽ cho ra một cái hashcode ngẫu nhiên và xác suất để ra được một cái hashcode thỏa mãn điều kiện trên thấp đến mức người ta tính toán rằng toàn mạng (tất cả các node) phải thay đổi giá trị Nonce trung bình khoảng 10^20 lần thì mới tìm ra một Nonce hợp lệ.
Node nào tìm ra được Nonce phù hợp sớm nhất thì mới có QUYỀN TẠO BLOCK MỚI. Cái này được gọi là cơ chế đồng thuận “Proof-of-Work”, tức là các node phải có sự chứng minh mình đã bỏ công sức và nguồn lực để duy trì mạng lưới, từ đó nhận quyền tạo block và nhận về một lượng incentive.
Rõ ràng là việc lần tìm Nonce này rất là mất thời gian và nguồn lực, cả mạng lưới node tìm hàng tỷ tỷ lần mới ra. Một ông nào đấy muốn thay đổi dữ liệu trong quá khứ thì cũng phải tạo proof of work cho tất cả các block sau đó, đuổi theo tốc độ tạo proof of work của toàn mạng, việc này rõ ràng tốn một nguồn lực nhiều đến bất khả thi. Người đó sẽ phải lựa chọn giữa 2 quyết định:
- Cố gắng thay đổi dữ liệu trong quá khứ của blockchain, và có thể tốn rất nhiều nguồn lực mà chẳng thay đổi được. Hoặc bằng một cách thần kì nào đó anh ta có thể thay đổi được block trong quá khứ, thì blockchain Bitcoin được coi là có một lỗ hổng và rõ ràng là sẽ chẳng ai tin vào nó nữa, đến cùng thì BTC sẽ chả có giá trị gì.
- Chỉ đơn giản là trung thực hoạt động để tìm ra Nonce và nhận reward từ hệ thống.
Chắc chắn là chọn phương án 2 rồi!
Cơ Chế Incentive Của Bitcoin Là Gì?
“Đào coin” là việc các node/validator phải sử dụng sức mạnh của CPU để tìm ra Nonce cộng với việc phải xác thực, sắp xếp các giao dịch hợp lệ, và điều này thì tốn một nguồn lực không nhỏ bao gồm tiền đầu tư vào những máy dàn máy tính chuyên dụng và tiền điện cho việc duy trì dàn máy. Phần thưởng cho mỗi lần tìm ra Nonce và tạo được một block mới là một lượng BTC, các node còn được nhận một lượng phí giao dịch bằng BTC khi có người tham gia giao dịch trên mạng lưới của Bitcoin.
Vấn đề nữa xuất hiện là nếu như phí giao dịch của hệ thống mà cao quá, thì chả ai dám giao dịch trên Bitcoin network nữa, tuy nhiên nếu nó ít quá thì sự khuyến khích cho các Node không được cao có thể khiến mạng không được duy trì. Nên cần có chính sách tiền tệ cho BTC để giá trị của BTC được đảm bảo.
Có 2 điểm nổi bật nhất trong thiết kế chính sách tiền tệ cho BTC là tổng cung của BTC có giới hạn ở 21M BTC và Block Reward bị giảm đi một nửa sau mỗi một khoảng thời gian kéo dài khoảng 210000 block, mỗi block có thời gian giải trung bình 10 phút thì ta có thể dễ dàng tính ra rằng khoảng thời gian này sẽ kéo dài 4 năm.
Ban đầu Block Reward của Bitcoin là 50 BTC, sau nhiều lần Halving thì hiện tại đang là 6,25 BTC cho một block. Sự kiện halving tiếp theo sẽ diễn ra vào 2024, khi ấy Block Reward dành cho các node giải được khối sẽ chỉ còn 3,125 BTC.
Bitcoin Mining Pool Là Gì?
Bitcoin mining pool còn được hiểu là một tập hợp các thợ đào, các thợ đào sẽ đóng góp sức mạnh phần cứng chung với nhau để khai thác Bitcoin nhờ đó tăng tỉ lệ nhận được phần thưởng khối. Lợi nhuận của mining pool sẽ được chia cho các thợ đào dựa vào tỷ lệ đóng góng trong pool.
Việc tham gia vào các mining pool sẽ mang lại cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các thợ đào riêng lẻ với quy mô nhỏ trong bối cảnh dộ khó đào Bitcoin ngày một tăng bất chấp các lệnh cấm tới từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc.
Các mining pool tốt và uy tín hiện nay nổi bật như Binance Pool, Braiins Pool,..
Ví Lưu Trữ Bitcoin Là Gì?
Chúng ta đã có một hệ thống giao dịch, giờ thì cần biết về cách kết nối với hệ thống ấy, thì Ví crypto là cái đầu tiên anh em cần phải có khi muốn tương tác với hệ thống giao dịch này.
Ví Bitcoin là nơi bạn có thể lưu trữ số BTC mà bạn có được. Ví Bitcoin có 2 thông tin cực kỳ quan trọng anh em phải lưu ý:
- Địa chỉ ví - Public Key: Người khác có thể chuyển coin cho anh em thông qua địa chỉ ví anh em cung cấp.
- Private key: Muốn thực hiện các thao tác chuyển BTC thì phải thông qua bước đăng nhập private key để hoàn tất giao dịch.
Các loại ví Bitcoin thường thấy:
- Ví nóng: Đây là các loại ví phổ thông nhất mà người dùng thường sử dụng, chỉ đơn giản có public key và private key nên đây là loại ví kém an toàn nhất.
- Ví lạnh: Ví lạnh, hay ví phần cứng là loại ví offline, nếu muốn chuyển tiền ra khỏi ví của mọi người thì cần phải có xác minh giao dịch trên ví lạnh. Điều đó khiến ví lạnh được nhiều người tin dùng để lưu trữ tài sản lâu dài một cách an toàn.
- Ví đa chữ ký: Ví này thường được dùng cho các công ty, tổ chức khi quyền sở hữu tài sản không thuộc về một ai. Muốn chuyền tiền ra khỏi ví thì cần phải có nhiều chữ ký của nhiều hay tất cả các thành viên sở hữu ví, vì vậy ví đa chữ ký cực kỳ an toàn.
Các Đơn Vị Đo Lường Của Bitcoin Là Gì?
Đơn vị đo lường của Bitcoin nhỏ nhất là Satoshi, nó được đặt theo tên người sáng lập ra Bitcoin là Satoshi Nakamoto. Giá trị của 1 BTC sẽ bằng 100.000.000 (một trăm triệu) Satoshi).
Vì giá trị của BTC là rất lớn nên việc chia nhỏ như vậy sẽ giúp cho việc thanh toán các giao dịch nhỏ lẻ bằng Bitcoin một cách dễ dàng hơn.
Thị Trường Crypto Hình Thành Như Thế Nào?
Đi tìm hiểu về Crypto thì chúng ta không chỉ tìm hiểu về Bitcoin. Sẽ có câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta đã có một hệ thống có vẻ toàn diện về bảo mật và tính phân quyền như Bitcoin network rồi mà vẫn có nhiều blockchain khác được xây dựng nên?
Thì chúng ta có thể xem xét ví dụ sau:
Một thành phố như TP.HCM được thành lập và xây dựng từ rất lâu rồi, nó là trung tâm kinh tế lớn nhất, nó đông dân cư và là một thành phố sôi động, có nhiều cơ hội làm ăn kinh doanh, tất cả đều phát triển. Nhưng nó gặp phải vấn đề về ách tắc giao thông, về ngập đường khi mưa vì hệ thống cống thoát nước kém, gặp vấn đề về ô nhiễm môi trường do tốc độ thải rác của một số lượng lớn dân cư, v.v…
Và là những vấn đề đến từ phía cơ sở hạ tầng từ ngày xưa vì nhiều khu không được quy hoạch dẫn đến việc nếu muốn sửa đổi cơ sở hạ tầng sẽ mất rất nhiều kinh phí và thời gian. Sẽ vẫn có những giải pháp để giải quyết các vấn đề về đô thị trong thành phố HCM, tuy nhiên có một phương án khác là xây dựng lên các thành phố mới, với sự quy hoạch từ đầu, rút kinh nghiệm từ các thiếu sót của thành phố cũ thì rõ ràng là nó sẽ dễ hơn nhiều và thế là ta thấy Thủ Dầu Một, ta thấy Biên Hòa được mọc lên với nhiều cái mới và tốt hơn...
Tương tự câu chuyện trên thì Bitcoin cũng có nhiều những vấn đề còn tồn đọng. Tiêu biểu nhất là cơ chế đồng thuận của nó tốn quá là nhiều năng lượng, blocktime thì quá dài, tốc độ giao dịch thì chậm, không gian lưu trữ trong mỗi khối cũng ít. Và thế là Lightning network ra đời - một dự án cải thiện các thiếu sót trong thiết kế của Bitcoin - và được coi như một lớp thứ 2 của Bitcoin blockchain. Từ ấy sinh ra khái niệm về Layer 1, Layer 2 trong một blockchain network.
Sau đó là các blockchain (Layer 1) khác ra đời, với những cải tiến khác về cơ chế đồng thuận và các yếu tố kỹ thuật khác để giúp cải thiện tốc độ giao dịch trên blockchain cũng như cải thiện vấn đề về tiêu tốn tài nguyên điện năng,...
Cái tên sáng giá nhất trong trong thị trường Crypto đến thời điểm hiện tại có lẽ là Ethereum. Nhắc đến Crypto thì sau Bitcoin là người ta sẽ nghĩ đến ngay Ethereum, một mạng lưới đã giải quyết được phần lớn vấn đề của Bitcoin nhưng vẫn giữ nguyên được độ phi tập trung vốn có.
Bitcoin Có Hợp Pháp Không?
Bitcoin hợp pháp không?
Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giời đều chưa hợp pháp hóa BTC cũng như các loại tiền điện tử, vì vậy việc gặp phải rủi ro khi đầu tư vào Crypto sẽ không được chính phủ bảo hộ về quyền lợi.
Một số nước như Trung Quốc, Qatar, Oman,... đã ban hành lệnh cấm đối với Bitcoin vì lo ngại về các rủi ro xoay quoanh nó như các hành động rửa tiền, mua bán vũ khi, lừa đảo ẩn danh thông qua việc sử dụng blockchain này.
Ngoài ra thì do việc mạng lưới Bitcoin sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work, điều bắt buộc các node phải sử dụng sức mạnh phần cứng để kiếm lợi nhuận, dẫn đến việc cần một lượng điện năng rất lớn để vận hành.
Hầu hết nguồn điện trên thế giới hiện nay đều không sạch như mọi người nghĩ khi chúng được sản xuất chủ yếu bằng hoạt động đốt than đá (gây ô nhiễm môi trường) hoặc thuỷ điện (phải chặt cây và rừng để xây dựng thuỷ điện), vô hình chung làm cho tình hình môi trường của trái đất đang tệ lại ngày một tệ hơn.
Do các điều kiện địa lý khác nhau trên toàn thế giới nên nguồn cung cấp điện ở các quốc gia thường không đồng đều, dẫn đến việc một số khu vực thường xuyên bị thiếu hoặc mất điện. Điều này làm cho các hoạt động kinh tế bị định trệ và không một quốc gia hay chính phủ nào muốn điều này xảy ra.
Từ những vấn đề về ô nhiễm môi trường và thiếu hụt năng lượng kể trên nên một số quốc gia, chính phủ đã phải cấm các hoạt động khai thác Bitcoin để bảo vệ môi trường cũng như sử dụng năng lượng cho các mục đích khác.
Quốc gia duy nhất hợp pháp hóa Bitcoin hiện nay đó là El Savador, quốc gia này đã cho lưu hành tiền điện tử như một phương thức thanh toán trong giao dịch vào tháng 9 năm 2021. Chính phủ nước này còn có dự định bán 1 tỷ đô trái phiếu Bitcoin và dùng số tiền này để xây dựng một thành phố dành riêng cho loại tiền tệ này.
Bitcoin Dominance Là Gì?
Bitcoin Dominance hay còn được viết tăt là BTC.D là chỉ số thể hiện tỷ lệ thống trị giữa vốn hóa của BTC đối với cả thị trường Crypto. Chúng ta có thể kiểm tra BTC.D một cách đơn giản bằng cách xem trên các công cụ theo dõi giá như CoinMarket Cap, Coingecko, Trading View,...
Tỉ lệ này có xu hướng giảm theo thời gian khi mà nó đã đi từ mức hơn 99% năm 2014 xuống còn 70% năm 2017 và khoảng 40% ở thời điểm hiện tại. Lý giải cho việc này có lẽ là do việc Crypto đã nở rộng một cách nhanh chóng qua các xu hướng ICO năm 2017, Defi và NFT năm 2020, 2021 đã thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư truyền thống đổ vào các Altcoin.
Bitcoin Halving Là Gì?
Bitcoin Halving là sự kiện diễn ra sau mỗi 210.000 khối được hoàn thành của Bitcoin, với thời gian trung bình mỗi khối là 10 phút thì sẽ mất khoảng 4 năm cho mỗi lần Halving sảy ra. Sau mỗi lần Halving thì phần thưởng khối của 210.000 khối sau đó sẽ giảm đi một nửa, người ta dự đoán rằng nếu theo tiến độ này thì đến năm 2140 BTC cuối cũng sẽ được đào lên.
Trong lịch sử phát triển của Bitcoin thì đã có tổng cộng 3 lần Halving như sau:
- Tháng 1/2009: Phần thưởng khối của Bitcoin ban đầu là 50 BTC.
- Tháng 11/2012: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 25 sau 4 năm đầu tiên.
- Tháng 7/2016: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 12.5 sau 4 năm tiếp theo.
- Tháng 5/2020: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 6.25 sau 4 năm tiếp theo.
- Tháng 4/ 2024: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 3.125 sau 4 năm tiếp theo.
- Năm 2028: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 1.5625 sau 4 năm tiếp theo.
- Năm 2032: Phần thưởng khối của Bitcoin giảm xuống còn 0.78125 sau 4 năm tiếp theo.
Bitcoin Halving mang ý nghĩa khá lớn đối với blockchain này nói riêng và toàn ngành Crypto nói riêng khi độ khó để tạo ra BTC tăng lên. Mức độ lạm phát giảm đi kèm với việc nhu cầu cũng như lượng người dùng đổ vào thị trường ngày một đông hơn làm cho giá của BTC tăng trưởng.
Giá & Chu Kỳ Của Bitcoin Từ Quá Khứ Đến Hiện Tại
Cũng giống như các thị trường tài chính truyền thống, giá của Bitcoin cũng đi theo các chu kỳ nhất định và lặp đi lặp lại. Với Bitcoin thì đó là chu kỳ 4 năm, mỗi chu kỳ thường bắt đầu từ thời điểm Halving sau đó sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 1-1,5 năm sau đó rơi vào thời kỳ mùa đông Crypto trong khoảng 3 năm sau đó.
Nguyên nhân là cho giá Bitcoin tăng sau Halving đó là vì lượng phần thưởng cho BTC trên mỗi khối sẽ giảm đi một nửa, làm cho số lượng BTC được đào và bán giảm đi đáng kể và theo qui luật cung cầu thì cung giảm nhưng cầu không thay đổi thì giá cả sẽ tăng trưởng.
Theo các chu kỳ trên thì rất có thể Bitcoin sẽ bật tăng trở lại vào khoảng nắm 2025-2026, sau một mùa đông dài.
Làm thế nào để sở hữu Bitcoin?
Đào Bitcoin
Để các giao dịch trong mạng lưới của Bitcoin hoạt động trơn tru cần phải được xác nhận bởi những người gọi là các miner - thợ mỏ. Việc khai thác Bitcoin sẽ được thực hiện bởi các máy đào Bitcoin có cấu hình khủng, và người ta cũng đã phát triển được máy đào Bitcoin chuyên dụng gọi là ASIC.
Tuy nhiên đối với các máy tính thông dụng chúng ta thường thấy vẫn có thể đào Bitcoin, nhưng việc cạnh tranh quá cao sẽ khiến cho việc đào Bitcoin sử dụng máy tính thông thường không đạt được lợi nhuận.
Mua Bitcoin trên các sàn giao dịch
Vì là đồng tiền điện tử lớn nhất thị trường về vốn hóa cũng như khối lượng giao dịch, nên tất cả các sàn giao dịch Crypto đều phải niêm yết Bitcoin để tạo ra doanh thu từ phí giao dịch. Mọi người có thể dễ dàng mua và lưu trữ BTC trên sàn hoặc rút về ví cá nhân.
Tham gia airdrop
Airdrop là hành động các dự án trong thị trường Crypto phân phối token tới người dùng, đổi lại họ phải thực hiện một số hành động nhất định như tham gia mạng xã hội, giao dịch,... Thường thì các dự án sẽ airdrop cho người dùng token, tuy nhiên thì họ cũng có những lựa chọn khác đơn giản hơn như việc sử dụng BTC.
Làm sao để kiếm lợi nhuận với Bitcoin?
Trading kiếm lợi nhuận
Hiểu đơn giản trading là hình thức giao dịch liên tục bằng cách mua thấp bán cao và kiếm lợi nhuận từ khoản chênh lệch đó.
Ngoài trading thông thường ra các trader còn có thể sử dụng đòn bẩy trên các sàn giao dịch để gia tăng lợi nhuận.
Nắm giữ BTC lâu dài (HODL)
Đối với những người có ít thời gian cho thị trường Crypto thì HODL là một các đơn giản để kiếm lợi nhuận trong dài hạn, thường ít nhất từ 3-5 năm.
Lịch giá của Bitcoin đã cho chúng ta thấy một điều rằng nếu một người nắm giữ BTC trên 3 năm thì họ chưa bao giờ bị lỗ trong các chu kỳ trước.
Mua bán chênh lệch giá
Việc có nhiều sàn giao dịch khác nhau trong thị trường Crypto khiến cho sự phân bổ thanh khoản cũng như người dùng không đồng đều làm cho giá của BTC trên các sàn giao dịch chênh lệch nhau, có lúc lên tới 20-30%. Từ đó phương thức kiếm lợi nhuận từ mua bán chênh lệch giá đã ra đời bằng việc mua BTC trên sàn A có giá thấp hơn và bán trên sàn B với giá cao hơn. Việc này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận cực kì khổng lồ.
Nổi tiếng nhất có lẽ là Sam Bankman-Fried (SBF), CEO của sàn giao dịch FTX. Năm 2017, khi nhận thấy giá BTC ở Nhật và Mỹ có mức độ chênh lệch giá rất lớn, ông đã mua Bitcoin giá rẻ ở Mỹ và bán với giá cao ở Nhật rồi thu tiền về Mỹ sau đó lập lại qui trình này. Sam đã kiếm được hơn 20 triệu đô từ việc mua bán chênh lệch giá trước khi giá BTC ở 2 khu vực này quay trở lại bằng nhau.
Tuy mang lại lợi nhuận khổng lồ nhưng đây là một phương thức giao dịch chỉ giành cho những chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm trong thị trường Crypto, vì nó đòi hỏi sự nhanh nhẹn và nắm bắt thông tin một cách chính xác nếu không thì rủi ro thua lỗ là rất lớn.
Giao dịch P2P trên các sàn giao dịch
Giao dịch P2P hiểu một cách đơn giản đó bạn sẽ đứng ra là thương nhân mua và bán BTC với người khác bằng tiền fiat. Việc đặt giá mua và bán chênh lệch một khoản nhỏ sẽ giúp các thương nhân tạo ra lợi nhuận. Tùy vào khối lượng lớn hay nhỏ mà biên độ lợi nhuận của bạn sẽ thay đổi theo.
Các sàn giao dịch lớn hiện nay đều hỗ trợ giao dịch P2P để người dùng thuận tiện giữa việc chuyển đổi từ fiat sang Crypto và ngược lại.
Các công cụ kiểm tra giá Bitcoin là gì?
Nếu bạn là một người mới thì mình khuyến khích nên sử dụng các công cụ như CoinmarketCap, Coingecko sẽ có một giao diện thân thiện, gần gũi, các thông số được thể hiện một cách đơn giản dễ nhìn.
Còn nếu bạn là một nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có thể sử dụng Tradingview. Đây là một công cụ theo dõi giá theo thời gian thực trên các sàn giao dịch, nên sẽ rất phù hợp để áp dụng vào trading. Tradingview cũng hỗ trợ nhiều loại chỉ báo, biểu đồ khác nhau để hỗ trợ việc giao dịch một cách hiệu quả nhất.
Lợi ích khi nắm giữ Bitcoin
Sự tiện lợi và tự do
Giả sử bạn ra nước ngoài và muốn mang theo một số tiền lớn, các thủ tục liên quan tới thuế và các chính sách pháp lý đi kèm sẽ rất nhiều và rắc rối. Tuy nhiên với Bitcoin bạn chỉ cần rút hết tài sản vào ví, lưu trữ key và đơn giản mang theo nó đến bất cứ đâu trên thế giới mà không cần bất kỳ thủ tục nào.
Tính bảo mật cao
Người dùng của mỗi ví Bitcoin thì sẽ là người duy nhất có thể kiểm soát các giao dịch của mình. Không một ai có thể truy cập, sử dụng và rút tiền nếu chưa có sử ủy quyền của bạn. Các thông tin cá nhân, số thẻ sẽ không dễ dàng bị lộ hoặc đánh cắp như khi bạn sử dụng thẻ thanh toán.
Tính minh bạch
Vì được xây dựng trên Blockchain nên tính minh bạch của Bitcoin sẽ rất cao, bạn có thể kiểm tra bất kì giao dịch, địa chỉ ví của bất kì ai sử dụng ví Bitcoin một cách dễ dàng. Điều này khiến không một ai có thể gian lận với bạn khi giao dịch và sử dụng Bitcoin.
Rủi Ro Khi Nắm Giữ Bitcoin Là Gì?
Tính pháp lý
Như đã được đề cập ở trên, vì đa phần các quốc gia trên thế giới đều chưa ban hành những bộ luật riêng cho Bitcoin nên việc giao dịch BTC sẽ không được chính phủ bảo hộ. Nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu gặp phải các rủi ro liên quan tới việc sử dụng Bitcoin.
Ngoài ra thì do việc vận hành mạng lưới Bitcoin cũng mất rất nhiều
Rủi ro mất private key
Đây có thể nói là rủi ro thường gặp nhất của nhiều người khi đã không sao lưu cũng như lưu trữ private key của Bitcoin một cách an toàn. Ước tính hàng tỷ đô Bitcoin đã vĩnh viễn mất đi do chủ sở hữu mất hoặc quên private key.
Để giảm thiểu rủi ro của việc này thì người dùng cần chú trọng đến việc lưu trữ và nơi lữu private key, cẩn phải đảm bảo an toàn một cách tối đa cho tài sản của mình.
Rủi ro về giá
Bitcoin nói riêng và thị trường Crypto nói chung còn rất mới và chưa nhiều người biết đến, vì vậy lượng thanh khoản trong thị trường này không thể dồi giào như thị trường truyền thống. Tuy rất tiềm năng vì sự mới mẻ nhưng thanh khoản thấp sẽ dẫn đến việc biên độ giá của BTC giao động rất lớn, rủi ro về mất mát tài sản luôn hiện hữu.
Dự Đoán Giá Bitcoin Trong Chu Kỳ Tiếp Theo
Dự đoán giá BTC theo mô hình Stock to Flow
Mô hình Stock to Flow hay thường được gọi là S2F là một mô hình toán học thể hiện các mối quan hệ tương quan giữa nhu cầu và mức độ khan hiếm. Mô hình này thường được áp dụng cho các loại tài sản như kim cương, vàng, bạc,... khi độ khan hiếm (cung) của những loại tài sản này càng tăng mà nhu cầu (cầu) không giảm hoặc tăng thì giá sẽ tăng.
Khi đối chiếu mô hình Stock to Flow với Bitcoin thì chung ta sẽ thấy rằng sự tương quan này nằm ở các sự kiện Halving. Khi đó thì nguồn cung của BTC ra ngoài thị trường sẽ giảm đi một nửa nhưng nguồn cầu không hề giảm mà còn tăng mạnh khiến cho giá Bitcoin sẽ tăng trưởng mạnh mỗi sau một chu kỳ như vậy.
Một tài khoản Twitter ẩn danh có tên là PlanB đã giới thiệu đến mọi người mô hình Stock to Flow này đã trở nên nổi tiếng khi dự đoán đúng mức giá đóng của BTC trong 3 tháng liên tục. Tuy nhiên sau đó thì PlanB đã dự đoán giá BTC sẽ ở trên mức $100K trước khi năm 2021 và điều này đã không bao giờ xảy ra.
Tuy nhiên nếu xét trên tính chu kỳ của Bitcoin thì mô hình Stock to Flow của Bitcoin rất đáng để tham khảo là điểm để chốt lời. Theo như mô hình này thì giá đỉnh của BTC trong chu kỳ 2022-2026 khả năng cao sẽ đạt được mức giá tối thiểu là $455K.
Kết Thúc
Để hoàn toàn hiểu một cách sâu sắc về công nghệ mới so với thời đại như thế này thì cần phải có thêm trải nghiệm về coding nữa chứ không chỉ đơn giản là những lý thuyết như thế này. Tuy nhiên đội ngũ Hak Research làm series này là hướng chúng ta đến cách tiếp cận với Crypto nói chung và Bitcoin nói riêng chủ yếu dưới góc nhìn kinh tế - tài chính chứ không phải dưới góc độ nghiên cứu khoa học hay góc độ của việc lập trình.
Cho nên những nội dung phía trên thì không phải là tất cả về Bitcoin, vẫn còn rất nhiều vấn đề chuyên sâu về kỹ thuật không được đề cập tới trong nội dung của tập này. Anh em nào muốn tìm hiểu chuyên sâu thì cần đọc thêm nhiều tài liệu khác.
Những nội dung trong bài viết này chỉ có mục đích chia sẻ thông tin và nên được nhìn nhận dưới góc độ tham khảo chứ không phải là lời khuyên đầu tư.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Vì Sao Perpetual Protocol Lại Thất Bại Trong Đường Đua Perpetual DEX? - November 30, 2023
- Cơ Chế Hoạt Động Của GMX V2 - November 28, 2023
- Crypto Spotlight W47: Vắng “CZ” Chợ Vẫn Đông, Layer 2 Blast Và Xu Hướng Ordinals Inscription Khuấy Đảo Thị Trường - November 27, 2023