Ethereum đang là nền tảng Smart Contract cho các dApp hàng đầu thị trường. Trong khi các Blockchain Layer 1 của mùa tăng trưởng trước đã nổi lên với mục đích giải quyết các vấn đề và đánh bại Ethereum thì giờ nó đang ở đâu? Qua một thời gian hoạt động các Blockchain EVM và non-EVM đó thực sự không đủ lực để đánh bại Ethereum.
Như các bạn đang thấy, không có Blockchain Layer 1 nào có cộng đồng người dùng và nhà phát triển lớn như Ethereum ở thời điểm hiện tại. Thậm chí là trên Ethereum đang phát các Layer 2 Rollup tăng khả năng mở rộng cho Ethereum, chưa dừng ở đó các Layer 2 này tiếp tục phát triển Layer 3 tạo môi trường phát triển chuỗi ứng dụng.
Các Layer 2 này đang hoạt động tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với các Blockchain Layer 1 khác trong thị trường. Hai Layer 1 đang hoạt động hiệu quả ngoài Ethereum là Solana nhưng nó vẫn đang hụt hơi so với Layer 2 Arbitrum và Optimism.
Trong hai Layer 2 trên thì Optimism có hệ sinh thái kém phát triển hơn Arbitrum nhưng Optimism đang vẽ một bức tranh Superchain rất sinh động và tạo được sự Fomo cho thị trường. Ngoài ra, Optimism Superchain còn có Base, op BNB là 2 Layer 2 được phát triển bởi 2 thế lực lớn nhất thị trường là Coinbase và Binance.
Vậy Optimism Superchain có phải là tương lai của Blockchain? Hãy cùng mình tìm hiểu ở bài viết này nhé!
Lịch Sử Phát Triển Của Optimism
Lịch sử phát triển của Optimism có thể được chia thành 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Khởi đầu (2019 - 2020)
Optimism được thành lập vào năm 2019 bởi một nhóm các nhà phát triển bởi nhóm có nhiều kinh nghiệm làm việc cho Coinbase và các dự án như The Sanbox, OpenSea,... Trong giai đoạn này, Optimism tập trung vào việc phát triển công nghệ Optimistic Rollup và xây dựng cộng đồng.
Giai đoạn 2: Khởi chạy thử nghiệm (2021)
Optimism đã ra mắt Testnet Optimistic Rollup vào tháng 10 năm 2019. Sau đó, dự án đã tiếp tục ra mắt các testnet tương thích EVM vào tháng 9 năm 2020 và tháng 1 năm 2021.
Giai đoạn 3: Khởi chạy chính thức (2021 - 2022)
Optimism đã ra mắt Mainnet Alpha vào tháng 1 năm 2021 và Mainnet EVM Equivalent vào tháng 8 năm 2021. Trong giai đoạn này, Optimism đã thu hút được sự quan tâm của nhiều dự án DeFi và NFT.
Giai đoạn 4: Phát triển và mở rộng (2023 - nay)
Optimism tiếp tục phát triển và mở rộng trong giai đoạn này. Dự án đã ra mắt Mainnet chính thức vào tháng 12 năm 2021 và Token OP vào tháng 4 năm 2022. Optimism cũng đã phát triển các tính năng mới, chẳng hạn như Optimism Bedrock và OP Stack.
Optimism là một trong những giải pháp Layer 2 phổ biến nhất trên Ethereum. Dự án đã thu hút được hơn 100 dự án DeFi và NFT, với tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) vượt quá 1 tỷ USD. Optimism cũng đã được nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư, bao gồm Andreessen Horowitz, Paradigm,...
Dự án đang tiếp tục phát triển và mở rộng trong tương lai. Optimism có tham vọng trở thành một "Superchain" cho phép các dự án DeFi và NFT xây dựng và phát triển trên một nền tảng Layer 2 hiệu quả và bảo mật.
Tổng Quan Về Optimism
Optimism là gì?
Optimism là một giải pháp mở rộng Layer 2 trên Ethereum sử dụng công nghệ Optimistic Rollup nhằm tăng tốc độ xử lý giao dịch với chi phí thấp để mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn nhưng vẫn thừa hưởng tính bảo mật từ Ethereum.
Các nhà phát triển có thể xây dựng dApp trên Optimism để hưởng tốc độ nhanh, phí giao dịch rẻ nhưng vẫn đáp ứng được bảo mật nhờ bằng chứng giao dịch được gửi đến đồng thuận ở Layer 1 Ethereum.
Optimistic Rollup là một công nghệ Rollup để tổng hợp các giao dịch từ Layer 2 rồi gửi lên Layer 1. Các giao dịch này sau đó được gửi lên Layer 1 để xác thực và ghi lại. Nếu có bất kỳ xung đột nào được phát hiện, Layer 2 Optimism sẽ sử dụng một cơ chế gọi là "fraud proof" để giải quyết xung đột.
Ưu điểm
- Tốc độ xử lý giao dịch nhanh hơn nhiều so với Ethereum Layer 1: Optimism có thể xử lý hàng ngàn giao dịch mỗi giây, trong khi Ethereum Layer 1 hiện chỉ có thể xử lý vài chục giao dịch mỗi giây.
- Chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với Ethereum Layer 1: Chi phí giao dịch trên Optimism thường chỉ bằng một phần nghìn so với Ethereum Layer 1.
- Tương thích với Ethereum Layer 1: Optimism tương thích với môi trường thực thi EVM, có nghĩa là các ứng dụng DeFi và NFT trên EVM có thể dễ dàng được triển khai trên Optimism mà không cần phải thay đổi đáng kể.
Nhược điểm
- Khả năng mở rộng chưa cao: Optimism hiện có thể xử lý hàng ngàn giao dịch mỗi giây, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của các ứng dụng DeFi và NFT quy mô lớn.
- Lượng dữ liệu cần phải được gửi lên Layer 1 để xác thực: Optimism cần phải gửi lên Layer 1 Ethereum một lượng dữ liệu lớn để xác thực các giao dịch, điều này có thể làm giảm hiệu suất.
Công nghệ
Cấu tạo
Optimism Rollup là một trong những loại Rollup trên Ethereum, là một cấu trúc Layer 2 giúp nâng cao khả năng mở rộng và thực hiện các giao dịch nhanh hơn trên Ethereum. Dưới đây là cấu tạo cơ bản của Optimism Rollup:
Lớp L1 (Layer 1): Lớp này đại diện cho Blockchain Ethereum chính (Ethereum Mainnet). Nó giữ trạng thái chung của hệ thống, xử lý giao dịch chính và thực hiện hợp đồng thông minh.
Lớp Sequencer: Sequencer là một thành phần quan trọng trong Optimism Rollup. Nhiệm vụ của Sequencer là lấy các giao dịch từ L2 và gom nhóm chúng thành các khối giao dịch. Sau đó, Sequencer ký và gửi các khối này đến lớp L1.
Lớp L2 (Layer 2): Lớp này được quản lý bởi Optimism Rollup và được triển khai trên L1. Lớp này gồm các thành phần sau:
- Optimistic Virtual Machine (OVM): Đây là một môi trường thực thi hợp đồng thông minh tương tự như EVM (Ethereum Virtual Machine). OVM xử lý các giao dịch và thực hiện tính toán ngoại tuyến.
- State Commitment: Lớp L2 giữ trạng thái (state) của hệ thống và lưu trữ nó dưới dạng merkle root trên L1. Mỗi khối giao dịch sẽ bao gồm các xác nhận giao dịch và các biểu diễn merkle tree của trạng thái thay đổi.
- Fraud Proof: Lớp L2 có một cơ chế kiểm tra gian lận trong trường hợp một transactor gửi một transaction không hợp lệ hoặc có hành vi gian lận. Cơ chế này kiểm tra và tìm ra các hành vi gian lận và sau đó tạo ra proof (chứng minh) để đưa lên L1 để xử lý.
Lớp L1-to-L2 Messenger: Lớp này làm nhiệm vụ truyền thông giữa L1 và L2. Nó chịu trách nhiệm cho việc chuyển giao dịch từ L1 đến L2 và ngược lại thông qua tin nhắn (messaging).
Tóm lại, Optimism Rollup là một cấu trúc Layer 2 cho phép thực hiện các giao dịch nhanh hơn và mở rộng khả năng chịu tải của Ethereum. Với sự kết hợp giữa L1 và L2, Optimism Rollup giúp giảm chi phí và tăng cường hiệu suất mạng.
Cơ chế hoạt động
Optimistic Rollup hoạt động theo các bước sau:
- Người thực hiện giao dịch trên Layer 2.
- Các giao dịch này được tổng hợp thành các lô và xử lý bởi các nút Rollup.
- Kết quả của các giao dịch được lưu trữ trên Layer 2.
- Kết quả này được gửi lên Layer 1 để xác thực.
- Nếu có bất kỳ xung đột nào được phát hiện, Layer 2 sẽ sử dụng một cơ chế gọi là "fraud proof" để giải quyết xung đột.
Thông tin On-chain
Optimism là nền tảng Smart Contract có TVL xếp vị trí thứ 6 theo thống kế từ DefiLlama. Nền tảng có hơn 180 dApp thuộc mảng DeFi, với hơn 9.2 triệu địa chỉ ví, có gần 100 nghìn địa chỉ ví hoạt động hằng ngày. Nhưng khối lượng tài sản trên Optimism được giao dịch hằng ngày rất thấp chỉ khoảng hơn 14 triệu đô la (theo thống kê ngày 07/09/2023).
Với khối lượng sử dụng tài sản trên Optimism cực thấp thua cả Base (một Layer 2 mới ra mắt gần đây) thì chúng ta thấy được hệ sinh thái Optimism đang kém hấp dẫn đối với người dùng, mặt dù Optimism là một dự án Layer 2 đã có mặt từ lâu và có hàng trăm dApp đang hoạt động.
So với các Layer 2 khác thì Optimism đang xếp thứ 4 với 4 TPS (tức là xử lý 4 giao dịch mỗi giây). Đây là con số rất khiêm tốn với một giải pháp được sinh ra để giải quyết hạn chế của Ethereum. Phí giao dịch của Optimism đang rẻ hơn một nữa so với Arbitrum do giao dịch trên Optimism ít hơn nhiều so với Arbitrum.
TVL của Optimism cũng đang theo đà giảm của thị trường chung sau khi đạt đỉnh ngày 11 tháng 08 năm 2022. Hệ sinh thái Optimism thật sự không quá nổi bật, phần lớn là dự án Multichain. Nhưng để một sinh thái thực sự phát triển thì cần có một sản phẩm, một dApp hay một ngách riêng nào đó hút được thị trường như cách mà Arbitrum đã thành công với GMX và Derivatives.
Velodrome là dự án AMM DEX sử dụng cả Stableswap của Solidly và x*y=k của Uniswap. Nó hiệu quả cho cả tài sản Stablecoin và Altcoin, thu hút thanh khoản bằng mô hình ve(3,3). Nhờ đó mà Velodrome đang là dự án thành công bật nhất trên hệ sinh thái Optimism.
Ngoài ra, hai dự án Multichain là Synthetix và Perpetual Protocol được Optimism Foundation hỗ trợ rất nhiều với mục đích mang lại sự sôi động cho hệ sinh thái. Nhưng chỉ có Synthetix là dự án có sự phát triển tốt cũng như có sản phẩm hữu ích cho thị trường ở thời điểm hiện tại.
Optimism Phát Triển Bộ Công Cụ OP Stack
OP Stack là gì?
Ngoài phát triển một nền tảng Layer 2 thì đội ngũ Optimism còn tạo ra một bộ công cụ có tên là OP Stack. Bộ công cụ này dựa trên bộ mã 6.000 dòng tiêu chuẩn của một Layer 2 để chuyển thành bản sửa đổi chỉ với 300 dòng cho trình biên dịch Solidity, có thể phát triển một Layer 2 chỉ mất vài ngày.
OP Stack là một bộ công cụ SDK mã nguồn mở được thiết kế để xây dựng các lớp Layer 2 có tính mô-đun. Nó được phát triển bởi Optimism, một công ty Blockchain chuyên về các giải pháp Layer 2 cho Ethereum. Hiện tại, đội ngũ phát triển Layer 2 Base cũng tham gia phát triển và đóng góp cho bộ công cụ này.
Bộ công cụ OP Stack này cũng giống với bộ SDK của Cosmos để xây dựng các Layer 1. Có nhiều khả năng là Optimism đã lấy cảm hứng từ Cosmos với cách xây dựng bộ SDK và Interchain để cho ra mắt OP Stack và Superchain.
Với OP Stack, các nhà phát triển có thể xây dựng các Layer 2 hoặc Layer 3. Nó có khả năng mở rộng rất cao khi có thể lựa chọn bất kỳ một công nghệ nào như Optimistic Rollup, zk Rollup,... Và có thể lựa chọn lớp đồng thuận, xác thực và lưu trữ dữ liệu bất kỳ. Từ đó tạo thành một hệ thống Blockchain mô-đun rộng lớn, giúp giải quyết bài toán khả năng mở rộng cho toàn nền công nghiệp Blockchain.
Bộ công cụ OP Stack còn được sử dụng cho các dự án như Caldera để chuyển đổi các đoạn mã này thành giao diện và tính năng có sẵn cho các nhà xây dựng mà không cần Code hoặc biết Code. Và Caldera cũng mang lại khả năng tinh chỉnh như chon lớp xác thực, lưu trữ dữ liệu, đặc biệt là có thể dùng Sequencer của bên thứ 3 như Espresso.
Về mặt lý thuyết thì bất kỳ ai cũng có thể sử dụng OP Stack để phát triển một Layer 2 bất kỳ nhưng Optimism và Base đang tạo ra một bộ luật chung được gọi là luật chuỗi (Law of Chains). Bộ luật này đặt ra nhằm tạo thành một quy tắc để các bên tham gia trong Superchain thực hiện theo hướng tích cực nhất và thành phần vi phạm sẽ bị loại bỏ.
Các bên tham gia bên trong hệ sinh thái Superchain cần nắm giữ Token OP để tham gia quản trị, thay đổi luật và thực thi luật. Luật chuỗi sử dụng DAO của Optimism để hoạt động.
OP Stack có một số tính năng chính, bao gồm:
- Khả năng mở rộng: OP Stack sử dụng các công nghệ rollup để tăng khả năng xử lý giao dịch của các lớp Layer 2.
- Tính mô-đun: OP Stack được thiết kế để dễ dàng tùy chỉnh và mở rộng. Các nhà phát triển có thể kết hợp các mô-đun khác nhau để tạo ra các lớp Layer 2 đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ.
- Tương tác: OP Stack cho phép các lớp Layer 2 tương tác với nhau và với Layer 1. Điều này làm cho các lớp Layer 2 trở nên linh hoạt và hữu ích hơn.
Dưới đây là một số lợi ích của việc sử dụng OP Stack:
- Dễ sử dụng: OP Stack được thiết kế để dễ sử dụng cho các nhà phát triển. Nó cung cấp một bộ công cụ và tài liệu toàn diện để giúp các nhà phát triển bắt đầu xây dựng các lớp Layer 2.
- Tiết kiệm chi phí: OP Stack là một giải pháp mã nguồn mở, vì vậy nó miễn phí để sử dụng. Điều này có thể giúp các nhà phát triển tiết kiệm chi phí khi xây dựng các lớp Layer 2.
- Tương thích: OP Stack tương thích với các lớp Layer 1 khác nhau, bao gồm Ethereum, Bitcoin và Solana. Điều này làm cho OP Stack trở thành một lựa chọn linh hoạt cho các nhà phát triển.
OP Stack là một công cụ quan trọng cho việc phát triển các lớp Layer 2 trên Ethereum. Nó có thể giúp cải thiện tốc độ, khả năng mở rộng và tính linh hoạt của các lớp Layer 2, từ đó giúp Ethereum trở thành một nền tảng Blockchain mạnh mẽ hơn.
Cấu trúc của OP Stack
OP Stack sử dụng cấu trúc mô-đun để phát triển các lớp và các công nghệ có độ tinh chỉnh cao. Điều này giúp tăng khả nắng kết nối và mở rộng của các nền tảng được phát triển bằng bộ công cụ này. Đây là những gì mà Blockchain đang hướng đến để phát triển nhanh hơn.
Để xây dựng một nền tảng từ đầu đến cuỗi cần mất rất nhiều nhân lực và nguồn tài nguyên. Nhưng với OP Stack và thiết kế mô-đun như thế này thì các nhà phát triển xây dựng rất nhanh chóng và có quyền lựa chọn cho các lớp tùy ý cũng như sử dụng lại các lớp đã có sẵn và không cần thiết kế mới.
Đi sau vào cấu trúc của OP Stack, phân chia rất rõ ràng và có khả năng tùy chỉnh trong nhiều lớp này. Cụ thể từng lớp và chức năng của nó được liệt kê như sau:
- Data Availability Layer: Lớp này sử dụng một hệ thống mã hóa chia sẻ để lưu trữ dữ liệu của các ứng dụng và hợp đồng thông minh, bằng chứng giao dịch trên OP Chain. Các OP Chain có thể chọn một hay nhiều lớp DA khác nhau.
- Sequencing Layer: Lớp diễn ra quá trình thu thập, sắp xếp và gửi giao dịch đến lớp DA. Hiện tại các OP Chain đều sử dụng một hay một vài Validator do chính dự án phát triển để làm việc này. Nhưng trong tương lai, Optimism sẽ xây dựng một mạng lưới Sequencer để sử dụng và cho các OP Chain khác thuê.
- Derivation Layer: Lớp này sử dụng một công cụ chuyển đổi để chuyển đổi các giao dịch hợp đồng thông minh dưới dạng thô sơ sang dạng chuẩn để gửi đến lớp thực thi (Execution).
- Execution Layer: Lớp này được sử dụng để thực thi các hợp đồng thông minh, người dùng có thể tương tác với nó thông qua Smart Contract. Thông thường môi trường thực thi này là EVM hay các môi trường tương thích EVM như OVM, zkEVM, FuelEVM,... Lớp này cũng chịu trách nhiệm chuyển đổi trạng thái và cập nhật số dư người dùng.
- Settlement Layer: Lớp này sử dụng mã thông báo Gas để thanh toán cho các giao dịch hợp đồng thông minh. Đây cũng là nơi kiểm tra lại các giao dịch Rollups cũng như giải quyết các tranh chấp nếu có. OP Stack cung cấp nhiều công nghệ Settlement khác nhau cho Layer 2 lựa chọn.
- Governance Layer: Lớp này chịu trách nhiệm quản trị OP Chain. Lớp này bao gồm một hội đồng quản trị được bầu bởi cộng đồng OP Chain đó. Thông thường hệ thống quản trị sẽ dùng ví MultiSig để ký các đề xuất được đồng thuận và dùng Token quản trị của OP Chain để Voting.
Optimism Superchain
Optimism Superchain là một tầm nhìn của Optimism về tương lai của các giải pháp mở rộng Layer 2 trên Ethereum. Optimism Superchain sẽ là một hệ sinh thái các giải pháp Layer 2 được xây dựng bằng bộ công cụ OP Stack, được hỗ trợ bởi Optimism.
Cụ thể là các Layer 2 hay Layer 3 được phát triển bằng bộ công cụ OP Stack được gọi là OP Chain. Các OP Chain có thể kết nối và trao đổi với nhau tạo thành một mạng lưới được gọi là Superchain. Nhưng hiện tại các OP Chain này vẫn chưa thể liên kết được vì chưa có cầu nối được tạo ra để thực hiện việc này.
Superchain đang vẽ một bức trang khá đẹp cho tương lai của công nghệ Blockchain. Với hệ thống này thì Cơ sở hạ tầng Blockchain có thể đáp ứng cho Mass Adoption. Superchain có điểm nổi bật so với Hyperchain của zkSync hay Appchains của Starket là khả năng kết nối giữa các OP Chain, sử dụng công nghệ tổng số (Rollup) bất kỳ, có thể chọn lớp xác thực hay lưu trữ bất kỳ.
Nhờ nhiều ưu điểm hiện có mà OP Stack được sàn giao dịch Coinbase đã chọn phát triển Layer 2 Base, sàn giao dịch Binance phát triển opBNB và zkBNB, Gitcoin phát triển Layer 2 Public Goods Network,... Các Layer 2 hứa hẹn sẽ là các OP Chain giúp Superchain phát triển.
Optimism Superchain sẽ có một số lợi thế so với các giải pháp Layer 2 hiện có, bao gồm:
- Tăng khả năng mở rộng: Optimism Superchain sẽ có thể xử lý nhiều giao dịch hơn so với các giải pháp Layer 2 hiện có.
- Giảm chi phí: Optimism Superchain sẽ có chi phí thấp hơn so với các giải pháp Layer 2 hiện có.
- Tăng tính bảo mật: Optimism Superchain sẽ thừa hưởng tính bảo mật của Ethereum.
Optimism Superchain vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng dự án đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà phát triển và nhà đầu tư. Tuy hệ sinh thái Optimism kém phát triển hơn Arbitrum nhưng bức tranh Superchain của Optimism quá hoàn hảo, nhờ thế mà nó vẫn có thể cạnh tranh với Arbitrum.
Optimism Superchain có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng và chi phí của Ethereum. Nếu thành công, Optimism Superchain có thể trở thành một giải pháp Layer 2 hàng đầu trên thị trường.
Hệ sinh thái Superchain
Superchain có một hệ sinh thái bao gồm rất nhiều dự án lớn như Base, Optimism, opBNB, Debank,... Trong đó có Base và Optimism đang là hai hệ sinh thái phát triển nhất. Ngoài ra còn có các dự án tiềm năng khác như Public Good Network, Caldera, Zora, Debank,...
Hệ sinh thái Superchain cũng rất đa dạng với các dự án là Layer 2 Smart Contract cho tất cả các dApp, Layer 2 chuyên dành cho NFT, Layer 2 chuyên dành cho DeFi, Layer 2 là RaaS như Caldera (cung cấp đơn giản hóa quá trình xây dựng Layer 2 với OP Stack, Arbitrum Orbit,...), Client Rollup như Magi và Conduit, Layer 2 Identity như Wordcoin.
Hiện tại các Layer 2 có tiềm năng ra Token và Airdrop rất hút thị trường. Nhưng cũng có các Layer 2 không có khả năng ra Token như opBNB do chính BNB Chain phát triển nên không có lý do gì để phát hành thêm Token.
Như các hệ sinh thái khác, Superchain có rất nhiều dự án lớn như Base, opBNB,.. nhưng cũng không ít các Layer 2 kém phát triển. Đây là vấn đề chung của thị trường, có dự án tốt thì cũng có các dự án không tốt và không phát triển được. Nếu ai đã trải qua mùa Bull trước thì đã chứng kiến các Layer 1 mới và cũ bay tung tóe trong khi dự án chẳng có công nghệ hay hệ sinh thái gì cả.
Với hệ sinh thái lớn và đang dần phát triển như Superchain thì chúng ta cần nghiên cứu và chọn lọc ra những dự án có tiềm năng tăng trưởng tốt. Các dự án lớn như Optimism hay Base thì đã quá rõ ràng rồi, nhưng những dự án có khả năng x to nhất sẽ không nằm trong số đó. Mà dự án có độ tăng trưởng lớn sẽ là một dự án tốt, phát triển theo một ngách nào đó thu hút thị trường hoặc sẽ thành Trend nhưng không được nhiều người biết đến.
Một số OP Chain nổi bật
Base
Base là một Layer 2 được xây dựng bởi đội ngũ Coinbase, là một OP Chain được xây dựng bằng bộ công cụ OP Stack. Base là một trong những OP Chain đầu tiên ngoài Optimism có sự tham gia tích cực vào hệ sinh thái Superchain và phát triển OP Stack.
Về mặt công nghệ thì Base không có nhiều khác biệt so với Optimism, cũng sử dụng công nghệ Optimistic Rollup. Nhưng Base đang phát triển rất nhanh và hệ sinh thái rất bùn nổ nhờ vào vị thế của Coinbase Exchange, mối quan hệ và các dự án được Coinbase đầu tư rất nhiều.
Động lực lớn nhất để hệ sinh thái Base nổi bật đến từ tiềm năng ra Token và Airdrop. Ngoài ra, một dự án rất mới thu hút được cộng đồng chính là FriendTech. Tuy ở thời điểm hiện tại, dự án đang mất dần sức hút những sản phẩm này rất Fomo và mới lạ so với cộng đồng, cũng như gần gủi với thị trường Crypto.
Base và Optimism là hai thế lực lớn nhất trong hệ sinh thái Superchain. Base tham gia đưa ra luật chuỗi và cam kết đóng góp 2.5% doanh thu mạng lưới cho quỹ phát triển Superchain, đổi lại Base sẽ nhận được 2.75% tổng cung OP từ Optimism để tham gia quan trị liên quan đến Superchain.
Caldera
Caldera là một Layer 2 cung cấp dịch vụ RaaS để xây dựng các Layer 2, Layer 3 khác. Caldera cũng chính là OP Chain xây dựng bằng OP Stack nhưng Caldera cung cấp dịch vụ để xây dựng cả OP Chain, Orbit Chain,... Cụ thể là Caldera sử dụng các bộ công cụ như OP Stack, Arbitrum Orbit Stack để phát triển thành các Source Code, nhà phát triển có thể xây dựng một Layer 2 hay Layer 3 mà không cần Code hay biết Code.
Caldera có độ tùy chỉnh rất cao, ngoài các tính năng của bộ OP Stack thì Caldera hỗ trợ sẵn Source kết nối với các lớp DA như EigenLayer, Celestia,... và các Layer 2 này có thể thuê Sequencer từ Espresso. Caldera còn hỗ trợ xây dựng Orbit Chain trên Arbitrum, tương lai sẽ hỗ trợ thêm phát triển Hyperchain, Appchains.
Caldera là một sản phẩm rất hữu ích, mang lại sự thuận tiện và nhanh chóng để phát triển các Layer 2 hay Layer 3. Nhờ đó mà các nhà phát triển không cần tập trung vào công nghệ mà dành thời gian cho việc phát triển hệ sinh thái. Tuy nó thuận tiện nhưng nó cũng sẽ là nơi sinh ra nhiều dự án kém chất lượng vì xây dựng rất dễ dàng.
Một Số Dự Án Nổi Bật Trong Hệ Sinh Thái Optimism
Synthetix
Synthetix là một giao thức tài sản tổng hợp được xây dựng trên Ethereum và hỗ trợ thêm Optimism. Synthetix cung cấp tính thanh khoản cho các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai vĩnh viễn, quyền chọn, thị trường parimutuel,... trên chuỗi EVM.
Synthetix phát triển một hệ sinh thái DeFi gồm các dự án như Kwenta, Polynomial, dHedge, Thales, Overtime Markets,... Hệ sinh thái có đủ các sản phẩm trong DeFi, đặc biệt là các giao thức Derivative.
Người dùng phải thế chấp SNX, Token quản trị giao thức để vay sUSD tham gia vào hệ sinh thái này. SUSD là một Stablecoin được gắn Peg 1:1 với USD, sử dụng chuẩn Omnichain của LayerZero và có thể di chuyển sang các mạng lưới.
Synthetix mang đến cho hệ sinh thái Optimism rất nhiều sản phẩm hữu ích. Dự án cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ đến từ Optimism. Có thể đội ngũ phát triển Optimism chọn Synthetix làm sản phẩm mũi nhọn cho hệ sinh thái nhưng thật sự nó không tạo được Fomo lớn.
Velodrome
Velodrome là dự án DEX Native lớn nhất hệ sinh thái Optimism khi sử dụng kết hợp cả mô hình đường cong của Solidly cho Stableswap và mô hình x*y=k để hỗ trợ cho tài sản Altcoin. Tuy rất nhiều dự án phát triển theo mô hình này nhưng chỉ có Velodrome là dự án thành công nhất.
Chiến lược tiếp cận người dùng với ve(3,3) và tiếp thị khôn ngoan chính là mấu chốt cho sự thành công của Velodrome. Nhưng hướng phát triển của Velodrome là không đi Multichian mà sẽ tạo ra nhiều bàn Fork trên nhiều mạng lưới, đặc biệt là các Layer 2 mới.
Velodrome là dự án Native hiếm hoi mà có thể cạnh tranh so với các dự án Multichain khác như Uniswap V3 hay Curve Finance. Và Velodrome cũng là dự án quan trọng giúp hệ sinh thái Optimism sôi nổi, tiếp cận người dùng mới.
Sonne Finance
Sonne Finance là một giao thức cho vay phi tập trung dành cho các cá nhân, tổ chức và giao thức truy cập các dịch vụ tài chính. Người dùng có thể gửi tài sản của họ, sử dụng chúng làm tài sản thế chấp và vay mượn thêm tài sản.
Ban đầu Sonne Finance cũng là dự án Native trên Optimism, hỗ trợ vay và cho vay các tài sản nổi bật trong hệ sinh thái. Sonne là một bản Fork của Compound nên nó thừa hưởng những sản phẩm tối ưu của thị trường. Và cũng giống như Compound, Sonne sẽ phát triển theo hướng Multichain.
Tuy Sonne Finance đã từng có sự bức phá rất ngoạn mục và duy trì cho đến bây giờ nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh với Aave V3. Vì Aave V3 hỗ trợ ho Optimism từ sớm và độ uy tín cũng như bảo mật từ giao thức. Và các sản phẩm của Aave cũng hoàn chỉnh và tối ưu hơn.
Vấn Đề Của Optimism Superchain
Optimism Superchain đã vẽ nên bức tranh tương lai rất đẹp nhưng nó vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết để trở nên hoàn hảo hơn:
- Các Layer 2 này vẫn đang sử dụng mạng lưới Sequencer tập trung nên có rất nhiều rủi ro liên quan đến bảo mật.
- Optimism cũng chưa phát triển được bằng chứng giao dịch cụ thể theo hệ thống Optimistic Rollup.
- Cầu nối cho các OP Chain vẫn chưa được ra mắt, hệ sinh thái Superchain đang rất lớn và cầu nối là sản phẩm rất quan trọng để kết nối cũng như giao tiếp giữa các chuỗi.
- Cần đưa ra bộ luật hoàn chỉnh để các bên tham gia vào Superchain tuân thủ, giúp phát triển Superchain theo chiều hướng tốt nhất.
- Cạnh tranh lớn đến từ zkSync hay StarkNet khi chúng cũng cho ra mắt các bộ công cụ để phát triển Layer 2, Layer 3.
So Sánh Các Bộ Công Cụ Phát Triển Layer 2, Layer 3
Bảng trên là phép so sánh giữa các công cụ phát triển Layer 2 và Layer 3 do Optimism, zkSync, StarkNet, Arbitrum phát triển. Họ được gọi là tứ trụ Layer 2, phát triển cũng như cạnh tranh với nhau. Chúng ta cũng thấy được OP Stack đang có độ mở cao nhất so với phần còn lại.
Lưu ý về StarkNet Stack, bộ công cụ này đang hỗ trợ xây dựng Appchains là Layer 2 trên Ethereum nhưng sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, các Appchains cùng với những giao thức xây dựng trên StarkEx như Brine Finance, GammaX,... sẽ được chuyển thành Layer 3 trên StarkNet.
Dự Phóng Về Optimism Superchain
Optimism Superchain sẽ là môi trường tốt để phát triển các Layer 2 hay Layer 3. Bằng chứng là đã có sự tham gia của Coinbase, Binance, Gitcoin,... Nó cho thấy sự kết nối tuyệt vời giữa các OP Chain và khả năng tinh chỉnh cao với các loại bằng chứng khác nhau, lớp xác thực và DA bất kỳ.
Nhưng Superchain cần phải khác phục các hạn chế về công nghệ và cầu nối giữa các OP Chain. Đặc biệt là luật chuỗi ra đời sẽ đưa hệ sinh thái Superchain phát triển theo chiều hướng tốt nhất. Qua đó tạo thêm nhiều tính ứng dụng cho Token OP.
Tuy sự cạnh tranh từ các Hyperchain, Appchains, Orbitchain là rất cao nhưng mỗi nền tảng, hệ sinh thái đều có các ưu điểm cũng như nhược điểm riêng. Đặc biệt là OP Chain có các ưu điểm như chọn công nghệ Rollup và lớp xác thực tùy ý. Đây là điều mà các các nền tảng khác không có được.
Optimism Superchain đang phát triển rất nhanh chóng, phần lớn các dự án muốn phát triển Layer 2 đều chọn Superchain, kể cả các Layer 1 như Celo hay Fantom cũng chọn chuyển đổi thành OP Chain. Superchain đang có nhiều cái tên lớn như Optimism, Base, Debank, opBNB, Public Good Network,... sẽ tạo thành một cơn sốt và Trend lớn.
Tổng Kết
Optimism đang dùng quân bài Superchain để cạnh tranh với các Layer 2 khác. Superchain quả thật là một tầm nhìn rất xa và tiềm năng trở thành tiêu chuẩn cho các Layer, Layer 3. Superchain phát triển thì Optimism cũng phát triển theo và tăng giá trị cho Token OP khi sử dụng OP để quan trị chung cho Superchain.
Tiềm năng là đó và việc của chúng ta là lặn sâu vào hệ sinh thái Superchain để tiềm cho mình những dự án chất lượng để đầu tư. Optimism hay Base thì đã quá rõ ràng, nó đã quá lớn để có khả năng x hàng trăm lần. Để tìm được một Solana thứ hai thì chúng ta phải thực bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu Superchain, tìm ra dự án chất lượng về công nghệ, sản phẩm mà không được thị trường biết đến thì khi nó bắt được dòng tiền sẽ phát triển rất nhanh.
Như vậy mình đã phân tích Optimis và Superchain cũng như có những nhận định cá nhân về nó. Hy vọng bài viết mang lại nhiều thông tin hữu ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Crypto Weekly W30: Nga Cho Phép Đào Bitcoin & Solana ETF Spot Chính ThứcXuất Hiện - August 12, 2024
- Crypto Weekly W29: Bóng Ma Khủng Hoảng Phủ Khắp Thị Trường Crypto - August 6, 2024
- Crypto Spotlight W28: Cựu Tổng Thống Donald Trump Lạc Quan Về Crypto, Ethereum ETF Spot Chính Thức Được Giao Dịch - July 29, 2024