TON Blockchain đang được cộng đồng cho rằng sẽ sớm trở thành phiên bản Solana tiếp theo của thị trường Crypto với nhiều đặc điểm tương đồng. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ những khía cạnh về công nghệ, về kinh doanh để xem liệu TON Blockchain có thể trở thành phiên bản Solana thứ hai hay không nhé.
Mọi người cũng theo chân mình trong bài viết đầu tiên của Series Tham Vọng với chủ đề "Tất Tần Tật Về TON Blockchain & Tham Vọng Trở Thành Solana V2".
Tất Tần Tật Về TON Blockchain & Tổ Chức Phía Sau
Nhìn lại quá khứ đầy đau thương của TON Blockchain
Dự án TON, viết tắt của Telegram Open Network, là một trong những dự án blockchain và tiền điện tử đáng chú ý nhất, được phát triển bởi đội ngũ đằng sau ứng dụng nhắn tin phổ biến Telegram. Dự án này được thiết kế nhằm tạo ra một hệ sinh thái blockchain nhanh chóng, linh hoạt, và mở rộng được, hỗ trợ các dịch vụ như thanh toán nhanh, hệ thống lưu trữ phi tập trung, và nền tảng hợp đồng thông minh.
Tuy nhiên, con đường phát triển của TON không hề trải đầy hoa hồng, gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là từ phía cơ quan quản lý.
TON được giới thiệu lần đầu vào năm 2017 bởi anh em nhà Durov, Pavel và Nikolai, những người sáng lập ra Telegram. Nikolai Durov, một nhà toán học và lập trình viên có tài, chính là người đứng sau việc thiết kế kiến trúc kỹ thuật cơ bản của TON. Dự án này được mô tả như một Blockchain thế hệ thứ ba, có khả năng xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây nhờ vào cơ chế Sharding (phân mảnh) độc đáo và thuật toán đồng thuận Proof Of Stake.
Để tài trợ cho dự án, Telegram tiến hành một đợt huy động vốn thông qua Initial Coin Offering (ICO) vào đầu năm 2018, thu về khoản tiền khổng lồ: 1,7 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân. Đây là một trong những đợt ICO lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, thành công sớm của TON không kéo dài lâu khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) can thiệp. Vào tháng 10 năm 2019, SEC đã đệ trình một vụ kiện chống lại Telegram, cáo buộc công ty vi phạm luật chứng khoán của Mỹ bằng cách bán token GRAM mà không đăng ký. Điều này đã dẫn đến việc ngăn chặn việc phát hành token cho công chúng và buộc Telegram phải tạm dừng dự án.
Sau nhiều tháng tranh tụng và đàm phán, vào tháng 6 năm 2020, Telegram cuối cùng đã đồng ý giải quyết vụ kiện với SEC bằng cách trả 18,5 triệu USD tiền phạt và cam kết trả lại một phần tiền cho các nhà đầu tư. Pavel Durov sau đó đã tuyên bố rằng Telegram sẽ không còn tham gia vào việc phát triển TON nữa. Mặc dù Telegram đã rút khỏi dự án, cộng đồng và các nhà phát triển độc lập đã không từ bỏ ý tưởng về TON. Dự án tiếp tục phát triển dưới các biến thể khác nhau, như Free TON và TONcoin, với cùng mục tiêu ban đầu nhưng hoạt động độc lập khỏi Telegram.
Free TON và TONcoin là hai dự án phát triển dựa trên ý tưởng ban đầu của Telegram Open Network (TON), nhưng chúng có những điểm khác biệt cơ bản về mục tiêu, quản lý cộng đồng, và hướng phát triển. Đầu tiên là với Free TON với một số những đặc điểm như:
- Free TON được khởi xướng bởi cộng đồng người dùng và nhà phát triển độc lập ngay sau khi Telegram tuyên bố dừng phát triển dự án TON chính thức. Mục tiêu của Free TON là tiếp tục tầm nhìn ban đầu của TON với một hệ thống phi tập trung hoàn toàn.
- Free TON hoạt động dựa trên nguyên tắc quản lý phi tập trung, trong đó quyết định được đưa ra thông qua sự thỏa thuận của cộng đồng và sử dụng hợp đồng thông minh để thực hiện các quyết định đó.
- Dự án tập trung vào việc phát triển công nghệ blockchain với khả năng mở rộng cao, hỗ trợ sharding, và cung cấp một nền tảng cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) và hợp đồng thông minh.
- Crystal (TON) là token được sử dụng trong mạng lưới Free TON, phục vụ như một đơn vị giá trị và phương tiện thanh toán.
Song song với Free TON chúng ta có TONcoin với một số đặc điểm bao gồm:
- TONcoin, tuy cũng lấy cảm hứng từ dự án TON gốc của Telegram, nhưng được phát triển và quản lý bởi một nhóm hoặc tổ chức riêng biệt, thường với một cấu trúc quản lý tập trung hơn so với Free TON.
- Dự án này có thể do một tổ chức hoặc một nhóm nhỏ lãnh đạo với quyết định tập trung hơn, nhằm phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể dựa trên nền tảng TON.
- TONcoin có thể tập trung vào việc cung cấp các giải pháp cụ thể, như dịch vụ tài chính, thanh toán, hoặc các ứng dụng phi tập trung nhất định, thay vì mục tiêu rộng lớn như Free TON.
- Mặc dù cũng sử dụng token, nhưng token của TONcoin (có thể cũng được gọi là TON hoặc một tên khác) sẽ được phát triển và quản lý bởi nhóm phát triển TONcoin, với các mục tiêu và ứng dụng khác nhau so với Crystal của Free TON.
Tóm lại, Free TON và TONcoin đều là những nỗ lực nhằm tiếp tục sứ mệnh của TON nhưng theo những cách thức và với những mục tiêu khác nhau. Free TON nặng về mô hình phi tập trung và quản lý cộng đồng, trong khi TONcoin có thể tập trung vào việc phát triển dự án dưới sự lãnh đạo của một nhóm hoặc tổ chức cụ thể, với một cách tiếp.
Một điểm thú vị ở đây là mặc dù viết tắt vẫn là TON nhưng Telegram Open Network đã được chuyển dịch thành The Open Network đối với TONcoin.
Tổng quan về The Open Network
The Open Network (TON) là một dự án nhằm đưa tiền điện tử gần với người dùng hơn. Bằng cách xây dựng hệ sinh thái Web3 trên nền tảng nhắn tin nổi tiếng Telegram Messenger, TON tham vọng đưa quyền sở hữu về danh tính, dữ liệu và tài sản số về tay người dùng.
The Open Network Foundation viết tắt là TON Foundation được thành lập tại Thụy Sĩ vào năm 2023, là một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ hoàn toàn bởi sự đóng góp của cộng đồng. Giờ đây, TON Foundation hỗ trợ mạnh mẽ các nhà phát triển xây dựng các dự án, DApp, Protocol trên nền tảng TON Blockchain.
Ai đứng sau sự phát triển của TON Blockchain?
Rõ ràng, sau một khoảng thời gian phát triển thì TONcoin đã có những sự khác biệt hoàn toàn so với Free TON, có thể nói rằng TONcoin đang tiếp tục lộ trình phát triển của Telegram Open Network trước đây. Đứng sau TONcoin hiện nay chính là TON Foundation với một số các thành viên nổi bật.
- Steve lấy bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng tại trường Đại Học British Columbia, lấy bằng Quản trị Kinh Doanh (MBA) tại Cao Đẳng Douglas và Cử nhân khoa Nghiên cứu Quốc tế tại trường Đại Học Simon Fraser.
- Ngay khi ra trường Steve đã đóng vai trò quan trọng tại InterCP - một tổ chức tình nguyện tập trung vào việc giúp đỡ các dân tộc thiểu số trên thế giới.
- Sau đó, Steve làm CEO tại Koinvestor - một công ty đầu tư toàn cầu, chuyên cung cấp cho các công ty blockchain đột phá khả năng tiếp cận các nhà đầu tư tổ chức và được công nhận cũng như các đối tác chiến lược ở Châu Á.
- Tại TON Foundation, Steve gia nhập từ 2018 với các vai trò như một Contributor Strategy sau đó tham gia làm Founding Team và tới tháng 5/2023, Steve chính thức trở thành Chủ Tịch của TON Foundation tại Zug, Thụy Sĩ.
Một điểm khá thú vị khi nhìn vào đội ngũ phát triển của Ton Foundation thì trong vòng khoảng 9 tháng đổ lại đây thì TON Foundation đã bổ nhiệm hàng loạt các giám đốc cho nhiều vị trí khác nhau như:
- Jack Booth: Giám đốc Marketing. Jack từng có kinh nghiệm làm việc tại Oasis Protocol Foundation - Blockchain nền tảng Layer 1 , Waves Lab ,Distributed - nền tảng cho thuê các nhóm kỹ sư phần mềm có tay nghề cao được quản lý toàn cầu, phân bổ toàn cầu.
- Ryan D: Giám đốc Thương Hiệu. Ryan từng làm việc tại nhiều dự án Crypto khác nhau như BitTorrent - nền tảng Blockchain Layer 1, Exodus - nền tảng Web3 Wallet, Stella - dự án về mảng Payment trong thị trường Cryto và từng làm Co Founder tại quỹ đầu tư Iron Key.
- Michael Teh: Giám đốc Tài Chính. Michael từng làm Head of Finance tại Algorand Foundation - nền tảng Blockchain Layer 1, từng làm CFO (giám đốc Tài Chính) tại Odsy Foundation.
- Max Pertsovskiy: Giám đốc Vận Hành. Max cũng từng làm COO tại GOSU Data Lab - công ty tập trung vào mảng Gaming Data & AI, bên cạnh đó là Waves Labs.
- Anthony Tsivarev: Giám đốc Hệ Sinh Thái. Anthony từng làm việc và đóng vai trò quan trọng tại nhiều tổ chức như Local Events, T-Systems, First Stage Labs.
- Inal Kardan: Trưởng nhóm Gaming. Inal từng làm việc và đóng vai trò quan trọng tại nhiều dự án như Waves Platform, Billy Bot, Waves Ducks, Meta0
Có thể thấy rằng từ thời điểm Steve Yun lên chức chủ tịch vào tháng 5/2023 thì đã có một cuộc cách mạng về nhân sự tại TON Foundation với việc bổ nhiệm một loạt các vai trò giám đốc vào những cá nhân có kinh nghiệm trong cả Web2 và Web3.
Chính điều này là những nguyên cho sự lột xác của TON Foundation trong khoảng thời gian gần đây.
Công Nghệ Của TON Blockchain Có Gì Đáng Chú Ý?
TON Blockchain được xây dựng trên những công nghệ gì?
TON Blockchain là một Proof of Stake Blockchain sử dụng mô hình Dynamic Sharding để giải quyét bài toán mở rộng. Đầu tiên chúng ta sẽ đến với khái niệm Dynamic Sharding, trước đó chúng ta cần hiểu khái niệm Sharding thì mọi người có thể tham khảo bài viết Tổng Quan Về Công Nghệ Sharding. Dynamic Sharding là một cơ chế cho phép blockchain tự động điều chỉnh số lượng và kích thước của các shardchain dựa trên tải giao dịch thực tế. Qua đó, nó tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện khả năng xử lý giao dịch của hệ thống.
Cơ chế hoạt động của Dynamic Sharding như sau:
- Khi tải giao dịch trên một shardchain tăng lên và vượt qua ngưỡng nhất định, hệ thống sẽ tự động chia shardchain đó thành các shardchain con nhỏ hơn, giúp phân tán giao dịch và giảm tải.
- Ngược lại, nếu tải giao dịch giảm xuống dưới ngưỡng nhất định, các shardchain con có thể được hợp nhất lại để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Với mô hình này TON Blockchain tự mô tả mình là một "2-blockchain" vì mỗi khối trong một shardchain (và trong masterchain) thực sự không chỉ là một khối mà còn là một blockchain nhỏ (vertical blockchain). Điều này cho phép sửa chữa các khối shardchain không chính xác mà không cần phải fork tất cả các shardchains liên quan.
Với công nghệ Dynamic Sharding thì TON Blockchain hướng tới một Modular Blockchain hoàn toàn trong tương lai.
Thực tế việc phát triển cơ sở hạ tầng tại mạng lưới TON Blockchain
Không tìm thấy quá nhiều tài liệu về việc công nghệ của Telegram đang triển khai ở đâu nhưng theo thông tin đến từ đội ngũ phát triển thì Dynamic Sharding bắt đầu triển khai vào 2022. Khi mạng lưới của TON Blockchain đón nhận cơn sóng Inscription thì Dynamic Sharding cũng đã hoạt động tương đối tốt (mặc dù vẫn tồn tại một số vấn đề dẫn tới tắc nghẽn mạng lưới).
Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để quan sát hiệu suất của TON BLockchain khi có lượn người dùng lớn đổ vào.
TON Foundation Đang Có Chiến Lược Phát Triển Như Thế Nào?
Cơ hội rõ ràng của hệ sinh thái TON Blockchain
Một trong những cơ hội lớn nhất của TON Blockchain ở thời điểm hiện tại chính là dự án vẫn được Telegram và đội ngũ của Telegram vẫn đang âm thầm hỗ trợ. Chúng ta hãy cũng nhìn lại những hoạt động thể hiện cho việc mặc dù không tham gia vào Founding Team nhưng đội ngũ của Telegram vẫn đang hỗ trợ TON Blockchain rất nhiều bao gồm:
- 21/10/2022: Vào những ngày tháng 8/2022, CEO của Telegram đã đưa ra đề xuất về việc NFT Username của người dùng, nghĩa là Username của người dùng sẽ được tạo trên TON Blockchain. Đến tháng 10/2023, một NFT Marketplace đã được giới thiệu bởi Telegram trên TON Blockchain để phục vụ nhu cầu đấu giá Username.
- 13/09/2023: Telegram chính thức thông báo về việc tích hợp TON Space (Web3 Wallet trên TON Blockchain). Điều này làm cho 800 triệu người dùng của Telegram có thể dễ dàng tiếp cận với TON Blockchain.
- 28/02/2024: Bên cạnh việc Telegram công bố việc chia sẻ doanh thu, thì quan trọng hơn nữa là các hoạt động xung quanh quảng cáo như mua bán, chia sẻ doanh thu thì sẽ được diễn ra trên TON Blockchain.
Từ những thông tin trên chúng ta có thể khẳng định rằng Telegram vẫn đang hỗ trợ rất nhiệt cho TON Blockchain. Điều này đồng nghĩa với việc TON Blockchain độc quyền tiếp cận hơn 1 tỷ người dùng trên Telegram, có thể nói đây là một trong những lợi thế cực kì lớn của TON Blockchain so với những nền tảng khác.
Trong khi các hệ sinh thái phải đau đầu trong việc sử dụng đa dạng các chiến lược khác nhau như Airdrop, Liquidity Mining, Incentives,... thì bản thấy TON Blockchain đã có sẵn tệp người dùng hàng tỷ từ Telegram và câu chuyện bây giờ chỉ là làm sau TON Blockchain có thể đưa lượng người dùng đó chuyển đổi dần từ Web2 sang Web3.
Bên cạnh đó, cũng trong những ngày cuối năm 2023, quỹ đầu tư nổi tiếng và đình đám Animoca Brands công bố thông tin về vào đầu tư vào TON Blockchain, từ đó Animoca Brands trở thành Validator lớn nhất trên mạng lưới này, tuy nhiên chi tiết về số tiền đầu tư thì Animoca Brands không tiết lộ. Nhưng có một thông tin thú vị là Animoca Brands sẽ hỗ trợ TON Blockchain vào mảng GameFi.
Những hoạt động để thu hút các nhà phát triển
Bản chất TON Blockchain là một nền tảng sử dụng ngôn ngữ lập trình có tên là FunC. Một số những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ này bao gồm:
- FunC là một ngôn ngữ lập trình hàm, nghĩa là nó tập trung vào việc sử dụng các hàm để thực hiện các tính toán. Điều này giúp cho việc viết mã trở nên rõ ràng và dễ quản lý hơn, đặc biệt là trong môi trường blockchain, nơi mà tính minh bạch và độ tin cậy của mã nguồn là rất quan trọng.
- FunC được thiết kế để tạo ra các hợp đồng thông minh an toàn và hiệu quả. Ngôn ngữ hỗ trợ các tính năng như kiểm tra kiểu dữ liệu tại thời gian biên dịch, giúp phát hiện lỗi sớm và giảm thiểu khả năng xuất hiện lỗi runtime.
- FunC được tối ưu hóa để hoạt động mượt mà trên nền tảng TON Blockchain, giúp tận dụng tối đa các tính năng đặc biệt của blockchain này như sharding và instant hypercube routing, từ đó cải thiện đáng kể tốc độ và khả năng mở rộng của ứng dụng.
- Mặc dù FunC có những đặc điểm kỹ thuật chuyên biệt, nhưng ngôn ngữ này được thiết kế để dễ dàng học và sử dụng, giúp nhà phát triển có thể nhanh chóng tạo ra các hợp đồng thông minh phức tạp mà không cần phải đối mặt với quá nhiều trở ngại kỹ thuật.
Bên cạnh những ưu điểm thì FunC tồn tại một số nhược điểm bao gồm:
- FunC có thể không dễ dàng cho những người mới bắt đầu, đặc biệt là những người không có kinh nghiệm với ngôn ngữ lập trình hàm. Tài liệu và nguồn học liệu có thể hạn chế so với những ngôn ngữ lập trình phổ biến khác, làm tăng thời gian cần thiết để trở nên thành thạo.
- Cộng đồng phát triển xung quanh FunC và TON Blockchain có thể không lớn bằng các nền tảng blockchain khác như Ethereum, điều này có thể hạn chế việc trao đổi kiến thức và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề.
- Mặc dù FunC được tối ưu hóa cho TON Blockchain, nhưng việc tích hợp với các hệ thống và công nghệ ngoại vi có thể không linh hoạt bằng các ngôn ngữ lập trình khác được thiết kế để hoạt động trên nhiều nền tảng blockchain.
Rõ ràng, TON Blockchain là một non EVM Blockchain tương tự như Solana với ngôn ngữ lập trình RUST hay Aptos với Sui Network sử dụng MOVE, thì bài toán đặt ra ở đây là TON Blockchain phải làm những gì để thuyết phục các nhà phát triển đến với hệ sinh thái của mình. Chúng ta có một số những hoạt động để các nhà phát triển thu hút các nhà phát triển bao gồm:
- Trong giai đoạn đầu năm 2024, TON Foudantion đã tổ chức Hackathon Global với tên TON Dev Journey đi cùng với đó là tổng phần thưởng là $1.5M. Chương trình này đã thu hút hàng trăm các nhà phát triển với nhiều dự án tham gia khác nhau.
- TON Foundation đã sử dụng 40M TON tương đương khoảng $115M để xây dựng quỹ phát triển hệ sinh thái.
Bên cạnh có những hoạt động thu hút các nhà phát triển đến với hệ sinh thái của mình thì TON Foundation đã xây dựng các giải pháp về cơ sở hạ tầng giúp dòng tiền dễ dàng về với hệ sinh thái bao gồm:
- 18/04/2023: TON Foudation đã giới thiệu giải pháp cross-chain đầu tiên giúp việc tương tác giữa Ethereum và TON Blockchain. Điều này làm cho người dùng có thể chuyển wBTC, USDT, USDC và DAI hai chiều giữa Ethereum và TON thông qua TON Bridge một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện.
Chiến lược Memecoin & Telegram Game
Có thể thấy rằng bối cảnh thị trường Crypto hiện nay Spotlight không thuộc về DeFi, Layer 1, Layer 2 hay GameFi mà chính là Meme Coin và Airdrop/Retroactive. Trong bối cảnh hệ sinh thái của TON Blockchain còn quá non trẻ nên để có thể Airdrop khủng đến cộng đồng gần như là không thể nhìn sang những hệ sinh thái như Sui Network hay Aptos cũng chung một hoàn cảnh, nên nếu sử dụng Airdrop/Retroactive để thu hút người dùng không phải là một chiến lược phù hợp.
Chính vì vậy chiến lược Meme Coin sẽ là một chiến lược phù hợp đối với hệ sinh thái TON Blockchain. Khởi đầu là dự án Ton Fish - được coi là Meme Coin đầu tiên trên hệ sinh thái TON Blockchain, kết hợp với đó là sự tăng giá điên cuồng của Fish hàng trăm lần chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tận dụng làn sóng tăng trưởng Ton Fish công bố hàng loạt các sản phẩm về Social Game, NFT của mình.
Tiếp theo Ton Fish là hàng loạt các Meme Coin khác nhau nối đuổi nhau tăng trưởng từ đó lôi kéo những nhà đầu tư yêu thích rủi ro đến với hệ sinh thái TON Blockchain. Bên cạnh việc thu hút người dùng bằng Meme Coin thì TON Blockchain cũng có một cách marketing khá hấp dẫn bao gồm:
- TON Blockchain được đứng sau bởi Telegram - một trong những thế lực cực lớn thân Crypto chỉ sau nền tảng Twitter.
- Giá của TON liên tục tăng trưởng ngay trong bối cảnh thị trường làm cũng thu hút người dùng quan tâm tới TON.
Bên cạnh chiến lược Memecoin để thu hút người dùng thì cũng đang có một xu hướng âm thầm diễn ra đó chính là Telegram Games. Các dự án GameFi trên Telegram có nhiều nét tương đồng với mô hình GameFi trong quá khứ, điều mà các dự án đó cần ở thời điểm hiện tại chính là nền kinh tế ponzi.
DeFi & NFT vẫn là những mảnh ghép rời rạc
Có thể thấy rằng nếu chúng ta nhìn vào hệ sinh thái DeFi trên TON Blockchain và cho rằng với TVL liên tục tăng trưởng trong thời gian qua đồng nghĩa với hệ sinh thái DeFi của TON đang cực kì mạnh mẽ thì có thể đây sẽ là một nhận định tương đối sai lầm. Mình nghĩ rằng dòng tiền đổ vào DeFi trên TON không phải hệ sinh thái DeFi dày dặn, đa dạng mà chỉ là những người nắm giữ TON đang tìm cách tối ưu lợi nhuận cho mình.
Minh chứng cho thấy rằng trong $283M TVL của hệ TON (tại thời điểm 25/03/2024) thì có tới:
- 28.675.518 TON trong nền tảng Tonstaker.
- 8.846.115 TON trong nền tảng Bemo.
- 2.959.536 TON trong nền tảng Stakee.
Với tổng cộng gần 40M TON được đưa vào các nền tảng Liquid Staking với giá trị tương đương hơn $200M chiếm khoảng hơn 70% tổng TVL của hệ sinh thái, vậy luận điểm trên đã được chứng minh. Bên cạnh đó, dòng tiền mới chỉ tập trung chính ở 2 DEX là STON.fi và DeDust với tổng TVL là $75M chiếm khoảng 26% tổng TVL của hệ sinh thái.
Nếu như tổng cả mảng Liquid Staking và DEX sẽ chiếm khoảng gần 99% tổng TVL toàn hệ thì chúng ta có thể thấy rằng:
- Các mảnh ghép như Lending & Borrowing, Derivatives, Yield Agreggator,... chưa thu hút được dòng tiền từ cộng đồng.
- Số lượng các dự án DeFi chất lượng không nhiều và các dự án cũng thiếu sự tương tác, trao đổi với nhau, hay nói một cách khác thì nền tài chính trên TON Blockchain vô cùng rời rạc.
Nhận Định & Đánh Giá Về Hệ Sinh Thái TON Blockchain
Những điểm tích cực trên hệ sinh thái TON Blockchain
Có thể thấy rằng việc sử dụng:
- Memecoin
- Thúc đẩy giá TON tăng trưởng
- Câu chuyện về một Layer 1 được chống lưng bởi Telegram
- Hàng loạt các tin tức tích cực: Gói phát triển hệ sinh thái, Hackathon,...
Dựa trên 4 chiến lược này đã thành công để thu hút người dùng đến với hệ sinh thái của mình. Qua đây dễ dàng cho chúng ta thấy được TON Foundation là một đội ngũ rất giỏi kinh doanh, tuy nhiên đây mới chỉ là những bước đầu tiên của TON Foundation trong hành trình đưa TON Blockchain trở thành một trong những nền tảng lớn nhất trong không gian Web3.
Những điểm tiêu cực trên hệ sinh thái TON Blockchain
Có thể nói rằng TON Foudantion đang lựa chọn rất đúng những xu thế của thị trường đang diễn ra và từ đó lấy nó làm bàn đạp để thu hút người dùng đến với hệ sinh thái của mình. Tuy nhiên, hiện tại TON Blockchain với chỉ làm được một việc là thu hút người dùng đến với hệ sinh thái của mình còn việc giữ chân người dùng ở lại với hệ sinh thái lại là một chuyện khác.
Rõ ràng, Memecoin chỉ là một xu hướng thu hút người dùng chứ không thể đóng vai trò giữ chân người dùng trong dài hạn chính vì vậy TON Blockchain cần phải hướng tới một hệ sinh thái toàn diện với đầy đủ các mảnh ghép như GameFi, DeFi, NFT, Metaverse,... Ngoài ra, với việc quá thành công với Memecoin cũng có thể vô tình làm cho TON Blockchain trong mắt cộng đồng là một Memecoin Ecosystem.
Những điểm đáng chờ đợi trên hệ sinh thái TON Blockchain
Khi nhìn ở trên chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng TON Foundation đang có những bước chuyển mình quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ và bền vững.Tuy nhiên, nếu nó TON Foundation đã làm đủ hay chưa thì chắc chắn vẫn chưa đủ, sẽ còn nhiều điểm chúng ta cần phải xem xét về chiến lược phát triển của TON trong thời gian sắp tới như:
- Một Hackathon Global như vậy vẫn chưa đủ nếu nhìn sang Solana trong những giai đoạn đầu thì mỗi năm họ tổ chức 2 Hackathon Global với giải thưởng mỗi lần giao động từ $3M - $5M, con số của TON Foundation vẫn khá khiêm tốn, không những vậy Solana Foundation còn tổ chức vô vàn các sự kiện khác nhau như Hackerhouse (Hackathon Offline), Builder House, BreakPoint,...
- Tiếp theo chúng ta cần quan sát xem việc TON Foundation sẽ sử dụng quỹ 40M TON (giá tại thời điểm viết bài là $200M) để trao grant cho các dự án, nhà phát triển, contributor, Median,... như thế nào? Có hiệu quả hay không? Việc sử dụng quỹ này vào các dự án kém chất lượng cũng đồng nghĩa với việc các dự án tạo ra cũng không thể tạo nên sự khác biệt.
Về yếu tố công nghệ thì mặc dù trang bị những công nghệ nóng bỏng nhất tại thời điểm ra mắt như Dynamic Sharding của Ethereum 2.0, Modular Blockchain cũng là mô hình Ethereum 2.0 toàn diện,... thì với mình thì sẽ đánh giá dựa trên hiệu suất thực tế. Chính vì vậy chúng ta sẽ thử chứng kiến khi mạng lưới TON Blockchain đón nhận nhiều người dùng hơn nữa từ Telegram thì mạng lưới có hoạt động ổn định hay không?
Một trong những sự việc đáng lưu ý gần đây chính là vào 05/12/2023, với sự đổ bộ của làn sóng Inscription tạo nên tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng của mạng TON, trong đó việc xác thực bị trì hoãn nghiêm trọng mặc dù các trình xác thực mạng vẫn đang tạo ra các khối. Tuy nhiên, điểm làm cho TON trở nên khác biệt là trong khi hầu hết các nền tảng Blockchain khác đều ngưng hoạt động thì TON chỉ bị tăng độ trễ giao dịch. Điều này có thể đến từ một số nguyên nhân từ tạithời điểm đó TON Blockchain chưa thật sự phổ biến như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên điều này cũng khá đáng khen với đối TON Blockchain, theo như đội ngũ phát triển dự án chia sẻ vào thời điểm cao điểm TON Blockchain đã phân chia thành 11 Shardchains khác nhau, trong đó có 5 Shardchains hoạt động ổn định. Có lẽ chúng ta vẫn cần liều thuốc thử ở cấp độ cao hơn.
Điểm đáng chờ đợi trên TON Blockchain nữa chính là các mảnh ghép dần dần được hình thành như DeFi, NFT, Metavere,... trong đó mình cảm thấy khá hứng thú với GameFi đặc biệt hơn nữa là xu hướng Telegram Games. Thời gian gần đây một số các tựa game chơi trực tiếp trên Telegram. Có thể nói rằng các tựa game trên Telegram thì vô cùng đơn giản khá giống với GameFi 2021 - 2022, và điều để kích hoạt nó bùng nổ đó chính là mô hình nền kinh tế.
Tổng Kết
Mong rằng qua bài viết tất tần tật về TON Blockchain & Tham vọng trở thành Solana V2 có thể giúp mọi người có thêm một số góc nhìn khách quan về TON Blockchain.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Hướng Dẫn Làm Airdrop Story Protocol - September 17, 2024
- Series 30 | Crypto Unlock: Sanctum Sẽ Thay Đổi Cuộc Chơi Liquid Staking Trên Solana - September 17, 2024
- Kroma Network Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Kroma Network - September 16, 2024