GameFi là gì? Trong cuộc sống mỗi con người chúng ta đều có 3 nhu cầu chính: Ăn, Mặc, Giải Trí. Nhu cầu giải trí càng được nâng cao trong cuộc sống hiện tại, ngành công nghiệp làm game bùng nổ và đạt doanh thu hàng tỷ đô. Trong làn sóng mạnh mẽ đó cùng với sự bùng nổ của công nghệ Blockchain thì Game được đưa lên với khái niệm và định hình mới là GameFi. Vậy hãy cùng Hak Research cùng tìm hiểu GameFi là gì? và người viết sẽ chia sẻ Hành trình đầu tư GameFi của cá nhân trong mùa uptrend vừa qua. Được gì và mất gì nhé.!
GameFi Là Gì?
GameFi là gì? Như đã đề cập ở trên thì Game là 1 phần của cuộc sống và là nhu cầu giải trí công nghệ cao với con người. Giờ đây cùng với làn sóng công nghệ mạnh mẽ Blockchain tích hợp càng ngày càng nhiều vào trong cuộc sống, thì một trong những thứ cụ thể hoá use cases của BlockChain là GameFi.
Tận dụng nhu cầu giải trí và nền tảng làm game truyền thống sẵn có và điểm mạnh nhất của Blockchain về Finance là DeFi thì khái niệm GameFi ra đời: Game (trò chơi giải trí) và Finance (kinh tế).
Điểm Khác Biệt Giữa Game Truyền Thống Và GameFi
Game offline truyền thống
Với Game offline truyền thống thì người chơi cô lập hoàn toàn trong game và không có tương tác với các người chơi khác. Đơn thuần giải chí với AI, Bot được lập trình sẵn trong game và đi theo cốt truyện của game với trải nghiệm cá nhân.
Điểm mạnh của loại game này là nhà làm game đi sâu vào cốt truyện, gameplay, thể hiện tối đa về đồ hoạ, đem lại trải nghiệm chơi game đã mắt với người chơi.
Điểm yếu của loại game này là người chơi bị cô lập 1 mình trong thế giới game, đa phần các game đều chơi tính bằng tiếng là kết thúc game, vì hết cốt truyện (phá đảo). Thêm nữa là với loại game xây dựng hướng vào nhu cầu cá nhân này nên đồ hoạ thường được chăm chút tỷ mỷ, cùng với đó là cuộc đua về phần cứng máy tính để đáp ứng ngày càng cao (không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để chơi game).
Game online truyền thống
Với Game online thì tập trung đẩy mạnh tính cộng đồng kết nối và nền tảng cộng đồng tranh đua nhau, thì yêu cầu người chơi phải nạp tiền vào để có những ưu đãi trong game hoặc các vật phẩm hiếm đem lại lợi thế so với các người chơi khác hoặc đôi khi là chỉ để làm đẹp nhân vật trong game.
Việc nạp tiền vào trong game này hầu như không đem lại bất kỳ lợi nhuận về tài chính nào quay ngược trở lại với Gamer cả, một số ngoại lệ về việc nạp tiền mở box và có những vật phẩm hiếm và tự người chơi giao dịch với nhau. Việc giao dịch này không được bảo chứng, không được thông qua nhà phát hành hoặc 1 nền tảng bảo mật nào cả, dễ rủi ro mất mát.
Điểm mạnh của loại game này là có tính cộng đồng kết nối cao, mở ra 1 không gian không giới hạn giữa người chơi này với người chơi khác. Không bị bó buộc vào cốt truyện của game mà được trải nghiệm mở, kèm theo đó việc gắn bó với game sẽ cao hơn, không giới hạn giờ chơi hay là phá đảo gì cả.
Điểm yếu của loại game này là người chơi phải tốn tiền để nạp vào game tranh đua với những người chơi khác, đây cũng chính là thu nhập chính của nhà phát hành game vì game online là free không phải mua. Bên cạnh đó cũng chính vì tính cộng đồng nên việc rủi ro về mất mát vật phẩm game khi người chơi trao đổi (một số game) là rất cao, không được bảo chứng. Ngoài ra thì điểm yếu nữa là đồ hoạ game online không thể bằng game offline do hướng tới đại đa số người chơi có thể đảm bảo được cấu hình phần cứng.
GameFi có gì khác?
GameFi là gì? Với GameFi thì được vận hành trên Blockchain, 1 nền tảng công nghệ với tính bảo mật cao, người chơi sẽ tham gia với 1 ví điện tử cá nhân trên nền tảng Blockchain. Mọi vấn đề liên quan tới điểm yếu của game online truyền thống sẽ được giải quyết với GameFi mà quan trọng nhất là sự an toàn khi giao dịch do vật phẩm game của GameFi được định danh là NFT.
Ngoài ra GameFi sử dụng tiền mã hoá (token) và vật phẩm định danh (NFT) được xây dựng trên Blockchain để vận hành game, tạo ra nền tài chính trong game để game thủ có thể vừa chơi game vừa kiếm được tiền thông qua việc sở hữu token game trả thưởng và NFT. Việc sở hữu này có được từ việc người chơi hoàn thành các nhiệm vụ trong game, chiến đấu với người chơi khác có được. Người chơi có thể giao dịch các loại tài sản này trực tiếp bất kỳ thời gian nào do các loại tài sản này được list trên các sàn giao dịch tập trung ở các nền tảng.
Điểm mạnh của GameFi là việc gây cuốn hút người chơi từ việc chơi game ra lợi nhuận, người chơi đầu tư vào game với 1 khoản vốn nhưng khi chơi game sẽ sinh ra lợi nhuận. GameFi có cơ chế vận hành thiên về tài chính thúc đẩy người chơi tham gia vừa chơi game vừa kinh doanh, khiến cho nền tài chính game vô cùng sôi động. Ngoài ra việc có thể trao đổi, giao dịch tài sản 1 cách an toàn, bảo mật và nhanh chóng bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào với tính thanh khoản cao cũng là điểm mạnh của GameFi
Điểm yếu của GameFi cũng chính đến từ Finance, với bất kỳ mô hình tài chính nào trong GameFi thì đều phải đương đầu với lạm phát token trả thưởng. Khi người chơi kiếm được càng nhiều token, token sinh ra càng nhiều thì token càng bị lạm phát. Mà sự lạm phát này khiến cho giá trị của token trả thưởng ngày 1 đi xuống. Với GameFi thì yếu tố Finance được đề cao, do người chơi hầu hết là đầu tư vốn để chơi game và mong muốn sinh ra lợi nhuận nhiều hơn là việc trải nghiệm game giải trí.
Điểm yếu khác nữa của GameFi là do vận hành trên Blockchain mà cơ sở hạ tầng Blockchain còn hạn chế nên việc có đủ băng thông, cơ sở hạ tầng để chạy các bộ engine đồ hoạ game đẹp là chưa khả thi. Trải nghiệm game trong GameFi vẫn còn chưa đáp ứng được phần nhìn, cốt truyện sơ sài, gameplay chưa được đề cao, trải nghiệm mượt mà chưa có.
GameFi Hoạt Động Như Thế Nào?
Với GameFi, phần thưởng có thể ở các dạng khác nhau, chẳng hạn như token hoặc tài sản trò chơi như đất ảo, avatar, vũ khí và trang phục. Mỗi dự án GameFi sẽ áp dụng một mô hình và nền kinh tế trò chơi khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, tài sản trong trò chơi là các NFT chạy trên blockchain, có nghĩa là chúng có thể được giao dịch trên thị trường NFT. Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, tài sản trong trò chơi cần được chuyển đổi thành NFT trước khi người chơi có thể giao dịch hoặc bán chúng.
Các tài sản trong trò chơi sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho người chơi, cho phép họ kiếm được nhiều phần thưởng hơn. Tùy thuộc vào trò chơi, người chơi có thể kiếm phần thưởng bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác hoặc xây dựng các công trình và kiếm tiền trên mảnh đất của họ. Một số trò chơi cũng cho phép người chơi tạo thu nhập thụ động mà không cần chơi, thông qua việc stake hoặc bằng cách cho người chơi khác mượn tài sản trong trò chơi của họ.
Các mô hình GameFi
Play to Earn (P2E)
Đây là mô hình truyền thống áp dụng trong hầu hết các GameFi được sinh ra, chơi để kiếm tiền. Khác với các game truyền thống là bỏ tiền để mua game rồi chơi và sau đó hầu như không sinh ra bất kỳ lợi nhuận nào về tài chính cho người chơi.
Với mô hình GameFi P2E này sẽ có 2 dạng
- Một số game sẽ không yêu cầu bỏ tiền ra đầu tư, người chơi có thể chơi miễn phí mà vẫn có thể tạo ra phần thưởng tài chính. Tuy nhiên phần này không có nhiều, chúng ta hiểu giống như việc làm các nhiệm vụ testnet, retro trong nền tảng Defi Blockchain.
- Đa phần lớn các game sẽ theo hình thức đầu tư, tức là người chơi sẽ phải bỏ 1 khoản vốn đầu tư nhất định để mua 1 vật phẩm (NFT, Mystery box…) để có thể tham gia game. Những vật phẩm này có thể thời gian đầu được bán ở các vòng giới hạn (whitelist, ICO…) hoặc thời gian sau được bán trên Market Place của game. Khi mua những vật phẩm này để tham gia game thì những vật phẩm đó kết hợp với việc trải nghiệm chơi game, làm nhiệm vụ, thi đấu với người chơi khác…. thì người chơi có thể thu lượm lại những phần thưởng (token, NFT…) để có thể giao dịch và trao đổi sinh ra lợi nhuận.
Move to Earn (M2E)
Đây là mô hình được phát triển sau và cũng dựa trên những yếu tố của GameFi nói chung và P2E nói riêng. Mô hình này được phát triển theo trend sức khoẻ khi mà người ta không muốn ngồi 1 chỗ chơi game với màn hình máy tính hoặc smartphone nữa, mà có nhu cầu di chuyển và tập thể thao.
Mô hình này phát triển rất mạnh như 1 tựa đề cho việc chơi game nhưng vẫn tập được thể dục, vẫn có được sức khoẻ mà vẫn sinh ra tiền. Các tên tuổi điển hình cho sự bùng nổ của mô hình này kể đến như: STEPN, SWEAT…. M2E cũng chia làm 2 dạng như P2E, cùng tham gia free chơi và có phần thưởng token như SWEAT, hoặc phải đầu tư mua NFT để chơi như STEPN. Cả 2 hình thức đều sinh ra phần thưởng là token và được giao dịch mua bán trên các sàn giao dịch crypto tập trung.
Các mô hình DeFi trong GameFi
Steak
Một số dự án GameFi cho phép người chơi khi sinh ra token thưởng, ngoài việc có thể bán token đó kiếm thu nhập thì mở thêm các pool cho phép người chơi stake các token thưởng đó kiếm lãi. Mô hình này tương tự như Defi trong Blockchain. Các pool này sẽ đưa ra mốc thời gian stake và mức APR để người chơi lựa chọn.
Farming
Một số dự án GameFi cho phép người chơi Farming 2 token chính và phụ (với dự án có 2 token) hoặc tạo use case bằng việc cho Farming token chính với token nền tảng khác tạo ra lợi nhuận trả bằng token thưởng. Bên cạnh đó với các dự án GameFi NFT thì cho phép người chơi gửi NFT rảnh rỗi đi Farming để tạo ra token thưởng thay vì chơi. (SpaceSip…)
DAO
Một số dự án GameFi cho phép cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định của họ. Họ có thể đề xuất và bỏ phiếu cho các bản cập nhật trong tương lai thông qua các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).
Hành Trình Đầu Tư GameFi Trong Mùa Uptrend 2021
Bằng những chia sẻ khái niệm của GameFi vừa rồi thì đa phần mọi người đã hiểu sơ bộ về GameFi rồi, nhưng đó là lý thuyết. Vậy còn thực tế, thực chiến thì sao? Thực ra thì khái niệm GameFi không phải là có từ lâu, nó mới chỉ được khai sinh ra từ mùa uptrend vừa rồi.
Ra đời từ Q2/2021 vừa rồi khi trong năm 2021 với sự phát triển và bùng nổ của NFT, người người nhà nhà nói về NFT. Tuy nhiên khi đó NFT chỉ mới sơ khai và không có nhiều use case thực tế, không có tác dụng nhiều, và khi đó GameFi mới ra đời để cụ thể hoá cho việc sử dụng NFT để sinh ra lợi nhuận, tạo cho người ta có nhu cầu sử dụng, sở hữu NFT. Áp dụng NFT vào GameFi là thứ dễ hình dung và gần gũi nhất với đa phần mọi người, vì chơi game là 1 nhu cầu thiết thực của cuộc sống, ai cũng đã từng chơi game.
Những chia sẻ dưới đây hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân kể về hành trình đầu tư GameFi của cá nhân người viết, và chắc cũng là hình bóng của rất nhiều người đọc đã từng tham gia thời điểm đó. Không đúng không sai, không PR cổ suý cho bất kỳ điều gì.
Bắt đầu sự trở lại
Thực tế thì người viết bài cũng là 1 người đã gắn bó với thị trường Crypto với 1 khoảng thời gian không phải quá dài nhưng cũng không phải là ngắn. Bắt đầu từ 2017 với những trải nghiệm sơ khai của Crypto, ngày đó kiến thức hầu như không có, đơn giản là thấy thị trường mới và tham gia với cách thức của 1 trader. Và rồi trải qua rất nhiều sự khốc liệt trong thị trường với cú sập BTC năm 2018-2019, tài sản cũng bay theo chiều gió, kèm theo tâm lý nặng nề, pha nỗi sợ hãi.
Sau 1 khoảng thời gian khi quay trở lại với thị trường vào cuối năm 2020, đầu 2021 với cú uptrend lịch sử mạnh mẽ. Toàn bộ tài sản bỗng dưng nhân quá nhiều lần, thấy được sự phát triển của Blockchain bức tranh rõ ràng hơn, sự quan tâm của mọi người với thị trường này nhiều hơn, các dự án phát triển và làm nhiều hơn rất nhiều. Bản thân người viết thấy đây là cơ hội để thay đổi vị thế không chỉ hiện tại mà là cả tương lai nữa, quay trở lại nghiêm túc và nghiên cứu sâu hơn vào thị trường.
Rồi như ai cũng đã thấy năm 2021 bùng nổ của Defi và NFT, nhà nhà Defi, NFT, người người đổ tham gia Defi, NFT. Các dự án làm về các ngạch này nhiều không kể hết. Và rồi GameFi ra đời như 1 sự tất yếu mà người viết đề cập bên trên.
Tiếp cận GameFi
Như tất yếu phải đến, bằng những trải nghiệm quá khứ và kiến thức ít ỏi khi quyết định đào sâu nghiêm túc với thị trường. Kèm theo đó là số vốn có được từ số tài sản được nhân cũng kha khá qua uptrend từ đầu năm 2021. Nhận thấy trend GameFi là 1 trend có khả năng bùng nổ vì chính nó mới cụ thể hoá việc người ta sử dụng NFT, nên người viết đã quyết định skin in the game với các dự án GameFi.
Bắt đầu với các bài viết từ các bên mà đa phần sơ khai về các dự án, không ai nắm rõ GameFi vì nó quá mới, bên cạnh đó thì có quá nhiều dự án làm, việc lựa chọn dự án đầu tư thực sự là cũng khá khó khăn. Lúc đó hầu như tất cả dự án GameFi đều xuất phát từ Việt Nam và được Lauch nhanh chóng. Cuối cùng người viết lựa chọn 1 dự án đầu tiên sau khi xem AMA điểm qua các dự án game, dự án game lúc đó người viết lựa chọn là Crypto Car 1 dự án GameFi của Việt Nam.
Với Crypto Car lúc đó được nhắc tới là 1 GameFi dạng đua xe, dự án thuộc Team Ly Tran của Việt Nam, game được ra mắt bán box Whitelist vào cuối tháng 8/2021. Người viết lựa chọn vì nó là game thuần đua xe, cách chơi đơn giản Click to Earn, game có 1 token để vận hành kinh tế game. Thời điểm đầu của GameFi đa phần các game đều là Click to Earn hết, chỉ hướng tới yếu tố Reward, ROI (thời gian hoàn vốn) để thu hút người chơi. Đa phần thời điểm đó không ai quan tâm nhiều tới đồ hoạ, gameplay, chỉ quan tâm game này ROI bao nhiêu lâu, đầu tư thì bao nhiêu ngày thu hồi vốn.
Khi bắt đầu đầu tư vào game này người viết chỉ đơn thuần là thử nên đã bỏ 400$ để mua 2 NFT xe đua tham gia game. Với mức ROI thời điểm đó tính là 30 ngày, NFT xe chia làm các cấp độ hiếm khác nhau và NFT càng hiếm thì ROI càng ngắn. Phong cách chơi thì tất nhiên vẫn chỉ là Click to Earn mà thôi, khoảng thời gian 1 ngày người viết bỏ ra chỉ vài phút cho game nên cảm thấy rất đơn giản. Lợi nhuận mỗi ngày lúc đó người viết thu được bởi 2 NFT của mình là 15$.
Nhưng vì GameFi mới bùng nổ nên sự tăng trưởng về người chơi hết sức mạnh mẽ, ngày càng nhiều người tìm hiểu và tham gia giống như người viết ban đầu. Điều này dẫn tới NFT xe tăng giá mạnh, mà game vận hành theo cơ chế 1 token nên NFT phải mua bằng token thưởng của game. Người chơi mới phải mua token sau đó mới mua NFT xe, giá xe tăng do NFT khan hiếm, kèm theo giá token tăng cao. Điều này dẫn tới ROI của những người chơi đầu tư sớm được rút ngắn lại. Ai cũng hân hoan trong niềm vui chiến thắng khi giờ đây khoản lợi nhuận là rất lớn.
Bản thân người viết đã hoàn vốn 2 NFT của mình mua chỉ trong 15 ngày, đang trên đà chiến thắng số tiền kiếm được lại tiếp tục tái đầu tư vào mua NFT để quay vòng (đây chính là điểm mà GameFi làm cho người chơi cuốn vào vòng xoáy chi tiêu mà không chốt lời). Người viết tiếp tục đầu tư thêm 10 NFT tiếp theo bằng tiến game sinh ra và bên cạnh đó bỏ thêm vốn đầu tư vào thêm.
Đây là thời gian mà GameFi bùng nổ và người ta lao vào như thiêu thân, tiền nhàn rỗi khi kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng bởi Covid. NFT tiếp tục tăng giá, tính thanh khoản quá cao, cung không đủ cầu, kéo theo token tăng giá khủng khiếp, tăng đỉnh điểm gấp 7 lần giá trị lúc đầu. Số lượng người chơi đạt đỉnh điểm 300.000 người chơi game này. Sự Fomo là khủng khiếp, bản thân của người viết tài sản tăng lên khá nhiều và ai cũng hân hoan chiến thắng.
Cuốn theo dòng xoáy GameFi và hân hoan chiến thắng
Lúc này khái niệm Metaverse nổ ra, và rất nhanh chóng các dev Việt bắt trend để tạo ra game thứ 2, thứ 3 xoay quanh sự thành công của game đầu tiên. Và dự án GameFi này cũng không ngoại lệ và thậm chí còn là người đầu tiên làm điều này. Dev và đội ngũ dự án được tung hô khắp nơi, vì giữ được game tăng trưởng thời gian dài.
Cùng làn sóng đó thì dự án cho ra mắt game thứ 2 là Crypto Planes, game đua máy bay dựa theo game đầu tiên là Crypto Car để tạo ra hệ sinh thái Metaverse giống như lời dự án nói. Sự thành công của game đầu tiên là tiền đề quá thuận lợi để tiến thới sự Fomo của dự án game thứ 2 này. Ai cũng muốn mình là người đầu tiên được suất Whitelist mua box sớm. Dự án đưa ra yêu cầu để xét Whitelist là người chơi phải stake token CCar của game đầu tiên trong 30 ngày thì được 1 vé tham dự quay Whitelist. Rất nhiều người mua token CCar để stake tham dự vé này (điều làm cho token Ccar tăng tới 7 lần). Bản thân người viết cũng đã tham gia khá nhiều vé.
Sau đó ngày công bố suất Whitelist thì trong vô số người stake thì người viết lại may mắn trúng 1 ví Whitelist. Đây cũng là tiền đề cho sự Fomo sau này của người viết giai đoạn tiếp theo và giai đoạn cuối GameFi. Khi trúng suất Whitelist người viết chỉ phải bỏ ra 2 BNB (giá BNB lúc đó là 500$) để có được 20 Mystery Box, mở được 20 NFT của game Crypto Plane với nhiều độ hiếm khác nhau. Những người không trúng Whitelist thì phải mua bằng token game Cpan (lý do Cpan tăng giá khủng khiếp).
Với sự Fomo khủng khiếp thì không có gì ngạc nhiên khi Token game tăng giá khủng khiếp khi được list, nhu cầu sở hữu NFT tăng chóng mặt, ai cũng muốn mình có lấy 1 NFT. Tương tự ROI cũng vì thế mà rút ngắn rất nhiều với những người sở hữu NFT sớm, còn với những người trúng Whitelist như người viết thì gần như hoàn vốn và lãi ngay từ khi trúng. Đỉnh điểm giá Token tăng từ 0.4$ lên tới đỉnh 7$ trong hơn 2 tháng, giá NFT đỉnh điểm lên tới 3500$/NFT (1 sự Fomo hết sức khủng khiếp).
Điều may mắn nhất đối với bản thân người viết bài là với game thứ 2 này trúng Whitelist, vì nếu không thì có lẽ người viết cũng thành 1 con thiêu thân vác tiền đi nướng vào game dưới sự Fomo khủng khiếp rồi. Sau 15 ngày tái đầu tư từ đòn bẩy 20 NFT Whitelist nâng tổng số NFT lên tới 40 NFT. Thời điểm này với Crypto Car và Crypto Planes người viết thu nhập rút về 1 ngày lên tới 5000-6000$ và người viết đã quyết định rút token thưởng hàng ngày và bán ngay chứ không tái đầu tư tiếp nữa. Con số thu nhập này khiến cho người viết mường tượng vào tương lai gần mình sẽ trở thành triệu phú đô la.
Những cú vấp liên tiếp tới
Khi đang trong men say chiến thắng với lợi nhuận khủng khiếp từ 2 game đầu tiên, thì game thứ 3 cũng trong hệ sinh thái của Crypto Car và Crypto Plane ra đời, đó là Crypto Guards. Giống như kịch bản của 2 người đàn anh trước là người chơi phải Stake token 2 game đầu để lấy Whitelist. Và sự Fomo tiếp tục được đẩy lên cao, khi stake token lần này là random từ 15-45 ngày (hầu hết là 45 ngày). Thời điểm này là đầu tháng 12/2021 và stake bị lock tới 45 ngày, ai cũng nghĩ là số stake này khi unlock có 1 khoản ăn tết cũng ổn (không ai nghĩ token xuống giá).
Và rồi người viết cũng Fomo giống phần còn lại, lúc này lý trí không thắng được lòng tham, thay vì tiếp tục cash out ra tiền mặt thì người viết stake 1 lúc tới 20 ví. Với mong muốn là sẽ có 1 vài vé Whitelist để tiếp tục giấc mơ triệu phú của mình. Tuy nhiên đời không như mơ khi mà mọi sự chắc chắn là không có gì chắc chắn cả, người viết không trúng bất cứ 1 ví whitelist nào. Kèm theo đó là số token đáng lẽ ra cash out lên tới 15.000$ kia bị lock tới 45 ngày.
Game thứ 3 này tiếp tục Fomo thời gian đầu khi giá token tăng lên hơn 5 lần giá list sàn, vì số lượng người không trúng whitelist nhiều nên khao khát sở hữu NFT lại càng cao. Lúc này là lúc bản chất của mô hình Ponzi của dự án lộ diện, khi toàn bộ số token của 2 game đầu tiên stake lên tới 34tr$ thì cũng là lúc mà Dev dự án rút tiền và thả trôi người chơi.
Game đột ngột bị thả trôi, giá token xuống vì không có thêm người mới, lượng người xả token không muốn tái đầu tư quá nhiều, giá NFT rớt thảm hại. Điều này diễn ra ở cả 3 game, sau khi người cũ thì liên tục chốt thoát thân thì người mới bị mắc kẹt. Vòng xoáy dẫn tới lạm phát không thể kiểm soát được, dev và đội ngũ dự án mất tích với số tiền thu được.
Cùng lúc đầu tư game thứ 2 thì người viết cũng đê mê chiến thắng nên giải vốn qua đầu tư nhiều dự án game mới như: Space Sip, Metagear, Zombie World Z, Duckie Land, Fish Crypto, Elemon…., Các dự án Move to Earn như: StepN, Calo, FitFi, Run Together…. Với số tiền từ những gì chiến thắng mang qua. Và kết cục thì như mọi người đã rõ, GameFi chỉ là trend và không dự án nào thoát khỏi thoái trào này. Tất cả chỉ là mô hình đa cấp Ponzi lấy người mới làm nguồn chi trả chính cho người cũ, bơm thổi chứ không dự án nào giải quyết được vấn đề tài chính trong game.
Cái kết cho GameFi mùa downtrend
Kết quả là tất cả các game, game thì chết, game thì tồn tại nhưng token thả trôi và không quay lại giá trị ban đầu, token chia cả ngàn lần. Số lượng người chơi mắc kẹt, thua lỗ, ảo tưởng triệu phú bị vỡ mộng, kèm theo với những khoản nợ trong giây phút mù quáng. Với riêng người viết bài chắc là số rất ít những người có lãi khi cơn bão GameFi đi qua, nếu không có những may mắn và cash out phần nào thì chắc cũng không thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ, nợ nần.
Với trend thì luôn có sự thoái trào, kinh khủng hơn khi mô hình tài chính Ponzi của GameFi đợt đầu gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cho nhà đầu tư. Việc đầu tư mà không tìm hiểu kỹ, phân tích kỹ cơ chế vận hành của dự án là 1 trong những sai lầm cơ bản nhưng ai thời điểm đó cũng đều bỏ ngoài tai. Tất cả bị lợi nhuận và sự Fomo khủng khiếp kéo đi, khi nhận ra kèm theo đó là sự đi xuống của thị trường Crypto, kinh tế vĩ mô thì đã quá muộn. Tất cả đều chỉ còn sở hữu nhưng token không có giá trị của 1 dự án thả trôi.
Điều Đúc Kết Được Và Mất?
Trải qua thực chiến trong GameFi mùa uptrend mới thấy rõ sự Fomo khủng khiếp của thị trường, khi dòng tiền nhàn rỗi bên ngoài là rất nhiều nhưng lại không có kênh đầu tư nào hợp lý. Ảnh hưởng của dịch bệnh covid khiến cho người ta tìm tới thị trường Crypto nói chung và GameFi nói riêng như 1 nơi có thể nhân tài sản nhanh. Tuy nhiên thực tế không như mơ mộng, cái gì lên nhanh quá cũng sẽ thoái trào, GameFi cũng vậy, mô hình tài chính tạo ra theo trend và hầu hết là Ponzi chỉ chờ ngày sập. Mà bất kỳ mô hình Ponzi nào đều được tạo ra bởi lòng tham muốn làm giàu nhanh của con người.
Bản chất GameFi là điều cần thiết đối với xu hướng phát triển của công nghệ Blockchain, nơi tạo ra và cụ thể hoá các tài sản số như NFT và vận hành Metaverse. GameFi sẽ có những những bước phát triển cải tiến và với cơ chế vận hành khác đi.
Trong chu kỳ up trend tiếp theo, chắc chắn GameFi sẽ vẫn quay trở lại và phát triển, vẫn sẽ những dự án Ponzi và tâm lý con người vẫn sẽ không thay đổi. Tuy nhiễn sẽ có những dự án GameFi hướng tới sự phát triển thực sự theo cách chính thống. Chúng ta cùng chờ đợi và bên cạnh đó trau dồi cho mình kiến thức Research về các dự án mình đầu tư.
“Không tin ai – Tự mình tìm hiểu – Chỉ đầu tư những thứ mình rõ – Nhớ chốt lời.”
Bài viết này mang giọng văn tự sự cá nhân, chia sẻ về câu chuyện đầu tư GameFi cá nhân, không mang tính công kích, chê bai, nhận xét ai. Mong rằng bài viết sẽ mang nhiều giá trị tới người đọc có thêm kinh nghiệm trong đầu tư mùa uptrend sắp tới.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Soon Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Soon - September 19, 2024
- Hướng Dẫn Làm Airdrop B3dotFun - September 18, 2024
- Phân Tích Friend.tech: Thấy Gì Từ Sự Thất Bại Của Friend.tech - September 18, 2024