Trong tập trước (Tập 2) của Series Crypto XYZ, các vấn đề chính xoay quanh Bitcoin đã được làm rõ.
Sau Bitcoin, đã có rất nhiều blockchain khác ra đời, nhưng hầu hết là sao chép ý tưởng và công nghệ của Bitcoin (các blockchain là phiên bản hardfork từ Bitcoin blockchain). Các blockchain này tuy ra đời sau nhưng không có nhiều sự thay đổi đáng kể, không có sự đột phá về công nghệ dẫn đến thiếu mục đích sử dụng, đồng thời tính phi tập trung cũng không cao nên hầu hết các chain sinh ra từ thời đó đều không sống sót nổi tới bây giờ.
Tuy nhiên khi Ethereum được hình thành và phát triển với những sự đổi mới lớn mang tính đột phá thì nó đã mở ra rất nhiều khả năng mà một blockchain có thể cung cấp, tăng rất nhiều công dụng cho blockchain. Vì vậy nên sau Bitcoin thì Ethereum chính là khái niệm cần được nghiên cứu và bàn luận đến. Tập này của Series sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng và tổng quan nhất về Ethereum và đồng coin ETH rất nổi tiếng.
Những nội dung trong bài viết này chỉ có mục đích chia sẻ thông tin và nên được nhìn nhận dưới góc độ tham khảo chứ không phải là lời khuyên đầu tư.
Ethereum Là Gì?
Trong tập trước có nói đến Bitcoin blockchain là một hệ thống thanh toán ngang hàng, được quản trị bởi tất cả các máy tính trong một mạng lưới máy tính tham gia hệ thống thanh toán đó (phi tập trung). Ethereum cũng là một blockchain với tính chất phi tập trung như vậy nhưng nó có nhiều tác dụng hơn chỉ là một hệ thống thanh toán và lưu trữ tài sản.
Định nghĩa một cách khoa học thì Ethereum là một nền tảng điện toán(hoặc tính toán) phân tán (Distributed Computing Platform). Trong đó thuật ngữ "nền tảng điện toán" chỉ một môi trường mà người ta có thể viết các chương trình máy tính và thực thi chúng trên đó. Yếu tố "Phân tán" ở đây nói tới việc tính toán của hệ thống được thực hiện bởi nhiều máy tính khác nhau trong cùng một mạng lưới máy tính, tức là ai cũng có thể tham gia và có quyền lực đối với mạng lưới.
Bitcoin chỉ đơn giản là một cuốn sổ cái, nơi ghi chép lại các giao dịch, và phân phối bản ghi chép đó tới mọi máy tính vật lý trong mạng lưới. Thì có thể xem xét Ethereum là cái máy tính dưới dạng phần mềm, được phân phối tới mọi máy tính vật lý trong mạng lưới.
Giống như Bitcoin, Ethereum cũng có một đơn vị tiền tệ chính gọi/viết là là Ether, với mã là ETH. Vai trò của ETH về mặt công nghệ và tài chính cũng phức tạp hơn rất nhiều so với BTC của Bitcoin blockchain.
Ethereum Sinh Ra Để Giải Quyết Vấn Đề Gì?
Khắc phục nhược điểm của Bitcoin blockchain
Ethereum ra đời với một phần mục đích là khắc phục những điểm yếu của Bitcoin như phí giao dịch cao, tốc độ xử lý giao dịch chậm và cung cấp những khả năng khác mà Bitcoin không thể thực hiện.
Cung cấp khả năng xây dựng các ứng dụng phi tập trung - Decentralized Application
Trong vật lý khoa học vũ trụ, có một giả thuyết rằng cho rằng tồn tại một loại vật chất hoặc một môi trường có tên là Ether(có nguồn là Aether) lấp đầy không gian, nó cho phép ánh sáng và các sóng điện từ khác truyền qua. Vitalik - cha đẻ của Ethereum đã dựa trên lý thuyết ấy làm nguồn cảm hứng để đặt tên cho sản phẩm mà mình tạo ra, anh muốn thể hiện tầm nhìn của Ethereum sẽ trở thành một môi trường/một lớp công nghệ nền tảng để các developers đều có thể xây dựng các phần mềm ứng dụng phi tập trung (Decentralized Application, gọi tắt là Dapp) trên đó.
"Phi tập trung" là tôn chỉ của thị trường crypto, thuật ngữ này cùng với phân quyền, phân tán,... được gắn liền với hầu hết các hoạt động khi nói về thị trường crypto currency. Giống như tính "dân chủ" khi nói về các hoạt động chính trị, "phi tập trung" là tính chất lý tưởng của một thị trường, một không gian internet mà trong đó quyền quản trị được trao về tay tất cả mọi người, không có sự tồn tại hoặc hạn chế sự chi phối của một bộ phận trung ương.
Ethereum có một phần quan trọng là EVM (Ethereum Virtual Machine), nó là một công cụ tính toán có nghĩa vụ thực thi các hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là một chương trình máy tính được viết và được lưu trữ trên blockchain. Hoạt động theo cấu trúc logic "nếu - thì", tức là NẾU đáp ứng được những điều kiện này THÌ sẽ tự động triển khai thao tác kia. Nói cách khác thì hợp đồng thông minh là những thỏa thuận dưới dạng code, bình thường các hoạt động bên ngoài đời sống thì chúng ta thỏa thuận bằng lời nói, bằng giấy mực thì trên máy tính phải thỏa thuận bằng code. Vì được thực thi trên blockchain nên hợp đồng thông minh thừa hưởng được các khả năng của blockchain là minh bạch về cấu trúc hợp đồng, không thể bị thay đổi, không chịu sự quản lí tập trung.
Với bản chất là một bộ code, Smart Contract có thể được thiết kế trở thành nhiều kiểu thỏa thuận khác nhau. Ví dụ như để phục vụ cho việc tạo ra các token, trao đổi tài sản giữa 2 hoặc nhiều bên, thiết lập hệ thống voting, ... từ đó giúp cho Ethereum có thể cung cấp rất nhiều khả năng để xây dựng các ứng dụng phi tập trung và các Tổ Chức Tự Trị Phi Tập Trung (DAO - Decentralized Autonomous Organizations).
Các Dapp thì chả khác gì với các ứng dụng web bình thường về mặt UI-UX (Giao diện sử dụng và trải nghiệm người dùng), nhưng nó khác ở chỗ các ứng dụng thông thường thì dữ liệu được xử lý bởi một hệ thống máy chủ tập trung, điều này gây ra một vài sự rủi ro. Ví dụ tài khoản facebook mình đang sử dụng thì cũng không hẳn nó là "của mình" đâu, trên lý thuyết Mark Zuckerberg hoàn toàn có thể tước đi quyền truy cập và sử dụng nó. Tuy nhiên với Dapp thì câu chuyện tương tự rất khó có thể xảy ra.
Theo những gì đã trình bày ở trên thì Ethereum rất phức tạp và việc tìm hiểu về nó khó hơn rất nhiều khi xem xét về Bitcoin. Nếu như Bitcoin có thể dựa trên blockchain để cung cấp một hệ thống thanh toán ngang hàng thì với Ethereum, người ta có thể xây dựng lên cả một thị trường các hoạt động tài chính, các trò chơi, mạng xã hội,... phi tập trung.
Lịch Sử Hình Thành Của Ethereum Blockchain
Ý tưởng ban đầu của Vitalik là anh muốn đề xuất một giải pháp cải tiến Bitcoin blockchain để có thể xây dựng các ứng dụng phi tập trung trên đó, tuy nhiên điều này không đạt được sự đồng thuận của cộng đồng phát triển Bitcoin vì nó thực sự có nhiều cản trở về mặt kỹ thuật. Sau đó Vitalik lựa chọn con đường xây dựng lên hẳn một nền tảng blockchain khác, với ưu điểm của hướng đi này là có thể tự do xây dựng khuôn khổ các tính năng nhưng gặp phải vấn đề về thời gian xây dựng, chi phí phát triển và khởi động dự án.
Thế rồi vào năm 2014 thì dự án xây dựng Ethereum chính thức được triển khai với Etheruem Foudation (EF) là tổ chức đứng ra đảm nhiệm việc hỗ trợ việc phát triển Ethereum. Trong giai đoạn đầu này, EF đã thực hiện CrowdSale: bán ETH cho cộng đồng, cộng đồng tham gia mua ETH bằng BTC .
Mặc dù ETH có thể mua được trong đợt Ether Sale đó vào năm 2014, nhưng thời điểm chuỗi Ethereum thật sự đi vào hoạt động vào tận ngày 30 tháng 7 năm 2015, có nghĩa là người đã mua ETH phải đợi một thời gian dài trước khi blockchain khởi chạy rồi mới có thể di chuyển, mua bán ETH của họ. Điều này thực sự đem lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, tuy nhiên chương trình Ether Sale đã bán được 60 triệu ETH, thu về 30 ngàn BTC tương đương 18 triệu USD vào thời gian đó. Sự kiện chào bán Coin cho cộng đồng được tổ chức như vậy gọi là ICO (Initial Coin Offering).
Có thể thấy rằng, ngay cả khi Ethereum chưa được mainnet và phải đứng trước những rủi ro về tài chính tuy nhiên cộng đồng cũng đã rất tin tưởng và kiên nhẫn đối với dự án. Và đây có thể đã là một trong những quyết định tài chính đúng đắn nhất trong cuộc đời của họ.
Đội Ngũ Sáng Lập Và Phát Triển
Vitalik Buterin - Founder
Vitalik Buterin là một nhà văn và một lập trình viên người Canada gốc Nga. Lần đầu tiên nghe nói về Bitcoin từ cha mình vào năm 2011. Khi đó Vitalik Buterin mới 17 tuổi và đã không có sự tin tưởng về Bitcoin do nó thiếu sự đảm bảo giá trị ở dạng vật lí, cũng giống như nỗi sợ đối với crypto của nhiều người mới khi tham gia vào thị trường: crypto chỉ là “ảo”, không có thật, không có giá trị, ...v.v. Tuy nhiên sau đó Buterin bắt đầu tìm hiểu bản chất của Bitcoin và cách nó có thể tác động vào thị trường tài chính.
Vào thời điểm đó, Vitalik Buterin chưa dư dả tài chính để mua Bitcoin và cũng không có máy tính để đào Bitcoin. Vì vậy, anh đã chọn làm việc cho một tờ báo và được trả 5 BTC cho mỗi bài đăng trên các diễn đàn Bitcoin trực tuyến. Sau đó, Vitalik Buterin đã hợp tác với Mihai Alisie, một người đam mê Bitcoin khác và đồng sáng lập Bitcoin Magazine vào cuối năm 2011.
Vitalik đã xuất bản Whitepaper của Ethereum vào tháng 11 năm 2013 (Ethereum được khai sinh bởi một thanh niên 19 tuổi) và đã gây được sự chú ý với rất nhiều người ủng hộ Bitcoin. Một số người được truyền cảm hứng từ phong trào này đã tham gia cùng Vitalik với tư cách là đồng sáng lập Ethereum. Ngày nay, có tám cá nhân được chính thức công nhận là Người đồng sáng lập Ethereum.
Gavin Wood
Gavin Wood là người quan trọng thứ 2 cần nhắc tới đối với sự tồn tại của Ethereum. Ông là một nhà khoa học máy tính người Anh. Trước khi đồng sáng lập ra Ethereum, Gavin Wood từng làm việc tại Microsoft ở vị trí nhà khoa học nghiên cứu.
Gavin Wood là người sáng tạo ra ngôn ngữ lập trình Solidity được sử dụng cho việc lập trình trên Ethereum, xuất bản Ethereum Yellow Paper là một tài liệu về Ethereum dành cho các dev. Sau khi Ethereum Foundation được thành lập, ông đã được bổ nhiệm làm CTO đầu tiên, sau đó rời EF từ 2016. Sau Ethereum, Gavin Wood bắt đầu đi xây dựng đế chế Parity Technologies hướng tới Polkadot là sản phẩm hoàn thiện đầu tiên.
Bên cạnh đó có sự tham gia của một số thành viên như:
- Mihai Alisie: Cộng sự đầu tiên của Vitalik trong đạo Crypto, là người đồng sáng lập Bitcoin Magazine, sau này Mihai Alisie là người quan trọng trong việc thành lập và phát triển Ethereum Foudation. Mihai Alisie là phó chủ tịch của Ethereum Foundation cho đến cuối năm 2015
- Jeffrey Wilcke: Jeffrey Wilcke cùng với Vitalik và Gavin Wood là 3 bộ não chính ban đầu của Ethereum trong vấn đề kỹ thuật. sau vụ hard fork The DAO (Sẽ được đề cập tới ở phần dưới bài viết) gây tranh cãi trên cộng đồng và hàng loạt vụ hack Dapp, Wilcke đã thất vọng rời đi.
- Joseph Lubin: Joseph Lubin là một doanh nhân người Mỹ gốc Canada. Ông cũng đồng thời là một kỹ sư phần mềm, thậm chí cả sản xuất âm nhạc. Joseph Lubin thành lập công ty Consensys, hỗ trợ về mọi mặt cho các công ty blockchain khác, trong đó rất nhiều sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái Ethereum.
- Amir Chetrit: Là đồng nghiệp của Vitalik trong công ty khởi nghiệp Coloured Coins trước khi Vitalik sáng lập Ethereum, cuối năm 2013 được Vitalik mời tham gia vào công cuộc khai sinh Ethereum nhưng đã từ chức do thiếu sự đóng góp.
- Anthony Di lorio: Anthony là người đồng hành với Vitalik trong thời gian tìm hiểu về Bitcoin, sau này được Vitalik mời về cùng đồng sáng lập Ethereum. Nhưng không đồng hành lâu với Ethereum, ông trở thành giám đốc kỹ thuật số của Sở giao dịch chứng khoán Toronto. Năm 2018 nằm trong danh sách top 20 giàu có nhất thị trường tiền điện tử, theo Forbes.
Cách Ethereum Hình Thành Nên Một Thị Trường Phi Tập Trung
Các Dapp ban đầu được xây dựng với nhiều tính ứng dụng về tài chính, từ đó hình thành nên một thị trường Tài Chính Phi Tập Trung (Defi - Decentralized Finance ). Sau đó là sự xuất hiện và phát triển của NFT và GameFi, SocialFi,... là những ứng dụng khác có tính chất tương đồng với hệ thống trò chơi điện tử, mạng xã hội truyền thống nhưng cộng thêm yếu tố tài chính, yếu tố phi tập trung vào đó. Rất nhiều sản phẩm cùng được xây dựng trên Ethereum và cùng có thể "giao tiếp" với nhau, dẫn đến việc người ta thường gọi Ethereum là một hệ sinh thái (Ethereum Ecosystem), ý nói tới một mạng lưới các công nghệ, dịch vụ và sản phẩm có liên kết với nhau.
Sự xuất hiện của các ứng dụng mang tính sáng tạo, đổi mới cao trên Ethereum luôn thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng và đồng thời đem lại một nguồn vốn dồi dào cho hệ sinh thái của Ethereum.
Cho tới giờ thì lại xuất hiện thêm một vài khái niệm nữa có liên quan tới những thứ được nhắc ở trên ví dụ như Web3 hay Metaverse, những khái niệm này vẫn còn nằm ở giai đoạn ý tưởng và rất mơ hồ.
Tới đây thì hãy cùng xem xét qua những cơn sốt về công nghệ - tài chính mà người ta đã tạo ra trên Ethereum.
DeFi - Decentralized Finance
DeFi là một hệ thống tài chính mở, phi tập trung, là tập hợp của nhiều sản phẩm và dịch vụ về tài chính. Trước khi xuất hiện smartcontract platform khác cạnh tranh trực tiếp với Ethereum, DeFi được người ta hiểu theo nghĩa hẹp là tất cả những sản phẩm và dịch vụ về tài chính trên hệ sinh thái của Ethereum. Nhưng cho tới giờ, khi mà các blockchain khác cũng đều xây dựng cho mình một cái "DeFi" riêng, sau đó thị trường đã tìm cách để thanh khoản có thể chảy từ blockchain này qua blockchain khác thì DeFi đã tròn nghĩa hơn. Theo đó thì Bitcoin có thể được coi là một viên gạch đầu tiên, cơ bản nhất của DeFi.
DAO - Decentralized Autonomous Organization
Theo nghĩa hẹp, có thể hiệu DAO là một giao thức được xây dựng trên một smart contract platform như Ethereum. Là một tổ chức, nhưng không có bộ phận trung ương, tức là không có người hoặc nhóm đứng đầu để điều hành và quản lí, thay vào đó được điều hành bởi các bộ quy tắc được mô tả bởi smart contract, hoàn toàn minh bạch. DAO hoạt động theo quá trình đề xuất và biểu quyết để đảm bảo mọi người trong tổ chức đều có quyền lực và mọi hoạt động diễn ra minh bạch.
Dự án DAO thành công nhất là MakerDAO, một nền tảng vay và cho vay phi tập trung, xây dựng trên Ethereum. Được quản trị bởi một DAO mà các thành viên là tất cả các MKR holder.
Stablecoin - Coin ổn định
Stablecoin là loại crypto có tính chất giống như BTC hay ETH, tuy nhiên nó không có biến động về giá. Phát minh ra Stablecoin là cần thiết và có lẽ là một xu hướng tất yếu đối với thị trường crypto vì người ta sẽ không chấp nhận việc chỉ giao dịch, thanh toán bằng các loại tài sản không ổn định về giá như BTC hay ETH.
DAI là stablecoin phi tập trung nổi tiếng nhất được phát hành bởi MakerDAO là một DAO build trên Ethereum. Giá trị của nó được neo vào tỷ giá của một đồng US Dollar và DAI được chấp nhận sử dụng rộng rãi trên hệ sinh thái các Dapp của Ethereum.
NFT (Non-Fungible Token)
NFT (Non – Fungible Token) là một trong những ứng dụng mới nhất của Blockchain. Tuy rằng chúng ta thường thấy NFT xuất hiện nhiều trên Ethereum bắt đầu từ năm 2017, nhưng những sản phẩm có công nghệ và ý tưởng tương tự đã xuất hiện ở một vài Blockchain khác từ trước đó vài năm. Nói cách khác thì các dự án trên Ethereum đã thành công trong câu chuyện kinh tế hóa NFT, giúp định nghĩa về NFT trở nên rõ ràng hơn và làm người ta biết đến NFT rộng rãi hơn.
Mục đích cốt lõi của công nghệ này là sử dụng để chứng nhận tính xác thực và quyền sở hữu một thông tin nào đó. Như đã được nhắc tới ở tập 1 thì thông tin này có thể là văn bản, hình ảnh, âm thanh,... Bài viết này không bàn luận về vấn đề kỹ thuật của NFT, không chứng minh mà thừa nhận các tính chất của NFT là có khả năng chống giả mạo, phá hủy hoặc sao chép. Dựa trên những tính chất đó, tất nhiên là còn rất rất nhiều ứng dụng khác, nhưng tiêu biểu, NFT trở thành một giải pháp phù hợp cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các ấn phẩm nghệ thuật hội họa ở dạng hình ảnh.
Vào năm 2017, một dự án do Dapper Labs build trên Ethereum có tên là CryptoKitties đã đánh dấu dấu mốc cho sự công nhận rộng rãi của thế giới đối với NFT. Dù chỉ là một bộ sưu tập các hình ảnh các chú mèo hoạt hình, mặc dù trông không có ấn tượng gì về mặt thẩm mỹ, nhưng đã có những NFT được giao dịch với giá hàng trăm ngàn USD. Sau sự xuất hiện của CryptoKitties, rất nhiều dự án phát hành những bộ NFT tương tự cũng mọc lên và biến NFT thành một xu hướng mới, thậm trí cho tới giờ NFT đã phát triển thành một thị trường tách biệt với crypto.
Một sự kiện chấn động về NFT có thể được ghi vào lịch sử là vào ngày 11 tháng 3 năm 2021, một họa sĩ với nghệ danh Beeple đã bán thành công một bức ảnh nghệ thuật được NFT hóa của mình với giá hơn 42 ngàn ETH tương đương 69,3 triệu USD lúc bấy giờ.
Cho tới nay, tuy đã có sự cạnh tranh về thị phần từ các blockchain khác như Solana, Polygon, Avalanche, song phần lớn các dự án NFT sử dụng Ethereum blockchain để tạo, lưu trữ và phân phối NFT.
GameFi - Play To Earn
GameFi hay Game NFT là các tựa game ứng dụng NFT trong việc bảo đảm quyền sở hữu vật phẩm của người chơi trong trò chơi, đồng thời kết hợp yếu tố gameplay với một mô trả thưởng bằng các token để khuyến khích người chơi, từ đó sinh ra khái niệm Play To Earn (P2E) - chơi để kiếm tiền. Các giao dịch (hoặc các tác vụ khác) trong game được thực thi trên blockchain để thừa hưởng các tính chất mà blockchain có thể cung cấp.
Trào lưu GameFi được bắt nguồn từ dự án game Axie Infinity do hãng game Sky Mavis phát triển, một trò chơi về thu thập và nuôi dưỡng những sinh vật tưởng tượng có tên là Axie. Tựa game đã có thành công lớn trong việc thu hút người chơi, có lúc đã vượt qua con số 1 triệu tài khoản hoạt động mỗi ngày. Trên thực tế đã có rất nhiều người nâng cao được vị thế của mình trên thị trường hay thậm chí là đổi đời nhờ đầu tư vào Axie Infinity. Sau thành công đó, rất nhiều dự án khác làm ra với mô hình tương tự, hình thành nên một trào lưu GameFi đối với cả các nhà phát triển và các nhà đầu tư.
ETH Tokenomic
ETH có các quy định phức tạp về phân bổ nguồn cung, có nhiều công dụng khác nhau nên khi đi phân tích về ETH, cần đề cập tới một khái niệm mới hơn là Tokenomic.
Tokennomic của một Coin hay Token, là sự kết hợp giữa hai khái niệm Token và Economic, hiểu đơn giản là mô hình kinh tế xoay quanh đồng Coin/Token đó.
Block Reward
ETH là phần thưởng cho các node khi tạo khối mới và xác thực các giao dịch, đưa các giao dịch vào khối. Từ khi mainnet vào 30 tháng 7 năm 2015 cho tới 15 tháng 9 năm 2022, Ethereum blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work tương tự Bitcoin nên phần thưởng khối dành cho đội thợ đào. Sau ngày 15 tháng 9, Ethereum blockchain sử dụng cơ chế động thuận Proof of Stake, phần thưởng khối dành cho các Validator node đã stake 32ETH vào giao thức đồng thuận.
Tổng cung ETH
ETH không có giới hạn về tổng cung. Trong đợt Crowdsale năm 2014, 72 triệu ETH đã được bán và vào năm 2015 đã được trả về tay của cộng đồng, của quỹ, của các nhà phát triển dự án hết rồi. Lượng cung ETH lưu hành trên thị trường có thể theo dõi tại Coinmarketcap hoặc Coingecko, hiện tại đang khoảng hơn 120 triệu ETH.
Tuy không có giới hạn về tổng cung nhưng ETH cũng chỉ được sinh ra bởi blockreward và tốc độ lạm phát của ETH là ~0.52% không được coi là nguy hiểm đối với giá.
Gas Fee
Gas là khoản phí trả cho những nỗ lực tính toán cần thiết để thực hiện các hoạt động cụ thể trên mạng Ethereum. Vì mọi hoạt động đơn lẻ trên Ethereum đều được thực hiện đồng thời bởi mọi node đầy đủ do đó nó yêu cầu năng lượng tính toán lớn để thực hiện, nên hệ thống cần người dùng gánh khoản chi phí đó.
Đơn vị của đại lượng gas là ETH hoặc gwei, 1 gwei = 10-9 ETH = 109 wei. Đơn vị gwei sinh ra chỉ để thuận tiện hơn cho việc đọc chi phí giao dịch của user.
Tài sản thế chấp trong các giao thức Lending
ETH được chấp nhận sử dụng làm tài sản thế chấp trong hoạt động lending trong hầu như tất cả các giao thức lending hiện có, trên hầu như tất cả hệ sinh thái. Điều này đồng thời chứng tỏ và gia tăng tính thanh khoản mạnh mẽ hàng đầu của ETH trong thị trường crypto.
Đơn vị thanh toán cho giao dịch NFT
ETH được sử dụng làm đơn vị thanh toán cho việc giao dịch NFT trên các NFT Marketplace như Opensea hoặc các Marketplace on-app của các dapp GameFi được build trên Ethereum.
Vị thế của ETH trên thị trường crypto
Thị trường Crypto trước đây bị thống trị gần như tuyệt đối bởi BTC của Bitcoin blockchain. Dẫu rằng từ ngày xưa thì XRP của Ripple hay ADA của Cardano cũng có một cộng đồng lớn chấp nhận nhưng kỷ nguyên thống trị đến hơn 90% vốn hóa thị trường của BTC đã kéo dài cho tới khi Ethereum phát triển mạnh mẽ và kéo theo sự tăng trưởng vượt trội của đồng coin ETH.
Cho tới giờ thì tỉ lệ vốn hóa của ETH trên toàn bộ vốn hóa của thị trường (hay ETH Dominance) là khoảng 20%, với thời điểm đỉnh cao là 24% vào năm 2017, luôn đứng thứ 2 về vốn hóa trong thị trường. Vấn đề không chỉ nằm ở việc ETH đã bớt đi được 20% trong tỉ lệ thống trị của BTC, mà còn nằm ở việc từ sau sự phát triển của Ethereum thì nhiều dự án blockchain chất lượng khác được xây dựng trên Ethereum, nhiều blockchain khác lấy ý tưởng từ Ethereum được sinh ra và vốn hóa thị trường cũng được phân đều cho các dự án đó, tức là dòng tiền đã có chỗ để chảy vào, điều đó làm thế giới tiền điện tử sôi động hơn rất nhiều.
Ethereum - Lịch Sử Phát Triển Và Tương Lai
Sau khi Mainnet vào ngày 30 tháng 7 năm 2015 cho tới nay, Ethereum blockchain vẫn không ngừng triển khai những đợt nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ cho tầm nhìn dài hạn, ngoài ra giao thức còn tiếp nhận các đề xuất thay đổi, cải tiến cơ sở hạ tầng đến từ cộng đồng thông qua EIP - Ethereum Improvement Proposals.
Trong đó có nhiều sự kiện thay đổi, nâng cấp và các đợt fork đã mang lại những bước ngoặt to lớn. Trong ngành công nghệ thông tin thì Fork là để chỉ hiện tượng các dự án phần mềm mã nguồn mở (mã nguồn mở đề cập tới việc cấu trúc code của phần mềm được công khai và có thể được bất kỳ ai sao chép mà không bị dính dáng tới vấn đề bản quyền) được sao chép và bản sao được thay đổi và phát triển. Đối với blockchain, hiểu đơn giản thì fork là hiện tượng xảy ra gây thay đổi những quy tắc code nằm trong cơ sở hạ tầng của một blockchain. Có hai loại fork lần lượt là Hard fork: những đợt fork làm xuất hiện thêm một chuỗi khối mới, tồn tại đồng thời với chuỗi khối cũ; Soft fork là những đợt fork mà chain cũ sẽ bị khai tử, chỉ chain mới hoạt động và được coi như là chuỗi chính.
The DAO Hard fork
The DAO là tên của một DAO được build (Không phải sản phẩm của Ethereum Foundation) trên Ethereum vào năm 2016. The DAO hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm, tiền vốn đến từ sự đóng góp của cộng đồng và quản trị phi tập trung theo cơ chế bỏ phiếu của một DAO. The DAO đã sớm nổi tiếng và huy động được một số tiền lớn khoảng 150 triệu USD giá trị ETH của khoảng 11.000 người tham gia.
Tuy nhiên một Hacker đã khai thác được một lỗ hổng và đánh cắp 3.6 triệu ETH từ The DAO vào một DAO khác có cấu trúc kỹ thuật sao chép từ The DAO. Sau FUD đó Ether đã giảm một mạch từ 20$ xuống dưới 13$. Số tiền bị đánh cắp có thể trở nên lớn hơn nữa một cách dễ dàng nhưng Hacker đã tự dừng lại hành động của mình khi có một đề xuất của Vitalik Buterin về một Soft fork cho Ethereum, có nội dung chính là yêu cầu đội thợ đào không xác thực bất cứ giao dịch nào liên quan tới số tiền bị đánh cắp. Dù là đề xuất từ Vitalik - cha đẻ của Ethereum nhưng nó vẫn cần sự chấp thuận của phần lớn cộng đồng, kết quả là đề xuất không được thông qua.
Sau đó là một đề xuất mạnh mẽ hơn, đề cập tới một Hard fork cho Ethereum blockchain. Không đề cập sâu tới góc độ kỹ thuật, Hard fork nay có thể tạo ra một Blockchain quay ngược lại lịch sử của Ethereum trước khi cuộc tấn công vào The DAO diễn ra và tái phân bổ ETH của The DAO vào một smart contract mới, smart contract chỉ có đúng một chức năng giúp các holder của token DAO (Token của The DAO) rút ETH ra.
Đề xuất này có vẻ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư vào The DAO, nhưng nó vi phạm vào một trong những nguyên tắc cốt lõi, tôn chỉ của blockchain là "Không thay đổi lịch sử dữ liệu". Đã có rất nhiều tranh cãi về Hard fork này nhưng nó vẫn diễn ra vào ngày 20 tháng 7 năm 2016 , từ một blockchain ban đầu tách thành 2 blockchain, cái cũ được gọi là Ethereum Classic với đồng coin ETC, cái mới là Ethereum với ETH. Các nâng cấp sau này trên Ethereum không liên quan gì tới Ethereum Classic, giống như hai blockchain riêng biệt hoàn toàn. Cho tới nay, chưa có một trường hợp nào tương tự như vậy xảy ra trên Ethereum nữa.
Byzantium Soft fork
Từ khi mainnet cho tới ngày 15 tháng 9 năm 2022, Ethereum blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work. Nhưng Vitalik đã ấp ủ kế hoạch chuyển đổi cơ chế đồng thuận của Ethereum thành Proof of Stake ngay từ những ngày đầu tiên phát triển Ethereum. Giao thức đã được thiết lập một bomb độ khó trong việc khai thác block mới Ethereum, dẫn đến blocktime lâu hơn hơn bình thường và do đó trả ít phần thưởng ETH hơn cho người khai thác, khiến cho các Miner ngày càng mất kiên nhẫn hơn để tạo block và cuối cùng là từ bỏ việc đó, tức là ngăn chặn sự hoạt động của cơ chế đồng thuận Proof of Work (Kỷ băng hà đối với Ethereum PoW) sau khi Ethereum đã thay đổi cơ chế đồng thuận Proof of Stake. Ngoài ra, đó cũng là một cách ép KPI để các Dev làm việc chăm chỉ sao cho có thể nâng cấp Ethereum đúng theo roadmap.
Đợt Soft fork vào ngày 15 tháng 10 năm 2017 mang tên Byzantium đã thiết lập lại thời điểm mà kỷ băng hà của Ethereum PoW diễn ra do các nhà phát triển đã không thể đảm bảo Ethereum đi theo lịch trình nâng cấp đặt ra từ trước. Đợt soft fork đồng thời làm giảm block reward từ 5 ETH/Block xuống còn 3 ETH/Block, điều này làm cho Ethereum có vẻ khan hiếm hơn, tuy nhiên lại là áp lực đối với đội thợ đào khi phần thưởng khối giảm làm giảm doanh thu trong ngắn hạn.
London Update
Bản update mang tên London Update thực hiện vào ngày 05 tháng 8 năm 2021 có 2 nội dung đáng nói nhất là việc thông qua đề xuất EIP-1559: thực hiện cơ chế đốt một phần ETH trong phí gas của tất cả hoạt động diễn ra trên chuỗi; và EIP-3554 lại là một đề xuất nữa đưa ra để trì hoãn Difficult Bomb để kỷ băng hà không diễn ra trước The Merge.
Đốt ETH là hành động một phần của gas fee được gửi đến một Dead Address. Địa chỉ này nó giống như một ví, nhưng khác cái là nó được lập trình để không thể rút được tài sản trong đó ra. Lượng ETH được gửi vào đây trên lý thuyết là vẫn tồn tại, nhưng không thể được lưu thông trên thị trường nên coi như đã bị xóa sổ. Người ta tính toán rằng về lâu dài, ETH sinh ra bởi block reward sẽ trở nên ít hơn so với lượng ETH được đốt đi trong cùng một khoảng thời gian, tạo nên cơ chế giảm phát, điều này đảm bảo rất tốt giá trị cho ETH về lâu về dài.
Senerity Update - Ethereum 2.0
Quá trình nâng cấp mang tên Senerity nhằm nâng cấp phiên bản Ethereum cũ lên một phiên bản mới với nhiều sự thay đổi và gọi nó là Ethereum 2.0. Quá trình này diễn ra theo 3 mốc quan trọng:
- The Beacon Chain: Beaconchain là tên của blockchain được tạo ra và hoạt động vào ngày 1 tháng 12 năm 2020, là blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake, nó có nhiệm vụ chính là kích hoạt một smart contract cho phép người ta stake ETH vào đó. Sự hoạt động của Beaconchain không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Ethereum PoW, nó chỉ có nhiệm vụ đảm bảo rằng cơ chế PoS hoạt động an toàn trước khi hợp nhất với Ethereum PoW và chính thức trở thành lớp đồng thuận trong Ethereum PoS.
- The Merge: Sự hợp nhất Beaconchain với Ethereum blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work, đã diễn ra vào ngày 15 tháng 9 năm 2022. Sau sự kiện The Merge, không còn Beaconchain và Ethereum blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận PoW nữa mà chỉ còn một Ethereum blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận PoS.
- Sharding: Quá trình này vẫn chưa xảy ra, nhưng trên lý thuyết, nó giúp Ethereum chia nhỏ gánh nặng xử lý lượng lớn dữ liệu bằng cách thay vì xử lý tất cả hoạt động trên một chain duy nhất thì phân phối đều sang 64 chain khác cùng đồng thời xử lý. Vẫn khá mơ hồ khi cố gắng giải thích quá trình này dưới góc độ kỹ thuật nên cần phải đợi sự ra mắt chính thức của nó trong tương lai để có thể hiểu được hoàn toàn.
Tóm lại, Senerity Updates là cả một quá trình hướng đến một Ethereum blockchain có khả năng mở rộng tốt hơn và giải quyết được vấn đề tiêu tốn năng lượng (thân thiện hơn). Quá trình này tuy chưa hoàn thiện nhưng khi các cột mốc quan trọng của nó đều là những sự kiện có tác động lớn tới hệ sinh thái của Ethereum nói riêng và toàn bộ thị trường crypto nói chung.
Các phiên bản update sau The Beaconchain update thì hầu như toàn là Soft fork với mục đích trì hoàn bomb độ khó. Tính ra thì cái kỷ băng hà này đã bị hoãn tới 6 lần trong 5 năm. Từ case này chúng ta thấy rằng một dự án lớn như Ethereum với dàn dev hùng hậu và bề dày lịch sử phát triển, một cộng đồng user lớn cũng không tránh khỏi việc bị delay trong roadmap, thì việc delay roadmap hay thậm chí là thay đổi cả roadmap của dự án trong thị trường crypto này cũng là việc thường xuyên xảy ra.
PoS Consensus
Trong bài cũng đã nhắc nhiều tới PoS Consensus, vậy thì hãy cùng đi xem xét xem cơ chế đồng thuận này hoạt động như thế nào và có khác biệt gì so với PoW của Bitcoin đã được giải thích ở tập trước của Series.
Quay lại PoW một chút, với cơ chế đồng thuận PoW, các node phải thi đua tìm ra giá trị Nonce trong block header của block hiện tại để có quyền tạo block mới và nhận về một lượng incentive bằng BTC.
Với Proof of Stake, không có quy định độ khó cho việc tạo block mới. Các node ngẫu nhiên sẽ được hệ thống tự động đề xuất tạo block, tất cả node trong mạng lưới cùng đồng ý thêm block mới vào chuỗi bằng cách voting cho block đó, với quyền vote dựa trên lượng ETH mà họ Stake, block nào được bầu chọn nhiều nhất sẽ chính thức được coi là block hợp lệ về tất cả thông tin giao dịch mà nó chứa và được thêm vào chuỗi. Cụ thể, một node cần stake ít nhất 32 ETH để có thể trở thành validator cho mạng lưới.
Các voter đã vote cho những block không được chọn sẽ bị trừ đi một phần lượng stake của mình như một hình phạt, áp lực này sẽ khiến cho các node làm việc cẩn trọng hơn và giúp mạng lưới làm việc theo một xu hướng thống nhất hơn, tránh các trường hợp cố gắng tổ chức vote cho một block sai nào đó. Các validator đã vote cho block cuối cùng được chọn sẽ hưởng phần phí giao dịch mà tổng tất cả các giao dịch được ghi trong block đó mang lại.
Tình huống gặp phải ở đây là hành động thao túng mạng lưới sẽ vẫn có thể diễn ra nếu một đơn vị nào đó tập hợp được 51% tổng cung ETH để trở thành một validator node. Tuy nhiên trên thức tế thì 51% tổng cung đó tương đương hơn 60 triệu ETH, là một con số rất lớn mà không dễ gì một node có thể sở hữu. Hoặc nếu như tình huống khác là các node thông đồng với nhau để cùng vote cho một block sai, trong một bài đăng trên Medium vào năm 2016 thì Vitalik tính toán rằng nó cũng sẽ tốn một nguồn lực không nhỏ (Khoảng 50 triệu USD) và đồng thời đề xuất rằng cộng đồng chỉ cần thực hiện một cuộc Hard fork để hoạt động trên một Ethereum khác chưa bị ảnh hưởng bởi block sai và nỗ lực trị giá 50 triệu USD sẽ bay màu.
Stake ở đây là việc holder gửi ETH của mình cho một hợp đồng thông minh có chức năng "giữ hộ" ETH trong một khoảng thời gian nhất định. Dùng từ "Lock ETH" thì cũng đúng, vì ETH được đem đi stake thì không thể thực hiện chức năng nào khác.
Proof of Stake giải quyết được vấn đề mà Proof of Work gặp phải là vấn đề về năng lượng và tiền vốn để người ta tham gia vào mạng lưới node, vì không yêu cầu phần cứng mạnh nên một node có thể chỉ cần chạy trên một laptop thông thường. Việc mở rộng số lượng node sẽ khiến blockchain càng phi tập trung hơn. Ngoài ra, có nhiều tổ chức cũng hỗ trợ các user có số vốn nhỏ đóng góp ETH của mình trong một pool ETH để góp gạo thổi cơm chung, cùng nhau hưởng một phần nhỏ của tiền phí giao dịch.
Roadmap các phiên bản nâng cấp trong tương lai
Sau The Merge, Ethereum sẽ tập trung phát triển để đón chờ bản cập nhật Sharding, còn gọi là The Surge, và Vitalik đã tiết lộ theo sau đó là : The Verge, The Purge, The Splurge. Khi ấy Ethereum mới thực sự là đạt mục tiêu nâng cấp và đạt tốc độ xử lý 100.000 giao dịch trên giây, so với con số trung bình 15 giao dịch/giây hiện tại thì khó có thể tưởng tượng ra những bản nâng cấp đó sẽ đại tu Ethereum theo kiểu gì, và bao giờ thì mới xong.
Những Vấn Đề Còn Tồn Tại Của Ethereum Blockchain
Blockchain Trilema - bộ ba bất khả thi của một Blockchain
Có ba yếu tố ràng buộc giới hạn khả năng của một Blockchain, đó là tính phi tập trung - khả năng bảo mật - khả năng mở rộng. Một blockchain cũng chỉ có thể có thế mạnh về 2 trong 3, giống như không có món đồ nào vừa ngon - bổ - rẻ đồng thời.
- Phi tập trung là khi blockchain hoạt động được trên sự đồng thuận bởi nhiều node khác nhau và không có liên quan lợi ích với nhau (tránh trường hợp các node cùng thông đồng lại với nhau thì chả khác gì 1 node cả). Yếu tố phi tập trung đảm bảo không ai có thể đơn phương cố gắng thay đổi dữ liệu để có lợi hơn cho mình.
- Khả năng bảo mật/Tính an toàn đề cập tới việc blockchain đó có nền tảng công nghệ đủ tốt để không bị ảnh hưởng bởi các sự tấn công vào các lỗ hổng về kỹ thuật.
- Khả năng mở rộng đề cập đến việc một blockchain có thể thực hiện nhiều giao dịch mỗi giây và tốc độ xử lý một giao dịch phải đủ nhanh và đồng thời chi phí cho việc sử dụng dịch vụ trên blockchain phải đủ rẻ để có thể phục vụ quy mô nhiều người sử dụng.
Ethereum gặp phải vấn đề trong khả năng mở rộng ở chỗ nó có tốc độ xử lý giao dịch chưa đủ nhanh đến mức độ cần thiết và mọi người buộc phải bỏ nhiều tiền hơn để khiến giao dịch của mình được xử lý nhanh hơn, điều đó khiến chi phí trên Ethereum bị khuếch đại lên rất nhiều, gây cản trở đối trong công cuộc mở rộng hệ sinh thái sản phẩm và tệp người dùng.
Bản thân Ethereum cũng luôn có những sự thay đổi và nâng cấp nhằm gia tăng khả năng mở rộng của mình, nhưng mà nó là những giải pháp dài hạn cần thực hiện trong một thời gian dài và còn lâu mới hoàn thiện để sẵn sàng cho mọi người sử dụng. Tuy nhiên lượng người dùng hiện tại thì cũng đã là rất nhiều rồi nên vấn đề khả năng mở rộng của Ethereum cần được tập trung giải quyết ngay lập tức, và thế là các giải pháp mở rộng Ethereum: Layer 2 ra đời.
Layer 2 - Scaling solution
Layer 2 là thuật ngữ chung, chỉ tất cả các giải pháp mở rộng Ethereum nhưng không làm thay đổi cấu trúc Layer 1 là Ethereum. Một Layer 2 là một blockchain riêng biệt với Ethereum nhưng kế thừa khả năng bảo mật của Ethereum. Các Layer 2 khác nhau sẽ có những hướng phát triển khác nhau tùy vào tầm nhìn của mỗi đội ngũ phát triển nhưng đều có nhiệm vụ chính là giúp giảm tải công việc mà Layer 1 Ethereum phải làm.
Bắt đầu từ năm 2022, Layer 2 dường như trở thành một xu hướng mới, có nhiều dự án làm về Layer 2 đã trở nên nổi tiếng và thu hút được sự chú ý của cộng đồng, tuy rằng công nghệ vẫn còn mới và phần lớn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng nó cũng được sự công nhận từ chính Vitalik là những giải pháp hiệu quả, có khả năng đi đường dài.
Sự phát triển của các Layer 2 là tín hiệu tốt cho khả năng mở rộng của Ethereum. Nhưng ngược lại, nếu những phiên bản nâng cấp sau này của chính Layer1 Ethereum đã khắc phục được nhược điểm của nó thì sự cần thiết đến những Layer 2 có thể bị giảm xuống hoặc mất đi.
EVM Blockchain - hệ sinh thái của các hệ sinh thái
EVM blockchain là tên gọi cho các blockchain có khả năng tương thích với EVM. Sự nổi lên của các blockchain khác với nhu cầu tận dụng được cộng đồng user, cộng đồng dev và nguồn thanh khoản dồi dào có sẵn từ Ethereum đã sinh ra nhu cầu tích hợp khả năng tương thích EVM. EVM chain cũng là một xu hướng có thể coi là tất yếu của thị trường trong thời gian đầu, do các Blockchain mới sinh ra nếu chưa có công nghệ riêng mang tính đổi mới và đột phá thì rất khó cạnh tranh trực tiếp với Ethereum, việc tương thích với EVM không khác nào đứng trên vai người khổng lồ.
Trong khi EVM là công cụ để có thể xây dựng các Dapp và thực thi các smart contract trên mạng lưới Ethereum, "có khả năng tương thích với EVM" có ý nghĩa là các blockchain đó được thiết kế sao cho phù hợp với tiêu chuẩn mà EVM yêu cầu để có thể chạy các Dapp và hợp đồng thông minh của blockchain Ethereum. Các Dapp khi build trên Ethereum hay các EVM chain khác thì đều có giao diện như nhau, use case như nhau tuy nhiên phí giao dịch ở trên các EVM chain rẻ hơn nên đó là một lợi ích rất lớn đối với user.
Các layer 2 cũng có thể xếp vào loại EVM blockchain. Ngoài ra là những blockchain độc lập, những hệ sinh thái Dapp khác như Binance Smart Chain (một blockchain lớn đứng đằng sau bởi Changpeng Zhao (CZ), ông chủ sàn giao dịch crypto Binance - người giàu nhất thị trường crypto), Polygon, Avalanche, Fantom,...
Ethereum Killers - Các blockchain cạnh tranh trực tiếp với Ethereum
Gọi là Ethereum Killers, một cách vui vẻ thôi, nhưng dễ hiểu và đúng với lý tưởng của các blockchain không có tương thích EVM (Non - EVM Blockchain), không phải họ không làm được điều đó về mặt kỹ thuật, mà các blockchain này nói "không" với việc tương thích EVM. Điểm khác biệt dễ hiểu nhất về mặt công nghệ là chúng không sử dụng ngôn ngữ lập trình Solidity mà Ethereum dùng.
Tất nhiên họ phải có cái gì đấy hơn Etheruem thì mới dám cạnh tranh, ví dụ như Solana thì có khả năng thực thi vượt trội về số lượng và tốc độ các giao dịch hoặc với Cardano thì có một mô hình Tokenomic được giới thiệu là có lợi hơn cho holder đồng coin ADA của nó (cộng với sự vượt mặt Ethereum về tốc độ giao dịch), ... và còn đa dạng những đổi mới khác từ các blockchain khác.
Mặc dù Ethereum vẫn đứng đầu mọi mảng trong thị trường và là cái nôi của gần như tất cả các xu hướng có thể đón được dòng tiền của thị trường, nhưng với sự xuất hiện của các Ethereum Killers thì miếng bánh đang có xu hướng được phân chia ra cho nhiều bên hơn.
Vấn đề về pháp lý
Bên cạnh vấn đề về công nghệ, Ethereum cũng gặp phải nhiều cản trở về vấn đề pháp lý. Đáng nói tới nhất là khi Ethereum chuyển sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake, ETH đứng trước nguy cơ bị SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) xem như là một chứng khoán, dựa vào đó SEC còn đòi quản lí tất cả giao dịch trên Ethereum theo luật chứng khoán Hoa Kỳ với lí do phần lớn node trong mạng được đặt tại Mỹ. Không chỉ chủ tịch SEC - ông Gensler còn cho rằng hầu hết các loại tiền điện tử là chứng khoán, rất mạnh tay trong việc đưa ra các đề xuất quyền quản lí đối với tiền điện tử.
Mặc dù các Public blockchain có thể hoạt động nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính phủ bất kỳ nước nào, điều này mang lại khả năng "Tự do" hơn cho các hình thức hoạt động tài chính. Nhưng yếu tố phi chính phủ ở đây mang lại những rủi ro về lừa đảo, thao túng giá cả và rửa tiền. Vậy nên sự quản lí của một chính phủ nào đó đối với Ethereum, ví dụ là Hoa Kỳ cũng có thể đem lại những tích cực nhất định, song đây vẫn còn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Tổng Kết
Tuy trải qua nhiều biến cố nhưng cho tới giờ Ethereum vẫn là blockchain hoạt động lâu đời nhất một cách hiệu quả (chỉ sau Bitcoin blockchain). Giới hạn của Ethereum không hạn chế như Bitcoin, vì nó cho phép con người sáng tạo trên đó, mà sự sáng tạo của con người ta thì vô cùng lắm, nên Ethereum còn có thể phát triển, còn có thể bùng nổ theo những cách khác nữa.
Tiềm năng của Ethereum không chỉ nằm ở đồng coin ETH, mà nằm ở cả một hệ sinh thái sôi động của nó, nơi có thể đem đến những cơ hội lớn cho việc đầu tư. Vậy nên khi tham gia vào thị trường thì nên phân tích kỹ lưỡng và theo dõi sát sao hệ sinh thái của Ethereum để nhận thấy được tiềm năng của nó, hiểu về Ethereum rồi sau đó mới tính đến việc đi tìm hiểu các blockchain đối thủ khác thì mình nghĩ đó là lộ trình hợp lí cho các bạn mới tham gia thị trường.
Nội dung của bài viết không phải là toàn bộ về Ethereum, nó là tổng quan về những điều cơ bản nhất mà bạn cần biết khi bắt đầu đi tìm hiểu về Ethereum. Trong bài viết có những thuật ngữ chưa được giải thích tuy nhiên sẽ được làm rõ ở trong các tập sau của Series.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- OpenLayer Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenLayer - November 20, 2024
- Hermetica Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Hermetica - November 20, 2024
- Gevulot Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gevulot - November 19, 2024