Kể từ khi đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Mỹ đã phải đối mặt với những biến động lớn, từ lạm phát tăng cao, sự suy yếu của chuỗi cung ứng đến những bất ổn trong thị trường lao động. Với mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có việc nâng lãi suất liên tục nhằm kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, hiện tại, với các chỉ số kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp, số lượng việc làm mới và lạm phát đang có sự thay đổi đáng kể, câu hỏi đặt ra là liệu Fed có thể "hạ cánh mềm" nền kinh tế một cách an toàn hay sẽ dẫn đến một cuộc "hạ cánh cứng" với suy thoái sâu. Bài viết này sẽ phân tích các chỉ số kinh tế quan trọng và các dấu hiệu hiện tại để đánh giá triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Xác Suất Bao Nhiêu Phần Trăm Để FED Hạ Lãi Suất
Những áp lực từ chỉ số thất nghiệp và số lượng việc làm
Chúng ta hãy nhìn lại tổng thế các chỉ số bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, số liệu việc làm được tạo ra hay chỉ số lạm phát là những con số ảnh hưởng, áp lực đến việc ra quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Báo cáo ngày 6/9 từ Cục Thống kê Lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, khu vực phi nông nghiệp nước này đã tạo ra 142.000 việc làm mới trong tháng trước, trong khi số liệu việc làm tháng 7 được điều chỉnh giảm còn 89.000. Trong một khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế kỳ vọng con số việc làm mới trong tháng 8 sẽ đạt 160.000 và số liệu điều chỉnh của tháng 7 sẽ là 114.000. Như vậy, số liệu thực tế của cả hai tháng đều thấp hơn so với dự báo.
Ở chiều hướng ngược lại tỷ lệ thấp nghiệp tại Mỹ sau khoảng thời gian tăng liên tục từ mức 3.4% lên mức 4.3% đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ 0.1% (số liệu mới nhất công bố cùng thời điểm 06/09). Mặc dù có sự tăng trưởng như vậy nhưng tỷ lệ thấp nghiệp tại Mỹ vẫn đang ở mức chấp nhận được.
Ngoài ra, chỉ số tiêu dùng tại Mỹ (lạm phát) đang có đà giảm liên tục trong thời gian qua khi giảm từ mức 3.5% về mức 2.9% (vào tháng 8/2024) và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2.6% (ngày công bố dự kiến là 11/09/2024). Tuy nhiên, con số 2.9% vẫn chưa phải là một con số tốt cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên với việc số lượng việc làm được tạo ra đang có xu hướng giảm từ đó những chỉ số về thất nghiệp có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn bởi vì thường chỉ số về thất nghiệp sẽ đi sau chỉ số về số lượng việc làm được tạo ra nên khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những hành động trong thời gian sắp tới.
Jerome Powel: "Đã đến lúc phải hành động"
Trong Hội nghị thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ), chủ tịch Mỹ FED ông Powell đã chia sẻ trực tiếp rằng: "Đây là thời điểm thích hợp để Fed xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi lạm phát ở Mỹ đã giảm đáng kể và thị trường lao động đang dần ổn định, với các điều kiện hiện tại ít căng thẳng hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã dần được giải quyết, và sự cân bằng rủi ro giữa hai mục tiêu của chúng tôi – kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – đã có sự thay đổi." Tuy nhiên trong bài phát biểu của mình thì ông Powel không nhắc tới thời điểm chính xác mà FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất.
Tuy nhiên với áp lực đến từ việc số việc làm mới đang có sự suy giảm nhanh chóng thì nhiều thông tin, phân tích cho rằng FED hạ lãi suất trong ngay tháng 9 này. Và bây giờ các nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ về việc liệu FED sẽ giảm 0.25 hay 0.5 điểm cơ bản. Với việc FED chỉ phải đối đầu với số lượng việc làm bị giảm đi mà không gặp áp lực về tỷ lệ thất nghiệp hay chỉ số tiêu dùng (lạm phát) nên khả năng cao FED sẽ giảm 0.25 điểm cơ bản.
Liệu Mỹ Sẽ Hạ Cánh Cứng Hay Hạ Cánh Mềm?
Các chỉ số cần theo dõi
Chỉ số | Thông tin chỉ số |
---|---|
Lạm phát (Inflation - CPI, PCE) | Lạm phát cao là mục tiêu chính mà Fed đang cố gắng kiểm soát bằng cách điều chỉnh lãi suất. Nếu lạm phát không giảm, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất, dẫn đến nguy cơ hạ cánh cứng. Nếu lạm phát giảm mà không gây suy thoái, khả năng hạ cánh mềm sẽ cao hơn. |
Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate) | Tỷ lệ thất nghiệp cho thấy sức khỏe của thị trường lao động. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể, đó là dấu hiệu suy thoái kinh tế tiềm ẩn và có thể dẫn đến hạ cánh cứng. Nếu tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định, Fed có thể sẽ giảm lãi suất mà không lo ngại gây thêm áp lực lên thị trường lao động, ủng hộ kịch bản hạ cánh mềm. |
Tăng trưởng GDP (GDP Growth Rate) | GDP là thước đo tổng thể về tăng trưởng kinh tế. Nếu GDP tiếp tục tăng trưởng mạnh, khả năng hạ cánh mềm sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu GDP giảm liên tục, điều này có thể dẫn đến hạ cánh cứng, đặc biệt trong bối cảnh Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ. |
Số lượng việc làm mới (Non-Farm Payrolls) | Số lượng việc làm mới là chỉ số sớm của tình trạng thị trường lao động. Nếu số việc làm mới giảm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên trong tương lai, tạo áp lực lên nền kinh tế và làm tăng khả năng hạ cánh cứng. |
Đường cong lợi suất (Yield Curve) | Một đường cong lợi suất đảo ngược (lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn) thường là chỉ báo mạnh mẽ về suy thoái kinh tế trong tương lai. Nếu đường cong lợi suất đảo ngược, nguy cơ hạ cánh cứng sẽ cao hơn. |
Thu nhập Cá nhân (Personal Income) | Thu nhập cá nhân được coi là mức thu nhập cá nhân của người dân cũng có tác động trực tiếp đến khả năng và mức độ chi tiêu. |
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân (Personal Saving Rate | Tỷ lệ tiết kiệm thấp cho thấy người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, nhưng nếu có bất kỳ cú sốc kinh tế nào, khả năng tài chính của người tiêu dùng sẽ bị đe dọa, dẫn đến hạ cánh cứng |
Lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, GDP, và số lượng việc làm mới là những chỉ số quan trọng nhất trong việc xác định khả năng hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng. Các chỉ số như đường cong lợi suất, tăng trưởng tiền lương, và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng rất quan trọng vì chúng phản ánh các yếu tố kinh tế dài hạn và ngắn hạn.
Phân tích các chỉ số sức khỏe nền kinh tế
Chỉ số GDP tại Mỹ
Đầu tiên, việc nhanh chóng hành động lần này là điều cực kì quan trọng, trong bối cảnh khi lạm phát mặc dù vẫn ở mức cao nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát của FED, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức chưa thật sự đáng lo ngại, chỉ có một điểm lo ngại duy nhất là số lượng việc làm mới đang giảm. Ngay lúc này thì FED đã có những hành động về giảm lãi suất, việc giảm lãi suất kịp thời có thể giúp các doanh nghiệp trở nên dễ thở hơn từ đó giải quyết bài toán về số lượng việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp về lại mức thấp.
Bên cạnh đó, GDP tại Mỹ trong Quý 2/2024 đã có sự tăng trưởng ấn tượng trở lại đạt mức 3% sau 2 quý giảm liên tiếp, nên nhớ rằng GDP của Mỹ vào Quý 2/2024 đã có sự tăng trưởng hơn gấp đôi với quý 1/2024 với con số chỉ là 1.4%. Trong giai đoạn này, FED đã giữ lãi suất ở mức cao từ 2001 tới nay nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ấn tượng. Với sự tăng trưởng ấn tượng này đã làm bất ngờ rất nhiều nhà phân tích, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ mạnh hơn dự đoán. Các ngành mà người dân Mỹ chi tiêu khá nhiều như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, tiện ích và giải trí là các lĩnh vực hàng đầu.
Chỉ số thu nhập cá nhân
Xét đến một số các chỉ số khác liên quan đến người dân Mỹ bao gồm các chỉ số như chỉ số tiết kiệm cá nhân, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chỉ số thu nhập cá nhân.
Đầu tiên, chúng ta đến với chỉ số Thu nhập Cá nhân (Personal Income) đây được coi là mức thu nhập cá nhân của người dân cũng có tác động trực tiếp đến khả năng và mức độ chi tiêu. Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Trong suốt năm 2024 chỉ số này luôn giao động trong khoảng 0.2% - 0.5% hàng tháng được coi là tốt và ổn định. Nó cho thấy thu nhập cá nhân tăng trưởng phù hợp với sự phát triển kinh tế, và không quá nhanh gây lạm phát hay quá chậm ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu. Chỉ khi nào Dưới 0.2% hoặc âm: Đây có thể là dấu hiệu của suy giảm thu nhập, điều này có thể gây lo ngại về khả năng chi tiêu của người dân và có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Đặc biệt, khi chỉ số này liên tục ở mức thấp hoặc âm, nó cho thấy nền kinh tế có thể đang đối mặt với những thách thức lớn hơn.
Chỉ số tiết kiệm cá nhân
Tiếp theo chúng ta đến với chỉ số Personal Saving Rate (tỷ lệ tiết kiệm cá nhân) đo lường phần trăm thu nhập mà người dân Mỹ dành cho tiết kiệm sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt. Mức tiết kiệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của hộ gia đình cũng như tiềm năng chi tiêu trong tương lai. Từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số này liên tục giảm từ 4% vào tháng 1/2024 xuống mức 2.9% tại thời điểm tháng 7/2024. Để đánh giá chỉ số này:
- Nếu chỉ số quá cao (ví dụ như mức trên 10-15%), điều này có thể là dấu hiệu của sự lo ngại về tình hình kinh tế. Người dân có thể giảm chi tiêu và tập trung vào việc tiết kiệm để chuẩn bị cho tương lai khó khăn, điều này có thể gây ra suy giảm trong tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Ví dụ: Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hoặc đại dịch COVID-19, chúng ta có thể thấy mức tiết kiệm cao đột biến vì người dân cắt giảm chi tiêu và tích lũy tiền mặt để đối phó với sự bất ổn.
- Nếu chỉ số quá thấp (dưới 3%), điều này có thể là dấu hiệu của việc người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều, thậm chí có thể vay nợ để duy trì mức sống. Trong ngắn hạn, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng có thể tạo ra nguy cơ đối với sức khỏe tài chính của người dân trong dài hạn, dẫn đến khủng hoảng nợ tiêu dùng. Ví dụ: Trước khi xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính, tỷ lệ tiết kiệm thường giảm xuống rất thấp khi người dân tiêu dùng quá mức và dựa nhiều vào tín dụng.
- Mức tiết kiệm "tốt" và bền vững thường dao động khoảng 5-8%. Ở mức này, người dân có khả năng chi tiêu đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn duy trì được mức độ tiết kiệm hợp lý để đối phó với các tình huống khẩn cấp trong tương lai. Mức này cho thấy nền kinh tế hoạt động cân bằng, không quá phụ thuộc vào chi tiêu vay nợ, đồng thời người dân vẫn có đủ tài chính để dự phòng.
Theo FED thì tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trong tháng 7/2024 là 2.9%, mức này khá thấp so với mức trung bình dài hạn. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy người dân đang chi tiêu nhiều hơn so với tiết kiệm, điều này hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ngắn hạn nhưng có thể làm giảm khả năng tài chính dự phòng trong tương lai.
Chỉ số tiêu dùng
Tiếp theo chúng ta đến với Chỉ số tiêu dùng (PCE) dùng để đo lường giá trị hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng Mỹ mua trong một khoảng thời gian. Chỉ số này bao gồm nhiều loại chi tiêu như chi cho dịch vụ (y tế, giáo dục), hàng hóa (thực phẩm, quần áo), và cả chi tiêu không thường xuyên (ô tô, nhà cửa). Từ biểu đồ, có thể thấy rõ rằng chỉ số PCE đã duy trì một xu hướng tăng trưởng liên tục và ổn định trong suốt năm 2024. Ở tháng 7/2024, PCE đạt mức 19,580.5 tỷ USD, tăng từ mức 18,595.4 tỷ USD của tháng 7/2023. Đây là một sự tăng trưởng đáng kể, cho thấy mức chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng trưởng mạnh mẽ trong một năm qua.
Mức tăng ổn định của PCE phản ánh rằng người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì việc chi tiêu mạnh, bất chấp những yếu tố kinh tế có thể gây ảnh hưởng như lạm phát hay điều chỉnh chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này có thể phản ánh niềm tin tiêu dùng cao, mức thu nhập cá nhân ổn định hoặc cải thiện, và sự phục hồi mạnh mẽ sau các khó khăn từ đại dịch COVID-19 trong các năm trước.
Nên nhớ rằng PCE chiếm khoảng 60-70% GDP của Mỹ, sự tăng trưởng ổn định của chỉ số này trong năm 2024 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt. Chi tiêu tiêu dùng là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, và do đó, sự tăng trưởng của PCE trong năm 2024 có thể phản ánh sự phát triển tích cực của nền kinh tế Mỹ.
Từ các thông tin trên chúng ta có thể đưa ra một số những kết quả bao gồm:
- Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm dưới 3% cho thấy người dân đang chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Điều này có thể cho thấy người tiêu dùng đang sử dụng phần lớn thu nhập để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, thay vì tiết kiệm. Khi thu nhập cá nhân chỉ tăng ở mức vừa phải (0.2% - 0.5%) nhưng chi tiêu vẫn tăng, có thể suy ra rằng người dân có thể đang giảm tiết kiệm hoặc sử dụng các nguồn tài chính khác như vay nợ để duy trì mức sống hoặc tăng tiêu dùng.
- Người tiêu dùng có thể tự tin vào triển vọng kinh tế hoặc khả năng tài chính cá nhân trong tương lai, khiến họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Điều này có thể liên quan đến sự lạc quan về thu nhập trong tương lai hoặc sự tin tưởng vào chính sách tài chính, chẳng hạn như trợ cấp hoặc các biện pháp hỗ trợ khác từ chính phủ. Chỉ số PCE tăng trưởng phản ánh rõ ràng rằng người dân vẫn tiêu thụ ở mức cao, ngay cả khi khả năng tiết kiệm giảm đi.
- Mức tiết kiệm thấp dưới 3% là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe tài chính cá nhân trong dài hạn. Nếu có các cú sốc kinh tế bất ngờ (như tăng lãi suất mạnh hoặc suy giảm thị trường lao động), người tiêu dùng có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mức sống hiện tại vì không có đủ khoản tiết kiệm dự phòng.
Chỉ số đầu tư
Tiếp theo chúng ta sẽ đến với chỉ số Đầu tư (Investment). Trong Q2/2024, GPDI đạt mức 5,144.229 tỷ USD, cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong đầu tư tư nhân trong nước từ năm 2022 đến 2024. Sự phục hồi mạnh mẽ của GPDI sau các giai đoạn suy giảm (có thể do tác động của đại dịch COVID-19 trước đây) là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp đã lấy lại niềm tin và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị, đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất.
Sự tăng trưởng đầu tư này cho thấy kỳ vọng vào khả năng phát triển kinh tế trong tương lai của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi họ chuẩn bị cho các cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị trường.
Chỉ số chi tiêu chính phủ
Trong Q2/2024, chi tiêu chính phủ đạt 3,930.076 tỷ USD (tính theo đồng USD năm 2017 đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ). Điều này cho thấy một xu hướng tăng trưởng ổn định trong chi tiêu chính phủ từ năm 2022 đến nay. Sau giai đoạn giảm nhẹ trong năm 2021 và đầu năm 2022 (với mức thấp nhất đạt khoảng 3,685.796 tỷ USD trong Q4/2021), chi tiêu chính phủ bắt đầu tăng trở lại. Điều này cho thấy chính phủ đã và đang tăng cường đầu tư vào các dự án công cộng và chi tiêu tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế.
Sau đại dịch COVID-19, chi tiêu chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, thông qua các chương trình kích thích kinh tế và đầu tư công. Chính phủ đã tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, và cơ sở hạ tầng.
Đường cong lợi suất
Năm 2022 là thời điểm bắt đầu của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiểm soát lạm phát cao sau đại dịch COVID-19. Để chống lại lạm phát, Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ, đẩy lợi suất ngắn hạn (2 năm) lên cao hơn. Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế xuất hiện, khiến nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu dài hạn (10 năm) – một kênh đầu tư an toàn – làm giảm lợi suất của các trái phiếu dài hạn. Điều này dẫn đến đường cong lợi suất đảo ngược.
Tới giữa năm 2022, đường cong lợi suất bắt đầu có dấu hiệu đảo ngược khi lợi suất ngắn hạn (2 năm) dần vượt qua lợi suất dài hạn (10 năm). Điều này là do Fed đã bắt đầu tăng lãi suất mạnh nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng thị trường lại lo ngại rằng các hành động thắt chặt tiền tệ sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Mãi cho tới cuối 2022, thì đường cong lợi suất chính thức đảo ngược (lợi suất ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn). Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đường cong lợi suất của Mỹ trở nên đảo ngược, điều này là một chỉ báo sớm cho suy thoái kinh tế. Chênh lệch giữa lợi suất 10 năm và 2 năm rơi xuống dưới 0%, khoảng -0.5% đến -1% vào cuối năm 2022.
Sang năm 2023, đường cong lợi suất tiếp tục bị đảo ngược sâu hơn. Chênh lệch giữa lợi suất 10 năm và 2 năm giảm mạnh xuống dưới -1%, điều này thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng của thị trường về khả năng suy thoái kinh tế. Mặc dù đường cong lợi suất đã đảo ngược, Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất thêm vài lần trong năm 2023 để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Điều này tiếp tục đẩy lợi suất ngắn hạn lên cao, trong khi lợi suất dài hạn không tăng tương ứng do nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu dài hạn như một cách phòng ngừa rủi ro suy thoái. Trong suốt năm 2023, chênh lệch giữa lợi suất 10 năm và 2 năm thường xuyên duy trì ở mức âm sâu, khoảng -1% hoặc thấp hơn.
Đến giữa năm 2024, đường cong lợi suất bắt đầu phục hồi dần, với chênh lệch giữa lợi suất 10 năm và 2 năm tăng lên mức 0.06% (dương nhẹ). Đây có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng về suy thoái kinh tế đã bớt nghiêm trọng hơn, hoặc thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong tương lai gần.Dù có sự phục hồi nhẹ, lợi suất ngắn hạn vẫn ở mức rất cao (do lãi suất của Fed vẫn cao), trong khi lợi suất dài hạn có xu hướng tăng nhẹ, phản ánh niềm tin rằng lạm phát đang được kiểm soát và nền kinh tế có thể tránh được suy thoái sâu.
Mặc dù có sự phục hồi, mức chênh lệch chỉ khoảng 0.06%, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang chịu áp lực lớn từ chính sách tiền tệ chặt chẽ và các yếu tố kinh tế khác như lạm phát và thị trường lao động yếu đi.
Kịch bản 1: Khủng hoảng kinh tế xảy ra
Thực tế con người không có khả năng dự báo khủng hoảng kinh tế hay những sự kiện thiên nga đen. Ở thời điểm hiện tại mặc dù có rất nhiều mầm mống cho những sự kiện thiên nga đen như chiến tranh giữa Nga & Ucraina hay những căng thẳng tại khun vực Trung Đông có thể khơi dậy một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Tuy nhiên, một lần nữa con người không có khả năng dự báo khủng hoảng kinh tế hay những sự kiện thiên nga đen.
Nếu như kịch bản này diễn ra thì đây sẽ được coi là một kịch bản tồi tệ nhất cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Lần gần nhất chúng ta chứng kiến một cuộc khủng hoảng kinh tế đó chính là vào giai đoạn 2007 - 2008, mọi người có thể đọc thêm tại đây.
Kịch bản 2: Những lí do để tin vào một cuộc hạ cánh mềm
Hạ cánh mềm trong ngữ cảnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một thuật ngữ dùng để mô tả một quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát mà không làm nền kinh tế rơi vào suy thoái. Hiểu đơn giản, đó là mục tiêu của FED khi muốn giảm nhiệt nền kinh tế đang phát triển quá nóng (có lạm phát cao) mà vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế vừa phải, tránh gây ra tổn thất lớn cho việc làm và doanh nghiệp. Tại sao gọi là hạ cánh mềm vì:
- Hạ cánh: Nền kinh tế, giống như một chiếc máy bay, đôi khi phát triển quá nhanh, gây ra sự mất cân bằng, chẳng hạn như lạm phát tăng cao hoặc nợ công lớn. Giống như phi công phải hạ cánh máy bay một cách an toàn, FED cần "hạ cánh" nền kinh tế xuống mức tăng trưởng ổn định.
- Mềm: Điều quan trọng là phải làm sao để hạ cánh một cách an toàn, không gây ra thiệt hại nặng nề. Trong trường hợp này, "mềm" nghĩa là đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng mà không gây ra suy thoái kinh tế hoặc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Ví dụ: Vào cuối những năm 1980 và đầu thập kỷ 1990, nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, nhưng có nguy cơ quá nóng, tức là tăng trưởng nhanh quá mức, gây ra áp lực lạm phát. Lạm phát đã tăng dần, và FED phải đối mặt với thách thức làm sao để kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Alan Greenspan đã quyết định tăng lãi suất một cách từ tốn và thận trọng, bắt đầu từ năm 1994. Mục tiêu của ông là giảm áp lực lạm phát mà vẫn giữ cho nền kinh tế duy trì tăng trưởng, tránh các cú sốc mạnh cho thị trường lao động và doanh nghiệp.
Kết quả đạt được là:
- Kiểm soát lạm phát: Mặc dù lãi suất được nâng lên, Greenspan đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây ra các cú sốc quá lớn cho nền kinh tế. Lạm phát được duy trì ở mức thấp và ổn định.
- Duy trì tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt những năm 1990, tạo ra hàng triệu việc làm mới và duy trì mức thất nghiệp thấp. Không có suy thoái kinh tế lớn nào xảy ra trong thập kỷ này.
- Bùng nổ công nghệ: Chính sách tiền tệ ổn định đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của Internet và các công ty công nghệ vào cuối thập niên 1990, dẫn đến sự tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Sự điều chỉnh khéo léo trong chính sách tiền tệ của FED đã giúp nền kinh tế Mỹ đạt được một "hạ cánh mềm". Tức là, lạm phát đã được kiểm soát mà không làm tổn hại đến nền kinh tế, giúp duy trì một chu kỳ tăng trưởng kéo dài mà không gây ra suy thoái nghiêm trọng. Đây là một ví dụ điển hình về "hạ cánh mềm" thành công.
Đâu là những lí do để chúng ta tin rằng lần hạ cánh lần này của FED là hạ cánh mềm?
- Chỉ số lạm phát đã giảm từ mức 3.5% xuống 2.9% và dự báo giảm tiếp về 2.6% trong thời gian tới. Mặc dù lạm phát vẫn còn cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng xu hướng giảm dần là một tín hiệu tích cực, cho thấy rằng các biện pháp của Fed đang có hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát mà không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực.
- Mặc dù số lượng việc làm mới đang có xu hướng giảm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức chấp nhận được (4.2% - 4.3%). Điều này cho thấy thị trường lao động chưa gặp khó khăn nghiêm trọng, dù số lượng việc làm giảm. Việc giảm lãi suất có thể giúp thị trường lao động tiếp tục ổn định và tránh suy thoái sâu. Việc làm phi nông nghiệp vẫn tạo ra một lượng công việc mới, cho thấy nhu cầu lao động vẫn còn, và mức thất nghiệp chưa có dấu hiệu gia tăng mạnh.
- Chỉ số PCE tiếp tục tăng từ 18,595.4 tỷ USD (tháng 7/2023) lên 19,580.5 tỷ USD (tháng 7/2024), cho thấy người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ. Điều này giúp thúc đẩy nền kinh tế, vì chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 60-70% GDP của Mỹ. Niềm tin tiêu dùng cao và khả năng chi tiêu duy trì sẽ giúp giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái sâu.
- GDP của Mỹ trong Q2/2024 đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 3%, cao hơn nhiều so với mức 1.4% trong Q1. Sự tăng trưởng này cho thấy nền kinh tế vẫn có sức mạnh nội tại để duy trì và phục hồi, dù phải đối mặt với các yếu tố tiêu cực như lạm phát hay chính sách tiền tệ thắt chặt.
Kịch bản 3: Những lí do để tin vào một cuộc hạ cánh cứng
Hạ cánh cứng trong ngữ cảnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một tình huống mà việc điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn dự kiến, thường là một cuộc suy thoái kinh tế. Đây là kết quả không mong muốn khi các biện pháp kiểm soát lạm phát được thực hiện quá mạnh mẽ hoặc quá nhanh, khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và giảm mạnh hoạt động kinh tế.
Tại sao gọi là hạ cánh cứng vì:
- Hạ cánh: Tương tự như "hạ cánh mềm", nền kinh tế được ví như một chiếc máy bay, và khi nó phát triển quá nhanh (gây ra lạm phát), cần được "hạ cánh" về một mức độ ổn định hơn. Điều này đòi hỏi FED phải điều chỉnh nền kinh tế thông qua các biện pháp như tăng lãi suất.
- Cứng: "Cứng" ở đây nghĩa là quá trình điều chỉnh không diễn ra một cách nhẹ nhàng mà gây ra hậu quả mạnh mẽ. Nếu các biện pháp của FED quá khắc nghiệt, nền kinh tế sẽ không chỉ giảm tốc mà còn có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng, gây thiệt hại cho việc làm, đầu tư và sản xuất.
Ví dụ: Trong những năm 1970, Mỹ trải qua tình trạng lạm phát cao và kéo dài (gọi là "stagflation" - lạm phát đình trệ), một phần do cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Giá cả leo thang, gây áp lực lớn lên nền kinh tế, trong khi tăng trưởng kinh tế lại chậm. Để đối phó với lạm phát, vào năm 1979, Paul Volcker, tân Chủ tịch FED, quyết định sử dụng chính sách tiền tệ cứng rắn. Volcker đã tăng mạnh lãi suất liên bang lên mức chưa từng có, đôi lúc lãi suất chạm ngưỡng 20% (trong khi lãi suất thông thường thường ở mức dưới 5-7%). Mục tiêu là giảm cầu tiêu dùng và đầu tư, qua đó hạ nhiệt nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Hậu quả xảy ra là:
- Suy thoái kinh tế: Chính sách này đã giúp kiểm soát lạm phát, nhưng lại gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nặng nề vào năm 1980-1982. Do chi phí vay tiền quá cao, các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư, và nhiều ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Thất nghiệp tăng cao: Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên hơn 10%, một mức rất cao so với trước đó. Các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên để đối phó với chi phí tăng.
- Đóng cửa doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và xây dựng, không thể chịu nổi lãi suất cao và đã phá sản.
Dù nền kinh tế đã trải qua một giai đoạn "hạ cánh cứng" với suy thoái nghiêm trọng, chính sách của Volcker cuối cùng đã thành công trong việc giảm lạm phát kéo dài, và đặt nền móng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ trong thập niên 1980 và 1990. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cuộc hạ cánh này là rất lớn, với hàng triệu người mất việc làm và nền kinh tế suy giảm mạnh trong vài năm.
Đâu là những lí do để chúng ta tin rằng lần hạ cánh lần này của FED là hạ cánh cứng?
- Số lượng việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp giảm xuống còn 142.000 trong tháng 8 và chỉ 89.000 trong tháng 7 (sau điều chỉnh), thấp hơn so với dự báo ban đầu. Sự suy giảm này có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang yếu đi, và nếu xu hướng này tiếp tục, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng trở lại, bởi số liệu thất nghiệp thường đi sau số lượng việc làm mới được tạo ra. Nếu thị trường lao động suy yếu, điều này có thể dẫn đến suy giảm chi tiêu tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
- Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống mức 2.9% vào tháng 7/2024, cho thấy người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Nếu có các cú sốc kinh tế bất ngờ như suy giảm việc làm hoặc tăng chi phí sinh hoạt, người dân có thể không có đủ tài chính dự phòng để đối phó, dẫn đến khủng hoảng tiêu dùng và suy giảm kinh tế. Tiết kiệm thấp có thể làm giảm khả năng tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt nếu lãi suất tăng cao và tín dụng trở nên khó tiếp cận hơn.
- Đường cong lợi suất đảo ngược đã chính thức xuất hiện. Đây là một trong những chỉ báo về suy thoái thậm chí là khủng hoảng kinh tế trong tương lai.
Tổng Kết
Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước hai kịch bản chính. Một mặt, với lạm phát giảm dần, GDP tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định, có nhiều lý do để tin rằng Fed có thể đạt được mục tiêu "hạ cánh mềm". Tuy nhiên, mặt khác, sự suy giảm trong việc làm mới và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp lại tạo ra những áp lực đáng kể, làm dấy lên lo ngại về một kịch bản "hạ cánh cứng". Sự thành công hay thất bại của Fed trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ mà không gây ra suy thoái kinh tế sẽ phụ thuộc vào cách thức họ cân nhắc và phản ứng với những diễn biến kinh tế tiếp theo. Việc hành động kịp thời và đúng đắn là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế Mỹ duy trì được sự ổn định trong bối cảnh biến động toàn cầu.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- OpenLayer Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenLayer - November 20, 2024
- Hermetica Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Hermetica - November 20, 2024
- Gevulot Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gevulot - November 19, 2024