DePin là một trong những xu hướng đáng chú ý trên thị trường Crypto trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong hệ sinh thái Depin, Vana là một trong những cái tên đáng chú ý nhất là khi họ đã kêu gọi thành công tới 25M USD từ rất nhiều VC hàng đầu trên thị trường như Coinbase Ventures, Paradigm hay Polychain. Vậy Vana có gì đặc biệt mà đáng chú ý đến vậy, hãy cùng Hak Research phân tích Vana trong bài viết này nhé.
Tổng Quan Về Vana
Vana là gì?
Ngày nay, dữ liệu cá nhân đã trở thành một trong những tài sản ngày càng quan trọng. Mọi người có bao giờ tự hỏi vì sao các nền tảng như Reddit hay X có thể được sử dụng miễn phí? Câu trả lời nằm ở chính dữ liệu mà mọi người tạo ra mỗi ngày từ bài đăng, lượt thích cho đến thời gian bạn dành trên nền tảng. Các nền tảng này bán sự chú ý của người dùng cho các nhà quảng cáo để kiếm lại lợi nhuận cho chính bản thân mình.
Giờ đây, các nền tảng mạng xã hội này thậm chí còn tìm được nguồn người mua lớn hơn đó là các công ty AI. Theo một báo cáo gần đây thì Reddit và Google đã đạt được một thỏa thuận cấp phép dữ liệu và điều này có thể mang lại doanh thu hàng năm lên đến 60 triệu USD cho Reddit. Đáng buồn thay, người dùng - người tạo ra dữ liệu lại không nhận được bất kỳ phần nào của giá trị đó. Chính vì vậy, Vana ra đời để thay đổi điều này, giúp người dùng lấy lại quyền kiểm soát và kiếm lời từ chính dữ liệu của mình.
Vana là một mạng lưới dữ liệu phi tập trung được thiết kế để mở khóa giá trị của dữ liệu cá nhân và đảm bảo quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng. Với sự bùng nổ của dữ liệu cá nhân từ các ứng dụng công nghệ, Vana ra đời như một giải pháp mang tính đột phá để giúp người dùng có thể sở hữu, kiểm soát và kiếm tiền từ chính dữ liệu của mình.
Đội ngũ phát triển của Vana
Vana được thành lập bởi Anna Kazlauskas và Art Abal - hai cá nhân đầy nhiệt huyết với mong muốn thay đổi cách thế giới quản lý và sử dụng dữ liệu cá nhân. Anna với nền tảng về khoa học máy tính và kinh tế học từ MIT đã sớm nhận ra tiềm năng của công nghệ phi tập trung khi tham gia vào quá trình đào Ethereum từ năm 2015. Cô đã làm việc tại các tổ chức tài chính quốc tế như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Thế giới từ đó nhận thấy rằng dữ liệu sẽ trở thành một dạng tiền tệ mới trong tương lai.
Trong khi đó, Art Abal với bằng thạc sĩ về chính sách công từ Harvard và kinh nghiệm trong lĩnh vực dữ liệu và AI đã mang đến cho Vana một tầm nhìn mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội. Ông đã từng làm việc tại Appen - một nhà cung cấp dữ liệu cho huấn luyện AI và đã phát triển các phương pháp thu thập dữ liệu sáng tạo, đóng góp lớn vào sự phát triển của các công cụ AI hiện nay.
Khi gặp nhau tại MIT, Anna và Art đã chia sẻ cùng một mục tiêu: xây dựng một hệ thống nơi người dùng thực sự sở hữu và kiểm soát dữ liệu của mình. Vì vậy mà Vana đã được ra đời và ngay sau đó đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng và các nhà đầu tư bao gồm Coinbase Ventures, Paradigm, và Polychain, với tổng số tiền tài trợ lên đến 25 triệu USD.
Mô Hình Kiến Trúc Của Vana
Cấu trúc cơ bản của Vana được chia thành 3 thành phần chính bao gồm:
Vana L1 - Bản đồ thời gian thực của dữ liệu
Vana L1 đóng vai trò như một bản đồ thời gian thực của luồng dữ liệu trong hệ sinh thái. Blockchain này hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) và đóng vai trò đảm bảo rằng tất cả các giao dịch và hoạt động trong hệ sinh thái đều được ghi nhận một cách minh bạch và bảo mật.
Chức năng chính của Vana L1 bao gồm:
- Bảo mật và đồng thuận: Vana L1 sử dụng cơ chế đồng thuận PoS để đảm bảo tính bảo mật và tính toàn vẹn cho các giao dịch dữ liệu. Các Validators đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mạng lưới và đảm bảo rằng chỉ có các giao dịch hợp lệ mới được ghi nhận trên blockchain.
- Ghi nhận giao dịch dữ liệu: Mọi giao dịch và thay đổi liên quan đến dữ liệu trong hệ sinh thái Vana đều được ghi nhận trên Vana L1, đảm bảo rằng người dùng có thể theo dõi được quá trình sử dụng và chia sẻ dữ liệu của mình. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ gian lận.
- Hỗ trợ các lớp khác: Vana L1 đóng vai trò nền tảng hỗ trợ cho các lớp Data Liquidity Layer và Data Portability Layer. Nó cung cấp một nền tảng phi tập trung và bất kì ai cũng có thể tiếp cận, giúp các lớp khác hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
Data Liquidity Layer - Lớp thanh khoản dữ liệu
Data Liquidity Layer cho phép dữ liệu trở nên dễ dàng di chuyển, chia sẻ và sử dụng như một tài sản thanh khoản (Liquid Asset). Nó cho phép dữ liệu được xác thực, token hóa và giao dịch thông qua các cơ chế phi tập trung. Lớp này giới thiệu các Data Liquidity Pools (DLPs) nơi mà dữ liệu từ nhiều người đóng góp được gộp lại, tạo ra các thị trường dữ liệu phi tập trung và không cần tin cậy.
Nói thêm về Data Liquidity Pools thì nó hoạt động như các thị trường phi tập trung cho dữ liệu, trong đó:
- Người đóng góp dữ liệu đưa dữ liệu của họ vào DLP và nhận được quyền quản trị cùng các phần thưởng.
- Sau đó, dữ liệu được xác thực trong mạng lưới Satya, một nhóm các nút tính toán an toàn, đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của dữ liệu.
- Cuối cùng, người tiêu thụ có thể truy cập các tập dữ liệu đã được xác thực để huấn luyện AI hoặc cho các trường hợp sử dụng khác. Điều này giúp khai thác giá trị dữ liệu một cách hiệu quả, tạo ra các lợi ích thực sự từ dữ liệu đã được góp vào.
Về cách thức hoạt động của Data Liquidity Layer sẽ bao gồm 3 bước sau:
- Xác thực dữ liệu: Dữ liệu được gửi bởi những người đóng góp sẽ được xác thực thông qua cơ chế Proof of Contribution (PoC), đảm bảo tính xác thực, quyền sở hữu, chất lượng và tính độc đáo của dữ liệu. Việc xác thực này là cần thiết để đảm bảo rằng dữ liệu đưa vào mạng lưới là đáng tin cậy và có giá trị thực sự.
- Token hóa dữ liệu: Sau khi được xác thực, dữ liệu sẽ được token hóa và có thể được giao dịch hoặc sử dụng trong mạng lưới. Mỗi DLP phát hành token riêng của mình, thưởng cho những người đóng góp vì đã cung cấp dữ liệu có giá trị. Token hóa dữ liệu biến dữ liệu thành một tài sản số, cho phép nó được giao dịch trên các nền tảng khác nhau, từ đó mở ra các cơ hội kiếm lời cho người sở hữu dữ liệu.
- Giao dịch và quản trị: Token của DLP cho phép người dùng tham gia vào quản trị dữ liệu và giao dịch dữ liệu như một tài sản trong hệ sinh thái Vana. Người dùng có thể tham gia vào việc ra quyết định về cách thức sử dụng và phát triển dữ liệu, từ đó nâng cao tính dân chủ và phân quyền của hệ sinh thái.
Data Portability Layer - Lớp chuyển đổi dữ liệu
Data Portability Layer là lớp ứng dụng của Vana, cho phép các tập dữ liệu phi tập trung được truy cập, chia sẻ và sử dụng trên nhiều nền tảng và ứng dụng khác nhau. Lớp này đảm bảo rằng dữ liệu thuộc sở hữu người dùng vẫn có thể tương tác với các dịch vụ và hệ thống khác nhau mà vẫn đảm bảo tính bảo mật và riêng tư.
- Chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng: Lớp này cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng một cách liền mạch trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát hoàn toàn cho người dùng. Người dùng có thể ủy quyền cho ứng dụng nào được phép truy cập dữ liệu của mình, đảm bảo tính riêng tư và bảo mật.
- Tính Tương Tác: Lớp này được thiết kế để tương thích với nhiều nền tảng, giao thức và ứng dụng, cho phép dữ liệu được sử dụng trên nhiều hệ sinh thái. Ví dụ các mô hình AI được huấn luyện trên tập dữ liệu phi tập trung của Vana có thể được truy cập bởi nhiều ứng dụng AI khác.
- Quản trị và kiểm soát truy cập: Chủ sở hữu dữ liệu giữ quyền kiểm soát đối với dữ liệu của họ bao gồm quyết định cách dữ liệu được sử dụng và bởi ai. Người đóng góp cũng có thể tham gia vào quản trị thông qua token của DLP, cho phép họ ảnh hưởng đến các quyết định về cách dữ liệu được chia sẻ.
Proof of Contribution (PoC) - Chìa Khóa Để Đảm Bảo Chất Lượng Dữ Liệu
Proof of Contribution (PoC) là cơ chế xác thực dữ liệu trong Vana, được thiết kế để đảm bảo rằng dữ liệu được thêm vào các Data Liquidity Pools (DLPs) là đáng tin cậy, có chất lượng cao và bảo vệ quyền riêng tư của người đóng góp. PoC giúp xác nhận các yếu tố quan trọng của dữ liệu trước khi chúng được thêm vào DLP bao gồm:
- Tính xác thực: Đảm bảo rằng dữ liệu là thật và không bị sửa đổi. Các dữ liệu cần phải được cung cấp bởi người dùng thật và xác thực bởi các Validators để đảm bảo tính chính xác.
- Quyền sở hữu: Xác nhận rằng dữ liệu thuộc về người đóng góp. Mỗi dữ liệu được liên kết với danh tính của người đóng góp, đảm bảo rằng quyền sở hữu là rõ ràng và không có tranh chấp. Ví dụ trong ChatGPT Data DAO, quyền sở hữu có thể được xác thực qua các email từ OpenAI hoặc thông qua các liên kết tài khoản.
- Chất lượng: Đánh giá mức độ hữu ích và tính liên quan của dữ liệu. Dữ liệu không chỉ cần chính xác mà còn cần có chất lượng đủ cao để có thể sử dụng trong các mô hình AI hoặc các ứng dụng khác. Một số tiêu chí để đánh giá chất lượng bao gồm độ đầy đủ, tính nhất quán và giá trị của dữ liệu đối với người dùng cuối. Các Validators sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để đánh giá chất lượng thông qua việc phân tích mẫu dữ liệu được trích xuất ngẫu nhiên.
- Tính độc đáo: Ngăn chặn việc sử dụng lại hoặc sao chép dữ liệu. PoC sử dụng Model Influence Function để tạo dấu vân tay cho dữ liệu và so sánh với các dữ liệu khác trong mạng lưới. Nếu dữ liệu có dấu vân tay quá giống với dữ liệu đã tồn tại, nó sẽ bị loại bỏ. Điều này đảm bảo rằng dữ liệu trong các DLP luôn có tính đa dạng và không trùng lặp.
Quá trình hoạt động của Proof of Contribution
- Đưa dữ liệu vào (Data Submission): Người đóng góp gửi dữ liệu vào DLP và dữ liệu này được mã hóa trước khi đưa vào. Thông tin về dữ liệu, chẳng hạn như URL lưu trữ và mã băm để kiểm tra tính toàn vẹn, được ghi nhận trên blockchain Vana L1.
- Yêu cầu xác thực (Validation Request): Người đóng góp yêu cầu một quá trình xác thực trong đó các Validators sẽ sử dụng dữ liệu mã hóa để thực hiện xác thực. Các Validators được lựa chọn ngẫu nhiên để đảm bảo tính công bằng trong quá trình xác thực.
- Xác thực dữ liệu (Data Validation): Các Validators sử dụng môi trường thực thi an toàn (Trusted Execution Environment - TEE) để giải mã và kiểm tra dữ liệu. Việc sử dụng TEE giúp đảm bảo rằng dữ liệu không bị tiết lộ cho bất kỳ ai khác ngoài quá trình xác thực.
- Tạo bằng chứng và ghi nhận (Proof Generation & On-Chain Recording): Sau khi dữ liệu được xác thực thành công, Validators tạo ra một bằng chứng dưới dạng các chứng thực mật mã (attestations) để xác nhận tính hợp lệ của dữ liệu. Các bằng chứng này sau đó được ghi nhận trên blockchain Vana L1 để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy.
- Phần thưởng cho người đóng góp (Contributor Rewards): Người đóng góp được thưởng bằng token VANA dựa trên chất lượng và tính độc đáo của dữ liệu. Những dữ liệu có giá trị cao và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí PoC sẽ nhận được nhiều phần thưởng hơn, khuyến khích người dùng đóng góp dữ liệu có chất lượng.
Satori Testnet - Giai Đoạn Thử Nghiệm của Vana
Vào ngày 11 tháng 6, Vana đã ra mắt Satori Testnet - một môi trường thử nghiệm công khai giúp trình diễn các chức năng của hệ sinh thái Vana. Đây không chỉ là một nền tảng kiểm tra kỹ thuật mà còn là bản mô phỏng cho cách thức hoạt động của mạng chính trong tương lai. Satori cung cấp ba cách thức tham gia chính cho người dùng:
- Trở thành DLP Validator Nodes: Người dùng có thể trở thành một validator để kiểm tra chất lượng dữ liệu gửi vào các DLP. Điều này yêu cầu người tham gia phải có năng lực kỹ thuật và tài nguyên tính toán cần thiết. Yêu cầu tối thiểu để chạy một validator là CPU 1 lõi, RAM 8GB và ổ SSD 10GB. Người dùng cần đăng ký thông qua Smart Contract của DLP và đáp ứng yêu cầu stake tối thiểu.
- Tạo mới DLP: Người dùng có nguồn dữ liệu độc đáo hoặc ý tưởng sáng tạo có thể thiết lập một DLP mới. Việc tạo mới DLP đòi hỏi phải hiểu rõ kiến trúc kỹ thuật của Vana, đặc biệt là cơ chế Proof of Contribution (PoC) và Nagoya Consensus. Người tạo phải thiết kế mục tiêu đóng góp dữ liệu, phương pháp xác thực và các thông số thưởng cho người tham gia.
- Tham gia "Khai thác dữ liệu" (Data Mining): Đây là cách thức tham gia đơn giản nhất, phù hợp cho đa số người dùng. Người dùng chỉ cần gửi dữ liệu của mình vào các DLP hiện có để tham gia vào quá trình "khai thác dữ liệu" và nhận phần thưởng. Hiện có 13 DLP được khuyến nghị chính thức, bao gồm từ dữ liệu mạng xã hội như Reddit Data DAO, GPT Data DAO đến dữ liệu phân tích tài chính và dự báo.
Tổng kết
Vana là một giải pháp phi tập trung đầy tiềm năng, mang đến cho người dùng khả năng kiểm soát và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ. Với sự xuất hiện của Vana, người dùng không còn bị các nền tảng công nghệ lớn kiểm soát dữ liệu của mình mà thay vào đó có thể lấy lại quyền sở hữu và kiếm tiền từ dữ liệu đó. Đây là một bước tiến lớn hướng tới sự dân chủ hóa dữ liệu và tạo ra một hệ sinh thái AI phục vụ lợi ích của chính người dùng. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn chia sẻ trong bài phân tích Vana, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Vana: Mạng Lưới Dữ Liệu Phi Tập Trung - November 17, 2024
- The Boo Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Boo Bears - November 16, 2024
- Phân Tích Polymarket: Nền Tảng Dự Đoán Phi Tập Trung Hàng Đầu Trên Thị Trường - November 16, 2024