GameFi là một trong những mảng thu hút được lượng người dùng lớn nhất trong thị trường Crypto ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được GameFi và quá trình phát triển của nó. Hãy cùng Hak Research tìm hiểu về quá trình phát triển của mảng GameFi qua các thời kì nhé.
Trước khi vào bài viết, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu hơn nhé.
DeFi Và NFT Nuôi Dưỡng Sự Phát Triển Của GameFi
DeFi và NFT đặt nền móng cho sự ra đời của GameFi
Kể từ Ethereum chính thức mainnet vào ngày 30/07/2015, sự ra đời của kỉ nguyên web3 đã chính thức được hình thành. Với khả năng triển khai Smart Contract, Ethereum đã hỗ trợ thiết kế và vận hành dApp (ứng dụng phi tập trung). Trên cơ sở đó, nhiều dự án DeFi nổi bật đã xuất hiện, chẳng hạn như Uniswap - một AMM Dex hay MakerDAO - cung cấp dịch vụ Lending theo Contract. Những dự án DeFi này đã thu hút một lượng lớn vốn nhờ vào lợi nhuận đầu tư cao, tính cởi mở, minh bạch và khả năng ẩn danh. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của DeFi đã tăng từ 50 triệu USD vào năm 2015 lên 100 tỷ USD vào năm 2023.
Trong khi DeFi đang phát triển mạnh mẽ, sự khám phá của các nhà phát triển trong việc kết hợp giữa tài chính phi tập trung và các lĩnh vực khác. Vào năm 2017, CryptoKitties - một dự án NFT trên nền tảng Ethereum cho phép người chơi mua, nhân giống và buôn bán mèo kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý rộng rãi và được coi là điểm khởi đầu cho sự bùng nổ của NFT. Tổng giá trị thị trường NFT đã tăng từ vài triệu USD năm 2018 lên 8 tỷ USD vào năm 2023.
Nếu DeFi mang lại dòng tiền ổn định cho thị trường tiền mã hóa thì NFT đã hướng sự chú ý của blockchain sang lĩnh vực giải trí và trò chơi. Cả hai cùng hợp tác để tạo nên nền tảng phát triển cho trò chơi blockchain, kết hợp các yếu tố của DeFi và Gaming để mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp này.
Điểm khởi đầu của GameFi
Vào cuối năm 2019, Mary Ma - giám đốc chiến lược của MixMarvel lần đầu tiên giới thiệu khái niệm GameFi và mô hình kinh tế trong loại trò chơi mới này. Khái niệm kết hợp các yếu tố của Gaming và Finance nhằm mục đích sử dụng công nghệ blockchain để mang lại mô hình kinh tế mới cho ngành công nghiệp game.
Theo Mary Ma, trong tương lai trò chơi không chỉ là công cụ giải trí mà còn có thể trở thành nghề để kiếm tiền. Thông qua công nghệ blockchain, các vật phẩm ảo trong game có thể trở thành tài sản kỹ thuật số có giá trị, người chơi có thể kiếm được, giao dịch và gia tăng giá trị của các tài sản này. Trong mô hình này, cả công ty game và người chơi đều có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế trong một môi trường phi tập trung và đạt được lợi ích chung.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, do công nghệ Blockchain và mô hình ứng dụng của nó còn quá sơ sài và sự hiểu biết của người dùng về tiềm năng của GameFi vẫn chưa đủ lớn nên khái niệm GameFi đã không thu hút được nhiều sự chú ý và ứng dụng rộng rãi.
Sự khởi đầu của cơn sóng GameFi đầu tiên
Vào tháng 09/2020, trong một bài phát biểu Andre Cronje - người sáng lập Yearn.finance đã trình bày chi tiết về sự hiểu biết và tầm nhìn của ông về GameFi. Với uy tín của Andre Cronje trong ngành DeFi, khái niệm GameFi bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Nhiều quan điểm của Andre Cronje cũng đã làm rõ hướng phát triển tương lai của GameFi.
Theo quan điểm của Andre Cronje, ngành DeFi đang ở giai đoạn "TradeFi" (tài chính thương mại) nơi mà tiền của người dùng chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động giao dịch, đặt cược và cho vay, chưa thể hiện được sự khác biệt của tiền mã hóa so với tài chính truyền thống. GameFi sẽ là hướng phát triển tương lai của DeFi nơi mà tiền của người dùng không chỉ được sử dụng trong các giao dịch tài chính mà còn có giá trị ứng dụng thực tế trong thế giới game ảo. Người dùng có thể kiếm được phần thưởng bằng token từ các hoạt động trong thế giới game ảo tương tự như công việc trong cuộc sống thực.
GameFi 1.0: Kỷ Nguyên Trò Chơi Ponzi
CryptoKitties: Khởi đầu của GameFi 1.0
Vào ngày 28 tháng 11 năm 2017, CryptoKitties xuất hiện trên blockchain Ethereum và ngay lập tức gây sốt. Sự xuất hiện của nó chứng minh rằng Ethereum không chỉ để phát hành token mà còn có thể hỗ trợ các trò chơi NFT đơn giản và thú vị. CryptoKitties cung cấp một lối chơi sáng tạo.
Người dùng có thể sử dụng ETH để mua các NFT độc đáo trên thị trường CryptoKitties. Mỗi con mèo có một mã gen riêng biệt, cho phép người dùng tra cứu cha mẹ, anh chị em và các hoạt động trước đây của nó. Hai con mèo có thể được lai tạo để tạo ra mèo con thế hệ mới với thời gian chờ đợi sau mỗi lần lai tạo ngày càng dài hơn.
Người chơi có thể cho thuê mèo của mình để lai tạo, tặng mèo cho người khác hoặc bán đấu giá trên thị trường. Với cách chơi đột phá và tiềm năng lợi nhuận cao, CryptoKitties nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà đầu cơ. Một con mèo tên "Dragon" đã được bán với giá 600 ETH (khoảng 17.000 USD), lập kỷ lục lịch sử. Mặc dù mục tiêu ban đầu của CryptoKitties không phải là một trò lừa đảo Ponzi mà là để khám phá tiềm năng của NFT game trên Ethereum nhưng nó đã tạo ra một bong bóng kinh tế nghiêm trọng.
Fomo3D: Trò chơi cờ bạc thuần túy
Sự nổi tiếng của CryptoKitties đã thúc đẩy sự bùng nổ ban đầu nhưng nhiều dự án sau đó không có sự sáng tạo thực sự. Một trong những dự án nổi tiếng nhất trong số đó là Fomo3D. Fomo3D là một trò chơi đơn giản với bốn loại hình chơi chính, cơ chế cốt lõi là cướp bóc kho báu. Trò chơi kết hợp các cơ chế chia sẻ lợi nhuận theo pool, thưởng Ref và kẹo may mắn để tăng lợi nhuận.
Trong cơ chế cướp bóc kho báu, trò chơi có thời gian đếm ngược 24 giờ. Người chơi sử dụng ETH để mua "Key" - token trong trò chơi. Mỗi khi có người mua "Key", thời gian đếm ngược sẽ tăng thêm 90 giây (nhưng không quá 24 giờ). Người chơi cuối cùng mua "Key" khi đếm ngược kết thúc sẽ nhận được 48% số tiền trong Pool thưởng. Để đảm bảo trò chơi kết thúc, giá của "Key" sẽ tăng liên tục, khiến chi phí tham gia của người chơi tăng lên. Rõ ràng, Fomo3D là một trò chơi Ponzi khi mọi người đều mong muốn trở thành người chiến thắng cuối cùng nhưng phần lớn sẽ mất hết tiền.
Các trò chơi kiểu Ponzi như Fomo3D là hiện trạng của GameFi 1.0, hầu hết đều sử dụng tiền của người mới để trả cho người cũ. Sự cân bằng mong manh này rất dễ bị phá vỡ bởi các yếu tố như bán tháo token, giảm sự quan tâm và số lượng người mới tham gia. Những trò chơi Blockchain này không thể so sánh về mặt giải trí với trò chơi truyền thống. Do đó, về bản chất những trò chơi Blockchain trong giai đoạn này không có hệ thống tài chính hoàn chỉnh và không thể được gọi là GameFi đúng nghĩa.
GameFi 2.0: Kỉ Nguyên Của Các Trò Chơi Play To Earn
Axie Infinity: Khởi đầu cơn sốt Play To Earn
Khác với các trò chơi Blockchain trước đây, Axie Infinity lần đầu tiên kết hợp khái niệm Play To Earn với cơ chế tài chính phức tạp, tạo ra một thế giới sinh vật NFT hấp dẫn. Người chơi có thể thu thập, lai tạo, chiến đấu và giao dịch các sinh vật tên Axie trong trò chơi.
- Giai đoạn đầu (2018): Axie Infinity được nhóm Sky Mavis từ Việt Nam ra mắt, lấy cảm hứng từ Pokémon và CryptoKitties với mục tiêu tạo ra một trò chơi hấp dẫn tự quản lý bởi người chơi.
- Giai đoạn phát triển ban đầu (2019-2020): Axie Infinity chính thức hoạt động trên blockchain Ethereum, cho phép người chơi mua Axie, lai tạo và bán trên thị trường. Sau đó, Axie Infinity giới thiệu chế độ PVP và hệ thống phiêu lưu, tăng tính thú vị cho trò chơi.
- Giai đoạn bùng nổ (2021): Nhờ mô hình Play To Earn, Axie Infinity thu hút một lượng lớn người chơi. Bộ phim tài liệu "Play and Earn - NFT Game in the Philippines" đã giúp nhiều người biết đến trò chơi này.
- Giai đoạn mở rộng (2022 đến nay): Axie Infinity tiếp tục phát triển với các phiên bản Axie Infinity Origins, Axie Infinity: Homeland, Axie Classic, Axie Infinity: Raylights, Defenders of Lunacian và Project T prototype. Trong phiên bản Axie Classic, người dùng cần mua 3 Axie để bắt đầu chiến đấu hoặc lai tạo. Mỗi Axie là duy nhất và hoàn toàn thuộc về người chơi. Các Axie có các thuộc tính ngẫu nhiên như máu, kỹ năng, tốc độ và tinh thần cùng với các thuộc tính chủng tộc ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu.
Mặc dù Axie Infinity đã đạt được thành tựu lớn với số lượng người dùng hoạt động hàng tháng đạt tới 2,7 triệu vào năm 2021 nhưng nó đã giảm xuống còn 400.000 vào năm 2023. Điều này đến từ mô hình ponzi trong mô hình kinh tế của Axie Infinity khiến tình trạng lạm phát về NFT và token trở lên rất khó xử lí. Việc token và NFT giảm thì khiến Axie Infinity không còn là lựa chọn hấp dẫn của những người tham gia chơi game.
The Sandbox: Mở ra xu hướng Metaverse
The Sandbox bắt nguồn từ hai trò chơi sandbox phổ biến Sandbox và Sandbox Evolution với hơn 40 triệu lượt tải xuống trên iOS và Android. Năm 2018, Pixowl quyết định đưa trò chơi này vào hệ sinh thái blockchain cung cấp quyền sở hữu tài sản thực sự cho người sáng tạo và thưởng họ bằng token.
Về cốt lõi Gameplay của The Sandbox tập trung vào một thế giới Metaverse mở nơi người dùng có thể thực hiện rất nhiều các hoạt động khác nhau tương tự như trong thế giới thật. Vào thời điểm đỉnh điểm năm 2021, giá LAND trong The Sandbox liên tục tăng với nhiều khu đất trung tâm được bán với giá cao như Republic Realm đã mua một mảnh đất ảo với giá 4,3 triệu USD vào năm 2021, và một mảnh đất gần Snoop Dogg được bán với giá 450.000 USD.
Mặc dù sự thịnh vượng của The Sandbox cũng không diễn ra được quá lâu.Vào năm 2022, cùng với sự sụt giảm của thị trường chung thì giá Land và vốn hóa thị trường của The Sanbox cũng giảm mạnh từ mức cao 6.8 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 700 triệu USD ở thời điểm hiện tại.
GameFi 3.0: Vẫn Loay Hoay Trong Việc Tìm Xu Hướng Mới
Ở thời điểm hiện tại, GameFi vẫn thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng tuy nhiên để đạt được thành công như giai đoạn 2021 thì quả thực là rất khó. Ngoài các tựa game phát triển theo hướng web2.5 tập trung vào gameplay và trải nghiệm người dùng hơn với mô hình kinh tế đơn giản thì chúng ta vẫn một số xu hướng mới xuất hiện trên thị trường.
Mini Game Trên Telegram
Gần đây, các Mini Game như Notcoin hay Hamster trên Telegram đã trở nên cực kỳ phổ biến, chỉ cần người chơi chạm tay vào màn hình là có thể nhận được token. Chính sự đơn giản này đã tạo nên sự lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút hàng triệu người tham gia trong thời gian ngắn. Kể từ khi ra mắt vào tháng 01/2024, Notcoin đã thu hút hơn 30 triệu người chơi với số lượng người dùng hoạt động hàng ngày đạt tới 5 triệu. Sau đó, Notcoin cũng đã ra mắt token thành công và list trên nhiều sàn giao dịch bao gồm Binance,... giá trị vốn hóa của nó đã tăng hơn 400% trong vòng 7 ngày.
Tuy nhiên, các trò chơi này chỉ được xây dựng trên nền tảng Telegram và có thể gọi là Mini Game, không có hệ thống tài chính hoàn chỉnh. Chúng thiếu hiệu ứng IP và tính giải trí cao, hầu hết sự phổ biến của chúng dựa vào khái niệm. Khác với các mini game trên WeChat, các Mini Game trên Telegram không bị ràng buộc bởi nền tảng và lợi ích thu được có thể xem như sự mở rộng từ Web2 sang Web3.
Fully Onchain Game
Fully Onchain Game là mô hình trong đó tất cả logic, dữ liệu và tài sản của trò chơi đều được vận hành và lưu trữ trên blockchain. Trong giai đoạn từ GameFi 1.0 đến GameFi 2.0, hầu hết các trò chơi chỉ có tài sản hoặc một phần logic được đưa lên Blockchain. Fully Onchain Game nhấn mạnh tính phi tập trung hoàn toàn và minh bạch, giúp tránh được các vấn đề như gian lận trong trò chơi. Autonomous World là một ví dụ điển hình của Game Onchain, xây dựng một thế giới ảo dựa trên công nghệ blockchain nơi mọi quy tắc và hoạt động đều có thể kiểm tra được. Fully Onchain Game chắc chắn là một xu hướng không thể bỏ qua trong thị trường GameFi trong thời gian tới.
GameFi +
Trong thị trường hiện nay, một mình GameFi khó có thể thu hút được sự quan tâm nhưng việc kết hợp với AI, IoT và các công nghệ khác có thể là giải pháp đột phá. Một loạt các dự án kết hợp GameFi với AI như Colony, Nimnetwork, Futureverse, Palio, Ultiverse, …. đang phát triển theo hướng này. Đặc biệt, Palio đã nhận được khoản đầu tư 15 triệu USD từ Binance Labs để phát triển và tích hợp công nghệ AI cho thấy sự công nhận và quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các dự án GameFi+AI. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa GameFi với IoT, điện toán đám mây và các công nghệ tiên tiến khác cũng mở ra những hướng phát triển lớn.
GameFi - Kỉ Nguyên Mới Trong Thế Giới Game
GameFi là sự kết hợp của công nghệ blockchain với DeFi, NFT và Gaming trong đó các dự án GameFi sẽ được vận hành dựa trên tài sản trong trò chơi và một phần logic thông qua các Smart Contract trên blockchain. GameFi tập trung vào việc xây dựng một hệ thống tài chính hoàn chỉnh, hỗ trợ sử dụng token gốc của trò chơi cho các giao dịch và các hoạt động khác. Người dùng có thể kiếm thu nhập từ token hoặc NFT thông qua chơi và hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau trong game.
Giải quyết những khuyết điểm của trò chơi truyền thống
Trong các trò chơi truyền thống, việc người dùng bỏ tiền vào mua các vật phẩm trong game như đạo cụ và trang phục đã là một xu hướng vô cùng phổ biến. Điều này dẫn đến doanh số bán vật phẩm hàng năm của các tựa game nổi tiếng như CSGO từ năm 2018 đến 2023 đạt hơn 420 triệu USD, doanh số bán trang phục của Liên minh huyền thoại đã tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2018 lên 2,5 tỷ USD vào năm 2023,...
Tuy đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho nhà phát hành game nhưng nó lại tạo ra 2 vấn đề cho người tham gia chơi game. Đầu tiên, người chơi chỉ có thể mua tài sản từ nhà phát hành tạo ra chứ không thể bán tài sản của họ một cách công khai trên thị trường. Thứ hai là người chơi không thực sự sở hữu tài sản mà quyền sở hữu vẫn nằm trong tay nhà phát hành game và nếu như máy chủ của game đó bị sập hay mất dữ liệu thì tài sản của người dùng trong game có nguy cơ bị mất.
Đối với GameFi thì nó hoàn toàn giải quyết được 2 vấn đề này khi tài sản trong game được phát hành dưới dạng NFT và lưu trữ trên Blockchain. Vì vậy người dùng có thể mua bán các tài sản này một cách công khai trên các NFT Marketplace, tài sản mà người dùng sở hữu cũng được lưu trữ công khai trên Blockchain và bất kì ai cũng có thể kiểm chứng.
Hoàn toàn phù hợp với lịch sử phát triển của Gaming
Trong suốt lịch sử phát triển của Gaming, cải tiến công nghệ có xu hướng tạo ra những trò chơi mới và chúng thường trở nên nổi bật và ưu việt hơn những trò chơi cũ. Vì vậy, người dùng cũng thường lựa chọn những trò chơi mới để tham gia hơn, hãy cùng đi vào chi tiết:
- Giai đoạn đầu trên máy tính (1970-1980): Trong giai đoạn này, trò chơi điện tử chủ yếu được phát triển trong các phòng thí nghiệm và trường đại học. Các trò chơi đầu tiên như Spacewar đã đánh dấu sự khởi đầu của trò chơi điện tử thương mại.
- Kỷ nguyên máy chơi game gia đình (1980-1990): Nintendo đã ra mắt máy chơi game NES mang đến những trò chơi kinh điển như Super Mario Bros
- Kỷ nguyên máy chơi game 16 bit (thập niên 1990): Sony giới thiệu PlayStation, đánh dấu kỷ nguyên của trò chơi trên đĩa. Trò chơi Final Fantasy VII đã tạo nên một cơn sốt lớn trong cộng đồng game thủ.
- Kỷ nguyên game 3D (cuối những năm 1990 - đầu những năm 2000): Valve ra mắt trò chơi nổi tiếng Half-Life, nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ cốt truyện sâu sắc và trải nghiệm nhập vai độc đáo, đánh dấu sự phát triển của game 3D.
- Kỷ nguyên trò chơi trực tuyến và MMORPG (những năm 2000): Blizzard Entertainment phát hành World of Warcraft, trở thành một trong những game MMORPG thành công nhất và thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến nhiều người chơi.
- Kỷ nguyên game di động (2010 đến nay): Supercell phát hành Clash of Clans, trở thành một trong những game chiến thuật di động thành công nhất. Niantic ra mắt "Pokémon GO", sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và tạo ra một cơn sốt toàn cầu.
Trong quá khứ, sự phát triển của trò chơi chủ yếu dựa vào ba yếu tố chính: Cải tiến công nghệ máy tính, nâng cấp phần cứng và đổi mới ý tưởng trò chơi. Hiện nay, GameFi là sự kết hợp mạnh mẽ giữa DeFi và NFT, đại diện cho một trong những công nghệ tiên tiến và thú vị nhất của blockchain. Nó không chỉ là sự giao thoa giữa khoa học máy tính và tài chính mà còn mang trong mình ý tưởng chơi game "play-to-earn" mới mẻ. Có thể nói, GameFi hoàn toàn đáp ứng được hai trong ba yếu tố quan trọng trong lịch sử phát triển trò chơi và tiếp tục phù hợp với xu hướng phát triển của ngành này.
Tổng kết
Trong lĩnh vực game truyền thống, sự xuất hiện của các game MOBA như Liên Minh Huyền Thoại thường đại diện cho đỉnh cao của sự phát triển game. Trong lĩnh vực GameFi, cách để đạt được sự đột phá hiện nay là tạo ra những trò chơi có tính giải trí cao và tạo ra một nền kinh tế hoàn chỉnh. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - November 21, 2024