Trong những ngày gần đây, một tiêu chuẩn mới ERC 404 được ra mắt nhằm giải quyết tính thanh khoản của NFT đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Pandora dự án NFT đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn ERC 404 đã liên tục chứng kiến các mức ATH mới với token PANDORA đã tăng hơn 100 lần từ đáy. Vậy cơ hội nào đằng sau sự bùng nổ của Pandora và tiêu chuẩn ERC 404 hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Trước khi vào bài viết này, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu hơn nhé.
Trước Pandora, Các Dự Án Giải Quyết Vấn Đề Thanh Khoản Của NFT Không Nhận Được Nhiều Sự Chú Ý
Từ trước đến nay, tính thanh khoản vẫn là một vấn đề khó giải quyết đối với NFT. Rất nhiều dự án đã được ra mắt để giải quyết vấn đề này và Fractional NFT là một phương pháp được rất nhiều dự án áp dụng. Ý tưởng của phương pháp này rất đơn giản:
Chẳng hạn một NFT CryptoPunks trị giá khoảng 56 ETH (tương đương với khoảng 170.000 USD) là tương đối khó tiếp cận đối với đa phần các nhà đầu tư. Vì vậy giao thức Fractional sẽ lock NFT vào trong nền tảng và mint ra 1 lượng token tương ứng với mỗi token đại diện cho một mảnh nhỏ của NFT. Khi NFT CryptoPunks tăng giá thì khoản đầu tư của người dùng cũng tăng giá tương ứng theo.
Trên Ethereum ở thời điểm hiện tại đã có hai dự án Fractional NFT phổ biến, đó là:
- NFTX - một giao thức Fractional NFT cho phép người dùng gửi NFT vào các Vault để nhận lại vToken (chẳng hạn người dùng gửi vào NFT Punk sẽ nhận được một lượng token PUNK tương ứng và sau đó người dùng có thể đem token PUNK giao dịch trên SushiSwap). Mặc dù đã ra mắt được một khoảng thời gian dài nhưng NFTX vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng.
- Flooring Protocol - một dự án Fractional NFT đã ra mắt cách đây vài tháng trước với ý tưởng gần như tương tự trong đó người dùng sẽ gửi NFT của mình vào để nhận được 1.000.000 μToken tương ứng (chẳng hạn người dùng có thể gửi Azuki NFT vào Flooring Protocol để nhận được 1.000.000 μAzuki). Flooring Protocol thì nhận được nhiều sự chú ý hơn NFTX từ cộng đồng tuy nhiên nó không thực sự Hype và được quá nhiều người chú ý.
Vậy tại sao những dự án như NFTX hay Flooring Protocol không thực thành công và không nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng như những gì Pandora đã làm được?
Có nhiều lí do để giải thích cho vấn đề này như: Người dùng thường xuyên lo ngại rằng những sai sót của nền tảng có thể mất NFT có giá trị. Điều này cũng đã từng xảy ra khi dự án Flooring Protocol đã bị hack vào tháng 12/2023 và hacker đã lấy đi một lượng NFT trị giá 1.5 triệu USD, một vấn đề nữa đó là các token đại diện cho NFT phân mảnh đều có tính thanh khoản thấp.
Tiêu chuẩn ERC 404 dù mới ra mắt gần đây nhưng lại nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng với cái tên đi đầu là Pandora. Nó đã thực sự giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng của những dự án trước như NFTX hay Flooring Protocol, mang đến trải nghiệm UX tốt dành cho người dùng.
Tiêu Chuẩn ERC 404 - Mở Ra Một Xu Hướng Mới Trên Thị Trường
ERC 404 giới thiệu một tiêu chuẩn mã thông bán có thể thay thế với sự kết hợp giữa ERC 20 và ERC 721 được phát hành trên Github vào ngày 02/02/2024 bởi Acme - một kĩ sư phần mềm tự xưng tại Coinbase. Tiêu chuẩn thử nghiệm này nhằm mục đích kết hợp những ưu điểm tốt nhất của hai loại mã thông báo: tính thanh khoản của ERC 20 và tính độc đáo của ERC 721.
Mặc dù tiêu chuẩn ERC 404 vẫn đang còn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Tiêu chuẩn này khái niệm hóa một loại mã thông báo mới vừa có thể chia được vừa là duy nhất. Cách tiếp cận sáng tạo này mở ra một số khả năng mới cho tài sản kĩ thuật số, cho phép sở hữu một phần NFT và mở rộng tiện ích cũng như tính thanh khoản của tài sản kĩ thuật số trên Blockchain.
Pandora là dự án đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn ERC 404 được phát triển bởi Ctrl - một angel investor tại Syndicate và nhà phát triển ẩn danh Searn. Pandora cung cấp 10.000 token PANDORA và 10.000 NFT bản sao có liên quan. Nếu người dùng mua 1 token PANDORA trên sàn giao dịch thì 1 NFT bản sao sẽ được đúc vào ví của người dùng. Nếu người dùng bán 1 token PANDORA thì NFT liên quan của nó cũng sẽ bị burn.
Do đó nếu xét từ góc độ NFT thì Pandora là một bộ sưu tập gồm 10.000 NFT và người dùng có thể giao dịch chúng trên các NFT Marketplace hàng đầu như OpenSea hay Blur. Tuy nhiên nếu xét từ góc độ mã thông báo thì Pandora là một dự án gồm 10.000 token được giao dịch trên Uniswap.
Ví dụ: Khi người dùng mua 1 token PANDORA trên Uniswap, ngoài việc nhận được token, người dùng còn sẽ nhận được 1 NFT bản sao mới được đúc. NFT này là tiêu chuẩn ERC-721 và có thể được giao dịch trực tiếp trên NFT Marketplace như OpenSea hay Blur. Khi người dùng bán 1 token PANDORA trên Uniswap, NFT do người dùng sở hữu sẽ bị burn ngay lập tức. Nếu người dùng chuyển 1 token PANDORA đến một địa chỉ mới, NFT trong địa chỉ ban đầu sẽ bị burn ngay lập tức và địa chỉ ví mới sẽ nhận được 1 token PANDORA đi kèm với đó là 1 NFT mới được đúc.
Điều đáng chú ý là nếu người dùng mua 1.5 token PANDORA trên Uniswap thì chỉ có 1 NFT mới được đúc. Nếu người dùng mua ít hơn 1 token PANDORA thì sẽ không có NFT nào được tạo ra. Tương tự với việc người dùng mua 2 token PANDORA nhưng bán 1.5 token PANDORA thì toàn bộ 2 NFT sẽ bị burn.
Mặt khác khi người dùng mua 1 Pandora NFT trên OpenSea hay Blur thì ngoài việc nhận được NFT, họ cũng nhận được 1 token PANDORA về ví. Khi người dùng bán 1 Pandora NFT của mình thì token PANDORA cũng được chuyển về ví của người mua.
Một điều cần chú ý nữa là mỗi khi NFT bản sao được tạo ra, nó sẽ xuất hiện với độ hiếm duy nhất. Như trong hình bên dưới chúng ta có thể thấy có 5 cấp độ hiếm trong bộ sưu tập được phân biệt bằng màu sắc. Phổ biến nhất là màu xanh lá cây, trong khi hiếm nhất là màu đỏ. Do đó, người dùng có thể làm mới độ hiếm của NFT mà mình sở hữu bằng cách mua bán token PANDORA.
Với mức giá ban đầu chỉ khoảng 200 USD cho 1 token thì token PANDORA đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với ATH đạt hơn 30.000 USD (khoảng 150 lần so với mức giá ban đầu). Vì vậy sự bùng nổ của Pandora hứa hẹn sẽ mang đến một xu hướng mới cho các dự án NFT trong thời gian tới.
Tiêu Chuẩn ERC 404: Cơ Hội Mới Nhưng Cũng Đi Kèm Với Nhiều Rủi Ro
Ưu điểm lớn nhất mà ERC 404 mang lại đó là tính thanh khoản tự nhiên. Ban đầu địa chỉ Deploy của dự án sẽ giữ tất cả các token và một phần trong số đó sẽ được add vào pool thanh khoản trên Uniswap. Khi người dùng giao dịch token thì NFT tương ứng cũng sẽ được đúc với mỗi giao dịch đủ điều kiện. Về mặt lí thuyết điều này sẽ giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua, bán token hay NFT. Tuy nhiên vô hình chung cũng khiến người dùng phải trả một lượng phí giao dịch tương đối cao vì mỗi transaction sẽ bao gồm 2 transaction nhỏ là swap + mint/burn.
Về mặt rủi ro của ERC 404 thì trước hết phải rõ ràng rằng mặc dù ERC 404 sử dụng cấu trúc tiêu chuẩn “ERC” nhưng thực thế nó không phải là một tiêu chuẩn do Ethereum Foundation phê duyệt vì vậy vẫn chưa được kiểm chứng. Không giống như Bitcoin thì Ethereum rất chú trọng đến tính hợp pháp của một tiêu chuẩn và phải mất một khoảng thời gian dài kiểm chứng để một tiêu chuẩn mới được phê duyệt.
Thứ hai khi xét về mặt NFT thì ngay cả khi người dùng nắm giữa 1 NFT hiếm thì nó cũng không có ý nghĩa khi người dùng bán 1 token PANDORA đính kèm trên Uniswap. Điều này có nghĩa là độ hiếm của các dự án NFT áp dụng tiêu chuẩn ERC 404 đã không còn nhận được sự chú trọng và điều này cũng đi ngược với đặc tính vốn có của NFT.
Cuối cùng vẫn đến từ độ hiếm của NFT mới được mint khi người dùng swap token. CyberVector - người sáng lập cộng đồng 111 Shelter đã chỉ ra rằng Pandora thực sự không có phương thức để tạo ra các NFT hiếm vì độ hiếm thực sự đã được cố định ngay từ đầu. Trong các dự án NFT thì thuật toán độ hiếm chắc chắn phải được giữ bí mật hoặc sử dụng một thuật toán ngẫu nhiên không thể biết trước để tăng tính ngẫu nhiên. Nếu thuật toán xác định độ hiếm được sử dụng trong Smart Contract là công khai và có thể dự đoán được thì những kẻ tấn công có thể sử dụng những thông tin này để thao túng hệ thống.
Trước tiên họ có thể tính toán ngoài chuỗi ID nào sẽ là hiếm và sau đó chỉ đúc những NFT hiếm đó. Vì vậy nếu các NFT sau đó không đáp ứng yêu cầu thì họ có thể chọn không đúc NFT trên chuỗi. Từ đó sẽ khiến giao dịch của người dùng gặp phải vấn đề swap token rồi nhưng không nhận lại được NFT.
Sau ERC 404 Còn Cơ Hội Nào Đáng Chú Ý
Trong giai đoạn bùng nổ của ERC 404 thì phí gas trên Ethereum cũng đã tăng đáng kể và duy trì ở mức cao do liên tiếp nhiều dự án ERC 404 khác nhau được ra mắt, phí swap trung bình trong thời kì cao điểm lên tới khoảng 40 - 50 USD/1 Transaction. Tuy nhiên, giờ đây có lẽ trend ERC 404 đã bắt đầu hạ nhiệt và dự án hàng đầu Pandora cũng đã giảm khoảng 52% so với giá ATH, các dự án ERC 404 còn lại cũng đã trải qua sự sụt giảm lớn và một trong số đó gần như đã giảm về 0.
Đối với tiêu chuẩn ERC 404 thì một nhược điểm dễ thấy nhất đó là vấn đề về phí gas. So với các giao dịch token ERC 20 thông thường thì các giao dịch ERC 404 có phí cao hơn nhiều. Vì vậy có nhiều tiêu chuẩn mới được ra đời để giải quyết vấn đề này như sau:
DN 404: Giảm thiểu đáng kể về phí giao dịch
Được phát triển bởi một nhóm những người đam mê tiền điện tử, DN 404 được ra mắt nhằm mục đích cung cấp những lợi ích tương tự như ERC 404 nhưng hiệu quả cao hơn và chi phí giao dịch thấp hơn.
Không giống như ERC 404 cố gắng hợp nhất các tiêu chuẩn ERC 20 và ERC 721 thành một Contract duy nhất, DN 404 có cách tiếp cận khác. Nó sử dụng hai Contract riêng biệt nhưng có liên quan Contract ERC 20 dành cho token và ERC 721 dành cho NFT. Thiết kế này không chỉ đơn giản hóa quá trình tạo token mà còn giảm thiểu rủi ro về các lỗ hổng tiềm tàng gặp phải. Bằng cách ưu tiên về bảo mật, DN 404 đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các nhà phát triển và người dùng tìm kiếm các giải pháp phi tập trung bền vững hơn cho NFT.
ERC 404Plus: Tiêu chuẩn được giới thiệu bởi Bitcoin Cats
Mới đây dự án Metaverse trên Bitcoin là Bitcoin Cats đã giới thiệu tiêu chuẩn ERC 404Plus một phiên bản cải tiến của ERC 404 trong đó ERC 404Plus cho phép người dùng lựa chọn giữa NFT và FT một cách linh hoạt hơn, đồng thời giảm thiểu đáng kể phí gas cần thiết cho mỗi giao dịch.
BitcoinCats404 là dự án đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn ERC 404Plus và chỉ có thể được khai thác bằng cách kết nối Bitcoin Cats NFT trên Bitcoin Ordinals trước thời hạn quy định. Đã có tổng cộng 1124 Bitcoin Cats NFT được gửi và vào ngày 16/02/2024 họ đã nhận được BitcoinCats404 và token 404Cats. Ngoài thông tin trên thì đến thời điểm hiện tại, Bitcoin Cats vẫn chưa đưa thêm thông tin chi tiết nào về tính năng nhưng có thể thấy hướng cải tiến cốt lõi vẫn là giảm phí giao dịch.
ERC 1111: Tiêu chuẩn được giới thiệu bởi PFP Asia
ERC 1111 là tiêu chuẩn do PFP Asia giới thiệu nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của NFT bằng cách chia nhỏ NFT thành 10.000 token và người dùng có thể giao dịch được trên các sàn Dex. So với các tiêu chuẩn khác thì tiêu chuẩn ERC 1111 tồn tại ở dạng duy nhất và nếu muốn chuyển token thành NFT hoặc ngược lại thì người dùng phải thực hiện thao tác Swap. Hiện tại PFP Asia mới ra token PFPAsia còn nếu muốn chuyển thành NFT thì người dùng buộc phải đợi đến cuối tháng 3 khi dự án ra mắt bộ PFP của mình.
Tổng kết
Có thể nói tiêu chuẩn ERC 404 đã mở trào lưu mới cho các dự án NFT ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên trong cơ hội vẫn có nhiều rủi ro đặc biệt là các dự án fomo theo trend. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - November 21, 2024