Opensea được xem là một trong những NFT Marketplace thành công nhất lịch sử và thời kì hoàng kim của họ diễn ra trong giai đoạn 2021 khi NFT trở thành một trong những xu hướng chính trên thị trường. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây thì OpenSea đã dần tụt dốc và đánh mất vị thế số 1 của họ vào tay các đối thủ khác trong ngành. Trong bài viết này, hãy cùng Hak Research phân tích Opensea và nhìn lại chặng đường phát triển của họ trong những năm vừa qua nhé.
Trước khi vào bài viết phân tích Opensea, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé.
Khởi Đầu Từ Vườn Ươm Khởi Nghiệp
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2017, Finzer và Atallah - một cựu sinh viên Đại học Stanford cùng đang ở độ tuổi ngoài 20 đã hợp tác để thành lập một công ty khởi nghiệp. Ban đầu, họ lên kế hoạch phát triển một dự án thanh toán cho việc chia sẻ Wi-Fi với người lạ. Đến tháng 1/2018, họ đã gia nhập Y Combinator - một vườn ươm khởi nghiệp danh tiếng đã từng nuôi dưỡng những gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Airbnb.
Cùng trong khoảng thời gian này, Blockchain đang nổi lên như một cơ sở dữ liệu phi tập trung không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ ai. Các nhà phát triển đã bắt đầu giới thiệu một phương pháp lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn trên Blockchain. Họ tạo ra các Non-Fungible Token (NFT) khác biệt với Bitcoin ở chỗ mỗi NFT là độc nhất. Điều này cho phép người sở hữu có thể chứng minh mình là chủ thực sự của một tài sản kỹ thuật số, chẳng hạn như một hình ảnh khỉ hoạt hình được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu bất biến này.
NFT có thể đại diện cho nhiều loại tài sản từ Contract, quyền sở hữu tài sản ảo đến tài sản thực. Vào cuối năm 2017, Dapper Labs đã thu hút sự chú ý của công chúng khi ra mắt CryptoKitties - một trò chơi trên nền tảng Ethereum cho phép người dùng mua bán những con mèo hoạt hình được mã hóa dưới dạng NFT. Không chỉ dừng lại ở CryptoKitties, thị trường NFT còn chứng kiến sự xuất hiện của các CryptoPunks - những hình ảnh pixel hóa với kiểu tóc mohawk và kính râm, thẻ giao dịch kỹ thuật số lấy cảm hứng từ meme Pepe the Frog và cả những bông hoa tulip ảo được thể hiện dưới dạng bộ sưu tập NFT EtherTulips.
Nhận thấy tiềm năng từ xu hướng này, Finzer và Atallah đã quyết định chuyển hướng kinh doanh. Đến tháng 5/2018, sau khi tốt nghiệp Y Combinator, Finzer và Atallah thông báo đã huy động được 2 triệu USD cho nền tảng NFT của mình với sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư lớn bao gồm cả Founders Fund của Peter Thiel.
Tuy nhiên trong gần ba năm sau đó, thị trường NFT vẫn chưa thực sự phát triển mạnh. Theo dữ liệu từ DappRadar thì trong suốt năm 2020 thì phân tích OpenSea chỉ có vài trăm người dùng hoạt động mỗi ngày. Tuy nhiên Opensea vẫn cho thấy sự nỗ lực không ngừng trong việc liên tục update và cải tiến sản phẩm. Có thể nói, Opensea là NFT Marketplace nổi bật nhất trên thị trường vào thời điểm đó.
Thị Trường NFT Bùng Nổ, Opensea Đạt Mức Tăng Trưởng Theo Cấp Số Nhân
Sự ảm đạm của thị trường NFT kéo dài cho đến tận 2021. Tuy nhiên vào tháng 03/2021, thị trường NFT bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ đặc biệt khi nghệ sĩ Mike Winkelmann hay còn được biết đến với tên Beeple đã bán một tác phẩm NFT với giá 69 triệu USD. Theo dữ liệu từ DappRadar, giá trị các bộ sưu tập NFT được bán trên OpenSea đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó.
OpenSea có thể thu tới 10% phí trên mỗi giao dịch và sự gia tăng hoạt động giao dịch trên NFT Marketplace này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Cũng trong tháng đó, CEO Devin Finzer của OpenSea tuyên bố công ty đã huy động được 23 triệu USD từ những nhà đầu tư tên tuổi bao gồm Andreessen Horowitz (A16z). Lúc này, định giá của OpenSea đạt 123 triệu USD và công ty bắt đầu bước vào giai đoạn mở rộng quy mô.
Thị trường NFT tiếp tục giữ được sức nóng sau kỷ lục của Beeple với sự ra mắt của dự án Bored Ape Yacht Club từ Yuga Labs. Bộ sưu tập 10.000 NFT hình ảnh chú khỉ hoạt hình này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Người sở hữu không chỉ có quyền tham dự các sự kiện độc quyền mà còn có thể tận hưởng nhiều đặc quyền khác. Một số người thậm chí sẵn sàng chi hàng triệu USD chỉ để sở hữu một chú khỉ với bộ lông vàng hoặc đeo kính hình trái tim.
Khi các NFT BAYC, CryptoPunks hay Pudgy Penguins được trao tay liên tục, doanh thu của OpenSea cũng tăng vọt. Theo các tài liệu nội bộ, doanh thu của OpenSea đã tăng từ 9 triệu USD trong quý 2/2021 lên 167 triệu USD trong quý 3 và tiếp tục đạt 186 triệu USD trong quý 4/2021. Một mức tăng trưởng theo cấp số nhân cực kì ấn tượng và đáng chú ý hơn là Opensea chỉ cần vài tháng để đạt được mức doanh thu khổng lồ như vậy. Nhờ lượng lớn thanh khoản đổ vào nền tảng từ các giao dịch NFT khiến doanh thu tăng vọt và điều này cũng giúp OpenSea thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Tháng 07/2021, công ty huy động thêm 100 triệu USD với mức định giá lên tới 1,5 tỷ USD.
Bắt Đầu Gặp Những Vấn Đề Đầu Tiên
Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi OpenSea mở rộng và thu hút nhiều nguồn vốn lớn. Vào tháng 09/2021, OpenSea yêu cầu giám đốc sản phẩm Nate Chastain từ chức sau khi có thông tin ông lợi dụng quyền truy cập thông tin nội bộ để giao dịch NFT. Cụ thể, Chastain biết trước những NFT nào sẽ được OpenSea quảng bá trên trang chủ. Khi những NFT này được giới thiệu, giá trị của chúng thường tăng lên và Chastain đã lợi dụng điều này để mua trước và bán lại sau khi giá tăng. Một cựu nhân viên tiết lộ rằng cách làm này "khá phổ biến" trong ngành tại thời điểm đó. Chastain sau đó bị kết án ba tháng tù, trở thành vụ án đầu tiên về giao dịch nội gián liên quan đến NFT do Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố.
Tuy nhiên, vấn đề của OpenSea không dừng lại ở đây. Người dùng phàn nàn về việc nền tảng thường xuyên gặp sự cố, spam, các dự án NFT lừa đảo và thậm chí là NFT bị đánh cắp. Một số người dùng thậm chí còn đùa rằng OpenSea nên đổi tên thành "BrokenSea" vì số lượng lỗi và sự cố quá lớn.
Finzer và Atallah nhận ra rằng họ cần mở rộng đội ngũ để xử lý khối lượng giao dịch tăng đột biến và các vấn đề kỹ thuật. Họ bắt đầu thuê những nhân viên có kinh nghiệm từ các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook và Google. Tuy nhiên, một số nhân viên cho rằng việc này đã khiến văn hóa công ty thay đổi. Một nhân viên cũ ví von rằng những người mới đến giống như "dị nhân trong Game of Thrones", ám chỉ việc những người này thay đổi cục diện nội bộ.
Trong khoảng thời gian đỉnh cao, phân tích OpenSea có tới 300 nhân viên, một con số ấn tượng nhưng cũng đồng nghĩa với việc chi phí vận hành tăng vọt. Tuy nhiên sau đó OpenSea vẫn tiếp tục tăng trưởng về mặt doanh thu. Vào quý 1/2022, công ty đạt mức doanh thu kỷ lục 265 triệu USD và huy động thêm 300 triệu USD từ các quỹ đầu tư, nâng định giá của công ty lên 13,3 tỷ USD. Theo báo cáo của Forbes, Finzer và Atallah mỗi người nắm giữ khoảng 19% cổ phần OpenSea, khiến họ trở thành những tỷ phú trên giấy tờ.
Thị Trường NFT Hạ Nhiệt, OpenSea Bắt Đầu Tụt Dốc
Giai đoạn đỉnh cao của OpenSea nhanh chóng chuyển thành giai đoạn suy thoái khi hàng loạt vấn đề bắt đầu xuất hiện. Khi CTO mới, Nadav Hollander gia nhập công ty, nhóm của ông đã phát hiện ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong mã nguồn. Lỗ hổng này có thể cho phép kẻ tấn công nhận thanh toán mà không cần gửi NFT cho người mua. Dù sự cố không gây nhiều tổn thất nhưng CEO Devin Finzer sau này thừa nhận với nhân viên rằng đây là "một trong những điều đáng sợ nhất" trong sự nghiệp của ông.
Vào tháng 03/2022, khi OpenSea được vinh danh trong danh sách 100 công ty có tầm ảnh hưởng nhất của tạp chí Time thì cũng là lúc cơn sốt NFT bắt đầu hạ nhiệt. Theo dữ liệu từ CryptoSlam, doanh số của thị trường NFT giảm mạnh từ 6 tỷ USD vào tháng 01/2022 xuống chỉ còn hơn 1 tỷ USD vào tháng 6/2022. Điều này đã tác động lớn đến doanh thu của OpenSea, khi thu nhập quý 2 giảm xuống còn 171 triệu USD.
Tình hình tài chính trở nên tồi tệ hơn khi theo tiết lộ của một cựu nhân viên thì OpenSea vẫn giữ phần lớn dự trữ tiền mặt dưới dạng Ethereum (ETH) - loại tiền mã hóa lớn thứ hai theo vốn hóa thị trường. Thay vì chuyển sang các tài sản ổn định hơn, OpenSea chọn giữ ETH để "ủng hộ ngành công nghiệp tiền mã hóa". Tuy nhiên, điều này đã trở thành một sai lầm lớn khi giá ETH giảm gần 80% kể từ đỉnh điểm vào tháng 11/2021. Mặc dù công ty vẫn tạo ra 171 triệu USD doanh thu trong quý 02/2022 nhưng do sự sụt giảm giá trị ETH và các khoản nợ khác, OpenSea ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 170,7 triệu USD.
Bất chấp khó khăn tài chính, OpenSea vẫn tổ chức sự kiện hoành tráng tại hội nghị NFT.NYC vào mùa hè năm 2022, nhằm thể hiện sức mạnh của mình trong ngành. Một số tin đồn rằng công ty đã bao trọn một khách sạn lớn ở trung tâm New York càng làm tăng sự chú ý.
Tuy nhiên, không lâu sau hội nghị, OpenSea buộc phải cắt giảm 20% nhân sự. Cùng thời điểm đó, đồng sáng lập Alex Atallah tuyên bố rút lui khỏi vai trò điều hành hàng ngày và chỉ giữ vị trí trong hội đồng quản trị. Các nhân viên không rõ lý do cụ thể khiến Atallah quyết định ra đi nhưng một số người suy đoán rằng có sự căng thẳng giữa Atallah và Finzer.
Tuy nhiên, Atallah phủ nhận mọi mâu thuẫn với Finzer khẳng định ông ra đi chỉ vì yêu thích giai đoạn đầu của các dự án khởi nghiệp và muốn theo đuổi những ý tưởng mới. Trong khi đó, Finzer tiếp tục ở lại lãnh đạo OpenSea nhưng công ty giờ đây đã không còn ở vị thế vững chắc như trước. Doanh thu trong quý 03/2022 giảm mạnh xuống còn 32 triệu USD và OpenSea ghi nhận khoản lỗ hơn 27 triệu USD.
Đánh Mất Vị Trí Số 1 Vào Tay Blur
Vào tháng 10/2022, OpenSea đối mặt với một thách thức mới: sự xuất hiện của Blur - một nền tảng giao dịch NFT kiểu mới dành cho các trader chuyên nghiệp. Từng nắm giữ gần như toàn bộ thị trường NFT trị giá hàng tỷ đô la, giờ đây OpenSea phải cạnh tranh khốc liệt với đối thủ này.
Blur được sáng lập bởi một lập trình viên có biệt danh là "Pacman", sau đó được tiết lộ là Tieshun Roquerre, một sinh viên bỏ học từ MIT và tốt nghiệp chương trình Y Combinator. Blur tập trung vào việc tài chính hóa NFT và coi NFT như một tài sản để các nhà giao dịch mua đi bán lại nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Sự khác biệt lớn của Blur so với OpenSea là nền tảng này không áp dụng phí bản quyền cho các giao dịch, giúp các nhà giao dịch tối đa hóa lợi nhuận. Điều này thu hút rất nhiều nhà đầu tư NFT chuyên nghiệp, những người ưu tiên lợi nhuận hơn là việc hỗ trợ các nghệ sĩ. Ngoài ra, Blur còn hứa hẹn phân phát tiền mã hóa miễn phí cho những người dùng quan trọng, điều này càng làm tăng sức hút của nền tảng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Blur nhanh chóng giành thị phần từ OpenSea. Theo DappRadar vào tháng 2/2023, Blur đã vượt qua OpenSea với khối lượng giao dịch hàng tháng gần gấp ba lần. Trong khi đó, doanh thu của OpenSea tiếp tục giảm, từ 23 triệu USD vào quý 4/2022 xuống còn 19 triệu USD trong quý 1/2023.
Trước sự trỗi dậy của Blur, Finzer cảm thấy cần phải hành động. Một số cựu nhân viên tiết lộ rằng OpenSea đã từ bỏ sứ mệnh ban đầu là đưa NFT đến với công chúng thay vào đó tập trung phục vụ những người đầu cơ. Thậm chí, Finzer đã thảo luận với các nhà sáng lập tiền mã hóa và luật sư về việc phát hành một đồng tiền mã hóa riêng cho OpenSea. Phát ngôn viên Galper xác nhận rằng công ty đã cân nhắc vấn đề này nhưng nhấn mạnh rằng OpenSea vẫn tập trung vào sự phát triển dài hạn thay vì chú trọng đến những biến động ngắn hạn trên thị trường.
Tuy nhiên, việc phát hành tiền mã hóa cũng là một hành động rủi ro lớn, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã nhiều lần tuyên bố rằng hầu hết tiền mã hóa đều là chứng khoán chưa đăng ký. Sau vụ sụp đổ của FTX vào tháng 11/2022, SEC đã mở rộng cuộc điều tra và khởi kiện các công ty lớn trong ngành bao gồm Coinbase và Binance.
Sau hội nghị NFT.NYC vào tháng 5/2023, OpenSea tiếp tục thực hiện một đợt sa thải nhỏ và không công khai. Một cựu nhân viên cho biết: "Cứ mỗi lần có hội nghị NFT.NYC, mọi người lại lo sợ về việc sa thải, vì nó luôn xảy ra sau đó."
Vào tháng 8, OpenSea tuyên bố ngừng thực thi phí bản quyền cho các nghệ sĩ, gây ra làn sóng bất mãn trong nội bộ công ty. Một cựu nhân viên cho biết quyết định này đã làm nảy sinh nhiều phản đối. Một nhân viên khác nhận xét: "Tôi cảm thấy OpenSea vẫn chưa thực sự xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu và chiến lược của mình. Họ chỉ đang dò dẫm mà thôi."
Bão Tố Từ SEC Và Vấn Đề Về Pháp Lí
Vào năm 2022, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tiến hành hành động pháp lý đầu tiên đối với ngành công nghiệp NFT. SEC cáo buộc công ty Impact Theory được thành lập bởi Quest Nutrition phát hành NFT mà không đăng ký với cơ quan quản lý. Chỉ vài tuần sau đó, SEC tiếp tục buộc tội Stoner Cats 2 LLC - một công ty đứng sau loạt phim hoạt hình có sự tham gia của các ngôi sao như Mila Kunis và Ashton Kutcher với cùng lý do. Cả hai công ty đã đồng ý dừng các hoạt động phát hành NFT và nộp phạt, lần lượt là 6.1 triệu USD và 1 triệu USD.
Galper xác nhận rằng kể từ năm 2022, OpenSea đã nhận được yêu cầu từ SEC và cho biết công ty luôn hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Để tránh rắc rối, công ty đã cung cấp cho nhân viên một hướng dẫn về cách sử dụng ngôn từ khi thảo luận về NFT và OpenSea. Chẳng hạn, thay vì nói "mua bán" hay "thanh toán" trên OpenSea, nhân viên phải sử dụng các cụm từ như "mua trên Blockchain" hoặc "sử dụng MoonPay để mua." Điều này nhằm phân định rõ ràng trách nhiệm pháp lý và thuế.
Công ty cũng phải đối mặt với các yêu cầu từ FTC. Galper xác nhận rằng OpenSea đã nộp tài liệu cho FTC vào tháng 8/2023 nhưng từ chối cung cấp chi tiết về lý do hoặc nội dung của yêu cầu này.
Không chỉ đối mặt với SEC và FTC, OpenSea còn chịu sự giám sát từ nhiều cơ quan thuế quốc tế. Ví dụ, cơ quan thuế Úc (ATO) đã yêu cầu công ty cung cấp thông tin để xác định liệu họ có phải trả thuế cho toàn bộ giá trị NFT được bán trên nền tảng hay chỉ đối với phần phí giao dịch mà OpenSea thu được. Vào tháng 10/2023, đội ngũ pháp lý của OpenSea đã đến Úc để đàm phán về vấn đề này. Nếu không đạt được thỏa thuận, OpenSea có thể phải nộp tới 130 triệu USD tiền thuế, theo ước tính từ cuộc thảo luận nội bộ vào tháng 8/2023.
Ngoài ra, công ty cũng đang đối mặt với các yêu cầu từ các cơ quan thuế ở Washington, Ấn Độ và Đài Loan. Trong một cuộc họp toàn công ty, cựu Cố vấn pháp lý Gina Moon của OpenSea đã thừa nhận rằng các cơ quan quản lý và các nhà làm luật đang rất quan tâm đến công ty.
Liệu OpenSea 2.0 Có Cứu Vãn Được Tình Hình
Vào dịp Halloween 2023, OpenSea thông báo sẽ sa thải hàng loạt, khiến hơn 100 nhân viên mất việc, chiếm khoảng 56% tổng nhân sự. Finzer đã đăng trên X thông báo rằng anh đang tái cơ cấu đội ngũ xung quanh một chiến lược mới mang tên "OpenSea 2.0". Dù chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về sự thay đổi này, Finzer thừa nhận đây là một canh bạc lớn và khá mạo hiểm.
Theo một bản ghi nhớ nội bộ, các nhân viên bị sa thải sẽ nhận được 4 tháng tiền lương và 6 tháng bảo hiểm y tế như là phần hỗ trợ. Những nhân viên còn lại được mời tham dự một buổi họp kín để thảo luận về hướng đi mới của công ty. Trong cuộc họp, Finzer đã nói về việc biến OpenSea từ người đi theo thành người dẫn đầu thị trường, nhằm chuyển mình trở thành "cửa ngõ của Web3", tức một tương lai của internet dựa trên công nghệ Blockchain. Công ty dự định sẽ viết lại phần lớn mã nguồn để giúp người dùng dễ dàng theo dõi các giao dịch tiền mã hóa trên nền tảng.
Mặc dù chiến lược OpenSea 2.0 được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột phá nhưng những bước đi ban đầu chưa thuyết phục được cả nhân viên lẫn nhà đầu tư. Theo một báo cáo, Coatue Management - một trong những nhà đầu tư lớn nhất của OpenSea đã hạ định giá công ty xuống còn 1,4 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 13,3 tỷ USD chỉ cách đó chưa đầy hai năm.
Hậu quả của đợt sa thải cũng dẫn đến sự ra đi của nhiều quản lý cấp cao bao gồm cố vấn pháp lý, phó chủ tịch vận hành, giám đốc nhân sự và truyền thông. Để giữ chân những người ở lại, OpenSea đã cung cấp mức thưởng 20% trên lương hiện tại. Dù vậy, các lãnh đạo vẫn lo ngại về tình trạng thiếu hụt nữ kỹ sư và quản lý sản phẩm sau làn sóng sa thải.
Tổng kết
Opensea từng chiếm vị thế số 1 với hơn 90% khối lượng giao dịch NFT. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Opensea đã mất dần vị thế vào tay những đối thủ cạnh tranh như Blur hay Magic Eden. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn giới thiệu trong bài phân tích Opensea, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - November 21, 2024