Trong thế giới blockchain đầy cạnh tranh và đổi mới, bảo mật và tính phi tập trung luôn là những yếu tố hàng đầu khi người dùng cân nhắc tham gia vào các dự án. Ethereum và Bitcoin là hai mạng lưới dẫn đầu về mặt này, nhưng mỗi hệ sinh thái lại gặp phải những thách thức và hạn chế riêng. EigenLayer xuất hiện như một giải pháp sáng tạo để mở rộng tính bảo mật và phi tập trung của Ethereum, đồng thời tối ưu hóa các token Liquid Staking (LST). Thông qua mô hình restaking, EigenLayer mang đến khả năng sử dụng đa dạng và an toàn cho LST token, giúp các dịch vụ phi tập trung có thể tiếp cận và tận dụng sự bảo mật của Ethereum mà không cần phải xây dựng mạng lưới bảo mật riêng. Với EigenLayer, những người nắm giữ LST token không chỉ gia tăng lợi nhuận mà còn góp phần xây dựng một nền tảng blockchain đa dạng và bền vững hơn.
EigenLayer & Những Động Lực Để Restaking Ra Đời
Góc nhìn đến từ EigenLayer & vấn đề đối với hệ sinh thái AVS
Ethereum & Bitcoin là 2 Blockchain có tính bảo mật và phi tập trung nhất trong thị trường Crypto hiện nay, tuy nhiên bởi vì Bitcoin không hỗ trợ hỗ trợ hợp đồng thông minh nên không có một hệ sinh thái các DApp, Protocol phía trên để hưởng bảo mật từ Bitcoin nhưng thời gian gần đây chúng ta bắt đầu chứng kiến một làn sóng các dự án với các mô hình mới với tham vọng sử dụng bảo mật trên Bitcoin.
Ethereum lại là một câu chuyện khác, Ethereum hỗ trợ Smartcontract ngay từ ban đầu nên đã nhanh chóng gầy dựng và trở thành hệ sinh thái mạnh mẽ nhất trong thị trường Crypto. Tuy nhiên, sự bảo mật và phi tập trung của Ethereum lại chưa được lan tỏa đi xa có rất nhiều các dịch vụ, sản phẩm như Oracle, Sidechain, Bridge,... lại không có cách nào có thể tiếp cận được với sự bảo mật và phi tập trung từ Ethereum. Chính yếu tố này làm cho các ứng dụng, nền tảng này phải tự xây dựng mạng lưới bảo mật (AVS) của riêng mình. Tuy nhiên mỗi AVS phải xây dựng mạng lưới của riêng mình, dẫn đến:
- Khó khăn trong khởi đầu: Các AVS mới phải tạo ra mạng lưới bảo mật riêng, điều này khó khăn và tốn kém.
- Chảy máu giá trị: Do mỗi AVS có mạng lưới bảo mật riêng, người dùng phải trả phí cho cả Ethereum và các AVS, gây ra tình trạng phí bị phân tán thay vì tập trung vào Ethereum.
- Gánh nặng chi phí vốn: Validators phải đối mặt với rủi ro vốn khi staking trong các hệ thống mới, cần thu nhập cao để bù đắp chi phí này.
- Mô hình bảo mật yếu kém: Sự an toàn của DApps phụ thuộc vào các AVS, vốn dễ bị tấn công nếu một trong số đó bị tổn thương, làm giảm tính bảo mật toàn hệ thống.
Góc nhìn đến từ người dùng: EigenLayer giải quyết các tồn đọng thị trường
EigenLayer ra đời trong bối cảnh thị trường crypto đang chứng kiến sự gia tăng của các dự án Liquid Staking, dẫn đến việc có quá nhiều token LST (Liquid Staking Token) trên thị trường. Liquid staking cung cấp tính linh hoạt, cho phép người dùng vừa tham gia staking vừa giao dịch các token đại diện này. Tuy nhiên, số lượng LST token quá lớn lại gây ra thách thức khi các token này chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động giao dịch hoặc cung cấp thanh khoản đơn thuần, thiếu các Use Case đa dạng. Điều này dẫn đến rủi ro tiềm ẩn khi giá trị của các LST token bị ảnh hưởng nếu người dùng không thấy động lực để giữ chúng lâu dài.
EigenLayer được phát triển để giải quyết hạn chế này, bằng cách mở rộng các Use Case cho LST token và tạo điều kiện cho chúng tham gia vào nhiều hoạt động bảo mật và dịch vụ khác nhau. Thay vì chỉ dừng lại ở các ứng dụng DeFi, EigenLayer cho phép các LST token đóng vai trò bảo mật các dịch vụ kỹ thuật số khác nhau, như các cơ chế đồng thuận mới, Oracles, và quản lý MEV, thông qua việc staking lại (Restaking). Điều này không chỉ giúp tăng cường bảo mật mạng mà còn tối ưu hóa lợi nhuận cho người sở hữu LST token, khi họ có thể kiếm thêm từ nhiều nguồn phần thưởng khác nhau ngoài phần thưởng staking ban đầu.
Nhờ EigenLayer, các chủ sở hữu LST token có thể linh hoạt hơn trong việc sử dụng tài sản của mình, từ đó giảm thiểu rủi ro và gia tăng động lực sở hữu dài hạn. EigenLayer không chỉ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và tính thanh khoản cho người dùng, mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Blockchain phi tập trung. Bằng cách cung cấp nhiều cách thức sử dụng và khai thác, EigenLayer đã mở ra những tiềm năng mới cho các LST token và tạo điều kiện cho một hệ sinh thái Blockchain đa dạng và mạnh mẽ hơn.
EigenLayer: Mô Hình & Cơ Chế Hoạt Động
Tổng quan về EigenLayer
EigenLayer đã chính thức để giải quyết 2 thách thức ở trên thông qua 2 tính năng chính là bảo mật gộp qua restaking và quản trị thị trường tự do, điều này cho phép mở rộng tính bảo mật và phi tập trung của Ethereum sang các hệ thống khác mà không cần xây dựng mạng lưới bảo mật mới. Cụ thể:
- Bảo mật gộp qua restaking: EigenLayer cho phép các Validators tái sử dụng ETH đã stake để bảo vệ các AVS mới. Thay vì phải tạo ra token riêng cho từng AVS, EigenLayer dùng ETH restaking để cung cấp bảo mật, giúp giảm chi phí và tăng cường niềm tin.
- Quản trị thị trường tự do: EigenLayer tạo ra thị trường mở để Validators có thể chọn những dịch vụ nào họ muốn bảo vệ, tùy thuộc vào lợi nhuận và rủi ro của từng dịch vụ. Điều này giúp Ethereum duy trì mô hình quản trị ổn định, trong khi EigenLayer mở rộng khả năng đổi mới nhanh chóng và tự do.
Hình dung một cách cơ bản thì các Validator trên mạng lưới Ethereum có thể tham gia song song cho cả Ethereum & EigenLayer, với việc tham gia vào mạng lưới rộng lớn các khách hàng của EigenLayer giúp các Validator có thêm nhiều lợi nhuận hơn so với việc chỉ hỗ trợ duy nhất Ethereum, từ đó giúp số lượng các Validator trên EigenLayer nhanh chóng tăng vọt.
Không chỉ dừng lại ở đó với việc hỗ trợ các LST ETH giúp cho EigenLayer tiếp cận tới nguồn tài sản dồi dào, nhàn rỗi, an toàn ngoài thị trường. Với việc sử dụng LST ETH làm tài sản thế chấp giúp các người dùng và những Node Operators có thể tự tin tham gia vào mạng lưới EigenLayer mà không lo lắng về tài sản trong stake của mình.
Bên cạnh đó với việc cho ra mắt thị trường tự do cho phép các ứng dụng, nền tảng, giao thức,... có thể lựa chọn các hình thức bảo mật với mình từ đó cân bằng giữa 3 yếu tố là phi tập trung, bảo mật và khả năng mở rộng. Không những vậy ngay cả những người vận hành Validator cũng có thể lựa chọn các dịch vụ AVS phù hợp với bản thân dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.
Những ứng dụng của EigenLayer
EigenLayer mở ra một loạt các ứng dụng tiềm năng trong lĩnh vực blockchain, đặc biệt là trong các dịch vụ bảo mật và phi tập trung. Dưới đây là những ứng dụng quan trọng mà EigenLayer hỗ trợ và phát triển:
- Oracles: Oracles đóng vai trò cầu nối đưa dữ liệu từ thế giới bên ngoài vào blockchain. Chúng thường cung cấp thông tin về giá cả thị trường, kết quả sự kiện, hoặc bất kỳ dữ liệu nào không tồn tại trực tiếp trên blockchain. EigenLayer cho phép các oracles tận dụng bảo mật từ mạng lưới Ethereum thông qua cơ chế restaking, giúp đảm bảo rằng dữ liệu được cung cấp chính xác và đáng tin cậy.
- Data Availability (DA): Lớp dữ liệu đảm bảo tính khả dụng của dữ liệu trên blockchain, đặc biệt quan trọng với các giải pháp mở rộng như rollups. EigenLayer có thể cung cấp bảo mật cho các lớp dữ liệu bên ngoài Ethereum, đảm bảo dữ liệu luôn có sẵn và đáng tin cậy cho các ứng dụng blockchain.
- Sidechains & Rollups: Sidechains và rollups là các công nghệ mở rộng blockchain, giúp tăng cường khả năng xử lý giao dịch và giảm tải cho mạng lưới chính (Ethereum). EigenLayer hỗ trợ bảo mật cho các sidechains và rollups mà không yêu cầu xây dựng một mạng lưới bảo mật mới.
- Decentralized Sequencers: Các mạng lưới giám sát phi tập trung (sequencers) quản lý thứ tự của các giao dịch trong blockchain, đảm bảo tính toàn vẹn và công bằng trong xử lý giao dịch. EigenLayer có thể cung cấp một lớp bảo mật cho các sequencers này. Nhờ EigenLayer, các sequencers có thể hoạt động với mức độ bảo mật cao mà không cần một mạng lưới bảo mật riêng, giúp đảm bảo rằng các giao dịch được xử lý một cách đáng tin cậy và không thiên vị.
- Bridges: Bridges giúp liên kết các blockchain với nhau, cho phép tài sản và dữ liệu di chuyển qua lại giữa các chuỗi khác nhau. EigenLayer cung cấp bảo mật cho bridges, giúp giảm nguy cơ tấn công khi truyền tải tài sản qua lại giữa các blockchain.
- Miner Extractable Value: MEV là giá trị mà người khai thác hoặc người xác thực có thể thu được từ việc thao túng thứ tự giao dịch. EigenLayer hỗ trợ nhiều cơ chế quản trị MEV như chia sẻ MEV hoặc mã hóa giao dịch, nhằm giảm thiểu sự thao túng và tăng cường tính công bằng trong mạng lưới.
- Settlement Chains: EigenLayer hỗ trợ các chuỗi thanh toán nhanh, nơi mà Ethereum validators có thể tham gia vào các giao thức đồng thuận mới với độ trễ thấp và thông lượng cao.
- ...
EigenLayer không chỉ cung cấp bảo mật cho các dịch vụ này, mà còn tạo ra một môi trường cho phép đổi mới và mở rộng nhanh chóng, giúp Ethereum và các ứng dụng trên nền tảng này có thể phát triển mà không phải đối mặt với những thách thức về bảo mật và niềm tin. EigenLayer mở ra một tiềm năng lớn cho các loại dịch vụ và ứng dụng mới trong không gian blockchain.
Cơ chế hoạt động
Mạng lưới EigenLayer bao gồm ba vai trò chính:
- Restakers (Người Stake Lại): Là những người dùng stake ETH hoặc các token Liquid Staking (LSTs) để bảo mật cho các dịch vụ trên EigenLayer. Restakers không chỉ cung cấp bảo mật mà còn nhận phần thưởng từ các dịch vụ mà họ bảo vệ.
- Operators (Người vận hành): Các Operators trong EigenLayer nhận stake từ Restakers và chịu trách nhiệm xác thực, bảo mật cho các dịch vụ AVS. Operators đảm bảo rằng các yêu cầu bảo mật của EigenLayer và AVS được tuân thủ, giúp duy trì tính toàn vẹn của mạng lưới.
- Actively Validated Services (AVS): Đây là các dịch vụ phi tập trung cần sự bảo mật và xác thực từ các Validators. Các AVS có thể bao gồm lớp dữ liệu, mạng oracle, máy ảo, và các hệ thống phân tán khác. AVS tận dụng bảo mật từ mạng lưới EigenLayer để hoạt động an toàn và hiệu quả mà không cần tự xây dựng hệ thống bảo mật riêng.
EigenLayer được khởi động với những Node Operator. Validators đăng ký với EigenLayer bằng cách thiết lập lại thông tin rút tiền (withdrawal credentials) của họ trên Ethereum Beacon Chain để chỉ định rằng ETH đã stake sẽ được rút thông qua hợp đồng thông minh của EigenLayer. Sau khi kết nối với EigenLayer, Validators có thể chọn tham gia bảo mật cho một hoặc nhiều AVS. EigenLayer sau đó tạo ra một lớp bảo mật gộp, chia sẻ bảo mật từ một nhóm lớn ETH đã stake giữa các AVS, giúp tăng cường bảo mật mà không cần mỗi AVS phải tự xây dựng hệ thống riêng.
EigenLayer hoạt động theo cơ chế thị trường tự do, nơi các Validators có thể chọn dịch vụ AVS mà họ muốn bảo vệ dựa trên lợi nhuận và rủi ro liên quan. Họ có thể tự do tham gia hoặc rời khỏi các AVS, tạo ra một môi trường linh hoạt cho cả người xác thực và nhà phát triển.
- Chọn dịch vụ AVS: Các AVS mới cần cung cấp động lực hấp dẫn để thu hút Validators tham gia bảo vệ. Điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các AVS để thu hút bảo mật, đồng thời cung cấp một cơ chế thị trường mở mà trong đó Validators có thể dễ dàng so sánh các dịch vụ và quyết định dựa trên điều kiện của mỗi AVS.
- Opt-In (Tham gia chủ động): Validators chủ động chọn tham gia hoặc không tham gia bảo vệ các AVS. Các dịch vụ AVS không bắt buộc, và Validators có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các AVS dựa trên tình hình thị trường và lợi ích cá nhân.
Đối với các người dùng EigenLayer thì sẽ trải qua một số bước sau. Đầu tiên, các Restakers stake ETH hoặc ETH LSTs vào EigenLayer thông qua một hợp đồng thông minh đặc biệt gọi là EigenPod.
- Với Native ETH Stake: Restakers chuyển thông tin rút tiền của mình trên Ethereum Beacon Chain đến EigenPod, cho phép ETH đã stake được liên kết với EigenLayer và sử dụng cho các dịch vụ AVS.
- Với ETH Liquid Staking Tokens (LSTs): Restakers có thể stake các LSTs trực tiếp trên nền tảng EigenLayer, sử dụng các giao thức restaking lỏng. Điều này cho phép họ giữ tính thanh khoản trong khi vẫn có thể bảo mật các dịch vụ trên EigenLayer.
Sau khi stake ETH, Restakers có thể chọn các AVS mà họ muốn bảo vệ dựa trên mức độ lợi nhuận và rủi ro của mỗi dịch vụ.
- Chọn AVS: Restakers xem xét các dịch vụ AVS có sẵn và quyết định chọn dịch vụ nào để bảo vệ. Mỗi AVS sẽ có yêu cầu riêng về bảo mật và phần thưởng. Dựa vào các yếu tố này, Restakers có thể tối ưu hóa chiến lược bảo mật và thu nhập của mình.
- Giao Stake cho Operators: Sau khi chọn AVS, Restakers ủy quyền số ETH stake của mình cho các Operators, những người sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo mật và xác thực giao dịch cho các AVS này.
Operators trong EigenLayer nhận stake từ Restakers và đảm nhiệm vai trò bảo mật cho các AVS.
- Thực hiện xác thực: Operators kiểm tra và xác thực các giao dịch, bảo vệ các dịch vụ AVS bằng cách tuân thủ các quy định bảo mật của EigenLayer. Họ đóng vai trò tương tự như các Validators trên Ethereum, nhưng nhiệm vụ của họ đa dạng hơn, bao gồm cả xác thực dữ liệu cho lớp dữ liệu, mạng oracle, và nhiều hệ thống phân tán khác.
- Tránh rủi ro Slashing: Nếu Operators không tuân thủ quy tắc hoặc có hành vi gian lận, số ETH stake của họ sẽ bị cắt giảm (slashing). Điều này khuyến khích Operators duy trì hiệu suất cao và tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn cho tài sản của các Restakers.
Cuối cùng, Restakers và Operators liên tục giám sát và điều chỉnh chiến lược của họ để tối ưu hóa thu nhập và kiểm soát rủi ro.
- Theo dõi hoạt động AVS: Restakers có thể xem xét hiệu suất của AVS và Operators để đảm bảo rằng stake của họ không gặp rủi ro cao. Họ có thể dễ dàng thay đổi AVS hoặc Operator nếu cần thiết để giảm thiểu rủi ro.
- Điều chỉnh chiến lược: Khi thị trường hoặc tình hình của AVS thay đổi, Restakers và Operators có thể điều chỉnh chiến lược của họ, chuyển stake sang các AVS mới hoặc tái cấu trúc danh mục stake để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
EigenLayer, thông qua sự tương tác chặt chẽ giữa các Restakers, Operators, và AVS, không chỉ cung cấp một môi trường bảo mật mạnh mẽ cho các dịch vụ phi tập trung, mà còn khuyến khích sự tham gia và đổi mới từ cả cộng đồng Ethereum. Hệ thống hoạt động linh hoạt, cho phép người dùng dễ dàng điều chỉnh chiến lược đầu tư và tối ưu hóa thu nhập trong khi duy trì tính bảo mật cao.
Mô hình về nền kinh tế vận hành thực tế
Trong hệ sinh thái EigenLayer, nền kinh tế được duy trì và thúc đẩy thông qua hai yếu tố chính: phần thưởng (rewards) và slashing (cắt giảm). Các cơ chế này tạo động lực để người dùng tham gia stake, đồng thời giữ vững tính an toàn và bảo mật của hệ thống. Dưới đây là chi tiết về cách hoạt động của từng cơ chế này và ảnh hưởng của chúng đến người tham gia trong mạng lưới EigenLayer.
Đầu tiên là cơ chế phần thưởng (Rewards). Phần thưởng trong EigenLayer là yếu tố then chốt để thu hút người dùng stake ETH hoặc ETH Liquid Staking Tokens (LSTs) vào hệ thống. EigenLayer phân phối phần thưởng thông qua phí mà các dịch vụ AVS trả để sử dụng bảo mật từ các Restakers và Operators. Phần thưởng được thiết kế để bù đắp rủi ro và cung cấp lợi nhuận hấp dẫn cho những người tham gia.
Cơ chế phần thưởng của EigenLayer hoạt động theo một số điểm chính như:
- Thu phí từ AVS: Các dịch vụ AVS trả phí để sử dụng bảo mật từ EigenLayer. Mức phí này phụ thuộc vào các điều kiện mà AVS đặt ra, bao gồm yêu cầu bảo mật, thời gian bảo vệ, và mức độ rủi ro mà AVS chấp nhận.
- Phân phối phần thưởng cho Restakers và Operators: Phí từ AVS sẽ được phân chia giữa Restakers và Operators. Các Restakers nhận được phần thưởng dựa trên số lượng stake và thời gian tham gia, trong khi Operators nhận phần thưởng dựa trên hiệu suất và mức độ bảo vệ mà họ cung cấp.
- Tối ưu hóa lợi nhuận cho người dùng: Người dùng có thể nhận phần thưởng dưới dạng ETH hoặc các token khác từ AVS. Phần thưởng được phân phối tự động thông qua hợp đồng thông minh trên Ethereum, giúp quá trình trở nên minh bạch và công bằng. Các Restakers có thể tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách chọn các AVS có phí cao hơn hoặc tiềm năng phát triển lớn hơn.
Trong cơ chế hoạt động của EigenLayer được chia làm 2 loại phần thưởng:
- Phần thưởng cơ bản: Đây là phần thưởng cố định được trả bởi AVS cho việc cung cấp bảo mật. Nó thường được tính toán dựa trên mức độ stake và mức độ bảo vệ.
- Phần thưởng hiệu suất: Được trả thêm dựa trên hiệu suất làm việc của Operators và mức độ tin cậy của AVS. Điều này khuyến khích Operators duy trì hoạt động hiệu quả và ổn định.
Tiếp theo là về cơ chế Slashing. Slashing là cơ chế xử phạt trong EigenLayer nhằm giữ cho mạng lưới an toàn và khuyến khích người tham gia hành động trung thực. Nếu một Restaker hoặc Operator vi phạm các quy định bảo mật hoặc có hành vi gian lận, họ sẽ bị cắt giảm một phần hoặc toàn bộ số ETH đã stake. Cơ chế hoạt động của Slashing theo một số bước cơ bản như:
- Điều kiện Slashing: Mỗi AVS đều có các điều kiện slashing riêng, được quy định trong hợp đồng thông minh. Nếu một Operator không tuân thủ các yêu cầu của AVS, chẳng hạn như không xác thực giao dịch đúng cách hoặc có hành vi gian lận, số ETH đã stake của họ sẽ bị cắt giảm.
- Quy trình xác minh Slashing: Các điều kiện slashing được kiểm tra tự động thông qua các hợp đồng thông minh. Khi có vi phạm, hệ thống sẽ lập tức áp dụng slashing mà không cần can thiệp từ bên thứ ba. Các Restakers và Operators có thể bị cắt giảm stake dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
- Cảnh báo trước Slashing: EigenLayer cung cấp hệ thống giám sát và cảnh báo để giúp người dùng theo dõi các điều kiện bảo mật và giảm nguy cơ bị slashing. Các Restakers và Operators có thể truy cập thông tin này để đảm bảo tuân thủ các quy định và tránh bị phạt.
Slashing cũng có nhiều mức độ khác nhau như:
- Slashing nhẹ: Khi có lỗi nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới, EigenLayer có thể chỉ cắt giảm một phần nhỏ số lượng ETH stake. Điều này giúp nhắc nhở và khuyến khích người dùng cải thiện hiệu suất.
- Slashing nghiêm trọng: Đối với các vi phạm nghiêm trọng như hành vi gian lận có chủ ý hoặc không tuân thủ quy định bảo mật lớn, EigenLayer sẽ áp dụng cắt giảm lớn, hoặc thậm chí toàn bộ số ETH đã stake. Mức độ cắt giảm sẽ phản ánh mức độ ảnh hưởng và nguy cơ mà hành vi vi phạm gây ra.
Phần thưởng và slashing có ảnh hưởng sâu rộng đến cách mà Restakers và Operators tham gia và duy trì hoạt động trong mạng lưới EigenLayer. Cơ chế phần thưởng hấp dẫn giúp thu hút người dùng stake ETH vào mạng lưới, cung cấp bảo mật cho các dịch vụ AVS, và đồng thời thúc đẩy hành vi trung thực và hiệu quả. Các Restakers có thể nhận phần thưởng từ các AVS mà họ chọn bảo vệ, và mức thưởng này sẽ tỷ lệ thuận với mức độ bảo mật và hiệu suất mà họ đóng góp. Điều này tạo động lực tích cực để người dùng lựa chọn các AVS có phần thưởng tốt nhất, nhưng cũng phải xem xét rủi ro và yêu cầu của mỗi dịch vụ.
Tuy nhiên, cơ chế slashing đảm bảo rằng người dùng sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định hoặc có hành vi gian lận, giúp bảo vệ tính toàn vẹn của mạng lưới. Khi đối mặt với nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ ETH đã stake, Restakers và Operators cần hành động một cách có trách nhiệm và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu bảo mật của từng AVS. Do đó, slashing đóng vai trò như một yếu tố răn đe, thúc đẩy người dùng duy trì tính trung thực và tránh các hành động có thể làm suy yếu hệ thống.
Cuối cùng, tác động của phần thưởng và slashing khuyến khích người dùng đa dạng hóa chiến lược đầu tư và lựa chọn AVS một cách thận trọng. Người dùng cần đánh giá lợi ích so với rủi ro của mỗi dịch vụ và quyết định phân bổ stake sao cho tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời giảm thiểu rủi ro bị slashing. Điều này không chỉ thúc đẩy tính bền vững cho EigenLayer mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó các AVS phải cung cấp phần thưởng hợp lý để thu hút bảo mật từ các Restakers và Operators, qua đó tăng cường bảo mật và hiệu quả cho toàn bộ hệ sinh thái.
EIGEN & bEIGEN: Mô Hình Dual Token Của EigenLayer
EIGEN với vai trò trái tim quản trị của EigenLayer
oken EIGEN là phần không thể thiếu trong hệ sinh thái EigenLayer, với vai trò chính là phục vụ cho các ứng dụng không yêu cầu tính năng staking và bảo mật trực tiếp. Đây là token được phát hành để cung cấp tính thanh khoản và hỗ trợ các hoạt động không yêu cầu bảo mật cao, chẳng hạn như DeFi (Decentralized Finance) và các ứng dụng khác trong hệ sinh thái Ethereum.
Đầu tiên chính là cơ chế Wrapped . EIGEN được thiết kế để hoạt động như một dạng bọc (wrapper) cho bEIGEN, cho phép người dùng chuyển đổi linh hoạt giữa hai loại token này tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Người dùng có thể wrap hoặc unwrap giữa EIGEN và bEIGEN, tùy thuộc vào việc họ muốn sử dụng EIGEN cho các hoạt động không yêu cầu staking hoặc muốn quay lại bEIGEN để tham gia bảo mật và staking.
Điều này có nghĩa là khi người dùng wrap bEIGEN thành EIGEN, họ có thể sử dụng token này trong các giao thức DeFi mà không cần phải giữ lại vai trò bảo mật và chịu rủi ro từ cơ chế slashing. Ngược lại, khi unwrap từ EIGEN về bEIGEN, họ có thể tham gia staking và chịu các ràng buộc bảo mật mà EigenLayer yêu cầu.
Một số những vai trò khác của EIGEN bao gồm:
- Tăng tính thanh khoản & mức độ linh hoạt cho người dùng: EIGEN có thể được sử dụng tự do để tham gia vào các hoạt động như giao dịch, cho vay, hoặc đầu tư mà không ảnh hưởng đến cơ chế bảo mật của EigenLayer.
- Quản trị: EIGEN còn có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản trị và định hướng phát triển của EigenLayer. Trong cơ chế quản trị, EIGEN có thể được sử dụng như một token biểu quyết, cho phép người dùng tham gia vào quá trình quyết định các thay đổi quan trọng đối với nền tảng, chẳng hạn như các điều chỉnh về phần thưởng staking, cơ chế slashing hoặc định hướng phát triển của các dịch vụ AVS mới.
- Giải quyết rủi ro: Trong trường hợp bEIGEN bị fork do phát hiện các lỗi bảo mật liên quan đến các hành vi không trung thực, EIGEN có cơ chế bảo vệ người dùng thông qua Solid Representation. Điều này có nghĩa là mặc dù bEIGEN có thể bị chia tách (fork) thành hai phiên bản khác nhau trong quá trình xử lý lỗi bảo mật, người dùng giữ EIGEN trong các giao thức phi staking như DeFi không cần lo lắng về các rủi ro này. Họ có thể chọn phiên bản bEIGEN mà họ tin tưởng, đảm bảo tính ổn định cho các hoạt động DeFi đang diễn ra..
- Kết hợp với bEIGEN: EIGEN hỗ trợ quá trình tái staking (restaking) của EigenLayer bằng cách giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các trạng thái staking và phi staking. Khi người dùng muốn tham gia bảo mật, họ có thể nhanh chóng chuyển đổi từ EIGEN sang bEIGEN và ngược lại khi không còn nhu cầu.
bEIGEN đóng vai trò cốt lõi trong bảo mật của EigenLayer
Token bEIGEN đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Intersubjective Faults trên EigenLayer. Để hiểu rõ hơn, cần làm rõ hai khái niệm chính: bEIGEN và Intersubjective Faults, cũng như cách chúng tương tác trong bối cảnh của EigenLayer. Đầu tiên chúng ta đến với bEIGEN. bEIGEN (Backing Eigen) là một loại token đặc biệt được thiết kế để sử dụng trong cơ chế staking của EigenLayer. Nó không chỉ đại diện cho quyền tham gia của người sở hữu trong việc bảo vệ hệ thống, mà còn cho phép họ tham gia vào nhiều dịch vụ kỹ thuật số (Actively Validated Services - AVS) khác nhau trên EigenLayer mà không cần thiết phải staking các token khác nhau cho từng dịch vụ. Điều này có nghĩa là bEIGEN giúp tăng cường bảo mật, mở rộng phạm vi sử dụng, và hỗ trợ quản trị một cách hiệu quả trong các AVS. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với thách thức trong việc xử lý các lỗi không thể xác định một cách khách quan, còn được gọi là Intersubjective Faults.
Intersubjective Faults là gì?Intersubjective faults là những lỗi hoặc vi phạm không thể xác định một cách tuyệt đối hoặc khách quan, mà cần sự đồng thuận từ nhiều bên quan sát khác nhau để xác định tính đúng sai. Điều này thường xảy ra khi cần đánh giá sự cố mà không có bằng chứng khách quan hay xác thực ngay trên chuỗi. Các intersubjective faults có thể bao gồm:
- Oracle Manipulation: Khi một nút Oracle cung cấp thông tin sai lệch, nhưng thông tin đó không thể được kiểm chứng ngay lập tức trên blockchain, vì blockchain không thể xác thực giá trị của thông tin bên ngoài.
- Censorship: Khi một giao dịch bị bỏ qua một cách có chủ đích, nhưng không thể khẳng định ngay được việc này có phải là vi phạm không, vì có thể có nhiều lý do khác nhau.
- Data Availability Issues: Khi dữ liệu bị giữ lại không công khai, nhưng blockchain không thể tự xác minh tính sẵn có của dữ liệu, đòi hỏi sự đồng thuận của những người tham gia để quyết định.
Khi xảy ra các intersubjective faults, bEIGEN có một cơ chế đặc biệt cho phép xử lý linh hoạt thông qua quá trình forking token. Cơ chế này bao gồm hai bước chính: phát hiện lỗi và xử lý lỗi. Đầu tiên là phát hiện lỗi:
- Sự tham gia của cộng đồng: Để phát hiện các lỗi thuộc loại intersubjective, EigenLayer dựa vào cộng đồng quan sát. Những thành viên trong cộng đồng này có thể theo dõi, báo cáo, và đưa ra ý kiến về tính đúng sai của hành vi bị cáo buộc.
- Quá trình đồng thuận xã hội: Khi có một lỗi được cho là intersubjective, tất cả các thành viên tham gia (staker của bEIGEN) phải đạt được đồng thuận về việc lỗi đó có xảy ra hay không và xác định ai là bên có lỗi.
Đặc điểm của cơ chế này là nó không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn vào ý kiến và sự đồng thuận của cộng đồng tham gia, tạo ra một "lớp bảo mật xã hội" bên trên các lớp bảo mật thuần túy công nghệ.
Tiếp theo chúng ta đến với quá trình xử lý lỗi:
- Forking Token: Khi một lỗi được xác định bởi cộng đồng, bEIGEN có thể bị “fork” để phân nhánh thành hai token mới, ví dụ như bEIGEN1 và bEIGEN2. Trong trường hợp này, bEIGEN2 là nhánh của bEIGEN được phát hành để xử lý và xử phạt lỗi.
- Slashing (Phạt): Token của những người xác nhận có hành vi bị cáo buộc sai phạm sẽ bị “slashed” – tức là bị mất một phần hoặc toàn bộ bEIGEN để đảm bảo rằng hành vi sai phạm không xảy ra một lần nữa.
- Khả Năng Chuyển Đổi Token: Để tránh ảnh hưởng đến những người dùng phi staking, bEIGEN cho phép những người nắm giữ token có thể chuyển đổi token từ bEIGEN1 sang bEIGEN2 nếu họ đồng ý với phiên bản fork mới.
Từ mô hình này chúng ta có thể thấy được những lợi ích từ bEIGEN như:
- Bảo mật nâng cao: Cơ chế forking và slashing giúp duy trì tính trung lập đáng tin cậy, vì beigen có thể đáp ứng nhanh chóng với các lỗi intersubjective mà không phụ thuộc vào một nhóm validator cụ thể.
- Tự do sáng tạo và tích hợp mở: Cộng đồng có quyền tham gia và định đoạt về tính đúng sai, khuyến khích các bên thứ ba tham gia sáng tạo và tích hợp trên nền tảng mà không bị gò bó bởi các rào cản công nghệ.
- Giảm thiểu rủi ro từ Tyranny-of-Majority: Cơ chế này giúp EigenLayer tránh khỏi các vấn đề do đa số validator gây ra, khi họ có thể đưa ra quyết định không công bằng, bằng cách dựa vào đồng thuận của toàn bộ cộng đồng.
EigenDA: Sản Phẩm Đầu Tiên Của EigenLayer
Tổng quan về EigenDA
EigenDA là một giải pháp lưu trữ dữ liệu có khả năng mở rộng cao, được thiết kế riêng cho các Rollup trên Ethereum. Được triển khai trên Mainnet với khả năng xử lý tới 15 MB/s dữ liệu, EigenDA cung cấp một hạ tầng hiệu quả cho việc lưu trữ dữ liệu trong thời gian ngắn cho các giao dịch của rollup trước khi trạng thái cuối cùng được xác nhận trên cầu nối Rollup. Một số điểm nổi bật của EigenDA bao gồm:
- Khả năng mở rộng: Với tốc độ ghi 15 MB/s hiện nay và khả năng mở rộng lên đến 100 MB/s, EigenDA cho phép quy mô lưu trữ tăng tuyến tính dựa trên số lượng các node vận hành.
- Bảo mật cao: Để tham gia vào mạng lưới, các Operator của EigenDA phải đăng ký và Staking, điều này tạo ra một chi phí kinh tế đối với hành vi sai phạm, đảm bảo an ninh mạng lưới.
- Chi phí hiệu quả: Với mức chi phí chỉ vài cent cho mỗi MB, EigenDA có mức giá cạnh tranh so với các giải pháp lưu trữ dữ liệu khác.
- Phi tập trung: Được vận hành bởi hàng trăm Node Operator, EigenDA lấy cảm hứng từ Danksharding, giảm chi phí vận hành cho các Node và khuyến khích sự tham gia rộng rãi.
- Tích hợp Ethereum: EigenDA tận dụng cơ chế hợp đồng thông minh của Ethereum để xử lý các yêu cầu lưu trữ dữ liệu, nhờ đó giúp các L2 sử dụng EigenDA mà không cần dựa vào các chain khác.
Cơ chế hoạt động của EigenDA
EigenDA được xây dựng dựa trên một nhận định cơ bản rằng vấn đề về khả năng lưu trữ dữ liệu (Data Availability - DA) không nhất thiết cần một cơ chế đồng thuận độc lập. Thay vào đó, EigenDA sử dụng các Node Operator và cơ chế phối hợp của Ethereum để xử lý lưu trữ dữ liệu. Hệ thống EigenDA bao gồm ba thành phần chính:
- Operators (Người Vận Hành): Đây là những bên thứ ba chạy phần mềm Node của EigenDA và có trách nhiệm lưu trữ các dữ liệu blob. Họ tham gia với các Stake thông qua EigenLayer để đảm bảo tính bảo mật và phải ký xác nhận lưu trữ các Blob khi nhận được yêu cầu lưu trữ hợp lệ. Đổi lại, họ có thể bị cắt giảm (slashing) nếu có hành vi sai trái.
- The Disperser (Dịch Vụ Phân Tán): Disperser là một dịch vụ không tin cậy, đóng vai trò giao tiếp giữa khách hàng EigenDA, các Operator, và hợp đồng thông minh. Nó mã hóa các blob, tạo các KZG commitment và Proof, sau đó phân tán các chunk cho các Operator để xác nhận và lưu trữ.
- Retrievers (Người Truy Vấn): Các Retriever có nhiệm vụ truy vấn các Operator để thu thập các chunk của Blob, xác minh tính toàn vẹn của chúng, và tái tạo lại Blob ban đầu khi người dùng cần.
Quá trình hoạt động chi tiết của EigenDA diễn ra như sau:
- Lưu trữ dữ liệu: Khi có một yêu cầu lưu trữ từ các Rollup, dữ liệu sẽ được chuyển dưới dạng Blob đến Disperser. Disperser sau đó mã hóa blob thành các chunk nhỏ và gửi đến các Operator kèm theo KZG Commitment và Proof. Các Operator sau đó xác minh và lưu trữ các Chunk, gửi lại các chữ ký xác nhận cho Disperser.
- Đăng ký on-chain: Sau khi tổng hợp các chữ ký, Disperser chuyển Blob lên hợp đồng EigenDA trên Ethereum thông qua Call Data. Điều này giúp xác minh việc lưu trữ đã được hoàn thành và đảm bảo cơ chế Slashing được kích hoạt nếu cần.
- Khôi phục dữ liệu: Khi cần, Retriever sẽ truy vấn và thu thập các Chunk từ Operator để tái tạo lại blob cho người dùng. Điều này giúp đảm bảo rằng dữ liệu luôn sẵn sàng khi có yêu cầu từ Rollup.
Tổng Kết
EigenLayer đã tạo ra một hệ sinh thái mới, trong đó người dùng có thể tối ưu hóa lợi nhuận từ việc staking trong khi vẫn duy trì tính bảo mật cao. Thông qua việc sử dụng token EIGEN và bEIGEN, nền tảng này không chỉ tạo ra một mô hình kinh tế vững chắc mà còn giải quyết các vấn đề phức tạp như Intersubjective Faults một cách hiệu quả. Bằng cách kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và sự tham gia của cộng đồng, EigenLayer cung cấp cho người dùng một môi trường bảo mật linh hoạt và đáng tin cậy, khuyến khích sự đổi mới và phát triển. Với tiềm năng mở rộng mạnh mẽ và mô hình bảo mật đa chiều, EigenLayer đang đặt ra những tiêu chuẩn mới cho tương lai của các nền tảng Blockchain phi tập trung, đồng thời mở ra cơ hội cho các dịch vụ và ứng dụng mới phát triển trong không gian Crypto.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- OpenLayer Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenLayer - November 20, 2024
- Hermetica Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Hermetica - November 20, 2024
- Gevulot Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gevulot - November 19, 2024