Chào mừng các độc giả của Hak Research và chúc mọi người một năm mới tốt lành, thuận lợi trong công việc phân tích nghiên cứu và đầu tư. Thị trường Crypto đang trong giai đoạn ảm đạm hơn bao giờ hết, giai đoạn chuyển giao năm cũ - năm mới cũng là thời điểm mà các ngân hàng trung ương phương tây và nhiều tổ chức tài chính khác nghỉ lễ, vì vậy đây là khoảng thời gian khá thiếu sức sống của thị trường chung.
Nhưng đâu đó vẫn có những sự kiện đã và sắp diễn ra mà chúng ta cần phải quan tâm và Macro Flow #7 là tập mở bát cho năm 2023 về cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, vẽ tiếp bức tranh kinh tế - tài chính vẫn còn dang dở với những biến số khó lường.
Nhìn Lại Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô Tuần 51
Nhật Bản tăng biên độ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm
Trước khi đi vào tình tiết BOJ tăng mức trần lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm (JP10Y), chúng ta sẽ đi nhìn nhận tổng thể câu chuyện đằng sau nó một chút.
Nhật Bản đã giữ mức lãi suất BOJ tiệm cận con số 0% trong suốt khoảng thời gian từ 1999 tới bây giờ, kể từ 2016 thì họ đã giữ lãi suất BOJ ở mức -0.1%.
Đồng thời BOJ cũng duy trì QE liên tục, tổng tài sản mà BOJ nắm giữ ở thời điểm đỉnh cao là 740 ngàn tỷ JPY.
Mục đích là để kích thích nền kinh tế trì trệ, đồng thời đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2% vì lạm phát ở Nhật đã luôn ở mức thấp và thậm chí là rất hay xảy ra giảm phát trong một thời gian dài.
BOJ đã duy trì QE tới mức họ nắm giữ hơn 50% thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản, cộng với việc JP10Y đang chịu mức trần lợi suất là 0.25% đã khiến cho JP10Y không có thanh khoản. Vì vậy BOJ quyết định tăng biên lợi suất của JP10Y thêm 0.25% nữa để khôi phục thanh khoản cho JP10Y, thông qua Yield Curve Control - YCC. Đây là một biện pháp không phổ biến chỉ được áp dụng bởi một vài ngân hàng trung ương trên thế giới.
Tuy không phải là tăng lãi suất BOJ, nhưng hành động tăng biên lợi suất cho JP10Y cũng gây ra một vài hiệu ứng tương tự:
(1) Hút dòng tiền đang được đầu tư ở nước ngoài quay trở về trong nước - JXY (chỉ số sức mạnh đồng Yên Nhật) xuất hiện Gap tăng 3 điểm.
(2) Đưa tâm lý thị trường về thế phòng thủ - đề phòng với tài sản rủi ro.
Các ngoại tệ khác đều yếu đi trước JPY sau động thái này, kể cả USD vì vậy DXY sẽ có áp lực, tuy nhiên nó cũng không lớn và cũng chưa đến mức tác động trực tiếp đến thị trường crypto.
Điều quan trọng là Nhật Bản đã giữ các chính sách kích thích quá lâu, và một hành động điều chỉnh như vậy dù là nhỏ nhưng cũng khiến thị trường có chút lo sợ về khả năng BOJ đảo chiều chính sách tiền tệ từ NỚI LỎNG thành THẮT CHẶT.
Và cuối cùng thì vấn đề cần hướng tới là liệu BOJ có tiếp tục điều chỉnh mạnh tay hơn trong thời gian tới hay không khi mà lạm phát đã trở về mức mục tiêu và đang trong xu hướng tăng? Trong Q2 năm 2023, BOJ sẽ thay cái ghế Thống Đốc và sự thay đổi này sẽ có thể trả lời cho câu hỏi trên.
Cập Nhật Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô Tuần 53
Do tuần 52 là tuần cuối cùng của năm nên các ngân hàng trên thế giới đều được nghỉ lễ, vì vậy sẽ không có nhiều hoạt động nào lớn xảy ra cả, do đó chúng ta sẽ để ý đến tuần đầu tiên của năm 2023 với những điểm nhấn sau đây.
Trung Quốc mở cửa biên giới
Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới từ ngày 08/01/2023, đây là động thái mở cửa đầu tiên sau 3 năm kiểm dịch gắt gao. Họ đã phải đánh giá lại những gì mình phải đánh đổi để duy trì chính sách Zero Covid, và việc mở cửa trong khi chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch đã cho thấy Trung Quốc thất bại trong Zero Covid như thế nào.
Nền kinh tế tỷ dân đã bị dồn nén bấy lâu nay, sắp tới được mở cửa thì ắt là sẽ có tác động tăng trưởng lên các khu vực khác, còn phải chờ xem ảnh hưởng của nó là ít hay nhiều. Nếu ảnh hưởng của sự kiện này đủ lớn thì nó sẽ gây thêm áp lực lạm phát vốn đã gây khó khăn cho nhiều khu vực.
Cập nhật về PMI ngành sản xuất và thị trường việc làm Hoa Kỳ
Ngày 04/01 sẽ có cập nhật về chỉ số PMI ngành sản xuất, đây là dữ liệu không gây nhiều phản ứng lên đường giá của các thị trường tài chính, nhưng nhìn vào thì chúng ta có thể thấy sức khỏe ngành sản xuất đang như thế nào, và đó cũng là một thước đo để quan sát suy thoái.
PMI dưới 50 điểm thì ngành sản xuất đang yếu đi và anh em thấy đấy, nó đã downtrend từ đầu năm nay và tụt xuống dưới 50 điểm từ 2 tháng trước. Trong đợt suy thoái kinh tế nhẹ do covid vào 2020 thì PMI ngành sản xuất cho thấy xu hướng giảm tương tự như giai đoạn gần đây. Bức tranh suy thoái có lẽ đang ngày càng rõ hay chăng?
Ngày 06/11, các chỉ số về thị trường việc làm của Hoa Kỳ sẽ được cập nhật, bao gồm:
- Thay đổi việc làm ADP Non-Farm: Dự kiến tăng 145k
- Lương trung bình/giờ: Dự kiến tăng 0.4% (theo đà lạm phát)
- Thay đổi việc làm Non-Farm: Dự kiến tăng 200K (kỳ trước +263k trong khi cũng dự báo +200k), số liệu thực tế thấp hơn sẽ là một tin tốt.
- Tỷ lệ thất nghiệp: Dự kiến vẫn là 3.7%, không thay đổi sau 3 tháng gần đây.
Qua trích dẫn của FED Powell vào cuộc họp tháng trước có thể thấy rằng thị trường việc làm đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá ảnh hưởng của lãi suất lên nền kinh tế. Nhưng những con số dự báo trên nói rằng thị trường việc làm sẽ không suy yếu một cách nhanh chóng mà chỉ đang chậm đi một cách từ từ.
Tổng Kết
Tóm tắt lại Macro Flow #7, thị trường đang lo lắng rằng sẽ có thêm một cái tên nữa trong danh sách những ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, đó là Nhật Bản. Trung Quốc thì đã có quyết định mở cửa biên giới và thế giới đang đón chờ mức độ ảnh hưởng của mốc sự kiện này. Đối với Hoa Kỳ, bức tranh về lạm phát - lãi suất - suy thoái sẽ được vẽ tiếp bởi các chỉ số liên quan tới sản xuất và thị trường việc làm.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- BHO Network Chính Thức Phi Tập Trung Hoàn Toàn - November 19, 2024
- Copin.io: Khám Phá Insight Từ Perpetual DEX - October 30, 2024
- Counter Fire Tournament: Giải Đấu Game Web3 Hấp Dẫn Với Tổng Giải Thưởng Lên Đến 12,000 USDC - October 27, 2024