Story Protocol là một cái tên nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng, đặc biệt là sau thương vụ kêu gọi thành công 80M USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu như A16z, Polychain Capital,... Trong bài viết này, hãy cùng Hak Research phân tích Story Protocol để
Tổng Quan Về Story Protocol
Story Protocol là một giao thức Blockchain sáng tạo xây dựng dựa trên Cosmos SDK và tương thích với EVM, được thiết kế để thay đổi cách tài sản trí tuệ (IP) được tạo ra, quản lý và cấp phép trong kỷ nguyên số. Với mục tiêu xây dựng một thư viện IP toàn cầu và có khả năng mở rộng, Story Protocol cho phép các nhà sáng tạo kết nối với một hệ sinh thái phi tập trung, giúp họ bảo vệ, kiếm tiền và hợp tác trên các tác phẩm sáng tạo của mình với mức độ minh bạch dựa trên công nghệ Blockchain.
Story Protocol cung cấp các giải pháp dựa trên công nghệ Blockchain, giúp quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả hơn trong bối cảnh kỹ thuật số thay đổi liên tục. Nó không chỉ tạo điều kiện cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà còn tạo ra cơ hội kiếm tiền từ IP và hợp tác sáng tạo trên quy mô toàn cầu.
Story Protocol đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nhà đầu tư và các tổ chức lớn, khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực quản lý IP dựa trên Blockchain. Gần đây, công ty đã hoàn thành vòng gọi vốn Series B, huy động được 80 triệu USD do a16z crypto – một công ty đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực tiền điện tử và Blockchain dẫn đầu.
Story Protocol Hướng Đến Giải Quyết Những Vấn Đề Gì
Story Protocol hướng đến việc giải quyết một loạt các thách thức mà thị trường IP hiện tại đang phải đối mặt. Dưới đây là một số vấn đề chính:
- Quy trình cấp phép phức tạp: Khi cá nhân muốn sử dụng IP của người khác để tạo ra nội dung mới, quy trình này thường rất phức tạp. Người sử dụng phải liên hệ với chủ sở hữu IP và thương thảo các điều khoản như loại giấy phép, phạm vi và khu vực sử dụng, chi phí bản quyền,... Trong khi các công ty lớn có đủ nguồn lực để thực hiện dễ dàng, cá nhân lại gặp rất nhiều khó khăn, làm tăng rào cản gia nhập đối với họ.
- Tranh chấp về phân chia doanh thu: Mặc dù các thỏa thuận cấp phép đã quy định rõ về phí bản quyền, các tranh chấp vẫn thường xuyên xảy ra. Ví dụ, sự hiểu lầm về cách tính bản quyền có thể dẫn đến sự bất đồng về doanh thu, lợi nhuận ròng, chiết khấu, phí vận chuyển và thuế. Một số công ty còn có thể thao túng kế toán để giảm bớt khoản thanh toán bản quyền mà họ phải chi trả.
- Rào cản pháp lý: Các quy định pháp lý về việc đăng ký, bảo vệ và sử dụng IP vô cùng phức tạp và tốn kém. Điều này trở thành rào cản lớn đối với các cá nhân và tổ chức nhỏ.
- Phức tạp khi hoạt động quốc tế: Các quy định về sở hữu trí tuệ khác nhau giữa các quốc gia. Để quản lý IP ở phạm vi quốc tế, phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý của nhiều quốc gia khác nhau, làm gia tăng tính phức tạp trong quá trình xử lý.
Khi thế giới ngày càng số hóa, số lượng tài sản IP kỹ thuật số cũng gia tăng. Tuy nhiên, ngành IP vẫn bị giới hạn bởi các hệ thống truyền thống. Story Protocol nhắm đến việc khắc phục những thách thức này bằng cách token hóa IP trên Blockchain, giúp thị trường IP trở nên hiệu quả hơn.
Story Protocol Thực Hiện Điều Này Như Thế Nào?
Sau khi đã tìm hiểu Story Protocol có thể giải quyết các vấn đề gì trong ngành sở hữu trí tuệ (IP) bằng công nghệ Blockchain. Vậy một câu hỏi đặt ra là Story Protocol thực hiện điều này như thế nào? Hãy cùng mình tìm hiểu ngay nhé:
Mô hình hoạt động của Story Protocol dựa trên việc ứng dụng công nghệ Blockchain để quản lý, cấp phép và phát triển tài sản trí tuệ (IP) trong môi trường số. Mô hình này cho phép các nhà sáng tạo dễ dàng bảo vệ, kiếm tiền và cộng tác trên các tác phẩm của mình trong hệ sinh thái phi tập trung. Story Protocol hoạt động theo các bước và thành phần chính như sau:
1. Token hóa tài sản trí tuệ (IP Asset)
Tài sản trí tuệ như sách, tranh ảnh, âm nhạc hoặc bất kỳ nội dung sáng tạo nào khác có thể được đăng ký dưới dạng ERC-721 NFT trên Blockchain của Story Protocol. Điều này giúp tài sản IP trở nên minh bạch, có nguồn gốc rõ ràng và có thể được bảo vệ trên phạm vi toàn cầu.
2. Hệ thống IP Account
Khi một tài sản IP được đăng ký, nó sẽ được gắn với một IP Account riêng biệt dưới dạng ERC-6551 (Token Bound Account). Tài khoản này sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu liên quan đến IP đó bao gồm:
- Metadata: Thông tin chi tiết về tài sản, tác giả, các mối liên kết với tài sản khác.
- Thông tin sở hữu: Ai là chủ sở hữu của IP và các quyền liên quan.
- Royalty tokens: Số lượng mã thông báo để xác định mức doanh thu mà tài sản IP nhận được khi có giao dịch phát sinh.
3. Module cấp phép và bản quyền
Story Protocol cung cấp một hệ thống module thông minh cho phép tự động hóa việc cấp phép và quản lý bản quyền. Các module này có các chức năng chính sau:
- Module cấp phép: Tạo ra và quản lý các điều khoản cấp phép chẳng hạn như tỷ lệ bản quyền, phạm vi sử dụng, thời hạn,... Người sở hữu IP có thể sử dụng các mẫu giấy phép được mã hóa để tự động tạo ra các điều khoản này.
- Module bản quyền: Xác định cách phân phối doanh thu giữa IP gốc và các IP phái sinh. Ví dụ: IP gốc có thể nhận được phần trăm bản quyền từ doanh thu của IP phái sinh.
4. Đăng ký và quản lý IP phái sinh
Khi một tác phẩm mới được tạo ra dựa trên một IP gốc, nó có thể được đăng ký dưới dạng IP phái sinh. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của cả người tạo IP gốc và người tạo ra IP phái sinh. Ví dụ: Khi Disney tạo ra bộ phim "Thor" dựa trên truyện tranh của Marvel, bộ phim này sẽ được coi là một IP phái sinh và Marvel có thể nhận được bản quyền từ doanh thu của bộ phim.
5. Giải quyết tranh chấp
Story Protocol cung cấp một module tranh chấp cho phép giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đăng ký và sử dụng trái phép IP. Nếu một IP giả mạo hoặc không hợp pháp được đăng ký, các tranh chấp sẽ được phân xử bởi một hội đồng phân xử và IP vi phạm có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của Story Protocol thì mình sẽ đưa ra một ví dụ sau:
1. Chẳng hạn một công ty như Marvel đăng kí Marvel Comics của họ làm tài sản trí tuệ trên Story Protocol. Trong quá trình đăng kí thì họ có thể chọn các điều khoản cấp phép như: Phí bản quyền là 10% đồng thời đính kèm theo 1 số điều khoản khác vào tài sản trí tuệ khi họ đăng kí.
2. Sau khi được đăng kí, cơ quan đăng kí tài sản trí tuệ của Story Protocol (License Registry) sẽ triển khai IP Account được liên kết với tài sản trí tuệ mà Marvel đã đăng kí.
3. Mỗi tài sản IP sẽ đi kèm với 100 triệu token tiền bản quyền, xác định tỉ lệ doanh thu có thể thu được từ IP đó.
4. Walt Disney quyết định làm một bộ phim về Thor dựa trên IP của truyện tranh Marvel. Để làm được điều này thì Walt Disney đã trả một khoản phí để mint 1 License NFT để đăng kí IP phái sinh.
5. Vì Marvel đặt mức phí bản quyền là 10% cho IP gốc nên họ nhận được 10% trong số 100 triệu token Royalty từ IP phái sinh tương đương với 10 triệu token. Ngoài ra, Marvel sẽ nhận được 10% tổng doanh thu được tạo ra từ IP phái sinh của walt Disney.
Về điều này, Story Protocol cũng đưa ra quy định chung rằng mỗi IP Content có thể yêu cầu một phần doanh thu được tạo từ IP phát sinh bằng cách yêu cầu token Royalty dựa trên tỉ lệ phần trăm tiền bản quyền đã đặt trước.
Tổng Quan Về Hệ Sinh Thái Story Protocol
Story Protocol không chỉ đơn giản hóa, tăng hiệu quả và minh bạch trong việc đăng ký và sử dụng tài sản trí tuệ (IP) mà còn xây dựng một nền tảng Blockchain tương thích với EVM cho phép nhiều ứng dụng tương tác với IP. Dưới đây là một số dự án nổi bật trong hệ sinh thái Story.
Nền tảng dành cho người sáng tạo
Các nền tảng dành cho người sáng tạo đóng một vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ trên hệ sinh thái Story Protocol . Những nền tảng này không chỉ cung cấp công cụ để các nhà sáng tạo dễ dàng đăng ký, lưu trữ và chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp tối ưu hóa quá trình kiếm tiền từ những tài sản đó. Dưới đây là một số dự án nổi bật:
- Magma: Đây là một nền tảng dành cho những người sáng tạo nghệ thuật nơi họ có thể đăng ký tác phẩm của mình dưới dạng tài sản IP trên Story Protocol. Người dùng có thể tạo và chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật sau đó lưu trữ chúng một cách an toàn trên Blockchain.
- Sekai: Sekai là một nền tảng giúp các nhà văn tích hợp hình ảnh, âm thanh và âm nhạc được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo AI vào trong câu chuyện của họ. Các sáng tạo này có thể được đăng ký làm tài sản IP trên Story cho phép người dùng kiếm tiền từ tác phẩm và phát triển chúng thêm nữa.
- ABLO: Một nền tảng cho phép các nhà sáng tạo hợp tác với các thương hiệu lớn để thiết kế trang phục bằng cách sử dụng AI. Nhờ tích hợp với Story Protocol, quy trình đăng ký IP, phân chia bản quyền và đầu tư IP được thực hiện liền mạch và tự động.
- Color: Đây là một Marketplace trong hệ sinh thái Story nơi người dùng có thể giao dịch các tài sản IP và giấy phép một cách dễ dàng, minh bạch.
Các dự án về DeFi và IPFi
Quy tụ các dự án phát triển các dịch vụ tài chính cho IP. Dưới đây là một số dự án nổi bật trong hệ sinh thái Story Protocol:
- Unleash: Là một nền tảng IPFi (Finance for IP) cung cấp các dịch vụ cấp phép IP, phân nhỏ giấy phép IP và cung cấp các công cụ tài chính cho hệ sinh thái Story bao gồm việc phát hành và quản lý tài sản IP thông qua các Smart Contract đồng thời cung cấp dịch vụ lending dành cho các tài sản IP.
- PIPERX: Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) trên Story Network cho phép người dùng giao dịch các token ERC-20. PIPERX giúp thúc đẩy tính thanh khoản của các token liên quan đến IP trong hệ sinh thái.
- Ethena: Mặc dù chưa có chi tiết cụ thể, Ethena được kỳ vọng sẽ phát triển một loại stablecoin (USDe) trên Story Network hỗ trợ các giao dịch và hoạt động tài chính liên quan đến IP.
- Verio: Verio hỗ trợ việc tái staking các token Proof of Stake (PoS) trên Story Network và sử dụng token vIP để chứng minh quyền sở hữu IP, tạo ra sự linh hoạt và an toàn trong hệ thống.
Các dự án về trí tuệ nhân tạo
Đây là các dự án hỗ trợ cho việc tạo ra và phát triển các tài sản IP trên hệ sinh thái Story Protocol. Dưới đây là một số dự án nổi bật:
- Mahojin: Nền tảng tạo hình ảnh sử dụng AI, cho phép các nhà sáng tạo dễ dàng pha trộn và chỉnh sửa nội dung bằng cách thay đổi các câu lệnh đầu vào. Chủ sở hữu các mô hình AI có thể kiếm tiền bằng cách cho phép người dùng khác sử dụng mô hình của họ. Hạ tầng của Story Protocol đặc biệt có lợi trong việc phân chia thu nhập giữa các bên liên quan khi nội dung được sáng tạo.
- Ritual và MyShell: MyShell giúp người dùng dễ dàng tạo ra các ứng dụng AI và chatbot. Sự hợp tác với Ritual cho phép các mô hình AI được đăng ký làm tài sản IP trên Story Protocol, từ đó tối ưu hóa quy trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng tạo AI.
- RingFence: Một nền tảng bảo vệ dữ liệu sử dụng Internet của người dùng, đồng thời cho phép người dùng bán dữ liệu này để sử dụng trong việc huấn luyện mô hình AI, tạo ra nguồn thu nhập từ các hoạt động trực tuyến.
Những Thách Thức Trong Tương Lai
Mô hình Tokenomics
Token cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc định vị và giúp phổ biến Story Protocol đến với người dùng trong thị trường Crypto. Mặc dù chi tiết về kinh tế học token của Story Protocol chưa được công bố nhưng đã có thông tin về sự tồn tại của token gốc tên là IP. Token này không chỉ dùng làm token PoS (Proof of Stake) để bảo mật hệ thống mà còn được sử dụng để thanh toán phí gas trên Story Network.
Tuy nhiên, nếu IP chỉ được dùng cho việc staking và thanh toán phí gas thì mô hình kinh tế của nó sẽ không khác biệt nhiều so với các Layer 1 khác. Giá trị thực sự trong Story Network đến từ việc đăng ký các IP phái sinh và thanh toán bản quyền. Vì vậy, việc cung cấp các phần thưởng token IP cho những người tham gia các hoạt động này có thể giúp thúc đẩy quá trình phát triển ban đầu và hỗ trợ tính bền vững lâu dài cho hệ sinh thái.
Dưới đây là một số chức năng thiết thực mà Token IP có thể đảm nhận:
- Bảo mật PoS: Đảm bảo tính bảo mật của mạng thông qua cơ chế staking.
- Phí gas: Được sử dụng cho việc thanh toán phí gas trên mạng.
- Thưởng cho đăng ký IP phái sinh: Khuyến khích các nhà sáng tạo đăng ký IP phái sinh và thanh toán phí bản quyền.
- Thưởng cho thanh toán tiền bản quyền: Khuyến khích các nhà sáng tạo trả tiền bản quyền cho IP gốc.
- Thưởng cho IP gốc xuất sắc: Động viên các nhà sáng tạo IP gốc tạo ra giá trị lớn thông qua các IP phái sinh.
- Doanh thu từ phí bản quyền: Phân chia một phần doanh thu mà hệ thống Story thu được cho những người staking Token IP.
Bằng cách cung cấp phần thưởng Token IP cho cả nhà sáng tạo IP gốc và IP phái sinh, Story Protocol có thể thu hút các IP chất lượng cao và các sản phẩm IP phái sinh đa dạng. Tuy nhiên, vì phần thưởng Token IP sẽ giảm dần theo thời gian, cần phải xây dựng đủ các nguồn thu nhập bổ sung. Nếu một phần doanh thu của hệ thống được chia cho những người staking Token IP một cách hấp dẫn, tính bền vững của mô hình sẽ được đảm bảo.
Tài trợ cho các IP cốt lõi
Một trong những yếu tố quan trọng của Story Protocol là sự xuất hiện của các tài sản IP cốt lõi. Nếu các IP cốt lõi nổi tiếng tham gia vào hệ sinh thái, chúng sẽ thu hút một lượng lớn các IP phái sinh và tạo ra giá trị đáng kể. Hiệu ứng này có thể thúc đẩy sự tham gia của nhiều IP khác, tạo ra một vòng lặp tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, các công ty sở hữu các IP lớn có thể chưa thấy đủ động lực để chuyển đổi sang công nghệ Blockchain. Do đó, đội ngũ Story cần phải thuyết phục các công ty này về những lợi ích của việc sử dụng Blockchain trong quản lý IP.
Một giải pháp khả thi là Story Foundation có thể cung cấp các khoản tài trợ để thu hút các IP nổi tiếng tham gia. Tuy nhiên một điều cần lưu ý là nếu việc lựa chọn IP để tài trợ không được thực hiện kỹ lưỡng, nó có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến các bên nắm giữ token khác. Do đó, quá trình này cần được thực hiện thận trọng.
Yếu tố IP hợp pháp và pháp lí
Như đã đề cập, Story Protocol không thể tự mình xử lý các vấn đề liên quan đến việc sử dụng IP trái phép. Do đó, nếu phát hiện các hành vi gian lận hoặc sử dụng IP bất hợp pháp, cần có một quy trình giải quyết tranh chấp hợp pháp, cả trên chuỗi Blockchain và trong thế giới thực. Một cơ chế pháp lý minh bạch và hiệu quả sẽ giúp Story Protocol bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà sáng tạo trong hệ sinh thái.
Tổng kết
Nhìn chung, việc phát triển theo hướng dành cho các tài sản trí tuệ IP giúp Story Protocol tạo nên sự khác biệt ban đầu so với các Layer 1 khác nhưng đây mới chỉ là giai đoạn đầu và Story Protocol cần nỗ lực rất nhiều nếu muốn đạt được thành công. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn phân tích Story Protocol, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức hữu ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Story Protocol: Đẩy Nhanh Quá Trình Thực Hiện Hóa IP - November 1, 2024
- Series 33: Crypto Unlock | Metaplex – Nền Tảng Cho Sự Phát Triển Của NFT Trên Solana - October 30, 2024
- Tại Sao Nên Quan Tâm Đến OP_CAT - October 29, 2024