Phí bản quyền luôn là chủ đề bàn tán trong cộng đồng người dùng NFT. Một số người cho rằng đó là cần thiết nhằm tôn vinh người sáng tạo nhưng một số khác lại không vì nó tạo ra rào cản lớn cho người dùng tham gia vào NFT.Vậy Phí bản quyền chính xác là gì hãy cùng đội ngũ Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Phí Bản Quyền NFT Là Gì?
Phí bản quyền NFT là khoản thanh toán được trả cho người sáng tạo mỗi khi tác phẩm của họ được bán trên thị trường thứ cấp. Phí bản quyền có thể khác nhau tùy thuộc vào từng bộ sưu tập NFT, nhưng tỉ lệ 5-10% giá bán thường được coi là tiêu chuẩn. Đối với các bộ sưu tập NFT lớn hơn, phí bản quyền có thể thấp hơn khoảng 2,5% là phổ biến.
Ví dụ: Một bộ sưu tập NFT áp dụng mức phí bản quyền là 10% trên OpenSea và hiện tại giá sàn của bộ sưu tập đang là 20 ETH. Một người dùng muốn bán 1 NFT trong bộ sưu tập với giá sàn trên thị trường OpenSea. Ngoài phí giao dịch, anh ta phải trả 1 khoản phí bản quyền là: 20 * 10% = 2 ETH cho mỗi lần bán NFT của mình.
Giải pháp này cho phép người sáng tạo, nghệ sĩ và thương hiệu NFT tạo ra nguồn doanh thu liên tục từ những bộ sưu tập NFT của họ, sau đó họ có thể sử dụng số tiền thu được để phát triển sản phẩm của mình và có khả năng cung cấp tiện ích cũng như giá trị bổ sung cho chủ sở hữu NFT.
Tuy nhiên không phải dự án nào cũng áp dụng phí bản quyền đối với bộ sưu tập NFT của mình, Degods và Moonbirds là hai bộ sưu tập điển hình trong việc loại bỏ phí bản quyền. Một số dự án phổ biến khác vẫn đang áp dụng phí bản quyền có thể kể đến là:
- Azuki: 5% phí đối với doanh số bán hàng thứ cấp được phân phối cho Chiru Labs.
- Doodles: 5% phí bản quyền, một nửa trong số đó được chuyển đến kho bạc cộng đồng (Doodlebank).
- Bored Ape Yacht Club (BAYC): 2,5% phí bán thứ cấp được phân phối cho Yuga Labs.
- Meebits: 5% phí bản quyền được phân phối cho Yuga Labs.
Chỉ cần nhân khối lượng giao dịch của các bộ sưu tập với phí bản quyền của chúng, không khó để thấy rằng phí bản quyền đã tạo nên một nguồn doanh thu khổng lồ cho người sáng tạo, công ty giải trí web3. Theo dữ liệu từ Nansen vào tháng 07/2022, Yuga Labs - công ty đứng sau 4 bộ sưu tập nổi tiếng đã kiếm được $148M USD tiền phí bản quyền.
Phí Bản Quyền NFT Hoạt Động Như Thế Nào?
Tiền bản quyền hoạt động thông qua Smart Contract là các thỏa thuận tự động được thực hiện. Vì vây, khi các điều khoản và điều kiện được đáp ứng chúng sẽ được thực thi trên các thị trường giao dịch thứ cấp như: OpenSea, Blur, LookRare,...
Khi một tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số được tạo ra, nghệ sĩ NFT có thể thiết lập Smart Contract với các thỏa thuận về phí bản quyền theo mong muốn của họ ( thường từ 2 - 10% giá bán). Khi NFT được bán, Smart Contract sẽ tự động được thực thi và gửi số tiền bản quyền đến địa chỉ ví xác định trước của người tạo. Phí bản quyền thường được thanh toán bằng tiền điện tử như: ETH, SOL,..
Ngoài ra mới đây, cộng đồng Ethereum cũng giới thiệu một tiêu chuẩn mới giúp phí bản quyền có thể lập trình được mang tên ERC 721C, một phần mở rộng của ERC 721 nhằm cung cấp cho người tạo NFT quyền kiểm soát và khả năng tùy chỉnh cao hơn đối với phí bản quyền trong bộ sưu tập NFT.
Ưu Và Nhược Điểm Của Phí Bản Quyền
Ưu điểm
Sau đây là những ưu điểm mà phí bản quyền mang lại:
- Doanh thu liên tục cho người sáng tạo: Phí bản quyền cung cấp cho các nghệ sĩ một nguồn doanh thu liên tục. Điều này như một sự công nhận cho tác phẩm gốc của họ và khuyến khích các nghệ sĩ tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng cao.
- Phân bổ giá trị cho các bên: Hệ thống tiền bản quyền giúp phân phối giá trị công bằng hơn trong hệ sinh thái NFT. Điều này đạt được thông qua những người sáng tạo, Collectors và Trader đều thu được lợi nhuận từ quá trình giao dịch NFT.
- Xây dựng cộng đồng: Chủ sở hữu và người tạo NFT là một phần của bộ sưu tập. Vì vậy khi một dự án có một cộng đồng tích cực vô hình chung làm tăng giá trị của NFT. Điều này đều có lợi cho cả chủ sở hữu NFT và người sáng tạo dự án.
Nhược điểm
Nhược điểm của phí bản quyền là:
- Điều khoản tiền bản quyền không rõ ràng: Điều khoản tiền bản quyền có thể khác nhau đối với các NFT Marketplace. Ví dụ: Superare - một thị trường nghệ thuật kỹ thuật số xa xỉ tính phí bản quyền 10% cho mỗi giao dịch. Tuy nhiên, X2Y2 và Magic Eden đã chọn thanh toán phí bản quyền tùy chọn. Việc thiếu tính nhất quán giữa các nền tảng khiến cả người sáng tạo và người dùng gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận.
- Lỗ hổng Smart Contract: Hợp đồng thông minh có thể có một số lỗ hổng chẳng hạn như số học số nguyên có thể dẫn đến tranh chấp hoặc phân phối tiền bản quyền không chính xác.
- Thao túng giá & Wash Trade: Một số cá voi có thể thao túng, thổi phồng giá trị của NFT dẫn đến ảnh hưởng doanh thu phí bản quyền từ dự án.
- Thanh khoản giảm: Việc phải trả một khoản phí bản quyền lớn sau mỗi lần giao dịch có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của người dùng đối với NFT.
Tại Sao Các NFT Marketplace Loại Bỏ Phí Bản Quyền
Như đề cập ở trên, một số nền tảng NFT Marketplace có thể coi phí bản quyền là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nguồn doanh thu của họ. Nếu một bộ sưu tập NFT áp dụng mức phí bản quyền cố định là 5% và nền tảng NFT Marketplace tính phí 2.5% cho mỗi lần giao dịch thì tổng phí mà người dùng phải trả là 7.5%, đây có thể coi là rào cản rất lớn đối với người dùng.
Vì vậy, trào lưu giảm phí bản quyền đã xuất hiện vào mùa hè năm 2022. SudoSwap - nền tảng đầu tiên thực hiện điều này nêu ra quan điểm rằng phí bản quyền là “không hiệu quả” vì người mua thường cần thấy tài sản của họ tăng giá ít nhất 10% chỉ để hòa vốn khi bán thứ cấp.
Thay vào đó, Sudoswap áp dụng mức phí 0,5% cho tất cả các giao dịch và bỏ qua mọi thỏa thuận về phí bản quyền. Một số người tin rằng điều này có thể giúp tạo ra một nền kinh tế giao dịch lành mạnh hơn, trong khi những người khác cảm thấy những người tạo NFT sẽ cần nhận được một phần lợi nhuận nếu bộ sưu tập của họ đạt được thành công.
Các nền tảng NFT Marketplace khác như LookRare, Magic Eden và X2Y2 đều đã loại bỏ mô hình phí bản quyền NFT. Hệ thống tùy chọn phí bản quyền mới của họ cho phép người mua NFT quyết định tôn trọng chính sách tiền bản quyền của nghệ sĩ khi mua hàng.
Tổng kết
Động cơ khuyến khích các nền tảng NFT Marketplace giảm phí bản quyền rất đơn vì nó thu hút nhiều người dùng hơn tham gia vào nền tảng. Nhưng điều này lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ những người sáng tạo. Dù sao phí bản quyền vẫn là một phần trong hệ sinh thái NFT và nó sẽ được điều chỉnh hợp lí để phù hợp với mong muốn cộng đồng. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu về phí bản quyền, hi vọng mọi người đã nhận được kiến thức thú vị.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024
- Phân Tích Bio Protocol: Dự Án DeSci Được Đầu Tư Bởi Binance Labs - November 21, 2024