Trong tháng 08/2024 này, Story Protocol đang là một trong những cái tên đáng chú ý nhất khi họ đã tiếp tục thông báo kêu gọi thành công 80M USD dẫn đầu bởi quỹ A16z, nâng tổng số tiền kêu gọi được lên tới 134M USD. Dự án hướng đến phát triển một IP Blockchain - một hướng đi khá mới lạ và khác biệt trên thị trường. Vậy chi tiết về Story Protocol là như thế nào thì hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Tổng Quan Về IP
Trước khi tìm hiểu về Story Protocol thì chúng ta hãy tìm hiểu một chút về IP, mảng mà Story Protocol lựa chọn để phát triển sản phẩm của mình.
Khái niệm IP là gì?
IP hay có tên đầy đủ Intellectual Property là khái niệm dùng để chỉ những sản phẩm trí tuệ do con người tạo ra chẳng hạn như ý tưởng, phát minh, tác phẩm nghệ thuật, nhạc, phim ảnh, thiết kế, biểu tượng và tên thương hiệu. Đây là những thứ không thể sờ thấy được nhưng có giá trị và có thể được bảo vệ bằng luật pháp để ngăn người khác sao chép hoặc sử dụng mà không có sự cho phép.
Dưới đây là một số loại tài sản trí tuệ phổ biến:
- Bản quyền (Copyright): Bảo vệ các tác phẩm như sách, bài hát, phim và tranh ảnh đảm bảo rằng chỉ có người sáng tạo hoặc người mà họ cho phép mới có quyền sử dụng và phân phối tác phẩm đó.
- Bằng sáng chế (Patent): Bảo vệ các phát minh mới chẳng hạn như một thiết bị hoặc công nghệ mới, cho phép người phát minh quyền độc quyền sản xuất, sử dụng hoặc bán phát minh đó trong một thời gian nhất định.
- Thương hiệu (Trademark): Bảo vệ tên, biểu tượng hoặc logo của một doanh nghiệp, giúp khách hàng nhận diện được sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đó, tránh nhầm lẫn với doanh nghiệp khác.
- Thiết kế công nghiệp (Industrial Design): Bảo vệ hình dáng hoặc kiểu dáng của một sản phẩm, đảm bảo rằng người khác không thể sao chép thiết kế đó.
- Bí mật thương mại (Trade Secret): Bảo vệ các thông tin quan trọng trong kinh doanh như công thức, phương pháp sản xuất hoặc chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp muốn giữ kín để duy trì lợi thế cạnh tranh.
IP rất quan trọng vì nó khuyến khích mọi người sáng tạo và phát minh ra những điều mới mẻ. Khi các nhà sáng tạo biết rằng công sức của họ được bảo vệ và có thể mang lại lợi ích kinh tế, họ sẽ có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo và đóng góp cho xã hội.
IP trong thị trường web3
Không chỉ tồn tại trong thị trường web2 truyền thống mà IP cũng đã được nhiều dự án ứng dụng vào trong thị trường web3, điển hình và phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại là các dự án NFT. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Yuga Labs đã công bố chương trình cấp phép trực tuyến đầu tiên vào tháng 07/2023, cấp cho chủ sở hữu NFT giấy phép trực tuyến để sử dụng logo Made by Apes, BAYC hoặc MAYC do Yuga Labs sản xuất trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có hình ảnh Ape NFT cụ thể.
Hay Pudgy Penguin - một cái tên được xem là thành công nhất trong thị trường NFT với định hướng phát triển IP. Vào Tháng 05/2023, Pudgy Penguins đã tung ra dòng sản phẩm vật lí Pudgy Toys đầu tiên của họ trên nền tảng Amazon. Chỉ sau 2 ngày ra mắt, Pudgy Penguins đã bán được hơn 20.000 sản phẩm Pudgy Toys, cho thấy sức hút rất lớn của thương hiệu này. Đây cùng là điểm khởi đầu cho một năm 2023 đầy rực rỡ của Pudgy Penguins với sản phẩm trọng điểm là Pudgy Toys.
Sự Ra Đời Của Story Protocol Và Những Người Lãnh Đạo Có Tầm Nhìn Xa
Đứng trước làn sóng IP lớn đổ bổ vào thế giới web 3 và những thách thức ngày càng lớn mà các nhà sáng tạo nội dung phải đối mặt trong thời đại AI và truyền thông số thì Story Protocol đã được thành lập vào năm 2022 để giải quyết những vấn đề này.
Công ty được đồng sáng lập bởi Seung-yoon Lee - một doanh nhân sinh năm 1990, nổi tiếng là một người sáng lập khởi nghiệp đầy tài năng. Lee bắt đầu hành trình của mình tại Đại học Oxford nơi anh theo học chuyên ngành Chính trị, Triết học và Kinh tế (PPE). Trong thời gian học tại Oxford, Lee đã ghi dấu ấn lịch sử khi trở thành người Hàn Quốc đầu tiên và người châu Á thứ hai sau cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto được bầu làm Chủ tịch của Oxford Union - một hiệp hội tranh luận danh tiếng từng sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu bao gồm cả Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Hành trình khởi nghiệp của Lee bắt đầu khi anh thành lập công ty truyền thông đầu tiên của mình Byline vào năm 2014 cùng với Daniel Tudor - một cựu phóng viên của The Economist và đồng sáng lập thương hiệu bia The Booth tại Hàn Quốc. Byline được thành lập với mục tiêu dân chủ hóa báo chí thông qua một nền tảng huy động vốn cộng đồng cho phép độc giả tài trợ cho tin tức cá nhân hóa. Tuy nhiên, Lee nhận thấy tiềm năng lớn hơn trong lĩnh vực nội dung số, đặc biệt là trong thị trường ngày càng phát triển của tiểu thuyết trên mạng, điều này đã khiến anh thay đổi hướng đi của mình.
Vào tháng 12/2015, Lee thành lập Radish Media tại Mỹ - một nền tảng tiểu thuyết trên mạng. Nền tảng này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ những tính năng đổi mới như hệ thống giao dịch vi mô cho phép xem trước. Radish được biết đến như là "Netflix của tiểu thuyết trên mạng", thu hút đầu tư lớn lên tới khoảng 80 tỷ KRW (khoảng 70 triệu USD) từ các nhà đầu tư danh tiếng bao gồm SoftBank Ventures, Kakao Entertainment và Greylock Partners.
Thành công của Radish đạt đỉnh điểm với việc được Kakao Entertainment mua lại với giá 500 triệu USD vào năm 2021, biến Lee trở thành một trong số ít những doanh nhân trẻ Hàn Quốc đạt được thương vụ tỷ đô. Sau khi mua lại, Lee đảm nhận vai trò quan trọng là Giám đốc Chiến lược Toàn cầu (GSO) tại Kakao Entertainment, trong khi Radish vẫn tiếp tục hoạt động độc lập dưới sự lãnh đạo của anh. Dựa trên kinh nghiệm và thành công từ Radish, Lee đã đồng sáng lập Story Protocol vào năm 2022.
Dự án này nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ cách tiếp cận đổi mới trong việc kể chuyện số và sáng tạo nội dung, củng cố thêm danh tiếng của Lee như một doanh nhân có tầm nhìn xa. Với sự tăng trưởng nhanh chóng, khả năng tạo doanh thu từ sớm cùng với các khoản đầu tư lớn, Story Protocol đã vươn lên đạt được vị thế unicorn (công ty có định giá trên 1 tỷ USD), khẳng định vị trí của mình như một người tiên phong hàng đầu trong không gian nội dung số.
Story Protocol Đang Cố Gắng Giải Quyết Vấn Đề Gì
Story đang tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ và quản lý tài sản trí tuệ (IP) trong kỷ nguyên số, đặc biệt khi công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ.
- Bảo vệ IP trong thời đại AI: Khi AI tạo ra nội dung dựa trên dữ liệu có sẵn, nhiều khi không có sự đồng ý hoặc đền bù cho những người sáng tạo ban đầu. Story Protocol cho phép các nhà sáng tạo token hóa IP của mình trên blockchain, đảm bảo rằng tác phẩm của họ được bảo vệ, không bị chỉnh sửa và minh bạch, giúp ngăn chặn việc sử dụng trái phép.
- Đảm bảo sự công bằng trong việc nhận bồi thường: Nhiều nhà sáng tạo gặp khó khăn trong việc nhận tiền bồi thường khi tác phẩm của họ bị sử dụng hoặc phân phối lại bởi bên thứ ba bao gồm cả AI. Story đảm bảo rằng mọi doanh thu từ việc sử dụng hoặc phân phối lại IP đều được quản lý tốt, giúp các nhà sáng tạo nhận được phần thu nhập xứng đáng.
- Xác định quyền sở hữu và quyền sử dụng: Việc xác định ai sở hữu và có quyền sử dụng IP thường phức tạp và dễ dẫn đến tranh chấp. Story làm cho quá trình này trở nên đơn giản hơn bằng cách sử dụng blockchain để xác định rõ ràng quyền sở hữu và quyền sử dụng, cho phép nhà sáng tạo giữ quyền kiểm soát tác phẩm của mình.
- Tạo cơ hội mới để kiếm tiền từ IP: Story biến các tài sản trí tuệ thành các tài sản có thể lập trình, giúp chúng dễ dàng được tái sử dụng và sáng tạo lại trong các ứng dụng khác nhau, đặc biệt là trong các cộng đồng người hâm mộ. Điều này mở ra nhiều cách thức mới để các nhà sáng tạo kiếm tiền từ tác phẩm của mình.
- Quản lý IP một cách an toàn và minh bạch: Trong thời đại AI, cần có các nền tảng có thể quản lý và kiếm tiền từ IP một cách an toàn. Story cung cấp một môi trường an toàn nơi IP có thể được bảo vệ và tích hợp vào các quy trình AI, đảm bảo rằng các nhà sáng tạo gốc được hưởng lợi tài chính từ việc sử dụng IP của họ.
- Hỗ trợ mô hình kinh tế bền vững cho nhà sáng tạo: Với sự phát triển của nội dung số, cần có các mô hình kinh tế bền vững giúp đỡ các nhà sáng tạo và thúc đẩy sự đổi mới. Story sử dụng blockchain để tạo ra một hệ thống kinh tế khuyến khích, đảm bảo các nhà sáng tạo nhận được sự đền bù công bằng và IP của họ được sử dụng có trách nhiệm.
Bằng cách giải quyết những vấn đề này, Story đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ và hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đồng thời tạo điều kiện cho sự kết hợp giữa IP, AI và blockchain.
Tìm Hiểu Về Story Protocol: IP Blockchain Đầu Tiên Trên Thị Trường
Story Protocol là một Blockchain Layer 1 sử dụng bộ công cụ của Cosmos SDK và tương thích 100% với EVM. Dự án sử dụng giao thức Proof-of-Creativity và từ đây Story Protocol đã giới thiệu một khái niệm mới mang tên Programmable IP layer. Vì vậy trước khi tìm hiểu thêm về Story Protocol thì hãy cùng mình tìm hiểu một vài điểm chính của Programmable IP nhé.
Programmable IP: Xây dựng một thế giới sáng tạo nội dung trên Blockchain
Trong thập kỷ qua, các Smart Contract trên Ethereum đã mở ra khả năng lập trình cho các dự án trong thị trường Crypto. Nhờ các quy tắc EIP và các giao diện có sẵn, mọi người có thể dễ dàng kết hợp các yếu tố về tài chính để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tài chính mới. Sự xuất hiện của DeFi đã làm cho thị trường tài chính linh hoạt và hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong hệ sinh thái Ethereum.
Tiếp theo hãy nói đến Programmable IP là gì? Nói một cách đơn giản, Programmable IP là hệ thống sử dụng Smart Contract và công nghệ blockchain để tự động hóa việc quản lý và giao dịch tài sản trí tuệ. Điều này cho phép các nhà sáng tạo tự thiết lập các điều khoản sử dụng, cấp phép và chia sẻ doanh thu cho tác phẩm của họ một cách tự động và minh bạch. Nhờ đó, các nhà sáng tạo có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình tốt hơn và tự động phân phối doanh thu mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba.
Sự xuất hiện của Programmable IP có thể giải quyết nhiều vấn đề trong việc quản lý tài sản trí tuệ truyền thống. Nó đơn giản hóa quá trình quản lý bản quyền cho phép các nhà sáng tạo tự quyết định tỷ lệ bản quyền và điều khoản cấp phép và có thể điều chỉnh chúng khi cần thiết. Ngoài ra, nó còn làm tăng tính minh bạch và hiệu quả, cho phép bất kỳ ai có thể kiểm tra và xác minh quyền sở hữu cũng như cách phân phối doanh thu.
Khi tích hợp IP vào blockchain, các nhà sáng tạo không chỉ bảo vệ tác phẩm của mình mà còn có cơ hội hợp tác dễ dàng hơn với cộng đồng sáng tạo toàn cầu. Ví dụ, một tác phẩm gốc có thể được cấp phép để tạo ra các tác phẩm phái sinh khác trên Blockchain với việc phân phối doanh thu tự động, từ đó tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo liên tục phát triển.
Trong việc triển khai Programmable IP, Story Protocol đóng một vai trò quan trọng. Đây là một nền tảng blockchain được thiết kế đặc biệt cho các nhà sáng tạo nội dung, cung cấp các công cụ và hạ tầng mạnh mẽ để hỗ trợ việc đưa các tác phẩm lên Blockchain và quản lý chúng qua Smart Contract. Thông qua Story Protocol, các nhà sáng tạo có thể dễ dàng tạo, quản lý tài sản trí tuệ của mình, thiết lập bản quyền và tự động hóa việc phân phối doanh thu, từ đó hiện thực hóa việc tạo và quản lý tài sản trí tuệ trên Blockchain.
Mô hình kiến trúc Story Protocol
Story Protocol xây dựng theo hướng mô-đun, dễ dàng cho các nhà phát triển để mở rộng chức năng của nó. Story Protocol sẽ cung cấp một số mô-đun gốc chẳng hạn như IP accounts, registries,... đồng thời cho phép các nhà phát triển tạo và đăng kí các mô-đun của họ để rộng chức năng IP.
Về kiến trúc tổng thể của Story Protocol bao gồm 3 lớp:
- Applications layer: Là lớp trên cùng trong kiến trúc của Story Protocol và là nơi diễn ra sự tương tác trực tiếp với người dùng cuối. Đây là lớp mà các ứng dụng cụ thể, giao diện người dùng (UI) và các công cụ hỗ trợ sáng tạo được triển khai. Các ứng dụng trên lớp này có thể bao gồm các nền tảng để tạo, quản lý, chia sẻ và cấp phép nội dung từ truyện ngắn, bài viết đến các dự án sáng tạo phức tạp hơn như video, hình ảnh hay các tài liệu học thuật.
- Smart Contract Layer: Là phần trung gian nơi các logic và quy tắc của hệ thống được mã hóa dưới dạng Smart Contract. Lớp này sẽ xử lý tất cả các giao dịch liên quan đến quản lý tài sản trí tuệ và thực hiện các điều khoản do nhà sáng tạo đặt ra.
- Programmable IP Layer: Là lớp nền tảng nơi lưu trữ và quản lý các tài sản trí tuệ trên blockchain. Lớp này cho phép IP được lập trình tức là các nhà sáng tạo có thể tự động hóa quá trình quản lý và giao dịch tài sản trí tuệ thông qua việc sử dụng Smart Contract.
Trong 3 lớp này thì Programmable IP Layer là lớp nền tảng và cũng là lớp phức tạp nhất. Programmable IP Layer bao gồm 4 thành phần IP assets, License module, registry, and access control.
Đầu tiên là IP assets, đây là thành phần quan trọng trong hệ thống programmable IP trên Story Protocol. Mỗi IP assets thực chất là một NFT được lưu trữ trên blockchain (đại diện cho một tài sản trí tuệ) và đi kèm với một Smart Contract liên quan được gọi là ERC-6551 (Token Bound Account). Khi một IP assets được đăng ký trên Story Protocol, một tài khoản IP duy nhất sẽ được tự động tạo ra để lưu trữ và quản lý các thông tin liên quan đến IP đó như siêu dữ liệu (metadata), thông tin về token được cấp phép (license tokens) và thông tin về tiền bản quyền (royalty tokens).
Các IP assets này có các chức năng chính như lưu trữ và quản lý dữ liệu, tương tác với các mô-đun khác, chia sẻ dữ liệu và thực hiện các tác vụ tự động. Nói một cách đơn giản, IP assets giúp biến các NFT thành những tài sản trí tuệ có nhiều chức năng, giúp cho việc quản lý và sử dụng chúng trên blockchain trở nên dễ dàng hơn.
Tiếp theo là License module. Sau khi tất cả các IP assets đã được đăng ký, người dùng có thể tạo license để cho phép người khác sử dụng tài sản trí tuệ (IP) của mình. Kingter Wang đã minh họa rằng nếu một người sở hữu Bored Ape Yacht Club (BAYC) muốn cho phép ai đó sử dụng IP của mình để tạo ra các sản phẩm phái sinh, họ có thể tạo một license token thông qua mô-đun license. Người mua license token này có thể liên kết IP của mình với IP gốc, tạo ra các sản phẩm phái sinh như làm cốc có in hình ảnh.
Ngoài ra, để giúp người dùng quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình tốt hơn, Story Protocol cung cấp một mô-đun royalty và một mô-đun giải quyết tranh chấp. Các mô-đun này cần được đăng ký trong hệ thống đăng ký của nền tảng để đảm bảo tính hợp pháp và an toàn. Người dùng có thể quản lý hiệu quả các khoản phí bản quyền và giải quyết các tranh chấp thông qua các mô-đun này.
Tiếp theo là Registry, nơi lưu trữ dữ liệu mối quan hệ giữa IP và các mô-đun. Nó đảm bảo tính không trạng thái (statelessness) của các mô-đun cho phép chúng có thể lặp lại và nâng cấp mà không cần lo lắng về các vấn đề tương thích dữ liệu. Registry được chia thành ba loại: IP Asset Registry, Module Registry, và License Registry. Thông qua các registry này, Story Protocol đạt được việc quản lý hiệu quả các tài sản IP, các mô-đun và các license, đảm bảo tính minh bạch và khả năng mở rộng của hệ thống.
Cuối cùng là Access Controller, để bảo vệ an toàn cho nền tảng và quản lý quyền truy cập thì Story Protocol đã tạo ra một hệ thống gọi là Access Controller để quản lý quyền của người dùng. Khi người dùng muốn sử dụng một chức năng nào đó từ một mô-đun, bộ kiểm soát này sẽ kiểm tra xem họ có đủ quyền hay không, đảm bảo chỉ những người được phép mới có thể thực hiện các thao tác đó. Thiết kế này giúp các nhà phát triển dễ dàng tạo ra nhiều mô-đun chức năng mới, đồng thời tăng cường tính linh hoạt và bảo mật cho nền tảng.
Kingter Wang cũng nhấn mạnh rằng Story Protocol khuyến khích các nhà phát triển tham gia xây dựng hệ sinh thái bằng cách tạo ra các mô-đun của riêng họ. Các nhà phát triển có thể đăng ký mô-đun mới lên nền tảng bằng cách gửi Pull Requests. Trước khi được đưa vào sử dụng, mỗi mô-đun sẽ phải trải qua kiểm tra bảo mật nghiêm ngặt để đảm bảo chúng an toàn và đáng tin cậy.
Tương Lai Của Story Protocol
Ở thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 nhóm đang xây dựng các dịch vụ trên nền tảng Story Protocol, tận dụng các tính năng của nó trong nhiều lĩnh vực như tài chính IP, trí tuệ nhân tạo (AI) và thị trường tiêu dùng. Một số dự án nổi bật bao gồm Space Runners - một dịch vụ thiết kế thời trang sử dụng AI và Sekai - một nền tảng kể chuyện bằng AI giúp nghệ sĩ, người hâm mộ và chủ sở hữu IP có thể cùng nhau tạo nội dung.
PIP Labs - đội ngũ phát triển của Story Protocol cũng đang đầu tư vào tương lai của programmable IP thông qua các chương trình như Story Academy. Chương trình này cung cấp các khoản tài trợ, giáo dục về blockchain và hỗ trợ cộng đồng cho các nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên Story Protocol. Story Procol cũng đã nhận được hơn 100 đơn đăng ký từ các nhóm hàng đầu trên thế giới, cho thấy nó đang nhanh chóng trở thành một trung tâm đổi mới trong lĩnh vực IP và AI.
Với kế hoạch ra mắt mạng chính (mainnet) vào cuối năm nay, PIP Labs sẽ tổ chức nhiều sự kiện cho các nhà phát triển IP, bắt đầu với sự kiện Programmable IP (PIP) Seoul trong thời gian diễn ra Frieze Seoul và Tuần lễ Blockchain Hàn Quốc vào tháng 09/2024. Các sự kiện này sẽ có sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng trong ngành như nghệ sĩ AI Refik Anadol và Emad Mostaque, người sáng lập Stable Diffusion. Những sự kiện này sẽ nhấn mạnh vai trò của Story như một cầu nối quan trọng giữa IP, AI và công nghệ blockchain.
Tổng kết
Khoản đầu tư lớn lên tới hơn 130M USD từ các quỹ đầu tư vào Story Protocol cho thấy tiềm năng của dự án này trong việc cách mạng hóa cách người sáng tạo bảo vệ và kiếm tiền từ IP của họ. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Vana: Mạng Lưới Dữ Liệu Phi Tập Trung - November 17, 2024
- The Boo Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Boo Bears - November 16, 2024
- Phân Tích Polymarket: Nền Tảng Dự Đoán Phi Tập Trung Hàng Đầu Trên Thị Trường - November 16, 2024