Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái blockchain, sự kết hợp giữa các công nghệ tiên tiến từ các nền tảng khác nhau đang mở ra những khả năng mới đầy hứa hẹn. Eclipse nổi lên như một giải pháp Layer 2 đặc biệt trên Ethereum, mang theo tham vọng kết nối sức mạnh của Ethereum với hiệu suất vượt trội của Solana và khả năng lưu trữ dữ liệu của Celestia. Với mục tiêu cải thiện tốc độ, giảm chi phí giao dịch và nâng cao bảo mật, Eclipse đặt nền móng cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) trong các lĩnh vực DeFi, NFT và nhiều ứng dụng có khối lượng giao dịch cao khác. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về cách Eclipse kết hợp các công nghệ blockchain hàng đầu để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng và nhà phát triển.
Để hiểu thêm về hệ sinh thái Eclipse mọi người có thể tham khảo một số các bài viết sau:
Tổng Quan Về Eclipse
Eclipse là một mạng Layer 2 trên Ethereum, được thiết kế để kết hợp những công nghệ tiên tiến nhất từ nhiều hệ sinh thái blockchain, bao gồm Solana và Celestia. Mục tiêu của Eclipse là mang đến một nền tảng nhanh, bảo mật cao, và phí giao dịch thấp, hỗ trợ các ứng dụng phi tập trung (dApps) trong lĩnh vực DeFi, NFT và các ứng dụng có khối lượng giao dịch cao.
Eclipse tích hợp nhiều thành phần từ các blockchain hàng đầu để tối ưu hóa hiệu suất và mở rộng khả năng xử lý, từ đó mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và các nhà phát triển dApp. Một số những điểm khác biệt của Eclipse bao gồm:
Xử lý song song qua Solana Virtual Nachine (SVM): Tăng tốc độ và giảm chi phí giao dịch nhờ khả năng xử lý song song, cùng với cơ chế thị trường phí cục bộ giúp tránh ảnh hưởng phí từ các ứng dụng quá tải. Tương thích với Ethereum và Colana: Hỗ trợ EVM qua Neon EVM, cho phép các DApps Ethereum triển khai dễ dàng trên Eclipse với các công cụ quen thuộc như MetaMask, mở rộng phạm vi người dùng từ cả hai hệ sinh thái. Data Availability qua Celestia: Lưu trữ dữ liệu giao dịch trên Celestia với chi phí thấp, hỗ trợ Data Availability Sampling (DAS) giúp xác minh dữ liệu nhanh chóng và đảm bảo tính sẵn có, mở rộng khả năng xử lý giao dịch. Bảo mật với Zero-knowledge Proof (ZK proof): Sử dụng RISC Zero để xác minh tính hợp lệ mà không tiết lộ dữ liệu, kết hợp Fraud Proofs để phát hiện giao dịch gian lận, tăng cường bảo mật và hiệu quả xác minh. Cam kết bảo mật từ Ethereum: Sử dụng Ethereum làm lớp xác nhận cuối cùng và Validating Bridge đảm bảo chỉ các trạng thái hợp lệ được ghi nhận, cung cấp tính chống kiểm duyệt và độ tin cậy cao.
Mô Hình & Cơ Chế Hoạt Động
Tổng quan về mô hình của Eclipse
Nền tảng Eclipse được cấu tạo bởi những Layer khác nhau với những đặc điểm nổi bật khác nhau bao gồm:
- Ethereum đóng vai trò là Settlement Layer (Lớp giải quyết tranh chấp).
- Lớp Execution (thực thi) sẽ là SVM (Solana Virtual Machine).
- Celestia sẽ đóng vai trò là Data Availability Layer (Lớp khả dụng dữ liệu).
- RISC Zero cho bằng chứng Zero-knowledge.
Đầu tiên, Settlement trên Ethereum là yếu tố cốt lõi giúp Eclipse Mainnet đảm bảo tính bảo mật và xác thực cho các giao dịch trên mạng Layer 2. Đầu tiên là Finanlity (Xác nhận trạng thái cuối cùng) là khái niệm dùng để chỉ rằng một giao dịch hoặc trạng thái trên mạng đã được xác nhận và sẽ không bao giờ bị thay đổi hoặc đảo ngược. Finality đảm bảo rằng khi một giao dịch đã đạt đến trạng thái cuối cùng, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn và không thể bị thay đổi, tạo ra sự chắc chắn và tin cậy cho người dùng. Eclipse Mainnet là một mạng Layer 2 (L2) hoạt động dựa trên mạng Ethereum (Layer 1), và nó dựa vào Ethereum để xác nhận các giao dịch và trạng thái cuối cùng. Điều này có nghĩa là:
- Khi giao dịch hoàn tất trên mạng Eclipse, một cam kết trạng thái (State Commitment) sẽ được tạo ra để đại diện cho trạng thái mới của toàn bộ hệ thống sau các giao dịch này.
- Cam kết trạng thái này được đăng lên Ethereum, nơi nó được xác nhận và bảo vệ.
- Khi cam kết này đã được chấp nhận trên Ethereum, trạng thái giao dịch của Eclipse đạt đến Finality, nghĩa là không thể thay đổi, kể cả khi có lỗi xảy ra trên mạng Eclipse.
Trong Eclipse Mainnet, quá trình thực thi được thực hiện thông qua Solana Virtual Machine (SVM). Việc sử dụng SVM giúp Eclipse đạt được tốc độ cao, khả năng xử lý song song và tối ưu hóa chi phí cho các giao dịch. Dưới đây là các điểm nổi bật về vai trò của SVM trong quá trình thực thi giao dịch trên Eclipse:
- SVM là máy ảo của mạng Solana, thiết kế đặc biệt để hỗ trợ khả năng xử lý song song các giao dịch, không giống với Ethereum Virtual Machine (EVM) truyền thống vốn chỉ xử lý một giao dịch tại một thời điểm (đơn luồng). Xử lý song song cho phép các giao dịch không có xung đột trạng thái (tức là không truy cập cùng một dữ liệu) có thể được xử lý đồng thời, giúp tăng tốc độ xử lý của mạng. Điều này rất quan trọng vì các bộ xử lý hiện nay ngày càng có nhiều lõi (cores), và khả năng xử lý song song của SVM giúp Eclipse tận dụng tối đa tài nguyên phần cứng.
- SVM chạy các hợp đồng thông minh được viết chủ yếu bằng Rust, và thiết kế của SVM cho phép xử lý giao dịch nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt là trong các trường hợp ứng dụng đòi hỏi khối lượng giao dịch lớn.
- Hầu hết các mạng blockchain hiện nay có thị trường phí toàn cầu, nghĩa là phí giao dịch tăng cho tất cả người dùng khi có một ứng dụng "nóng" (nhiều người dùng) gây tắc nghẽn mạng. Solana (và SVM) giải quyết vấn đề này bằng thị trường phí cục bộ, trong đó chỉ các giao dịch có xung đột mới chịu tác động từ phí cao, còn các giao dịch khác có thể hoàn tất với mức phí thấp. Điều này giúp tránh việc một ứng dụng quá tải (như NFT mint) làm ảnh hưởng đến toàn bộ mạng.
- Solana có cách quản lý trạng thái khác biệt. Thay vì cập nhật Merkle tree liên tục (như EVM), trạng thái trong SVM chỉ được “merklized” sau mỗi epoch (~2,5 ngày), giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất. Mỗi giao dịch trong SVM sẽ chỉ định rõ trạng thái mà nó cần truy cập, giúp giảm tải bộ nhớ và đảm bảo quá trình xử lý không bị ảnh hưởng khi kích thước trạng thái của mạng tăng lên.
- Eclipse Mainnet hỗ trợ các ứng dụng xây dựng cho Ethereum (EVM) thông qua Neon EVM, một smart contract trên SVM cho phép chạy mã EVM. Các ứng dụng EVM có thể triển khai lên Eclipse mà không cần thay đổi mã code, giúp thu hút nhiều ứng dụng và người dùng từ hệ sinh thái Ethereum. Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng các công cụ quen thuộc như MetaMask và các dApp Ethereum mà không phải chuyển đổi ví hay nền tảng.
- SVM có thiết kế dựa trên thanh ghi (register-based) và một bộ lệnh nhỏ gọn, giúp việc tạo bằng chứng ZK đơn giản hơn và hiệu quả hơn so với EVM. Thiết kế này giúp Eclipse dễ dàng triển khai các bằng chứng không tiết lộ (ZK Proof) để tăng tính bảo mật và xác thực cho các giao dịch.
Tiếp theo đến với Data Availability (DA). Data Availability (DA) là khái niệm quan trọng trong blockchain, đảm bảo rằng dữ liệu giao dịch được công bố công khai và luôn có sẵn để người dùng xác minh. Trong hệ thống Eclipse Mainnet, lớp DA được triển khai bằng Celestia thay vì Ethereum, nhằm tối ưu hóa khả năng mở rộng và tiết kiệm chi phí.
Dưới đây là vai trò của Celestia trong việc cung cấp Data Availability cho Eclipse Mainnet:
- Celestia lưu trữ dữ liệu giao dịch từ Eclipse để bất kỳ ai cũng có thể truy cập và xác minh. Mỗi block của Eclipse sẽ được đăng lên Celestia, giúp người dùng và các node luôn có thể tải xuống và kiểm tra tính xác thực.
- Ethereum hiện tại không đáp ứng đủ yêu cầu băng thông cho các rollup với phí thấp. Ngay cả sau khi Ethereum triển khai EIP-4844, băng thông vẫn không đủ lớn để phục vụ các nhu cầu của mạng như Eclipse. Celestia, với các block có kích thước lớn hơn và khả năng mở rộng cao, phù hợp cho các yêu cầu DA của Eclipse. Celestia sẽ ra mắt với block 2 MB, và có kế hoạch tăng lên 8 MB, cung cấp nhiều không gian lưu trữ dữ liệu hơn so với Ethereum.
- Celestia triển khai công nghệ Data Availability Sampling (DAS), cho phép các node kiểm tra ngẫu nhiên một phần của block để xác minh rằng toàn bộ dữ liệu đã được công bố. Các DAS light nodes giúp xác minh dữ liệu một cách hiệu quả mà không cần tải toàn bộ block. Khi có nhiều DAS light nodes hoạt động, Celestia có thể mở rộng băng thông một cách an toàn và đáng tin cậy, giúp Eclipse Mainnet duy trì hiệu suất cao.
- Trong trường hợp Celestia validators cố tình giữ lại dữ liệu nhưng vẫn báo cáo với Ethereum rằng dữ liệu đã có sẵn, hệ thống sẽ phạt (slashing) các validators này, giảm thiểu khả năng gian lận. Điều này mang đến sự bảo mật bổ sung cho người dùng của Eclipse, đảm bảo dữ liệu luôn công khai và không bị gián đoạn.
Trong Eclipse Mainnet, quá trình xác minh tính chính xác của giao dịch sử dụng công nghệ RISC Zero, một giải pháp Zero-Knowledge Proof (ZK Proof) để đảm bảo rằng trạng thái và các giao dịch trên mạng là chính xác và an toàn. RISC Zero cung cấp nền tảng cho việc tạo các bằng chứng không tiết lộ (ZK Proofs), giúp người dùng và hệ thống xác minh trạng thái blockchain mà không cần tiết lộ toàn bộ dữ liệu giao dịch, từ đó bảo mật hơn và giảm thiểu chi phí.
Tổng quan về cơ chế hoạt động
Đầu tiên tương tự như các Blockchain hay các Layer 2s khác thì người dùng sẽ tương tác với các DApp, Protocol trên hệ sinh thái Eclipse để tạo ra những giao dịch. Sau đó, DApp hay Protocol sẽ gửi giao dịch đã ký đến một node RPC (Node RPC (Remote Procedure Call) là một thành phần quan trọng trong hệ thống blockchain, giúp các ứng dụng bên ngoài giao tiếp với blockchain mà không cần chạy một node đầy đủ). Các node RPC có thể triển khai nhiều API khác nhau tùy thuộc vào loại blockchain. Ví dụ, các chuỗi EVM thường dùng Ethereum JSON-RPC, trong khi Solana VM (SVM) có JSON-RPC của riêng mình. Vì Eclipse hỗ trợ cả EVM và SVM, nên nó cần xử lý cả hai loại giao dịch này bằng cách:
- Eclipse Mainnet triển khai SVM JSON-RPC để xử lý các giao dịch được viết và thực thi trên Solana Virtual Machine (SVM) - các giao dịch và hợp đồng thông minh được xây dựng theo cấu trúc và nguyên tắc của mạng Solana.
- Để xử lý giao dịch EVM, Eclipse triển khai các Proxy Node, nơi giao dịch EVM được nhận, chuyển đổi sang giao dịch SVM, và gửi đến các node Eclipse đang chạy SVM JSON-RPC.
Sau khi nhận được giao dịch, các Sequencer trên Eclipse sẽ sắp xếp theo thứ tự so với các giao dịch khác. Bối cảnh thị trường hiện tại có nhiều mô hình khác nhau như Decentralized Sequencer, Shared Sequencer hay Centralized Sequencer. Sau khi giao dịch được nhận và sắp xếp thứ tự, quá trình sản xuất Block sẽ bắt đầu. Quá trình này bao gồm các bước sau:
- Cam kết thứ tự giao dịch: Thứ tự giao dịch sau khi sắp xếp được cam kết lại và chuyển vào một bộ phận xử lý (gọi là executor) để thực hiện.
- Thực thi giao dịch: Bộ xử lý (executor) sẽ chạy các giao dịch đó để cập nhật trạng thái mới của blockchain. Nói cách khác, blockchain sẽ "chuyển đổi" từ trạng thái cũ sang trạng thái mới sau khi các giao dịch này hoàn thành.
- Cam kết trạng thái: Sau khi thực thi, hệ thống tạo ra một "cam kết trạng thái" (State Commitment) để đại diện cho trạng thái mới của blockchain. Thay vì tạo một trạng thái tổng thể cho toàn mạng, Eclipse chỉ tạo cam kết cho những phần đã thay đổi (gọi là "State Diff") để tránh làm chậm mạng.
Trên Eclipse Mainnet, Sequencer (bộ sắp xếp) đóng vai trò chính trong việc sản xuất block. Hiện tại, đội ngũ Eclipse tự vận hành các sequencer để cung cấp dịch vụ:
- Xác nhận giao dịch nhanh chóng.
- Xây dựng và thực thi các Block Rollup.
- Đăng tải block rollup lên lớp lưu trữ dữ liệu (Data Availability Layer).
Để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy cho các giao dịch trên Eclipse Mainnet, hệ thống phải có quy trình xác nhận giao dịch (Settlement). Đây là một bước quan trọng nhằm xác minh rằng trạng thái cuối cùng của blockchain là đúng sau khi các giao dịch được thực thi, đặc biệt cần thiết cho các mạng Rollup như Eclipse.
Eclipse Mainnet áp dụng Optimistic Rollup để thực hiện xác nhận giao dịch. Trong cách tiếp cận này, hệ thống giả định rằng trạng thái sau khi thực thi giao dịch là chính xác. Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn vẹn, một cam kết về trạng thái mới sẽ được gửi lên mạng Ethereum, nơi các Verifiers (người xác minh) có thể kiểm tra lại.
Sau khi cam kết trạng thái được đăng lên Ethereum, hệ thống sẽ mở một khoảng thời gian gọi là Challenge Period để các Verifiers có thể kiểm tra. Trong thời gian này, các Verifiers có quyền thực thi lại các giao dịch từ lớp dữ liệu của blockchain và so sánh kết quả tính toán của họ với cam kết đã đăng.
- Nếu có sự khác biệt giữa trạng thái mà verifier tính toán và cam kết được đăng, Verifier có thể đưa ra thách thức (Challenge).
- Nếu không có thách thức nào trong khoảng thời gian này, giao dịch sẽ được xác nhận là hợp lệ và không thể bị thay đổi, tức là trạng thái của blockchain sẽ được xem là hoàn tất.
Eclipse Mainnet sử dụng công nghệ Zero-knowledge để hỗ trợ quá trình xác minh trong suốt quá trình thách thức, đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả của hệ thống:
- Sử dụng zk-VM trong thách thức: Nếu có một Verifier đưa ra thách thức, hệ thống sẽ dùng zk-VM (Zero-Knowledge Virtual Machine) để xác minh trạng thái một cách chính xác mà không cần tiết lộ toàn bộ dữ liệu giao dịch. zk-VM tạo ra bằng chứng mật mã (ZK Proof) cho thấy trạng thái được tính toán đúng, đảm bảo rằng trạng thái cuối cùng trên Eclipse là chính xác mà không cần chia sẻ chi tiết từng bước tính toán.
- Chứng minh tính toàn vẹn mà không tiết lộ dữ liệu: Nhờ công nghệ zk, Eclipse có thể xác nhận rằng các giao dịch đã được thực hiện chính xác mà không cần tiết lộ chi tiết dữ liệu. Điều này vừa bảo vệ quyền riêng tư của người dùng vừa giúp giảm lượng dữ liệu cần lưu trữ và xử lý.
Như vậy, quy trình xác nhận giao dịch của Eclipse Mainnet không chỉ đảm bảo tính chính xác và minh bạch của các giao dịch mà còn tận dụng công nghệ zk để nâng cao tính bảo mật và khả năng mở rộng của mạng. Công nghệ này giúp Eclipse đảm bảo rằng trạng thái cuối cùng của blockchain là chính xác, ngay cả khi không có ai thực thi lại toàn bộ dữ liệu, nhờ vào khả năng xác minh tính toán bằng ZK Proofs.
Tổng Kết
Với khả năng tận dụng ưu điểm từ Ethereum, Solana, và Celestia, Eclipse không chỉ là một giải pháp Layer 2 thông thường mà còn là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một mạng phi tập trung đa năng, linh hoạt và hiệu quả. Sứ mệnh của Eclipse là thu hẹp khoảng cách giữa các hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dApps và mở ra tiềm năng to lớn cho cộng đồng blockchain toàn cầu. Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà phát triển, nhà đầu tư và người dùng tham gia khám phá tiềm năng của Eclipse, đồng thời trải nghiệm một nền tảng blockchain kết hợp giữa tốc độ, an toàn và khả năng mở rộng vượt trội.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- OpenLayer Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenLayer - November 20, 2024
- Hermetica Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Hermetica - November 20, 2024
- Gevulot Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gevulot - November 19, 2024