Trong thị trường DeFi có hai loại cơ chế giao dịch tài sản cơ bản nhất là dựa trên AMM và dựa trên sổ lệnh - Order Book. Từ hai cơ chế cơ bản này, đã có rất nhiều biến thể khác nhau được phát triển lên. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về CLOB - Central Limit Order Book, một mô hình khớp lệnh giao dịch được những giao thức đời đầu như dYdX mang từ thế giới tài chính truyền thống TradFi vào với DeFi.
Để có thể tiếp cận một cách tổng quan về nội dung của bài viết, các bạn có thể tham khảo thêm những bài viết sau:
Central Limit OrderBook Là Gì?
Có thể gọi Central Limit Order Book là sổ lệnh giới hạn tập trung, là một mô hình khớp lệnh giao dịch giữa bên mua và bên bán trong một thị trường. Đây là phương thức được hầu như tất cả các sàn giao dịch tập trung trong thị trường crypto và trong TradFi sử dụng.
CLOB được ứng dụng cho cả các giao dịch giao ngay và giao dịch phái sinh.
Cấu trúc của một sổ lệnh
Khi nhà giao dịch muốn mua hoặc bán tài sản trên sàn thì họ phải thực hiện một lệnh chờ (lệnh limit). Lệnh này được ghi vào sổ lệnh (OrderBook) bao gồm thông tin về giá chào mua hay chào bán, cùng với khối lượng mua hay bán của lệnh.
Sổ lệnh là một danh sách tổng hợp lại và liệt kê các lệnh mua và lệnh bán cùng một tài sản. Các lệnh này được sắp xếp một cách có thứ tự theo các mức giá xung quanh mức giá hiện hành của tài sản đó. Dưới đây là một vài hình ảnh minh họa về sổ lệnh mà vốn đã rất quen thuộc với những người dùng CEX hay giao dịch chứng khoán:
Với mô hình sổ lệnh, giá của tài sản được giao dịch sẽ chính là mức giá chào bán thấp nhất trên Orderbook. Nói cách khác, giá hiện hành của tài sản chính là giá Ask, tức là mức giá thấp nhất mà người ta sẵn sàng bán tài sản cho người khác trên thị trường. Ngược lại, mức giá cao nhất mà nhà giao dịch sẵn sàng bỏ ra để mua tài sản đó gọi là giá Bid.
Thường thì sổ lệnh sẽ liệt kê các lệnh bán với sắp xếp tăng dần theo mức giá kể từ giá Ask, nằm ở phần trên của sổ lệnh, đồng thời liệt kê cách lệnh bán với sắp xếp giảm dần theo mức giá kể từ giá Bid, nằm ở phần nửa dưới của sổ lệnh.
Chênh lệch giữa mức giá Bid và Ask được gọi là Bid-Ask Spread, thực tế thì nó thường được gọi tắt là Spread. Mức chênh lệch này là luôn luôn tồn tại và nó có lợi cho sàn giao dịch, trực tiếp mang lại nguồn thu cho sàn. Với cặp giao dịch BTCUSDT và các thông số như ảnh trên, có thể lấy ví dụ như sau:
- Nếu một người A mua BTC bằng USDT trên sàn crypto.com, người này sẽ phải mua tại mức giá thấp nhất là 18,782.14 USDT trên một BTC. Nếu như người đó muốn bán ngay lập tức thì mức giá bán phải là 18,782.14 USDT trên một BTC. Tức là ngay lập tức lỗ 0.01 USDT trên một BTC.
Spread có thể được coi là một loại phí ẩn mà người dùng bắt buộc phải chấp nhận khi giao dịch trên sàn giao dịch sử dụng OrderBook.
Ngoài ra, với mô hình sổ lệnh thì tất cả các giao dịch đã được khớp sẽ được ghi lại trong lịch sử giao dịch, với thông tin về thời gian khớp, mức giá khớp, khối lượng khớp lệnh.
Order Matching System
Order Matching System, Matching System hay Matching Engine là các tên gọi chung của hệ thống khớp lệnh. Về cơ bản, sổ lệnh là công cụ để sắp xếp các lệnh, còn matching engine sẽ chịu trách nhiệm khớp các lệnh mua và các lệnh bán với nhau. Một sàn giao dịch sử dụng order book thì cũng đồng thời phải có matching engine.
Các matching engine khác nhau ở thuật toán mà nó sử dụng để khớp các giao dịch mua bán. Hai thuật toán phổ biến nhất là FIFO và pro-rata.
Lệnh limit-stop/lệnh chờ và lệnh thị trường
Mô hình của Order Book cho phép các nhà giao dịch thực hiện đủ mọi thể loại lệnh, trong đó phân ra làm hai loại chính là lệnh chờ và lệnh thị trường.
Lệnh thị trường rất đơn giản là lệnh giao dịch mà sẽ được khớp ngay lập tức, tại mức giá thấp nhất trên thị trường mà có đủ thanh khoản để khớp với khối lượng mà lệnh đã yêu cầu.
Ví dụ: Một người muốn mua 1 BTC với chế độ khớp lệnh thị trường khi giá của Bitcoin trên sàn hiện là 18.000 USDT trên một BTC. Lệnh mua này sẽ được khớp với một hay nhiều lệnh bán khác cùng mức giá 18.000 USDT trên một BTC, sao cho khối lượng BTC hai bên mua và bán là bằng nhau.
Mặt khác, lệnh chờ tức là lệnh phải chờ để được thực hiện khi giá thị trường của tài sản thỏa mãn một vài điều kiện nhất định. Lệnh chờ có hai kiểu là lệnh limit và lệnh stop. Ý nghĩa của các loại lệnh giao dịch này như sau:
- Lệnh buy limit: Lệnh mua ở một mức giá thấp hơn giá thị trường của tài sản. Khi giá thị trường giảm đến đúng ngưỡng mà lệnh yêu cầu thì lệnh sẽ được khớp.
- Lệnh sell limit: Lệnh bán ở một mức giá cao hơn giá thị trường của tài sản. Khi giá thị trường tăng đến đúng ngưỡng mà lệnh yêu cầu thì lệnh sẽ được khớp.
- Lệnh buy stop: Lệnh mua ở một mức giá cao hơn giá thị trường của tài sản. Khi giá thị trường tăng đến đúng ngưỡng mà lệnh yêu cầu thì lệnh sẽ được khớp.
- Lệnh sell stop: Lệnh bán ở một mức giá thấp hơn giá thị trường của tài sản. Khi giá thị trường giảm đến đúng ngưỡng mà lệnh yêu cầu thì lệnh sẽ được khớp.
Trên đây là những nội dung cơ bản về CLOB, các sàn giao dịch có thể thay đổi cách gọi của các thành phần sổ lệnh hay tên gọi của các loại lệnh giao dịch, tuy nhiên đều đặt trên những nền tảng cơ bản này.
DEX Order Book Đầu Tiên Được Xây Dựng Bởi dYdX
Phiên bản V1 và V2 của dYdX được xây dựng trên Ethereum. Theo dYdX white paper 2017, tại thời điểm đó, dYdX cung cấp hai loại sản phẩm là Margin Trading (Giao dịch ký quỹ) và Options (Giao dịch quyền chọn).
Tại phiên bản V3, dYdX đã chuyển thành một Layer 2 Validium của Ethereum, được hỗ trợ bởi StarkWare và chỉ cung cấp sản phẩm Perpetual trading.
Tại cả ba phiên bản đầu tiên, CLOB và matching engine của dYdX được vận hành off-chain trên các máy chủ do dYdX Trading Inc. và các đối tác khác của họ (cụ thể là Amazon Web Services - AWS) vận hành. Tức là các lệnh giao dịch sẽ được ghi vào sổ lệnh off-chain, khớp lệnh off-chain và được quản lý bởi dYdX, trong khi vẫn được thực thi onchain. Đây là một sự đánh đổi giữa phi tập trung và tính hiệu quả của giao thức.
dYdX V4 đã mainnet vào cuối tháng 10 năm 2023 có một sự thay đổi lớn khi dịch chuyển qua làm một Layer 1 trên Cosmos. Ngoài ra, phiên bản V4 sẽ phi tập trung hoàn toàn sổ lệnh và công cụ matching engine. Phiên bản này được dYdX giới thiệu từ năm 2022 và khai sinh ra một biến thể của CLOB là d-CLOB (Decentralized CLOB) hay có nơi gọi là DLOB (Decentralized Limit OrderBook).
Khi dYdX trở thành Layer 1, các validator sẽ đảm nhiệm vai trò vận hành OrderBook. dYdX Trading Inc. sẽ không còn quyền tham gia vào quá trình giám sát và vận hành sổ lệnh. Đây là một bước tiến lớn trong việc phi tập trung hóa mô hình của dYdX.
CLOB Với AMM
Trong không gian DeFi, CLOB và AMM vẫn luôn là hai thái cực trong việc bàn luận rằng công cụ nào sẽ phù hợp hơn để sử dụng cho việc giao dịch một cách phi tập trung. CLOB áp dụng được cho các những giao dịch spot và giao dịch phái sinh, trong khi AMM thì chỉ hỗ trợ các giao dịch spot.
Tuy nhiên có nhiều dự án cũng đã dựa trên nguyên lý về AMM của Uniswap V2 và Uniswap V3 để xây dựng các sản phẩm Perp DEX, các bạn có thể tìm hiểu về AMM tại bài viết vAMM (Virtual AMM) Là Gì? Tổng Quan Về Công Cụ Tạo Lập Thị Trường Tự Động Ảo.
Trên thực tế, tuy rằng CLOB có thể hỗ trợ giao dịch spot nhưng các AMM DEX mới là thế lực đang thống trị về mặt giao dịch spot trong DeFi. Điều này có thể đến từ nhiều lý do, trên cả mặt trải nghiệm người dùng, mô hình kinh tế, tính phi tập trung, ...v.v.
Tuy nhiên nếu xét về mảng Perpetual Trading thì CLOB vẫn đang được ưa chuộng nhất (thông qua case của dYdX). Hiện tại thì dYdX vẫn đang là sàn Perp DEX lớn nhất nếu xét về mặt khối lượng giao dịch, trong khi về TVL thì không lớn hơn so với GMX. Còn các Perp DEX hoạt động trên mô hình vAMM (AMM ảo) thì lại tỏ ra kém hiệu quả và không thu hút được người dùng.
Hiện tại bước tiến lớn nhất tiếp theo mà các CLOB DEX/Perp DEX có thể hướng tới là phi tập trung hóa việc vận hành sổ lệnh. Điều này buộc các DEX/Perp DEX này đi theo xu hướng Application Specific-chain. Bên cạnh đó thì các Perp DEX sử dụng pool thanh khoản và dựa trên giá oracle như GMX hay những vAMM như Perpetual Protocol vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Kết Luận
Trên đây là bài viết tổng quan về CLOB cũng như các biến thể mới của cơ chế giao dịch này. Cuộc chơi Perpetual Trading trên DeFi vẫn chưa hề ngã ngũ và chúng ta sẽ cần phải trông đợi vào những chuyển biến tiếp theo.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- BHO Network Chính Thức Phi Tập Trung Hoàn Toàn - November 19, 2024
- Copin.io: Khám Phá Insight Từ Perpetual DEX - October 30, 2024
- Counter Fire Tournament: Giải Đấu Game Web3 Hấp Dẫn Với Tổng Giải Thưởng Lên Đến 12,000 USDC - October 27, 2024