Macro Flow của tuần này là một bản cập nhật và tập trung phân tích về những điều có thể xảy ra trong năm 2023, bao gồm lạm phát, lãi suất, suy thoái kinh tế và những vấn đề xung quanh. Mời anh em cùng tham khảo bài viết để có thêm một góc nhìn hữu ích.
Nhìn Lại Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô Tuần 50
Tuần vừa rồi là tuần khép lại các biến động kinh tế vĩ mô lớn trong năm 2022, với những quan điểm mới của các ngân hàng trung ương, vậy các dữ liệu này cụ thể như thế nào và nói lên điều gì? Trước hết hãy bắt đầu với dữ liệu CPI.
Dữ liệu về CPI tháng 11 gây nhiều bất ngờ
20h30 tối ngày 13/12, thị trường được một phen phấn khởi ra mặt khi dữ liệu CPI tốt hơn so với dự báo. Cụ thể CPI theo năm giảm từ 7.7% xuống 7.1%, thấp hơn 0.2% so với con số dự báo là 7.3%.
BTC ngay lập tức tăng đập thẳng mặt vào kháng cự 18000, S&P 500 thì cũng xuất hiện Gap tăng ~2.7% ngay khi mở phiên, DXY giảm một gậy về 103.6 điểm. Nhìn chung thị trường khá bất ngờ với dữ liệu này.
CPI theo tháng chỉ tăng có 0.1%, và theo quan sát của mình, trong thời kì lạm phát thấp thì CPI theo tháng chỉ loanh quanh từ 0%-0.4%, và từ tháng 7 tới bây giờ CPI theo tháng chỉ nằm trong vùng đó. Vậy nên nếu CPI giữ được quỹ đạo này thì chúng ta sẽ còn được thấy CPI giảm sớm và mạnh.
FED tăng 50 điểm lãi suất cơ bản nhưng tỏ ra diều hâu trong dài hạn
Quyết định tăng lãi suất
Vậy là FED đã chính thức giảm tốc độ tăng lãi suất sau 4 lần liên tục tăng 75bps, nâng biên độ lãi suất lên khoảng 4.25-4.5%. Phần đông của thị trường đã cược vào cửa này từ lâu nên không có phản ứng tâm lý đáng kể nào xảy ra cả.
Trước khi buổi họp diễn ra thì BTC đã có nhịp tăng tâm lý lên tới 18k4. Tuy nhiên đà tăng không tiếp diễn, S&P 500 cũng giảm, chuyện gì đã xảy ra? Chúng ta cần xem xét các yếu tố khác bên dưới.
Bản dự báo kinh tế năm tới
Trọng tâm của buổi sáng sớm hôm thứ 5 nằm ở bản tóm tắt về dự báo kinh tế cho 2023 và các năm sau. Quyết định tăng 50 điểm lãi suất đáng lẽ ra phải là điều khiến thị trường phấn khởi hơn, nhưng bản dự báo này cho thấy FED diều hâu hơn trong dài hạn.
Theo bản dự báo, các chỉ số kinh tế cho tới cuối năm sau sẽ như thế này:
GDP 2023: tăng trưởng thực tế 0.5%
Tỷ lệ thất nghiệp: 4.6%
Lạm phát theo PCE: 3.1%
Lạm phát theo core PCE: 3.5%
Lãi suất FED: 5.1% !!!!!!
Các bạn có thể xem một cách tương tự với số liệu dự báo cho 2024 và 2025, nhưng những dự báo xa như vậy chắc chắn sẽ bị lệch rất nhiều với thực tế.
Dự báo lạm phát, lãi suất như vậy là cao hay thấp? Thực ra khá khó khi phải đánh giá dự đoán của họ có sát với tình hình thực tế hay không. Các chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô họ đều nhìn nhận rằng FED đang đánh giá thấp ảnh hưởng của lạm phát lên nền kinh tế, vì FED muốn giữ mức lãi suất trên 5% đến hết 2023 (tức là không giảm lãi suất trong 2023) trong khi chỉ kỳ vọng Core PCE giảm có 1.3% trong năm 2023.
Và trong khi chúng ta thấy CPI, PPI đang giảm ầm ầm, PCE cũng từ từ leo xuống dốc nhưng FED lại cho rằng còn phải mạnh tay hơn trong tương lai. Mạnh tay ở đây không phải là tăng lãi suất đều đều 75bps một lần, mà là giữ lãi suất ở một mức cao trong một thời gian dài. Nếu nhìn vào bản dự báo được phát hành trong cuộc họp hồi tháng 9 dưới đây, anh em sẽ thấy FED họ đang diều hâu hơn như thế nào
Highlight:
(Dự báo tình hình cuối 2023)
Lạm phát theo PCE: 2.8%
Lạm phát theo core PCE: 3.1%
Lãi suất FED: 4.6%
So sánh với dự báo của hôm thứ 5 vừa rồi, rõ ràng anh em thấy FED đang không lạc quan hơn mặc dù bối cảnh lạm phát đang giảm.
Thật ra dữ liệu của tháng 9 cũng có thể nhìn ở hình bản dự báo của tháng 12 trên kia tại những dòng (September projection), nhưng mình muốn anh em nhìn cả vào con số của dự báo tháng 6 nữa (June projection). Cụ thể là hồi tháng 6 thì lạm phát đang dò đỉnh và họ đánh giá sẽ giữ lãi suất cho tới hết 2023 là 3.8%, tới tháng 9 do Core PCE đang đâm ngược lên (hình phía dưới bài viết) trên khiến họ đánh giá lạm phát cứng đầu hơn và dự báo lãi suất cao hơn là 4.6% thì còn có thể dễ hiểu. Nhưng tới tháng 12, khi các chỉ số lạm phát đều giảm ổn hơn nhưng họ lại vẫn đánh giá lạm phát cứng đầu hơn nữa!
Bên cạnh lý do tâm lý thị trường không bất ngờ với việc tăng lãi suất 50bps hay lý do các vị thế short đối với USD được đóng chốt lời bởi các quỹ lớn thì mình nghĩ những gì vừa trình bày ở trên cũng là một lý do chính khiến thị trường rén hơn sau buổi họp FOMC hôm đó.
Nhưng vì sao FED lại dự đoán lạm phát giảm chậm hơn như vậy trong khi các chỉ số lạm phát vẫn liên tục có mức giảm vượt dự báo?
Thứ nhất có thể là do Core PCE vẫn tỏ ra cứng đầu trước ảnh hưởng từ lãi suất. Mặc dù PCE, CPI hay PPI đều giảm nhưng Core PCE vẫn chưa đi vào trend giảm, có thể Core PCE bị ảnh hưởng trễ hay chăng? Mình mong không phải là do lãi suất chưa đủ mạnh!
Bên cạnh dữ liệu về Core PCE, trong buổi họp báo, J.Powell có nhấn mạnh tới thị trường việc làm, ông nói thị trường việc làm vẫn còn rất nóng, và điều đấy đe dọa đến mức lạm phát mục tiêu 2%.
Đúng là nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thì 3.7% là một con số rất thấp, nhưng nhìn vào tăng trưởng việc làm mới thông qua Nonfarm Payrolls thì rõ ràng là xu hướng tăng trưởng đang yếu đi qua từng tháng.
Ngoài ra còn một chỉ báo sớm nữa là nhu cầu tuyển dụng cũng downtrend như trong Macro Flow #5 mình có đề cập. Vậy nên mình hi vọng là thị trường việc làm sẽ yếu đi thật (mặc dù điều này đồng nghĩa với việc mong nhiều người bị thất nghiệp...) và FED sẽ sớm thay đổi quan điểm.
Nói về quan điểm của FED, đúng là họ diều hâu hơn trong cuộc họp FOMC vừa rồi, nhưng phải nhìn nhận một điều là họ cũng rất hay thay đổi quan điểm, cùng với đó thì những dự đoán dài hạn của họ thường có sai số rất lớn. Các con số hoàn toàn có thể sai lệch trên 1% (hình dưới).
Bây giờ FED có thể diều hâu như vậy nhưng trong tương lai lại có thể khác, hoặc rất khác. Ngoài ra chúng ta cũng vẫn còn các biến số lớn liên quan tới dịch bệnh, liên quan tới chiến tranh, Trung Quốc, Châu Âu, v.v... nên những cái dự báo như thế này thường lệch ngay sau 2-4 kỳ FOMC. Vì vậy nên chúng ta cũng không cần quá Bearish vào dữ liệu này về mặt tâm lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng FED nên chấp nhận mức lạm phát 3-4% trong một thời gian và giữ tỷ lệ lãi suất dưới ngưỡng 5%. Nhưng với thái độ kiên quyết với mục tiêu đưa lạm phát về 2% của họ từ hội nghị Jackson Hole đến thời điểm bây giờ thì mình không nghĩ họ sẽ làm như vậy.
Khép lại câu chuyện của năm 2022, chúng ta có lịch FOMC của 2023 như hình dưới đây:
Cuộc họp lần tới sẽ diễn ra vào 31/01 - 01/02 năm 2023. Kịch bản đẹp nhất có lẽ là 3 lần tăng 25bps cho các kỳ FOMC tiếp, sau đó giữ nguyên. Nhưng thật sự thì cái quan trọng hơn là họ sẽ thay đổi góc nhìn duy trì lãi suất như thế nào sau các cuộc họp đó, chứ biên độ lãi suất 5%-5.25% là vấn đề gần như chắc chắn rồi. Bản dự báo kinh tế lần tiếp theo sẽ được tung ra vào 21-22/3/2023.
Rủi ro suy thoái kinh tế trong năm 2023-2024
Sau vấn đề về lạm phát thì thị trường sẽ quan tâm tới suy thoái kinh tế - một vấn đề xa hơn, khó xác định hơn, nhưng rất quan trọng và sống trong thị trường crypto cũng không thể bỏ qua vấn đề này được.
Vì sao nó lại có rủi ro xảy ra? Tất nhiên là có nhiều yếu tố hợp thành, nhưng trong khuôn khổ report này thì mình muốn đề cập tới lý do của việc tăng và duy trì FED Funds Rate ở mức quá cao trong thời gian dài, khiến cho nền kinh tế bị trì trệ quá mức. Điều này được thể hiện rõ ràng ở chart dưới đây, khi các đợt suy thoái (biểu hiện bởi những vùng xám) luôn xuất hiện sau khi lãi suất tăng quá cao và quá gấp.
Đại khái thì suy thoái kinh tế diễn ra khi tăng trưởng kém, thậm chí âm; tỷ lệ thất nghiệp cao, dân không ăn nên làm ra và tiền thì được dùng để lo cho những nhu cầu thiết yếu, những việc cơ bản trong cuộc sống hơn là để bỏ vào thị trường tài sản rủi ro. Tức là suy thoái thì thị trường tài sản rủi ro sẽ giảm, cái này nhìn vào lịch sử có thể thấy, S&P 500 luôn sập trong thời suy thoái.
Và theo như tình hình hiện tại thì có khả năng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra từ cuối 2023 hoặc đầu 2024. Tuy nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp, GDP thì vẫn chưa thấy quá nhiều điều tồi tệ, nhưng chính sách tiền tệ của FED luôn có một độ trễ nhất định lên nền kinh tế. Vì vậy, sau khi vương triều của USD chấm dứt, rất có thể thị trường còn phải chịu sức ép thanh khoản từ suy thoái kinh tế.
Dự phóng dựa vào các dữ liệu trên
Tổng kết lại về phần này, mình đưa ra hai kịch bản lớn:
1. Không có suy thoái kinh tế
Tuy ở thời điểm hiện tại, hầu hết các chỉ báo, các báo cáo từ economists và đối chiếu lại với lịch sử thì đều cho thấy suy thoái kinh tế sớm muộn cũng đến, nhưng tương lai không biết trước được nên mình vẫn sẽ đặt ra kịch bản không có suy thoái kinh tế.
Nếu không suy thoái, FED sẽ không ngần ngại việc phải hạn chế tăng và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, đồng thời rút tiền ra khỏi nền kinh tế thông qua duy trì QT. Thị trường vẫn sẽ sống trong thời kỳ thanh khoản thấp.
Khi ấy cửa sáng hay cửa tối cho thị trường phụ thuộc vào tốc độ giảm lạm phát. Lạm phát giảm nhanh hơn dự báo của họ thì FED pivot sẽ xảy ra nhanh hơn, Dollar bị hạ bệ thì các thị trường tài sản rủi ro lên ngôi. Kịch bản tệ xảy ra khi lạm phát cứng đầu, nhất là đối với Core PCE. Tóm lại theo kịch bản này thì năm 2023 vẫn nói đi nói lại câu chuyện lạm phát - lãi suất của 2022 mà thôi.
2. Có suy thoái kinh tế (lại có 2 kịch bản nhỏ)
Suy thoái kinh tế diễn ra thì thị trường khả năng cũng sẽ đi bụi một đợt khá sâu giống như bao lần trong lịch sử, nhưng sau đó rất nhiều khả năng FED phải bơm ngược tiền lại vào nền kinh tế, rồi thị trường sẽ phục hồi trở lại.
Vấn đề là:
Nếu suy thoái kinh tế sớm (từ giữa năm 2023) thì tất nhiên là có đau thương, nhưng cơn đau sớm đến thì sớm đi, vả lại nó sẽ gạt đi được câu chuyện dông dài về lạm phát - lãi suất vì suy thoái kinh tế sẽ kéo được cả lạm phát và lãi suất xuống, trong lịch sử thì mọi lần đều thế.
Hiểu đơn giản thì đây là kịch bản mà chu kì của thị trường diễn ra nhanh hơn. Và mình nghĩ đây là hướng tốt nhất cho thị trường. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại thì mình thấy khả năng kịch bản này xảy ra sẽ thấp hơn so với kịch bản dưới đây.
Nếu suy thoái đến muộn (cuối năm 2023 - nửa đầu 2024), thì chúng ta lãnh đủ!!! Vừa phải chịu một kỷ nguyên thống trị dài của Dollar, sau đó còn thêm suy thoái kinh tế nữa thì đây là ly cocktail kinh tế tệ nhất theo view của mình vào thời điểm hiện tại.
Để ý rằng, view của FED là sẽ chưa giảm lãi suất cho đến hết 2023 như phần trên mình có chia sẻ, và trong lịch sử thì họ thường giảm lãi suất trước khi suy thoái kinh tế xảy ra (hoặc chớm suy thoái). Vì vậy có thể nói FED chưa nhìn thấy khả năng suy thoái kinh tế cho tới hết năm sau - trái ngược với view của rất nhiều economist ngoài kia.
Ba kịch bản cả lớn cả nhỏ phía trên chưa đánh giá được các biến số lớn liên quan tới chiến tranh Nga và Ukraine, Trung quốc với Zero Covid hay tác động của các khu vực kinh tế khác như Châu Âu, thậm chí có thể thiếu nhiều những biến số ngay trong nền kinh tế Mỹ. Và thậm chí là dù kịch bản nào thì cũng là bearish cho crypto market vì chúng ta còn phải chịu nỗi đau từ cú tát của tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian dài sắp tới. Còn anh em nghĩ sao về bức tranh kinh tế trong dài hạn?
Tình hình khu vực châu Âu
Anh Quốc ghi nhận sự chững lại của lạm phát, CPI theo năm của tháng 11 tại Anh giảm từ 11.1% xuống 10.7%, thấp hơn 0.2% so với mức dự báo 10.9%. Dữ liệu này hoàn toàn khớp với việc xu hướng giá dầu giảm mạnh sau hàng loạt những nỗ lực can thiệp vào giá dầu của các nước Châu Âu.
Ngân hàng trung ương Euro Zone - ECB tăng 50 điểm lãi suất cơ bản, giảm tốc tương tự động thái của FED. Dự báo của họ về nền kinh tế trong 2023 cũng tương tự như FED luôn, ECB "diều hâu" hơn và sẽ có thể nâng tiếp vài lần 50bps trong thời gian tới.
Vậy nhìn chung có thể đối chiếu các nước đi của ECB hay BOE (Ngân hàng trung ương Anh) sẽ có phần tương tự như cách FED làm, và nền kinh tế Châu Âu vẫn là chậm nhịp, nặng nề hơn so với Mỹ.
Cập Nhật Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô Tuần 51
Nhật Bản công bố chính sách tiền tệ
Trong tuần sau, sẽ không có nhiều sự kiện gì lớn, nhưng có thể chúng ta sẽ quan tâm và tìm hiểu về một khu vực kinh tế tiềm năng nhưng ít được bàn luận tới là Nhật Bản. Trong tuần tới thì Nhật Bản cũng sẽ công bố chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Dữ liệu sẽ được công bố trong ngày 20/12/2022.
Công bố chỉ số lạm phát PCE Hoa Kỳ
Đây là dữ liệu cuối cùng của Mỹ trong năm 2022. Vì tuần 52 thì không có bất kỳ chỉ số kinh tế nào được công bố cả.
Ngày 23/12/2022: PCE dự báo giảm từ 6% xuống ... Core PCE tháng 11 được dự báo giảm từ 5% xuống 4.7%. Đây đều là những con số đã được nói tới ở bản dự báo của FED trong tuần 50.
Tổng Kết
Tóm lại, qua tuần 50 đầy biến động vừa rồi, chúng ta đã thấy các ngân hàng trung ương ngày càng thận trọng hơn trong các bước đi của mình, cụ thể là họ đặt mục tiêu thắt chặt chính sách hơn nữa so với tầm nhìn lúc trước. Đối với FED thì lạm phát giảm như vậy là chưa đủ đô, chúng ta sẽ trông chờ vào đợt phát hành dự báo kinh tế lần tiếp theo vào tháng 3 năm 2023.
Thị trường cũng đã phản ứng tiêu cực với những thông tin này, nhưng cũng không cần phải quá panic, vì lập trường của các nhà hoạch định chính sách cũng có thể phải thay đổi nếu như tình hình thực tế khả quan hơn nhiều so với tính toán của họ.
Số thứ #6 của Series Macro Flow kết thúc tại đây, mong anh em có thể rút ra được điều gì đó hữu ích từ report này và tiếp tục ủng hộ Hak Research team để cùng đi qua mùa đông giá rét kéo dài này.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- BHO Network Chính Thức Phi Tập Trung Hoàn Toàn - November 19, 2024
- Copin.io: Khám Phá Insight Từ Perpetual DEX - October 30, 2024
- Counter Fire Tournament: Giải Đấu Game Web3 Hấp Dẫn Với Tổng Giải Thưởng Lên Đến 12,000 USDC - October 27, 2024