Chắc hẳn rằng hầu hết mọi người khi mới tham gia vào thị trường đều đặt ra một câu hỏi về việc tại sao một số Crypto lại được gọi là Coin và một số khác lại được gọi là Token. Trong bài viết này, Hak Research sẽ giải thích về sự khác biệt giữa Coin & Token trong thị trường Crypto một cách dể hiểu nhất.
Coin Là Gì?
Định nghĩa về Coin
Coin là một loại Cryptocurrency được phát hành bởi một Blockchain và được sử dụng với các mục đích như trả phí gas giao dịch, bảo mật, phi tập trung mạng lưới, làm phần thưởng cho người vận hành,... và nhiều hoạt động khác trên Blockchain đó.
Với nhiều mục đích sử dụng trong hệ sinh thái như vậy nên mỗi Blockchain chỉ phát hành duy nhất một đồng Coin duy nhất để đáp ứng những nhu cầu trên. Do vậy giá trị của những đồng Coin tính trên vốn hoá cũng phản ánh rất nhiều điều về sức khoẻ và tiềm năng của Blockchain đó.
Ngoài ra thì một đồng Coin trên danh nghĩa vẫn có thể được sử dụng để vận hành nhiều Blockchain khác nhau. Ví dụ điển hình nhất đó chính là Doge Coin (một Blockchain tương tự Bitcoin) được ra mắt vào 2013 với mục đích sử dụng trên chính Blockchain của nó, tuy nhiên vào năm 2022 thì một nhóm kỹ sư đã bao bọc DOGE lại để sử dụng chúng làm phí giao dịch trên Dogechain (một Blockchain tương thích với EVM).
Những đồng Coin phổ biến nhất
Bitcoin
Bitcoin là Blockchain đầu tiên được ra đời vào năm 2009 bởi cha đẻ Satoshi Nakamoto với mục tiêu trở thành một mạng lưới thanh toán điện tử phi tập trung, phân quyền, không thể kiếm soát để thay thể những phương thức thanh toán ở thời điểm hiện tại bằng Fiat.
Đồng Coin của Blockchain Bitcoin là BTC được sử dụng với những mục đích như sau:
- Block Rewards: BTC được sử dụng để trả thưởng cho những thợ đào tham gia vào xác thực trong mạng lưới Proof of Work. Phần thưởng sẽ được dành cho ai giải được khối đó nhanh nhất và sẽ giảm một nửa mỗi 210000 block.
- Gas Fees: Tất cả các giao dịch chuyển tiền trên mạng lưới Bitcoin cần phải sử dụng BTC để trả tiền phí gas cho những người xác thực giao dịch (Node).
- Tiền tệ chính: Ngoài ra thì BTC cũng là tiền tệ chính cho nền kinh tế Incriptions trên mạng lưới này với BRC-20 và NFT.
Ethereum
Ethereum là Blockchain lớn thứ 2 hiện tại nếu chúng ta tính theo vốn hoá thị trường của đồng Coin ETH (chỉ sau BTC). Mạng lưới này được ra đời vào năm 2015 bởi Vitalik Buterin cùng các cộng sự với mục đích cho phép các smartcontract chạy ở trên đó.
Không giống như Bitcoin và đa phần các Blockchain khác khi các đồng Coin chỉ được sử dụng cho chính nền tảng đó thì Ethereum lại còn được sử dụng để làm phí trên chính các Layer 2 của mình. Mỗi Layer 2 là một Blockchain riêng biệt được thiết kể để nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum mà vẫn giữ nguyên được tính phi tập trung và bao mật.
Token Là Gì?
Định nghĩa về Token
Token đã xuất hiện từ trước Coin trong thị trường tài chính truyền thống và tuỳ theo mục đích sử dụng thì chúng lại có những định nghĩa khác nhau như:
- Trong thanh toán: Token thường được đề cập đến các dạng thẻ hoặc đồ vật nhỏ được sử dụng để thay thế cho tiền mặt hoặc giấy tờ giá trị, những Token này thường được sử dụng trong các trò chơi arcade hay trong xe buýt và tàu điện ngầm.
- Trong bảo mật thông tin: Token trong bảo mật thông tin thường là một thiết bị dùng để xác thực thông tin người dùng trong hệ thống máy tính.
- Trong mô hình Loyalty và phần thưởng: Nhiều chương trình khách hàng thân thiết sử dụng Token (điểm thưởng) để khuyến khích và ghi nhận khách hàng. Khách hàng tích lũy Token qua các giao dịch và sau đó có thể đổi chúng lấy hàng hóa, dịch vụ hoặc ưu đãi.
Trong thị trường Crypto thì Token được phát hành trên một hoặc nhiều nền tảng Blockchain bằng các tiêu chuẩn nhất định. Mục đích sử dụng của các Token cũng đa dạng không khác gì trong thị trường truyền thống, tuy nhiên chúng lại thường được sử dụng nhiều cho các mục đích liên quan đến tài chính của một giao thức.
Những Token phổ biến nhất
Uniswap
Uniswap là một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) được ra đời từ năm 2018 với token UNI được phát hành trên tiêu chuẩn ERC-20 của Blockchain Ethereum. Hiện tại Uniswap là nền tảng DEX lớn nhất thị trường nếu chúng ta xét trên các yếu tố như khối lượng giao dịch và tổng giá trị bị khoá.
Token UNI hiện đang được sử dụng cho mục đích quản trị, những người nắm giữ Token này sẽ có quyền tham gia vào biểu quyết các đề xuất được ra từ DAO. Trong tương lai thì rất có thể holder UNI sẽ có thêm các đặc quyền khác như chia sẻ doanh thu khổng lồ từ giao thức.
Chainlink
Chainlink là một nền tảng Oracle được sử dụng để đưa những dữ liệu về giá trong thế giới thực đến với thế giới DeFi. Chainlink thực hiện điều đó thông qua việc sử dụng một mạng lưới rất nhiều Node khác nhau, chúng sẽ được phi tập trung bằng cách stake token LINK.
LINK cũng là một token được phát hành trên mạng lưới Ethereum bằng tiêu chuẩn token ERC-20 do đó nó có thể được tuỳ biến với mục đích sử dụng khác nhau. Ngoài ra sử dụng để vận hành các Node thì Chainlink cũng được sử dụng để tham gia biểu quyết các đề xuất.
Sự Khác Biệt Giữa Coin & Token
Về tính ứng dụng
Như đã đề cập ở trên thì Coin thường có rất nhiều ứng dụng khác nhau trong hệ sinh thái của nó, đặc biệt là việc sử dụng Coin làm phí giao dịch trên Blockchain. Vì lý do đó mà bất kỳ ai khi tham gia vào một hệ sinh thái Blockchain thì họ đều cần phải nắm giữ một lượng Coin nhất định trong ví của mình.
Tính ứng dụng của Token thì ít hơn nhiều so với Coin khi chúng thường chỉ được xoay quanh các mục đích của giao thức phát hành ra nó. Tuy nhiên thì cũng có một số loại token cũng được nhiều giao thức khác nhau sử dụng như Liquid Staking Token (stETH, rETH,...) hay Liquidity Provider Token (GLP, gDAI,..) và các Stablecoin như DAI.
Về mặt kỹ thuật
Để xây dựng và phát hành một đồng Coin cần rất nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến vấn đề tài chính, con người,... do một Blockchain cần đáp ứng rất nhiều yếu tố khác nhau về kỹ thuật cũng như bảo mật, vì đơn giản là chỉ cần mạng lưới bị tấn công thì tất cả các dự án xây dựng trên đó đều sẽ gặp vấn đề.
Việc phát hành một token thì đơn giản hơn rất nhiều khi bất kỳ ai cũng có thể làm được, thậm chí là còn có rất nhiều bên cung cấp những bộ mã nguồn có sẵn để mọi người chỉ cần copy paste là có thể triển khai được token riêng cho mình.
Coin Cũng Có Thể Là Token Và Ngược Lại
Trên thực tế thì định nghĩa Coin và Token như đã đề cập ở trên cũng không hoàn toàn chính xác trên tất cả các trường hợp. Lấy ví một ví dụ đó chính là các đồng Coin của Layer 2 như ARB hay OP khi chúng chính được chính nền tảng Blockchain phát hành nhưng lại không được sử dụng để làm phí giao dịch mà thay vào đó là ETH.
Cũng có nhiều ví dụ khác như chính ETH là đồng Coin trả phí cho Ethereum và các Layer 2 trên nó, nhưng khi ETH được bao bọc và chuyển đến các Blockchain khác thì lúc này các tính chất của nó sẽ không khác gì với một Token.
Tổng Kết
Trên đây là bài viết giải thích về sự khác biệt giữa Coin & Token từ Hak Research, hy vọng thông qua bài viết này mọi người sẽ tìm được những thông tin hữu ích cũng như phân biệt được đâu là Coin hay đâu là những Token.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Hướng Dẫn Chạy Node Spheron - October 8, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node 0G Labs (ZeroGravity) - September 2, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node Nillion - August 30, 2024