DePIN là một trong những lĩnh vực phát triển và có hiệu quả đầu tư tốt nhất trong thị trường crypto trong giai đoạn 2023-2024. Đặc biệt trong số những dự án DePIN thành công có không ít những trường hợp lựa chọn xây dựng trên Solana. Vậy nguyên nhân đằng sau xu hướng này là gì thì mọi người hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Vì Sao Các Dự Án DePIN Lựa Chọn Xây Dựng Trên Solana
Solana được biết đến như một blockchain layer 1 với điểm mạnh cốt lõi nằm ở chi phí giao dịch thấp và khả năng xử lý giao dịch với tốc nhanh và thông lượng vượt trội so với những nền tảng khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng và giúp cho các dự án ở trên hệ sinh thái dễ dàng tiếp cận với người dùng mới hơn. Đây là ưu điểm không chỉ các dự án DePIN mà là tất cả các nhà xây dựng đều công nhận ở Solana.
Ngoài những ưu điểm đến từ cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái Solana là một điển hình cho một cộng đồng có sức xây dựng bền bỉ, đoàn kết với những dự án đi đầu nổi bật như Render Network, Hivemapper và Helium Network. Những dự án này đều là những lá cờ đầu trong xu hướng DePIN, và sự thành công của họ trên Solana, cộng với sự hỗ trợ của Solana Foundation là một trong những động lực rất lớn thúc đẩy các nhà phát triển khác. Nói cách khác ngắn gọn hơn đó là Builder thu hút Builder.
Mọi mảnh ghép khác về DeFi, NFT và cơ sở hạ tầng trên Solana cũng đều được phát triển mạnh, các dự án mới muốn tích hợp cái gì là có cái đó. Solana còn là nơi đón nhận dòng tiền mạnh nhất, có lượng người dùng đông đảo đến từ cơn sóng airdrop đầu năm 2024. Tất cả những điều này có thể hiểu là Network Effect giúp cho các dự án DePIN dễ dàng phát triển hơn.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa chi phí giao dịch thấp, thông lượng cao và kiến trúc thân thiện với nhà phát triển biến Solana thành nền tảng lý tưởng cho các dự án DePIN. Solana đảm bảo hiệu quả xử lý và quản lý dữ liệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và đổi mới của các ứng dụng phi tập trung.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là dòng tiền từ VCs. Điển hình là Borderless Capital, một quỹ đầu tư bắt đầu hoạt động từ 2021, là một trong những quỹ có nhiều deal DePIN nhất đã rót vốn vào không ít dự án DePIN trên Solana như là Helium, Render và Hivemapper. Đặc biệt, Borderless cũng từng gọi vốn từ Jump Crypto, một định chế vẫn đang kề vai sát cánh với hệ sinh thái Solana.
Với những lợi thế vượt trội và cũng không có gì ngoài điều kiện, Solana đang khẳng định vị thế là nền tảng hàng đầu cho các dự án DePIN có thể bứt phá, góp phần kiến tạo một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành DePIN nói chung.
Những Dự Án DePIN Thành Công Trên Solana
Render Network, Helium Network và Hivemapper
Render Network, Helium Network và Hivemapper là ba dự án DePIN lâu đời trên Solana, có mức độ tăng trưởng tốt và lượng người dùng thực tế vượt trội. Điểm chung của cả ba nền tảng này là đều được xây dựng như một ứng dụng web2, sau đó kêu gọi vốn và được từ một quỹ đầu tư mạo hiểm crypto và sau đó được xây dựng theo ý tưởng là một decentralized network. Cụ thể:
- Render Network: Được phát triển từ năm 2013 bởi OTOY, lúc này thì ý tưởng của đội ngũ xây dựng là một nền tảng render 3D chạy trên đám mây, giúp tăng tốc quá trình sản xuất hình ảnh và video đồ họa. Cho đến năm 2018 thì OTOY mới bắt đầu xây dựng Render Network. Cuối năm 2021, Render Network kêu gọi thành công $30M bởi Multicoin Capital, FTX Ventures và Solana Ventures. Render Network chỉ mới bắt đầu triển khai lên Solana từ sau sự kiện Breakpoint 2023 tại Amsterdam.
- Helium Network: Helium được biết đến là một dự án kêu gọi vốn rất nhiều với con số tổng cộng lên đến $364.8M qua 10 vòng tài trợ kể từ khi thành lập vào năm 2013. Nhưng dự án đã có một khởi đầu không thuận lợi trong suốt khoảng thời gian từ 2013 cho đến 2017. Vào năm 2019 thì Helium Blockchain được xây dựng và phát hành HNT. Tháng 4/2023, Helium chính thức được chuyển sang Solana
- Hivemapper: Sau khi được thành lập vào năm 2015, Hivemapper đã bắt đầu cho phép xây dựng map với dữ liệu được thu thập từ các công cụ như drones và BlackVue dashcam. Đến tháng 12 năm 2021 thì Hivemapper kêu gọi được $18M từ Multicoin Capital và Solana Ventures. Tháng 11 năm 2022 thì dự án mới tung ra Hivemapper Network được xây dựng trên Solana cũng như token $HONEY làm incentive.
Các dự án này đều có hiệu quả cao, dựa trên đánh giá về khả năng thu hút nodes đóng góp tài nguyên vào mạng lưới cũng như tổng doanh thu mà nền tảng đã phân phối cho người dùng.
Dự án | Số lượng node | Doanh thu đã phân phối | Gọi vốn | FDV |
---|---|---|---|---|
Render Network | 600 | 5,446,344 RNDR | $47.24M | $5.3B |
Helium Network | 38,980 | 16,441,260 USD | $364.8M | $1B |
Hivemapper | 37,603 | 6,921,295 HONEY | $21M | $800M |
Render Network là nền tảng có định giá cao nhất lên tới $5B, là một dự án Decentralized Compute Network, với mạng lưới cấu thành bởi nhiều node mạng, cung cấp tài nguyên máy tính dưới dạng GPU, CPU và bộ nhớ cho các khách hàng. Vì yêu cầu phần cứng cao nên số lượng active node operators trên mạng lưới chỉ dao động khoảng 600 node. Xét về lượng doanh thu đã phân phối thì Render Network cũng đứng đầu với khoảng $54M lợi nhuận nếu tính $RNDR tại $10.
Helium được biết đến là một mạng lưới Decentralized Wireless Network, Helium cung cấp các dịch vụ phát mạng không dây bao gồm mạng 5G và mạng IoT. Người dùng cần mua các Hotspot chuyên dụng của Helium để phát mạng, đổi lại họ sẽ nhận được các token như MOBILE và IOT khi có người sử dụng mạng. Đây là một trong những dự án DePIN gọi vốn khủng nhất với tổng giá trị gây quỹ ngang ngửa với các nền tảng cơ sở hạ tầng L1, L2 xịn nhất thị trường Crypto. Số lượng hotspot (cả IOT & 5G) của Helium đang active lên đến gần 40,000 đơn vị, đây cũng là một con số tương đối lớn.
Hivemapper là một dự án điển hình cho phân nhóm Decentralized Sensor Networks. Về cơ chế hoạt động, Hivemapper cho phép người dùng thu thập dữ liệu dưới dạng hình ảnh về đường phố tại khu vực của họ, từ đó thu thập dữ liệu về đường phố và cung cấp tới Hivemapper. Sau đó, dự án phân tích hình ảnh và biến những dữ liệu đó thành thông tin có giá trị mà khách hàng của họ yêu cầu. Hivemapper có một lịch sử active chưa quá dày trên vị trí là một mạng lưới decentralized, vì vậy nên tổng phân phối doanh thu cũng chưa quá hấp dẫn, nếu tính $HONEY tại $0.08 thì dự án đã phân phối đi được khoảng $550K.
Điểm chung của ba dự án này còn nằm ở chỗ là đều gọi vốn được từ phía Solana Foundation, nếu không phải từ Solana Ventures thì cũng được đầu tư cá nhân bởi Anatoly Yakovenko, Co-founder của Solana. Sự thành công bước đầu của các dự án phản ánh sự uy tín và thái độ cởi mở, trách nhiệm của Solana Foundation trong việc nâng đỡ và cố vấn các dự án DePIN. Vì vậy, nếu là một dự án DePIN, phát triển trên Solana là một lựa chọn đầy hấp dẫn.
IO Network (IO)
IO Network và Grass (phần tiếp theo của bài viết) đều là những dự án mới, nổi bật trên hệ sinh thái Solana về mảng DePIN. Tại thời điểm bài viết được thực hiện, hai dự án này đều thuộc diện chưa có token, nhưng đều có những ấn tượng riêng.
IO Network là một mạng Decentralized Compute Network, có cấu trúc tương tự với Render Network, sử dụng $IO làm token incentive. Điểm khác biệt nằm ở chỗ IO Network là một dự án mới hoàn toàn, lựa chọn xây dựng trên Solana ngay từ ban đầu và tập trung vào các keyword hot nhất là AI và DePIN.
Sức mạnh GPU được IO Network tổng hợp để cung cấp cho những khách hàng có mục đích sử dụng vào việc trainning AI và Machine Learning. Như chúng ta đã biết, một trong những câu chuyện công nghệ lớn nhất thế kỷ XXI là Artificial Intelligence (AI). Để đào luyện ra được một sản phẩm AI chất lượng cao đòi hỏi sự đầu tư lớn vào phần cứng hoặc phải thuê ngoài để đảm bảo được nhu cầu tài nguyên, và vì lẽ đó nên sự phát triển của ngành AI sẽ kéo theo nhu cầu đối với dự án như IO Network.
Dự án đã gọi vốn $30M tại Series A từ các quỹ lớn như Hack VC và Multicoin Capital. Với thông tin này, mặc dù chưa có token (dự kiến vào cuối Q2/2024), IO Network vẫn thu hút được một số lượng không ít worker tham gia vào mạng lưới bằng lời hứa về airdrop token $IO.
Grass Layer 2
Grass là một Layer 2 Rollup trên Solana. Grass lưu trữ dữ liệu trên Grass Data Ledger, dữ liệu được nhúng với metadata để dễ dàng truy xuất, sau đó chứng cứ được gửi về Solana Settlement Layer. Đó là về cơ sở hạ tầng, còn về tính năng thì Grass đóng vai trò như là một Decentralized Wireless Network.
Khi sử dụng internet thì chúng ta không hoàn toàn sử dụng 100% băng thông và đôi khi dư thừa một phần. Ý tưởng của Grass là cho phép người dùng tận dụng băng thông dư thừa của mạng internet mà mình sử dụng để có thể cung cấp nó cho các tổ chức khác với nhu cầu sử dụng cho các tác vụ liên quan tới Machine Learning, Cloud Computing hay Web Scraping. Việc thiết lập để đóng góp băng thông internet cũng rất dễ dàng, có thể sử dụng chính điện thoại di động của mình.
Tính đến thời điểm bài viết được thực hiện, Grass đã chạm đến ngưỡng hơn 1,000,000 node, thành quả này đến từ khả năng tham gia mạng lưới hết sức đơn giản, chúng ta chỉ cần truy cập website và đăng ký tài khoản, sau đó thiết lập thông số để kết nối wifi nhà mình vào mạng của Grass.
Tuy nhiên, mình chỉ đánh giá thành công của Grass trên phương diện tiếp cận được với người dùng với số lượng lớn, truyền thông hiệu quả. Còn về thực tế hiệu quả của tài nguyên cũng chưa rõ ràng, khả năng reward lại cho người đóng góp mạng lưới cũng có thể không được cao do có quá nhiều tài khoản tham gia vào mạng lưới.
Những Dự Án Chưa Thành Công Trên Solana
Nosana (NOS)
Nosana có ý tưởng tương tự với những dự án Decentralized Compute Network, đó là kết nối một mạng lưới GPU do người dùng cung cấp, nhằm kết nối tài nguyên với những khách hàng đang muốn xây dựng các sản phẩm AI. Những người hoặc công ty có GPU tiêu dùng nhàn rỗi có thể trở thành một nút trong mạng Nosana. Điển hình như LLama 2 và Stable Diffusion là các mô hình AI đang được Nosana đào luyện để có thể hoạt động trên quy mô lớn.
Tại thời điểm bài viết được thực hiện, Nosana vẫn đang trong giai đoạn “Test Grid Phase 2” là Testnet nhưng có triển khai incentive. Điều này có nghĩa là dự án vẫn chưa mainnet sau hơn hai năm hoạt động, trong khoảng thời gian đó, nhìn vào token $NOS của Nosana cũng có thể hiểu đây từng là một dự án chết.
$NOS đã chia hơn 20 lần trong khoảng thời gian này, và chỉ ngay trước khi sóng uptrend cuối năm 2023 diễn ra, $NOS đã tăng liên tục không điều chỉnh cho tới khi x600 lần kể từ đáy. Sau sự kiện này, Nosana mới bắt đầu hoạt động tích cực trở lại, làm lại Docs và Roadmap cũng như triển khai testnet. Token $NOS đang được giao dịch ở mức vốn hóa $500M.
Ngoài ra, allocation của $NOS trong tay đội ngũ phát triển lên tới hơn 60%, $NOS cũng khá hạn chế về mặt tiện ích token. Vì vậy, mình đánh giá $NOS đang là một quả bong bóng lớn, đang bị overvalue và việc đầu tư vào $NOS có thể khiến chúng ta chịu nhiều rủi ro.
GenesysGo (SHDW)
GenesysGo đang định vị mình là một nền tảng Decentralized Storage Network tiêu biểu trên Solana với sản phẩm chính là ShdwDrive. So với Filecoin, ShdwDrive được giới thiệu là vượt trội hơn với tốc độ lưu trữ và truy xuất dữ liệu nhanh hơn đáng kể. Cụ thể, chỉ mất 3-7 giây để xử lý một tệp 1 Mb, so với 5 phút (nhanh nhất có thể) và 4 tiếng (lâu nhất có thể) của Filecoin.
ShdwDrive hiện đang ở Giai đoạn 2 Testnet, cho phép người dùng cá nhân hỗ trợ mạng lưới thông qua “Node Wield”. Dự án sẽ tiếp tục testnet thêm vài lần nữa cho hết Q3 và kỳ vọng Q4 mới bắt đầu mainnet. Lý do mà GenesysGo phải chạy testnet lâu như vậy là vì họ phát triển các công nghệ theo hướng mới. Đặc biệt là một cơ chế đồng thuận mới cho các node trong mạng, gọi là D.A.G.G.E.R. Cơ chế này được giới thiệu là tốt hơn so với Tendermint trên nhiều mặt, từ hiệu quả băng thông, khả năng chịu lỗi Byzantine, khả năng mở rộng, hiệu suất giao dịch và cả các yêu cầu đối với node tham gia mạng lưới.
Tính chất | D.A.G.G.E.R | Tendermint |
---|---|---|
Cấu trúc | Đồ thị acyclic có hướng (DAG) | Thuật toán BFT cổ điển với các vòng bầu chọn leader |
Đồng thuận | Dựa vào gossip (lan truyền thông tin) | Sử dụng nhiều tin nhắn giữa các validator |
Khả năng chịu lỗi Byzantine | Chịu lỗi tới 1/3 node Byzantine | Chịu lỗi với 2/3 node trung thực |
Hiệu suất giao dịch (TPS) | Testnet: 5,000 - 20,000 TPS | 400-600 TPS (mặc định), lý thuyết tối đa 10,000 TPS |
Tham gia mạng lưới | Linh hoạt, thay đổi linh động | Yêu cầu đồng bộ hóa thời gian giữa các nút |
Token của GenesysGo là $SHDW, ban đầu được phân phối ra thị trường thông qua hình thức public IDO công khai vào năm 2022 và cho người nắm giữ NFT SSC (Shadow Super Coder) của dự án. Được biết giá IDO rơi vào khoảng $1.73. Tiện ích của token là dùng để thanh toán cho các dịch vụ trong hệ sinh thái và tiện ích bổ sung trong tương lai.
Hành động giá của $SHDW tương tự với case của $NOS phía trên, nhưng Shadow Token lại không bị định giá quá đáng, hiện SHDW được giao dịch ở mức $0.6, tương ứng với mức vốn hóa loanh quanh khoảng $100M.
Trên quan điểm cá nhân, mình đánh giá cao tiềm năng của GenesysGo, vì trên Solana thì các nền tảng Storage Network cũng không có sự cạnh tranh cao. Team phát triển tỏ ra khá thận trọng trong các nước đi của mình, tuy rằng lộ trình của họ mới chỉ trở nên rõ ràng kể từ sau khi xu hướng DePIN bùng nổ vào cuối năm 2023. Đây chắc chắn là một dự án nằm trong watchlist của mình trong mảng DePIN.
Onocoy (ONO)
Vệ tinh GPS cung cấp thông tin định vị hữu ích cho nhiều trường hợp sử dụng, nhưng độ chính xác của chúng không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu cao. Đối với các ứng dụng đòi hỏi độ chính xác cao như khảo sát, nông nghiệp, khai thác mỏ,... GPS thông thường sẽ không đủ khả năng đáp ứng.
Onocoy mang trong mình một tham vọng lớn, đó là cung cấp giải pháp sử dụng mạng lưới máy thu RTK (Real-Time Kinematics) kết hợp blockchain để cung cấp dữ liệu định vị chính xác cao. Hệ thống này nâng cấp cho GPS thông thường, nâng cao độ chính xác từ cấp độ mét xuống milimet.
Quy trình tham gia Onocoy:
- Bước 1: Người dùng cần mua máy thu RTK (khoảng $1K - $2K) để tham gia mạng lưới.
- Bước 2: Yêu cầu tham gia mạng lưới Onocoy và cài đặt phần mềm.
- Bước 3: Người dùng được khuyến khích khai thác tại các khu vực chưa được thu thập dữ liệu để nhận phần thưởng cao hơn.
- Bước 4: Máy thu RTK sẽ thu thập dữ liệu định vị và truyền tải lên mạng lưới Onocoy.
- Bước 5: Người dùng được thưởng token ONO$ dựa trên chất lượng và số lượng dữ liệu cung cấp.
Dữ liệu định vị chất lượng cao sẽ được cung cấp cho các ứng dụng như quan trắc biến dạng, nông nghiệp, khai thác mỏ, cảnh báo thiên tai (sóng thần/động đất), định vị máy bay không người lái/robot, xe tự lái
Và mặc dù vẫn chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm beta nhưng mức tăng trưởng người tham gia mạng lưới khá đông đảo, với gần 2.000 người đóng góp dữ liệu bằng máy thu chuyên dụng. Onocoy sử dụng mô hình BME, cho phép khách hàng thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt và những người tham gia mạng được thưởng bằng token $ONO, tương xứng với đóng góp của họ.
Tổng Kết
Trên đây là bài viết lý giải tại sao mà Solana lại là nền tảng thu hút được rất nhiều dự án DePIN xây dựng trên đó. Điều kiện đến từ bản thân Solana Foundation cùng với sự cộng hưởng từ một hệ sinh thái đầy sôi động chính là những yếu tố quyết định trong sự phát triển của DePIN trên Solana. Hy vọng rằng mọi người có thể thu thập được những thông tin hữu ích từ bài viết này.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- BHO Network Chính Thức Phi Tập Trung Hoàn Toàn - November 19, 2024
- Copin.io: Khám Phá Insight Từ Perpetual DEX - October 30, 2024
- Counter Fire Tournament: Giải Đấu Game Web3 Hấp Dẫn Với Tổng Giải Thưởng Lên Đến 12,000 USDC - October 27, 2024