DEX là một trong những mảng ghép rất quan trọng trong DeFi, có thể xem là xương sống của ngành Crypto. Sự phát triển của DEX sẽ thúc đẩy công nghệ Blockchain vươn đến một tầm cao mới.
Uniswap là AMM DEX đầu tiên được phát triển trong thị trường DeFi, phát minh vĩ đại với công thức x * y = k cho đến bây giờ là một kỳ lân công nghệ cho nền tài chính phi tập trung. Tuy sản phẩm của Uniswap là hàng đầu thị trường nhưng Uniswap vẫn đang phải phát triển hằng ngày để đem lại sản phẩm tốt nhất, tối ưu nhất cho người dùng.
Ngoài Uniswap thì còn có các ý tưởng, mô hình DEX khác cũng có nhiều sự sáng tạo khác phục một vài điểm yếu hoặc cạnh tranh trực tiếp với Uniswap. Vậy có những mô hình và công nghệ DEX sáng tạo nào trong thị trường? Hãy cùng mình tìm hiểu một số ý tưởng về DEX hay trong bài viết này nhé!
Tổng Quan Về DEX
DEX là tên viết tắt của Decentralized Exchange, là sàn giao dịch phi tập trung. Đây là nơi để thực hiện các nhu cầu trao đổi tài sản là tiền điện tử hay Token của các dự án Crypto. Nhu cầu này rất thiết yếu trong DeFi và kiếm được rất nhiều phí từ người dùng.
Bước ngoặt lớn nhất nhất chính là sự ra đời của Uniswap, phát mình ra cơ chế AMM đầu tiên. Lấy thanh khoản từ thị trường tạo nguồn cấp giá và tài sản để giao dịch một cách tự động. Những người trao đổi tài sản sẽ trả một khoản phí nhỏ và khoản phí này sẽ được thưởng cho nhà cung cấp thanh khoản.
Trong thị trường có rất nhiều loại DEX hỗ trợ cho nhiều nhu cầu khác nhau. Nhưng ở bài viết này, mình chỉ tập trung vào các mô hình AMM hay DEX hỗ trợ giao dịch Spot sáng tạo điển hình.
Nhu Cầu Sáng Tạo
Trong thị trường này, đặc biệt là DeFi có tốc độ phát triển rất nhanh, đôi khi cắm mắt vào màn hình hơn mười giờ mỗi ngày vẫn không thể bắt kịp. Theo thời gian có rất nhiều dự án mới sinh ra, phần lớn trong số đó là dự án Scam còn mô hình mới thì rất ít.
Uniswap đang là DEX hàng đầu, có khối lượng giao dịch hằng ngày lên đến hàng tỷ đô la. Mô hình AMM với công thức x * y = k là một phát minh vĩ đại mở ra sự phát triển sau này của nền kinh tế phi tập trung. Nó cũng có nhiều hạn chế khác và các hạn chế đó thúc đẩy cho sự sáng tạo, đưa ra các phát minh mới.
Tuy các mô hình sáng tạo mới khắc phục được phần nào của các hạn chế ban đầu. Mỗi công nghệ được phát minh ra với lý tưởng khắc phục các điểm yếu tồn tại, nhưng không phải công nghệ mới là hoàn hảo. Nó sẽ có các mặt ưu và nhược điểm riêng. Chủ yếu là người dùng chấp nhận được những hạn chế đó để sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các DEX ở thị trường cũng là động lực cho sự sáng tạo. Sáng tạo ra các mô hình sản phẩm DEX mới nhằm cạnh tranh để có cơ hội tồn tại và phát triển.
Top DEX Sáng Tạo Nhất
Trên thị trường có rất nhiều DEX và cũng không ít DEX có những mô hình sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo đó có thực sự hữu ích cho thị trường hay không thì chúng ta cũng phải cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Vì dự án trong thị trường này là rất nhiều nên mình chỉ liệt kê một số DEX mà mình cảm thấy hay, sáng tạo và sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi.
Uniswap
Tổng quan về Uniswap
Khi tìm hiểu về thị trường Crypto thì chắc chắn đa số các bạn đều biết đến Uniswap. Hiện tại Uniswap vẫn là dự án đứng đầu ngành, là một tượng đài trong DeFi. Chúng ta đang sử dụng là sản phẩm UniswapX, Uniswap V3, Uniswap V2 và sắp tới là phiên bản V4.
Là người đi đầu nhưng cho đến nay Uniswap đã trãi qua rất nhiều lần nâng cấp với các phiên bản V1, V2, V3 và V4. Qua đó chúng ta thấy được tốc độ phát triển của thị trường cũng như Uniswap giữ được vị trí số 1 là nhờ vào sự phát triển liên tục. Trong thế giới công nghệ này, nếu bạn không cải tiến và phát triển thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Phiên bản V1 của Uniswap chỉ đơn thuần là Pool AMM, trong đó các tài sản được ghép cặp với ETH. Sau đó, phiên bản V2 cho phép định tuyến giữa các Pool thông qua tài sản chung là ETH để hỗ trợ giao dịch giữa các loại tài sản ERC 20 với nhau.
Để giúp các nhà cung cấp thanh khoản đạt hiệu quả về vốn cao hơn, giảm tổn thất do Impermanent Loss gây ra. Bằng cách thêm thanh khoản cho một vùng giá nhất định được hỗ trợ trong phiên bản Uniswap V3. Cho đến nay thì phiên bản và mô hình này hoạt động rất tốt, đặc biệt hiệu quả đối với các tài sản có vốn hóa lớn ít biến động như BTC, ETH,...
Gần đây nhất là phiên bản UniswapX, một phiên bản sử dụng các công nghệ tối ưu của thị trường DEX như định tuyến Aggregator và có những người giao dịch hộ tham gia gom các dịch thành lô để giảm phí và trả phí Gas hộ. Ngoài ra, UniswapX sẽ kinh doanh MEV và lợi nhuận từ MEV sẽ được trả lại cho các nhà giao dịch thông qua giá chiết khấu. Sản phẩm cuối trong phiên bản UniswapX là hỗ trợ giao dịch Crosschain.
Sắp tới là phiên bản Uniswap V4, là một bước đột phát về cấu trúc Pool của Uniswap. Các Pool sẽ được tích hợp vào trong một Smart Contract để giảm số lần giao dịch khi đi qua nhiều Pool. Uniswap V4 giới thiệu về Hooks, là một hàm mở rộng mà nhà phát triển có thể tận dụng để tạo ra các tùy chỉnh cho Pool.
Các Hook này cho phép nhà phát triển có thể can thiệp vào quá trình trước hoặc sau lệnh swap. Với Hooks có thể sửa đổi các tham số nhóm hoặc thêm các tính năng và chức năng mới. Các chức năng có thể được thực hiện với Hooks bao gồm: TWAP, TWAMM, phí thay đổi theo biến động, cơ chế nội bộ hóa MEV cho các nhà cung cấp thanh khoản,...
Bức tranh đầy đủ về Uniswap trong tương lai là một DEX Aggregator, khi bạn thực hiện swap trên giao diện của Uniswap tức là bạn đang dùng định tuyến của UniswapX cũng là Aggregator. Định tuyến này sẽ tìm đến nơi có thanh khoản và mức giá tốt nhất cho nhà giao dịch, có thể là Uniswap V2, V3, V4 hoặc một DEX khác.
Trên Uniswap còn có các Pool thanh khoản mà các LP có thể cung cấp như Uniswap V2, Uniswap V3. Vì Uniswap chuyển thành DEX Aggregator nên các Pool thanh khoản trên Uniswap không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các Pool thanh khoản trên DEX khác.
Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế lớn nhất của Uniswap là DEX có thanh khoản và lượng người dùng cũng như khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường. Nhờ vào vị thế là dự án đi đầu ngành, cải tiến sản phẩm liên tục. Phát minh vĩ đại với công thức x * y = k vẫn đang hoạt động rất hiệu quả và là nguồn cấp giá uy tín cho các giao thức khác.
Lợi thế thứ hai, đội ngũ phát triển là những người đi đầu ngành, có rất nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên mô cao. Như thế họ có thể phát minh ra nhiều ý tưởng hay và hữu ích cho sản phẩm. Họ còn là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường nên có nhiều lợi thế để cạnh tranh so với các đội ngũ khác.
Với những lợi thế lớn, cho dù sau này Uniswap có không còn mang lại nhiều sự sáng tạo nữa thì họ có thể tích hợp các sản phẩm hay ngoài thị trường vào Uniswap. Chỉ cần như vậy, Uniswap vẫn có thể chiến thắng các nhà phát minh ra sản phẩm đó. Vì đơn giản là họ có khác hàng và sự uy tín.
Dự phóng về Uniswap
Uniswap vẫn sẽ là tượng đài lớn trong DeFi mà các dự án khác khó mà leo lên được. Với sự cập nhật và đổi mới liên tục từ đội ngũ phát triển, Uniswap vẫn đang là sản phẩm tối ưu nhất cho người dùng. Uniswap sẽ là mối đe dọa lớn cho các dự án Aggregator, DEX Crosschain hay các DEX thiếu sự sáng tạo.
Tuy vị thế của Uniswap là quá lớn để sụp đổ nhưng công nghệ chuyển biến rất nhanh. Một cú Hack có thể đưa Uniswap về con số không. Khả năng đó vô cùng thấp nhưng không thể nói là không hoàn toàn xảy ra.
Trader Joe
Tổng quan về Trader Joe
Trader Joe là một AMM DEX ra đời sau trên Avalanche, sau khi ra mắt Trader Joe đã nhanh chóng tận dụng các lợi thế về sản phẩm tối ưu và chiến lược kinh doanh thông minh đã chiếm được vị trí DEX số 1 trên Avalanche.
Đặc biệt trong phiên bản Trader Joe V2 ra mắt Liquidity Book là sổ thanh khoản tập trung. Mô hình này là một phiên bản khác của AMM, cho phép cung cấp thanh khoản trong một vùng giá với nhiều chế độ khác nhau.
Liquidity Book của Trader Joe sử dụng công thức x + y = k, công thức này cho phép giao dịch không trượt giá. Trong Pool thanh khoản được chia thành các vùng nhỏ được gọi là Bin. Các Bin ứng với mỗi vùng giá nhỏ, vùng giá của Bin đang hoạt động cũng chính là giá giao dịch trên Trader Joe. Khi sử dụng hết thanh khoản trong Bin đó thì giao dịch sẽ được chuyển đến Bin tiếp theo.
Trên Liquidity Book của Trader Joe phí giao dịch sẽ bao gồm cố định và biến động. Khi thị trường ổn định, người giao dịch sẽ chịu mỗi phí cố định cài đặt trước. Còn khi thị trường biến động thì nhà giao dịch sẽ chịu thêm phí biến động, phí này tạo ra nhằm bù đắp vào tổn thất cho các nhà cung cấp thanh khoản.
Mô hình này giải quyết hoàn toàn vấn đề trượt giá trong AMM nhờ công thức x + y = k. Là AMM DEX đầu tiên không có trượt giá mang lại trải nghiệm swap rất mượt mà. Đây là một trong những ý tưởng sáng tạo hiếm hoi cho thấy sự độc đáo và hiệu quả cao. Đặc biệt là khả năng sử dụng hiệu quả thanh khoản cao, một lượng thanh khoản nhỏ cũng có thể hỗ trợ khối lượng giao dịch lớn.
Để hiểu chi tiết hơn về Liquidity Book thì bạn có thể đọc bài viết "Liquidity Book Là Gì? Vũ Khí Giúp Trader Joe Cạnh Tranh Với Uniswap" trên Website. Vì bài này là bài viết tổng hợp nên mình khi thể giới thiệu chi tiết được nên cần phải đọc thêm bài viết "Liquidity Book Là Gì?" để hiểu sau hơn.
Lợi thế cạnh tranh
Trader Joe có độ sáng tạo rất cao và cũng có nhiều điểm cạnh tranh so với các đối thủ khác. Nổi bật nhất là khả năng giao dịch không trượt giá, giúp Trader Joe cung cấp mức giá tốt cho các nhà giao dịch. Mô hình Liquidity này rất thích hợp cho các tài sản có vốn hóa lớn như BTC, ETH hoặc cặp tài sản ổn định. Và sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong lúc thị trường ổn định.
Điểm nhấn khác của Trader Joe là hiệu quả sử dụng thanh khoản rất cao, chỉ cần một lượng nhỏ thanh khoản vẫn có thể đáp ứng khối lượng giao dịch lớn. Điều này mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà cung cấp thanh khoản.
Dự phóng về Trader Joe
Trader Joe cũng là một dự án AMM DEX giàu tính sáng tạo và mạnh mẽ, đội ngũ phát triển cũng khá nhiều kinh nghiệm. Sản phẩm mà dự án cung cấp đem lại những ưu và nhược điểm riêng, hướng đến trải nghiệm người dùng trên dApp là điều đáng được khích lệ.
Trader Joe có tồn động một vấn đề rất lớn chính là đang cạnh tranh trực tiếp với Uniswap. Hiện tại thì Trader Joe vẫn có thể sông được nhờ vào sự thống trị trên Avalanche nhưng khi mở rộng sang các chuỗi khác có mặt Uniswap như Arbitrum thì không cạnh tranh được.
Uniswap V3 cũng đã có mặt trên Avalanche, chặn đường sắp tới đối với Trader Joe quả là rất khó khăn. Ngay cả trên Avalanche thì Trader Joe vẫn chưa chắc sẽ dẫn đầu trong tương lai thì làm sao cạnh tranh trên các chain khác.
Tuy Trader Joe có rất nhiều ưu điểm như không trượt giá, sử dụng hiệu quả thanh khoản cao nhưng khanh khoản kém quá xa Uniswap thì vẫn không thể cạnh tranh được. Hoặc nếu Uniswap có hỗ trợ Liquidity Book như Trader Joe thì liệu Trader Joe có cạnh tranh được với Uniswap không?
Điều cần thiết để Trader Joe tiếp tục đứng vững trong thị trường là thu hút thanh khoản lớn. Chỉ có thể mở rộng sang các chain mới chưa có mặt của Uniswap hoặc hỗ trợ tốt những loại tài sản nghách để cạnh tranh với Uniswap. Nếu không như vậy thì ở mùa tăng trưởng trong chu kỳ sắp tới Trader Joe sẽ mất dần thị trường.
Maverick Protocol
Tổng quan về Maverick Protocol
Maverick Protocol là một AMM DEX thanh khoản tập trung, sáng tạo trong việc di chuyển thanh khoản giúp các nhà cung cấp kiếm được nhiều lợi nhuận mà không cần phải theo dõi. Maverick xây dựng trên Ethereum nhưng đang là dự án chiến lược hỗ trợ tài sản LST và hệ sinh thái của zkSync Era.
Maverick cho phép các LP cung cấp thanh khoản trong một vùng giá như mô hình thanh khoản tập trung (CLMM). Trong Pool cũng chia thành các khoảng giá nhỏ đều nhau được gọi là Bin, giống như Liquidity Book của Trader Joe.
Thông số của Bin trong Pool được cài đặt bởi người tạo Pool, mục đích của việc sử dụng Bin là để thuận tiện trong việc tổng hợp thanh khoản và áp dụng được các chế độ di chuyển thanh khoản của người dùng theo giá. Trên Maverick Protocol có 4 chế độ chính phù hợp với nhiều chiến lược và tài sản khác nhau.
- Mode Right: Bin di chuyển sang phải khi giá tăng và không di chuyển khi giá giảm. Tức là khi giá tăng vượt khỏi vùng thanh khoản thì Bin sẽ di chuyển sang phải. Nhưng khi giá giảm ngoài vùng thanh khoản đang hoạt động thì Bin sẽ không di chuyển.
- Mode Left: Trái ngược với Mode Right, Bin di chuyển sang trái khi giá giảm và không di chuyển khi giá tăng. Tức là khi giá giảm vượt khỏi vùng thanh khoản thì Bin sẽ di chuyển sang trái. Nhưng khi giá tăng ngoài vùng thanh khoản đang hoạt động thì Bin sẽ không di chuyển.
- Mode Both: Với chế độ này thì Bin sẽ di chuyển theo cả chiều giá lên và xuống ra khỏi vùng thanh khoản. Nhưng rủi ro tổn thất vĩnh viễn rất cao.
- Mode Static: Bin sẽ cố định và không di chuyển khi giá vượt ngoài vùng thanh khoản.
Trong chế độ Mode Static có 3 cài đặt khác như sau:
- Exponential: Thanh khoản tập trung ở giá hiện tại và phân bổ thanh khoản giảm dần theo cấp số nhân trên các Bin bên trái và phải.
- Flat: Phân bổ đều thanh khoản trên các Bin.
- Single Bin: Thanh khoản được phân phối cho một Bin duy nhất.
Lợi thế cạnh tranh
Maverick Protocol cung cấp sản phẩm rất sáng tạo đó là di chuyển thanh khoản tự động theo giá mà không cần nhà cũng cấp thanh khoản phải theo sát, quản lí vị thế của mình. Và cho phép các nhà cung cấp thanh khoản tối ưu hóa các chiến lược theo hướng chuyển động giá.
Đặc biệt là mô hình chuyển động thanh khoản này sẽ khắc phục các hạn chế của thanh khoản tập trung như Uniswap V3. Khi giá biến động mạnh và Uniswap V3 chia kịp định hình và cập nhật lại mức giá mới thì Maverick Protocol đã có một lượng thanh khoản để hỗ trợ cho giao dịch.
Tuy không linh động bằng Uniswap V2 nhưng hiệu quả hơn mô hình cố định của Uniswap V3. Đây là lợi thế lớn để chọn các ngách cạnh tranh với Uniswap. Với sản phẩm di chuyển thanh khoan theo 2 chiều giá đã hỗ trợ rất tốt cho tài sản ngang giá đặc biệt là Maverick đang hỗ trợ rất tốt cho tài sản LST.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ từ zkSync Era và hệ sinh thái thì Maverick Protocol có cơ hội thành công trên hệ sinh thái này đặc biệt là chưa có sự xuất hiện của Uniswap.
Dự phóng về Maverick Protocol
Maverick cho thấy khả năng cạnh tranh với mô hình sáng tạo của mình. Maverick đã chon tài sản LST làm sản phẩm mũi nhọn và đang khá thành công. Đây là sản phẩm hiếm hoi mà Maverick có thể cạnh tranh với Uniswap nhưng chưa hẳn đã thắng được các DEX khác. Các DEX như Curve hay Tapio đang cho thấy sự hiệu quả cao trung việc sử dụng thanh khoản LST.
Nếu không thể chiến thắng trong mảng LST thì Maverick vẫn có thể hỗ trợ các tài sản có vốn hóa thấp hơn, thuộc top mid cap với cơ thế di chuyển giá theo một chiều thì vẫn có thể cạnh tranh với Uniswap. Nhưng vấn đề là Maverick phải thu hút được thanh khoản và đây cũng là vấn đề nan giải nhất của các DEX.
Shell Protocol
Tổng quan về Shell Protocol
Shell Protocol là một giao thức DeFi, một trung tâm cho một hệ sinh thái dịch vụ mô-đun. Shell hướng tới mục tiêu trở thành dApp DeFi All In One, sản phẩm nổi bật nhất hiện tại là AMM DEX. Công nghệ AMM của Shell Protocol là một ý tưởng có tính sáng tạo cao và công nghệ này được sử dụng trong Uniswap V4.
Ban đầu, phiên bản V1 được xây dựng trên Ethereum nhưng phiên bản V2 thì lại chuyển sang Arbitrum. Vì Shell muốn tận dụng những ưu điểm của Layer 2, Arbitrum cũng là nền tảng lâu đời so với các Layer 2 khác. Arbitrum đang là hệ sinh thái DeFi có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thị trường.
Shell Protocol giới thiệu 2 sản phẩm là Ocean và Proteus:
- Ocean: Tổng hợp các Pool và tài sản vào một Smart Contract, giúp thanh khoản tập trung hơn cũng như cung cấp mức giá tốt với phí giao dịch thấp thông qua kế toán và bộ lưu trữ dữ liệu tạm thời.
- Proteus: Là công cụ cho phép tạo các chiến lược thanh khoản với các đường cong khác nhau.
Với các công nghệ này, Shell Protocol cung cấp một mức giá giao dịch tốt nhờ thanh khoản tập trung. Phí giao dịch được giảm đáng kể nhờ vào định tuyến và kế toán trong Ocean. Sản phẩm này thực sự rất hữu ích, ngay cả phiên bản Uniswap V4 cũng lấy ý tưởng này của Shell Protocol.
Shell Protocol cho phép cung cấp thanh khoản một bên. Việc cung cấp thanh khoản được thực hiện ngay trên giao diện swap, nhà cung cấp chỉ cần chọn tài sản cung cấp và đổi sang LP mong muốn. Trên giao thức bạn có thể chuyển đổi vị trí thanh khoản, ví dụ bạn muốn chuyển từ vị trí cung cấp cho cặp ETH - USDC sang cặp USDC - USDT thì bạn chỉ cần swap cặp LP ETH - USDC sang cặp LP USDC - USDT.
Shell Protocol còn hỗ trợ giao dịch NFT, bằng cách phân NFT thành nhiều mảnh nhỏ và thêm vào AMM Pool. Nhờ thế mà người dùng có thể giao dịch NFT ngay trên giao thức. DEX này hỗ trợ giao dịch chéo tài sản như từ USDC sang NFT.
Shell Protocol hỗ trợ chống MEV bằng cách cho phép người dùng chọn giá mà họ chấp nhận giao dịch, nếu giá không đúng như kỳ vọng thì giao dịch sẽ không được thực hiện. Điều này loại bỏ các cuộc tấn công MEV. Nhờ vào công nghệ của Ocean, chỉ nhận tài sản đầu vào và tài sản đầu ra qua một lần giao dịch duy nhất.
Kế hoạch phát triển của Shell Protocol là trở thành một nền tảng DeFi All In One nên sắp tới dự án sẽ hỗ trợ thêm các sản phẩm cho vay, Crosschain, mở rộng đa chuỗi,...
Lợi thế cạnh tranh
Shell Protocol có một số điểm nổi bật như thanh khoản tập trung, phí rẻ giảm trượt giá, giao dịch chéo, bảo vệ MEV, hỗ trợ NFT, hỗ trợ giao dịch tài sản LP để đổi vị thế, tiện ích giao dịch cao và thêm thanh khoản một bên. Nhờ vào công nghệ tích hợp các Pool tài sản vài trong một Smart Contract và sử dụng công cụ Proteus.
Shell cung cấp các sản phẩm rất thân thiện với người dùng, có hỗ trợ giao dịch NFT. Việc đa dạng sản phẩm sẽ tạo cho Shell một thế mạnh riêng, đặc biệt là hướng phát triển trở thành giao thức DeFi All In One.
Dự phóng về Shell Protocol
Chúng ta thấy rõ được sự sáng tạo của Shell Protocol là vô cùng thực tế, họ đã đưa ra một công nghệ mới mà Uniswap áp dụng trong phiên bản V4. Công nghệ này rất tối ưu, chỉ nhận tài sản đầu vào và đầu ra với một lần swap duy nhất mặc dù quá trình giao dịch thông qua nhiều Pool.
Ý tưởng này rất sáng tạo và được áp dụng thực tế rộng rãi nhưng liệu Shell Protocol có phát triển được hay không? Kể từ khi Uniswap công bố phiên bản V4 thì con đường phát triển của Shell đã không còn lớn nữa. Tuy Shell Protocol phát minh ra công nghệ nhưng Uniswap lại có khách hàng và sự uy tín. Nên nếu cả hai đều có sản phẩm như nhau thì người dùng sẽ sử dụng giao thức nào?
Chưa kể đến thanh khoản trên Uniswap rất lớn, vậy khi hai giao thức sử dụng cùng một công nghệ thì chắc chắn Uniswap sẽ cung cấp mức giá tốt hơn, thanh khoản sau hơn. Như thế thì Uniswap sẽ là người chiến thắng cuối cùng, cho dù họ chỉ là những kẻ đánh cắp công nghệ. Đó là những hạn chế của các DEX hay AMM khác ngoài thị trường.
Mangrove Exchange
Tổng quan về Mangrove Exchange
Mangrove Exchange là một sàn DEX sử dụng Orderbook được xây dựng trên Polygon. Mangrove hỗ trợ tài sản gốc và tài sản được ủy quyền trên các giao thức khác, cho phép nhà phát triển tận dụng các nguồn thanh khoản này để phát triển các chiến lược kiếm lợi nhuận cao.
Điểm đặc biệt nhất của Mangrove là cho phép ủy quyền tài sản trên các giao thức khác như DEX, Lending Protocol, Farming Protocol,... Ví dụ bạn đang có 10 ETH cho vay trên Aave và bạn muốn bán chốt lời 10 ETH đó khi giá ETH đạt 10.000$. Bạn đặt lệnh này trên Mangrove (lệnh này tồn tại dưới dạng một ưu đãi trên sổ lệnh), 10 ETH của bạn vẫn được cho vay trên Aave để kiếm lợi nhuận và khi giá thị trường đạt tới mức giá đặt lệnh là 10.000$ thì Mangrove sẽ tự động rút 10 ETH của bạn trên Aave để bán.
Với cách này, Mangrove mang lại hiệu quả sử dụng thanh khoản, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng. Và Mangrove cũng có thể hỗ trợ rất nhiều chiến lược khác được sáng tạo bởi người dùng. Chiến lược điển hình trên Mangrove hiện tại chính là Kandel.
Kandel là một chiến lược được phát triển bởi chính Mangrove, nó cho phép bạn cung cấp thanh khoản trên sổ lệnh Orderbook trong một vùng giá và sử dụng cơ chế mua thấp bán cao để kiếm lợi nhuận. Ví dụ bạn cung cấp thanh khoản cho cặp ETH - USDC với trong vùng giá 1.010$ đến $1.020, thì phần tài sản ETH sẽ được đặt bán trên vùng giá từ $1.015 đến $1.020 còn tài sản USDC sẽ đặt mua trên vùng giá $1.010 đến $1.015.
Khi có người bán ETH ở vùng giá 1.010$ đến 1.015$ thì lệnh mua của bạn sẽ được khớp, tức là bạn sẽ có thêm nhiều ETH, lượng ETH này sẽ được đặt bán ở vùng giá $1.015 đến $1.020. Nếu giá thị trường của ETH tăng lên vùng 1.015$ đến 1.020$ và có người mua ETH thì lệnh bán ETH của bạn sẽ được khớp. Vậy, thanh khoản của bạn sẽ được dùng cho việc mua ETH giá thấp và bán giá cao để kiếm lợi nhuận.
Ngoài ra, dựa trên công nghệ này các nhà phát triển có thể phát triển các chiến lược như tận dụng thanh khoản trên Mangrove để cho vay trên Aave hoặc Farm thanh khoản trên một AMM DEX nào đó,... Hoặc có thể tận dụng nguồn thanh khoản từ các giao thức khác để tạo một AMM mang lại mức giá giao dịch tốt,...
Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế lớn nhất của Mangrove là có thể tận dụng nguồn thanh khoản từ các giao thức khác. Đây cũng là điểm giống với LSDfi, tận dụng LST để kiếm thêm nhiều vòng lợi nhuận như cung cấp thanh khoản, cho vay hoặc đi vay,...
Cách tận dụng thanh khoản này sẽ giúp những người nắm giữ tài sản kiếm được thêm nhiều lợi nhuận thật. Và mang lại nhiều tiện ích như có thể đặt lệnh Limit mà không bị khóa thanh khoản.
Dự phóng về Mangrove Exchange
Mangrove đang là DEX đi đầu trong việc tận dụng lại nguồn thanh khoản từ các giao thức thanh khoản khác. Đây là mô hình rất khả thi và chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận. Nhưng nếu một DEX lớn như Uniswap áp dụng công nghệ này thì Mangrove có thể cạnh tranh được hay không.
Tuy không thể đoán trước nhưng theo góc nhìn nhìn cá nhân thì mình thấy Mangrove có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Về công nghệ này cũng khá phức tạp và thanh khoản trên Uniswap quá lớn rồi nên việc áp dụng công nghệ này là rất thấp.
Ngoài ra, thiết kế bạn đầu của Mangrove là Orderbook, nếu phát triển tốt trong ngách này thì Mangrove sẽ có sản phẩm mũi nhọn đặc biệt để cạnh tranh với các DEX khác, đặc biệt là Uniswap.
Ambient Finance
Tổng quan về Ambient Finance
Ambient Finance là một AMM DEX rất sáng tạo khi sử dụng cả mô hình thanh khoản tập trung của Uniswap V3 (Concentrated Liquidity), mô hình thanh khoản xung quanh của Uniswap V2 (Ambient Liquidity) và thanh khoản loại trực tiếp (Knockout Liquidity) trong một Pool.
Ambient Finance cũng chỉ dùng một Smart Contract cho các Pool thanh khoản. AMM thanh khoản xung quanh (Ambient Liquidity) chạy toàn bộ DEX trong hợp đồng (Smart Contract) duy nhất này. Còn các AMM riêng lẻ khác sẽ là các cấu trúc dữ liệu nhẹ gắn trên hợp đồng thay vì tạo hợp đồng thông minh riêng biệt.
Như bạn đã biết, mô hình thanh khoản tập trung (Uniswap V3) và thanh khoản xung quanh (Uniswap V2) phải kết hợp cùng nhau để bù đắp cho nhau. Thanh khoản tập trung giúp tăng thanh khoản trong một vùng giá, giảm trượt giá, tăng hiệu quả sử dụng thanh khoản và giảm Impermanent Loss. Nhưng thanh khoản xung quanh sẽ trải dài từ 0 đến vô cùng, thanh khoản luôn luôn hỗ trợ cho giá, lúc giá biến động mạnh vượt khỏi vùng thanh khoản tập trung thì thanh khoản xung quanh sẽ lắp vào. Mô hình thanh khoản xung quanh rất thích hợp cho thị trường biến động mạnh hay các tài sản có độ biến động cao.
Cách tiếp cận này giúp Ambient Finance có thể tổng hợp cả thanh khoản từ các mô hình trong Pool làm dày thanh khoản giúp mang lại mức giá tốt nhất cho thị trường. Đặc biệt là sử dụng một Smart contract có các Pool và kế toán Flash để nhận tài sản đầu vào, đầu ra trong một giao dịch duy nhất. Điều này cũng giúp Ambient hỗ trợ giao dịch đảo ngược bằng một Pool thanh khoản duy nhất, tức là có thể swap từ USDC sang ETH hoặc làm ngược lại chỉ với Pool ETH/USDC.
Thanh khoản loại bỏ (Knockout Liquidity) trên Ambient Finance được sử dụng để hỗ trợ cho nhu cầu đặt lệnh giới hạn. Cơ chế này hoạt động vô vùng đơn giản, khi người dùng cam kết thanh khoản vào Pool cho một phạm vi giá thì khi giá chạm phạm vi trên hoặc dưới, nó sẽ chuyển toàn bộ thanh khoản thành một tài sản duy nhất trong cặp thanh khoản.
Giao diện của Ambient Finance rất trực quan và dễ sử dụng, các tiện ích được tích hợp rất chi tiết cũng như hợp lý. Đặc biệt là có biểu đồ giá thể hiện luôn tính thanh khoản trong Pool, giúp ta dễ dàng xác định được vùng giá để thêm thanh khoản.
Lợi thế cạnh tranh
Ambient Finance có tính cạnh tranh rất cao nhờ vào các sản phảm sáng tạo hàng đầu thị trường. Đưa tât cả các Pool vào một Smart Contract duy nhất và kết hợp các mô hình thanh khoản có ngoài thị trường đem lại một sản phẩm rất trực quan và sáng tạo.
Dự phóng về Ambient Finance
Với những sản phẩm tối ưu nhất trong các AMM trên thị trường thì Ambient sẽ là một trong những Hidden Gem đáng theo dõi nhất.
Nhưng vấn đề của Ambient vẫn là thanh khoản, tuy có mô hình thanh khoản rất tối ưu nhưng nếu tổng thanh khoản của Pool trên Ambient Finance vẫn không bằng được Uniswap V2 hoặc V3 thì vẫn chưa thực sự hút được người dùng.
Hay Uniswap cũng sử dụng công nghệ áp thanh khoản của cả Uniswap V2 và Uniswap V3 thì liệu Ambient có cơ hội để phát triển hay không? Chắc chắn là Ambient sẽ không thể cạnh tranh nổi và dần dần đi vào sự lãng quên.
Vậy cơ hội để cho Ambient phát triển là phải thu hứt được lượng lớn thanh khoản. Đưa ra các chiến lược phát triển bằng cách hỗ trợ Chain mới chưa có mặt của Uniswap. Hỗ trợ các tài sản có nhiều thanh khoản mà trên Uniswap V2 hoặc V3 chưa hỗ trợ tốt.
Tóm Tắt Lại Mô Hình Sáng Tạo Của Các DEX
Điểm sáng tạo nhất của Uniswap là tạo ra AMM với công thức x * y = k mở ra kỷ nguyên cho nền kinh tế phi tập trung phát triển. Từ phiên bản V1 đến phiên bản V2 cũng là sự sáng tạo hàng đầu thị trường. Cho đến phiên bản V3 thì sự sáng tạo đã không còn nhiều, đặc biệt là ở phiên bản V4 và UniswapX thì Uniswap chỉ sử dụng lại công nghệ của các DEX khác.
Trader Joe thì mang lại một mô hình rất mới mẻ là chia vùng thanh khoản thành các vùng nhỏ nhất được gọi là Bin. Trong các Bin này, người dùng swap sẽ không bị trượt giá nhờ sử dụng công thức x + y = k. Và khi thanh khoản của Bin đang hoạt động được sử dụng hết thì sẽ di chuyển sang Bin tiếp theo.
Maverick Protocol có điểm nổi bật nhất chính là cho phép thanh khoản tự động di chuyển theo giá. Các chế độ này, giúp nhà cung cấp kiếm được nhiều lợi nhuận hơn và không cần phải theo dõi sát vị trí thanh khoản của mình. Nó cũng giúp nhà cung cấp có thể kiếm lợi nhuận nhiều hơn nếu đoán trúng chiều giá lên hoặc xuống.
Shell Protocol sử dụng một Smart Contract cho các Pool thanh khoản và kết toán Flash để giúp tính toán giá giao dịch. Mô hình này cũng được Uniswap và Ambient Finance sử dụng tạo ra sản phẩm tối ưu nhất cho thị trường. Ngoài ra, Shell Protocol còn hỗ trợ giao dịch NFT bằng bất kỳ Token ERC 20 nào nhờ vào khả năng phân chia NFT thành nhiều mảnh nhỏ. Đặc biệt, Shell Protocol có khả năng chống MEV vô cùng hiệu quả.
Mangrove Exchange là một DEX mang lại khả năng tận dụng thanh khoản hàng đầu thị trường. Cho phép tài sản trên các giao thức khác có thể tham gia các chiến lược giao dịch trên Mangrove. Giúp nhà cung cấp thanh khoản kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Ambient Finance cũng sử dụng cách tích hợp các Pool vào trong một Smart Contract duy nhất. Nhưng điểm nổi bật nhất của Ambient là kết hợp mô hình thanh khoản tập trung, thanh khoản xung quanh và thanh khoản loại bỏ vào trong một Pool. Giúp thanh khoản được tập trung nhất và dày nhất, mang lại mức giá tốt với phí giao dịch rẻ.
Dự Phóng Cá Nhân
Trong các DEX sáng tạo được liệt kê ở bài viết này thì mỗi DEX đều có những ý tưởng đổi riêng hoặc sử dụng ý tưởng của nhau nhằm cung cấp sản phẩm tối ưu nhất cho thị trường. Các mô hình được giới thiệu ở đây chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi trong chu kỳ sắp tới. Nhưng các dự án sáng tạo ra nó có tồn tại được hay không thì vẫn còn là ẩn số.
Mỗi DEX đều có một điểm nhấn hoặc sản phẩm ngách để cạnh tranh trong thị trường. Nhưng điều đáng lo lắng là mảng này đã bị Uniswap chiếm hết thị phần, họ đã xây dựng được vị thế, khách hàng và sự uy tín hàng đầu. Nên đội khi họ chỉ cần đánh cắp ý tưởng của các dự án khác vẫn có thể làm những dự án sáng tạo ra mô hình đó chết. Phải nói đúng hơn là Uniswap quá lớn để sụp đổ.
Chúng ta đã thấy rất rõ là Uniswap V4 đã sử dụng lại công nghệ, ý tưởng của một số DEX như Shell Protocol hay UniswapX lấy ý tưởng từ các DEX Aggregator hay Crosschain như 1Inch hay Cow Protocol, Orbiter,... Việc sử dụng lại ý tưởng của dự án khác là bình thường, không bị cấm. Đặc biệt nó giúp hoàn thiện các sản phẩm của Uniswap, mang lại trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người dùng.
Nhưng rủi ro trong thị trường này luôn tồn tại và cơ hội luôn sẵn sàng cho các nhà sáng tạo. Tuy khả năng rất thấp nhưng nếu Uniswap bị Hacker tấn công thì các DEX khác có thể lớn lên từ đây. Hoặc các DEX có thể đánh vào các ngách mà Uniswap chưa hỗ trợ tốt, giống như cách mà Curve Finance làm được.
Ngoài Uniswap thì các DEX khác cũng có hướng đi riêng và sự sáng tạo cao. Mô hình DEX tiềm năng nhất có thể là mô hình cho phép thanh khoản từ các giao thức khác như Mangrove và Pool hỗ trợ cả thanh khoản tập trung, thanh khoản xung quanh, thanh khoản loại bỏ như Ambient.
Nếu các dự án không có nhiều đổi mới thì có lẽ Trader Joe và Maverick Protocol là hai dự án khó có khả năng phát triển nhất. Tuy mình đánh giá rất cao sự sáng tạo của Liquidity Book của Trader Joe nhưng vì chiến lược cạnh tranh trực tiếp với Uniswap nên của khả năng chiến thắng rất thấp. Còn Maverick tập trung vào hỗ trợ tài sản LSDfi thì sẽ bị cạnh tranh khốc liệt bởi các giao thức chuyên cho tài sản LST như Tapio. Nhưng nếu Maverick vững được vị thế thì thị trường LST là con đường duy nhất để Maverick thành công.
Shell Protocol và Ambient Finance có thể tồn tại dưới dạng là DEX phát triển cho các thị trường nghách. Như Shell Protocol thì có thể đánh chiếm vào thị trường NFT và giao dịch LP. Ambient Finance có sản phẩm rất là tối ưu nên chỉ cần định hướng hỗ trợ cho tài sản có thể cạnh tranh với các DEX khác là sẽ có chỗ đứng ở thị trường.
Tổng Kết
Những DEX được liệt kê ở bài viết này đều là các dự án có ý tưởng sáng tạo nhất trong thị trường DeFi. Tuy mỗi dự án đều có sự sáng tạo và hướng đi riêng nhưng Uniswap đã chiếm phần lớn thị phần. Do đó, các dự án phải cạnh tranh với nhau hoặc tìm cho mình nghách riêng biệt để giảm tính cạnh tranh.
Nếu Uniswap lại tiếp tục tích hợp hết các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các dự án khác thì liệu các dự án đó có thể tồn tại và phát triển tiếp tục trong thị trường này không. Thị trường DeFi đang còn rất non trẻ nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mảng DEX đã vẽ nên một bức tranh khá hoàn chỉnh. Vậy cơ hội có còn cho các DEX sáng tạo mới không?
Bài viết này được lấy ý tưởng từ bài viết Top 5 DEX của Ignas. Đây là những dự án và những mô hình DEX mà mình cho là sáng tạo nhất trong thị trường năm 2023. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích và góc nhìn sâu sắc nhất về mảng DEX.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Crypto Weekly W30: Nga Cho Phép Đào Bitcoin & Solana ETF Spot Chính ThứcXuất Hiện - August 12, 2024
- Crypto Weekly W29: Bóng Ma Khủng Hoảng Phủ Khắp Thị Trường Crypto - August 6, 2024
- Crypto Spotlight W28: Cựu Tổng Thống Donald Trump Lạc Quan Về Crypto, Ethereum ETF Spot Chính Thức Được Giao Dịch - July 29, 2024