GameFi là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất trong thị trường Crypto ở những năm gần đây. Tuy vậy, người chơi tham gia GameFi giai đoạn đầu được thúc đẩy bởi việc đầu cơ kiếm tiền hơn là tham gia vào chơi game thực sự. Khi không còn nguồn Earn mạnh mẽ nữa thì các trò chơi cũng chết dần theo thời gian. Hiểu được điều này, các Gamefi gần đây đang chú trọng phần nội dung trong game nhiều hơn kết hợp với mô hình kinh tế bền vững.
Trong bài viết này, hãy cùng Hak Research tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của GameFi để có cái nhìn tổng quát về sự phát triển không ngừng của các trò chơi web3 nhé.
Để hiểu hơn về bài viết này, mọi người có thể tham khảo một số tài liệu dưới đây:
Tổng Quan Về GameFi
GameFi Là Gì?
GameFi là một thuật ngữ mang tính chất chung để chỉ một dạng kết hợp giữa các tính năng của Game, công nghệ Blockchain và DeFi (Decentralized Finance) để tạo ra trải nghiệm chơi game tương tác và cung cấp cơ hội kiếm lợi nhuận cho người chơi thông qua việc sở hữu, giao dịch và khai thác tài sản số trong một môi trường game.
Mặc dù khái niệm kiếm tiền từ trò chơi không phải là mới nhưng GameFi thể hiện sự thay đổi mô hình về quyền sở hữu của người dùng và quyền kiểm soát hệ sinh thái trò chơi. Người chơi sở hữu hoàn toàn tài sản trong trò chơi dưới dạng Non-fungible Token (NFT) hoặc các token và có thể giao dịch và bán chúng trên thị trường mở.
GameFi đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và đại diện cho tương lai của ngành công nghiệp Game. Mặc dù các khái niệm như Metaverse mở vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng chúng đã chứng minh tiềm năng của trò chơi Web3 và cách chuỗi khối và tiền điện tử có thể cho phép trải nghiệm trò chơi tương tác hoàn toàn mới.
Người Chơi Trong GameFi Là Ai?
Theo nguồn dữ liệu được thống kê bởi footprint, GameFi thu hút hơn 800.000 người chơi hàng ngày và chúng ta thấy lượng người chơi nhiều nhất trên BNB Chain với hơn 33% thị phần người chơi, xếp thứ hai là Ethereum với hơn 26% và thứ ba là Polygon với hơn 14% thị phần.
Mặc dù thống kê không nói lên độ tuổi trung bình của người dùng tham gia vào các trò chơi GameFi nhưng về độ tuổi trung bình của người chơi có thể cao hơn so với các thị trường game truyền thống do họ cần một nguồn tài chính đầu vào (mua NFT) để tham gia vào game. Ngoài ra những người tham gia vào GameFi cũng cần biết một số kiến thức trong thị trường Crypto như: mua NFT, mua token, tạo ví,...
Nhiều người bị thu hút bởi các trò chơi GameFi với nhiều lí do khác nhau bao gồm các game thủ thực sự muốn tham gia để giải trí, các nhà đầu tư hi vọng kiếm tiền,...Để đánh giá sức khỏe và tiềm năng của các giao thức GameFi, điều cần thiết là phải hiểu động cơ và hành vi của người dùng trong các lĩnh vực khác nhau.
Các Giai Đoạn Phát Triển Của GameFi
Giai đoạn 1: Kết hợp chơi Game và DeFi
Giai đoạn khởi đầu của GameFi là đưa tính năng “Finance” vào mô hình kinh tế trong game. Chúng ta có thể thấy những đặc điểm điểm hình của các tựa game trong giai đoạn này là sử dụng NFT trong mã hóa các tài sản trong game hoặc phát hành token để đưa vào nền kinh tế trong game.
Mục tiêu chính của các dự án GameFi giai đoạn đầu là thu hút người dùng quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận nhanh chóng thay vì tạo ra trải nghiệm trò chơi thực sự hấp dẫn. Do đó, thiết kế đồ họa và tính Play trong các trò chơi này thường khá đơn giản và thua xa so với các tựa game truyền thống. Điều này cũng dẫn đến những trải nghiệm chơi game không tốt của người dùng.
Chúng ta dễ dàng thấy tựa game điển hình nhất và cũng phổ biến nhất trong giai đoạn này là Axie Infinity. Trong đó đa phần người dùng tham gia chơi game đều tập trung vào việc kiếm lợi nhuận nhanh hàng ngày. Axie Infinity cũng là người tiên phong trong phong trào game Play To Earn giúp người dùng tham gia chơi game để kiếm về token SLP, vật phẩm trong game,..
Dưới đây là mô hình hoạt động chi tiết của Axie Infinity:
- Axie Infinity có 2 loại token đó là: AXS là token quản trị và được dùng để trả phí khi lai tạo, Token SLP được dùng để trả thưởng là người dùng khi tham gia vào game.
- Để tham gia vào game, người dùng phải sở hữu 3 Axie NFT. Họ có thể mua các NFT này trên Axie Infinity Marketplace theo đường link tại đây.
- Người dùng sử dụng 3 Axie NFT này tham gia vào các trận chiến PvP và PvE để kiếm lợi nhuận dưới dạng token SLP.
- Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng 2 Axie NFT khác nhau + 200 SLP Token để nhân giống tạo thành một Axie con.
Với mô hình chơi game khá đơn giản nhưng lại vô cùng Ponzi khi:
Người chơi mua Axie ⇒ Chơi Game ⇒ Kiếm tiền ⇒ Mua thêm & Nâng cấp Axie ⇒ Chơi Game ⇒ Kiếm được nhiều tiền hơn ⇒ …..
Điều này tạo thành một vòng lặp đi lên khi giá của Axie NFT và Token AXS chứng kiến những đợt tăng mạnh về giá đồng thời thu hút rất nhiều người mới tham gia vào nền tảng để kiếm về lợi nhuận. Dưới đây là một số dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của Axie Infinity vào thời điểm đó.
Token AXS đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ (từ 3.4$ lên ATH là 156$) kể từ khi Axie Infinity bắt đầu nhận được sự chú ý từ cộng đồng vào tháng 06/2021. Ngoài ra, khi xét về dữ liệu người dùng và người mới tham gia vào game thì chúng ta thu được dạng biểu đồ hình Parabol khi lượng người mới tăng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn.
Ở thời điểm này cũng xuất hiện rất nhiều dự án ăn theo trend "Play To Earn" và cũng đạt được những thành công đáng kể như: My Defi Pet, Splinterlands,...Tuy nhiên, khi lượng người mới tham gia vào game không duy trì được sự tăng trưởng như trước thì Axie Infinity cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh và báo hiệu cho một đợt "sập" sắp xảy ra. Nguyên nhân là vì lạm phát của Axie NFT và token SLP là quá lớn. Khi không thu hút được lượng người mới đủ để hấp thụ hết lượng Axie NFT mới sinh và nguồn lợi nhuận thu được giảm đáng kể khi giá của Token SLP giảm quá nhiều do lực xả của những người chơi game. Điều này cũng khiến lượng người dùng tham gia vào chơi game giảm dần vì đơn giản họ đến với Axie Infinity vì lợi nhuận thì khi nguồn Earn không còn thì tất nhiên họ sẽ rời bỏ dự án.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 9.000 người dùng tham gia chơi game hàng ngày. Đây là một con số thấp kỉ lục so với hàng triệu người dùng ở thời kì đỉnh điểm. Vì vậy, chúng ta có thể thấy những tựa GameFi giai đoạn này phụ thuộc quá nhiều việc tính Earn để giữ chân người dùng và khi nguồn Earn không còn hấp dẫn thì chuyện người dùng rời khỏi nền tảng là việc tất yếu.
Giai đoạn 2: Khi Move to Earm xâm lấn thị trường
X2E (X To Earn) được định nghĩa là tất cả hành vi nào của người dùng, chẳng hạn như chơi game hoặc di chuyển để kiếm tiền. Vì vậy, trong giai đoạn này mở ra nhiều phong trào chơi game mới như: Move to Earn, Sleep To Earn,... Các sản phẩm X2E thường sử dụng các hoạt động thực tế có ý nghĩa hoặc các hành vi sáng tạo làm cơ chế cốt lõi trong trò chơi.
- StepN có 2 loại Token đó GMT là token quản trị và có thể làm phí để mint NFT, Token GST được dùng để trả thưởng cho người dùng tham gia vào StepN.
- Để tham gia vào StepN thì người dùng cần phải sở hữu ít nhất một đôi giày được gọi là Sneaker NFT. Mọi người có thể mua trên NFT Marketplace theo đường link tại đây.
- Để kiếm tiền người dùng tham gia chạy bộ và khi hoàn thành một quãng đường nhất định chẳng hạn như: 2.5km, 5km và 7.5km thì người dùng sẽ nhận được phần thưởng là token GST.
- Người dùng cũng có thể nâng cấp giày để kiếm được nhiều token GST hơn. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng 2 Sneaker NFT ( yêu cầu cấp độ tối thiểu là lv5) để kết hợp và tạo thành một Sneaker NFT mới. Để tránh hiện tượng lạm phát xảy ra thì mỗi Sneaker NFT cũng chỉ được sử dụng để lai tạo tối đa 7 lần.
Chúng ta có thể thấy mô hình hoạt động của StepN có hơi hướng khá giống so với tựa game đình đám một thời là Axie Infinity, mô hình của StepN cũng thể hiện sự Ponzi khi:
Người dùng mua Sneaker NFT => Vận động => Kiếm tiền => Mua thêm & nâng cấp Sneaker NFT => Vận động => Kiếm nhiều tiền hơn => ...
Ngoài ra, StepN cũng ra mắt vào đúng thời điểm đại dịch Covid có dấu hiệu giảm, mọi người bắt đầu với cuộc sống ngày hàng và chạy bộ là vô cùng hữu ích và nhận được rất nhiều sự quan tâm vào thời điểm đó. Với rất nhiều yếu tố ủng hộ như vậy, StepN đã cho thấy sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Dưới đây là một vài số liệu thể hiện sự tăng trưởng ấn tượng của StepN:
Token GMT đã chứng kiến sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng khi giá đã tăng khoảng 40 lần từ 0.1$ lên tới 4$. Đi kèm với sự tăng giá của token GMT, chúng ta cũng thấy được lượng người dùng tham gia vào StepN có sự gia tăng đột biến và mọi người có thể xem ở biểu đồ dưới đây.
Chúng ta thấy lượng người dùng tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn khi chỉ từ ở mức vài nghìn người dùng hàng ngày vào tháng 03/2022 đã tăng trưởng đến ATH gần 100k người dùng hàng ngày. StepN bùng nổ cũng tạo nên một trend mới có tên gọi là "Move To Earn" với hàng loạt dự án ăn theo có sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ như: Genopets, DOSE, Dotmoovs,.....
Tuy nhiên, đa phần các dự án ăn theo trend Move To Earn hầu như đã không còn hoạt động ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó đối với StepN thì việc áp dụng mô hình Ponzi tương đối giống so với Axie Infinity thì việc dự án sập cũng là điều sớm muộn do lượng người mới tham gia vào nền tảng không đủ để hấp thụ nguồn lạm phát lớn từ số lượng Sneaker NFT mint ra hằng ngày cùng như lực xả lớn khiến token GST giảm giá và mức lợi nhuận thu được không còn hấp dẫn đối với người chơi. Điều này đã khiến số lượng người dùng hoạt động hàng ngày cũng như lượng người mới tham gia vào nền tảng giảm sút đáng kể. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng gần 10k User hàng ngày, giá GMT và giá Sneaker NFT cũng đã giảm hàng chục lần. Đây là hậu quả của mô hình kinh tế không bền vững mà StepN đã xây dựng ngay từ lúc đầu.
Giai đoạn 3: Game AAA & ưu tiên khả năng chơi và cơ sở người dùng
Các trò chơi AAA nổi tiếng về đồ họa chất lượng cao, nội dung phong phú và trải nghiệm người dùng vượt trội. Sự tham gia của các Studio game với những lần kêu gọi vốn khủng có thể mang lại nguồn ngân sách để đội ngũ phát triển có thể thiết kế và mang lại những trải nghiệm game ấn tượng dành cho người dùng.
Illuvium là một ví dụ điển hình của các tựa game trong giai đoạn này. Illuvium mang đến trải nghiệm game hấp dẫn cho người dùng thông qua mô hình 3D tuyệt đẹp cùng với nhiều chế độ chơi khác nhau trong game từ PvP đến PvE.
Dù thị trường GameFi không còn được người chơi ưa chuộng để tham gia và hơn 90% dự án game gần như đã chết. Nhưng Illuvium vẫn duy trì được lượng chơi tham gia hàng ngày và có sự tăng trưởng khi thị trường chung có dấu hiệu khởi sắc. Tuy vậy, Illuvium cũng chỉ mới tập trung vào phát triển đồ họa trong game chứ chưa chú trọng vào xây dựng cốt truyện cũng như nội dung game. Vì vậy, Illuvium vẫn chưa tạo nên sự đặc biệt để lôi kéo người dùng không chỉ trong thị trường Crypto mà còn trong cả thế giới thực đến với nền tảng.
Ngoài ra, trong danh sách các tựa game AAA nổi bật thì chúng ta không thể không nhắc đến tựa game đình đám trên Solana là Star Atlas. Ra mắt vào năm 2021, Star Atlas là trò chơi chiến lược theo chủ đề không gian với đồ họa 3D tuyệt đẹp. Người chơi tham gia thu thập, tạo và giao dịch NFT đại diện cho vật phẩm trong trò chơi Star Atlas. Tương tự như các tựa game Web3 khác, người chơi trong Star Atlas có toàn quyền kiểm soát không gian ảo trong trò chơi của mình.
Dù chưa chính thức ra mắt game nhưng với những tiết lộ từ những video ngắn với đồ hoạt tuyệt đẹp và được đầu tư công phu của đội ngũ phát triển thì chúng ta có thể kì vọng Star Atlas có thể tạo mang đến những thành công rực rỡ khi ra mắt sản phẩm của mình.
Giai đoạn Metaverse: Xây dựng thế giới ảo và định hình tương lai
Theo đánh giá của Report Linker, Thị trường trò chơi metaverse dự kiến sẽ đạt 447,8B USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,3% từ năm 2020 đến năm 2027. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố như mức độ thâm nhập internet tăng lên, sự phổ biến ngày càng tăng của điện thoại thông minh và trò chơi di động cũng như sự phổ biến ngày càng tăng của thực tế ảo và thế giới ảo.
Metaverse bắt đầu được nhiều người dùng trong thị trường Crypto nhắc đến khi Facebook đổi tên thành Meta vào 28/10/2021 và công bố tầm nhìn đưa Metaverse vào cuộc sống giúp mọi người kết nối, tìm cộng đồng và phát triển doanh nghiệp. Ngay sau đó hàng loạt các tựa game được gắn mác là Metaverse như: The Sandbox, Decentraland,... với mô hình kinh tế mở tương tự như tựa game Minecraft truyền thống. Trong game người dùng tham gia khám phá và xây dựng những công trình cho riêng mình như: Nhà cửa, khu vui chơi,... vào tạo thành một xã hội ảo.
Giá của Token SAND của The Sandbox, Token MANA của Decentraland,... đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh mẽ chúng ta có thể nhìn qua các biểu đồ sau:
Trong thời điểm đó, hàng loạt các tin tốt được đưa ra kèm theo giá tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt là tựa game The Sandbox được xem là một trong những dự án có mức tăng trưởng tốt nhất. The Sandbox đã thông báo kêu gọi thành công 93M USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng như: Animoca Brands, SoftBank Group, Samsung Next,... vào tháng 11/2021. Ngoài ra, The Sandbox cũng thông báo mối quan hệ hợp tác với Adidas trong cùng tháng đó. Tất cả đã tạo nên một bức tranh như mơ, điều này cũng đã phản ánh hết vào giá của Token SAND khi chứng kiến sự tăng trưởng hơn 10 lần chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng.
Tuy vậy, khi nhìn lại chúng ta thấy hầu hết các tựa game được gán mác Metaverse chỉ xoay quanh một nền kinh tế mở và pha thêm hình ảnh 3D vào trong game chứ chưa thực sự đem đến những trải nghiệm như những gì mà Metaverse có thể đem lại. Vì vậy đội ngũ phát triển cần phải cải thiện rất nhiều nếu muốn bắt trend và trở thành người dẫn đầu trong kỉ nguyên Metaverse trong tương lai.
Đánh Giá
Các tựa GameFi đang cho thấy nhiều sự khác biệt so với các tựa game trong thị trường truyền thống. Các trò chơi Web3 tập trung vào nội dung game và mô hình kinh tế bền vững với mục đích tăng trưởng dài hạn trong khi các trò chơi web2 tập trung nhiều hơn vào các bản phát hành trong game và người chơi không thực sự sở hữu bất kì tài sản nào trong game.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, đa phần các dự án GameFi trên thị trường hầu như đều đã sụp đổ khi trải qua mùa đông của thị trường Crypto vừa rồi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt đổ có thể kể đến như: Mô hình kinh tế Ponzi và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn Earn hay nội dung của game không có gì quá đặc sắc, đồ họa thậm chí còn thua kém xa so với các tựa game truyền thống ở thời điểm hiện tại.
Tương Lai Của GameFi
Ở thời điểm hiện tại, dù mảng Gaming trong thị trường Crypto không nhận được nhiều sự chú ý đến từ cộng đồng. Tuy nhiên, mình sẽ đưa ra một số dẫn chứng sau để mọi người có thể thấy mảng GameFi vẫn vô cùng tiềm năng và sẽ là một trong những xu hướng tương lai của thị trường Crypto:
- Rất nhiều Studio game nhận được khoản đầu tư khủng từ các quỹ đầu tư lớn, thậm chỉ khoản đầu tư này còn nhiều hơn cả các dự án về Defi. Một số cái tên điển hình như: Futureverse raise được $54M USD từ Ripple và 10T Holdings, Xterio raise được $55M USD thông qua 2 vòng gọi vốn từ một số quỹ lớn như: Binance Labs, Animoca Brands, ...
- Xuất hiện mô hình trò chơi mới có tên gọi là Battle To Play - một trò chơi giữa nhiều người dùng với nhau. Tuy nhiên, tất cả hệ thống trò chơi đều được đưa lên Blockchain nên toàn bộ lối chơi, thiết kế cơ chế vầ dữ liệu trò chơi có thể được xác minh để tránh hành vi gian lận và kiểm soát trò chơi từ các nhà phát triển.
Tổng kết
GameFi vẫn luôn là một lĩnh vực tiềm năng và là một trong những mũi nhọn đưa người dùng đến với thế giới web3. Trên đây là tất cả nội dung mà mình muốn giới thiệu về các giai đoạn phát triển của gamefi, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- ACT và PNUT: Niêm Yết Binance – Cơ Hội Hay Bẫy Tài Chính - November 22, 2024
- Jimmy Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Jimmy - November 21, 2024
- The Band Bears Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT The Band Bears - November 21, 2024