Thời gian vừa qua cộng đồng Ethereum luôn có một mối lo đó là việc Lido Finance đang nắm giữ quá nhiều số lượng ETH từ đó làm cho mạng lưới trở nên kém phi tập trung. Trong bối cảnh đó Lido DAO đã đề xuất áp dụng công nghệ Distributed Validator Technology (DVT) để giúp mạng lưới trở nên hoàn thiện và giải quyết mối lo về sự phi tập trung.
Vậy công nghệ DVT là gì và trên thị trường đang có những dự án nào tham gia phát triển công nghệ này? Hôm nay hãy cùng mình so sánh những dự án đang làm về mảng DVT và tổng hợp các dự án tiềm năng trong mảng DVT này nhé.
Bối Cảnh Thị Trường & Tổng Quan Công Nghệ DVT
Bối cảnh thị trường
Đầu tiên, mọi người hãy hình dung đó là để vận hành mạng lưới Blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake được thì cần có các Validator đứng ra xác thực các giao dịch và thêm chúng vào các block. Và để trở thành một Validator trên mạng lưới Ethereum thì người dùng cần có tài nguyên về phần cứng, kiến thức và số lượng ETH tối thiểu đó là 32 ETH. Đây là một số vốn khá lớn với với phần đông người dùng, điều này gây cản trở cho họ nếu muốn trở thành 1 Validator trên mạng lưới, từ đó làm tính phi tập trung trên Ethereum bị hạn chế.
Tiếp theo, Lido Finance đang là giao thức chiếm thị phần lớn nhất trong việc hỗ trợ người dùng stake ETH. Người dùng stake ETH vào Lido, sau đó Lido sẽ gửi số ETH đó vào mạng lưới Validator của mình và sẽ trả lại người dùng stETH. Tuy nhiên mạng lưới Validator của Lido rơi vào khoảng 31 Validator, điều này khiến cho 1 lượng lớn ETH rơi vào tay một nhóm Validator chính khiến cho mạng lưới trở nên kém phi tập trung.
Và khi một số lượng lớn ETH nằm trong số ít Validator có thể gây ra các vấn đề về bảo mật, hoặc khi các Validator không thể hoạt động liên tục được (Inactive) từ đó không tham gia xác thực các giao dịch thì sẽ bị phạt và gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dùng.
Từ 2 vấn đề kể trên thứ nhất là để trở thành Solo Validator là rất tốn kém. Thứ hai đó là mặc dù Lido đang làm rất tốt công việc của mình tuy nhiên lại không được lòng cộng đồng Ethereum khi khiến cho mạng lưới trở nên kém phi tập trung và chỉ những Validator trong mạng lưới của Lido được hưởng lợi, hay đâu đó khi các Inactive Validator trở nên nhiều hơn gây ảnh hưởng đến user. Từ đó công nghệ DVT đã ra đời để giải quyết 2 vấn đề trên.
Distributed Validator Technology Là Gì?
Trên website của HakResearch cũng đã có một bài viết phân tích về công nghệ này, mọi người có thể tham khảo qua tại đây.
Hiểu một cách đơn giản thì để vận hành 1 Validator mọi người cần có 1 Validator Key để xác thực các giao dịch. Thì công nghệ DVT giúp chia nhỏ Validator Key thành nhiều Key Shares khác nhau và phân bổ nhiều node khác nhau. Nhiều node cùng ký một giao dịch (VD: 2/3 node cùng ký) thì giao dịch sẽ được thông qua và Validator sẽ được tính là tham gia vào quá trình xác thực giao dịch và hưởng được reward từ đó. DVT giúp giải quyết các vấn đề sau:
- Việc chia Key thành nhiều phần giúp cho các node có thể thay phiên nhau hoạt động giúp Validator trở nên tối ưu về mặt lợi nhuận và tránh đi các hình phạt.
- Bảo mật hơn khi Key được chia ra cho nhiều máy chủ, khi Hacker tấn công vào 1 máy thì cũng không khiến Validator đó bị ảnh hưởng.
- Giúp cho người dùng vốn nhỏ có thể dễ dàng tham gia vận hành một Validator.
- Phi tập trung mạng lưới hơn.
Tổng Hợp Các Dự Án Tiềm Năng Trong Mảng DVT
SSV Network
Đây được coi là một trong những dự án đang dẫn đầu và nhận được nhiều sự chú ý trong ngách DVT. SSV Network là một giao thức đứng ở giữa tận dụng công nghệ DVT để kết nối những người có chuyên môn trong việc vận hành Validator với những người không có kinh nghiệm trong việc vận hành.
Các Staker (cá nhân/ tổ chức sở hữu ETH) sẽ trả phí cho các Operator (Người vận hành Validator) bằng token SSV để họ là người bỏ tài nguyên vận hành các Validator. Tất nhiên các Operator sẽ chỉ sở hữu một phần Key của Validator. Và sẽ có đến hàng trăm Operator trên khắp thế giới thực hiện nhiệm vụ vận hành các Validator.
Trong SSV Network sẽ có những khoản phí mà Staker cần phải lưu ý:
- Đầu tiền là phí dành cho các Operator. SSV sử dụng thị trường tự do nên các Operator có thể tự đặt giá cho dịch vụ của mình vậy nên các Staker có thể chọn lựa Operator có mức giá hợp lý. Để trở nên đơn giản thì phí này được trả theo năm. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động nó được trả dựa theo mỗi block được tạo ra.
- Khoản phí thứ hai đó là phí mạng lưới. Phí mạng lưới được trả bằng SSV là một chi phí cố định được quyết định bởi DAO. Khoản phí này sẽ được chuyển vào DAO Treasury và được dùng để phát triển hệ sinh thái, quỹ....
Bởi vì các hoạt động trên mạng Ethereum không phải là miễn phí. Cho nên để đảm bảo được các hoạt động khai thác được diễn ra ổn định và phòng trường hợp các Operator không được trả phí thì Staker phải luôn có một khoản tài sản thế chấp (SSV) để đảm bảo hoạt động trong 1 khoảng thời gian nhất định. Nếu khi rơi xuống ngưỡng thanh lý thì sẽ có những nhà thanh lý thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể trường hợp như sau:
- Duy (Staker) đăng kí một đăng kí một Validator và chọn các Operator với chi phí vận hành 1 năm là 345 SSV. Ban đầu Duy gửi tiền vào tài khoản mình là 395 SSV.
- Cho là phí cho mạng lưới lúc này được quyết định bới DAO là 20 SSV. Thì lúc này tổng phí trong vòng 1 năm tới của Duy đã hết 345+20=365 SSV. Lúc này tài khoản Duy còn 30 SSV làm tài sản thế chấp. Lúc này chi phí phải trả cho việc vận hành là 1 SSV/1 ngày.
- Giả sử ngưỡng thời gian thanh lí là khoảng 1 tháng. Sau 1 năm hoạt động, Duy còn 30 SSV. Giao thức sẽ báo hiệu cho Duy là có thể bị thanh lí và cần thêm tài sản thế chấp. Nếu Duy không gửi thêm SSV vào thì số 30 SSV này sẽ được chuyển làm phần thưởng cho các bên thanh lý.
- Để tiếp tục hoạt động, Duy có thể gửi thêm vào 60 SSV số tiền này giúp Duy hoạt động thêm 2 tháng nữa và tránh khởi ngưỡng thanh lý.
Doanh thu của các Operator (SSV) là chi phí mà các Staker phải trả và Staker sẽ nhận được phần thường từ mạng lưới Etherum. Số tiền nhận từ Ethereum luôn đảm bảo lớn hơn số tiền phải trả cho các Operator, đây được coi là mối quan hệ giữa 2 bên và nó sẽ luôn đúng trong mọi trường hợp.
Khi nhìn vào mô hình hoạt động của SSV ta có thể thấy được đó là luôn luôn có lợi nhuận dành cho các Staker. Điểm đặc biệt là SSV sử dụng mô hình thị trường tự do khiến cho các Operator cho ra mức giá vận hành rất cạnh tranh để tranh dành khách. Các Operator không có quyền tiếp cận với số ETH kiếm ra được từ mạng lưới Etherem, tất cả họ nhận là SSV còn lượng ETH sẽ được chuyển đến địa chỉ của Staker.
Diva Staking
Diva họ cũng giải quyết vấn đề phi tập trung cho các Validator và giúp những người không kinh nghiệm vận hành Validator có thể tham gia dựa trên công nghệ DVT. Diva họ cung cấp giải pháp cho người dùng bằng cách cho phép người dùng stake ETH vào nền tảng của mình để nhận về divETH. divETH này có thể dùng để tham gia DeFi hoặc dùng làm tài sản thể chấp để vận hành một node (nhiều node nắm giữ nhiều phần Key Share để vận hành một Validator).
divETH là một receipt Token nghĩa là số dư của nó sẽ được cập nhật hàng ngày để phản ánh lượng ETH được trả về từ phần thưởng staking. Việc lock divETH để vận hành node giúp cho các node vận hành một cách chủ động và minh bạch hơn. Vì nếu gây thiệt hại, hoặc có những hành vi xấu ảnh hưởng tới quá trình xác thực sẽ thì các node sẽ phải đền bù bằng lượng divETH bị khóa ban đầu. Điều này giúp cho tiền của người dùng luôn được đảm bảo an toàn cộng thêm cộng nghệ DVT nữa sẽ giúp ngăn ngừa mạng lưới khỏi việc Hacker chiếm đoạt Validator.
Đối với Staker thì 10% lợi nhuận từ việc stake ETH sẽ được phân phối hàng ngày lại cho Operator. Sẽ không có bất kì khoản phí nào phải đưa cho giao thức. Còn với Operator, ở thởi điểm hiện tại lock 1 divETH sẽ nhận dược 1 Key Shares. Operator nhận 2 nguồn lợi nhuận. Một đến từ việc stake ETH nhận về divETH, lợi nhuận thứ 2 đến từ việc vận hành các node.
Có thể thấy mô hình của Diva không chỉ đơn thuần là phát triển công nghệ DVT mà họ còn là một nền tảng Liquid Staking. Điều này giúp hỗ trợ người dùng có thể sử dụng đòn bẩy cho số ETH của mình từ đó gia tăng thêm lợi nhuận trong thị trường DeFi. Các Operators ở đây cũng nhận được lợi nhuận nhỉnh hơn so với các giao thức khác. Điều này có thể là yếu tố hút những người có tài nguyên về phần cứng, chuyên môn qua nền tảng của Diva.
Lợi thế là vậy, tuy nhiên divETH là một loại LST mới nên rủi ro về thanh khoản luôn trực chờ nhất là khi việc sử dụng đòn bẩy được áp dụng trong giao thức để gia tăng thêm lợi nhuận.
Puffer Finance
Puffer Finance cũng là một dự án nhận ra được vấn đề khó khăn khi triển khai Validator trên mạng lưới ETH và các vấn đề Slasing (Có thể hiểu là validator vi phạm các quy tắc dẫn đến bị phạt). Puffer là một dự án nLRT - native Liquid Restaking Token. Trong Puffer Finance có 2 công nghệ chính giúp cho giao thức hoạt động hiệu quả, bảo mật hơn:
- Secure Signer: Công nghệ này sử dụng một thiết bị phần cứng để lưu trữ khóa riêng và ký các giao dịch. Thiết bị phần cứng được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công vật lý và phần mềm, giúp bảo vệ khóa riêng khỏi bị đánh cắp.
- RAVe: Remote Attestation Verification (RAV) là một công nghệ được sử dụng trong Ethereum PoS để giúp đảm bảo rằng các Validator đang xác thực các giao dịch một cách trung thực.
Người dùng khi stake ETH vào Puffer thì sẽ nhận được phần thưởng stake và pufETH để tham gia vào DeFi. pufETH là số ETH của người dùng được giao thức đem đi staking và sau đó restaking trên Eigen Layer. Lượng ETH khi được chuyển thành pufETH thì số ETH đó sẽ được thêm vào ETH pool để cung cấp cho những Validator chưa đủ 32 ETH để hoạt động, một phần sẽ dùng làm thanh khoản cho những ai muốn hoán đổi từ pufETH thành ETH. pufETH là một reward-bearing token có nghĩa là người dùng chỉ nhận được phần thưởng khi hoán nó lại thành ETH, còn khi tham gia DeFi thì số dư pufETH vẫn cố định. Và để trở thành Node Operators trên Puffer thì chỉ cần 2 ETH, một con số mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đáp ứng được. Puffer được kết hợp với công nghệ DVT, và khi được thêm Secure Signer nó tạo ra một độ bảo mật rất cao dành cho các Validator.
Ở trong Puffer Finance, khi mọi người muốn trở thành Node Operators thì mọi người phải mint ra trái phiếu của pufETH và khóa lại cho đến khi rời khỏi giao thức.
Các Node Operators khi tham gia vào quá trình đồng thuận, xác thực, restaking sẽ được hưởng phần thưởng với tỉ lệ được quyết định bơi Puffer DAO, phần còn lại sẽ được chuyển về Pufferpool và Treasury. Bởi vì các Node nắm giữ locked pufETH nên họ cũng chia sẻ phần thưởng do các node khác trong giao thức tạo ra.
Mặc dù ưu điểm lớn nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy được đây là mô hình sử dụng đòn bẩy rất nhiều trong quá trình vận hành giao thức để tối ưu lợi nhuận cho người dùng. Tuy nhiện pufETH cũng là một LST mới, vậy nên tính thanh khoản còn kém, chưa kể đển nếu như có 1 sự kiện thiên nga đen xảy ra thì mọi thứ có thể sụp đổ rất nhanh, đây cũng là điểm lưu ý đối với mọi người khi tham gia bất kì một mô hình nào có sử dụng đòn bẩy. Lợi nhuận cao đều đi kèm với rủi ro cao, đặc biệt là những mô hình có tính Ponzi nhiều lớp như này.
Obol Network
Cuối cùng trong danh sách này đó là Obol Network. Một sản phầm được nhiều nhà phát triển có background từ Consensys đứng ra xây dựng. Obol cũng là một dự án giải quyết vấn đề về phi tập trung các Validator trên mạng lưới của Ethereum với công nghệ cốt lõi là DVT.
Hiện tại Obol đang có một số sản phẩm chính như:
- Distributed Validator Launchpad: Là nơi cho phép người dùng triển khai một Validator một cách dễ dàng hơn thông qua các công cụ như thiết lập cấu hình cụm, phối hợp giữa các operator, tạo key share...
- Charon: Là một ứng dụng Distributed Validator Client được xây dựng bơi Obol Labs bằng ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở Go-lang. Chúng được liên khết với nhau để thống nhất các nhiệm vụ của Validator vã hỗ trợ vận hành hoạt động khai thác trên Ethereum.
- Obol Spilit: Một bộ hợp đồng thông minh bằng ngôn ngữ Solidity dành để phân phối phần thưởng từ Distributed Validator.
- Obol Testnets: Là một mạng testnet được Obol khuyến khích cho phép các Operator có thể thử nghiệm với bất kì quy mô nào trước khi hoạt động trên mạng Mainet.
Để trở thành một Operator trên Obol thì có 2 cách chính. Một là bạn tự vận hành. Hai là bạn cần có tối thiếu 4 Operator gộp thành một Cluster ( Cluster là tổ hợp của các Operator). Nếu 4 Operator vận hành 1 Validator thì cần ít nhất 3 Operator vận hành 1 cách trung thực và online để hoành thành các nhiệm vụ.
Obol hiện tại vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa có token và chỉ sử dụng ETH ở thời điểm hiện tại. Obol cung cấp rất nhiều tư liệu về cách triển khai một Validator rất là chi tiết và cung cấp nhiều công cụ để giúp người dùng có thể dễ dàng vận hành Validator. Hiện tại giao thức không công khai về doanh thu đến từ đâu nên hiện tại mình vẫn chưa đánh giá được nhiều.
Mặc dù Obol Labs là một đội ngũ rất tài năng. Tuy nhiên đứng dưới góc độ nhà đầu tư hiện tại thì chưa có đủ dữ liệu để đánh giá về Obol. Chúng ta cùng chờ xem trong tương lại dự án sẽ chuyển đổi lợi nhuận từ công nghệ của mình như thế nào nhé.
Đánh Giá Về Mức Độ Hiệu Quả Của Các Giao Thức DVT
Khi nhìn vào 4 dự án trên ta có thể chia ra thành 2 nhóm. Một nhóm chỉ đang phát triển công nghệ DVT, nhóm còn lại thì không chỉ phát triển DVT thuần mà còn có sử dụng đòn bẩy để tối đa hóa lợi nhuận cho người dùng.
SSV Network vs Obol Network
Ở nhóm một ta thấy có 2 dự án đang được cộng động nhắc đến và thảo luận rất nhiều đó là Obol Network và SSV Network. Đầu tiên thì cả hai dự án đều tập trung giải quyết vấn đề phi tập trung cho mạng lưới của Ethereum. Khi đi sâu vào cơ chế hoạt động cũng như cách tổ chức thì có vẻ như SSV đang làm tốt hơn. Họ tạo ra được usecase cho token SSV, họ cho phép các Staker có thể tự do chọn lựa Operator cho mình, 2 bên tạo ra mối quan hệ cộng sinh, họ cũng có doanh thu đến từ phí giao thức. SSV cũng có cơ chế thưởng và phạt rõ ràng, cơ chế thanh lý, điều này giúp người dùng dễ dàng hình dung hơn về mô hình hoạt động giữa các bên với nhau.
Nhìn qua phía của Obol thì mọi thứ có vẻ như đang còn rất "hoang sơ", token của dự án chưa có và chúng ta chưa biết dự án sẽ thu phí như thế nào. Tuy nhiên cái mình thấy ở Obol đó là về mặt cơ sở hạ tầng của họ cũng như việc họ "chăm sóc" cho những người muốn vận hành Node rất chu đáo. Obol có Distributed Validator Launchpad giúp các validator dễ dàng kết nối với nhau, công cụ hỗ trợ vận hành một validator. Họ đã xây dựng được Charon hoạt động như một lớp giữa Validator và Operator hỗ trợ vận hành việc khai thác trên mạng lưới Ether. Đội ngũ Obol Labs cũng là những người xuất thuân từ Consensys, một trong những công ty đã rất nổi tiếng trong mặt cơ sở hạ tầng và hiện tại Obol vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên vẫn còn rất nhiếu thứ chúng ta có thể trông chờ trong tương lai.
Diva Staking vs Puffer Finance
Ở nhóm thứ hai chúng ta có 2 giao thức vừa là Liquid Staking vừa áp dụng phát triển cộng nghệ DVT đó là Puffer Finance và Diva Staking. Điểm làm cho 2 dự án này khác với 2 dự án trên đó là họ trả cho người dùng một loại LST để người dùng có thể tối ưu hóa nguồn vốn của mình. Hai dự án có hướng đi khá giống nhau, tuy nhiên ở bên Puffer Finance sẽ có tính Ponzi nhiều hơn trong đó.
Đối với Diva người dùng stake ETH nhận về divETH để tham gia DeFi hoặc có thể lock divETH để chạy node. Người dùng có nhiều lựa chọn tùy vào khẩu vị và trình độ của bản thân.
Về phía của Puffer Finance, họ cũng cho phép stake ETH để nhận về một LST khác là pufETH. Tuy nhiên khi sử dụng Puffer người dùng có thể nâng mức lợi nhuận của mình lên rất nhiều so với Diva và các nên tảng còn lại. Sau khi có pufETH người dùng sẽ nhận được phần thưởng từ việc Staking và Restake trên Eigen Layer, sau đó họ có thể mint ra trái phiếu của pufETH để lock vô tham gia vào vận hành Node Operator. Có thể thấy người dùng ăn được 3 lần lợi nhuận nhưng đi kèm với đó là rủi ro về thanh khoản khi pufETH cũng không phải là một LST quá được ưu chuộng cũng như phổ biến.
Bên cạnh đặc điểm Ponzi của mình, cộng nghệ DVT của Puffer được củng cố thêm về bảo mật và tính phi tập trung với 2 cộng nghệ đã được chứng minh là hiệu quả đó là RAVe và Secure Signer. Với 2 công nghệ này thì người dùng có thể an tâm về việc lưu trữ Key, sự minh bạch và chính xác trong công việc của Node Operator. Trong nhóm này thì mình đánh giá Puffer có phần nhỉnh hơn trong câu chuyện thu hút người dùng cũng như với những công nghệ mà Puffer đang sở hữu.
Dự Phóng Cá Nhân
Khi nhìn vào DVT ở thời điểm hiện tại nó giúp các Validator giảm thiểu tình trạng Slasing, nó giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tham gia vào mạng lưới với số vốn bé. Ngoài ra, việc chia nhỏ key cũng giúp cho các Validator trở nên bảo mật, an toàn hơn. Nhìn chung thì DVT đang giải quyết một nhu cầu thật, có sự cải tiến trong sản phẩm. Và hiện tại câu chuyện DVT đang chỉ dừng lại trên mạng lưới Ether, nếu sau này các blockchain sử dụng cơ chế Proof-of-Stake khác cũng gặp vấn đề tương tự thì tiềm năng cho ngách DVT này sẽ là rất nhiều để bùng nổ.
Bên cạnh những dự án làm thuần về công nghệ DVT để giải quyết những vấn đề về phi tập trung, chúng ta cũng đã thấy có những dự án bắt trend rất nhanh và có sử dụng đòn bẩy trong mô hình của mình. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho thế giới DeFi có thể nhiều sản phẩm liên quan, thúc đẩy sự phát triển của toàn thị trường. Đi cùng với đó cũng là mối lo về thanh khoản cũng như bảo mât.
Mặc dù DVT là một ngách rất tiềm năng và đang trực chờ để bùng nổ trong tương lai nhưng đối với mình hiện tại vẫn còn một vài vấn đề mình cảm thấy nó sẽ không được như mong đợi. Như là càng nhiều node tham gia, thì đòi hỏi tài nguyên về phần cứng vì mỗi máy là một node. Thì liệu phần reward dành cho các validator sau khi chia lại cho các node thì nó có bù đắp được chi phí vận hành của các node đó hay không? Hoặc nếu sau này khi các dự án Liquid Staking hiện tại như Lido Finance, với nguồn lực, con người hiện có thì họ có đứng ra để tự build cho mình một cơ sở hạ tâng về DVT? Khiến cho các dự án DVT hiện tại mất thị phần.
Tổng Kết
Trên đây là góc nhìn của mình về các dự án DVT nói riêng và ngành DVT nói chung. Mình hy vọng qua bài phân tích đã giúp các bạn đã có được những insights về một ngách sản phẩm mới trong thị trường Crypto, những gì công nghệ này đang phát triển và giải quyết.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Crypto Weekly W30: Nga Cho Phép Đào Bitcoin & Solana ETF Spot Chính ThứcXuất Hiện - August 12, 2024
- Crypto Weekly W29: Bóng Ma Khủng Hoảng Phủ Khắp Thị Trường Crypto - August 6, 2024
- Crypto Spotlight W28: Cựu Tổng Thống Donald Trump Lạc Quan Về Crypto, Ethereum ETF Spot Chính Thức Được Giao Dịch - July 29, 2024