Layer 2 là gì? Layer 2 là bộ giải pháp giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến mở rộng bao gồm tốc độ giao dịch và phí giao dịch trên Ethereum. Mỗi giải pháp Layer 2 đều giải quyết chung một vấn đề nhưng theo các cách hoàn toàn khác nhau. Cùng mình đi sâu hơn về Layer 2 nhé!
Để hiểu hơn về Layer 2 mọi người có thể tham khảo một số bài viết dưới đây:
Tại Sao Ethereum Cần Layer 2?
Bối cảnh Ethereum gặp vấn đề về tắc nghẽn mạng lưới
Ethereum là một Blockchain nền tảng có tuổi đời lâu nhất trong thị trường crypto. Đã trải qua nhiều năm nên số lượng các developer hoạt động ngày càng nhiều nên số lượng các dự án, Dapps được xây dựng trên hệ sinh thái của Ethereum luôn luôn tăng mà không có dấu hiệu giảm từ đó số lượng người dùng trên Ethereum luôn tăng lên chóng mặt mỗi khi thị trường bùng nổi. Với tốc độ chỉ khoảng 15 TPS, Ethereum không thể tránh khỏi việc mạng lưới trở nên chậm chạp, tắc nghẽn bên cạnh đó là phi gas tăng cao khiến để Ethereum trở nên phổ biến là một nhiệm vụ bất khả thi.
Có những sự kiện đã giúp cho các Core Developers trên Ethereum nhận ra họ phải có những kế hoạch thay đổi và nâng cấp mạng lưới như:
- Trò chơi CryptoKitties. Trò chơi nuôi mèo ảo này thực sự đã bùng nổ vào năm 2017 và thậm chí khiến mạng lưới Ethereum đã tắc nghẽn vào thời điểm đó.
- DeFi Summer bùng nổ vào 2020 cũng làm cho phí mạng lưới tăng vọt.
- Cơn sốt GameFi bắt đầu với Axie Infinity.
- Cơn địa chấn NFT. Với sự kiện NFT đã làm cho lượng phí tăng vọt đã có những bộ sưu tập phải mất đến hàng ngàn đô phí giao dịch để có thể mint ra một NFT.
Giải pháp được đưa ra
Có 2 phương toán rõ ràng trong việc giúp hệ sinh thái Ethereum có thể giải quyết những vấn đề mình gặp phải một là tự phải nâng cấp bản thân và hai cần những sự hỗ trợ từ bên ngoài đó chính là:
- Ethereum 2.0 với Proof Of Stake và DankSharding là yếu tố cốt lõi.
- Layer 2. Là các giải pháp off-chain, các giao dịch được đưa ra ngoài chuỗi được xử lý, thực thi và cuối cùng được mang trở lại Layer 1 ở đây là Ethereum. Với Layer 2 thì đã giải quyết được các vấn đề liên quan đến tốc độ giao dịch và phí giao dịch trên Ethereum mà vẫn thừa hưởng sự bảo mật từ chuỗi gốc.
Và cả 2 bài toán này được giải quyết và phát triển trong cùng một thời gian. Khi mà gần đây Ethereum đã chính thức nâng cấp từ Proof Of Work lên Proof Of Stake thì các dự án về Layer 2 cũng đạt được rất nhiều thành tựu đặc biệt liên quan đến bộ giải pháp Rollup.
Tại sao không tập trung làm Ethereum 2.0 mà lại là Layer 2?
Thực tế, Ethereum đã chính thức đi vào hoạt động rất lâu và để thay đổi sẽ mất rất nhiều thời gian. Để hình dung đơn giản chúng ta lấy công chuyện của thành phố Hà Nội. Trung tâm thành phố Hà Nội là nơi lâu đời nhất được xây dựng tại thời điểm cách đây 50 - 100 năm tại thời điểm đó dân cư thưa thớt, nhu cầu đi lại hạn chế nên các nhà quy hoạch chỉ xây dựng 2 làn đường. Nhưng tới nay, khi trung tâm Hà Nội trở nên đông đúc, dày đặc và nhu cầu đi lại tăng cao điều đó buộc các nhà phát triển phải lựa chọn 2 phương án:
- Đền bù đất và mở rộng đường từ 2 làn lên 4 - 5 làn để cơ sở hạ tầng trở nên tốt hơn.
- Di dân, khuyến khích người dân ra các vùng trung tâm để làm ăn, sinh sống để hạn chế mật độ tại trường tâm.
Giải pháp đền bù đất chính là giải pháp nâng cấp Ethereum 2.0. Thực tế nó mất rất nhiều thời gian và dự kiến đến 2026 - 2027 mới hoàn thành mà đó chỉ là dự kiến, thường thực tế sẽ phải cộng thêm khoảng 2 năm. Vậy nâng cấp Ethereum 2.0 sẽ phù hợp hơn về dài hạn.
Giải pháp di dân chính là xây dựng Layer 2 tại nhưng vùng ven nơi có nhiều đất. Giải pháp này rõ ràng thực tế và giải quyết kịp thời hơn. Chính vì nó giải quyết kịp thời hơn nên Ethereum Foudation tập trung hơn cho nó ở thời điểm hiện tại.
Lịch Sử Phát Triển Của Layer 2
Sự ra đời của Plasma
Lịch sử phát triển của Layer 2 trên Ethereum đã trải qua một hành trình đa dạng và đầy thú vị, bao gồm các khái niệm như Plasma, State Channel, Sidechain và Validium. Cùng nhau, chúng đã đóng góp vào việc tăng cường khả năng mở rộng và hiệu suất của nền tảng Blockchain Ethereum.
Năm 2017 đánh dấu sự ra đời của một khái niệm quan trọng, Plasma, được đề xuất bởi tác giả Vitalik Buterin và nhóm phát triển. Plasma giúp mở rộng khả năng xử lý giao dịch của Ethereum bằng cách tạo ra các mạng con độc lập (child-chain) để xử lý giao dịch. Cơ chế cây Merkle được sử dụng để đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của dữ liệu. Tuy Plasma mang lại những triển vọng, nhưng việc triển khai rộng rãi và giải quyết những vấn đề an ninh vẫn còn gặp nhiều thách thức.
State Channel và Rollup ghi dấu ấn
Ngoài Plasma, State Channel là một khái niệm quan trọng trong việc xây dựng Layer 2 trên Ethereum. State Channels cho phép các bên thực hiện nhiều giao dịch ngoài chuỗi (off-chain) mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn thông qua việc thỏa thuận off-chain và chỉ ghi nhận kết quả cuối cùng lên Blockchain. Điều này giúp giảm tải trọng mạng chính và cải thiện tốc độ giao dịch, đồng thời giảm phí giao dịch. State Channel đã được áp dụng thành công trong các ứng dụng như trò chơi và thanh toán micro.
Tiếp theo, trong năm 2019, khái niệm Sidechains đã trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng Ethereum. Sidechains cho phép những mạng con hoạt động song song với Blockchain chính, có cơ chế riêng để xử lý giao dịch. Khi giao dịch hoàn thành trên mạng con, kết quả cuối cùng được ghi nhận trở lại trên Blockchain chính. Các Sidechain như xDai và Polygon đã được triển khai để giải quyết vấn đề mở rộng của Ethereum và cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn với phí giao dịch thấp.
Cũng trong năm 2019, một khái niệm mới đã xuất hiện và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng Ethereum, đó là Rollup. Rollup là một phương pháp đóng gói và gộp nhiều giao dịch lại thành một giao dịch duy nhất trên Blockchain chính.
Khi các giải pháp Layer 2 được kết hợp
Cuối cùng, Validium là một khái niệm mới nhưng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng Ethereum. Validium kết hợp các yếu tố của Rollup và Sidechain. Nó sử dụng cơ chế Rollups để ghi lại các giao dịch vào blockchain chính, trong khi việc xử lý và xác minh giao dịch được thực hiện trên mạng con như Sidechain. Validium giúp giảm tải trọng mạng chính và cải thiện hiệu suất mà vẫn bảo đảm tính toàn vẹn dựa trên xác minh của Sidechain.
Những Khái Niệm Cần Nắm Được Khi Tìm Hiểu Về Layer 2
Dưới đây là một số những khái niệm cơ bản khi bước vào thế giới Layer 2 mà người dùng cần phải nắm được:
- Layer 1: Là lớp xử lý và xác minh trực tiếp tất cả các giao dịch, lưu trữ toàn bộ dữ liệu và duy trì sự phân tán, an toàn của hệ thống.
- Layer 2: Là một phần mở rộng của Layer 1, được sử dụng để cải thiện hiệu suất và khả năng mở rộng của Blockchain. Tách riêng những giao dịch không cần thiết phải xử lý ngay lập tức hoặc trên Layer 1, giúp giảm tải trọng mạng chính, giảm phí giao dịch và tăng tốc độ xử lý.
- Execution: Quá trình thực hiện các hợp đồng thông minh và giao dịch trên Blockchain.
- Consensus: Là quá trình đạt được một sự thỏa thuận chung giữa các nút trong mạng blockchain về việc xác định các giao dịch hợp lệ và xác minh chúng.
- Data Availability: Việc đảm bảo rằng dữ liệu liên quan đến giao dịch và hợp đồng thông minh có sẵn và truy cập được trên mạng. Dữ liệu này cần phải được lưu trữ và chia sẻ để đảm bảo tính toàn vẹn của giao dịch và hợp đồng trong mạng lưới Ethereum.
- Settlement: Quá trình xác nhận và ghi lại các giao dịch cuối cùng trên Blockchain. Đây cũng có thể coi là quá trình xử lý những tranh chấp cuối cùng trước khi giao dịch được ghi lên Blockchain và không thể đảo ngược.
- State Commitment: State commitments tạm dịch là cam kết trạng thái, là một kỹ thuật được sử dụng để xác minh rằng dữ liệu trạng thái của một hệ thống blockchain đã không bị thay đổi.
- Sequencer: Đóng vai trò là thực thi và gom các giao dịch thành 1 Batch rồi đăng lên Ethereum.
- Proposer: Đóng vai trò cập nhật trạng thái mạng lên Ethereum.
- Challenger: Là những người đóng vai trò thách thức cập nhật trạng thái mạng mà Proposer gửi lên Ethereum.
- Batch: Tạm dịch là lô, các Sequencer có trách nhiệm thực thi và gom các giao dịch lại thành 1 Bacth sau đó đăng Batch này dưới dạng calldata (dữ liệu đã được nén) gửi lên Ethereum dưới dạng 1 transaction.
- EVM (Ethereum Virtual Machine): EVM là một máy ảo được sử dụng trong mạng Ethereum để thực thi các chương trình thông qua các hợp đồng thông minh. Nó cung cấp một môi trường độc lập và bảo mật để chạy các chương trình trong Blockchain Ethereum.
- Calldata: Calldata là dữ liệu được nén lại và gửi từ các giải pháp Rollup về Ethereum bao gồm tất cả các thông tin về giao dịch trong Block.
- Merkle Tree: Merkle Tree là một cấu trúc dữ liệu toán học được sử dụng trong Blockchain để xác minh tính toàn vẹn của dữ liệu. Cây Merkle được tạo thành từ các giá trị băm của các khối dữ liệu khác nhau, và gốc Merkle là một giá trị băm duy nhất đại diện cho tất cả dữ liệu trong cây. Trong Blockchain, Merkle Tree được sử dụng để xác minh tính toàn vẹn của tất cả các giao dịch trong một khối. Mỗi giao dịch trong khối được băm và sau đó được kết hợp với các giao dịch khác để tạo thành một giá trị băm. Quá trình này được lặp lại cho đến khi chỉ còn một giá trị băm duy nhất, đó là gốc Merkle.
Layer 2 Là Gì?
Layer 2 hay còn gọi là mạng lưới tầng 2, nơi mà các giao dịch sẽ được xử lý off-chain. Vậy thế nào là giao dịch sẽ được xử lý off-chain?
Hình dung một cách đơn giản thì các giao dịch được xử lý on-chain tức là toàn bộ các yếu tố xung quanh 1 giao dịch bao gồm: Thực Thi, Đồng Thuận, Lưu Trữ sẽ được diễn ra trên Layer 1. Còn với với "giao dịch off-chain" đại diễn cho Layer 2 thì một phần của quá trình giao dịch được mang ra bên ngoài để xử lý và giải quyết.
Ví dụ như với giải pháp Rollup thì các giao dịch sẽ được Thực Thi trên các Layer 2 sau đó được đóng gói và mang xuống Layer 1 nơi mà nó được Đồng Thuận và Lưu Trữ. Bên cạnh đó theo Ethereum Foundation thì Layer 2 được định nghĩa là là một tập hợp các giải pháp mở rộng cho Ethereum. Layer 2 là một blockchain riêng biệt và kế thừa tính bảo mật từ Ethereum.
Các Layer 2 khác nhau sẽ có những hướng phát triển khác nhau tuy vào tầm nhìn của mỗi đội ngũ phát triển. Bây giờ thì mình vào mọi người cùng đi sâu hơn về các giải pháp Layer 2 hiện có cho Ethereum nhé!
Toàn Tập Về Các Giải Pháp Layer 2
Chúng ta sẽ có tổng cộng là 4 giải pháp Layer 2 nổi bật cho Ethereum bao gồm:
- State Channel
- Plasma
- Validium
- Rollup. Trong Rollup thì có 2 giải pháp như
- Optimistic Rollup
- Zero - Knowledge Rollup viết tắt là Zk Rollup
State Channel là gì?
State Channel là từ trên 2 người mở ra 1 kênh riêng (ở dưới là 1 Smartcontract). Tất cả các cá nhân trong channel này có thể tương tác (mua bán, gửi tiền, giao dịch,...) một cách nhanh gọn, dễ dàng và chi phí rẻ. Và channel sẽ chỉ gửi 2 thông tin lên Layer 1 bao gồm:
- Giao dịch mở kênh, đóng kênh.
- Số dư cuối cùng của tất cả thành viên trong channel.
Ưu điểm:
- Tốc độ giao dịch cực nhanh.
- Chi phí rất rẻ.
- Dễ dùng, dễ tương tác.
Nhược điểm:
- Chỉ phù hợp với quy mô nhỏ từ nhóm người nên không có khả năng mở rộng toàn cầu.
- Không hỗ trợ smartcontract
Rollup là gì?
Rollup có nghĩa là các giao dịch sẽ được thực thi ngoài chuỗi sau đó hàng trăm giao dịch đó sẽ được gom lại thành 1 Block duy nhất và được đính kèm với Bằng chứng giao dịch rồi gửi về Layer 1. Tại Layer 1, Block sẽ được đồng thuận bởi các Validator và lưu trữ trên mạng lưới chính. Vì vậy mà nói, Layer 2 thừa hưởng tính phi tập trung & bảo mật của Ethereum.
Giải pháp Rollup có 2 dạng:
- Optimistic Rollup: Optimism, Arbitrum, Boba Network, Metis DAO,...
- ZK Rollup: StarkNet, ZkSync, Polygon,...
Điểm khác biệt giữa Optimistic Rollup và ZK Rollup đó chính là bằng chứng giao dịch. Khi mà các giao dịch được các node trên Layer 2 gom lại tạo thành 1 Bacth thì khi gửi về chain chính sẽ được gửi kèm một bằng chứng giao dịch (đối với các nền tảng ZK Rollup), bằng chứng này được sử dụng để chứng minh các giao dịch ở trong Block là hợp lệ. Thay vì chuỗi gốc phải chứng mình lại toàn bộ các Block thì chỉ cần giải quyết bằng chứng giao dịch kia là đủ.
- Optimistic Rollup sử dụng bằng chứng Fraud Proof (Bằng chứng Gian Lận). Ví như người đàn ông đi vào bar chơi, người bảo vệ nói rằng: " Anh phải chứng minh anh trên 18 tuổi thì mới có thể vào bar". Người đàn ông nói rằng: "Tôi sẽ ở đây 7 ngày, nếu trong vòng 7 ngày không có ai nói tôi dưới 18 tuổi thì coi như tôi đã thành công".
- ZK Rollup sử dụng bằng chứng Validity Proof (Bằng chứng Không Kiến Thức). Ví như người đàn ông đi vào bar chơi, người bảo vệ nói rằng: " Anh phải chứng minh anh trên 18 tuổi thì mới có thể vào bar". Người đàn ông nói rằng: "Tôi sẽ chứng minh cho ông tôi trên 18 tuổi nhưng tôi sẽ không đưa bất kì giấy tờ cá nhân nào cho ông". Để làm được điều này các giải pháp ZK Rollup sử dụng công nghệ Zero-Knowledge.
Header | Header | Optimistic Rollup | Zk Rollup |
---|---|---|---|
1 | Khả năng mở rộng | 200 - 500 TPS | 2.000 TPS |
2 | Thời gian rút tiền về L1 | 2 - 10 ngày | 2 - 20 phút |
3 | Tương thích EVM | Rất tốt | Cần thời gian phát triển |
4 | Quyền riêng tư | Không | Có |
Optimistic Rollup hay ZK Rollup đều có những ưu và nhược điểm riêng. Có thể về khả năng mở rộng và thời gian rút tiền về Layer 1 của Optimistic không bằng ZK Rollup nhưng do yếu tố kĩ thuật dễ hơn bên cạnh đó còn tương thích với EVM nên các dự án thuộc Optimistic Rollup lại phát triển hệ sinh thái của mình trước. Tuy giải pháp ZK Rollup mang lại các con số tốt hơn nhưng do độ khó về kĩ thuật nên cần rất nhiều thời gian để xây dựng.
Plasma là gì?
Plasma hay con gọi là "chuỗi con" cũng là một blockchain riêng biệt nhưng nhận được sử bảo mật từ Ethereum.
Plasma tương đồng với Optimistic Rollup khi cùng sử dụng chung bằng chứng Praud Proof nhưng sự khác biệt ở đây là nếu như Optimistic Rollup gửi toàn bộ thông tin về các giao dịch về chuỗi chính thì Plasma chỉ gửi một phần thông tin các giao dịch. Từ đó, Plasma chấp nhận hy sinh một phần bảo mật của mạng lưới để hướng đến việc mở rộng (tốc độ, chi phí giao dịch) tốt hơn các giải pháp Optimistic Rollup.
Validium là gì?
Nếu Plasma có sự tương đồng với Optimistic Rollup.
Thì Validium có sự tương đồng với Zk Rollup khi cùng sử dụng bằng chứng ZK Proof nhưng sự khác biệt ở đây là nếu như Zk Rollup gửi toàn bộ thông tin về các giao dịch về chuỗi chính thì Validium chỉ gửi một phần thông tin các giao dịch. Từ đó, Validium chấp nhận hy sinh một phần bảo mật của mạng lưới để hướng đến việc mở rộng (tốc độ, chi phí giao dịch) tốt hơn các giải pháp ZK Rollup.
Side Chain có được coi là Layer 2 không?
Theo Ethereum Foundation thì Sidechain và Ethereum mainet kết nối với nhau thông qua một cây cầu hai chiều và Side Chain không đăng bất kì một thông tin nào của nó trên Ethereum Mainet. Vì vậy, Side Chain không được coi là một Layer trên Ethereum. Bởi vì theo định nghĩa, một Layer 2 thì điều kiện tiên quyết là phải thừa hưởng bảo mật từ Ethereum.
Nhưng các Side Chain như BNB Chain, Polygon POS,... thì sử dụng một bộ Validator riêng có nghĩa là toàn bộ các giao dịch được thực thi, đồng thuận và lưu trữ trên chính sidechain đó và không liên quan tới Ethereum nên không được coi là giải pháp tầng 2 trên Ethereum. Nếu các Blockchain như BNB Chain, Polygon POS,... không được cọi là side chain mà được coi là EVM Blockchain.
Một Số Các Dự Án Nổi Bật Trong Mảng Layer 2
Arbitrum
Arbitrum là một nền tảng Optimistic Rollup được xây dựng và phát triển bởi đội ngũ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lẫn ngoài thị trường Crypto Offchain Labs. Dự án đã kêu gọi thành công hàng trăm triệu đô từ nhiều quỹ đầu tư tên tuổi trên thế giới như Lightspeed Venture Partners, Ribbit Capital, Alameda Research, Pantera Capital, Redpoint, Compound VCs,... Vòng kêu gọi vốn gần nhất Arbitrum được định giá $1.2B.
Arbitrum hiện này là dự án dẫn đầu trong mảng Layer 2 về nhiều yếu tố khác nhau như hệ sinh thái dày đặc, TVL chỉ đứng sau những tên tuổi cũ như Ethereum, BNB Chain thậm chí cao hơn cả Polygon, Solana,... người dùng và transaction. Để làm được điều này Arbitrum đã giới thiệu nhiều bản nâng cấp như Nitro hay Stylus và các sản phẩm khác nhau như Nova hay Orbit.
Optimism
Optimism cũng là một nền tảng Optimistic Rollup tương tự như Arbitrum, được xây dựng và phát triển bởi đội ngũ OP Labs. Optimism cũng đã kêu gọi thành công số tiền khủng lên đến $178.5M bởi Paradigm, A16Z, Wintermute, IDEO CoLab Ventures,... Vào tháng 3/2022, Optimism được đầu tư với mức định giá lên đến $1.2B.
Optimism hiện tập trung xây dựng và phát triển Superchain với công nghệ OP Stack là chủ đạo. Hệ sinh thái Superchain ngày càng mở rộng với nhiều tên tuổi lớn như Base, opBNB, Zora, Mode Network, Frax Finance, Lyra Finance, Polygon, Celop, Fantom, DeBank,...
skZync
Khác với Arbitrum hay Optimism đi theo giải pháp Optimistic Rollup thì zkSync lựa chọn một con đường dài và khó khăn hơn là ZK Rollup. Tương tự như những người đồng đội. Matter Labs - đơn vị xây dựng zkSync, đã kêu gọi thành công $258M từ A16Z, Lightspeed Venture Partners, Variant, Dragonfly Capital, OKX Ventures,...
zkSync là dự án đầu tiên giới thiệu và triển khai mainnet công cụ zkEVM - công cụ giúp các nhà phát triển trên Ethereum dễ dàng triển khai Protocol, DApp của mình trên zkSync bởi vì các giải pháp zkRollup sử dụng một ngôn ngữ lập trình riêng so với Ethereum. Điều này đã tạo nên một cơ sốt các dự án zkRollup xây dựng các nền tảng zkEVM như Taiko, Scroll, Polygon,...
StarkNet
StarkNet là một giải pháp zkRollup được phát triển bởi StarkWare - công ty được định giá lên đến $8B cao nhất trong tất cả các giải pháp Layer 2 hiện tại. Bên cạnh StarkNet thì StarkWare cũng pháp triển một giải pháp Layer 2 là StarkEx với công nghệ Validium làm cốt lõi với nhiều sản phẩm nổi bật như Immutable X, dYdX, Sorare,...
StarkNet đi theo hướng nonEVM khi tập trung vào ngôn ngữ Cairo của mình. Hiện tại, hệ sinh thái StarkNet là một trong những Layer 2 có nhiều các dự án Native nhất so với các dự án như Base, Optimism, zkSync hay Linea.
Base
Base là một giải pháp Layer 2 với công nghệ cốt lõi là Optimistic Rollup được xây dựng và phát triển dựa trên OP Stack của Optimism. Base được xây dựng bởi chính đội ngũ Coinbase - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất trên thế giới và đã được niêm yết trên sàn chứng khoãn Mỹ. Coinbase chính là bảo chứng cho sự thành công trong tương lai của Base. Base ra mắt khá thuận lợi khi các dự án trên hệ sinh thái đều có những Unique nổi bật như Friend.tech - nền tảng mạng xã hội và Aerodrome - AMM theo mô hình ve (3.3) được xây dựng bởi chính Velodrome.
Linea
Linea là một giải pháp zkRollup được xây dựng bởi một trong những đội ngũ lâu đời nhất trên Ethereum chính là Consensys - công ty đã xây dựng Infura và Metamask đóng vài trò cực kì quan trọng với toàn bộ hệ sinh thái Ethereum trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nếu như Coinbase bảo chứng cho sự thành công cho Base thì với những gì mà Consensys đã làm được thì đó cũng chính là sự bảo chứng cho Linea trong tương lai sắp tới.
Tổng Kết
Header | State Channell | Rollup | Plasma | Validium |
---|---|---|---|---|
Bảo mật | Kém | Cao | Bình thường | Bình thường |
Bằng chứng | - | Fraud & Validity | Fraud Proof | ZK Proof |
Hỗ trợ SC | Không | Có | Có | Có |
Tính ứng dụng | Trung bình | Cao | Thấp | Trung bình |
Tốc độ |
Nhanh |
Trung bình |
Nhanh |
Nhanh |
Mỗi một giải pháp đều có những ưu/nhược điểm riêng tuy vậy ở thời điểm hiện tại các giải pháp liên quan đến Rollup đang là phổ biến nhất. Bên cạnh Rollup thì Validium cũng được sử dụng trong việc xây dựng các App Chain có tính cá nhân hóa cao mà không cần quá quan trọng trong việc tương tác với các Dapp, Blockchain khác nữa.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Reppo Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Reppo - March 20, 2025
- Phân Tích Across: Tại Sao Paradigm Quyết Định Rót 40 Triệu Đô Vào Dự Án? - March 20, 2025
- Brilliantcrypto – Bước Tiến Mới Trong Thế Giới GameFi - March 19, 2025