Fantom Sonic là một trong những sự đột phá của đội ngũ phát triển Fantom trong thời gian qua khi được nghiên cứu và ấp ủ trong suốt giai đoạn thị trường đi xuống. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại, phân tích Fantom Sonic để xem đây có thực sự là những tiến bộ trong nghiên cứu phát triển hay chỉ đơn giản là một hình thức marketing của đội ngũ Fantom. Cùng mình đi sâu vào nhé.
Tổng Quan Về Fantom Sonic
Fantom Sonic là gì?
Fantom Sonic hay có thể gọi là Sonic Network là một Blockchain nền tảng (Layer 1) với một số đặc điểm nổi bật bao gồm:
- Khả năng lưu trữ dữ liệu (Data Availability) và sự đồng thuận (Consensus) được tối ưu hóa.
- TPS dự kiến của Sonic Network khoảng 2.000 TPS.
- Thời gian để hoàn thành khối khoảng 1 giây.
- Sonic Network tương thích cao với EVM.
Tuy nhiên điểm thú vị của Fantom Sonic còn nằm ở Fantom Virtual Machine (FVM), Carmen Database Storage, Lachesis Consensus Mechanism. Đầu tiên chúng ta sẽ đến với FVM, được Sonic giới thiệu như một máy ảo mới có độ tương thích cao với EVM nhưng đạt được hiệu suất về thực thi một cách vượt trội. FVM chuyển đổi mã bytecode EVM của hợp đồng thông minh thành định dạng máy ảo mới ngay khi thực thi, giúp các hợp đồng thông minh hiện tại vẫn chạy được mà không cần dịch lại mã nguồn.
FVM tăng tốc thực thi bằng cách sử dụng siêu lệnh, là các gói lệnh tối ưu, và lưu vào bộ nhớ đệm mã bytecode EVM đã chuyển đổi để tái sử dụng, tiết kiệm thời gian thực thi. Nó còn hỗ trợ bộ nhớ đệm cho băm mật mã (SHA3) và kết quả phân tích JUMPDEST, tăng cường hiệu suất và bảo mật. Quá trình xử lý khối của Sonic, bao gồm FVM và lưu trữ cơ sở dữ liệu mới, có thể đồng bộ hóa một trình xác thực mới trong chưa đến hai ngày, nhanh hơn rất nhiều so với bốn tuần của Opera.
Tiếp theo, Sonic sử dụng cơ sở dữ liệu mới tên Carmen, giúp giảm yêu cầu lưu trữ nút và cải thiện hiệu suất. Carmen lưu trữ trạng thái thế giới của Blockchain Fantom, chứa thông tin tài khoản, mã bytecode EVM và lưu trữ hợp đồng thông minh.
Carmen có tính năng cắt tỉa dữ liệu sống, cho phép loại bỏ dữ liệu không cần thiết mà không cần offline, giúp các validator hoạt động liên tục và tiết kiệm đến 65% dung lượng đĩa.
Cơ sở dữ liệu được chia thành hai loại: LiveDB (chứa trạng thái hiện tại) và ArchiveDB (chứa trạng thái lịch sử). Các validator chỉ sử dụng LiveDB, trong khi các nút lưu trữ sử dụng cả LiveDB và ArchiveDB để xử lý các yêu cầu lịch sử. Schema 3 của Carmen sử dụng lưu trữ phẳng, giúp đơn giản hóa việc truy xuất dữ liệu và cung cấp hiệu suất lưu trữ vượt trội so với cấu trúc dữ liệu MPT của Opera.
Cuối cùng là cơ chế đồng thuận Lachesis. Lachesis là cơ chế đồng thuận aBFT của Fantom, sắp xếp các giao dịch thành các khối. Sonic vẫn sử dụng công nghệ Lachesis của Opera nhưng đã cải thiện bộ nhớ giao dịch để thu thập giao dịch từ người dùng. Việc tối ưu hóa mạng ngang hàng giúp duy trì thông lượng giao dịch cao và thời gian xác nhận thấp.
Điểm khác biệt giữa Fantom Opera và Fantom Sonic
Nếu so sánh giữa Opera và Sonic chúng ta sẽ có một số điểm lưu ý như sau (lưu ý: chỉ số của Opera là chỉ số thực tế còn chỉ số của Sonic mới chỉ nằm ở trên bản Testnet và chưa được kiểm định thực tế):
- TPS của Sonic là 2.000 cao hơn rất nhiều son số 21 của Opera
- Phí giao dịch cũng được giảm khoảng 9 lần.
- Số lượng transaction mỗi giây cũng được tăng 100 lần.
- Chi phí phần cứng để duy trì Validator cũng được giảm đáng kể.
Thông tin bên lề của Fantom Sonic
Đầu tiên, ngay sau khi công bố những sự thay đổi của mình Fantom đã kêu gọi thành công $10M với sự dẫn đầu của Hashed bên cạnh đó là sự tham gia của UOB Ventures, Signum Capital, Aave Foundation và nhiều Angel Investor như Stani Kulechov, Robert Leshner, Michael Egorov, Fernando Martinelli, Tarun Chitra và Sam Kazemian.
Tiếp theo là những thay đổi trong mô hình tokenomics khi mà:
- Chuyển đổi từ FTM sang thành S với tỷ lệ quy đổi 1 - 1. Ban đầu, quá trình này sẽ là hai chiều nhưng về sau chỉ còn một chiều duy nhất. Phát hành thêm S để vận hành Sonic Labs và làm chiến dịch Airdrop để bootstrap hệ sinh thái.
- Phát hành thêm S để thu hút các nhà phát triển tới hệ sinh thái.
- Sửa đổi phần thưởng cho validator, giảm thời gian khóa staking, duy trì yêu cầu staking tối thiểu, và thay đổi tỷ lệ lạm phát và khả năng đốt phí mạng.
Phân Tích Fantom Sonic: Thay Đổi Hay Ve Sầu Thoát Xác
Nghịch lí trong việc nâng cấp
Nếu như chúng ta theo dõi Fantom từ những ngày đầu thì đội ngũ phát triển của dự án hứa hẹn về việc giải quyết triệt để vấn đề về khả năng mở rộng trên Ethereum và khi mới ra mắt Fantom được giới thiệu với khả năng mở rộng lên tới 10.000 TPS nhưng đến bây giờ phiên bản Fantom Sonic chỉ mang lại khoảng 2.000 TPS. Thực tế hầu hết các giai Layer 1 giai đoạn 2020 - 2021 đều phóng đại khả năng mở rộng của mình để thu hút các nhà đầu tư như Near Protocol hứa hẹn lên tới 100.000 TPS nhưng hiện nay mức TPS chưa tới 1% con số đó, tương tự với Solana, Avalanche. Tuy nhiên giờ đây Fantom đưa tới một con số thực tế hơn, tuy nhiên để đạt tới 2.000 TPS thì vẫn sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai.
Nếu để nói nâng cấp của Fantom Sonic là đột phá thì chưa hẳn. Fantom Sonic là một phiên bản nâng cấp tầm trung của Fantom Opera chứ không hẳn là nâng cấp hạng nặng khi mà đội ngũ Fantom hầu như chỉ cải tiến mô hình cũ chứ chưa thật sự mang lại những công nghệ đột phá của thị trường hiện nay, như việc vẫn sử dụng chế đồng thuận Lachesis nhưng có sự cải tiến hay modular hóa quá trình lưu trữ dữ liệu.
Đề xuất về chuyển đổi token
Thực tế, khi phân tích Fantom Sonic thì tokenomics mới là yếu tố then chốt như mình chia sẻ ở trên sẽ có hai điểm đáng chú ý bao gồm phát hành thêm S để vận hành Sonic Labs và mình cũng tin chắc rằng các quỹ đầu tư tham gia vào vòng $10M là mua token S mới được phát hành. Điều này chứng tỏ điều gì? Toàn bộ số tiền Fantom kêu gọi trong quá khứ khoảng $50M và hầu hết lượng FTM trong Foundation đã được sử dụng hết , bên cạnh đó là sự vận hành thiếu hiệu quả để không thể tạo ra doanh thu. Hãy so sánh với Ethereum họ chỉ ICO một lần duy nhất và phát triển từ đó đến nay mà không cần kêu gọi thêm vốn từ quỹ đầu tư.
Thông qua đề xuất này chúng ta thấy được Fantom Foundation đang có những vấn đề về tài chính và thực tế theo mình $10M thực sự không làm được quá nhiều điều với một Blockchain nền tảng, nên lợi nhuận mà đội ngũ Fantom kì vọng thu về sẽ phụ thuộc nhiều vào lượng S được phát hành, điều này sẽ phụ thuộc vào khía cạnh marketing của dự án với người mới.
Đánh giá & Phân tích Fantom Sonic
Có thể thấy rằng việc chuyển đổi từ Fantom Opera sang Fantom Sonic không cần thiết phải chuyển đổi từ FTM sang S, chính vì vậy việc chuyển đổi của đội ngũ phát triển Fantom mang nhiều màu sắc của tài chính và marketing hơn là công nghệ. Rõ ràng việc mang màu sắc về tài chính mà đã nói ở trên, còn về màu sắc của marketing thì đây không phải dự án đầu tiên làm việc này.
Đã có rất nhiều dự án sau quá trình thành công, không thành công đều có thể rebrand với các mục tiêu khác nhau như:
- AAVE tiền thân là ETHLend cũng phải trải qua quá trình rebrand trước khi bùng nổ mạnh mẽ.
- Alpha Finance sau khi bùng nổ mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 đã bị tấn công và cũng phải rebrand thành Stella.
- ...
Với việc chuyển đổi sang một cái tên mới đi kèm với một chart mới làm cho những người dùng mới không có nhiều thông tin về dự án trước đó nên việc triển khai marketing thường là dễ dàng hơn.
Tuy nhiên nếu đáng giá theo một hướng tích cực và lạc quan thì chúng ta thấy Fantom Foundation cũng đang rất nổ lực để cứu con thuyền đang đắm là Fantom thay vì xây dựng một nền tảng hoàn toàn mới dựa trên kinh nghiệm, quan hệ của mình.
Tổng Kết
Mong rằng thông qua những phân tích Fantom Sonic sẽ giúp mọi người có thêm những góc nhìn đa dạng về sự chuyển mình này của đội ngũ Fantom.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Animoca Brands: Điều Gì Khiến Định Giá Giảm 75% - September 3, 2024
- Tại Sao Các Dự Án GameFi Lần Lượt Rời Bỏ Polygon - August 31, 2024
- Cập Nhật Layer 1: Monad, Berachain, Babylon Hướng Tới Mainnet; Sui & Aptos Cạnh Tranh Mạnh Mẽ - August 27, 2024