Trên thị trường hiện nay, các Perp DEX có nhiều lựa chọn về mặt cơ sở hạ tầng để xây dựng sản phẩm. Họ có thể lựa chọn xây dựng trên các EVM Chain có chi phí rẻ, trên các Layer 2 của Ethereum, trên Solana hay những Monolithics L1 thế hệ mới như Sui và Aptos,...v.v dưới hình thức là một dApp.
Tuy nhiên có một lựa chọn khác đang được nhiều Perp DEX hướng tới, đó là xây dựng cho mình một blockchain riêng, để phục vụ mục đích riêng của mình là một nền tảng giao dịch phái sinh.
Vậy tại sao họ lại lựa chọn hình thức này, điều này có gì đặc biệt và ưu việt hơn so với con đường truyền thống? Hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Appchain là gì?
Appchain hay còn được biết đến với tên gọi đầy đủ là Application-specific blockchain, có thể hiểu một cách đơn giản là những blockchain được thiết kế để vận hành những ứng dụng cụ thể. Khái niệm này ban đầu được giới thiệu bởi Interchain Core Teams - đơn vị xây dựng Cosmos SDK vào giai đoạn 2021-2022.
Một blockchain dành riêng cho ứng dụng chỉ vận hành một ứng dụng duy nhất, do vậy ứng dụng đó không cạnh tranh với các ứng dụng khác về khả năng tính toán và lưu trữ của blockchain nền tảng.
Thiết kế này khác biệt với đa số các VM-blockchain hiện nay như Ethereum, Solana, BNB Chain, Avalanche,... khi mà các dApp với mọi loại hình thức ứng dụng khác nhau đều phải cùng chia sẻ một không gian khối và khả năng tính toán có giới hạn của blockchain đó.
Hiện nay, các Appchain thường được xây dựng trên sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng cơ bản và khả năng tương tác bởi một blockchain nền tảng khác. Vì vậy, các Appchain vẫn thừa hưởng tính bảo mật và khả năng mở rộng của blockchain đó trong khi vẫn cung cấp khả năng tùy chỉnh thiết kế và khả năng tự kiểm soát cao hơn cho các nhà phát triển.
Vì đặc điểm đó mà nhiều dApp muốn xây dựng riêng cho mình một Appchain, trong đó Perp DEX - các nền tảng giao dịch phái sinh có nhu cầu thông lượng cao, muốn phục vụ nhu cầu giao dịch liên tục với tần suất lớn - lại rất phù hợp với phương án này.
Các Perp Dex Hiện Đang Xây Dựng Trên Một Appchain
dYdX V3
Trường hợp của dYdX V3 là một trong những lá cờ tiên phong về việc xây dựng blockchain riêng để phục vụ cho những ứng dụng riêng biệt cụ thể. dYdX V3 được biết đến nhiều không phải một dự án appchain mà là một layer 2 Zk-Rollup sử dụng công nghệ được cung cấp bởi StarkWare.
Về cơ bản, dYdX V3 là một layer 2 non-interact, người dùng không cần tương tác trực tiếp với layer 2 này, không cần nạp thẳng tiền lên dYdX layer 2 mà chỉ cần dep tiền vào một contract trên Ethereum, sau đó giao dịch với số dư đó dưới khả năng xử lý giao dịch trên layer 2 dYdX V3. Sau đó layer 2 dYdX V3 sẽ gửi bằng chứng ZK một cách định kỳ tới Ethereum để chứng minh các chuyển đổi về trạng thái giao dịch, số dư, … là hợp lệ.
Với thiết kế này, dYdX V3 có thể cung cấp thông lượng giao dịch cao hơn nhiều và yêu cầu khối lượng giao dịch tối thiểu thấp hơn so với các hệ thống Perp DEX mà giải quyết giao dịch trực tiếp trên Ethereum.
Tuy rằng không nhiều người đề cập đến dYdX V3 dưới vai trò là một appchain, nhưng rõ ràng mô hình của họ là một layer 2 được xây dựng với duy nhất một mục đích là phục vụ cho việc xử lý các giao dịch xoay quanh hoạt động của sàn dYdX V3. Vì vậy concept của dYdX V3 theo mình có thể coi là một appchain.
Và với điều kiện cơ sở hạ tầng đó, dYdX đã thực sự có một khoảng thời gian dài thống trị thị trường Perp DEX, với hàng chục tỷ đô khối lượng giao dịch mỗi tháng và luôn luôn được đề cập đến là một đơn vị đầu ngành trong DeFi.
dYdX V4
dYdX V4, phiên bản mới nhất của dYdX được nghiên cứu & phát triển từ năm 2022 đã ra mắt mainnet vào tháng 11 năm 2023. Khác với V3, dYdX V4 được xây dựng trên Cosmos SDK và giao thức đồng thuận POS CometBFT. Nói cách khác, dYdX V4 có vai trò là một Layer 1 Appchain trên hệ sinh thái Cosmos.
dYdX V4 ngay lập tức onboard được người dùng và chỉ sau 4 tháng, tổng volume giao dịch tích lũy của nền tảng này đã vượt qua con số $50B.
Tương tự như dYdX V3, phiên bản mới này cũng là một blockchain non-interact khi mà người dùng không cần phải bridge tài sản lên dYdX Chain thì mới có thể long-short. Họ đã thiết kế khả năng ghi nhận tiền gửi từ các blockchain khác như Ethereum, Arbitrum, Optimism, BNB Chain, Mantle,...
Vì vậy, mặc dù là một blockchain riêng, dYdX V4 có thể tiếp cận tới tệp người dùng của rất nhiều hệ sinh thái khác mà không phải chịu những rào cản về việc di chuyển tài sản giữa các blockchain.
Aevo
Aevo là Layer 2 Derivative được phát triển với bộ công cụ OP Stack hay còn được gọi là OP Chain. Họ hỗ trợ giao dịch cả các hợp đồng perps và options. Bằng cách xây dựng trên OP Stack, Aevo cũng thừa hưởng tính bảo mật từ Ethereum mà vẫn có khả năng mở rộng cao như bao Layer 2 Optimistic Rollup khác, với thông lượng giao dịch có thể lên đến 5000TPS.
Concept cơ sở hạ tầng của Aevo khá tương tự như cách làm của dYdX V3 như đã diễn giải ở trên. Aevo layer 2 cũng chủ yếu được xây dựng để xử lý giao dịch. Còn việc tiếp nhận tiền gửi của người dùng thì có thể được thực hiện qua các L2 khác như Arbitrum, Optimism dưới sự hỗ trợ của Socket.
Aevo has reached the #1 spot on the Perp DEX volumes leaderboard. pic.twitter.com/zx94CRZfzM
— Aevo (@aevoxyz) February 28, 2024
Đi liền với chiến dịch marketing & airdrop trong suốt Q1 2024, Aevo đang dần trở thành một trong những nền tảng giao dịch phái sinh có khối lượng giao dịch cao nhất thị trường. Thực tế đã có những ngày Aevo ghi nhận khối lượng cao hơn so với dYdX, đứng top 1 thị trường.
ApeX
ApeX là một nền tảng giao dịch phái sinh & spot, xây dựng trên một Layer 2 appchain được hỗ trợ bởi Starkware. Concept của ApeX cũng tương tự như dYdX V3. Việc gửi và rút tiền vào tài khoản giao dịch ApeX cũng hỗ trợ cho các tài sản từ Ethereum và cả các EVM-Blockchain khác.
Xét về khối lượng giao dịch được thực hiện, ApeX thường nằm trong top 5-10 nền tảng có Daily Trading Volume lớn nhất, giao động từ $200M-$400M và những ngày cao nhất có thể đạt trên dưới $1B vol.
Orderly Network
Kết cấu của Orderly Network không gọi là appchain mà hướng tới một cách tiếp cận khác là Orderly Omnichain. Orderly Omnichain có cấu tạo gồm 3 lớp chính:
Lớp Tài Sản (Asset Layer): Lớp này có mặt tại mỗi chain mà Orderly hỗ trợ trong hệ sinh thái EVM.Người dùng tương tác với lớp này khi đăng ký tài khoản, gửi tiền vào hoặc rút tiền khỏi ví của họ.
Lớp Đồng Thuận (Settlement Layer): Lớp này tồn tại trên một chain độc lập và đảm nhận chức năng trao đổi dữ liệu (message) giữa các chain khác nhau. Settlement Layer đóng vai trò như một sổ cái giao dịch lưu trữ data, người dùng không tương tác trực tiếp với lớp này.
Lớp Thực Thi (Engine Layer): Lớp này đảm bảo hoạt động cho Sổ lệnh và các thao tác liên quan đến orders trên Hệ thống Orderly.Người dùng tương tác với lớp này khi quản lý lệnh, đặt lệnh và đóng lệnh.
Settlement Layer được xây dựng trên công nghệ OP Stack của Optimism, giúp đem lại khả năng tương tác và kết hợp vượt trội với các Layer 2. Điều này có nghĩa là người dùng có thể di chuyển tài sản và dữ liệu của họ qua các chain OP khác nhau mà không cần phải chuyển đổi mạng hoặc sử dụng cầu nối.
Về cơ bản, họ phải xây nguyên một blockchain riêng để làm Settlement Layer. Để ý kỹ, chúng ta thấy rằng các appchain của những Perp DEX kể trên cũng giống như Settlement Layer của Orderly vậy.
Paradex
Paradex là Starknet Appchain đầu tiên theo đúng định nghĩa Appchain Layer 3 của Starknet. Về vấn đề này, Hak Research đã có những bài viết chia sẻ về tầm nhìn Layer 3 của các Layer 2 trụ cột trên thị trường để anh em có thể tham khảo.
$10 Billion in All-Time volume traded on @tradeparadex 🚀
— Paradex | Mainnet LIVE 🔥 (@tradeparadex) March 1, 2024
We we are just getting started folks 📈 pic.twitter.com/xTm1KstGw4
Paradex triển khai mainnet chưa lâu tuy nhiên đã có thể giải quyết trơn chu $10B trong vòng 3 tuần đầu tiên, tương ứng khoảng $500M khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày. Đây thực sự là một con số rất lớn, thậm chí có thể nói là ngang cơ với các Perp DEX tier 1 như GMX và dYdX V3 ở một vài thời điểm.
Tại Sao Các Nền Tảng Perp DEX Đều Muốn Xây Dựng Appchain?
Chúng ta đã thấy những trường hợp Perp DEX xây dựng trên Appchain ở thời điểm hiện tại, với rất nhiều hình thức. Chung quy lại, mô hình này sẽ bao gồm 2 lớp, lớp thứ nhất là chuyên để cho người dùng tương tác, phục vụ các tác vụ chính là nạp & rút tiền, trading; lớp thứ 2 chính là một blockchain non-interact, chỉ có nhiệm vụ thực thi giao dịch.
Trong số đó có rất nhiều những cái tên đầu ngành như dYdX, ApeX; các siêu tân tinh như Aevo, Orderly Network hay Paradex. Các nền tảng này được săn đón đầu tư bởi nhiều quỹ lớn và đều thể hiện tốt khả năng giải quyết nhu cầu giao dịch phái sinh ngày càng cao của người dùng DeFi.
Vậy đâu là những lý do khiến cho họ lựa chọn xây dựng trên một Appchain? Và đâu là lý do để chúng ta có thể dự đoán rằng đây có thể là một xu hướng mà mọi Perp DEX đều muốn hướng tới? Hãy cùng mình tham khảo một vài góc nhìn dưới đây nhé.
Perp DEX phù hợp với cơ sở hạ tầng có khả năng tùy chỉnh cao
Lý do trực diện nhất là đến từ đặc điểm về mặt cơ sở hạ tầng mà một appchain có thể offer, đó chính là khả năng tùy chỉnh cao. Cụ thể, khả năng tùy chỉnh tức là khả năng thiết kế, thay đổi, nâng cấp lớp cơ sở hạ tầng dễ hơn sao cho phù hợp với mục đích của ứng dụng mục tiêu. Điều này vốn dĩ là rất khó khăn khi xây dựng trên một Monolithic blockchain.
Sở dĩ, tất cả các ứng dụng build trên một Monolithic blockchain phải chấp nhận toàn bộ yêu cầu kỹ thuật của blockchain đó bao gồm cơ chế đồng thuận của nền tảng, bảo mật, thời gian chạy, mempool, VM, v.v. của chain đó, nó khiến cho các dApp không được tạo điều kiện phát triển một cách tối đa.
Ngoài ra, việc lựa chọn xây dựng trên Appchain có thể đem lại khả năng tiết kiệm chi phí sử dụng sản phẩm của người dùng. Đơn cử như việc các Perp DEX hiện tại dần dần tìm cách cho người dùng nạp tiền lên sàn trên nhiều mạng lưới khác nhau mà không cần phải bridge qua lại.
Do đó, cơ sở hạ tầng mà các Appchain đang cung cấp mang lại khả năng tùy chỉnh rất cao, và điều đó lại là phù hợp đối với những dApp có yêu cầu thông lượng giao dịch cao, chi phí rẻ như là Perp DEX.
Sự phát triển đa dạng của các Blockchain Stacks
Vào thời điểm năm 2021-2022, trên thị trường không có nhiều lựa chọn để các dự án xây dựng appchain. Thời điểm đó chỉ có Polkadot và Cosmos là hai hệ sinh thái đề cập nhiều đến câu chuyện appchain, thậm chí mô hình này vẫn còn nhiều mới lạ.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các Appchain Stacks được xây dựng nhiều hơn, với nhiều hình thức và do đó cung cấp cho các nhà phát triển dApp rất nhiều sự lựa chọn. Đó có thể là layer 1 appchain xây dựng trên Cosmos, các layer 2 appchain xây dựng trên OP Stack, Polygon CDK, Arbitrum Orbit, Starknet Stack hay Zk Stack, …v.v. Hoặc nếu không muốn dừng lại ở layer 2, họ có thể hướng đến các câu chuyện công nghệ xa hơn như Layer 3.
Sự phát triển đa dạng của các Blockchain Stacks đem đến một môi trường có nhiều sự ủng hộ cho Appchain, và từ đó khiến cho các Perp DEX có thể dễ dàng hơn khi theo đuổi con đường này. Trong đó thì dYdX V3 & V4 đóng vai trò rất lớn, là cánh chim đầu đàn để các dự án khác có thể tham khảo.
Và trong một môi trường mà nhà nhà Layer 2, người người Layer 3, các dự án ắt hẳn sẽ có động lực để gắn sản phẩm của mình với câu chuyện công nghệ mà thị trường đang muốn kể. Nói cách khác là động lực chạy theo xu hướng. Rõ ràng là một Perp DEX xây dựng trên một monolithic chain dưới dạng dApp và phụ thuộc hoàn toàn vào blockchain đó đang là một concept lỗi thời.
“Nhưng GMX vẫn đang thể hiện vị thế tier 1 trên thị trường Perp DEX với concept cũ đó thôi?” Đúng là vậy, nhưng thực tế thì GMX cũng đã bắt đầu manh nha có tư tưởng xây dựng blockchain riêng là GMX Chain.
GMX Chain là một trong những nội dung chính của đề xuất mới mang tên “GMX 2024: A Finance Ecosystem” được triển khai trên forum quản trị của dự án. Trong đó đề cập tới việc xây dựng một blockchain mới với phí siêu rẻ và sử dụng Gas bằng GMX, cùng một loạt các thiết kế khác liên quan tới yếu tố social.
Một cấp độ phi tập trung cao hơn
Xây dựng riêng cho mình một blockchain có thể đem lại khả năng phi tập trung cao hơn cho các Perp DEX. Về cơ bản thì một dự án có nhiều yếu tố cần phi tập trung, đối với các CLOB Perp DEX thì việc vận hành sổ lệnh & matching engine cũng được hướng tới phi tập trung, việc quản trị dự án cũng cần được phi tập trung thông qua governance token.
dYdX đã thực sự phi tập trung hóa giao thức lên mức độ cao nhất ở phiên bản V4. Cụ thể, dYdX Chain được phân cấp hoàn toàn từ đầu đến cuối, bao gồm cơ chế đồng thuận, CLOB, matching engine và giao diện người dùng.
Các Perp DEX khác cũng có thể hướng tới concept như vậy, sử dụng token của chính mình để làm gas, vừa phi tập trung hóa vừa capture value cho token. Vì vậy lợi điểm của việc xây dựng appchain còn nằm ở yếu tố kinh tế ở cấp độ giao thức.
Tổng Kết
Việc xây dựng sản phẩm trên các Application-specific blockchain đang ngày càng được áp dụng bởi nhiều Perp DEX hơn. Và nhìn vào hiệu quả hoạt động thực tế thì chúng ta không thể phủ nhận khả năng mở rộng của các giao thức đó. Trong bối cảnh các Perp DEX đều đặt target vào việc tiếp cận với tốc độ và trải nghiệm người dùng mà CEX mang lại, việc xây dựng sản phẩm trên Appchain là một trong những phương án tốt nhất.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Stader Labs Chính Thức Tích Hợp ETHx Vào Kelp DAO Trên Arbitrum - August 20, 2024
- Chiến Dịch Testnet Cuối Cùng Của APOLLO: Lời Tiên Tri Ánh Sáng - August 16, 2024
- Revolving Games Tổ Chức RCADE Node Presale Và Công Bố Tokenomics - August 11, 2024