USDC là gì? USDC đang là Stablecoin có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, được xem là kẻ thay thế USDT trong tương lai. Vậy tại sao USDC lại có được vị thế lớn như vậy? Cùng mình tìm hiểu chi tiết về dự án này nhé.
USDC Là Gì?
USDC hay còn gọi là USD Coin được ra mắt vào tháng 09 năm 2018. Đây là sản phẩm của Centre Consortium với sự kết hợp giữa Circle và sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase. Tương tự như USDT, USDC cũng được bảo chứng bằng USD (Đô la Mỹ) theo tỷ lệ 1:1. Điều này có nghĩa là 1 USDC sẽ có giá trị tương đương với 1 USD.
Trái ngược với USDT luôn bị mọi người nghi ngờ về các báo cáo dự trữ tài sản. USDC lại được sự kiểm duyệt bởi mạng lưới chống tội phạm tài chính FinCEN tại Mỹ. Điều này có nghĩa là tài sản dự trữ của USDC được kiểm duyệt và giám sát thường xuyên, thể hiện sự minh bạch, rõ ràng của đơn vị phát hành USDC.
Điểm Nổi Bật Của USDC Là Gì?
- Tính ổn định: USDC được Backed bởi USD (Đô la Mỹ) theo tỷ lệ 1:1 và luôn duy trì ở trạng thái $1. Nhờ vào việc duy trì ở trạng thái $1 nên USDC là nơi trú ẩn an toàn cho mọi người khi thị trường biến động mạnh.
- Tính minh bạch: USDC đang được kiểm toán bởi Grant Thornton LLP, đây là công ty kiểm toán lớn thứ 7 thế giới. Báo cáo kiểm toán được công bố hàng tháng để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của dự án.
- Mức độ uy tín: USDC là sản phẩm có sự kết hợp giữa Circle và sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase. Circle là công ty tài chính đầu tiên có được giấy phép DABA hạng F của Bermuda Monetary Authority (BMA- cơ quan tiền tệ Bermuda). Coinbase là sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới đã IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Cách thức hoạt động của USDC
Bước 1: Mọi người gửi USD (Đô la Mỹ) vào tài khoản ngân hàng hoặc các tổ chức quản lý bởi Centre.
Bước 2: Centre mint ra 1 lượng USDC trên Blockchain có giá trị tương đương với số USD mọi người gửi.
Bước 3: Centre sẽ gửi số USDC tới địa chỉ ví mọi người đăng ký.
Bước 4: Khi không còn nhu cầu sử dụng USDC thì mọi người có thể gửi USDC tới địa chỉ ví quản lý bởi Centre và nhận lại USD (USDC sẽ được đem đi đốt).
Điểm Hạn Chế Của USDC Là Gì?
- Tính tập trung: Vào tháng 08/2022 khi chính phủ Mỹ trừng phạt Tornado Cash, họ cho rằng Tornado Cash tiếp tay cho Hacker thực hiện hành vi rửa tiền. Đáng chú ý ở đây là Circle khóa $75.000 các ví liên quan đến hoạt động của Tornado Cash. Điều này thể hiện tính tập trung của dự án, có thể khóa USDC trong ví người dùng bất kỳ lúc nào.
- Tính chuyển đổi: Circle chưa hỗ trợ chuyển đổi USDC sang Fiat ở nhiều quốc gia, hiện tại chỉ hỗ trợ công dân Mỹ. Người dùng muốn chuyển đổi USDC sang Fiat phải thông qua các sàn giao dịch.
Lộ Trình Phát Triển
Circle đã có nhiều cập nhật mới cho kế hoạch 2023:
- Ra mắt cầu nối Cross-chain cho Stablecoin.
- Hỗ trợ phát triển các ứng dụng web3 thông qua Hacker House cùng Solana và Jumpcrypto.
Circle ra mắt USDCKit: Bộ SDK hỗ trợ thanh toán USDC ở quy mô lớn và tuân thủ pháp lý
Vào ngày 29/03/2025, Circle đã giới thiệu USDCKit, một bộ SDK dành cho Circle Wallets, giúp đơn giản hóa quy trình tích hợp và tự động hóa thanh toán bằng USDC cho các doanh nghiệp và nhà phát triển. USDCKit được thiết kế để giải quyết các thách thức trong việc triển khai thanh toán bằng stablecoin, vốn trước đây yêu cầu phát triển tùy chỉnh, quản lý dòng tiền thủ công và tuân thủ phức tạp. Bộ công cụ này cung cấp khả năng tự động hóa các quy trình như tạo ví, tối ưu hóa phí gas, thanh toán hàng loạt và logic thanh toán cuối cùng. Ngoài ra, USDCKit tích hợp công cụ quản lý tuân thủ Compliance Engine, hỗ trợ Travel Rule và sàng lọc giao dịch theo thời gian thực để đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu.
USDCKit cũng hỗ trợ khả năng di chuyển USDC đa chuỗi thông qua CCTP, hoạt động trên nhiều mạng Blockchain như Ethereum, Solana, Arbitrum, Avalanche và Unichain. Bộ SDK hướng đến các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán (PSP) và nền tảng chuyển tiền xuyên biên giới, đồng thời giúp rút ngắn thời gian triển khai sản phẩm bằng cách giảm thiểu độ phức tạp kỹ thuật. USDCKit hiện đang trong giai đoạn Early Access với một bộ tính năng ban đầu, và sẽ tiếp tục được mở rộng trong các bản cập nhật tới với các chức năng như hoán đổi token (swap) và tích hợp on/off ramp. Các nhà phát triển có thể đăng ký tham gia sớm để được trải nghiệm các tính năng mới trước khi ra mắt chính thức.
Circle chính thức nộp hồ sơ IPO lên SEC, đặt mã cổ phiếu là CRCL
Ngày 01/04/2025, Circle – công ty đứng sau stablecoin USDC – đã chính thức nộp hồ sơ S-1 lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) để thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Đây là lần thứ hai Circle tìm kiếm cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán sau lần đầu không thành vào năm 2022. Công ty chọn JPMorgan Chase và Citigroup làm đơn vị bảo lãnh phát hành, nhưng chưa công bố mức định giá và giá mục tiêu cho cổ phiếu CRCL. Trong hồ sơ, CEO Jeremy Allaire nhấn mạnh việc IPO là bước đi thể hiện cam kết minh bạch và tuân thủ. Tài chính Circle cải thiện rõ rệt trong hai năm gần đây, từ mức lỗ 768,8 triệu USD năm 2022 chuyển sang lãi 267,6 triệu USD (2023) và 155,7 triệu USD (2024). Tính đến cuối năm 2024, công ty sở hữu 1,05 tỷ USD tiền mặt và tài sản tương đương tiền.
Một phần lợi nhuận bị ảnh hưởng do Circle chi trả cho các sàn giao dịch nhằm duy trì chỗ đứng của USDC. Năm 2024, công ty đã trả cho Coinbase 908 triệu USD, trong khi chỉ thu về 768 triệu USD. Đồng thời, Circle còn trả thêm 60,25 triệu USD kèm phí hàng tháng cho Binance để duy trì USDC. Năm 2023, Circle chi 210 triệu USD mua lại toàn quyền quản lý USDC từ liên doanh Centre Consortium với Coinbase và giải thể tổ chức này. Hồ sơ cũng tiết lộ danh mục tài sản Crypto công ty đang nắm giữ tính đến cuối 2024 chỉ là 31,3 triệu USD, gồm Sui, Bitcoin, Ethereum, Sei, Aptos, Optimism,... Trong bối cảnh thị trường hồi phục, vốn hóa USDC đã vượt mốc 60 tỷ USD, chiếm 25,7% thị phần stablecoin. Circle hiện là một trong số ít đơn vị đáp ứng quy định của khung pháp lý MiCA tại châu Âu và đã được cấp phép hoạt động tại Nhật Bản. Nếu luật GENIUS và STABLE tại Mỹ được thông qua, Circle sẽ có lợi thế lớn trong việc tích hợp USDC vào hệ thống tài chính truyền thống, tận dụng vị thế là một stablecoin có nguồn gốc tại Mỹ.
Refund Protocol: Giải pháp hoàn tiền cho giao dịch USDC
Ngày 17/04/2025, Circle đã ra mắt Refund Protocol, một giao thức nhằm cung cấp cơ chế hoàn tiền và giải quyết tranh chấp cho các giao dịch sử dụng USDC mà không cần đến bên thứ ba. Khi người dùng thực hiện thanh toán, số tiền sẽ được giữ trong một hợp đồng thông minh với các điều kiện cụ thể như thời gian khóa và địa chỉ hoàn tiền. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, một Arbiter – bên thứ ba không giữ tài sản – có thể can thiệp để phê duyệt hoàn tiền hoặc cho phép rút tiền sớm, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho cả hai bên.
Refund Protocol hỗ trợ các Token chuẩn ERC-20 và cung cấp các tính năng như khóa thanh toán, hoàn tiền có điều kiện và rút tiền sớm dựa trên thỏa thuận ngoài chuỗi. Arbiter chỉ có quyền phê duyệt hoàn tiền hoặc cho phép rút tiền sớm, không thể chuyển tiền đến địa chỉ khác, giữ nguyên tính phi tập trung của hệ thống.
Circle ra mắt Circle Payments Network
Circle vừa công bố ra mắt Circle Payments Network (CPN), một nền tảng thanh toán toàn cầu sử dụng các Stablecoin như USDC và EURC để thực hiện thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực, 24/7. CPN kết nối các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng, fintech, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử, nhằm thay thế các hệ thống truyền thống như SWIFT bằng một giải pháp nhanh hơn, chi phí thấp hơn và có khả năng lập trình cao.
Mạng lưới này tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về cấp phép, AML/CFT, quản lý rủi ro tài chính và an ninh mạng, đồng thời hỗ trợ các trường hợp sử dụng như thanh toán nhà cung cấp, kiều hối, bảng lương, hoạt động kho bạc nội bộ và ứng dụng tài chính On-chain. CPN đã hợp tác với hơn 20 đối tác thiết kế toàn cầu, bao gồm dLocal, WorldRemit, BVNK, Yellow Card và Coins.ph, tập trung vào các thị trường mới nổi và hành lang kiều hối có khối lượng lớn.
Core Team
Jeremy Allaire - CEO: Ông có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ. Trước khi trở thành đồng sáng lập của Circle, ông từng nắm giữ vị trị CTO của Macromedia - công ty con thuộc tập đoàn Adobe. Ông cũng là Founder của Brightcove - công ty công nghệ Streaming với 820 nhân viên có trụ sở tại Boston.
Elisabeth Carpenter - COO: Bà có bằng thạc sĩ tại đại học Harvard. Trước khi gia nhập Circle, bà là đồng nghiệp cũ của Jeremy Allaire với hơn 7 năm làm việc tại Brightcove. Tại đây bà trải qua nhiều vị trí như: Bán hàng, phát triển kinh doanh, phát triển chiến lược, phát triển dịch vụ...
Dante Disparte - CSO: Ông có bằng thạc sĩ chuyên ngành quản lý cấp cao tại đại học Harvard. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh, quản lý rủi ro. Từng có hơn 9 năm làm việc tại ASP - 1 dự án an ninh của chính phủ Mỹ.
Li Fan - CTO: Bà có bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại đại học Wisconsin-Madison. Từng đảm nhiệm vị trí CTO tại Lime - Công ty cung cấp giải pháp sạch cho môi trường. Bà cũng từng nắm vị các vị trí như quản lý cấp cao tại Google, Head of Engineering tại Pinterest.
Nikhil Chandhok - CPO: Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển sản phẩm. Từng phát triển các sản phẩm AI, AR tại các công ty như: Meta, Google, Youtube, Microsoft.
Kash Razzaghi - CBO: Trước khi gia nhập Circle ông từng là CEO của Fancred - Nền tảng truyền thông kỹ thuật số thể thao. Ông cũng từng làm việc tại Brightcove, tại đây ông chịu trách nhiệm về doanh thu thị trường châu Mỹ.
Sàn Giao Dịch
USDC đang được giao dịch trên hầu hết các sàn lớn nhỏ như: Binance, Coinbase, Kucoin, MEXC, Bybit...
Kênh Thông Tin Dự Án
- Website: https://www.circle.com/en/
- Twitter: https://twitter.com/circle
- Discord: https://discord.com/invite/buildoncircle
Tổng Kết
Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng USDC ngày càng chứng tỏ vị thể của mình trong mắt người dùng nhờ các báo cáo minh bạch, rõ ràng.
Tuy nhiên Circle cần phải có những bước đi cẩn trọng hơn sau sự cố khóa các ví liên quan đến Tornado Cash. Đây là một điểm trừ rất lớn trong mắt cộng đồng Crypto nói riêng cũng như cộng đồng Blockchain nói chung.
Cùng Hak Research theo dõi những cập nhật tiếp theo của dự án trong tương lai nhé!
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Kinto Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Kinto - April 5, 2025
- OpenEden Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử OpenEden - March 19, 2025
- PulseChain Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử PulseChain - February 9, 2025