Music NFT là gì? Music NFT là một tài sản kĩ thuật số được phát hành trên một chuỗi khối và liên kết với một bài hát hay album của một nghệ sĩ âm nhạc. Music NFT có khả năng cách mạng hóa thị trường âm nhạc truyền thống và cách các nghệ sĩ sáng tạo, phân phối và kiếm lợi nhuận từ tác phẩm âm nhạc của họ. Vậy Music NFT có gì đặc biệt hãy cùng Hak Research tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Để hiểu hơn về Music NFT, mọi người có thể tham khảo một số bài viết dưới đây:
Tổng Quan Về Music NFT
Music NFT là gì?
Music NFT đơn giản chỉ là một Non-fungible token với siêu dữ liệu (Metadata) được liên kết với một bài hát, album hay một video clip riêng lẻ. Các nghệ sĩ có thể phát hành các sản phẩm âm nhạc của mình dưới dạng một Music NFT. Người dùng mua NFT có thể coi là một cách để ủng hộ nghệ sĩ tương tự như cách họ mua các bản nhạc bản quyền trong thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, Music NFT cho phép các nghệ sĩ tạo dựng mối quan hệ trực tiếp hơn với cộng đồng những người hâm mộ của mình mà không cần thông qua một nền tảng trung gian. Ngoài ra, những người sở hữu NFT do nghệ sĩ phát hành cũng sẽ nhận được nhiều quyền lợi khác chứ không chỉ đơn thuần chỉ là quyền được nghe bài hát độc quyền.
Tại sao Music NFT lại quan trọng?
Theo thống kê doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc dự kiến vượt $65B USD vào năm 2023, nhưng phần lớn nguồn doanh thu này chủ yếu chảy vào một số nền tảng và công ty âm nhạc lớn. Do đó, các nghệ sĩ hiện nay sử dụng Music NFT như một cách mới để phân phối và kiếm tiền từ âm nhạc.
Music NFT có thể cách mạng hóa cách các nghệ sĩ sáng tạo, phân phối và kiếm tiền từ tác phẩm âm nhạc của mình. Trái ngược với mô hình hiện tại, nơi các nghệ sĩ phải dựa vào hợp đồng thu âm, thỏa thuận thương hiệu để có thể kiếm tiền và tạo nên danh tiếng của mình.Music NFT cho phép các nghệ sĩ tiếp cận với lượng người dùng toàn cầu và chỉ cần tập trung vào chính sở trường của mình là sáng tác nhạc.
Music NFT Hoạt Động Như Thế Nào?
Về cơ bản, Music NFT giúp chuyển quyền sở hữu âm nhạc từ công ty sang cá nhân nghệ sĩ sáng tác. Mặc dù các nghệ sĩ vẫn phải phụ thuộc vào một số dịch vụ như hãng thu âm,... nhưng nhìn chung Music NFT giúp các nghệ sĩ toàn quyền sở hữu tác phẩm của mình.
Ngoài ra, Music NFT cũng đem đến nhiều nguồn doanh thu mới chẳng hạn như phí bản quyền giúp nghệ sĩ có thể tạo nguồn doanh thu thụ động mà không phải phụ thuộc vào các buổi lưu diễn như trong thị trường truyền thống. Điều này cực kì hữu ích đặc biệt đối với các nghệ sĩ mới nổi.
Trong thị trường truyền thống, người dùng trả tiền để có quyền truy cập vào một bài hát độc quyền. Tuy nhiên, đó chỉ là quyền sở hữu âm thanh chứ không phải là bản quyền. Ngược lại, các nghệ sĩ có thể chọn phân phối các Music NFT của mình thành các bản sao nhỏ và bán chúng trên thị trường mở. Người dùng có thể mua các NFT này để có quyền truy cập vào bài hát độc quyền, hơn nữa họ có thể bán lại chúng cho người khác với giá cao hơn. Nhìn chung, Music NFT giúp nghệ sĩ loại bỏ bên trung gian và tiếp cận trực tiếp với cộng đồng người hâm mộ của mình.
Một Số Loại Music NFT Phổ Biến
Mặc dù Music NFT đang còn khá mới đối với phần đa người dùng. Tuy nhiên, đây là một số loại Music NFT phổ biến hiện nay:
Autograph NFTs
Với sự xuất hiện của tài sản kĩ thuật số trong ngành công nghiệp âm nhạc ở thời điểm hiện tại, giờ đây người dùng có thể sở hữu các chữ kí kĩ thuật số của các nghệ sĩ, ban nhạc hoặc nhạc sĩ yêu thích của họ dưới dạng NFT.
Tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số liên quan đến âm nhạc
Tác phẩm nghệ thuật là một phần thiết yếu trong ngành công nghiệp âm nhạc. Các tác phẩm kĩ thuật số trong âm nhạc bao gồm bìa album, bài hát, album,... Tất cả các tác phẩm kĩ thuật số này có thể mã hóa thành NFT và bán chúng trên các thị trường mở.
Ticket NFT
Ticket NFT được sử dụng bởi các nghệ sĩ làm vé cho các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp hay online trên các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, việc phân phối vé cho người hâm mộ thông qua Ticket NFT giúp giảm đáng kể tình trạng gian lận vé như vấn đề của các vé giấy trong thị trường truyền thống.
Video NFT
Các video buổi hòa nhạc và bài hát có thể được chuyển đổi thành NFT và sau đó được bán trên thị trường mở. Người hâm mô có thể mua NFT để ghi lại những khoảng khắc thú vị của nghệ sĩ hay dùng cho các hoạt động đầu cơ và bán với giá cao hơn trong tương lai.
Cách Music NFT Sẽ Tác Động Đến Ngành Công Nghiệp Âm Nhạc
Nguồn doanh thu mới dành cho các nghệ sĩ
Hiện tại, các nghệ sĩ khó đạt được lợi nhuận đáng kể trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến. Theo ước tính, một lượt phát trực tuyến trên Spotify trị giá khoảng $0.004 USD được trả cho nghệ sĩ, nghĩa là 1 triệu lượt phát chỉ đem lại nguồn doanh thu $4000 USD. Điều này mang lại nguồn doanh thực sự không đáng kể dành cho các nghệ sĩ, nhưng đối với Music NFT đó lại là 1 vấn đề khác.
Các nghệ sĩ có thể phát hành tác phẩm âm nhạc của mình dưới dạng một bộ sưu tập NFT với giá giả sử chỉ vài chục đô. Tuy nhiên, nếu số lượt nghe nhiều đồng nghĩa với lượng phí bản quyền thu được sẽ rất lớn. Điều này sẽ tạo ra một nguồn doanh thu thụ động lớn dành cho các nghệ sĩ.
Đầu tư vào các nghệ sĩ
Trước đây các nghệ sĩ thường dựa vào công ty hay các hãng thu âm để phát hành sản phẩm của mình. Điều này có thể khiến họ bị bó buộc vào con đường định sẵn mà các công ty đã định ra ngay từ đầu.
Trước khi xuất hiện Music NFT, việc gọi vốn từ cộng đồng của các nghệ sĩ gần như là một điều gì đó vô cùng khó khăn và động cơ tham gia của người hâm mộ thường bắt nguồn từ niềm đam mê dành cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, Music NFT cung cấp một phương pháp mới giúp người hâm mộ có thể hỗ trợ các nghệ sĩ nhưng vẫn có khả năng kiếm được lợi nhuận trong tương lai.
Music NFT cho phép người hâm mô có thể tham gia sớm đầu tư vào một nghệ sĩ mới nổi. Việc tìm ra một nghệ sĩ tiềm năng bị đánh giá thấp có thể mang lại thành công cho cả nghệ sĩ và người hâm mộ của họ sau này. Người hâm mô có thể sớm tiếp xúc với các nghệ sĩ và hình thành mối quan hệ thân thiết hơn tương tự như việc mua cổ phiếu của một công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Cộng đồng người hâm mộ
Khác với thị trường truyền thống nơi có khoảng cách rất xa giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Với Music NFT cho phép các nghệ sĩ tiếp cận trực tiếp với người hâm mộ và xây dựng một cộng đồng cho riêng mình. Cách tiếp cận phi tập trung này cũng cho phép người hâm mộ đầu tư và tham gia ủng hộ các nghệ sĩ mà họ hâm mộ. Do đó, Music NFT đang dần thay đổi cách nghệ sĩ và người hâm mộ tương tác và cộng tác với nhau dẫn đến mối quan hệ bền vững và có ý nghĩa hơn được củng cố bằng những lợi ích của cả hai bên.
Sự tham gia của các nghệ sĩ truyền thống
Steve Aoki - một DJ, nhà sản xuất nhạc điện tử và đồng thời là người ủng hộ Save The Music đã phát hành album NFT đầu tiên của mình “Dream Catcher”, thu được 4,25 triệu đô la khi đấu giá. Những người nổi tiếng như The Weeknd, Eminem hay Snoop Dogg đã đạt được doanh số bán hàng bảy con số khi phát hành tác phẩm của mình.
Một Số Nền Tảng NFT Music Phổ Biến Trong Thị Trường Crypto
Audius
Audius là nền tảng truyền phát nhạc trực tuyến phi tập trung dành cho người hâm mộ và người sáng tạo. Audius được tạo ra với mục đích sử dụng công nghệ chuỗi khối để phân cấp ngành công nghiệp âm nhạc.
Ngoài ra, Audius loại bỏ đối tượng trung gian trong ngành công nghiệp âm nhạc truyền thống bằng cách kết nối trực tiếp các nghệ sĩ với người hâm mộ của họ. Các nghệ sĩ có quyền sở hữu duy nhất đối với âm nhạc của họ và có thể quyết định cách kiếm tiền từ chúng trên nền tảng. Họ có thể phân phối nhạc miễn phí hoặc đặt phí tùy chỉnh cho người hâm mộ để mở khóa nội dung độc quyền.
Royal
Royal là một thị trường Music NFT được thành lập bởi Justin Blau (3LAU) và Justin Ross, người đồng sáng lập Opendoor. Royal mở rộng khả năng tiếp cận quyền sở hữu thực sự đối với âm nhạc bằng cách tạo cơ hội cho người hâm mộ đầu tư vào âm nhạc, có quyền sở hữu đối với bài hát và thu tiền bản quyền cùng với nghệ sĩ. Trong khi đó, các nghệ sĩ là huyết mạch của nền tảng và họ quyết định số tiền bản quyền mà họ muốn nhận cho sản phẩm âm nhạc của mình.
Nhiều nghệ sĩ coi Royal là thị trường tố dành cho Music NFT vì họ có thể chọn quy mô thanh toán tiền bản quyền của mình. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng có thể cung cấp các đặc quyền bổ sung cho Music NFT của mình bao gồm: Tên tác giả, trải nghiệm của người hâm mộ,... Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng có thể cho phép các chủ sở hữu NFT của họ được chia sẻ một phần trăm doanh số bán hàng trên thị trường thứ cấp.
Sound.xyz
Sound.xyz là thị trường Music NFT nơi người dùng có thể mua và bán các sản phẩm âm nhạc được mã hóa dưới dạng NFT. Sound.xyz cũng cho phép người hâm mộ ủng hộ các nghệ sĩ yêu thích của họ, trong khi nghệ sĩ có thể tổ chức các sự kiện ra mắt sản phẩm mới khi chúng chuẩn bị phát hành. Các nghệ sĩ có thể phát hành bài hát và album của họ dưới dạng Non-fungible token (NFT) dành cho những người hâm mộ của mình.
Tổng kết
Music NFT là một khái niệm mới có thể thay đổi thị trường âm nhạc truyền thống với những lợi ích mà nó có thể mang lại. Các nghệ sĩ có thể kết nối trực tiếp với người hâm mộ của mình và được hưởng những quyền lợi đặc biệt mà thị trường âm nhạc truyền thống không thể mang lại được. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn cung cấp về Music NFT, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức thú vị.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Hermans Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Hermans - September 18, 2024
- Based Ape Gang Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Based Ape Gang - September 17, 2024
- Tìm Hiểu Về Quá Trình Phát Triển Của Marketplace - September 16, 2024