Nếu bạn đã trải qua NFT Season vào thời điểm đầu năm 2022 thì có lẽ sẽ bắt gặp những bộ sưu tập NFT đã tăng điên cuồng như thế nào. Tất cả các nền tảng mạng xã hội ai ai cũng nhắc về NFT, khoe lợi nhuận mà họ kiếm được từ việc mua bán NFT. Bài viết này thuộc Series NFT Panorama 101 nhằm giúp mọi người có những kiến thức nền tảng về NFT, phục vụ cho quá trình đầu tư sau này. Ở NFT Panorama 101 Tập 1 mình có một bài viết chi tiết về NFT là gì, mọi người có thể tham khảo tại đây.
Trong bài viết NFT Panorama 101 Tập 2 này, chúng ta cùng tìm hiểu các tiêu chí đánh giá một dự án NFT làm sao để nhận diện được đâu là dự án tiềm năng giữa một rừng các dự án NFT, hãy cùng đội ngũ Hak Research tìm hiểu nhé.
Tổng quan về NFT
NFT là gì?
NFT là viết tắt của Non-Fungible Tokens (mã thông báo không thể thay thế). Đây là một loại tài sản kỹ thuật số đại diện cho quyền sở hữu hoặc bằng chứng về tính xác thực của một mặt hàng hoặc một nội dung độc đáo chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, video, đồ sưu tầm, bất động sản ảo, …. Không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin hoặc Ethereum có thể thay thế được và có thể được trao đổi trên cơ sở 1 : 1, mỗi NFT có một giá trị riêng biệt và không thể được trao đổi trên cơ sở tương tự.
Tại sao NFT lại phổ biến?
NFT đã trở nên phổ biến và được chú ý đáng kể trong những năm gần đây. Nguyên nhân có lẽ từ các trường hợp sử dụng đa dạng của NFT trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài việc đảm bảo quyền sở hữu và đóng vai trò là đồ sưu tầm kĩ thuật số, NFT có thể được phát hành bởi bất kì ai trên chuỗi khối mà không chỉ từ các dự án. Các nhân vật nổi tiếng, thương hiệu và nền tảng truyền thống cũng tham gia vào không gian NFT giúp đưa người mới đến với thị trường NFT.
Khi nói về các trường hợp sử dụng có lẽ NFT được sử dụng nhiều nhất trong ngành công nghiệp trò chơi. Mô hình Play to Earn (P2E) đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trên thị trường Crypto khoảng giữa năm 2021 với tiêu điểm chính là tựa game Axie Infinity. Hình đại diện cho các trang mạng xã hội và đồ sưu tầm nghệ thuật độc quyền là một hướng đi chính khác của NFT. Bored Ape Yacht Club (BAYC), Azuki, CryptoPunks, … là những cái tên điển hình tạo nên một làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường NFT nửa đầu năm 2022. Với các trường hợp sử dụng ngày càng tăng và mức độ phổ biến của chúng, NFT đang củng cố giá trị của chúng khi mở rộng về mặt tiện ích và chức năng, thúc đẩy thêm nhu cầu từ người dùng.
Các Tiêu Chí Đánh Giá Một Dự Án NFT
Khi đánh giá một dự án NFT có một số tiêu chí cần xem xét để đánh giá tiềm năng, giá trị và khả năng tồn tại lâu đời của nó. Dưới đây là một số yếu tố chính để đánh giá một dự án NFT:
Blockchain Nền Tảng
Tìm hiểu xem dự án NFT được phát triển trên Blockchain nền tảng nào? Đây là yếu tố cơ bản nhưng vô cùng quan trọng để đánh giá một dự án NFT. Hầu hết khối lượng giao dịch diễn ra trên Ethereum, đây cũng là nơi phát triển của các bộ sưu tập nổi tiếng và có giá trị nhất. Một vài cái tên nổi bật có thể nhắc đến là: Bored Ape Yacht Club (BAYC), CryptoPunks, Azuki, Doodles,...Điều này cũng dễ hiểu khi Ethereum hiện tại là hệ sinh thái hoàn chỉnh nhất và cũng là một trong những nền tảng thu hút được lượng người dùng lớn nhất ở thời điểm hiện tại. Những lợi thế này giúp các dự án NFT có thể phát triển mạnh mẽ và thu hút được lượng người dùng lớn từ Etherum.
Ngoài ra, các chuỗi khối khác như: Solana, BNB Chain,... cũng không bị bỏ lại quá xa khi cũng có rất nhiều dự án tiềm năng và có những đợt bùng nổ trong ngắn hạn nhưng nhận được sự chú ý lớn và duy trì sức mạnh như trên Ethereum là chưa có. Nói chung, NFT trên Ethereum vẫn là sự lựa chọn an toàn nhất ở thời điểm hiện tại. Người dùng vẫn có thể tìm được những dự án thú vị và hấp dẫn trên các hê sinh thái khác - chúng có thể rẻ nhưng cũng rủi ro hơn rất nhiều.
Nghệ thuật (Art)
Visual - hình ảnh hiển thị trên NFT
Hình ảnh thể hiện trên một NFT là rất quan trọng, đó là thứ ảnh hưởng khá nhiều đến việc người dùng muốn mua NFT hay không. Xét về mặt visual được chia thành 6 loại sau:
- Dumb: Những hình ảnh được vẽ hết sức crazy với những nét vẽ nguệch ngoạch. Điển hình trong trường hợp này là một số bộ sưu tập như: Cool Cats, …
- Pixel: Những hình ảnh được thể hiện bằng những điểm ảnh nhỏ được gọi là Pixel. Các dự án điển hình là: CryptoPunks, Nakamigos,...
- Simple: Những hình ảnh được thiết kế với các đường nét đơn giản, ít màu sắc. Đây cũng là style yêu thích của nhiều bộ sưu tập nổi tiếng như: Bored Ape Yacht Club (BAYC), Azuki, Pudgy Penguins,...
- Detailed: Đây là những bộ sưu tập được vẽ hết sức chi tiết, sử dụng nhiều đường nét và màu sắc trong bức ảnh. Các bộ sưu tập điển hình trong trường hợp này là: Otherdeed for Otherside, Renga, …
- 3D: Những hình ảnh 3D được phác thảo trên mỗi NFT đem đến cho người dùng cảm giác chân thật. Một số bộ sưu tập có thể kể đến là: Meebits, Clone X,...
Ngoài ra, tính nhất quán cũng là một điểm để đánh giá một bộ sưu tập. Ví dụ: Một bộ sưu tập chủ đề chó nhưng lại xen lẫn vài con mèo hay chủ đề về động vật nhưng lại xen lẫn con người vào thì là rất không hợp lí. Nhưng nhìn chung các bộ sưu tập chất lượng thường không mắc phải những lỗi như thế này vì vậy đây cũng là một điểm để phân loại các dự án rởm, kém chất lượng.
Trending
Khi một bộ sưu tập thuộc một mảng nào đó được chú ý và dẫn đầu trend thì sẽ kéo theo các bộ sưu tập khác thuộc mảng đó tăng theo. Điển hình trong trường hợp này là bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club (BAYC) đã lead trend PFP vào thời điểm tháng 03 - 04/2022 rất nhiều người dùng trong thị trường Crypto đều nhắc về BAYC. Ngay lập tức các bộ sưu tập thuộc mảng PFP tăng rất mạnh điển hình là: Azuki, Doodles,...
Tính lịch sử
Cũng giống như sưu tầm tranh, những bức tranh lâu đời, có bề dày gắn liền với một sự kiện lịch sử nào đó thường ngày càng có giá trị. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là CryptoPunks - bộ sưu tập khởi đầu cho phong trào CryptoArt. Hãy tưởng tượng sau nhiều năm nữa khi thị trường lớn dần và tiến vào Mass-Adoption, bạn sở hữu một NFT lâu đời nhất trong thị trường thì chắc chắn nó sẽ rất khác biệt so với một NFT mới được mint ngày hôm qua.
Đội ngũ dự án (Team)
Để đánh giá một dự án NFT thì đội ngũ dự án là một phần cực kì quan trọng và không thể bỏ qua. Nếu một dự án thiếu một đội ngũ mạnh và tận tâm thì thành công của nó có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Một nhóm mạnh sẽ đảm bảo một dự án thực hiện đúng mục tiêu phát triển. Điều này là đặc biệt quan trọng khi xem xét một dự án vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Một nhóm mạnh cũng có thể giúp dự án giành được các đối tác giúp dự án phát triển trong tương lai.
Trong phần đội ngũ sẽ có 2 thành phần đó là: Nhà sáng lập và nghệ sĩ:
- Với nghệ sĩ, họ là linh hồn cho một bộ sưu tập. Hình ảnh trên mỗi NFT có truyền tải được hết thông điệp mà dự án muốn gửi đến công đồng hay không phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người nghệ sĩ.
- Với thành phần thứ hai trong đội ngũ là các nhà sáng lập - người đưa dự án đến với công chúng qua các hoạt động Marketing, truyền thông.
Một dự án NFT cũng có thể công khai đội ngũ của mình hoặc là Team ẩn danh. Với một đội ngũ không công khai danh tính có thể tồn tại một số lí do như: rủi do pháp lí, … Tuy nhiên nếu những nhà sáng lập tin tưởng vào sự thành công của dự án và coi nó là đứa con tinh thần của họ thì không có lí do gì để họ không công khai danh tính của mình.
Với một dự án công khai danh tính đội ngũ, mọi người có thể tìm thông tin dễ dàng trên Website của dự án, Twitter hay Linkedin. Điều này cho phép bạn biết lịch sử hoạt động của các thành viên trong đội ngũ. Họ đã có kinh nghiệm trong thị trường NFT chưa, đã từng thành công với dự án nào chưa, có chuyên môn cần thiết để giúp một dự án mới phát triển hay không.
Ví dụ: CryptoPunks có John Watkinson và Matt Hall. John Watkinson là một nhà khoa học máy tính, nhà phát triển phần mềm và nghệ sĩ. Ông có bằng tiến sĩ. trong Kỹ thuật điện từ Đại học Columbia. Matt Hall là một nhà công nghệ làm việc với web, di động và chuỗi khối.
Cộng đồng (Community)
Bên cạnh một đội ngũ mạnh, một dự án NFT cần một cộng đồng vững chắc và tích cực. Cộng đồng giúp bạn đánh giá số lượng người dùng và người mua tiềm năng mà một dự án NFT có trên thị trường mở. Cộng đồng càng lớn, càng chất lượng thì dự án NFT càng tốt, càng nhiều người nhắc về dự án thì cơ hội đầu tư càng cao.
Tham gia vào các nhóm Discord hoặc Telegram của dự án để xem nội dung thảo luận và thông báo mỗi khi có thông tin mới từ dự án. Điều này có thể giúp bạn kiểm tra mức độ nhiệt tình của các thành viên trong cộng đồng cũng như mức độ tham gia của ban lãnh đạo dự án. Việc tham gia sâu vào các cuộc trò chuyện cũng giúp bạn kiểm tra được mức độ active của các thành viên trong công đồng, tránh được những dự án có lượng follower ảo do chạy các chiến dịch Airdrop.
Ngoài ra trong cộng đồng mà có nhiều KOL ủng hộ cũng là một điểm cộng lớn. Họ có thể là người tình nguyện hoặc được thuê nhưng về cơ bản sức ảnh hưởng của họ sẽ rất có lợi cho dự án ở thời điểm hiện tại và sau này.
Tokenomics
Ngoài những nguyên tắc trên bạn cũng cơ chế khởi chạy và mã thông báo của dự án. Những khía cạnh này có thể ảnh hưởng đến cả việc khởi động dự án cũng như thành công lâu dài sau này. Dưới đây là một số nội dung cần xem xét:
- Nguồn cung: Hãy xem xét số lượng NFT được cung cấp ra thị trường. Về cơ bản một bộ sưu tập nên có từ 10.000 đến 20.000 NFT là phù hợp. Nếu có quá nhiều NFT trôi nổi trên thị trường vô hình chung giảm tính khan hiếm từ đó ảnh hưởng đến giá NFT sau này.
- NFT Allocation: Việc lượng NFT ban đầu được phân bổ cho các nhóm đối tượng như: Team, Partner, whitelist, Allowlist, … cũng vô cùng quan trọng. Chẳng hạn một dự án phát whitelist tràn làn cho cộng đồng, những người chỉ mong muốn đầu cơ bán nhanh sau khi mint mà không giúp ích gì cho dự án thì rất khó để bộ sưu tập thành thành công. Làm theo cách này cũng cho thấy dự án chỉ muốn đẩy hết số whitelist cho cộng đồng mint để lấy tiền, chứ chẳng có kế hoạch đường dài với dự án.
- Utility: Các tiện ích dành cho NFT cũng vô cùng quan trọng giúp người có những lí do khác để nắm giữ NFT thay vì chỉ bởi tính nghệ thuật của NFT. Một số tiện ích có thể kể đến là: Tham gia vào các nhóm riêng và nhận các đặc quyền như tin tức alpha, nhận airdrop hoặc suất mint từ các bộ sưu tập con do dự án phát hành, chia sẻ doanh thu,...
Tài nguyên của dự án
Một dự án có Website, tài liệu dự án, lộ trình (Road Map) rõ ràng và minh bạch cũng là một tín hiệu tốt cho một dự án chất lượng. Điều này thể hiện đội ngũ có những chiến lược tỉ mỉ và tầm nhìn để phát triển một dự án lâu dài.
Một số yếu tố khác để đánh giá một dự án NFT
- Vốn hóa thị trường (Marketcap): Vốn hóa thị trường của một dự án NFT đáng để đánh giá vì nó giúp hiểu được giá trị của NFT. Vốn hóa thị trường cao hơn nghĩa là nhiều người sở hữu NFT hơn và có thể sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua NFT.
- Khối lượng giao dịch (Volume): Khối lượng giao dịch cho thấy mức độ nhộn nhịp của dự án. Một dự án có khối lượng giao dịch cao cho thấy rằng có rất nhiều người đang quan tâm đến NFT của dự án.
- Nhận được sự đầu tư của các quỹ (VC): Khi một dự án nhận được sự đầu tư của các quỹ nổi tiếng giúp đảm bảo độ uy tín của dự án cũng như nhận được sự hỗ trợ của các quỹ cho hoạt động phát triển dự án.
- Hành động giá: Có thể check on - chain hoặc xem đường giá có được những cá voi, Market Maker hỗ trợ bằng những con sóng Pump Dump hay không. Một dự án nếu chỉ dựa vào cộng đồng mà không có những cá voi, Market Maker hỗ trợ thì rất khó để giá của NFT tăng trưởng tốt sau này.
Tổng kết
Trước khi đầu tư vào một dự án NFT hãy tìm hiểu trước về nó. Không có một công thức nào để đảm bảo đầu tư chắc thắng nhưng nếu bạn tìm hiểu trước về dự án thì bạn sẽ tăng tỉ lệ thắng và giảm khả năng rủi do cho khoản đầu tư của mình. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã có những kiến thức bổ ích. Mọi người có thể tham khảo thêm các bài viết khác trong series NFT Panorama 101 tại đây nhé.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Pippin: Từ Memecoin Đến AI Framework Hàng Đầu - January 22, 2025
- Gaia AI Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Gaia AI - January 20, 2025
- Limitus Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Limitus - January 20, 2025