Chúng ta đã và đang mua bán rất nhiều loại token khác nhau trên cả các sàn giao dịch tập trung (CEX) cũng như các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) nhưng chưa chắc mọi người đã biết rằng có thể các token đó được xây dựng cùng một tiêu chuẩn giống nhau. Vậy tiêu chuẩn token là gì? Cùng Hak Research đi tìm kiếm các tiêu chuẩn token phổ biến nhất trong bài viết này.
Tiêu Chuẩn Token Là Gì?
Tiêu chuẩn token (Token Standards) là một quy chuẩn được sử dụng trong công nghệ blockchain để đảm bảo tính đồng nhất, tương thích và an toàn giữa các ứng dụng khác nhau. Nó quy định cách mà các token được tạo, quản lý và sử dụng trong các hệ thống blockchain, bao gồm các yêu cầu về định dạng, giao thức truyền tải và cơ chế xử lý giao dịch.
Nhìn chung việc các token trong một blockchain sử dụng chung một tiêu chuẩn sẽ giúp các hoạt động giao dịch, trao đổi diễn ra một cách thuận lợi hơn tuy nhiên đây cũng có thể là rào cản để các blockchain giao thoa với nhau.
Tầm Quan Trọng Của Tiêu Chuẩn Token
Tính nhất quán và khả năng tương thích
Tiêu chuẩn Token đảm bảo tính nhất quán và khả năng tương thích giữa các ứng dụng khác nhau trên cùng một nền tảng blockchain. Nó giúp cho các ứng dụng khác nhau có thể giao tiếp và sử dụng các token mà không cần phải thực hiện công đoạn chuyển đổi.
Dễ dàng giao dịch và sử dụng các token
Các token được phát hành cùng một tiêu chuẩn có thể dễ dàng giao dịch và sử dụng trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) mà không cần phải thực hiện công đoạn chuyển đổi. Điều này giảm đi sự phân mảnh thanh khoản của các cặp token từ đó giúp người dùng ít bị trượt giá khi giao dịch trên các nền tảng DEX.
Tránh lỗi phát sinh
Sử dụng các tiêu chuẩn Token giúp đảm bảo rằng các ứng dụng được phát triển đáp ứng các quy tắc chuẩn hóa mà đồng thời tránh lỗi phát sinh do sự khác biệt trong kết nối và tương tác giữa các dApp.
Đây vẫn đang là vấn đề đáng quan ngại khi các cross chain bridge đang cố gắng kết hợp nhiều tiêu chuẩn token khác nhau để luân chuyển tài sản giữa các blockchain từ đó tạo ra nhiều lỗ hỏng bảo mật khiến hacker dễ dàng khai thác.
Các Tiêu Chuẩn Phổ Biến
Tiêu chuẩn ERC-20
Tiêu chuẩn token ERC-20 là một tiêu chuẩn dành cho các token trên blockchain Ethereum. ERC-20 là viết tắt của Ethereum Request for Comment 20, nó được đưa ra bởi Fabian Vogelsteller vào tháng 11 năm 2015. Tiêu chuẩn này định nghĩa các quy tắc về cách mà các token trên blockchain Ethereum nên hoạt động, như khả năng chuyển đổi token, cung cấp thông tin về số lượng token hiện có và khả năng chuyển token cho người dùng khác.
ERC-20 đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết các token trên blockchain Ethereum, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự linh hoạt tương đối giữa các dApp được xây dựng trong hệ sinh thái Ethereum. Với ERC-20, các nhà phát triển không cần phải tạo ra từ đầu các quy tắc cho token của mình thay vào đó họ có thể sử dụng một tiêu chuẩn sẵn có và tích hợp vào mã nguồn của họ.
Một vài đặc điểm quan trọng của tiêu chuẩn token ERC-20 bao gồm:
- Tổng nguồn cung token (Total Supply) được xác định trước và không thể thay đổi sau khi đã phát hành.
- Các token có thể được giao dịch thông qua các sàn giao dịch phi tập trung tiêu chuẩn của Ethereum.
- Các bên thứ ba như ví điện tử và các node không cần phải biết về token cụ thể để tương tác với nó nhờ đó tăng tính tương thích và linh hoạt.
- Mỗi token ERC-20 phải triển khai các hàm tiêu chuẩn nhất định, cho phép các node khác nhau thu thập thông tin về số lượng token hiện có và hỗ trợ truy vấn.
Không chỉ giới hạn ở trên Ethereum, tiêu chuẩn ERC-20 cũng có thể trên các Layer 2 như Arbitrum và Optimism hay các Sidechain như Polygon POS và Ronin Network.
Tiêu chuẩn ERC-721
Tiêu chuẩn token ERC-721 là một tiêu chuẩn chung cho phép tạo ra các hợp đồng thông minh (smart contract) trên nền tảng Ethereum để phát hành các NFT (non-fungible tokens).
Các token ERC-721 được sử dụng như là các tài sản kỹ thuật số không thể thay thế và có tính chất độc nhất. Điều khiến cho các token ERC-721 trở nên độc nhất trên Ethereum là vì mỗi token sẽ có một ID nhất định và không thể thay đổi nó từ lúc phát hành.
Tiêu chuẩn ERC-1155
ERC-1155 là một tiêu chuẩn trên Ethereum được sử dụng để tạo các token tương tự như ERC-20 và ERC-721 nhưng có thể đại diện cho nhiều loại tài sản khác nhau bao gồm cả tài sản có thể thay thế hoặc không thể thay thế. Điều này tạo ra các ứng dụng phong phú hơn đặc biệt trong các dự án Gamefi, Metaverse bao gồm việc phát hành các token có khả năng chứa nhiều tính năng khác nhau như tài sản số trong game và các phiên bản giới hạn của chúng.
Tiêu chuẩn BEP-20
BEP-20 là một tiêu chuẩn phát hành token của mạng lưới BNB Chain để xác định các quy ước cho các token ERC-20 phổ biến trên mạng Ethereum mà được phát triển để có thể sử dụng trên mạng Binance Smart Chain.
Các token BEP-20 sử dụng cùng một địa chỉ giao dịch và ví như ETH và các token ERC-20. Chúng được xác định bởi các thông tin như tên, biểu tượng, số lượng tối đa và mã thông báo (symbol) của token, được lưu trữ trong smart contract.
Tương tự như tiêu chuẩn ERC-20, tiêu chuẩn BEP-20 cũng yêu cầu các token tuân thủ các quy định và hạn chế về quản lý cung cấp, chuyển khoản, sử dụng và lưu trữ token.
Hạn Chế Của Các Tiêu Chuẩn Token
Thông thường thì các token sử dụng chung một tiêu chuẩn sẽ có thể tương tác rất tốt với nhau, tuy nhiên việc này lại rất khó khăn đối với các token khác tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn token khác nhau có thể được chia làm 2 loại như sau:
- Khác tiêu chuẩn trong cùng 1 blockchain, ví dụ điển hình nhất đó chính là ERC-20 và ERC-721 mặc dù được phát hành trên Ethereum lại không thể tương tác với nhau theo các thông thường.
- Khác tiêu chuẩn của các blockchain, có một số cách để giải quyết vấn đề này như việc bọc (Wrapped) token tuy nhiên các vấn đề bảo mật cũng bắt đầu phát sinh từ đây khi các vụ hack liên quan đến những giao thức này gây ra thiệt hại rất lớn.
Tổng Kết
Trên đây là những gì mọi người cần biết để hiểu về tiêu chuẩn token là gì cũng như các tiêu chuẩn token phổ biến hiện nay. Hak Research hy vọng rằng qua bài viết này mọi người sẽ có thể tìm được các thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình nghiên cứu thị trường crypto.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Hướng Dẫn Chạy Node Spheron - October 8, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node 0G Labs (ZeroGravity) - September 2, 2024
- Hướng Dẫn Chạy Node Nillion - August 30, 2024