Mạng xã hội Web3 đang ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là sau sự xuất hiện và bùng nổ của Friend.tech vào giai đoạn tháng 8, tháng 9/2023. Hãy cùng Hak Research khám phá về tương lai của mạng xã hội web3 trong bài viết này nhé.
Trước khi vào bài viết, mọi người có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu hơn nhé.
Mạng Xã Hội Web3 Là Gì?
Sự phổ biến của Friend.tech trong vài tháng qua với lối chơi gán ảnh hưởng của KOL vào giá một lần nữa thu hút sự chú ý và fomo của người dùng trong thị trường. Khi công nghệ Blockchain phát triển, nó đang xác định lại cách chúng ta nghĩ về mạng xã hội và mở ra một loạt các giải pháp sáng tạo. Cho dù đó là Social Finance (SocialFi) hay Decentralized social networking (Desoc) thì mạng xã hội Web3 vẫn đang tích cực khám phá những khả năng mới của mạng xã hội trong tương lai.
Nhìn lại quá trình phát triển của mạng xã hội web2 như Facebook, Instagram, … đã mang đến cho người dùng sự tiện lợi chưa từng có trong việc chia sẻ, tương tác và giao tiếp với mọi người. Nhưng đằng sau sự tiện lợi này lại ẩn chứa một vấn đề nan giải đó là các mạng xã hội web2 thường tập trung dữ liệu, thiếu minh bạch và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Đồng thời các ưu đãi dành cho người sáng tạo cũng tạo ra một vấn đề gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.
Các mạng xã hội Web3 nhấn mạnh đến tính phân cấp, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của người dùng cũng như cơ chế khuyến khích người sáng tạo thông qua nền kinh tế token được xây dựng xoay quanh dự án. Các giao thức và sản phẩm như: Lens Protocol, CyberConnect, Farcaster, Friend.tech,... đã xuất hiện và đang dần thiết lập một hệ sinh thái mạng xã hội phi tập trung, loạt bỏ nhiều vấn đề tồn tại trọng mạng xã hội web2.
Tại Sao Chúng Ta Cần Mạng Xã Hội Web3?
Câu trả lời này đã được đề cập một phần ở trên nhưng trong phần này mình sẽ làm rõ hơn và thêm một số khía cạnh khác về tầm quan trọng của mạng xã hội web3, cùng tìm hiểu nhé.
Bản chất tương tác xã hội không thay đổi theo sự phát triển của lịch sử
Đa số mọi người đều có xu hướng nghĩ rằng truyền thông xã hội là một khái niệm mới ra đời cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ kĩ thuật số. Tuy nhiên trên thực tế thì con người luôn hòa nhập và giao tiếp xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau từ bức thư cổ xưa đến mạng xã hội hiện đại nhưng bản chất mạng xã hội vẫn không thay đổi nhưng hình thức và công cụ kĩ thuật số của nó vẫn tiếp tục phát triển theo thời gian.
Phương tiện truyền thông là một phần mở rộng của bản chất con người và là cách chúng ta không ngừng tìm kiếm các kết nối và giao tiếp mới. Khi quan sát các giai đoạn lịch sử, công nghệ đã tác động đáng kể đến sự phát triển và tiến hóa của truyền thông xã hội và là động lực quan trọng của sự thay đổi:
- Vào thời kì truyền thông cổ đại: Thư từ, dịch vụ bưu chính, …. là các phương tiện truyền thông chính. Với việc phát minh ra máy in, sách báo đã trở thành công cụ chính để phổ biến thông tin, nhưng phạm vi xã hội bị giới hạn bởi địa lý và tốc độ truyền thông.
- Vào thời kì điện báo và điện thoại: Từ cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, sự xuất hiện của điện báo đã rút ngắn thời gian truyền tải thông tin, sự phổ biến của điện thoại đã thay đổi cách thức liên lạc đường dài vì vậy con người có thể trao đổi thông tin nhanh hơn.
- Kỷ nguyên phát thanh và truyền hình: Các phương tiện truyền thông phát thanh và truyền hình trong thế kỉ 20 đã thay đổi truyền thông đại chúng, cho phép thông tin được phổ biến rộng rãi hơn và định hình nhận thức về văn hóa, chính trị và xã hội.
- Kỷ nguyên của Internet và Web1.0: Từ những năm 1990 đến 2000 thì với sự xuất hiện của Internet giúp thông tin được phổ biến rộng rãi và tức thời hơn. Trong thời đại của Web1.0 chỉ bao gồm các trang web tĩnh, nội dung chỉ được truyền tải một chiều và người dùng không thể tích cực tham gia sáng tạo nội dung.
- Web2.0 và sự trỗi dậy của truyền thông xã hội: Từ giữa những năm 2000 đến nay thì với sự phát triển của Web2 thì nhiều nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện chẳng hạn như: Facebook, Twitter và Youtube. Các nền tảng này cung cấp nhiều nội dung và chức năng xã hội do người dùng tạo hơn, trở thành công cụ chính để mọi người giao tiếp, chia sẻ và tương tác hàng ngày.
- Web3 và mạng xã hội phi tập trung: Gần đây với sự phát triển của Blockchain và tiền điện tử thì các nền tảng mạng xã hội web3 đã xuất hiện, chú ý nhiều hơn đến tính phân cấp, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng.
Qua đây chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy con người đã có nhu cầu xã hội từ xa xưa. Nhưng nhìn vào bản chất của nó thì cho dù đó là giao tiếp xã hội trực tiếp, chuyển thư bằng chim bồ câu hay chuyển cho người khác bằng cách khắc thông tin lên phiến đá thì bản chất nhu cầu tương tác của con người không thay đổi nhiều theo sự phát triển của thời đại.
Mạng xã hội Web2: Giải quyết nhu cầu nhanh, tốt và tiết kiệm
Sau giữa những năm 2000, mạng xã hội Web2 bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Facebook trở thành người tiên phong, cung cấp cho người dùng khả năng chia sẻ thông tin, ảnh, video, cập nhật trạng thái, v.v., đồng thời cho phép người dùng xây dựng mạng xã hội. Sau đó, nhiều nền tảng xã hội khác nhau như Twitter, YouTube và LinkedIn lần lượt xuất hiện.
Mỗi nền tảng đều có các tính năng và chức năng khác nhau chẳng hạn như Twitter là nơi để thảo luận các thông tin quan trọng, youtube với tư cách là nền tảng chia sẻ video hay Instagram với chức năng chia sẻ hình ảnh mạnh mẽ và tương tác xã hội. Tất cả đều nhấn mạnh sự tham gia và tương tác của người dùng.
Trang web thay đổi từ hiển thị thông tin tĩnh sang một trang web động và tương tác hơn, cho phép người dùng tạo và chia sẻ nội dung từ văn bản và hình ảnh đơn giản đến video, blog và hồ sơ. Với sự phát triển của Internet và sự phổ biến của điện thoại thông minh, mọi người có thể truy cập các nền tảng truyền thông xã hội mọi lúc, mọi nơi, điều này đã thúc đẩy sự tiện lợi và tần suất của các hoạt động xã hội.
Với sự gia tăng lớn về số lượng người dùng thì mạng xã hội dần trở thành một nền tảng chính cho hoạt động kinh doanh và quảng cáo, các thương hiệu cũng sử dụng mạng xã hội để thu hút người dùng và quảng bá sản phẩm.
Một số vấn đề gặp phải của mạng xã hội web2
Dù mang đến nhiều tiện ích là vậy nhưng mạng xã hội web2 cũng mang đến một số vấn đề với cốt lõi là quyền sở hữu và tập trung dữ liệu.
Đầu tiên là về quyền sở hữu dữ liệu: Trong các nền tảng mạng xã hội web2 thì dữ liệu của người dùng không thuộc về chính họ mà thuộc về nền tảng. Điều này dẫn đến một số vấn đề sau:
- Rò rỉ quyền riêng tư: Dữ liệu người dùng được thu thập và sử dụng với số lượng lớn dẫn đến nguy cơ rò rỉ quyền riêng tư cá nhân. Các nền tảng có thể lạm dụng dữ liệu hoặc bán cho bên thứ ba để thu lợi bất chính về cho bản thân mình.
- Giá trị không phản hồi lại cho người dùng: Dữ liệu của người dùng cho phép các nền tảng mạng xã hội tận dụng để thực hiện các hoạt động quảng cáo, tiếp thị nhưng người dùng không được hưởng bất kì lợi ích nào từ việc này.
- Không thể đa nền tảng: Vì dữ liệu của người dùng thuộc về nền tảng chứ không phải chính họ nên nếu muốn sử dụng một nền tảng mạng xã hội khác thì người dùng lại phải bắt đầu lại bằng con số 0.
Thứ hai là dữ liệu bị tập trung hóa lưu trữ trên các máy chủ tập trung nên quyền tự do ngôn luận không thể được thực hiện ở một số quốc gia do ảnh hưởng từ các yếu tố như chính trị, văn hóa,... Ngoài ra việc lưu trữ trên các máy chủ tập trung dễ dẫn đến nguy cơ bị hack và mất toàn bộ dữ liệu.
Toàn Cảnh Hệ Sinh Thái Mạng Xã Hội Web3
Đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau trong mạng xã hội web2 thì các dự án mạng xã hội web3 bắt đầu được khám phá từ nhiều khía cạnh từ lớp giao thức đến lớp ứng dụng.
Từ góc độ toàn cảnh ngành thì mạng xã hội web3 được chia làm 4 phần bao gồm: Lớp giao thức, lớp ứng dụng, lớp Blockchain và lớp lưu trữ. Trong đó lớp Blockchain cung cấp các L1 tùy chỉnh dành cho các dự án lớp ứng dụng vì chúng yêu cầu TPS cũng như các chức năng lưu trữ và lập chỉ mục nhanh hơn, lớp dữ liệu dùng để lưu trữ dữ liệu liên quan đến xã hội và cuối cùng là lớp giao thức cung cấp cơ sở hạ tầng giúp lớp ứng dụng phát triển.
Các mảnh ghép này kết hợp với nhau một cách hoàn hảo mang đến một hệ sinh thái rộng lớn mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho người dùng, chẳng hạn như:
Giá trị dữ liệu được phản hồi lại cho người dùng
Trong các nền tảng mạng xã hội truyền thống, dữ liệu người dùng được coi là tài sản nền tảng chứ không phải tài sản riêng của người dùng. Các nền tảng mạng xã hội web3 đang cố gắng phá vỡ mô hình này thông qua các phương pháp khác nhau như nền kinh tế dựa trên token và sử dụng NFT để mã hóa dữ liệu. Chúng ta có thể kể đến một số dự án phổ biến như:
1. Lens Protocol - một giao thức Social Graph phi tập trung được thành lập bởi đội ngũ phát triển đằng sau dự án Lending nổi tiếng Aave và được ra mắt vào ngày 08/02/2022 trên Polygon. Tính năng lớn nhất của nó là tất cả dữ liệu do người dùng sở hữu bao gồm thông tin cá nhân, xuất bản nội dung, chia sẻ và nhận xét cũng như mối quan hệ xã hội được lưu trữ dưới dạng NFT.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng ứng dụng được xây dựng trên hệ sinh thái của Lens Protocol đã vượt quá 200 và tổng số lượng người dùng trên Lens đã chạm ngưỡng gần 130.000 người dùng. Trong đó số lượng người dùng hoạt động hàng tháng đã vượt quá 60.000 người vào lúc cao điểm tháng 03/2023. Ở thời điểm hiện tại, số lượng người dùng hàng tháng đã giảm mạnh và duy trì quanh mức 10k người dùng.
Dựa trên giao thức Lens thì nhiều sản phẩm thú vị đã ra đời chẳng hạn như Hey trước đây là Lenster và Phaver. Trong số đó thì Hey giống với X về mặt chức năng và trải nghiệm tương tác, có thể hiểu nôm na là phiên bản phi tập trung của X.
Còn đối với mô hình của Phaver là sử dụng mô hình token để cam kết nội dung chất lượng cao, nếu có nhiều người cam kết thì nội dung cam kết sẽ được thưởng. Tương tư, phần thưởng cam kết cũng vậy sẽ được chia cho những người sáng tạo nội dung. Ngoài ra, để ngăn người dùng cam kết những nội dung vốn đã phổ biến thì phần thưởng cho các bài viết như vậy sẽ giảm đi từ đó thúc đẩy người dùng sớm khám phá nội dung mới.
2. Friend.tech - một dự án SocialFi mới bùng nổ cách đây chưa lâu, khối lượng giao dịch tích lũy hiện tại của nó đã đạt 12.48 triệu USD với khối lượng giao dịch trong một ngày cao nhất đạt 530.000 USD được thiết lập vào ngày 13/09/2023.
Dự án Friend.tech về cơ bản sẽ mã hóa ảnh hưởng cá nhân để thực hiện hóa nền kinh tế người hâm mộ:
- Từ góc độ người hâm mộ, những người theo dõi có thể mua Key của các KOL nổi tiếng trên Friend.tech để họ có thể tham gia nhóm trò chuyện riêng tư của KOL và trò chuyện với KOL mà họ theo dõi. Mặt khác nếu nhiều người mua Key thì giá sẽ tăng lên vì vậy người dùng có cơ hội đầu cơ tăng giá.
- Dưới góc độ của KOL, mỗi khi có người dùng giao dịch thì 10% phí sẽ được áp dụng trong đó 5% phí sẽ dành cho KOL. Do đó, KOL sẽ có những ưu đãi tài chính sau khi mở rộng tầm ảnh hưởng và có nhiều người mua Key của mình hơn.
Sự phổ biến của Friend.tech trong tháng 8 và tháng 9 cũng làm giấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trong cộng đồng tiền điện tử và đã thu hút được rất nhiều người dùng tham gia vào dự án.
Chống lại sự kiểm duyệt
Ngoài các ưu đãi về giá trị dữ liệu, khả năng chống kiểm duyệt cũng là trọng tâm rất quan trọng đối với các dự án web3 ở thời điểm hiện tại. Các nền tảng mạng xã hội Web2 truyền thống thường bị chịu sự quản lí tập trung và có nhiều hạn chế khác nhau về kiểm duyệt nội dung, quyền tự do ngôn luận.
Mạng xã hội web3 có xu hướng phân cấp, giảm sự phụ thuộc vào nền tảng, giảm nguy cơ kiểm duyệt đồng thời thúc đẩy quyền tự do ngôn luận cởi mở hơn và dự án điển hình phải kể đến là Farcaster.
Farcaster là một giao thức mạng xã hội phi tập trung dành cho các nhà phát triển các ứng dụng xã hội lấy người dùng làm trung tâm. Những người sáng lập là Dan và Varun trước đây đều là giám đốc điều hành cấp cao tại Coinbase, ngoài ra Farcaster còn được hỗ trợ và sử dụng của Vitalik.
Với Farcaster thì chúng ta sẽ thấy hai tính năng nổi bật:
- Danh tính phi tập trung: Farcaster lưu trữ thông tin danh tính người dùng trên chuỗi để đảm bảo tính phân cấp danh tính của người dùng. Tương tự như Lens, dữ liệu được liên kết với danh tính của người dùng nên có thể tự do di chuyển giữa các dApp mà không phải gặp phải ảnh hưởng gì.
- Kết hợp onchain và offchain để cải thiện trải nghiệm của người dùng: Ngoài thông tin nhận dạng thì Farcaster còn lưu trữ dữ liệu tần số cao như nội dung được xuất bản của người dùng và dữ liệu người dùng tương tác trong Farcaster theo hình thức offchain để đạt được hiệu suất truyền tải dữ liệu nhanh chóng, mang đến trải nghiệm tốt dành cho người dùng.
Bối cảnh mạng xã hội bản địa do web3 mang lại
Ngoài hai mục đích cốt lõi là cung cấp giá trị cốt lõi cho người dùng và khả năng chống kiểm duyệt thì công nghệ Blockchain còn mang lại một số bản sắc riêng dành cho mạng xã hội web3. Một số dự án có thể kể đến là DeBox - một nền dành cho trò chuyện nhóm.
Trong các ứng dụng trò chuyện nhóm truyền thống thì khó có thể tránh việc trà trộn của những người khác vào nhóm, điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của nhiều kẻ lừa đảo. Chức năng trò chuyện nhóm của Debox có thể được thiết lập để các thành viên sở hữu NFT hoặc token cụ thể và đạt được số tiền nhất định mới có thể tham gia cộng đồng.
Theo dữ liệu chính thức được công bố vào tháng 8 năm nay thì DeBox đã có hơn 1.1 triệu người dùng đã đăng kí và số lượng người dùng đăng nhập đã vượt quá 13 triệu người.
Ngoài DeBox thì còn rất nhiều dự án khác tham gia vào lĩnh vực mạng xã hội dưới nhiều góc độ khác nhau chẳng hạn như dự án CyberConnect tập trung vào xây dựng Social Graph của người dùng và Link3 là sản phẩm mũi nhọn để theo dõi các hoạt động onchain và offchain của người dùng. Sự xuất hiện của các dự án này phản ánh sự đa dạng và đổi mới của các dự án mạng xã hội web3. Cùng với bối cảnh gốc của Web3 thì họ đang cố gắng giải quyết các khía cạnh khác nhau của nhu cầu xã hội và xây dựng các lĩnh vực đa dạng hơn.
Tại Sao Mạng Xã Hội Web3 Không Nhận Được Nhiều Sự Chú Ý So Với Các Mảng Khác
Như đã đề cập ở trên, với sự phát triển của công nghệ Blockchain thì nhiều dự án mạng xã hội web3 đã cố gắng tạo ra các giải pháp mới để mang lại giá trị dữ liệu trở lại với người dùng, chống lại sự kiểm duyệt và giải quyết các tình huống xã hội cụ thể.
Tuy nhiên nhìn chung tình trạng vẫn tương đối ì ạch, thậm chí có vài dự án bùng nổ sau một thời gian cũng sớm chìm vào im lặng. Mạng xã hội web3 chưa được ứng dụng rộng rãi, những hạn chế và thách thức đằng sau nó có thể tóm tắt như sau:
Sự đánh đổi giữa phân cấp và trải nghiệm người dùng
Một trong những thách thức lớn nhất mà các dự án mạng xã hội web3 gặp phải đó là vấn đề trải nghiệm người dùng. Một mặt, giao diện người dùng và hầu hết các ứng dụng mạng xã hội web3 còn tương đối phức tạp so với các nền tảng mạng xã hội web2 truyền thống.
Mặt khác cũng có sự mâu thuẫn tự nhiên giữa phân cấp và hiệu quả, nếu tất cả hành vi và dữ liệu cần được tải lên chuỗi thì con đường vận hành và trải nghiệm người dùng cũng bị kéo dài do áp lực về chi phí và tốc độ. Vì vậy vẫn còn một chặng đường khá dài để đạt được sự đánh đổi không chỉ thỏa mãn trải nghiệm người dùng mà còn giải quyết được nhu cầu trong thực tế.
Giá trị thay thế của các nền tảng mạng xã hội là rất cao
Trong các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay như: Facebook, Twitter,... thì việc từ bỏ một nền tảng và chuyển sang nền tảng khác là rất khó khăn vì cần phải tốn thời gian, công sức để thiết lập lại danh tiếng cũng như các mối quan hệ xã hội cũ.
Chúng ta sẽ có một công thức như sau: Giá trị sản phẩm mới = (Trải nghiệm mới - trải nghiệm cũ) - Chi phí thay thế. Vì chi phí thay thế như mình nói ở trên là rất cao đối với các nền tảng mạng xã hội vì vậy nếu các dự án mạng xã hội web3 chỉ sao chép các dự án web2 và thêm một chút yếu tố phi tập trung thì sẽ rất khó thu hút người dùng di chuyển đến.
Vì vậy, nếu các ứng dụng mạng xã hội web3 muốn thu hút người dùng hoặc trở thành ứng dụng quy mô lớn thì cần phải có nhiều đổi mới hơn trong trải nghiệm kết hợp với nhiều lối chơi khác nhau để đáp ứng nhu cầu tạo ra sự khác biệt so với các nền tảng mạng xã hội hiện có.
Mục đích của người dùng khi tham gia vào Crypto
Theo thống kê các vòng gọi vốn trong quý 3/2023 do Messari cung cấp thì nguồn vốn tài trợ cho các dự án mạng xã hội là khoảng 10 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 200 triệu USD của Defi và 150 triệu USD của GameFi. Xét về mặt số lượng dự án được tài trợ thì chỉ có 6 dành cho các dự án web3 Social, ít hơn nhiều so với con số 67 của Defi và 25 của GameFi. Lí do đằng sau điều này có lẽ xuất phát chủ yếu từ mục tiêu của người dùng tham gia vào Crypto là kiếm tiền và làm giàu nhanh.
Trong khi đa phần các dự án mạng xã hội đều không được xây dựng với mô hình Ponzi, phục vụ mục đích làm giàu nhanh vì nếu xây dựng theo mô hình đó thì rất khó để tồn tại lâu dài. Vì vậy làm thế nào để thu hút được người dùng thực sự là một hành trình đòi hỏi sự tìm tòi lâu dài cho các dự án mạng xã hội Web3.
Tổng kết
Mạng xã hội là nhu cầu cấp thiết của tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ. Trong web2 thì mạng xã hội đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Các dự án mạng xã hội web3 ra đời để giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng ở web2 nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút lượng lớn người dùng ở thời điểm hiện tại. Trên đây là tất cả thông tin mà mình cung cấp trong bài viết này, hi vọng mọi người đã có những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích OpenSea: Nhìn Lại Chặng Đường Thăng Trầm Của NFT Marketplace Hàng Đầu - September 19, 2024
- Hermans Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Hermans - September 18, 2024
- Based Ape Gang Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Based Ape Gang - September 17, 2024