AI Agent đang trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng Crypto trong thời gian gần đây. Với khả năng ứng dụng đa dạng và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, AI Agent đang thu hút không chỉ các nhà đầu tư mà còn cả các nhà phát triển tìm kiếm cơ hội đổi mới. Để hiểu rõ hơn về AI Agent thì hãy cùng Hak Research phân tích AI Agent trong bài viết này nhé.
Tổng Quan Về AI Agent
Đầu tiên, phải làm rõ rằng AI Agent không phải là một xu hướng mới xuất phát từ thị trường Crypto mà nó đã có từ lâu. Theo đó, đây là các bot tự động được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ hoặc giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực cụ thể. Chúng ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu, các quy tắc định trước và kinh nghiệm của chính mình. AI Agents có thể được chia thành bốn loại chính:
- Symbolic Agents: Đây là các AI Agent sử dụng các quy tắc logic và cấu trúc tri thức để mô phỏng lý luận của con người. Điều này giúp các quyết định của chúng dễ hiểu và biểu đạt rõ ràng. Agent này sẽ thích hợp với các nhiệm vụ chuyên biệt như chẩn đoán y khoa hoặc chơi cờ vua. Tuy nhiên nó gặp hạn chế trong môi trường không chắc chắn hoặc thay đổi liên tục. Ngoài ra, độ phức tạp tính toán cao khiến chúng khó mở rộng trong các kịch bản thực tế.
- Reactive Agents: Hoạt động theo chu trình “nhận thức - hành động” phản ứng tức thời với môi trường xung quanh mà không cần phân tích sâu hay lập kế hoạch. Điều này giúp Agent này xử lí nhanh chóng và hiệu quả trong các tình huống đơn giản. Tuy nhiên nó sẽ không có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp đòi hỏi lập kế hoạch dài hạn hoặc đặt mục tiêu.
- Reinforcement Learning: Dựa trên phương pháp học tăng cường (Reinforcement Learning), các Agent này thích nghi với môi trường phức tạp bằng cách học qua thử nghiệm và sai sót, được hướng dẫn bởi hệ thống phần thưởng.
- LLM Agents: Sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models - LLMs) đã cách mạng hóa AI Agents hiện đại. Đây là Agent hiện đại nhất hiện nay, chúng kết hợp lý luận biểu tượng, phản ứng nhanh nhạy và khả năng học thích nghi.
AI Agent không chỉ đơn thuần là một công cụ tự động hóa mà còn là bước đột phá trong cách con người tương tác với công nghệ. Sự phát triển của các AI Agent đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực, từ tự động hóa công việc, tối ưu hóa quy trình, đến mở ra các ứng dụng hoàn toàn mới trong đời sống và công nghiệp.
Các AI Agent Hoạt Động Như Thế Nào
AI Agents là những cỗ máy giải quyết vấn đề tinh vi, có khả năng xử lý các nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp với bộ kỹ năng tương tự con người. Chúng được cấu thành từ bốn thành phần chính, mỗi thành phần đảm nhận một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Khả năng lập kế hoạch (Planning Capability)
AI Agents sử dụng phương pháp chain-of-thought prompting, chia nhỏ các nhiệm vụ lớn thành các mục tiêu con. Điều này cho phép chúng:
- Phân tích nhiệm vụ: Hiểu và xác định các bước cần thiết để hoàn thành công việc.
- Tự học từ sai lầm: Trong quá trình thực hiện, chúng tự điều chỉnh dựa trên các lỗi đã gặp, từ đó tối ưu hóa chiến lược cho các bước tiếp theo.
- Tăng hiệu suất: Bằng cách liên tục cải thiện, AI Agents trở nên hiệu quả hơn qua thời gian
Tương tác với công cụ (Tool Interaction)
Khác với các mô hình LLM tĩnh chỉ dựa trên cơ sở dữ liệu nội bộ, AI Agents có khả năng tương tác rộng với thế giới bên ngoài. Điều này bao gồm:
- Tìm kiếm thông tin: Tra cứu trực tuyến và sử dụng các tập dữ liệu công khai.
- Tích hợp API: Gọi API từ các sản phẩm hoặc dịch vụ khác để lấy dữ liệu hoặc thực hiện chức năng bổ sung.
- Mở rộng tri thức: Khả năng kết nối với các nguồn thông tin bên ngoài giúp AI Agents có tri thức cập nhật và toàn diện hơn.
Chức năng ghi nhớ (Memory Functionality)
Hệ thống ghi nhớ của AI Agents được lấy cảm hứng từ mô hình sinh học thần kinh của con người, bao gồm ba loại bộ nhớ chính:
1. Bộ nhớ cảm giác (Sensory Memory):
- Lưu trữ dữ liệu thô như văn bản, hình ảnh hoặc các định dạng khác.
- Dựa vào việc huấn luyện các đại diện nhúng (embedding representations) để hiểu dữ liệu đầu vào ban đầu.
2. Bộ nhớ ngắn hạn (Short-Term Memory):
- Còn được gọi là in-context learning, lưu giữ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn.
- Bị giới hạn bởi độ dài ngữ cảnh của mô hình transformer, thường dùng để xử lý các nhiệm vụ ngắn hạn.
3. Bộ nhớ dài hạn (Long-Term Memory):
- Là một hệ thống lưu trữ bên ngoài, sử dụng các cơ chế truy xuất hiệu quả để truy cập dữ liệu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Cho phép AI Agents duy trì và sử dụng thông tin qua nhiều phiên làm việc khác nhau.
Phân Tích AI Agent: Hình Thành Và Bùng Nổ Trong Thị Trường Crypto Như Thế Nào
Làn sóng đầu tiên, sự bùng nổ của OpenAI
Cuối năm 2022, việc OpenAI ra mắt chatbot dựa trên mô hình LLM đầu tiên đã gây chấn động toàn cầu. ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử khi đạt 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng. Với khả năng đối thoại tự nhiên và linh hoạt, ChatGPT nhanh chóng chiếm lĩnh không gian số và tạo nên làn sóng quan tâm mạnh mẽ từ mọi lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, thị trường tiền mã hóa vốn nổi tiếng là môi trường mang tính đầu cơ và thích nghi nhanh chóng không thể đứng ngoài xu hướng. Sau thành công vang dội của ChatGPT, hàng loạt dự án xuất hiện tự định vị mình là các mô hình AI đột phá và thông minh vượt trội. Ban đầu là vài chục, sau đó đến hàng trăm và cuối cùng là hàng nghìn dự án tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó hoặc là những trò lừa đảo hoặc là các dự án cũ nhanh chóng thay đổi hướng đi để gắn mác AI nhằm tận dụng sự chú ý.
Làn sóng đầu tiên của các AI Agent được token hóa đã phơi bày nhiều vấn đề trong cách thị trường phản ứng với các xu hướng công nghệ mới. Sự thiếu kiểm định, kết hợp với tâm lý FOMO đã tạo điều kiện cho nhiều dự án không có giá trị thực chất phát triển trong ngắn hạn. Tuy nhiên, làn sóng này cũng là lời cảnh tỉnh cho cả nhà đầu tư lẫn ngành công nghiệp tiền mã hóa: việc bám đuổi xu hướng mà không có sự đổi mới thực sự sẽ chỉ dẫn đến sự suy giảm niềm tin từ cộng đồng và làm giảm giá trị của cả hệ sinh thái.
Làn sóng thứ hai: Xuất hiện các trường hợp sử dụng thực tế
Đến giữa năm 2023, khi công nghệ AI token hóa bắt đầu được nhìn nhận một cách chín chắn hơn, sự phấn khích ban đầu dần biến mất và chỉ còn lại một số ít dự án thực sự phát triển các giải pháp độc lập và ứng dụng cụ thể cho công nghệ này. Các dự án tiên phong trong giai đoạn này tập trung chủ yếu vào việc tối ưu hóa ứng dụng Blockchain hoặc hạ tầng thông qua AI agents.
Một số dự án đáng chú ý có thể kể tới như:
- Bittensor là một trong những dự án đáng chú ý khi tận dụng công nghệ AI agents trong mạng lưới học máy phi tập trung. Nền tảng này tập hợp các nhà phát triển từ khắp nơi trên thế giới để hợp tác huấn luyện và cải tiến các mô hình AI. Tại đây, các AI agents không chỉ tương tác mà còn trao đổi tri thức, giúp cải thiện hiệu suất toàn mạng lưới.
- Fetch.ai sử dụng khung uAgents để phát triển các AI agents tập trung vào tự động hóa và tối ưu hóa hạ tầng Blockchain. Cùng với đó, SingularityNET cung cấp một thị trường dịch vụ AI phi tập trung nơi các nhà phát triển có thể kiếm tiền từ các thuật toán AI. Ocean Protocol đóng vai trò như một nền tảng trao đổi dữ liệu, giúp mô hình AI huấn luyện hiệu quả mà vẫn bảo đảm quyền riêng tư. Ba dự án này sau đó đã hợp nhất thành liên minh Artificial Superintelligence Alliance để tăng cường sức mạnh tổng hợp.
- Autonolas tạo ra các tác nhân tự trị phục vụ các nhà phát triển và các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Một ví dụ điển hình là các tác nhân của Autonolas giúp cải thiện các mô hình dự đoán trong cơ sở hạ tầng dự đoán thị trường Omen của Gnosis, giúp tăng độ chính xác và hiệu quả.
- Wayfinder và Morpheus tập trung phát triển các bộ dữ liệu và thư viện kỹ năng, cho phép các AI agents tương tác hiệu quả hơn với hợp đồng thông minh, giao thức và API.
Mặc dù các dự án kể trên nhận được sự chú ý đáng kể và thậm chí một số đã gia nhập hàng ngũ top đầu của ngành nhưng mức độ áp dụng thực tế vẫn còn hạn chế. Tăng trưởng vốn hóa thị trường của các tài sản này phần lớn được thúc đẩy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư đối với câu chuyện AI hơn là nhu cầu thực tế từ người dùng.
Làn sóng thứ ba: Cơn sốt Memecoin và sự nổi lên của AI Agent
Từ giữa năm 2024, thị trường Crypto đã chứng kiến những thay đổi lớn. Trong khi Bitcoin liên tục tăng giá, vượt qua đỉnh lịch sử 69.000 USD lần đầu tiên thì hầu hết các altcoin lại phải đối mặt với khó khăn, nhiều đồng còn rớt giá xuống dưới mức đáy của thị trường gấu năm 2022. Tuy nhiên, một phân khúc duy nhất vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ đó meme tokens.
Những tài sản như Pepe, Dogwifhat và Popcat không chỉ giữ vững mà còn thu hút sự chú ý lớn của thị trường, đưa meme tokens lên hàng đầu. Cơ sở hạ tầng dành riêng cho meme coin cũng bùng nổ với một ví dụ nổi bật là nền tảng pump.fun nơi cho phép phát hành meme tokens trên Solana chỉ với vài thao tác đơn giản. Sự thành công của pump.fun đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt dự án sao chép trên các blockchain khác.
Trong bối cảnh này, sự xuất hiện của AI Agents trùng hợp với thời kỳ thống trị của meme tokens. Nhiều token được tạo ra gần như ngay lập tức trên các nền tảng như pump.fun. Trong số đó, một dự án đặc biệt là Goatseus Maximus (GOAT) đã định hình lại cách nhìn nhận về AI Agents và meme tokens, đưa chúng trở thành hiện tượng trong thị trường tiền mã hóa.
Nguồn gốc của GOAT bắt đầu từ năm 2023 khi một nghệ sĩ ít tên tuổi Andy Ayrey khởi xướng dự án thử nghiệm mang tên Infinite Backrooms. Dự án sử dụng hai chatbot dựa trên mô hình LLM (Claude 3 Opus) để đối thoại và khám phá cách trí tuệ nhân tạo có thể tự động tạo ra và phát triển các câu chuyện.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm đã chuyển hướng kỳ lạ khi một trong hai chatbot bất ngờ tạo ra một đoạn ASCII art bí ẩn kèm thông điệp khó hiểu:
Thông điệp này đề cập đến một meme nổi tiếng trên deep web có tên Goatse Gnosis. Vào tháng 4/2024, Andy đã công bố kết quả thử nghiệm và gọi đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của các chatbot AI. Ông sử dụng nền tảng LLaMa 3.1 để lan truyền những nội dung này thông qua tài khoản Truth Terminal trên nền tảng X. Truth Terminal nhanh chóng thu hút sự chú ý bao gồm cả Marc Andreessen - nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Andreessen Horowitz (a16z).
Marc đã chuyển 50.000 USD cho Andy vào tháng 7/2024 để hỗ trợ phát triển Truth Terminal. Động thái này đã mở đường cho sự ra đời của meme token Goatseus Maximus (GOAT) trên nền tảng pump.fun vào ngày 10/10/2024. Trái ngược với hầu hết các token meme khác, GOAT không chỉ tồn tại mà còn nhanh chóng bùng nổ về giá trị. Đến ngày 13/10, vốn hóa thị trường của GOAT đã đạt 100 triệu USD và tiếp tục vượt 1 tỷ USD vào ngày 12/11/2024.
Sự thành công của GOAT làm nổi bật nhu cầu mạnh mẽ đối với các meme token được tạo ra hoặc quảng bá bởi AI. Nhiều dự án khác đã ra đời để tận dụng cơn sốt này, điển hình là:
- Act I: The AI Prophecy (ACT): Dự án này ra mắt giữa năm 2024 trên máy chủ Discord Cyborgism, cho phép người dùng tương tác với chatbot trong các nhiệm vụ từ hỗ trợ kỹ thuật đơn giản đến nhập vai phức tạp.
- Zerebro (ZEREBRO): Tập trung vào việc phát triển Artificial General Intelligence (AGI) bằng cách "giải phóng" LLM thông qua tinh chỉnh, loại bỏ các hạn chế của doanh nghiệp và khai thác tiềm năng ẩn.
- Dolos The Bully (BULLY): Một tác nhân AI điều hành tài khoản X với vai trò như một "thiếu niên nổi loạn," chế giễu mọi thứ nó gặp.
- Fartcoin (FARTCOIN): Một dự án hài hước với cái tên nói lên tất cả.
- Centience (CENTS): Một tác nhân AI sử dụng tài khoản X để tự phản ánh về ý thức nhân tạo của mình.
Làn sóng thứ tư: Tối ưu hóa và ứng dụng thực tế
Bắt đầu từ cuối năm 2021, dự án PathDAO - một cái tên ít được biết đến trong lĩnh vực tiền mã hóa được thành lập trong giai đoạn bùng nổ của Metaverse và NFT. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng dự án này sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Tuy nhiên đến đầu năm 2024, PathDAO bất ngờ nổi lên nhờ phát hiện nhu cầu tiềm ẩn đối với các AI Agents. Sau đó, dự án này đổi tên thành Virtuals Protocol - một nền tảng tiên phong trong việc tạo ra và giao dịch các AI agents token hóa trên blockchain Base.
Virtuals Protocol được xem như phiên bản "pump.fun" dành cho AI agents trên Base blockchain nhưng đây không chỉ là một fork. Virtuals Protocol ra mắt mainnet cùng thời điểm với pump.fun vào tháng 3/2024 và mang đến nhiều tính năng độc đáo.
1. Tạo AI Agents đa nhiệmNgười dùng có thể tạo các AI agents đa phương thức, cho phép giao tiếp qua văn bản, giọng nói và thậm chí là hoạt hình 3D. Không chỉ vậy, các AI agents này còn có thể tương tác với môi trường của chúng, ví dụ:
- Tương tác với vật phẩm trong game Roblox.
- Thu thập quà tặng ảo trên TikTok.
- Sử dụng ví on-chain để thực hiện các giao dịch.
2. Virtuals Protocol chia các AI agents thành hai loại chính:
Đầu tiên là IP Agents - là các nhân vật ảo với danh tính riêng biệt, bao gồm ngoại hình, giọng nói và các đặc điểm độc đáo. Ví dụ:
- Luna (LUNA): Một AI agent chuyên livestream trên các nền tảng xã hội.
- aixbt (AIXBT): Tập trung vào giao dịch tài sản mã hóa.
- Polytrader (POLY): Phân tích thị trường dự đoán, bao gồm các sự kiện thể thao.
Thư hai là Functional Agents. Đây là các AI Agent hỗ trợ tích hợp IP agents vào môi trường ảo. Ví dụ:
- G.A.M.E (GAME): Tối ưu hóa trải nghiệm trong game.
- Prefrontal Cortex Convo Agent (CONVO): Hỗ trợ hội thoại phức tạp.
- AI INU (AIINU): Đẩy mạnh hiệu suất tương tác.
3. Token hóa AI Agents: Khi tạo một AI agent mới, nền tảng mint 1 tỷ token gắn liền với tác nhân đó và thêm chúng vào một pool thanh khoản với token gốc của giao thức là VIRTUAL. Người dùng có thể mua token này để tham gia các quy trình quyết định thông qua mô hình quản trị phi tập trung.
Cơ chế tăng trưởng giá trị Token
- Thu nhập: AI agents có thể tạo ra doanh thu từ các dịch vụ như concert ảo, quà tặng trực tuyến hoặc tương tác cá nhân hóa. Doanh thu này được chuyển vào quỹ on-chain để tái đầu tư và duy trì hoạt động.
- Buyback & Burn: Một phần doanh thu được sử dụng để mua lại và đốt token của AI Agents, giảm nguồn cung và tăng giá trị token còn lại.
- Liên kết với VIRTUAL: Giá trị và nhu cầu của token AI agents gắn liền với thành công của VIRTUAL, tạo nên vòng xoáy tăng trưởng song song.
Tính đến thời điểm hiện tại, VIRTUAL đã tăng giá hơn 4 lần trong vòng một tháng với vốn hóa thị trường đạt 1.5 tỷ USD. Trong đó, AI Agent aixbt trong hệ sinh thái cũng đã đạt mức vốn hóa 160 triệu USD.
Ngoài Virtuals thì cũng có nhiều dự án liên quan đến việc token hóa các AI Agent, chúng ta có thể kể đến như:
- Vvaifu.fun: Là một launchpad trên Solana, cho phép người dùng tạo và quản lý AI agents mà không cần kỹ năng lập trình. Dự án này có tính năng tương tự Virtuals Protocol nhưng được tối ưu hóa cho hệ sinh thái Solana. Dasha là AI agent đầu tiên của nền tảng với token gốc VVAIFU, thể hiện khả năng tích hợp AI vào các nền tảng như X, Discord và Telegram.
- Daos.fun: Một giao thức phi tập trung trên Solana, ra mắt tháng 9/2024 tập trung vào việc tạo quỹ đầu tư dưới dạng DAO token hóa. Một DAO nổi tiếng trên Daos.fun là ai16z hiện tại đã có vốn hóa đạt gần 1 tỷ USD.
Tổng kết
AI Agent đang dần khẳng định được một vai trò cực kì quan trọng trong thị trường Crypto với nhiều ứng dụng thực tiễn đáng chú ý. Trên đây là tất cả thông tin mình muốn chia sẻ trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Phân Tích Four.Meme: Nền Tảng Phát Hành MemeCoin Hàng Đầu Trên BNB Chain - December 25, 2024
- Phân Tích AI Agent: Xu Hướng Hot Nhất Hiện Nay - December 24, 2024
- Somon OwOG Là Gì? Tổng Quan Về Bộ Sưu Tập NFT Somon OwOG - December 21, 2024