Silo Finance là một giao thức Lending & Borrowing chỉ thực sự bước ra ánh sáng khi nhà sáng lập của Curve Finance đã chuyển nợ của mình từ AAVE sang Silo Finance, từ đó giao thức này lên như diều gặp gió. Vậy Silo Finance có điều gì hấp dẫn và thu hút đến như vậy thì mọi người cùng mình tìm hiểu trong Series thứ 7 của chương Hidden Gem này nhé.
Tổng Quan Về Silo Finance
Bối cảnh thị trường & ngành Lending & Borrowing
Silo Finance ra mắt trong hai bối cảnh chính là sự hoạt động vừa hiệu quả và vừa thiếu hiệu quả của các mô hình Lending Pool như AAVE hay Compound, bên cạnh đó là sự nhen nhóm của mô hình Isolated Pool với sự dẫn đầu đến từ Solend trên Solana.
Khi nhìn thị trường Lending & Borrowing tiến từ Lending P2P lên Lending P2Pool thì bài toán liên quan đến thanh khoản đã được giải quyết nhưng nó lại phát sinh ra những vấn đề mới. Với mô hình P2Pool thì tất cả các loại tài sản bao gồm cả thế chấp và vay đều nằm trong cùng một pool. Vấn đề ở đây là sẽ không có gì nếu BTC, ETH, USDC, USDT, DAI nằm chung một pool nhưng nếu muốn thêm một tài sản mới vào thì sao? Tài sản mới chắc chắn sẽ có nhiều rủi ro từ đó dẫn tới việc nếu tài sản đó có vấn đề thì Hacker có thể lấy đi toàn bộ những tài sản ở trong pool.
Nhưng nếu không chấp nhận các tài sản mới thì giao thức Lending P2Pool sẽ bị bó hẹp trong một vài tài sản Bluechip của thị trường, trong bối cảnh hầu hết người dùng đều nắm giữ Altcoin thì làm sao có thể cân bằng lợi ích giữa dự án, người dùng chấp nhận ít rủi ro và người dùng chấp nhận nhiều rủi ro?
Trong năm 2021, lần đầu tiên mô hình Isolated Pool được ra đời và giới thiệu bởi Solend trên hệ sinh thái Solana. Gần như ngay lập tức nó nhận được sự quan tâm và ủng hộ đông đảo của cộng đồng. Với Isolated Pool các tài sản sẽ nằm ở các pool độc lập và không liên quan đến nhau, điều này có nghĩa là nếu như một tài sản gặp vấn đề thì các tài sản khác cũng không cần quan tâm. Điều này làm cho giao thức có thể chấp nhận nhiều tài sản rủi ro hơn nữa.
Tuy nhiên, mô hình này cũng tạo ra một số vấn đề như:
- Phân mảnh thanh khoản: Việc tách thành nhiều Pool độc lập khác nhau làm lượng các tài sản thế chấp uy tín bị phân rã ra nhiều Pool khác nhau từ đó làm thanh khoản trên mỗi pool lại có sự hao hụt.
- Lãi suất: Thanh khoản thấp dẫn tới lãi suất có thể bị đẩy lên quá cao.
- Ít tài sản thế chấp hơn: Bởi vì mỗi pool riêng biệt nên số lượng tài sản thế chấp cũng sẽ bị hạn chế.
Giới thiệu về Silo Finance
Lấy cảm hứng từ Solend (mọi người có cảm thấy sự tương đồng giữa Solend và Silo không?) thì Silo Finance chính thức ra mắt một sản phẩm hứa hẹn sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề mà các nền tảng Isolated Pool đang gặp phải.
Đầu tiên, Silo vẫn sử dụng mô hình Isolated Pool phổ biến để giải quyết bài toán về tài sản thế chấp và khả năng sử dụng vốn cho người dùng. Tiếp theo, Silo Finance giới thiệu Stablecoin XAI để giải quyết bài toán về việc phân mảnh giữa các Pool và sản phẩm cuối cùng chính là Silo Llama, được xây dựng với mục tiêu sử dụng crvUSD làm tài sản cầu nối (Bridge Assets).
Cơ chế hoạt động của Silo Finance
Bridge Assets là một khái niệm quan trọng trong cơ chế hoạt động của Silo Finance, tạm dịch là tài sản cầu nối khi nó có mặt tại tất cả các pool của Silo Finance. Nếu như ở mạng lưới Ethereum thì Bridge Assets là ETH và XAI thì ở mạng lưới Arbitrum sẽ là ETH và USDC, bản thân Silo Finance cũng xây dựng riêng một thị trường với Bridge Assets là crvUSD.
Cơ chế hoạt động của Silo Finance sẽ diễn ra như sau:
- Bước 1: Người dùng lựa chọn Isolated Pool phù hợp với tài sản nhàn rỗi của mình sau đó deposit tài sản của mình vào và nhận về sToken đại diện cho khoản tiền gửi. sToken khi được đốt sẽ nhận về khoản tiền gửi ban đầu và lãi suất được tạo ra trong quá trình gửi.
- Bước 2: Người đi vay đưa tài sản thế chấp của mình vào Isolated Pool để vay ra ETH hoặc XAI (trên mạng Ethereum, ETH hoặc USDC (trên mạng Arbitrum) và crvUSD trên sản phẩm Llama. Sau đó, họ cầm tài sản đó đến Pool chứa tài sản mình muốn vay để vay ra tài sản đó. Người đi vay sẽ nhận về dToken đại diện cho khoản nợ và lãi.
- Bước 3: Người dùng muốn lấy lại khoản tiền gửi và lãi suất chỉ cần đốt sToken, tương tự với dToken và người đi vay.
Chúng ta sẽ cùng đi qua một ví dụ dễ hiểu như sau: Người dùng sở hữu 1 BTC trị giá khoảng $50.000.
Nếu như Trưởng chỉ có nhu cầu vay ra ETH hoặc XAI hay thậm chí cả hai thì Trưởng chỉ cần gửi BTC vào và vay ra. Nhưng nếu như Trưởng có nhu cầu vay ra AAVE tại 1 pool B thì sau khi Trưởng gửi BTC vào pool A thì Trưởng vay ra ETH hoặc XAI rồi sau đó sử dụng lượng ETH hoặc XAI từ đó vay ra AAVE.
Mọi người sẽ thấy một số điểm nếu như sử dụng ETH làm Bridge Assets thì sẽ có một số vấn đề khi ETH biến động kèm theo cả tài sản thế chấp là BTC biến động thì rất dễ dẫn tới thanh lý. Nên nếu sử dụng một Stablecoin thì sẽ hạn chế được những rủi ro xung quanh việc thanh lý. Vậy tại sao không sử dụng các Stablecoin phổ biến trên thị trường như USDC, USDT thì theo mình có một số lí do dưới đây:
- Nếu sử dụng các Stablecoin như USDT, USDC thì ban đầu sẽ có rất ít Stablecoin được gửi vào giao thức từ đó đẩy mức lãi suất lên cao ngất ngưởng. Với việc SiloDAO là người quyết định việc phát hành và đốt đối với XAI Stablecoin thì sẽ kiểm soát được lãi suất.
- Với việc tự xây dựng Stablecoin giúp cho Silo dễ dàng tích hợp, điều chỉnh phủ hợp với giao thức trong dài hạn.
- Tránh sự phụ thuộc vào các Decentralized Stablecoin.
Xai là một Over-collateralized Stablecoin (Stablecoin được thế chấp quá mức) được gắn peg vào $1 của USDC. Peg của XAI sẽ được giữ nhờ vào việc kinh doanh chênh lệch giá:
- Khi giá của 1 XAI thấp hơn 1 USDC thì người dùng có thể lấy USDC để mua XAI với giá chiết khấu rồi hoàn trả khoản vay của họ.
- Khi giá của 1 XAI cao hơn 1 USDC thì người dùng có thể vay XAI để bán ra thị trường lấy USDC để thừa hưởng khoản chênh lệch.
Đối với việc vận hành XAI thì có một số điểm đáng lưu ý sau:
- SiloDAO kiểm soát lãi suất của XAI từ đó thông qua việc tăng giảm lãi suất để tăng giảm nguồn cung của XAI so cho hiệu quả.
- Mỗi loại tài sản với mức độ rủi ro khác nhau sẽ mang lại mức hạn suất cho vay khác nhau đi kèm với đó là mức thanh lý.
Phí giao thức
Có một số loại phí giao thức trên Silo Finance bao gồm:
- Protocol Fee: Tại thời điểm viết bài là 10%. Mỗi khi người dùng trả lãi thì giao thức sẽ tính thêm Protocol Fee thì sẽ được charge thêm 10%. Ví dụ người đi vay phải trả $100 thì 10% phải trả thêm là $110.
- Entry Fee: 0%. Phí được tính khi người dùng mở vị thế vay trên Silo Finance.
- Liquidation Fee: 0%. Giao thức sẽ tính phí thanh lý khi tài sản của thanh lý thành công.
Tất cả những phí trên đều có thể được điều chỉnh từ 0 - 100% và được quyết định bởi SiloDAO - những người nắm giữ SILO.
Các thị trường hoạt động của Silo Finance
Silo hiện tại đang hoạt động trên 2 thị trường chính với 3 sản phẩm khác nhau:
- Arbitrum: Sử dụng Bridge Assets là ETH và USDC.
- Ethereum: Sử dụng Bridge Assets là ETH và XAI.
- Llama Edition: Sử dụng Bridge Assets là crvUSD.
Cách Silo Finance Thay Đổi Vị Thế
Bắt nguồn từ đội ngũ phát triển
Đội ngũ phát triển của Silo Finance chủ yếu ẩn danh và quan trọng nhất là nguồn gốc của họ đến từ dự án Olympus DAO - một trong những giao thức dẫn đầu xu hướng DeFi 2.0 và thành công nhất trong ngành DeFi khi tạo ra xu hướng Protocol Owned Liquidity.
Có một sự trùng hợp đánh chú ý là bản thân Olympus DAO đầu tư vào rất nhiều các dự án Lending & Borrowing và bản thân đội ngũ cũ của Olympus DAO cũng xây dựng nhiều dự án Lending & Borrowing. Mọi người có thể đọc thêm 2 bài viết về hệ sinh thái Olympus DAO phần 1 và phần 2 để thấy một số các dự án nổi bật như Midas Capital, Vesta Finance, Silo Finance, Vendor Finance và Sentiment.
Với việc hầu hết các đội ngũ này quen thuộc với nhau thường xuyên chia sẻ các ý tưởng với nhau thậm chí có thể một đội ngũ xây dựng nhiều dự án từ đó đã kiến tạo nên một dự án Lending & Borrowing tương đối hoàn hảo.
Break Point đến từ Founder của Curve Finance
Trong bối cảnh thị trường xấu các khoản nợ của Michael Egorov là nhà sáng lập của Curve Finance có nguy cơ bị thanh lý. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra như một số bên mua lại OTC của Michael Egorov tuy nhiên nó cũng không thật sự triệt để. Trong ngày 26 - 27/09/2023, Michael Egorov đã đem CRV trị giá $35.5M để vay ra $10.77M crvUSD sau đó mang lượng crvUSD này swap sang USDT và trả nợ trên AAVE.
Tính đến thời điểm đó, Michael Egorov vẫn còn nợ 42.7M trên các nền tảng Lending & Borowing như Silo Finance, Frax Lend, Inverse Finance và Cream Finance - được thế chấp bằng 253.67M CRV (trí giá $132M tại thời điểm đó).
Có thể nói rằng từ thời điểm Michael Egorov nạp tiền vào Silo Finance thì nền tảng này chính thức bước từ Underground đi lên Mainstream. Trước khi Michael Egorov nạp tiền vào Silo Finance, TVL của nền tảng này đã đi ngang về TVL trong suốt 1 năm với con số chưa tới $30M sau đó TVL tăng tức mức $30M lên mức gần $250M.
Thực tế trước khi Michael Egorov nạp tiền vào Silo Finance và thúc đẩy TVL tăng trưởng thì một bước ngoặt trước đó là việc Silo Finance triển khai sản phẩm Llama dành riêng cho crvUSD. Khi triển khai sản phẩm này TVL của Silo đã tăng từ $30M lên mức gần $70M.
Mối quan hệ là chất xúc tác để thành công trên Arbitrum
Trong 30 dự án nhận được Grant để làm Liquidity Mining thì Silo Finance đứng thứ 15 với tổng lượng ARB nhận được lên đến 1.000.000 ARB với tổng công 175M ARB tham gia bỏ phiếu. Chính sự kiện này cũng làm cộng đồng Arbitrum biết đến Silo Finance nhiều hơn và người dùng cũng bắt đầu đưa tài sản vào Silo để kiếm phần thưởng.
Để có sự thành công của Silo Finance trên Arbitrum thực tế xuất phát từ những mối quan hệ họ có. Thực tế đội ngũ cũ của Olympus DAO có mặt trong rất nhiều dự án trên Arbitrum như Plutus DAO, Jones DAO, Dopex, GMX,... Chính những nền tảng này đã có sự hỗ trợ nhanh chóng giúp đề xuất của Silo Finance được thông qua. Thực tế đã có rất nhiều dự án mặc dù được thông qua nhưng do quá muộn vì đã hết $50M ARB.
Tương Lai Của Silo Finance
Đặt cược vào cuộc chơi crvUSD
Rõ ràng với việc xây dựng một thị trường riêng dành cho crvUSD thì bản thân Silo Finance cũng kì vọng crvUSD sẽ sớm thành công trong tương lai. Nhìn lại crvUSD thì crvUSD là một Over-collateral Stablecoin được phát hành từ các loại tài sản thế chấp như wstETH, ETH, sfrxETH hay wBTC (có thể thấy rằng crvUSD tập trung vào các LST trên thị trường) và định hướng phát triển Multichain như Arbitrum ,Optimism, Polugon, Zksync Era,...
Với tầm vóc của mình trong thị trường DeFi thì khả năng thành công của crvUSD là cực kì cao. Đối với Stablecoin thì nó cần phải có một số các yếu tố cơ bản để thành công như:
- Tính thanh khoản: Yếu tố này thì Curve Finance hiện là Stable Swap lớn nhất thị trường nên nó được bảo đảm 100%.
- Tính áp dụng: Với quan hệ của mình trong thị trường DeFi thì Curve Finance cũng sẽ được đảm bảo nó 100%.
- Thị trường cho vay
Để xây dựng được điểm thứ ba thì Curve Finance có khá ít kinh nghiệm chính vì vậy nó cần một số những đối tác chất lượng để làm việc này và Silo Finance đã lên tiếng. Hành động này của Silo không chỉ là hỗ trợ một chiều mà mình tin rằg đây là sự hợp tác win win trong thời gian sắp tới.
- Nếu như Silo Finance muốn mở rộng sức ảnh hưởng của XAI Stablecoin thì Curve Finance có thể hỗ trợ trong việc mở rộng chiều sâu thanh khoản và đối tác để ứng dụng, tích hợp XAI.
- Nếu như Silo Finance cần được ưu tiên trong việc thanh lý tài sản thì rõ ràng Curve Finance cũng có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho họ.
Đưa XAI Stablecoin lên làm sản phẩm chiến lược
Rõ ràng kể từ ra mắt XAI chỉ đơn giản là một Cross-silos Stablecoin đóng vai trò là một trong các Bridge Assets quan trọng của hệ sinh thái Silo Finance. Và sẽ thật lãng phí nếu để XAI chỉ đơn thuần là một Bridge Assets như vậy. Mình tin rằng việc đưa XAI trở thành một trong các sản phẩm chiến lược của Silo Finance chỉ là điều sớm muộn nếu như Silo Finance thật sự tham vọng.
Nếu như có thể đưa Stablecoin XAI từ Ethereum qua với Arbitrum và các Layer 2 khác thì thực sự sẽ là một cuộc cách mạng cho hệ sinh thái Silo Finance. Bản thân các nền tảng Layer 2 hiện nay cũng đang thiếu những Decentralized Native Stablecoin.
Một năm 2023 không nhiều cập nhật. 2024?
Nếu nhìn vào quá trình phát triển của Silo Finance thì chúng ta không thấy những cập nhật liên quan đến nâng cấp sản phẩm, ra mắt sản phẩm mới. Trong năm 2023 chỉ có 2 sự kiện đáng chú ý đối với Silo liên quan đến việc nhận được Incentive từ chương trình Arbitrum Short-term Incentive Program và nhà sáng lập của Curve Finance.
Điều này làm mình nhớ tới đặc điểm của đội ngũ này đó chính là "chậm chạp, bảo thủ". Nếu như mọi người từng theo dõi các dự án có sự góp mặt hoặc liên quan ít nhiều của Olympus DAO thì bên cạnh những điểm tích cực thì có một vài điểm tiêu cực như:
- Bảo thủ trong một số tư duy. Như câu chuyện Vesta Finance không chịu chấp nhận USDC, USDT làm tài sản thế chấp dẫn tới dự án đã phải đóng cửa.
- Làm việc không quá nhanh. Các dự án thường đặt ra tham vọng lớn nhưng triển khai lại không hề nhanh đó là câu chuyện của Dopex với rDPX V2 hay Redacted Cartel với Dinero.
Với việc có một năm 2023 không có sự khác biệt về sản phẩm liệu có phải đội ngũ của Silo Finance đã chạm ngưỡng và không thể phát triển hơn được nữa? Đây là điều cực kì quan trọng mà chúng ta cần phải theo trong tương lai sắp tới.
Tổng Kết
Silo Finance là một trong những Lending Protocol thế hệ tiếp theo đang làm cực kì tốt công việc của mình và ngày càng phát triển. Mong rằng qua bài viết này mọi người sẽ có thêm nhiều góc nhìn đa dạng về Silo Finance.
💁 Disclaimer: Tất cả bài viết của Hak Research được cung cấp với mục tiêu là chia sẻ kiến thức và không được xem là lời khuyên đầu tư.
- Superseed Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Superseed - September 14, 2024
- Goldilocks Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Goldilocks - September 13, 2024
- Grass Là Gì? Tổng Quan Về Tiền Điện Tử Grass - September 13, 2024